Tạp văn Phạm Lưu Vũ
Thầy của Khổng Tử
(Trích Luận ngữ Tân thư)
Tục nhân lỡ
một người thầy thì ôm hận suốt đời. Thánh nhân lỡ một người thầy thì ôm hận
nghìn thu. Tục nhân ôm hận vì không gặp cơ hội được trên người. Thánh nhân ôm
hận vì cảm thấy có lỗi nặng với những đời sau. Việc hôm nay, té ra có nguyên do
từ bao đời trước nữa. Ví dụ cái chuyện thật, giả của muôn đời. Muôn đời thật
thà là món trang sức rẻ tiền của dối trá, dối trá là chủ nhân đích thực của
thật thà. Than ôi! cái đạo nói thật chẳng phải tầm thường. Đến thánh nhân cũng
muốn cầu còn chẳng được. Thế gian xưa nay vẫn leo lẻo đấy, cứ tưởng mọi chuyện
rồi sẽ rõ như ban ngày. Vậy mà rốt cuộc, tìm mãi có thấy tí sự thật nào đâu.
Chung quy cũng tại một bận lỡ làng của bậc Vạn Thế Sư mà sinh ra cả…
Vẫn “lời tựa“
trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó:
Khổng Tử có
lúc dạy tới ba ngàn học trò. Vậy mà vẫn lũ lượt người đến xin học. Vì thế mới
đặt ra lệ phải kiểm tra, phỏng vấn trước khi nhận, đại khái cũng hao hao như
thi đại học hoặc cao đẳng bây giờ. Phụ trách khâu tuyển sinh này gồm các thầy
Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ, Tử Thâm, Tử Thượng, Tử Hạ. Toàn những thầy mà
đời sau xếp vào bậc Tiên hiền cả. Từ khi đặt ra lệ ấy, thiên hạ càng đua nhau
đến xin nhập học, công việc giáo dục phát đạt lên trông thấy. Bận rộn nhất là
các thầy Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ. Các thầy thay nhau bán hồ sơ, xét
duyệt hồ sơ, kiểm tra thí sinh bằng mồm, bằng mũi, bằng mắt, cả bằng tay… nữa.
Kẻ thì cho nhập học, kẻ thì đuổi thẳng cổ. Chung quy cái việc thi tuyển thì xưa
nay đều có trong, có đục cả, không có gì đáng chép lại. Chỉ xin chép ra đây mấy
chuyện lạ xảy ra trong lúc tuyển sinh ấy. Không hiểu sao lại chỉ rơi vào các
thầy Tử Thâm, Tử Thượng và Tử Hạ.
Một hôm, có
một lão già nom hơi cổ quái, gương mặt tuy gồ ghề song hai mắt rất long lanh,
dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát đến gõ cửa xin nhập học. Tử Thâm được phân công ra
tiếp. Tử Thâm hỏi:
“Cụ già thế này, sắp xuống lỗ rồi còn học làm
gì nữa cho mệt?“.
Lão kia trả
lời:
“Lão chẳng học cái gì khác. Song trước khi
xuống lỗ cũng muốn học cho được mỗi cái cách nói thật đó mà thôi“.
Tử Thâm ngạc
nhiên hỏi lại:
“Tại sao cụ phải học cách nói thật?“.
Lão kia trả
lời:
“Lão từng nghe cổ nhân truyền lại rằng nói
thật một câu sẽ kinh động đến cả trời đất, quỷ thần. Vậy mà lão sống ngần này
tuổi đầu rồi, tuyệt chẳng bao giờ thấy trời đất, quỷ thần động lòng gì cả. Điều
đó phải chăng vì thiên hạ toàn kẻ nói dối. Tất nhiên trong đó có cả lão nữa. Vì
thế lão mới phải đến đây để học cái đạo nói thật. Rất mong Phu Tử chiếu cố chỉ
giáo cho, dẫu lão nói thật được một câu rồi chui xuống lỗ cũng hả lòng“.
Tử Thâm nghe
ra bèn bảo:
“Rất tiếc ở đây chỉ dạy Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí,
Tín. Không dạy nói thật. Cụ đi tìm nơi khác mà học thôi“.
Lão kia nghe
Tử Thâm nói thì có vẻ hơi thất vọng, song vẫn cố vớt vát:
“Lão nghe tiếng Phu Tử nức nở cả thiên hạ. Vậy
ngoài Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín ra, Phu Tử còn dạy cái gì nữa?“.
Tử Thâm trả
lời:
“Dạy đủ lục nghệ. Từ làm chính trị đến đi
buôn, từ làm hàng thật đến hàng giả, từ chế đồ xịn đến đồ lô… Học đến đâu sáng
ra đến đó. Cứ gọi là vua ra vua, tôi ra tôi. Bố ra bố, con ra con. Chồng ra
chồng, vợ ra vợ. Thầy ra thầy, trò ra trò. Trên đời này động đến môn nào Phu Tử
cũng tuyệt đối tinh thông cả. Duy có cái môn nói thật ấy thì bản sự đây quả
chưa nghe nói đến bao giờ“.
Lão kia nghe
thấy thế thì thất vọng quá, bèn thở dài một tiếng rồi than:
“Thế mà lão phu đây cứ tưởng bở. Ôi! Đến cửa
này cũng không học được cách nói thật nữa thì lão đành nói dối cho trọn kiếp
cùng với thiên hạ thôi“.
Than xong, lão
ta vái Tử Thâm một cái rồi đi ra. Tử Thâm bèn vào kể lại toàn bộ đầu đuôi với
Khổng Tử. Khổng Tử nghe kể đến đâu ngạc nhiên đến đấy. Nghe xong, Ngài trầm
ngâm một lát rồi bảo:
“Ngươi chưa nghe nói đến cái môn nói thật bao
giờ cũng phải. Học thuyết của ta toàn thị là chính trị. Mà đã gọi là chính trị
thì cần gì phải biết cách nói thật. Thời thế này mà vẫn còn người muốn học cái
đạo nói thật ư? Thì chính ta cũng đang muốn tìm thầy để học cái môn đệ nhất ngu
ngốc ấy mà chưa tìm ra đấy“.
Một hôm khác,
có người ăn mặc sang trọng ra dáng một vị quan to, xe cộ rình rang, tiền hô hậu
ủng đến xin học. Tử Thượng được phân công ra tiếp. Tử Thượng lễ phép hỏi:
“Dám xin hỏi ông làm chức quan gì?“.
Ông kia trả
lời:
“Chức gì lớn nhất mà thầy có thể nghĩ tới
được“.
Tử Thượng hỏi
tiếp:
“Vậy ông còn muốn học Phu Tử để làm gì nữa?“.
Ông kia trả
lời:
“Ta học để bịt mõm thiên hạ“.
Tử Thượng nghe
thấy hơi lạ tai. Bèn hỏi tiếp:
“Thế nào là bịt mõm thiên hạ?“.
Ông kia trả
lời:
“Thầy còn giả đò không biết ư? Ta vốn xuất
thân làm nghề hoạn lợn, song từ khi thành đạt thì chẳng thiếu thứ gì. Tước vị,
bổng lộc, quyền hành, vây cánh… đủ cả. Chỉ phải cái bọn kẻ sĩ trong thiên hạ
thấy ta không học hành gì, cứ chửi vụng ta là đồ thượng đẳng vô học. Ta thì
không thèm chấp, song vợ con, cháu chắt ta thì không khỏi có lúc phiền lòng.
Nay ta đến đây cốt để bù cái chỗ khiếm khuyết duy nhất ấy của mình mà thôi, để
chúng nó không còn chửi vào đâu được nữa“.
Tử Thượng nghe
ông ta nói, lưỡng lự không biết giải quyết ra sao. Cũng đành phải vào thưa lại
với Khổng Tử. Khổng Tử thản nhiên phán ngay:
“Kẻ ấy đâu có cần học hành gì. Hắn đến đây chỉ
cốt cho thiên hạ trông thấy hắn cũng từ cửa ta mà đi ra giống như những kẻ sĩ
khác đó thôi“.
Tử Thượng nghe
thầy nói chợt tỉnh ngộ, bèn lập tức trở ra. Quả nhiên thấy ông kia cùng đám lâu
la, xe cộ đã rầm rĩ quay ra đến cổng, vừa đi vừa quảng cáo oang oang, cố tình
cho thiên hạ chú ý. Chẳng thèm nói gì đến chuyện xin học nữa. Tử Thượng phục
Khổng Tử quá, chỉ biết vừa nhìn theo vừa lẩm bẩm:
“Ta ở ngay trong nhà thầy, đọc sách thầy, nghe
thầy giảng… Mà đến bây giờ mới hiểu được ý nghĩa của hai chữ: Cửa Khổng“.
Lại một hôm
khác, có người đội nón tơi, đi chân đất, dáng như ăn mày đến xin nhập học. Cố
nhiên là Tử Hạ được phân công ra tiếp. Tử Hạ hỏi:
“Anh muốn làm học trò của Phu Tử với mục đích
gì?“.
Bất ngờ người
ấy không trả lời mà hỏi lại:
“Thầy hãy cho tôi hỏi trước. Thầy học Phu Tử
để làm gì?“.
Tử Hạ thấy thế
thì hơi cáu, song vẫn nhã nhặn trả lời:
“Bình sinh ta học Phu Tử chỉ cốt để làm
người“.
Người ấy hỏi
tiếp:
“Thế đã làm người được chưa?“.
Tử Hạ vẫn cố
gắng nhã nhặn:
“Tất nhiên là chưa. Vậy cho nên vẫn đang phải
học tiếp“.
Người ấy bảo:
“Thì ra thiên
hạ đều cùng một giuộc cả. Kẻ nào cũng chỉ được cái leo lẻo cái lỗ mồm. Có biết
đâu rằng làm người mà dở dang thì chi bằng làm vật quách cho rồi. Còn tôi muốn
làm học trò của Ngài chỉ cốt được ăn thịt“.
Tử Hạ tròn mắt
ngạc nhiên, bởi chưa nghe ai trả lời như thế bao giờ. Bèn hỏi tiếp:
“Tại sao anh lại nghĩ rằng làm học trò của Phu
Tử thì sẽ được ăn thịt?“.
