Ký ức làng
Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh
Chương tám
1
Tháng tám năm Đinh Hợi, quân đội Liên hiệp Pháp từ secteur(1)
Đông Triều kéo về phố huyện Nam Thành. Trước khi chiếm trụ sở chính quyền Việt
Minh, chúng cho bắn hai mươi mốt phát mortier tám mươi mốt ly lên đỉnh núi Ông
Tượng. Từ phía Hải Phòng, một chiếc tàu Bà già bay chậm như rùa, vừa kêu
phành phạch vừa rải truyền đơn xuống các điểm dân cư hai bên đường quốc lộ.
Việt Minh hình như đã biết có những cuộc hành quân như thế này nên từ mấy hôm
trước họ rút lực lượng sang bên kia sông. Dân phố huyện mấy năm nay đã chứng
kiến vài lần chính quyền thay thầy đổi chủ. Họ nhìn các đồng chí Việt Minh khoác ba lô lặng lẽ rút đi cũng như
đội quân viễn chinh Pháp lỉnh kỉnh súng ống trở lại bằng con mắt hoàn toàn dửng
dưng của người nhà quê. Những kẻ thức giả thì chép miệng dự đoán: Phen này
rồi sẽ loạn to. Cán bộ Việt Minh dán truyền đơn hiệu triệu Toàn quốc
kháng chiến khắp nơi. Chùa Vĩnh Hưng trở thành điểm liên lạc của Huyện bộ
Việt Minh. Lê Văn Vận rút vào hoạt động bí mật, thỉnh thoảng lại vượt sông về
làng Cùa nắm tình hình.
Cuối năm ấy, quân đội Pháp chở xi
măng, sắt thép từ Hải Phòng lên xây đồn ở Bến Tuần, cách làng Cùa gần hai cây số. Đồn là một hệ
thống phòng thủ gồm ba bunker nửa nổi nửa chìm, phía ngoài có hàng rào kẽm gai
bùng nhùng, chôn mìn cóc, mìn đĩa, bên trong là ngôi nhà chỉ huy kiên cố được
thiết kế như một pháo đài gồm các phòng làm việc, phòng ngủ và tầng hầm. Chiếc
canot nửa trắng nửa đỏ treo cờ tam tài,
trên pont(2)đặt khẩu liên thanh, ngày nào cũng chạy một vòng
xuống tận ngã ba Môi rồi lại ngược lên.
Thỉnh thoảng hứng chí, bọn lính đứng dạng chân nhằm bắn vào bãi chuối hai bên
bờ làm làm lũ liếu điếu, chào mào bay tán loạn.
Việt Minh rút đi, làng Cùa lập tức
bị ép vào tề. Ngô Quỳnh lại ra làm Lý trưởng. Ông ta thừa biết, làm Lý trưởng
vùng Tề giáp ranh với Việt Minh chẳng những không xơ múi gì mà có khi còn bị
tai bay vạ gió, không bị Việt Hùng(3) cắt cổ thì cũng bị Tây đồn đá
đít. Dân làng Cùa thuộc loại mạnh ai theo người ấy, khó bảo, dính vào tí chức
sắc có khi lợi bất cập hại.
Lê Bang lúc này cũng đã ra giữ ghế
Chánh tổng doạ Ngô Quỳnh:
- Ông đã từng làm Chủ tịch Liên
Việt, ít nhiều cũng dính dáng đến Việt Minh, tôi bảo cử cho vào chân Lý trưởng
là muốn để lập công chuộc tội.
Ngô Quỳnh cãi lý:
- Làng Cùa thiếu gì thằng có máu mặt
làm được Lý trưởng mà các ông cứ nhè vào tôi.
Chánh Bang đành phải nói thật:
- Việt Minh bây giờ đang yếu thế phải
tạm rút đi nhưng không bao lâu nữa họ lại về làng Cùa cho mà xem. Bọn ấy có chuyên chính vô
sản trong tay, lơ mơ là mất đầu. Để thầy làm việc , sau này còn có chỗ
ăn nói.
-
Thế ra ông Chánh cũng biết sợ Việt Minh? - Lý Quỳnh châm chọc.
- Sợ quá đi chứ. - Chánh Bang cười
lớn làm ra vẻ thức thời vì đã biết sợ. - Vụ họ khử tay Đỗ Kim còn sờ sờ ra đấy,
có là thằng điên mới chọc vào tổ kiến.
- Sao bảo Đỗ Kim là do
cánh Hội dân cày thanh toán.
- Việt Minh có trăm phương ngàn kế ,
họ nói một đằng làm một nẻo, biết thế nào mà tin.
Làm Lý trưởng, hàng ngày Ngô Quỳnh
phải cắt các trai đinh trong làng lên phục dịch công trường xây dựng bốt Tuần.
Dân Ba Tổng bị bắt phu rất đông. Nhà nào đến phiên không đi được có thể thuê
người làm thay. Cũng thời gian này, Khúc Kiệt từ bên kia sông bí mật về làng
Cùa thành lập đội du kích. Ông ta cử người thân tín, ban đêm vào các gia đình
cơ sở tuyên truyền chủ trương kháng chiến trường kỳ của Việt Minh và vận động
thanh niên gia nhập lực lượng chiến đấu. Khúc Kiệt nói khéo lắm, nhưng người
làng Cùa qua mấy phen kinh hoàng, nằm mơ cũng thấy ác mộng nên xem ra có vẻ
không mấy mặn mà. Cựu thủ lĩnh Áo đen quyết không nản chí. Ông ta về các tổng
Chi Điền, Cao Đôi, Ngân Đôi tuyển mộ được hơn hai chục thanh niên nam nữ, chủ
yếu là tá điền, lấy rừng Hóp làm đại bản doanh với ý đồ có ngày sẽ đánh bốt Tuần.
Lúc này đã là giữa tháng hai. Rừng
Hóp líu ríu tiếng chim mỏ nhát trên những cây sau sau non. Lũ sáo đá và yểng mỏ
vàng đua nhau đồng ca bằng thứ giọng kim cao vút, thỉnh thoảng lại ngắt nhịp
lấy hơi như là bị tắc mũi. Một con sóc
bông màu khói, cặp mắt tròn, nhỏ xíu như hạt
cườm, giỏng đôi tai mỏng dính, nghe ngóng động tĩnh rồi bất chợt hếch
mõm kêu chin chít, giống hệt tiếng chuột đồng bị rắn sọc dưa vồ. Cò xám và giẽ
giun thấy động bay vút lên lượn lờ vài vòng rồi lại đậu xuống đám cành kiền
kiền ngủ gà ngủ gật. Dưới gốc cây keo đá, một con chó hoang lông vằn vèo như
lông báo gấm có cặp tai rất lớn nhìn đám người khoác súng ống bằng cặp mắt đầy
vẻ thù nghịch. Nó có vẻ như đã kịp hình dung ra những ngày sống êm đềm trong
lãnh địa của mình đã qua. Lũ người ăn mặc bát nháo cùng những thứ đồ lỉnh kỉnh
kia sẽ đem tai hoạ đến bất cứ lúc nào.
Khoảng một tuần sau có thêm hai
người làng Cùa lần vào rừng. Đó là cô Mùi con ông Trương Thép và Bùi Quốc Tầm.
Phải nói Khúc Kiệt chọn rừng Hóp làm căn cứ địa là đắc sách. Nó là khu rừng rậm
tách hẳn với các điểm dân cư, lại gần với đầm Ma nên rất thuận lợi về mặt chiến
lược. Mặt khác, rừng Hóp không quá xa bốt Tuần, đội du kích có thể sử dụng cách
đánh chớp nhoáng, sau đó nhanh chóng rút về căn cứ làm cho địch bị bất ngờ, trở
tay không kịp. Đây chính là một trong những lợi thế của phép dùng binh. Khúc
Kiệt đã có kinh nghiệm qua cuộc đụng độ với quân triều đình và quân Nhật. Lần
này dứt khoát phải chiến thắng. Trong vòng hai tháng, ông ta cho các đội viên
vừa luyện tập chiến thuật đánh du kích vừa tập kết lương thực, thực phẩm, vũ
khí vào rừng với quyết tâm dạy cho gã đồn Cáo một bài học.
Làm việc dưới quyền Lê Văn Vận nhưng
thực ra Khúc Kiệt không coi Vận ra gì, bởi anh ta chỉ là tay võ biền, vô học,
do nước ngập mà chó nhảy bàn độc chứ chẳng có chút tài cán gì. Chức Chủ
tịch huyện đáng lý phải của ông ta mới có điều kiện bộc lộ hết sở trường. Đã
làm cái chân trưởng ban An ninh quèn lại luôn bị Vận uốn nắn những lệch lạc về
quan điểm lập trường khiến ông ta vô cùng bất mãn. Sau vụ bao vây chùa Từ Vân,
thiêu trụi mấy cánh đồng lúa của làng Cùa, Vận buộc phải cách chức Khúc Kiệt
chuyển sang phụ trách Nông hội, ông ta bị bẽ mặt, bỏ về Ba Tổng, bí mật thành lập
đội du kích để chứng tỏ bản lĩnh.
Trong đội có một cậu bé tên là Dược
Còi. Bố mẹ Dược mới chết do trúng đạn mortier trong trận càn mười ba tháng tám.
Cậu ta theo chị là một đội viên người Mạc Điền xin gia nhập du kích để trả thù
nhà. Khúc Kiệt mừng lắm liền bố trí cậu ta vào tổ trinh sát. Ông ta thầm nghĩ,
chỉ có Dược Còi trà trộn vào dân phu ở bốt Tuần chúng mới không nghi ngờ. Dược
Còi đã quá tuổi mười ba nhưng người bé loắt choắt chỉ bằng đứa lên mười, đi
chăn trâu thuê cho ông hương Kình từ năm lên bảy. Dược có biệt tài làm diều,
mỗi khi lùa trâu ra đồng đều mang theo diều sáo. Khi đàn trâu thong dong gặm cỏ
trên bãi tha ma hoặc bên gò đống, cậu ta lại rủ bọn choai choai thả diều. Thích
nhất là vào những ngày đầu thu. Dịp ấy trời trong veo không một gợn mây. Cỏ gà,
cỏ chỉ, cỏ mần trầu vẫn còn xanh mướt như tấm thảm nhung trải dài sườn đê. Sau
vụ cày, lũ trâu được xả hơi dài ngày, da con nào cũng đen bóng, cặp sừng cánh
ná nghênh nghênh, đôi tai ve vẩy, mồm gặm cỏ soàn soạt. Cứ tầm nửa chiều là có
đủ loại diều chao lượn trên không. Bọn lớn tuổi thả diều sáo, bé hơn một chút
chơi diều đuôi hoặc diều cốc. Lũ tí nhau
vắt mũi chưa sạch thì tạm bằng lòng với loại diều ống, tức là lấy tờ giấy học
trò gấp làm ba mảnh theo chiều dọc, dán một cái đuôi ngắn, buộc dây chỉ vào hai
mép làm lèo, cầm tay co cẳng chạy. Những con diều chao lượn như mắc cửi, cái
thấp, cái cao, cái kêu tu tu, cái vo ve như nhặng xanh vỗ cánh cùng với tiếng
nghé hoa gọi mẹ tạo thành một bản hoà tấu với nhiều âm vực khác nhau, làm cánh
đồng chiều sôi động hẳn lên.
Buổi sáng hôm ấy, Dược Còi vác con
diều sáo cỡ nhỏ đi lẫn vào đám dân phu làng Mạc Điền lên bốt Tuần. Một người
quen nhìn thấy nó hỏi:
- Mày lên đây làm gì?
- Thằng bé không chút bối rối nói
ngay ra một cái tên mà Khúc Kiệt đã dặn:
- Cháu đi phu thay cho ông cả
Phiên.
Người ấy bĩu môi:
- Trông mày như con nhái, làm được
trò trống gì, không khéo còn bị lính đồn nện cho vài hèo vào mông.
Dược không nói gì. Đến gần đồn, nó
xuống vệ đê giả vờ đi đái, đợi cho cánh dân phu ra đào đất phía ngoài bãi chuối
mới từ từ thả diều. Con diều nhỏ nhưng gắn đến ba cái sáo, thành ra khi đã lên
đủ độ cao, dây căng, nó bắt đầu phát ra chuỗi âm thanh giống như tiếng tiêu
lồng trong tiếng kèn sừng dê lúc bổng lúc trầm nghe khá lạ tai. Tiếng sáo làm
viên Đồn trưởng đồn Tuần chú ý. Thoạt đầu, hắn gấp đống giấy má lộn xộn trên
bàn lại, ngồi trầm ngâm lắng nghe. Những âm thanh vui nhộn của đồng quê vùng
nhiệt đới kích thích trí tò mò làm tay đại uý đứng ngồi không yên. Cuối cùng,
hình như bị thứ nhạc cụ thần kỳ gắn trên con diều quyến rũ, hắn rời bàn giấy,
leo lên đỉnh bunker(4) cao nhất, ngước cặp mắt xanh
màu nước biển lên trời. Kia rồi. Một cánh diều. Cánh diều nhỏ nhoi như chiếc lá
phong lữ thảo mỏng manh, gần như không chao lượn mà gắn vào một tảng mây xốp
sáng lấp lánh giữa vòm trời thu màu ngọc lục. Cặp đồng tử vàng hoe của gã Đồn
trưởng giãn ra. Hắn ngẫm nghĩ một lúc khá lâu, vừa nghĩ vừa đốt thuốc cotab rồi
gọi tay thông ngôn đóng lon Cai:
- Toi(5) ra bảo thằng bé chơi diều vào
đây.
Viên Cai không hiểu ý cấp trên, ngập
ngừng chưa định đi, thấy vậy, tên Đồn trưởng giục:
- Nhanh lên! Bảo nó mang cả cái diều
theo.
Thoạt nghe Dược Còi hoảng. Cậu ta
phấp phỏng đoán già đoán non: Hay là nó biết mình là du kích? Được, chết thì
chết, không bao giờ tao thèm khai. Nghĩ vậy, Dược vừa đi theo Cai Toại vừa
giong diều. Đến bên hàng rào thép gai ở bốt tiền tiêu, cậu buộc dây vào cọc rồi
đàng hoàng vào đồn Tuần. Đồn Cáo tiếp khách với thái độ niềm nở ngoài sức tưởng
tượng của Dược Còi. Cậu cũng không ngờ gã đại uý nói tiếng Việt giỏi đến mức
không cần Cai Toại thông ngôn. Trước tiên, viên Đồn trưởng đưa cho Dược hai hộp
sắt tây bánh biscuits, năm hộp sữa Con chim và một ổ bánh mỳ. Hắn bảo:
- Bé con, cầm lấy đi. Moi(6)
còn nhiều. Từ ngày mai, toi lên đây dạy moi thả diều.
Trong lòng vừa trút được mối nghi
ngờ, Dược mừng lắm nhưng vẫn làm bộ nhăn nhó:
-
Tôi phải đi phu cho ông hương Kình, thả diều với quan đồn về nhà mẹ con
tôi không có tiền đong gạo.