Người ấy trả
lời:
“Tôi nghe nói Phu Tử thịt thái không vuông thì
không ăn. Mà con lợn, con gà, con dê, con bò… có con nào vuông đâu. Thế thì dứt
khoát sẽ có nhiều chỗ phải bỏ đi. Tôi chỉ xin được chén những chỗ bỏ đi ấy mà
thôi“.
Tử Hạ nghe nói
cảm thấy hơi có lý. Song cũng chẳng biết quyết định ra sao, đành phải vào thưa
lại nguyên văn với Khổng Tử. Khổng Tử ngẩn người ra một lát rồi mừng quớ lên
bảo:
“Kẻ ấy chính là thầy ta đó. Ta vốn đã để ý dò
tìm bấy lâu nay mà chưa tìm thấy. Ngươi mau mau ra mời y vào đây, để chính ta
phải làm lễ bái sư“.
Tử Hạ vội vàng
chạy ra thì người kia đã bỏ đi đâu mất. Làm cho không những Khổng Tử, mà những
đời sau, cho đến tận bây giờ, ai nghe đến câu chuyện này cũng than thở, tiếc rẻ
mãi.
Về sau, cũng
nhân chuyện này, có ông Mục công người đất Kinh còn bình luận một câu đại ý:
“Chỗ bỏ đi hay là phần còn lại. Thế gian này, trừ thánh nhân ra, chính cái phần
còn lại ấy của thiên hạ mới là thầy của thánh nhân vậy“.
Vạn Thế Sư là hạng người thừa?
(Trích Luận
ngữ Tân thư)
Thánh nhân bất
nhân, xem thiên hạ như rơm, như chó (Lão Tử -Đạo đức kinh), hay thiên hạ bất
nhân, coi Thánh nhân chỉ là thứ đồ thừa? Không thể phân biệt được. Chỉ biết
rằng mấy nghìn năm, bậc vạn thế sư (thầy của muôn đời) thừa vẫn hoàn thừa…
Vẫn “lời tựa“
trong Luận ngữ tân thư. Sau đây lại xin trích một đoạn trong bộ sách đó:
Khổng Phu Tử
bỏ nước Lỗ, chán nước Tề, không chịu được nước Vệ… cùng học trò lang thang như
con thuyền không bến đậu, song cũng chẳng giận dỗi với ai. Thế mà vẫn có lúc
phải coi lũ vua quan trong thiên hạ như kẻ cướp (Phu Tử dĩ thiên hạ quân thần
vi đạo tặc). Nhưng ngài phải hội đủ ba lý do sau thì mới mở miệng ra nói:
Một: hiểu cái
điều định nói, hiểu cả cái ngược lại với điều định nói.
Hai: chắc chắn
có người nghe, dẫu người nghe ấy ở cách xa ba trăm dặm.
Ba: chắc chắn
có người hiểu, dẫu người hiểu ấy ba trăm đời nữa mới sinh.
Kĩ lưỡng đến
như thế, vậy mà ngài từng nói suốt ba mươi năm ròng rã. Một hôm, có kẻ cuồng sĩ
nước Sở tìm đến trỏ ngài mà bảo:
“Phu Tử có phải là người duy nhất ở đời này bị
thừa ra không đấy? Phu Tử đúng là thừa rồi“.
Nói xong bỏ đi
ngay, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Quá thừa! Quá thừa!“. Tử Lộ bèn vào hỏi:
“Gã cuồng ấy nói thừa, thừa cái gì đấy thưa
thầy?“.
Khổng Tử trả
lời:
“Gã bảo ta là người thừa ra ở đời này thì đúng
quá, đúng quá. Đời nào mà chẳng có người như thế. Ta chính là đã gánh hộ một
suất thừa ra ấy cho thiên hạ. Nhưng bảo ta là người duy nhất thì chưa lấy gì
làm chắc“.
Tử Lộ nổi giận
nói:
“Vậy thầy hãy chỉ cho biết, cần phải đập chết
bao nhiêu (thằng) trong đời này, khiến thiên hạ trông thấy phải run mật khiếp
sợ, thì thầy mới khỏi bị thừa ra?“.
Khổng Tử bảo:
“Dùng một vạn cái dũng của ngươi, đi đập chết
cả thiên hạ này, biến thiên hạ thành một bãi tha ma. Rốt cuộc ta thừa vẫn cứ thừa.
Sức (hiểu) của anh Do (Tử Lộ) không vượt quá nổi đời này“.
Tử Lộ ra. Tử
Cống bước vào hỏi:
“Gã cuồng ấy nói thừa, thừa cái gì đấy thưa
thầy?“.
Khổng Tử trả
lời:
“Gã bảo ta là người thừa ra ở đời này thì đúng
quá, đúng quá. Đời nào mà chẳng có người như thế. Ta chính là đã gánh hộ một
suất thừa ra ấy cho thiên hạ. Nhưng bảo ta là người duy nhất thì chưa lấy gì
làm chắc“.
Tử Cống hăng
hái nói:
“Vậy thầy hãy chỉ cho biết, cần phải gom bao
nhiêu của cải trong đời này, khiến thiên hạ trông vào phải tối sầm mắt lại, thì
thầy mới khỏi bị thừa ra?“.
Khổng Tử bảo:
“Dùng mười vạn cái khôn của ngươi, gom bằng
hết của cải trong đời này, biến cả thiên hạ thành một lũ khố rách áo ôm. Rốt
cuộc ta thừa vẫn cứ thừa. Sức (hiểu) của anh Tứ (Tử Cống) không vượt quá nổi đời
sau“.
Tử Cống ra.
Tăng Tử bước vào hỏi:
“Gã cuồng ấy nói thừa, thừa cái gì đấy thưa
thầy?“.
Khổng Tử trả
lời:
“Gã bảo ta là người thừa ra ở đời này thì đúng
quá, đúng quá. Đời nào mà chẳng có người như thế. Ta chính là đã gánh hộ một
suất thừa ra ấy cho thiên hạ. Nhưng bảo ta là người duy nhất thì chưa lấy gì
làm chắc“.
Tăng Tử buồn
bã nói:
“Vậy thầy hãy chỉ cho biết, cần phải tỏ cái
đạo hiếu cao đến mức nào, khiến thiên hạ trông vào phải che mặt xấu hổ, thì
thầy mới khỏi bị thừa ra?“.
Khổng Tử bảo:
“Dùng trăm vạn
cái hiếu của ngươi, trải ra khắp thiên hạ này, biến thiên hạ thành một lũ con
ngoan, suốt đời chỉ biết vâng dạ. Rốt cuộc ta thừa vẫn cứ thừa. Sức (hiểu) của
anh Sâm (Tăng Tử) chẳng qua trong khoảng ba đời“.
Tăng Tử ra.
Nhan Hồi bước vào hỏi:
“Gã cuồng ấy bảo thầy là người thừa trong
thiên hạ có phải không?“.
Khổng Tử trả
lời:
“À té ra là anh đã biết. Ta thừa ra ở đời này
hay đời này là thừa với ta, cũng như ta quá chật với thiên hạ này hay thiên hạ
này là chật chội với ta thì chưa biết được. Thiên hạ còn ai nghe nữa không? Còn
ai hiểu nữa không? Nhưng nếu bảo ta là người duy nhất thì chưa lấy gì làm
chắc“.
Nhan Hồi thản
nhiên bảo:
“Thiên hạ đang vô đạo, sự tầm thường, giả
dối đã dâng đến tận trời. Vua quan rặt một lũ chó má, vừa đểu cáng, vừa bịp
bợm, lại suốt ngày lôi những thứ tư tưởng, chủ nghĩa vớ vẩn nào đó từ sọt rác
ra để ngụy trang cho cái bản chất kẻ cướp của mình. Bọn kẻ sĩ thì hèn hạ, tiểu
nhân, cả đời chỉ biết theo đuôi chính trị. Những loại trí thức, đỗ đạt thì kiêu
ngạo, u tối. Bàn đến danh lợi, mặt ai cũng tươi tắn, khôn ngoan. Nhưng hễ động
bàn đến chữ nghĩa, văn chương thì lập tức mặt đần ra như mặt cái người cả đời
chưa bao giờ đọc sách… Thế mà thầy còn đem đạo lý ra để nói, thì dẫu có bị mắng
là người thừa, cũng vẫn còn nhẹ đấy…“.
Khổng Tử hỏi:
“Ngươi đúng là đã biết tại sao rồi chứ?“.
Nhan Hồi tiếp
tục trả lời:
“Thầy sở dĩ nói đạo lý, chính vì đã hiểu hết
cái vô đạo lý trong thiên hạ này. Song đạo lý đâu chỉ nói cho một đời. Đạo lý
dẫu thừa ở đời này, chưa chắc đã thừa ở đời sau. Thừa ở đời sau, chưa chắc đã
thừa ở đời sau nữa… Cứ như thế, đạo lý nếu có bị thừa ra, thì cũng chỉ thừa với
một đời cụ thể, không bao giờ thừa với muôn đời. Biết đâu ba trăm đời nữa, thế
nào chẳng có kẻ hiểu ra…“.
Khổng Tử nghe
đến đó, đang ngồi bỗng đứng bật ngay dậy, giơ hai tay, ngửa mặt lên trời mà
than rằng:
“Hỡi con người họ Nhan kia, ngươi có phải là
kẻ biết nghe không đấy. Sức (hiểu) của ngươi đúng là để ở chỗ của muôn đời. Ta
thà làm kẻ đánh xe cho nhà ngươi, còn hơn làm thầy của lũ đế vương trong thiên
hạ. Đúng là từ khi nhận thấy mình như bị thừa ra, thì ta cũng biết ngay rằng
không phải ta là người duy nhất…“.
Văn của cuộc đời
(Trích Luận ngữ tân thư)
Phần này xin
không trích “Lời tựa“ như những phần trước, bởi nghe không được “thuận tai“,
cũng không được “thích“ cho lắm (thậm chí còn có cả mấy câu văn tế cổ nữa).