- Ô là là! Lo gì.- Viên đại uý thọc
tay vào túi áo kaki móc ra một nắm tiền Đông Dương ấn vào tay Dược. - Thế này
đủ chưa? Cầm về mà mua gạo.
Dược lặng người trước một số tiền
lớn mà cậu ta không bao giờ dám nghĩ tới nên cứ lúng túng mãi chẳng biết phải
làm gì. Tên Đồn trưởng nghĩ Dược chê ít liền móc thêm một nắm nữa rồi ấn tất cả
vào túi áo nâu mốc thếch của thằng bé:
- Cầm lấy đi, rồi về nhà làm cái
khác. Cái diều đang bay ngoài kia bán cho moi.
Tối hôm ấy Dược kể hết mọi chuyện
với Khúc Kiệt. Ông ta mừng ra mặt, bảo:
- Được, ta phải tương kế tựu kế.
Mấy hôm sau, Dược cùng anh Quất
người Đậu Khê làm chiếc diều to gấp đôi. Ống sáo đã có sẵn. Phết giấy xong, đợi
nửa ngày cho khô mới mang thả thử. Diều bay rất cân, tiếng sáo trầm, vang xa,
nghe hấp dẫn không chê vào đâu được. Dược lại trà trộn vào đám dân phu mang
diều lên đồn Tuần. Đồn Cáo thích lắm lại thưởng cho cậu mấy hộp biscuits và một
bịch to kẹo xích tông(7)
bạc hà. Lúc thả, đồn Cáo cầm diều đâm, Dược giòng dây. Hắn nóng vội
không biết cách đón chiều gió, mấy lần tung lên, diều chỉ nhao được nửa vòng
lại cắm đầu xuống đất. Dược nhặt lên, chỉnh lại lèo rồi đâm làm
mẫu. Cuối cùng thì viên đại uý cũng học được cách thả diều. Khi con diều
đã lên đủ độ cao, bay ổn định, Dược buộc dây vào cọc. Đồn Cáo ngồi bệt xuống
cỏ, châm thuốc hút và khoan khoái lắng nghe tiếng nhạc mê ly từ chín tầng mây
vọng xuống.
Đồn Cáo về bốt Tuần từ cuối năm ngoái. Hắn vốn
là sĩ quan tham mưu thuộc binh đoàn Lê dương thứ ba của quân viễn chinh. Đồn
Cáo chỉ là biệt danh dân Ba Tổng đặt cho còn tên thật của hắn là Gabriel
Duchamp quê vùng Besançon. Cách đây hai năm, Gabriel được điều sang Đông Dương
làm việc dưới quyền đại tá pháo binh Bernard đồn trú ở Kiến An. Nhật đảo chính,
hắn bị bắt giam ba tháng sau đó được phóng thích liền trốn sang Campuchea, đang
định tìm cách về nước cùng với đám chiến hữu bại trận thì gặp lúc quân đội Pháp
tái chiếm Bắc Kỳ, Gabriel trở lại con đường binh nghiệp sau chuyến gặp gỡ viên
chỉ huy cũ ở Hà Nội lúc này đã là Trưởng phòng tác chiến trong Bộ tham mưu của
tướng Morlière. Về bốt Tuần, Gabriel bắt đầu có thói quen là rất thích chén
thịt gà nhưng phải là loại gà mái đã đẻ từ một đến hai lứa, da vàng, thịt chắc,
béo mỡ được nuôi bằng ngô hạt trồng trên bãi sa bồi ven sông Lăng. Mỗi bữa hắn
chỉ ăn hai cái đùi và bộ lườn, phần còn lại nhà bếp cho vào nấu sốt để lính bản
xứ ăn với bánh mỳ. Nguồn cung cấp gà chủ yếu là do Lý trưởng các làng vùng Ba
Tổng bắt dân nộp theo định kỳ rồi cử người mang lên đồn. Trong vòng ba năm
Gabriel đã xơi đến hơn hai nghìn con gà, một kỷ lục có thể đưa vào sách Guinness.
Dân Đậu Khê tức nhưng không làm gì được liền bảo nhau “tiến” một lồng toàn gà mái đã đẻ hàng chục lứa, thịt dai ngoách,
ngài Đồn trưởng không nhai được liền sai lính nọc lý Vạn ra quất cho hai chục
hèo mây.
Gabriel có khổ người trung bình và
khuôn mặt khá đẹp trai với chiếc mũi thẳng, cặp mắt xanh và bộ ria nhọn, đen
nhánh vểnh lên giống hệt các nhà quý tộc tỉnh lẻ nước Pháp thời vua Louis XIV.
Mỗi khi ra đê thả diều hoặc đi canot dạo trên sông Lăng, đồn Cáo đều mặc quần
short kaki Mỹ, áo cộc tay kẻ ô vuông và đội chiếc mũ trắng rộng vành như mũ du
lịch của người vùng Địa Trung Hải. Canot chạy rẽ nước trên sông, đồn Cáo chĩa
ống nhòm quan sát hai bên bờ, thỉnh thoảng lại gật gù với Cai Toại.
- Hôm nào chúng ta phải ra thăm cồn
Vành.
- Không được đâu, thưa ngài.- Cai
Toại lắc đầu - Theo tôi được biết, các đơn vị du kích Việt Minh đã bắt đầu hoạt
động. Họ có những xạ thủ bắn tỉa rất giỏi.
- Ông doạ tôi đấy à? - Đồn Cáo cười
nhạt bảo - Lũ nhà quê chân đất ấy chúng làm quái gì có vũ khí hiện đại ngoài
mấy khẩu mousqueton từ thế chiến thứ nhất mà quân đội Pháp đã thải ra.
- Đại uý không nên chủ quan.- Cai
Toại chỉ tay về phía làng Cùa bảo. - Dưới luỹ tre làng hiền lành tưởng như rất
nên thơ kia luôn ẩn giấu những hiểm hoạ bất chợt chẳng bao giờ dự đoán trước được.
- Hình như từ sau hôm bị bắn trượt
ông đã mất hết đảm khí.- Gabriel mỉa mai tay thông ngôn bản xứ.- Mục đích quân
đội Liên hiệp Pháp trở lại Việt Nam là tiêu diệt chính phủ kháng chiến của ông
Hồ Chí Minh chứ không phải để họ tập kích ta bằng vài thứ vũ khí thô sơ. Mấy
hôm nữa sẽ có cuộc hành quân vào vùng Ba Tổng, ông chuẩn bị đi cùng tôi để nâng
tinh thần lên.
Cai Toại biết đồn Cáo có máu yêng hùng thích
lập chiến công để gắn médaille Anh
dũng bội tinh. Mấy trận càn vừa qua tuy có bị tổn thất chút ít nhưng nói
chung đã bình định xong vùng Kim Đôi, Ngân Đôi, Chi Điền, thành lập được các
đội dân binh, nghĩa dũng, củng cố hệ thống làng tề nên Gabriel được coi như
người hùng.
Dần dần, Dược Còi quen hầu hết quan
tính đồn Tuần. Cậu có thể ra vào bất cứ lúc nào mà không bị bọn gác xét hỏi. Gã
Đồn trưởng bị tiếng sáo diều mê hoặc. Những ngày khô ráo, mỗi buổi chiều, sau
khi thả diều, hắn lại trèo lên nóc bunker lấy ống nhòm ra ngắm. Trong bộ sưu
tập của mình, đồn Cáo đã có đến năm con diều. Đẹp nhất là chiếc diều cánh cốc
dán bằng giấy màu sặc sỡ. Hắn lấy tên con gái là Eliane đặt cho nó. Diều này
bay thấp, không có sáo mà chỉ gắn màng, gặp gió đuôi “cốc” bay phần phật, màng kêu như tiếng ve kim. Gabriel có vẻ như
chẳng nghi ngờ gì thằng dân phu bé con. Lợi dụng thời cơ, cậu đã tìm hiểu được
nơi đặt súng mortier, súng máy, hệ thống hầm ngầm và các bãi mìn ở ngoài hàng
rào kẽm gai. Thỉnh thoảng bọn lính đi càn về, vứt súng bừa bãi, Dược còn thủ
được mấy quả lựu đạn đưa cho Khúc Kiệt. Tuy nhiên có một trở ngại lớn là cậu
không biết chữ, nói thì được, nhưng vẽ sơ đồ, đánh dấu các vị trí trọng yếu
trong đồn là việc hoàn toàn quá sức. Trường hợp của Dược chỉ là một biệt lệ do
thói ham chơi của tên Đồn trưởng. Dịp này, bọn lính tuần tra, canh phòng ngày
đêm rất cẩn mật, chỉ cần phát hiện một chút khả nghi là chúng bắn không tiếc
đạn. Khúc Kiệt suy nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra cách giải quyết mặc dù căn cứ vào
lời kể của Dược ông ta đã hình dung ra phần nào cách bố trí hoả lực trong đồn.
Đồn Tuần là vị trí chiến lược quan trọng. Nếu đánh không thắng chúng sẽ đem tàu
chiến ngược sông Lăng từ Ngã ba Môi lên hoặc câu đại bác từ secteur Đông Triều
về. Thậm chí để giữ vị trí đồn trú, quân
đội Pháp sẵn sàng mang máy bay B26 đến ném bom huỷ diệt các làng xung quanh.
Khúc Kiệt còn biết, mấy tháng qua,
từ bên kia sông, Lê Văn Vận đã cho mấy tổ trinh sát lần mò đến bốt Tuần nhưng
đều thất bại. Gần đây, có ba người dùng bè chuối thả trôi sát đồn, do không nắm
rõ địa hình, một vướng mìn gài dưới mặt nước, còn hai anh kia bị canot rọi đèn
lao ra tóm sống. Họ đều còn trẻ và gan lỳ không chịu khai. Đồn Cáo ra lệnh xử
bắn, vứt xác xuống sông. Hôm ấy Dược Còi cũng ở trong đồn thả diều với viên chỉ
huy. Hắn vẫn dõi mắt theo con diều sáo một cách thích thú vừa nhai biscuits rau
ráu. Nhóm thứ hai đóng giả là dân phu từ phía kẻ Bòng, nửa đêm vượt sông ở đoạn
bến Trại, không ngờ bị toán nghĩa dũng làng Cùa bắt được giải về đồn. Gabriel
sai tên Adjudant Trần Cao đem xuống hầm ngầm ngâm nước đến cổ thỉnh thoảng lại
ấn đầu xuống chừng nửa phút cho sặc phù sa. Hai anh địa phương quân sợ phải
khai. Gabriel lập tức cho giải họ về quartiere Nam Thành cùng với biên bản hỏi
cung trình thiếu tá Lamartine.
Nghĩ mãi, không còn cách nào hơn, cuối cùng
Khúc Kiệt giao cho Dược tìm cách lấy tấm bản đồ phòng thủ. Dược biết, bản đồ ấy
để trong cặp da, chiếc cặp lại để trong tủ sắt ở phòng đồn Cáo. Vào phòng hắn
đối với Dược không khó. Cái khó nhất là làm sao có được chiếc chìa khoá viên
đại uý luôn mang trong người. Khúc Kiệt đưa cho Dược cục sáp, bảo cậu ta làm sao
in được chìa khoá tủ vào đó ông ta sẽ có cách. Hôm ấy trời nắng gắt. Thả diều
xong, đồn Cáo thấy người bứt rứt khó chịu liền vào buồng tắm. Bộ quần áo kaki
dầy cồm cộp cởi ra quăng cuối giường. Dạo này Dược gần như thằng bồi nhỏ, đã
mấy lần cùng dán diều với đồn Cáo nên được hắn tin cậy. Đây quả là dịp may ngàn
năm có một. Dược nhanh chóng tìm được chìa khoá và lần lượt ấn từng mặt vào
miếng sáp.
Mấy hôm sau, Khoá Kiệt giao cho Dược
chiếc chìa khoá đồng mới tinh. Ông ta dặn:
- Thời gian gấp rồi, phải tìm cách
lấy ngay tấm bản đồ.
Dược lo lắm. Lấy mẫu chìa khoá đã
khó nhưng không nguy hiểm bằng mở tủ lấy bản đồ. Trót lọt thì không sao, còn
nếu đang loay hoay mà đồn Cáo bắt được thì cầm chắc cái chết trong tay. Nhưng
rồi Dược nghĩ đến bố mẹ, đến đám dân phu ngày đêm nai lưng ra khiêng đất, đắp ụ
súng, đào công sự bị roi da bò của tên đội Tảo quất thành từng vệt trên lưng,
đến những người dân vô tội vùng Ba Tổng bị chính tên quan Ba ra lệnh trói chân
tay, nhét vào rọ tre thả xuống sông Lăng chỉ vì họ giấu Việt Minh dưới hầm bí
mật. "Phải liều thôi.- Dược nghĩ-
Ông Khoá đã quá ngũ tuần mà vẫn
lặn lội trong rừng Hóp chỉ huy du kích đánh giặc, mình mới tí tuổi đầu lại sợ
chết, thật xấu hổ. Cứ hoàn thành nhiệm vụ đã còn những việc khác tính
sau".
Thời gian chờ đợi vô cùng căng thẳng mà dịp
may vẫn chưa đến. Cứ mỗi lần từ đồn Tuần về, gặp anh em trong đội du kích mặt
Dược Còi lại ỉu xìu. Ba ngày rồi năm ngày, bẩy ngày, thời khắc qua vùn vụt đã
tưởng hết hy vọng, vậy mà dịp may lại đến. Đó là vào hôm Dược vác lên đồn con diều to như chiếc thuyền
đánh lưới bén. Loại này khi thả phải dùng dây tre bánh tẻ luộc kỹ với nước muối
mới chịu được. Tên Đồn trưởng thấy khoanh tre quá cồng kềnh, vác đi vác lại khá
bất tiện liền bảo cậu về đồn lấy cuộn dây dù vừa nhẹ vừa bền, còn hắn dùng nhựa
sung dán lại một vài chỗ bị bong giấy. Dược chạy, tim đập loạn xạ. Mấy thằng
lính hỏi, Dược bảo:
- Lấy dây dù trong phòng quan lớn.