Không “thuận tai“ -đó là điều mà cả người viết lẫn người đọc hằng tối kị xưa
nay. Ngay bản thân nội dung cũng có nhiều chỗ trúc trắc, chẳng ra văn xuôi,
chẳng ra văn ngược, nhòm mặt giấy thấy cứ như… rắc trấu. Thôi thì có sao trích
vậy. Nếu không đâu vào đâu, cũng mong độc giả bỏ quá cho đừng chấp (nếu trót
đọc đến). Đoạn trích này vỏn vẹn như sau:
Đó là một chốn
rất lạ. Lạ từ phong cảnh lạ đi. Ở đó, nước có nơi trong veo, có nơi đen kịt,
cây có khi xanh tươi, lại có khi trơ cành, trụi lá. Chia ra ngày và đêm, nhưng
ngày thì mù lòa mà đêm thì tối như hũ nút. Những con vật sinh ra tất nhiên cũng
lạ. Chẳng hạn loài chuột lúc nào cũng chứng tỏ một khả năng chui rúc (rất kinh),
lũ chó hay sủa để khoe cái mõm (rất xấu), giống mèo suốt đời lo bị người ta
nhìn thấy bãi cứt (rất chua) của mình…
Con người càng
lạ lùng hơn nữa. Cũng chia ra đàn ông, đàn bà, cũng có người già, người trẻ…
nhưng có người được nói, lại có rất nhiều người phải câm. Kẻ được nói, nói bao
giờ cũng đúng(!), nói xong không cần giữ lời. Người phải câm suốt đời chỉ việc
nghe(!), không bao giờ được mở miệng (nói).
Lại cũng chia
ra trên, dưới. Nhưng trên thì tưởng lầm dưới là chó rơm, còn dưới lại nghĩ trên
là… đầy tớ.
Mỗi người ở đó
đều có hai tai, nhưng có cặp tai nghe được, có cặp tai chẳng nghe lọt bất cứ
điều gì.
Người ta vừa
biết chào nhau, lại vừa biết chửi nhau, vừa biết đánh trống, lại vừa biết ăn
cướp, vừa biết yêu nhau, nhưng đồng thời lại rất thạo lừa nhau…
Nơi ấy có rất
nhiều cạm bẫy nguy hiểm. Song thứ mà người ta sợ nhất chính là… sự thật. Bởi sự
thật có thể làm đổ vỡ tất cả, kể cả sự khốn nạn.
Nơi ấy cũng có
“kinh“. Nhưng chỉ bám lấy duy nhất một
thứ “kinh“ mà thiên hạ đã bỏ đi từ lâu.
Nơi ấy cũng có
“sử“. Nhưng chỉ có “tiểu sử“ mà thôi. Từ
lâu, “tiểu sử“ đã thay thế cho “đại sử“.
Nơi ấy cũng có
cái gọi là “pháp luật“. Nhưng nó là thứ
luôn biến hóa , tùy theo ý muốn của kẻ bề trên. Và trong mọi trường hợp, nó
không bao giờ được áp dụng cho kẻ bề trên.
Nơi ấy không
thiếu gì những đỉnh núi. Nhưng vẫn không làm nên một dãy núi nào.
Nơi ấy, trẻ
chán ngấy những thứ thờ cúng của già (ví dụ những oanh… liệt trong quá khứ,
những món tư tưởng, văn chương nhồi sọ…). Già rất e ngại những đam mê của trẻ
(ví dụ những khát vọng tự do, những “nọc độc“ văn hóa , những sự thật đến từ…
bốn phương tám hướng…).
Nơi ấy, ai ai
cũng sở hữu riêng một cái đầu để nghĩ. Nhưng tốt nhất là đừng bao giờ dùng tới
nếu muốn yên thân. Bởi đã có kẻ làm cái việc nghĩ sẵn cho mọi người.
Nơi ấy được
xem là rất yên ổn. Song là sự yên ổn của một bầy cừu. Một bầy cừu ăn cỏ, nhưng
tất cả đã được học thuộc lòng những bài ca và giáo lý của loài chuyên ăn thịt.
Nơi ấy vẫn có
những hạng gọi là “kẻ sĩ“. Tuy nhiên, đó
là một loài chẳng quí, cũng chẳng hiếm.
Nơi ấy… vân
vân và… vân vân…
Ở đâu ra cái
chốn lạ lùng như vậy? Kẻ sĩ đã mấy đời thử lạm bàn nguyên nhân của những sự lạ
đó. Có người ngờ rằng do trời đất tạo nên. Có kẻ lại bảo tất cả nguồn cơn là từ
“văn“ mà ra cả. Cái “lý sự“ ấy vừa rắc rối, lại vừa đơn giản, vừa bí hiểm, lại
vừa hiện rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật. Nôm na như sau:
“Văn“ ở đây là kiến thức thuộc về con người,
là làm người (“nhân“). Làm người để biết người. Biết người để biết mình. Biết
mình để… quên mình. Kiến thức đó gồm cả “kinh“ lẫn “sử“, gồm cả thiện lẫn ác,
gồm cả thực lẫn hư, gồm… cho đến tận cái “đạo“ làm người. Đạo làm người của bậc
thánh nhân là một kiến thức trùm lên cả trí khôn nhân loại. Xin đừng trộn chung
với vô số những kiểu “làm“ khác như làm tiền, làm giàu, làm quan, làm điếm… Bởi
tất cả những thứ đó chỉ là những ứng dụng cụ thể của “trí khôn“ mà thôi. Trước
tiên, hẵng cứ “làm người“ cái đã, chính cái phần “làm người“ kia, mới thực là
quan trọng?
Ông Mục công
người đất Kinh từng dẫn một câu nói của Thánh nhân, đại ý: “kẻ vô nhân cùng
khốn mãi cũng không được, khoái lạc mãi lại càng không được. Cùng khốn mãi thì
nó làm bậy, khoái lạc mãi thì nó làm loạn…“, rồi bình luận: “Thánh nhân nói thế
là có ý răn, rằng để cho kẻ vô nhân lâm vào cảnh khốn cùng thì là bi kịch của
một nhà. Song nếu để cho kẻ vô nhân được đắc chí mãi thì đó sẽ là bi kịch của
cả một nước, thậm chí của toàn thiên hạ. Tóm lại câu ấy không chỉ đúng cho một
nhà, một nước, mà đúng cho toàn thiên hạ“.
Xem suốt lịch
sử một thế kỉ với bao nhiêu cuộc chiến tranh, khủng bố lớn nhỏ, kèm theo đó là
vô số những tuyên ngôn, khẩu hiệu… rốt cuộc chỉ thấy toàn bịp bợm, càng về sau
càng bịp bợm hơn.
Xem suốt những
gương mặt từng ôm mộng cái thế, lúc ở vào cảnh khó khăn còn ra chiều tử tế. Đến
khi được ngự trên đỉnh vinh quang thì lại muốn bắt chước những cái đểu giả
trong lịch sử mà chính họ đã từng chửi rủa, càng về sau càng lộ rõ điều ấy.
Thì ra khoảng
cách từ anh hùng đến đạo tặc cũng mỏng manh như nửa đường tơ kia vậy. Tất cả
đều không ra khỏi câu nói ấy của bậc Thánh nhân.
Bậc Thánh nhân
còn bảo: “Thời loạn dùng võ, thời bình dùng văn…“. . Sở dĩ không giải thích thứ
“văn“ dùng trong thời bình ấy là “văn“ gì, bởi “văn“, vốn dĩ chỉ có nghĩa là
“văn trị“ mà thôi, tuyệt đối không thể là “văn loạn“.
Chẳng biết từ
bao giờ, “Văn“ được chia ra thành “văn trị“ và “văn loạn“.
Cũng ông Mục
công ấy còn than một câu rằng: “Những kẻ vô nhân cứ được đắc chí mãi, thì “Văn“
của thiên hạ dẫu có bị biến thành “văn loạn“, cũng không có gì lạ“.
Thánh nhân
phân biệt “văn trị“ với “văn loạn“ như thế nào?
“Văn trị“, là thứ “văn“ cốt nâng cao phần kiến
thức làm người. Nôm na gọi là “sáng dân“.
“Văn loạn“ thì ngược lại. “Văn loạn“ cốt làm
ngu cái phần kiến thức làm người. Nôm na gọi là “ngu dân“.
“Sáng dân“ là tự do tư tưởng, là không ai nghĩ
thay cho ai, là công khai mọi thật giả. Vì thế dân đích thực là ông chủ.
“Ngu dân“ là cấm tự do tư tưởng, là một người
nghĩ thay cho muôn người, là bưng bít mọi sự thật. Vì thế dân thực chất là giun
dế.
“Sáng dân“ thuộc phạm trù đạo lý, vì thế chỉ
có một. “Ngu dân“ thuộc phạm trù vô đạo lý, vì thế có trăm phương ngàn cách.
Song tựu trung chia làm hai kiểu:
Thứ nhất là
kiểu ngu “thô thiển“. Ngu “thô thiển“ là
làm “ngu“ tuốt tuột, cái gì cũng phải làm cho “ngu“ hết, càng “ngu“ càng… thái
bình thiên hạ.
Thứ hai là
kiểu ngu “tinh vi“. Ngu “tinh vi“ là chỉ
làm “ngu“ mỗi cái phần kiến thức làm người. Còn các phần ứng dụng cụ thể khác
của trí khôn (như làm tiền, làm giàu, làm quan, làm điếm, v.v…) thì cứ việc tha
hồ… càng giỏi càng tốt.
Phàm những kẻ
cai trị có tham vọng vạn tuế (muôn năm), muốn độc quyền sự đắc chí của mình,
thì đều phải vận dụng một trong hai kiểu ngu dân ấy.
Kiểu “thô
thiển“ vì quá lộ liễu, cho nên đã từ lâu, hầu như không còn nơi nào dùng tới.
Kiểu “tinh vi“ vì khó nhận ra, cho nên ở một số nơi, nó đang là… Quốc sách Giáo
dục.
Quốc sách này
bắt đầu bằng việc phải tạo cho được một nền… “văn loạn“. “Văn“ càng loạn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Một nền văn
hiến phải mất hàng nghìn năm mới làm nên một nền “văn trị“. Nhưng để xóa sạch cái nền “văn trị“ ấy, biến
nó thành “văn loạn“, thì chỉ cần vài chục năm là… quá đủ. Thực tế đã (và đang)
chứng minh điều ấy.
Vậy “văn trị“
là gì?
“Văn trị“ là
văn của người quân tử, “văn“ của muôn đời. Là văn của mọi nhà cùng đem ra cống
hiến cho thiên hạ. “Văn“ ấy phục vụ cho mọi người, vì mọi người mà làm ra
“văn“. Mục đích của thứ văn ấy là thấu
hết mọi nhân tình thế thái, cho nên nó mở cửa cho mọi tư duy sáng tạo. Làm ra
“văn trị“, dạy và học theo “văn trị“. .. chính là để phục vụ văn minh, phục vụ
cho cuộc sống ngày càng tử tế hơn của mọi con người.