Vào đến nơi, Dược nhìn trước nhìn
sau rồi rút chìa khoá mở tủ. Chìa khoá giũa khéo, xoay một vòng là được. Chiếc
cặp da đây rồi. Quả nhiên ở một ngăn có tấm bản đồ gấp tư còn mới kẹp giữa
những giấy tờ khác. Đây là thời điểm quyết định, không thể chần chừ. Dược đã
bình tĩnh trở lại. Cậu lấy tấm bản đồ luồn vào chiếc túi trong vạt áo mà chị
Mùi đã khâu sẵn cho từ mấy hôm trước rồi nhanh chóng để cặp vào tủ khoá lại như
cũ. Xong việc chính cậu mới vơ cuộn dây dù bước ra khỏi phòng tên quan Ba. Đồn
Cáo đợi lâu, sốt ruột đã văng Merde salaud (mẹc xà lù) nhưng thấy Dược chạy đến hắn lại nhoẻn miệng cười. Phải
kiên nhẫn lắm, Dược mới đóng trọn được vai kịch. Suốt buổi thả diều, tấm bản đồ
cứ cồm cộm trong bụng, cậu chỉ lo, chẳng may nó tuột ra thì chắc chắn sẽ ăn
ngay mấy viên đạn của khẩu Mauser lúc nào viên đại uý cũng kè kè bên hông. Gần
tối, đồn Cáo mới cho Dược về. Trước mặt hắn, cậu thọc hai tay vào túi quần
short rộng thùng thình, nghênh ngang bước, khuỷu tay khuỳnh ra, giống hệt một
tay anh chị phớt đời. Khi đã cách đồn khá xa, hút bóng gã đại uý cậu mới lao
xuống chân đê co cẳng chạy. Gần đến điếm Bài Vân, chợt thấy một gã câu ếch đội
nón mê từ bụi tre nhô ra, Dược thoáng giật mình, nhưng khi nhận ra Khúc
Kiệt thì mừng vô kể. Hai người lẩn vào
vườn chuối thì chạm ngay đội Tảo vừa cùng tốp lính đi tuần từ làng Cùa ra. Thấy
bóng người, đội Tảo ra lệnh cho lính quay lại đuổi theo. Khoá Kiệt vội xé rào
chạy chạy về phía ao Quan. Tấm bản đồ phòng thủ đồn Tuần vẫn nằm trong túi áo
Dược.
- Việt Minh, đứng lại! - Một gã mặt
non choẹt, giọng the thé quát.
Dược cắm đầu cắm cổ chạy ngược lên
điếm làng, định lẩn vào đám dứa dại thì tên này nổ súng. Cậu khựng lại, đầu
nhao về phía trước. Lúc ấy mặt trời vừa tắt. Trên cao, phía cồn cát sông Lăng
lơ lửng một vành trăng khuyết.
Chừng nửa giờ sau, bọn lính tuần khiêng Dược về đến bốt Tuần. Thật ra
cuộc rượt đuổi hoàn toàn tình cờ, chỉ cần viên đại uý đứng ra bảo lãnh là cậu
vô can nếu như đội Tảo không tìm thấy
tấm bản đồ giấu trong túi áo. Đến lúc ấy đồn Cáo mới hiểu mức độ tai hại của
trò chơi thả diều. Hắn tự tay đánh Dược bằng loại roi song ngâm nước muối, mỗi
nhát vụt người cậu giật nẩy lên, máu toé ra nhưng nhất định không khai ra đội
du kích rừng Hóp.
Sang ngày thứ ba, vẫn không khai thác được gì ở Dược,
Gabriel lồng lộn như con thú bị thương sai tên quan Hai người đảo Corse cùng
một toán lính Âu Phi mang cậu bé xuống bãi sông xử bắn.
2
Những trận mưa tháng bẩy kéo dài
khác thường làm cánh đồng vàn liền với đầm Ma bị úng. Trà lúa sớm đang xanh mơn
mởn giờ ngập lút dưới làn nước nhờn nhợt màu cỏ úa. Chỉ những bụi lác hoặc cỏ
vòi voi là bất chấp. Nước dâng đến đâu chúng vươn cao đến đấy. Nhiều cây, trong
một đêm đã kịp trổ hoa trắng phất phơ trên mặt nước giống hệt những chiếc chong
chóng bé tí xíu xoay tròn trong gió. Bên đầm Ma, những bụi dành dành chen nhau cạnh đám mộc hương khẳng khiu hoa vàng sẫm toả
thứ mùi hăng hắc rất khó ngửi nhưng lại vô cùng hấp dẫn lũ ong khoái đến hút
mật. Bọn này không có tổ cố định mà thường di chuyển một cách tuỳ hứng đến
những nơi có nhiều hoa đang nở trong rừng Hóp. Ong khoái bám vào cành cây phèn
gai hoặc một đoạn dây chạc chìu lòng thòng hàng ngàn vạn con, trông xa gần
giống như chiếc chổi tre mầu nâu sẫm. Mỗi khi thấy nguy hiểm, những con đậu
phía ngoài lập tức “rùng mình” kéo theo sự chuyển động bởi một vũ điệu kỳ quái
của cả bầy, nhìn vào sởn cả gai ốc. Măng hóp gặp mưa ngâu đâm lên tua tủa.
Những con bồ các đang ấp trứng kêu quang quác mỗi khi nhìn thấy các đội viên du
kích đào măng ngay dưới tổ của chúng. Một đôi chim sâu ngó nghiêng chuyền cành bằng cặp chân bé
xíu như cây tăm màu hồng phấn. Chúng vừa
nhảy nhót vừa kêu lích tích có vẻ tự thoả mãn với thời tiết ướt át, chẳng mấy
quan tâm đến những kẻ lạ mặt đang chặt cây làm nhà dưới kia. Lũ cò con hoàn
toàn không biết sợ, nhìn thấy người cứ ngoác cái mỏ ngà viền lông tơ trắng đòi
ăn bằng thứ tiếng khàn khàn ngắt nhịp rất đều, nghe khá tức cười.
Lán của Khúc Kiệt ở ngay dưới một tổ
cò. Chiều chiều, cò bố, cò mẹ đi kiếm mồi về, lượn trên vòm cây kêu nháo nhác
làm ông ta phát cáu vớ mấy cục đất ném lên. Ấy là những lúc ông chỉ huy du kích
đang nghiền ngẫm kế hoạch đánh bốt Tuần. Căn cứ vào lời kể của cu Dược thì bốt
Tuần là một cứ điểm quân sự với hệ thống phòng thủ chắc chắn. Các bunker(8)đều
được bố trí hoả lực mạnh với một khẩu đại liên và hai trung liên đầu bạc. Nếu
chỉ dựa vào số vũ khí chắp vá thô sơ là mấy khẩu mousqueton cà khổ và dăm quả
lựu đạn tự tạo cùng với hơn chục mã tấu mà đánh đồn thì chẳng khác gì gãi ghẻ,
có khi lại bị phản kích, thất bại là chuyện không phải bàn. Vậy chỉ còn một
cách đánh nhỏ, đánh chắc, nghĩa là chờ những hôm đồn Cáo đưa lính đi càn, ta phục
sẵn ở những vị trí hiểm yếu rồi tấn công bất ngờ may ra mới thành công. Đây
chính là phương thức chiến tranh du kích, thực hiện kháng chiến trường kỳ,
làm tiêu hao sinh lực địch mà cấp trên
đã phổ biến trong đợt chỉnh huấn vừa qua .
Sau vụ xuýt mất tấm bản đồ, Gabriel
lập tức bố trí lại hệ thống phòng thủ. Hắn cho xây thêm hai bunker phía trong
đê cách bốt chính hơn trăm thước, mỗi bunker
bố trí một tiểu đội Âu Phi và lính bản xứ làm thế liên hoàn, sẵn sàng
chi viện lẫn nhau khi một trong những nơi đó bị tấn công. Phía bờ sông cũng
được tăng cường thêm một hàng rào kẽm gai giăng ngầm dưới nước đề phòng du kích
đột nhập ban đêm. Công việc xong xuôi, Gabriel bảo viên thiếu uý Thierry:
- Trong tuần tới, toi phải thực hiện
cuộc hành quân xuống tổng Chi Điền. Moi vừa nhận được tin Việt Minh đã cắt cổ
lý Lọng treo đầu lên cành đa ngay trên bến Lác. Mục đích của chuyến này là phải
bắt cho được những tên Việt Minh nằm hầm bí mật chỉ huy du kích, xử bắn ngay tại chỗ để răn đe.
Thierry là người đảo Martinique. Hắn mới về đồn Tuần, chưa nắm được tình hình
vùng Ba Tổng nhưng có Khúc Văn và đội Tảo giúp sức nên trong vòng một tháng qua
đã mở ba trận càn thành công. Khúc Văn đóng lon thiếu uý mới được điều về bốt
Tuần thay cho Gauche bị tử thương do vướng mìn du kích.
*
* *
Sau khi thoát khỏi trận hoả hoạn
chùa Từ Vân, các hội viên Dân cày tan tác mỗi người một nơi. Phạm Cửu và Lê Khả
chạy về Đậu Khê bị Việt Minh phục kích bắn chết. Lại Văn Chương sang Cao Xá
được nửa tháng thì theo một người buôn bè ngược sông Thao lên Yên Bái. Khúc Văn
và Lương Văn Tuyến vượt đường 283, giả làm thợ đấu sang vùng Vạn Thái lánh nạn. Quân đội Pháp tái
chiếm huyện Nam Thành đóng bản doanh ở ngôi nhà hai tầng của Hàn Phúc thì dân
buôn bán tản cư khắp nơi lại đổ về chợ Cháy. Hồi còn học lớp đệ lục, Khúc Văn
chơi thân với Vũ Lộc, con trai ông hàn Phúc là nhân viên phòng Nhì. Vũ Lộc liền
vận động anh ta vào quân trường Đà Lạt. Khúc Văn nói tiếng Pháp lưu loát lại là
người có quan điểm chống Việt Minh triệt để nên được bố trí học ngành tham mưu.
Ra trường anh ta được đưa về secteur Đông Triều làm phụ tá cho quan Tư Piere
Pleven.
Hai tiểu đội lính dõng trang bị súng
trường mát, lựu đạn, dưới sự chỉ huy của đội Tảo hành quân theo đội hình hàng
dọc trên đê sông Lăng. Thierry và Khúc Văn đi với toán Âu Phi. Bọn này cũng
được trang bị trường mas nhưng thêm một khẩu trung liên đầu bạc. Lộ trình hành
quân không gặp trở ngại gì. Trên đê không một bóng người. Bọn lính gốc Phi cao
to, da đen sì như trát bồ hóng, thằng nào mặt cũng lầm lầm, vai khoác súng,
chân đi ghệt cao cổ, nện gót rầm rập hệt như đang duyệt binh trên quảng trường.
Khúc Văn chỉ tay vào đám cây cối rậm
rạp cách đê chừng dăm bảy cây số bảo Thierry:
- Ngài có biết khoảng rừng kia
không?
Thierry lắc đầu:
- Xa quá, chắc là một làng nào đó.
Khúc Văn cười khẩy:
- Ngài nhầm rồi. Đó là rừng Hóp. Hồi
người Nhật đem quân về làng Cùa, sau khi thất bại, tàn quân Việt Minh rút ra ẩn
náu ở đấy.
Viên quan Một ngẫm nghĩ một lúc chợt
hiểu ra, gật đầu:
- Cách đây ít lâu, đại uý Gabriel đã
nói, có thể quân du kích địa phương sẽ dùng khu rừng ấy làm căn cứ kháng chiến.
- Đại uý dự đoán không sai. - Khúc
Văn chĩa ống nhòm vào rừng Hóp ngắm một lúc rồi nói - Vùng Ba Tổng vẫn còn một
số cán bộ nòng cốt Việt Minh nằm vùng. Chúng sẵn sàng móc nối với bọn từ bên
kia sông Lăng về kích động đám bần cố nông chống lại ta. Mấy làng quanh đây tuy
đã vào tề nhưng như thế không có nghĩa là dân chúng chịu khuất phục, cho nên
cần phải thẳng tay trừng trị thì mới có thể sớm bình định được.
- Vậy trước mắt phải làm gì để hạn
chế hoạt động của Việt Minh?
- Tăng cường hành quân, truy lùng
Việt Minh nằm vùng, chặn đứng nguồn cung cấp vũ khí.
- Phải, đó là những biện pháp rất
hữu hiệu trong kế hoạch bình định vùng đồng bằng Bắc Bộ của ngài Trung tướng
Tổng chỉ huy, nhưng có thực hiện được hay không lại là chuyện khác. - Thierry
xem ra không mấy tin tưởng vào tài cầm quân của tướng Alessandri - Theo tôi
được biết, sau thất bại Đông Khê, nhân dân Pháp bắt đầu mất lòng tin vào giới quân sự.
- Thiếu uý không tin tưởng ở sức
mạnh của quân đội Liên hiệp sao?
Chàng trai Martinique
khẽ cau mày:
- Tin thế nào được khi mà mấy tháng
gần đây các cuộc hành quân của chúng ta chỉ bắn mortier và xả đạn súng trường
vào đám dân cày, giết phụ nữ và trẻ em, còn kẻ thù đích thực thì cứ thoắt ẩn
thoắt hiện như ma. Tôi sợ rằng trận càn hôm nay cũng chỉ tóm được vài tên Việt
Minh tưởng tượng.
- Tôi sẵn sàng đánh cuộc năm ăn một
với thiếu uý đấy. - Khúc Văn xốc lại khẩu súng ngắn trễ xuống hông nheo mắt
nhìn viên sĩ quan Pháp - Tin tình báo cho biết, một trung đội địa phương quân từ Cổ Bi đã đột nhập vào làng
Chi Điền. Bọn này sẽ phối thuộc với đội du kích do tên Tùng chỉ huy đang có kế
hoạch phá tề, xây dựng làng chiến đấu.
- Tôi không tin.
- Rồi thiếu uý sẽ phải tin.
Trung đội Âu Phi tản ra thành ba
hướng theo đội hình chiến đấu. Khúc Văn dẫn đầu toán lính Maroc và tiểu đội
dõng kéo thẳng vào đình Thượng. Thierry bao vây vòng ngoài, chặn cổng phía tây
nam. Đường làng không một bóng người. Từ hôm lý Lọng bị xử tử, cánh chức sắc
như gà phải cáo, không ông nào dám đứng ra cầm triện đồng. Phó lý Bài bó mình
trong chiếc áo the ngắn cũn cỡn, chiếc quần lá toạ ống thấp ống cao, hấp tấp ra
đình. Khúc Văn hỏi:
- Ông có danh sách những nhà có
người theo Việt Minh không?
-
Dạ có.
- Dẫn chúng tôi đến!
Phó lý Bài bất chợt lúng túng:
- Bẩm quan lớn, chúng chỉ về ban
đêm, giờ này không đứa nào dại mà ở lại trong làng.
- Ông chủ quan lắm. - Khúc Văn mắng
- Chúng nằm dưới hầm bí mật, ông hiểu
chưa?
Căn nhà đầu tiên bị khám là bà Đôi,
một phụ nữ goá chồng, mắt loà, đang lúi húi nấu cám lợn. Khúc Văn thốc mũi giầy
vào ngực bà ta, dằn giọng:
- Đêm hôm qua thằng Bằng mới vượt
sông Lăng về đây, giờ nó ở đâu?
Bà già ôm ngực ho:
- Bẩm quan, thằng con tôi đi Hải Phòng từ cuối năm Tuất, từ bấy đến nay
chẳng có tin tức gì.
- Nói láo! - Khúc Văn quát. - Nếu
không chỉ hầm bí mật, ta bắn vỡ sọ.