“Văn trị“ là
kính trên, nhường dưới, là phân biệt rõ ràng, người ít chữ tin phục người nhiều
chữ, người nhiều chữ nâng đỡ, dìu dắt người ít chữ…
“Văn trị“ hướng tới sự minh bạch, thật giả rõ
ràng. Vì thế nó chỉ có thể tồn tại trong một nền chính trị đứng đắn. Chính trị
đứng đắn vừa là mục tiêu, vừa là hệ quả của “văn trị“.
Thế “văn trị“,
thì… sẽ ra sao?
“Văn trị“ cốt làm cho con người được trở nên
sáng suốt, anh minh.
Đời “văn trị“
đề cao Chân, Thiện, Mĩ mà xem nhẹ danh, lợi. Vì thế sinh ra các “văn nhân“…
Chính trị cũng
như kẻ sĩ đời “văn trị“ luôn luôn muốn “sửa“ mình cho hợp với thiên hạ.
Kẻ làm thầy
đời “văn trị“ luôn luôn vì người mà dạy cách làm người.
Kẻ làm quan
đời “văn trị“ vì thiên hạ mà quên cả thân mình. Lúc nào cũng thấu hết cái
sướng, cái khổ của kẻ làm dân.
Kẻ làm dân đời
“văn trị“, sẽ thấu hết cái hay, cái dở của kẻ làm quan. Khó ai có thể bị lừa
dối, mê hoặc. Sự thật là sở hữu chung của cả thiên hạ. Vì thế, dẫu cho kẻ sống
ở nơi rừng thẳm thì vẫn cứ hiểu thời thế như hiểu lòng bàn tay của mình.
Kết quả là
trong đời “văn trị“, kẻ làm quan khó lừa được dân, kẻ làm dân không cần ngờ
quan (mà cũng chẳng lo thiệt thòi).
“Văn trị“ nếu được đề cao, được phổ cập… thì
thiên hạ không thiếu gì kẻ có khả năng làm quan (tử tế), còn lại ai cũng sẵn
sàng làm dân (đàng hoàng). Không nhà nào “độc quyền“ làm quan đến muôn năm,
cũng chẳng nhà nào “độc quyền“ làm dân được mãi.
Thế thì làm
quan đời “văn trị“ dễ mà khó. Dễ, bởi dân có “văn“, nói ra điều gì cũng có
nhiều người hiểu. Khó, cũng bởi dân có “văn“, làm việc gì cũng bị soi thấu hết
ruột gan mình.
Còn “văn loạn“
là gì?
“Văn loạn“ là văn của hạng tiểu nhân, “văn“
của một thời. Là văn của một nhà, song lại đem ra nhét vào đầu cả thiên hạ.
“Văn“ ấy phục vụ cho một số ít người, vì một số ít người mà làm ra “văn“. Mục đích của thứ văn ấy là càng thiển cận,
càng bịp bợm càng… tốt, cho nên nó trói buộc mọi tư duy sáng tạo. Làm ra “văn
loạn“, dạy và học theo “văn loạn“. .. chỉ cốt phục vụ cho sự cai trị (hoặc lưu
manh) của một số rất ít người… mà thôi.
“Văn loạn“ là cá mè một lứa, là không phân
biệt nhiều chữ hay ít chữ, là cả thiên hạ không ai phục ai, từ kẻ sĩ đến thứ
dân… lúc nào cũng sẵn sàng chửi nhau như hàng tôm hàng cá…
“Văn loạn“ hướng tới sự bịp bợm, tráo trở,
thật giả khó phân. Vì thế nó chỉ có thể tồn tại trong một nền chính trị lưu
manh. Chính trị lưu manh vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của “văn loạn“.
Vậy “văn
loạn“, thì… sẽ ra sao?
“Văn loạn“ cốt làm cho con người phải lầm lẫn,
u mê.
Đời “văn loạn“
đề cao việc sùng bái lãnh tụ, sùng bái danh, lợi. Vì thế đẻ ra những “văn nô“…
Chính trị cũng
như kẻ sĩ đời “văn loạn“ luôn luôn muốn “sửa“ cả thiên hạ cho… hợp với mình.
Kẻ làm thầy
đời “văn loạn“ luôn luôn vì tiền mà dạy cách làm tiền.
Kẻ làm quan
đời “văn loạn“ vì mình mà sẵn sàng quên cả thiên hạ. Không bao giờ thèm đếm xỉa
gì đến những kẻ làm dân.
Kẻ làm dân đời
“văn loạn“, sẽ chẳng bao giờ biết được bộ mặt thật của kẻ làm quan. Ai cũng có
thể bị lừa dối, mê hoặc. Sự thật là sở hữu riêng của một nhóm người. Vì thế,
dẫu cho kẻ sống ở giữa nơi đô thị, thì vẫn cứ mờ mịt lòng người, mờ mịt thời
thế, u tối đến nỗi không hiểu thiên hạ đang trôi theo hướng nào.
Kết quả là
trong đời “văn loạn“, kẻ làm quan tha hồ lừa dân, kẻ làm dân cứ việc ngờ quan
(mà vẫn chẳng được tích sự gì).
“Văn loạn“ nếu được đề cao, được phổ cập… thì
thiên hạ ai làm quan, cứ yên chí cha truyền con nối mà làm quan. Ai làm dân,
đừng bao giờ mơ đến việc làm quan. Nhà nào làm quan, cứ việc “độc quyền“ cái
“mả“ quan. Nhà nào làm dân, cứ việc “độc quyền“ cái “kiếp“ dân đen mãi mãi,
chẳng bao giờ lo bị ai tranh cạnh…
Thế thì làm
quan đời “văn loạn“ khó mà dễ. Khó bởi dân không có “văn“, nói ra điều gì cũng
ít người hiểu. Dễ cũng bởi dân không có “văn“, dẫu suốt đời làm những việc thất
đức cũng không lo bị ai biết.
Tóm lại khi đã
là “văn loạn“, thì bao giờ cũng ngược lại với “văn trị“. Thế nhưng bởi “văn loạn“ nên mới sinh ra
những “sự lạ“ trên kia? Hay chính những “sự lạ“ ấy mới sinh ra “văn loạn“? Đó
là điều mà thiên hạ… không thể biết được.
2005
Thiên hạ vốn vô phúc
(Trích Luận
ngữ tân thư)
Bậc Thánh nhân
đứng giữa Trời, Đất, hợp với Trời, Đất mà tìm ra lý, rồi làm thành đạo lý, cốt
truyền lại cho muôn đời. Về sau, con người ngày càng đông, của cải ngày càng
nhiều, mắt mũi ngày càng tối tăm đi, lòng tham cũng theo đó mà tăng mãi không
ngừng… Kẻ học giả xét không kĩ, thấy đạo lý của Thánh nhân cứ ngày càng được
bàn dài ra đến thiên kinh vạn quyển, thì lại cho đó là sự nâng cao, là đã “phát
triển“ thêm được cái đạo lý của Thánh nhân. Tóm lại cho rằng càng đời sau thì
đạo lý càng cao hơn đời trước (!). Thật là một sai lầm khủng khiếp. Bởi nếu
được như thế thì thiên hạ đã có phúc quá. Đạo lý nếu cứ được nâng cao, cứ được
“phát triển“ mãi cho đến tận bây giờ, thì làm gì còn tranh giành, khủng bố, làm
gì còn những thế hệ lưu manh cứ nối đời bịp bợm thiên hạ, làm gì phải giết
nhiều người đến thế. Giết mấy nghìn năm chưa đủ, lại còn tiếp tục giết mãi đến
bao giờ? Than ôi! Thiên hạ vốn vô phúc. Cho nên dẫu của cải ngày càng tăng,
hiểu biết ngày càng rộng, chữ nghĩa ngày càng nhiều… song đạo lý của Thánh nhân
thì cơ hồ cứ “phát triển“ theo chiều ngược lại…
Vẫn “Lời tựa“
trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây xin trích tiếp một phần của bộ sách đó.
Tục ngữ có
câu: “Con hơn cha là nhà có phúc“. Thế nếu ngược lại, con kém cha thì nhà… vô
phúc hay sao?
Cũng chưa chắc
đã đến nỗi như thế, vì đó chẳng qua chỉ là chuyện trong một “nhà“. Khối kẻ bất
tài đểu cáng, song nhờ có “lộc“ của ông cha mà xài mãi vẫn không hết của ăn
cướp đó sao. Nhưng chuyện của cả thiên hạ thì đúng như thế thật. Thiên hạ có
phúc thì đạo lý đời sau cao hơn đời trước. Thiên hạ vô phúc thì ngược lại, càng
đời sau càng hạ thấp đạo lý của đời trước xuống.
Hạ thấp như
thế nào?
Cách đây hai
ngàn rưởi năm, Khổng Tử làm Dịch. Ngài biết rằng khi đặt ra tam tài (Thiên,
Địa, Nhân) là ý Thánh nhân xưa muốn nói tới một loại “Người“ (Nhân) đặc biệt
nào đó, có đủ phẩm chất xứng được với Trời, Đất, sánh ngang với Trời, Đất, cùng
với Trời, Đất mà làm nên mọi lẽ huyền vi trong vũ trụ này. “Nhân“ mà đạt tới
mức như thế thì tất phải không giống ai, không “chơi“ nổi với ai, mà Ngài gọi
đó là: “Chẳng phải con Truỷ, chẳng phải con Hổ, ở ngoài đồng vắng…“. (Luận
ngữ). Chữ “Nhân“ ấy ở trong “Thiên, Địa, Nhân“ chính là cái phần “hồn vía“ của
vũ trụ. Nó có “tượng“ là “Người“, thuộc về con Người… Chứ không phải hễ cứ là
“người“, hễ cứ mồm ngang mũi dọc, đi đứng bằng hai chân, biết ăn nói leo lẻo
thì bất kể thế nào, cũng ứng vào chữ “Nhân“ trong cái “tam tài“ ấy được. Ngài
bèn đặt ra đạo “Nhân“, định nghĩa về “Nhân“ mà theo đó, chỉ khi nào đạt / ngộ
đến đạo ấy, đúng với định nghĩa ấy thì mới đích thị đóng vai trò là “Nhân“
trong bộ ba Thiên, Địa, Nhân kia. “Nhân“ của Khổng Tử chính là chỉ một trạng
thái giác ngộ đã đến bực tuyệt đỉnh của con người. Nó tương đương với chữ
“Phật“ trong đạo Phật. Số còn lại tất thảy đều bình đẳng với mọi loài sinh vật
khác, thậm chí nếu không cẩn thận thì có lúc, có thời “nhân“ chỉ ngang hàng với
những thứ “sô cẩu“ (chó rơm) mà thôi.
Nhưng từ khi
Ngài đặt ra đạo ấy, thiên hạ chẳng mấy ai đạt tới. Khối kẻ lừng lẫy, nổi tiếng
là “người“ nhất trong tất cả các giống người. Vậy mà khi hỏi như thế đã “Nhân“
chưa, Ngài đều bảo: “Chưa lấy gì làm chắc!“. Môn chữ “Nhân“ vì thế cho đến nay,
vẫn là một tuyệt kĩ làm người của riêng trí tuệ Khổng Tử. Sinh thời, học trò có
kẻ từng khuyên Ngài nên hạ thấp đi một chút, may ra ở đời có người hiểu mà theo
kịp, song Ngài nhất quyết không chịu, đến nỗi suýt mắc họa vào thân.
Hơn một trăm
năm sau, nước Lỗ lại sinh ra một Thánh nhân khác là Mạnh Tử. Vị Thầy này nghiên
cứu chữ “Nhân“ của Đức Khổng Tử, thấy quả nhiên ghê gớm, người đời khó lòng
hiểu nổi, đừng nói là theo đòi tu dưỡng ra làm sao. Bấy giờ thiên hạ đã loạn
(vô phúc) lắm rồi, con người chỉ còn biết đâm chém, tranh giành nhau mà thôi,
không thể nào thoát ra được nữa. Nhưng đạo “Nhân“ nếu không được thi hành, thì
con người rốt cuộc sẽ đi đến đâu? Nhưng oái oăm thay, đó lại là cái mà cả thiên
hạ không ai hiểu nổi, thì thi hành thế nào? Thôi thì cố vớt vát được chừng nào
hay chừng đó. Thế là cái việc mà Đức Khổng Tử ngày trước nhất quyết không chịu
làm, giờ đến lượt Thầy Mạnh Tử đành phải làm thôi. Thầy bèn hạ thấp cái đạo
“Nhân“ kia đi một chút.
Hạ thấp như
thế nào?
Mạnh Tử thêm
vào đằng sau chữ “Nhân“ một chữ “nghĩa“, thành ra “Nhân nghĩa“. Theo đó thì làm
người (Nhân), không nhất thiết cứ phải đòi cho bằng được ngang với Trời, Đất.
Cốt sao đạt tới “nhân nghĩa“ là được rồi. “Nhân“ là cái thuộc về cả Trời, Đất,
vũ trụ… khó lắm! Còn “Nhân nghĩa“ là cái chỉ thuộc về mỗi con người mà thôi.
Thế là “thêm“ chữ, mà thực ra đã “bớt“ đi rất nhiều qui mô, tầm vóc. Đó rõ ràng
là một sự “thỏa hiệp“, một bước “lùi“ đấy chứ. Hy vọng con người có thể hiểu
được (“nhân nghĩa“) mà thi hành. Đạo “Nhân nghĩa“ này của Thầy Mạnh Tử tuy cũng
là một trí khôn trùm thiên hạ đấy, song vẫn chỉ là một phần nhỏ. Nó thấp hơn
cái đạo “Nhân“ lồng lộng kia của Đức Khổng Tử nhiều lắm.
Sau đó thì thế
nào, có bao giờ thiên hạ trở lại được cái đạo “Nhân“ ấy của Đức Khổng Tử không?
Chưa bao giờ,
bởi thiên hạ vẫn ngày càng vô phúc. Cho nên đời sau cứ thế tiếp tục hạ thấp dần
những đạo lý của đời trước theo phương châm: “Vớt vát được chừng nào hay chừng
đó“.
Tiếp tục hạ
thấp như thế nào?
Cứ mỗi đời lại
hạ thấp thêm một ít, hạ thấp bằng đủ các kiểu trên đời, kể ra không xuể. Ví dụ
hơn một nghìn tám trăm năm sau, ở phương Nam có một vị Thánh nhân, khi xem xét
cái đạo “Nhân nghĩa“ của Thầy Mạnh Tử, đem đối chiếu với thời cuộc lúc bấy giờ,
vị Thánh nhân này thấy nó vẫn cao quá, xa vời quá, không cách gì thực hiện cho
được. Nhân nghĩa nếu được thi hành, được “tưới“ khắp thiên hạ, thì kẻ làm vua
không còn cái thú làm vua, kẻ làm quan không mơ màng đến bổng lộc, kẻ làm dân
tha hồ tự do, tha hồ ung dung tự tại mà vẫn không ra ngoài phép tắc. Một “thiên
hạ“ như thế chẳng phải là điều không tưởng hay sao? Không tưởng, chẳng lẽ lại
bỏ qua nhân nghĩa? Thôi thì vẫn thi hành. Nhưng lại phải hạ thấp xuống, chỉ
còn: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân…“. mà thôi. Yên được dân, thế cũng coi như
“Nhân nghĩa“ rồi, không đòi hỏi phải sướng dân, mới dân, hay sáng dân… gì gì
nữa. Muốn “yên dân“, thì trước tiên phải lo “trừ bạo“. Luôn luôn trừ bỏ kẻ hung
bạo trong thiên hạ cho dân được yên, thì cái việc nhân nghĩa ấy, so với cả cái
đạo “Nhân nghĩa“ kia, tuy có thấp hơn nhiều lắm, song thời bấy giờ, mong đạt
được đến đó cũng là tuyệt lắm rồi.
Cứ hạ thấp mãi
như thế, vậy chẳng lẽ thiên hạ mấy nghìn năm, chưa bao giờ là “có phúc“ hay
sao?
Thỉnh thoảng
cũng có đấy, nhưng chỉ là những “phúc“ nhỏ, riêng, ngắn ngủi, nằm trong cái “vô
phúc“ lớn, tổng quát, trùm hết mọi đời.
Còn bây giờ
thì sao?
Bây giờ, các
Thánh nhân đã chìm vào dĩ vãng cùng với đạo lý của các Ngài. Thế giới ngày nay
tự hào là văn minh, là giỏi giang lắm. Đã bay vào vũ trụ, lại còn bắn phá được
cả sao Chổi… thế mà cái đạo lý “yên dân“ kia, xem chừng vẫn còn quá cao, nói
chi đến “nhân nghĩa“ làm gì nữa cho xa vời. Kẻ hung bạo trừ mãi không hết, thậm
chí ngày càng hung bạo hơn, chúng lại có bom đạn, súng ống… trong tay. Kẻ lưu
manh, bịp bợm giáo hóa mãi không chừa, thậm chí càng đời sau càng đểu cáng hơn
đời trước. Chúng lại có sẵn quyền lực, địa vị trong tay, tha hồ mà nhân danh
mọi thứ… Yên dân tức là yên được cả thiên hạ, trong khi những kẻ hung bạo, lưu
manh đủ các kiểu lớn, bé… vẫn còn nhan nhản, vẫn leo lẻo nhân danh cái sự bịp
bợm để ngồi trên đầu, trên cổ thiên hạ giữa thanh thiên bạch nhật như thế, vẫn
tự xem dân như những món tài sản riêng trong túi mà muốn sao được vậy, mà bất
chấp luật lệ, thi nhau hoành hành. Thậm chí còn coi dân chẳng khác gì những thứ
thịt chó, thịt mèo cần phải ướp riềng mẻ, mắm tôm… trước khi làm những món chả,
hấp, nhựa mận, tiết canh… Thế thì cái đạo lý “yên dân“ kia xét cho đến đời nay,
lại tiếp tục là một điều không tưởng nữa.
Nghĩa là tiếp
tục phải hạ thấp?
Tất nhiên,
không theo được đạo lý của người xưa thì đành phải hạ thấp xuống chứ còn biết
làm thế nào.
Đạo “yên dân“
mà hạ thấp xuống nữa thì thành cái gì?
Thì thành cái
đạo… “yên thân“. Bây giờ thì chỉ còn mong: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên… thân…“.
mà thôi. Không yên được cả thiên hạ, cả thiên hạ không yên thì cốt sao yên lấy
cái thân mình, vợ con mình, gia đình mình là tốt lắm rồi. “Đạo“ ấy tóm tắt như
sau: mình cố không “động“ đến ai, cũng cố mong đừng ai “động“ đến mình… Tóm lại
là “Nhân nghĩa“ kể từ thời Thầy Mạnh Tử cho đến bây giờ, chỉ còn lại… có bấy
nhiêu mà thôi.
Thế thì có còn
là đạo lý nữa không?
Đạo lý là cái
gì? Chẳng phải đến bây giờ, chính nó cũng đã bị “hạ thấp“, đến nỗi chỉ còn là
cái “lý“ của kẻ cướp rồi hay sao? Cho nên “yên thân“ cũng không dễ mà đạt cho
mĩ mãn đâu. Bạn đang ở giữa châu Nam Cực? Hay đang ngồi trên sao Hoả? Cứ thử
thò mặt ra đường xem? Dẫu có tình nguyện làm con giun, con dế, cũng chưa chắc
đã “yên“, nếu không biết lối mà tung hô, mà dạ, vâng… cho phải phép.
Vậy thì: “Ngu“
là căn hầm trú ẩn cuối cùng của cái giống động vật có tên (khoa học) là “con
người“ đáng thương. “Hèn“ là một đại lượng tỉ lệ thuận với vai vế, địa vị hay
(thậm chí) tỉ lệ thuận với tri thức, cũng của cái giống động vật có bốn chi
(song chỉ sử dụng hai chi để di chuyển) đó. “Định nghĩa“ như thế “trừu tượng“
lắm phải không?