- Quan lớn thương tình. - Bà già
chắp tay vái viên thiếu uý. - Nó là thằng con bất hiếu, bất mục, nghe người ta
xui dại, tôi không dậy được. Các quan cứ cho người khám nhà, nếu tìm thấy, xử
bắn tôi không ân hận gì.
- Lục soát! - Khúc Văn ra lệnh .
Mấy tay lính Maroc cùng tốp dõng
xách thuốn xăm hầm. Khúc Văn ngồi trên chiếc chõng tre, vắt chân chữ ngũ, đốt
thuốc, thở phì phèo, chốc chốc lại gõ đế giầy xuống đất đánh nhịp. Khoảng mười
phút sau, viên Cai người Bắc Phi chạy đến trước mặt Khúc Văn nói bằng tiếng
Pháp:
- Bẩm thiếu uý, đã thuốn hết lượt,
không thấy hầm bí mật.
- Còn trong bếp, dưới gầm giường?
- Tất cả đều đã được kiểm tra.
- Thôi được. - Khúc Văn đứng
dậy hất hàm về phía bà Đôi. - Nện cho
con mụ kia một trận.
- Thưa… hình như bà ta hơi điên.
- Gọi ông Đội Tảo chuyển sang nhà cả
Nhưỡng.
Nhà Bảy Nhưỡng nằm cạnh ao làng. Đây
là khoảnh ao khá rộng thả toàn bèo tây quanh năm xanh tốt. Những tầng bèo lưu
cữu hết năm này đến năm khác, chồng chất lên nhau đến mức có chỗ dẫm vào không
bị lún. Bố cả Nhưỡng là ông Phó Đang có chân trong hội Tư văn. Bà Cả sinh được
hai chị em Nhưỡng rồi mắc chứng hậu sản sài mòn qua đời lúc mới hai mươi bảy.
Ông Phó tục huyền với một bà người làng Báng. Bà Hai tính nết hiền lành, nhu
thuận, cả họ đều quý nhưng chỉ được mỗi mình cu Thạch. Tính Thạch khác người.
Được chiều cậu ăn hiếp cả anh chị, lên bảy còn bắt Nhưỡng cõng đi chơi, chân
dài ngoằng chấm đất. Ông Phó Đang làm nghề chạm khắc gỗ, cũng kiếm ra tiền, chỉ
phải dữ đòn. Chị Tí Nhường và cả Nhưỡng sợ một phép. Có chiếc diều đuôi của ai
đó đứt dây vướng vào ngọn đa làng, Thạch bắt anh phải lấy cho mình chơi. Cây đa
cao to, tán sum sê xoè rộng cả một gò đất hơn hai sào. Con diều đậu đúng vào cành
cao nhất. Từ trên chót vót ấy nhìn xuống, Nhưỡng chóng mặt, không dám leo xa
hơn nữa. Thấy vậy, Thạch lăn ra đất, đập đầu vào gốc đa khóc. Thương thằng em
trai, Nhưỡng nhắm mắt liều. Nào, cố lên, chỉ ra bốn chục phân nữa thôi là được.
Nhưỡng run quá. Bất chợt cái đầu hình tam giác của một con rắn xanh ngọ ngoạy
ngay phía dưới cùi tay làm mắt cậu hoa lên… Cũng may trong khi rơi, Nhưỡng chạm
được vào một cành nhỏ phía trên chạc ba. Cậu nhanh trí tóm lấy rồi đánh đu quặp
được vào cành ngang. Xuống đến đất, mặt Nhưỡng tái xám như gà toi vừa bị cắt
tiết. Thật hú vía. Đang tức, thấy thằng em cứ nằm giãy đành đạch ăn vạ cậu ta
liền phát cho mấy cái vào mông, lôi tuột về nhà. cu Thạch tuy bé nhưng cũng
không vừa, thấy diều chẳng được mà lại bị đánh liền ôm cột nhà, lấy chân đạp
anh, sau đó nằm xoài ra đập đầu vào tảng đá kê chân cột. Nghe tiếng khóc, ông
Phó từ trong nhà chạy ra quát:
- Thằng Nhưỡng lại đánh em phải
không?
Nhìn thấy cu Thạch đầu nhoe nhoét
máu, vừa gào vừa chửi, ông cáu tiết, cầm thước lim quất túi bụi vào đầu vào vai Nhưỡng. Lớn chút
nữa, hễ ông Phó đi làm xa là bà Trẻ không bảo được con. Thạch lang thang khắp
làng trên xóm dưới trêu ghẹo đám trẻ con khiến cho hôm nào cũng có người gọi
cổng. Có lần bà Trẻ cầm dao đuổi. Cậu ta liếc mắt nhìn trước nhìn sau, thoắt
cái leo tót lên cây vối bờ ao. Đến ngọn cây Thạch cúi xuống bảo mẹ:
- Bà có giỏi thì lên đây.
Bà mẹ sợ, van lạy mãi ông con vẫn cứ
lờ đi, ngồi trên cây ăn quả vối chín đến thâm môi rồi mới chịu xuống. Lần khác,
cu Thạch ném phân trâu vào nhà bà Hú, một bà già dở hơi sống độc thân trong túp
lều rách cạnh ngôi miếu cổ. Buổi chiều, bà ta đến trước cổng gọi đích danh ông
Phó Đang ra chửi. Bà ta chửi có bài bản và cái chính là chửi rất dai, ngữ điệu
lên bổng xuống trầm nghe như hát tuồng khiến bà Trẻ tức điên.Tuy nhiên vốn có
kinh nghiệm đối phó với những trường hợp này nên bà tỏ ra rất nhũn nhặn:
- Cháu nó đầu bò đầu bướu. Tôi xin
bà. Bà cứ về để tôi dạy cháu.
Tất nhiên là lúc đấy cu Thạch trốn
biệt, trưa hôm sau mới về, định vào buồng tìm cơm nguội nhưng nhác thấy mẹ lại lảng ra. Bà Trẻ
nói rất ngọt:
- Thạch đã về đấy hả? Vào khênh giúp
u thúng thóc để chốc nữa xay rồi đi mà ăn cơm .
Ông con tưởng thật bước vào buồng.
Bà Trẻ nhanh tay chốt cửa lại, nghiến răng nghiến lợi bảo:
- Bây giờ thì mày chết với bà !
Miệng nói, tay với cái dùi đục của
ông Phó quật vào lưng con trai. cu Thạch giơ tay đỡ, đảo mắt nhìn quanh. Bỗng
thoắt cái, cậu nhảy lên mặt hòm gian, đánh đu lên xà nhà, đạp tung vách đố đan
bằng tre rồi phi thân xuống bàn thờ gian giữa làm đổ lỏng chỏng cả bát hương,
mâm bồng, bồ đài. Bà mẹ thở dốc, vội rút chốt cửa, xách dùi đục xô ra, nhưng
lúc bấy giờ thì cậu quý tử đã cao chạy xa bay rồi.
Làng nghèo, đất chật, người đông,
lại thuộc vùng chiêm trũng nên cuộc sống
vất vả, lam lũ. Những năm vỡ đê, nước ngập trắng đồng, lúa mất sạch, khi nước
rút chỉ còn cánh bãi ven sông là trồng được khoai lang. Cái thứ khoai lang Vân
trồng trên đất phù sa tốt vô kể, củ nào củ ấy to mập, da nhẵn bóng, nổi sắc nâu
đỏ hoặc tím sẫm, luộc lên bở như bánh phong bột nếp hoa vàng. Nhưng cu Thạch
chỉ thích khoai khô, nhất là loại thái con chì, phơi kỹ để trong chum Thanh(9)
chèn lá chuối mật. Lần nào giặt áo cho cậu, bà Trẻ cũng tìm thấy khoai khô
trong túi. Vùng Ba Tổng có nghề đơm tôm tép bằng loại đó tre dùng. Sau mỗi vụ
heo may, anh em Nhưỡng phơi được mấy nong làm thức ăn quanh năm. Chị tí Nhường
lấy chồng, nhà nghèo lại đông con, bà Trẻ thường giấu cho mỗi lần một ít. Biết
chuyện, cu Thạch tuyên bố:
- Phần của u với anh Nhưỡng một
chum, muốn cho chị cả bao nhiêu thì tuỳ, nhưng cấm đụng vào chum của tôi.