Đại khái hãy
so sánh với ngày hôm qua, không được phép so sánh với bất kì ai, kể từ gã hàng
xóm trở đi…
Thiên hạ đang
là một bầy cừu có chủ. Tốt hơn hết, hãy là một con cừu. Tối qua trong một đám
cưới, có mấy con cừu cứ thi nhau ca ngợi những ông chủ đang chăn dắt chúng. Vậy
thì kẻ biết chữ ngồi nghe cần phải biết liệu hồn. Biết đâu đến một lúc nào đó,
ngay cả cái đạo “yên thân“ này, cũng vẫn còn là một mơ ước… quá cao. Thì sao?
Viết tháng
6/2005, sửa chữa, bổ sung tháng 11/2006
Mối hận của Khổng Tử
(Trích Luận
ngữ Tân thư)
Thiên hạ rộng
lớn, vẫn có những con đường gọi là độc đạo. Vũ trụ mênh mông, vẫn để cho thánh
nhân độc hành. Sướng một đời là kẻ tục nhân, hận nghìn thu là bậc cao sĩ. Thế
mà gọi là tục nhân thì bị cho là mắng, gọi là cao sĩ thì lại bảo rằng khen. Có
ai ngờ đạo lý lại sinh ra từ đạo tặc? Lừa một người thì khó, lừa cả thiên hạ
xem chừng dễ như trở bàn tay. Việc gặp trên đường té ra không đến nỗi phải ôm
hận, việc chứng kiến cả đời, té ra vẫn phải ôm hận nghìn thu. Vui đến tận cùng
thì nét mặt hoảng hốt, buồn đến tận cùng thì thần thái tỉnh bơ. Ngu đến tận
cùng lại chính là đang ở chỗ chân lý. Hiểu đến tận cùng lại chính là quay trở
lại cái lúc ngu… Rốt cuộc thánh nhân cái gì cũng giống hệt mọi người, chỉ khác
duy nhất chỗ tận cùng đó mà thôi.
Vẫn “Lời tựa“
trong Luận ngữ Tân thư. Sau đây lại xin trích một phần của bộ sách đó.
Khổng Tử và
các học trò trên đường sang nước Vệ, gặp một người đang cày ruộng, bèn sai học
trò tới hỏi thăm đường. Người đi cày trỏ về phía Khổng Tử mà hỏi:
“Người đang ngồi kia là ai vậy?“.
Học trò đáp:
“Đó là thầy tôi“.
Người đi cày
bảo:
“Thiên hạ bây giờ lắm đạo, nhiều thầy. Trong
nhà vừa mất trộm, ra ngõ gặp ngay một kẻ xưng là thầy thì còn gì chán hơn thế
nữa. Ta hỏi thầy ngươi là ai mới được chứ?“.
Học trò đáp:
“Thầy tôi là Khổng Tử. Đạo của thầy tôi là đạo
lý, không phải đạo tặc. Đạo ấy chẳng liên quan gì đến việc trộm cắp cả“.
Người đi cày
bảo:
“Thế tại sao cũng gọi là đạo? Chẳng phải cuộc
đời bao giờ cũng chính là một vụ ăn cắp vĩ đại đó sao? Vì thế mới sinh ra đạo
lý. Vậy mà bảo chẳng liên quan gì thì ai mà tin được. Cái ấy gọi là ‘đạo tặc
khứ, đạo lý lai’ (Đạo tặc vừa đi khỏi, đạo lý liền đến ngay). Hai thứ ấy cứ
thay nhau trở qua trở lại mãi như thế. Khổng Tử thầy ngươi có phải là người đang
tìm đường trở về cái chỗ ngu nhất hay không? Sao đến bây giờ mà vẫn còn mờ tối
thế? Có mỗi một con đường (độc đạo). Lại có mỗi một người đi (độc hành). Thế mà
còn phải hỏi!“.
Học trò trở
lại thưa. Khổng Tử trầm ngâm một lát rồi than rằng:
“Đó là một bậc ẩn sĩ đấy. Dạy ta biết nghĩ là
Cha, Mẹ. Dạy ta biết những điều ta nghĩ đã tới đạo hay chưa, chính là kẻ đi cày
kia“.
Thấy các học
trò ngơ ngác có vẻ chưa hiểu. Khổng Tử nói tiếp:
“Chẳng phải các ngươi vì quá hăng hái nên lúc
nào cũng sẵn sàng đi nhầm đường đó hay sao? Vì thế thỉnh thoảng mới cần phải
dừng lại hỏi thăm. Giả sử hôm nay ta không nghe được những lời nói từ miệng
người thợ cày kia thì có lẽ phải ôm hận không biết đến bao giờ“.
Một hôm khác,
Ngài cùng các học trò đi qua một làng nọ, gặp một bà mẹ đang ôm lấy anh con
trai của mình mà gào khóc thảm thiết. Anh con trai mũ cao áo dài, hài vớ, cân
đai nghiêm chỉnh, rõ ràng là một kẻ vừa học hành đỗ đạt, đang sắp sửa được bổ
làm quan. Khổng Tử thấy vậy thì lấy làm lạ, bèn hỏi:
“Con bà có phải là người vừa đỗ cao đó không?
Tôi biết, bà cũng như nhiều người khác, thấy con mình thi đỗ thì mừng quá đến
nỗi phải phát khóc lên đó thôi. Song cớ sao lại ra chiều thảm thiết như vậy?“.
Bà lão nâng
vạt áo gạt nước mắt, cay đắng trả lời:
“Nào có gì mà mừng với rỡ. Tôi chẳng qua một
chữ bẻ đôi cũng không biết, nên mới phải cho con theo đòi trường ốc đấy thôi.
Ngài là bậc thánh nhân, chắc ngài chẳng lạ gì cái sự giáo dục bây giờ. Trong
trường, người ta toàn nhồi nhét vào bụng học trò những điều bịp bợm, dối trá,
nhằm biến chúng thành những kẻ u mê, không biết phân biệt đâu là thực, đâu là
giả nữa. Kết quả những hạng gọi là có học bây giờ nom thì sáng sủa, nghiêm
trang đấy, song một nửa chữ của đạo lý làm người cũng không hiểu, chỉ biết suốt
đời chạy theo danh lợi, tận tụy phục vụ cho cường quyền, trung thành tuyệt đối
với cường quyền… mà thôi. Dạy học như thế thì có khác gì lừa bịp? Biết con mình
bị lừa mà không làm thế nào được, thì hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn? Nay nó thi
đỗ, nghĩa là cái sự lừa ấy đã thành tựu rồi. Vì thế tôi đang đau khổ đấy chứ.
Đâu có mừng rỡ gì“.
Khổng Tử lại
hỏi:
“Bà là người không biết chữ, sao lại biết chắc
rằng con mình bị lừa?“.
Bà lão trả
lời:
“Đã là một người mẹ thì không cần phải đọc
sách mới biết con mình thay đổi theo chiều hướng nào. Huống chi bây giờ đang là
thời đại của dối trá, dối trá ngự trị từ trên cao xuống thấp, dối trá tràn lan
từ công sở, chợ búa, đến học đường… Xưa nay học làm người cốt ở học Kinh, Sử.
Thế mà Kinh thì tôi nghe con tôi đọc ra rả, chỉ thấy duy nhất một thứ kinh giả
cầy ở đâu ấy, hình như những chỗ khác người ta bỏ từ lâu rồi. Sử thì chỉ thấy
nhai đi nhai lại một mẩu bé tí tẹo đã được thổi phồng, được tô son trát phấn,
trùm lên cả ngàn năm sử sách của Ông Cha. Ngay cả văn chương cũng chỉ thấy học
vẹt những thứ văn một chiều, ngợi ca sự giả dối, tàn nhẫn… Giáo dục như thế
chẳng phải lừa mị thì là cái gì? Thậm chí có khác nào ăn cắp linh hồn của người
ta rồi nhét những thứ đểu giả của mình vào? Học như thế thì dẫu có đỗ cao đến
mấy, thực chất cũng chỉ là một thứ dở người, tiểu nhân mà thôi, chẳng bao giờ
sống nổi cho ra cái giống người! Rồi thì họ bảo sao nghe vậy, rồi thì chỉ biết
tham lam, đớn hèn… Dẫu họ có ngồi trên đầu, trên cổ đến muôn năm cũng chẳng hề
nhận ra, có khi còn phải biết ơn họ nữa là khác…“.
Khổng Tử bảo:
“Thì chính những kẻ đó, vì muốn giữ mãi địa vị
đè đầu cưỡi cổ thiên hạ của mình đến muôn năm (nguyên văn: “vạn tuế“), cho nên
mới đẻ ra cái nền giáo dục ấy. Nay bà có đồng ý để cho con trai bà đi theo tôi
để học lại đạo lý làm người chăng? Có điều sẽ không thể làm quan được mà thôi“.
Nói rồi Ngài
quay lại bảo các học trò:
“Giả sử hôm nay ta không được chứng kiến câu
chuyện này, thì chẳng bao giờ ta biết được cái sự lừa bịp trong giáo dục nó lại
ghê gớm đến thế. Bây giờ ta mới hiểu hết được câu nói của người thợ cày ngày
trước. Thì ra cuộc đời quả là một vụ ăn cắp vĩ đại. Người ta đã ăn cắp vào đến
tận linh hồn của mỗi con người. May mà thiên hạ vẫn còn có những bà mẹ không
biết chữ như bà mẹ đây. Nếu không thì chẳng biết đến đời nào ta mới rửa được
mối hận này?“.
Bà lão nghe
nói, bấy giờ mới tỏ vẻ mừng rỡ. Bèn vái Khổng Tử ba vái mà dắt tay người con
lại, trao cho Khổng Tử. Người con đó sau này trở thành một học trò nổi tiếng
giỏi về văn chương của Ngài. Chính là thầy Tử Hạ. Thầy họ Bốc, tên Thượng,
người nước Vệ, nhỏ hơn Khổng Tử tới bốn mươi tư tuổi. Tử Hạ về sau quả nhiên
suốt đời không làm quan, chỉ mở trường dạy đạo lý và thỉnh thoảng viết sách mà
thôi. Câu chuyện trên chính là được rút ra từ trong sách của Thầy.
Lại một hôm
khác, Khổng Tử cùng các học trò đi qua một bến đò. Thấy một người ngồi lủi thủi
trên bờ, nét mặt buồn bã, đang ném những viên sỏi xuống dòng sông. Khổng Tử bèn
tới gần hỏi:
“Có điều gì mà người buồn bã vậy?“.
Người kia
không ngẩng mặt lên, chỉ buông một câu nhát gừng:
“Tôi đang cô đơn“.
Khổng Tử bảo:
“Thời buổi đảo điên như thế này mà cô đơn thì
cũng không có gì lạ. Song cô đơn mà còn biết buồn thì chẳng qua chỉ là cái cô
đơn tạm thời, cô đơn trong chốc lát mà thôi. Cô đơn mà không còn biết buồn là
gì nữa mới là sự cô đơn vĩnh cửu“.
Nói xong dắt
học trò đi thẳng. Duy có Nhan Hồi còn cố nán lại hỏi han, biên rõ tên họ, quê
quán người ấy lại rồi mới đuổi theo thầy.
Mấy năm sau,
thầy trò lại có dịp qua bến đò ấy. Nhớ lại chuyện xưa, Nhan Hồi lân la hỏi thăm
thì được biết người kia quả đã tìm được bạn tri kỉ, không còn cô đơn nữa rồi.
Họ Nhan phục quá, bèn hỏi Khổng Tử:
“Năm xưa, làm sao thầy biết kẻ ấy chẳng qua
chỉ cô đơn tạm thời mà thôi?“.
Khổng Tử trả
lời:
“Lòng người nghĩ mà chưa tới thì thôi. Một khi
nghĩ mà đã tới thì có khác gì vũ trụ thu nhỏ (nguyên văn: “tâm đắc tiểu vũ
trụ“). Khi ấy linh tính lúc nào cũng tràn ngập cả trời đất. Còn cảm thấy buồn
nghĩa là vẫn có người tri kỉ ở đâu đó trong đời, có điều chưa đến lúc gặp đấy
mà thôi. Nhưng cô đơn mà cảm thấy lòng mình lạnh tanh, không còn biết buồn là
gì nữa, thì thế gian quả không còn ai là người tri kỉ nữa rồi. Như thế mà chỉ
cô đơn đến trọn kiếp thì vẫn còn là may đấy. Việc này ta đã chứng kiến cả cuộc
đời rồi“.
Nhân chuyện
ấy, có mấy câu truyền lại trong đời như sau:
“Thiên hạ thùy nhân tri kỉ? Hận nhất dạ.
Thiên hạ vô
nhân tri kỉ! Hận thiên thu“.
(Còn hỏi được) thiên hạ ai là người tri kỉ thì
(chỉ) hận một đêm. (Khi đã biết) thiên hạ không còn người tri kỉ nữa thì hận
đến nghìn thu).
Đời sau có
người hỏi: Vậy Khổng Tử có phải là người cô đơn không? Nếu là người cô đơn, thì
cô đơn như thế nào?
Khổng Tử đúng
là người cô đơn. Không những thế, đó là người cô đơn vĩnh cửu. Hiểu được lòng
mình chỉ có thể là người tri kỉ. Song trên đời đã không có ai là kẻ như thế,
thì mong gì có ở những đời sau. Vì thế rốt cuộc, Ngài vẫn phải ôm hận nghìn
thu.
10/2005
Luận về… cái sự học
(Trích Luận ngữ tân thư)
Đã gọi là thầy
(sư) thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn một tí tẹo là có thể làm thầy (nhất
tự vi sư, bán tự vi sư). Chung quy chia làm hai hạng. Hạng tiên sư và hạng tục
sư.
Hạng tiên sư
vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền. Hạng
tiên sư “lôi“ kiến thức (vốn có sẵn) trong bụng học trò ra. Hạng tục sư “nhét“
kiến thức từ ngoài vào. Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo
tục sư thì con người là cái thùng chứa sách.
Hạng tiên sư
chỉ cho học trò thấy cái chỗ thiếu của mình. Hạng tục sư chỉ cho học trò thấy
cái chỗ giỏi của mình. Thấy thiếu thì lo lắng, muốn được bổ sung, vì thế kiến
thức tăng tiến. Thấy giỏi thì hung hăng, muốn được thi thố, vì thế kiến thức
dừng lại. Hạng tiên sư nương theo con người mà hành đạo. Hạng tục sư nương theo
chính trị mà hành nghề.
Nước có đạo lý
thì tiên sư nhiều hơn tục sư. Nước vô đạo lý thì tục sư nhan nhản, có khi bói
không ra một mống tiên sư nào. Chính trị đứng đắn chú trọng đến tiên sư. Chính
trị lưu manh chú trọng đến tục sư. Bởi thiên hạ ai cũng quan tâm đến việc làm
người thì chính trị khó bịp, ngôi vua nguy như đèn ra trước gió, phải tử tế lắm mới mong giữ được. Thiên hạ ai cũng quan
tâm đến việc làm tiền thì chính trị tha hồ bịp, ngôi vua chả cần tử tế vẫn có
thể muối mặt mà cố đấm ăn xôi.
Giáo dục cốt
làm thay đổi dân trí. Song không phải bao giờ cũng theo hướng nâng cao. Giáo
dục vì dân nhằm vào cái chỗ sáng suốt của dân. Giáo dục lừa dân nhằm vào cái
chỗ mê lú của dân. Huống chi cái việc học làm người kia lại vô cùng khó khăn.
Bậc tiên sư dù cố đến mấy, rốt cuộc chỉ mang tiếng vẽ đường cho hươu chạy. Mấy
ngàn năm càng vắng ngắt bóng người…
Vẫn “Lời tựa“
trong “Luận ngữ tân thư“. Sau đây lại
xin trích một phần của bộ sách đó:
Khổng Phu Tử
một hôm đang thư thái, bỗng buột mồm nói ra câu: “Hành tương tựu mộc tác nhân
nan“ (Người ta thường sắp chui vào quan tài rồi, mới biết làm người là một việc
khó). Các học trò nhao nhao thắc mắc. Ai cũng cho rằng Ngài nói vậy là hơi bi
quan. Làm người mà khó đến như thế, thì chẳng lẽ cuộc đời này toàn… khỉ hết hay
sao? Rằng cứ theo cái thuyết chữ “Nhân“ của Ngài, thì miễn sao sống cho tử tế,
có hiếu với bố mẹ, ông bà, không ăn cắp ăn trộm, không lừa đảo hay hại ngấm hại
ngầm ai… là thành người được rồi. Chứ có gì ghê gớm mà Ngài phải kêu khó.
Khổng Tử bèn
thuyết liền một hồi:
-Các ngươi chỉ
biết một mà chưa biết hai. Làm người trước tiên cần phải biết phân biệt. Mà
phân biệt đâu phải là một kiến thức đơn giản. Không biết phân biệt sẽ không bao
giờ cho ra cái hồn người. Kẻ không biết phân biệt có ba việc mù mờ (nguyên văn:
tam sự bất tri) như sau: Thứ nhất, ăn không biết thế nào là ngon, uống chẳng
biết thế nào là dở… như thế gọi là: “thực bất tri kì vị“. Thứ hai, nói không biết nên nói với ai, nghe
chẳng biết nên nghe ai nói… như thế gọi là: “xử bất tri kì nhân“. Thứ ba, đi không biết nên đi theo đường nào.
Ngồi chẳng biết nên ngồi chỗ nào cho đúng… như thế gọi là: “hành bất tri kì
đạo“.
Huống chi các
ngươi chỉ biết nghe theo một chiều, hiểu theo một chiều, tin theo một chiều…
duy nhất. Trên đời này không cái ngu nào sánh bằng ngu đó. Không cái lười nào
sánh bằng lười đó… Vừa ngu, vừa lười đến tận cùng như thế, thì làm sao có thể
tự hiểu được mình. Kẻ không hiểu được mình thì đứng không biết mình đang đứng
chỗ nào, đi chẳng biết mình sẽ đến đâu… Thế rồi tự cao tự đại, thế rồi vỗ ngực
xưng danh… tự cho là mình khôn nhất thiên hạ. Lời nói hay chẳng bao giờ lọt vào
tai nữa, cứ một mực tin theo những hạng đểu giả. Kiến thức như thế thì dẫu cao
mấy, thực chất cũng chẳng khác gì kiến thức của một anh hoạn lợn. Không những
tự gây họa cho mình, mà còn gây họa cho người khác. Có khi gây họa cho cả thiên
hạ chưa biết chừng.
Các học trò
nghe đến đó thì sợ toát mồ hôi. Bèn hỏi:
-Thế nào là tự
gây họa cho mình?
Khổng Tử bảo:
-Người ta vạch
ra cái chỗ dở của mình để mong mình sửa, thì lại tưởng là người ta chửi. Người
ta nịnh cái chỗ đểu của mình để hòng kiếm chác, thì lại tưởng là người ta khen…
Rốt cuộc người đáng lẽ là bạn, thì lại nghĩ là thù. Kẻ đáng lẽ là thù, thì lại
cho là bạn… Lẫn lộn, u tối đến như thế mà không gặp họa thì xưa nay chưa ai
từng nghe nói đến bao giờ.
Các học trò
nghe thấy thế thì càng sợ hơn nữa. Lại hỏi tiếp:
-Thế nào là
gây họa cho thiên hạ?
Khổng Tử bảo:
-Hạng người ấy
mà làm tướng thì mất toi thành. Làm quan phủ, quan huyện nào thì dân trong phủ,
huyện ấy điêu đứng. Làm vua thì cả nước khốn nạn, thậm chí còn mất nước vào tay
ngoại bang. Làm thầy thì ngu đến cả trăm đời sau… Thế gọi là gây họa cho thiên
hạ.
Các học trò
hỏi tiếp:
-Vậy cứ theo ý
Phu Tử thì bao giờ chúng tôi mới có thể học thành người?
Khổng tử trả
lời:
-“Ta có thể
dạy các ngươi hiểu thấu được lẽ đời (nhi bất hoặc – hết ngờ vực). Song không
thể dạy các ngươi hiểu thấu được lòng trời (tri thiên mệnh – biết mạng trời).
Ta có thể dạy
các ngươi hiểu thấu được lòng trời. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu được
lòng người (nhi nhĩ thuận – nghe thuận tai).
Ta có thể dạy
các ngươi hiểu thấu được lòng người. Song không thể dạy các ngươi hiểu thấu
được lòng mình (tòng tâm kì dục, bất du củ – tùy lòng muốn mà vẫn không thay
đổi quy củ).
Ta có thể dạy
các ngươi hiểu thấu được lòng mình. Song không thể dạy các ngươi khiến được
lòng mình (lạc dĩ vong ưu – vui (theo đạo lý) mà quên hết buồn phiền).
Ta có thể dạy
các ngươi khiến được lòng mình. Song không thể dạy các ngươi (thấu suốt đạo lý)
đến nỗi quên đi cả sự tồn tại của mình (bất tri lão chi tương chí – không hề
biết tuổi già của mình sắp đến)…
Xem thế thì
biết, cái sự học làm người kia là… không biết đến bao giờ“.
Các học trò
nghe như vịt nghe sấm. Bèn đề nghị:
-Phu Tử có thể
giảng kĩ hơn một chút được không? Vẫn biết học làm người là một việc khó khăn,
lâu dài. Song cớ sao lại rắc rối như thế?
Khổng Tử bảo:
-Đó là những
thang bậc từ thấp đến cao của cái sự học (hạ học nhi thượng đạt). Cũng là những
điểm “chết“ (nguyên văn: tắc tử) của kiến thức. Vượt qua được những mốc ấy là
một việc khó khăn nhất trong cái sự học của muôn đời. Dừng lại ở bất cứ mốc nào
cũng lập tức biến thành người ngu.
Các học trò
lại hỏi:
-Thế nào là
biến thành người ngu?
Khổng Tử bảo:
-Kẻ ngu nhất
trên đời là kẻ tự bằng lòng với kiến thức của mình. Dẫu đã thấu hết lẽ đời thì
cũng không bao giờ hiểu được lòng trời. Dẫu đã thấu được lòng trời thì cũng
không bao giờ hiểu được lòng người. Dẫu đã thấu được lòng người thì cũng không
bao giờ hiểu được lòng mình… Từ khi làm thầy, ta kị nhất loại học trò học đến
đâu giỏi đến đó. Học kiểu ấy nguy như trứng để đầu gậy. Bởi kiến thức có thể
dừng lại bất cứ lúc nào. Kiến thức đã dừng lại, thì hậu quả tai hại sẽ không
biết đâu mà lường được. Có khi còn biến thành một kẻ lưu manh trí thức lúc nào
không hay.
Nói đến đó,
Khổng Tử bỗng buột mồm thốt ra một câu than thở:
-Ôi! Kẻ học
giả lúc nào cũng có sẵn sàng một cơ hội lớn để trở thành một tên… thậm ngu
ngốc, thậm lưu manh.
Các học trò
nghe vậy thì không ai bảo ai, tất cả đều nhất tề thở dài đánh sượt một cái. Lại
hỏi tiếp:
-Phu Tử nói
thế thì chúng tôi cũng đành cố gắng học được đến đâu hay đến đó, học mãi không
dám dừng lại. Chứ còn biết làm thế nào. Không hiểu những đời sau này không có
Phu Tử, thì rồi có ăn thua gì không? Hay là chỉ sinh ra rặt những hạng bịp bợm,
kiến thức đã như anh hoạn lợn, mà đểu giả, bất lương thì không ai sánh bằng. Nhưng
chẳng hay Phu Tử có thể lấy ví dụ về cái việc học làm người là rất khó ấy, cho
chúng tôi nghe được không?
Khổng Tử bèn
ví dụ bằng mấy câu chuyện sau đây:
Câu chuyện thứ
nhất:
Ta (Khổng Tử)
từng có một học trò xưng là Tử Hư. Y là một người rất say mê cây cối. Cây càng
cổ thụ, y càng mê mẩn. Không ngày nào là y không tìm đến một nơi có cây cao
bóng cả, có tán rộng như những chiếc dù vĩ đại, che rợp cả một vùng, cành lá
xanh tốt sum xuê để ngắm nghía, xuýt xoa… Ngắm mãi không biết chán, xuýt xoa
mãi không mỏi mồm. Lại tưởng tượng mỗi tán cây như một nước, mỗi nhánh, cành
như một phủ, huyện, mỗi lá cây như một kiếp người… còn thân cây như một vị
hoàng đế. Sự hâm mộ kể cũng đến thế là cùng.
Một hôm, y
chợt phát hiện thấy từ một thân cây to lớn mà xưa nay y vẫn hâm mộ, vẫn ngắm
nghía ấy bỗng nhú ra những mẩu gì tròn tròn, xam xám, mềm mại như lông thú.
Những mẩu ấy cứ mỗi ngày lại thò dần ra. Vài hôm sau thì rõ là những cái đuôi
chồn. Những cái đuôi chồn vắt vẻo, ngoe nguẩy ở thân cây nom đến kinh. Cây không
mọc cành, đơm lá… mà lại mọc ra những cái đuôi chồn? Đó là điều mà y không thể
chấp nhận, không thể tin được.
Y quyết tâm
giữ gìn sự hâm mộ, còn hơn giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nhưng những cái đuôi
chồn thì cứ sờ sờ ra đấy, làm y không chịu nổi. Y bèn thắc mắc với ta. Ta bảo:
“Ngươi đã có thể tin được rằng mỗi thân cây như một vị vua, thì tại sao lại
không tin được rằng từ đó có thể mọc ra những cái đuôi chồn? Chớ vì sự hâm mộ
mà sinh ra lú lẫn. Kiến thức của ngươi một khi đã cố chấp như thế thì khó có thể
làm người được“.
Câu chuyện thứ
hai:
Ông Mỗ làm
quan tể ở ấp Trâu là một người có tiếng ngay thẳng, thanh liêm, rất ghét thói
nịnh bợ. Vì thế pháp luật được thi hành. Dân ấp Trâu vui vẻ làm ăn, không tranh
giành, đểu cáng với nhau. Trẻ con biết kính trọng người lớn, người lớn thương
yêu, đùm bọc trẻ con. Ban ngày ra đường không ai nhặt của rơi. Tối về nhà không
phải khóa cổng. Con trai, con gái đi
riêng hai bên đường, không bậy bạ, sàm sỡ với nhau… Tất cả nhờ ở cái đức của
ông quan Mỗ ấy mà có được như thế.
Tưởng làm
người mà được như ông Mỗ thì ai còn nghi ngờ gì nữa. Tất nhiên xung quanh ông
cũng không thiếu những kẻ xấu, những kẻ cơ hội, bất lương. Chúng tìm mọi cách
để nịnh nọt, lung lạc cái đức của ông hòng kiếm chác này nọ. Song ông Mỗ không
những không hề lay chuyển, mà còn thẳng tay trừng trị, khiến chúng không dám ho
hoe gì nữa. Ấp Trâu ngày càng thịnh vượng.
Thế mà cũng
chẳng được bao lâu. Có ai ngờ một người như ông Mỗ cũng đến lúc thay đổi. Ông
bắt đầu thích những lời tâng bốc, ca ngợi. Ông bằng lòng và kiêu ngạo với những
gì mình đạt được. Ông nhắm mắt, bịt tai trước những lời nói thẳng, những kẻ can
gián. Thậm chí còn sai người bắt bớ, bỏ tù họ. Dần dần, ông biến hẳn thành một
ông quan bịp bợm, lèo lái, vừa thích nịnh, vừa ăn của đút như ranh. Đám tay
chân cũng nhanh chóng a dua theo. Chúng tha hồ nhân danh pháp luật để ăn cắp
trắng trợn mọi thứ của dân, không cho dân được kêu ca, oán thán gì…
Ấp Trâu trở
thành một nơi tăm tối nhất thiên hạ, chính trị đểu giả, lưu manh không nơi nào
sánh bằng. Dân chúng bị cưỡi lên đầu lên cổ đã đành, lại còn không dám hó hé,
suốt ngày phải ca ngợi, mở mồm ra là phải nói lời biết ơn cái lũ đầu trâu mặt
ngựa, cầm đầu là ông quan Mỗ ấy(!). Biết ơn lũ kẻ cướp là một việc xưa nay chưa
từng có. Chắc chỉ diễn ra ở nơi có cái thứ chính trị đã biến thành lưu manh như
kiểu ấp Trâu mà thôi.
Tại sao ông Mỗ
lại thay đổi nhanh chóng, lại trở thành một kẻ thối nát ghê tởm như vậy? Trong
khi ông từng có tiếng là một người ngay thẳng, ghét cay ghét đắng bọn nịnh hót
kia mà. Ai đã bỏ bùa mê thuốc lú cho ông?
Nguyên nhân té
ra rất đơn giản. Tất cả chỉ tại lũ chó nhà ông. Trong nhà ông Mỗ nuôi một đàn
chó, gầy, béo, đốm, khoanh, vàng, vện… đủ cả. Hàng ngày đi làm về, chúng tranh
nhau vẫy đuôi mừng ông rối rít. Con thì liếm chân, liếm tay, con thì ngửi quần
áo, con thì cố tru lên những tiếng sủa ra vẻ hớn hở, vui mừng… Chúng thi nhau
nịnh ông bằng đủ các động tác, cử chỉ làm ông vô cùng hả hê.
Ông Mỗ từ chỗ
thích cái sự nịnh nọt ấy của lũ chó, dần dần đâm ra thích được cả người nịnh.
Nhất là những kẻ có cái lối nịnh cũng na ná như lũ chó kia thì ông lại càng
thích. Mà những kẻ đó nào có thiếu gì. Tài bắt chước chó của họ thì không chê
vào đâu được. Họ không những nịnh bằng giọng lưỡi, động tác, bằng sự liếm láp y
hệt loài chó… mà còn nịnh bằng cả văn chương, nhạc, họa… Thậm chí sẵn sàng bóp
méo cả sử sách để làm hài lòng ông…
Thế mới biết
làm người quả là một việc khó khăn. Duy trì sự tử tế quả là một công phu nan
giải. Có khi bị hỏng, bị dang dở giữa chừng chỉ vì lũ chó nuôi trong nhà. Vì
thế, kẻ đã quyết chí làm người thì phải cảnh giác với từ con chó trở đi.
Những điều
trên đây rút ra từ ghi chép của Nhan Hồi -một học trò yêu của Khổng Tử. Khổng
Tử có lần đã nói: “Này Hồi! ta sở dĩ thích ngươi, chính bởi ngươi là một học
trò học đến đâu thấy thiếu đến đó. Vì thế kiến thức không bao giờ dừng lại, cái
ngu, cái xấu không có cơ hội đến gần được với ngươi…“. (nguyên văn: tri nhi bất hạn, ngu xú bất
cận).
2/2006
Nguồn: Tạp văn