Ông Phó Đang lườm thằng con ngỗ
nghịch mắng:
- Mày là thằng ích kỷ.
Cu Thạch mặt lạnh như tiền, phớt lờ cả ông bố,
giọng bốp chát:
- Con gái đã lấy chồng hưởng phúc
nhà chồng, hễ về đây bòn vét là tôi đập vào mặt.
Anh em Nhưỡng không học Quốc ngữ mà
chỉ học chữ nho với bố. Ông Phó trước học cụ khoá Thìn. Số ông vất vả chẳng có
vai vế gì trong làng nhưng do biết chữ nên bọn lý dịch không dám chèn. Khi đã
có thể cầm được đục chạm, ông bố cho hai cậu con trai theo phụ việc. Nhưỡng
chịu khó học hỏi, chóng thành nghề. cu Thạch vừa vụng về vừa mải chơi toàn làm
hỏng. Ông Đang ghét lắm, vớ dùi đục choảng. Làm được chẵn năm, một lần ông bố
giao cho hai anh em tỉa những chùm hoa cúc trên cánh tủ chè gỗ gụ, Thạch sơ ý
đục quá tay làm vỡ một miếng. Nhưỡng tức mình mách bố. Ông Phó sượng mặt với
gia chủ, liền lấy cán rìu quật tới tấp vào tay con trai. Trời rét. Bàn tay tím
bầm. Đau quá, Thạch cắn răng không nói nửa lời, nhặt chiếc áo cánh nâu vắt vai,
lẳng lặng bước ra cổng. Cả Nhưỡng chạy theo gọi, cậu ta nói cộc lốc:
- Tôi không về nhà nữa đâu.
Tưởng cu Thạch phẫn chí nói thế ai
ngờ hắn đi thật. Cuối năm Dần, Ông Phó qua đời. Bà Trẻ cũng mất sau đó mấy
tháng vì nhớ thương con. Ngôi nhà gỗ năm gian bị Tây bốt Tuần đốt trong trận
càn mười hai tháng chín. Năm Mão cả Nhưỡng đi lính Bảo an. Chị Ngần và ba đứa
con phải chen chúc trong túp lều chẳng khác gì lều vó bè.
Một đêm cu Thạch về. Cùng với cậu ta
còn có hai bạn đồng ngũ. Tất cả đều bị ngã nước. Người nào người ấy môi thâm,
da tái nhợt, đầu rụng sạch tóc. Thạch gọi chị dâu ra một chỗ bảo :
- Chị nấu cho chúng tôi nồi cháo,
kiếm được mấy quả trứng thì tốt. Anh em mới ở rừng về, nhờ chị vài hôm.
Chị Ngần gật đầu:
- Cháo thì có. Trứng cũng có. Nhưng
các chú không thể ở đây lâu được. Hôm nào lính tuần cũng vào làng lục soát.
Ăn cháo xong, bà chị dâu lại giục:
- Các chú phải đi ngay trong đêm,
đừng chờ trời sáng.
Cu Thạch cười nhạt:
- Chị đuổi, chúng tôi đi nhưng nhờ
chị giữ hộ cái này, cuối tháng sẽ có người đến lấy.
Nói rồi Thạch xách chiếc bị cói đã
cũ nhưng nặng chịch để vào góc lều. Chị Ngần sinh nghi bèn mở ra xem thử. Xuýt
nữa chị ta chết ngất vì cái thứ đựng trong bị toàn là lựu đạn chày, vội chạy
đuổi theo vừa nói vừa thở :
- Chị lạy các chú. Các chú ở lại
cũng được nhưng phải quăng cái của nợ ấy đi. Nó mà biết thì chết cả nhà.
Đêm ấy chị Ngần cùng đứa con gái lớn bất đắc
dĩ phải đào hầm bí mật cho ba người. Họ ăn nghỉ ở nhà chị hơn một tuần. Chị mua
được thuốc ký ninh của ông xếp Thụ cho uống, hết sốt rồi mới đi. Khi đi, Thạch
thay mặt anh em nói lời cảm ơn:
- Sau này kháng chiến thành công,
Chính phủ sẽ có sự đền đáp.
Chị lắc đầu:
- Chả cần ơn với huệ, chỉ mong các
chú chân cứng đá mềm.
Năm sau, Cả Nhưỡng bị đạn du kích
vào gót, thành khập khiễng, được giải ngũ. Chị Ngần chuyển sang nấu rượu nuôi
lợn nái. Năm thì mười hoạ Thạch ghé về. Có rượu uống anh ta thích lắm. Một đêm,
Thạch bơi qua sông Lăng, quần áo ướt sũng, run cầm cập. Chị Ngần rót chén rượu
đưa cho em chồng:
- Uống cho đỡ rét.
Uống xong, Thạch dặn trước khi chui
xuống hầm:
- Mai đi chợ chị đỏ(10) đừng nhìn lên cành đa.
Chị Ngần không nói gì . Sớm hôm sau
quẩy gánh ra đầu làng nghĩ bụng: Chắc thằng này lại treo tạc đạn lên cây đa.
Đến nơi, dưới ánh trăng hạ tuần mờ mờ, thấy cái đầu người tóc tai rũ rượi, lủng
lẳng trên cành đa, các bà hàng rượu chẳng còn hồn vía nào, mạnh ai nấy chạy như
bị ma đuổi. Chị Ngần vấp ngã vỡ cả hai vò rượu. Về nhà, chị mắng:
- Chú lừa chúng tôi.
Cu Thạch nhe răng cười:
-
Đó là đầu lâu Việt gian làm chỉ điểm cho Tây.
Chị bỗng chột dạ
hỏi:
- Các chú bắt người ta ở đâu về? Hay
là…
Giọng Thạch vẫn tỉnh
khô:
- Chính là lý Lọng làng ta chứ còn
ai nữa.
Chị Ngần tái mặt:
- Ối giời ơi! Chú gây ra tội ác tầy
trời rồi.
Từ lâu Thạch đã nổi
tiếng là tay gan lỳ, mấy lần xuýt bị Tây bắt.
Gần đây, anh ta được cử về Chi Điền tăng cường cho đội du kích. Chủ trương của
Thạch là trừ khử Việt gian. Chỉ trong tháng chín đã có hai tên bị cắt cổ làm
đồn Cáo tức điên lên.
Chú thích:
(1) Secteur(xếch tơ) : tiểu quân khu (Tiếng Pháp).
(2)
Pont(boong): sàn canot, tàu thủy
(3) Một tổ chức bí mật
của Việt Minh chuyên ám sát lực lượng đối lập làm tay sai hoặc chỉ điểm
cho Pháp.
(4),(8): Lô cốt
(5) Toi: mày, anh, chị, em
(6) Moi: tao,
tôi
(7) Tiếng
Pháp: Chaîne de ton Candy
(9) Một loại
chum to được làm từ các lò gốm Thanh Hóa
(10) Một cách gọi chị dâu ở làng quê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét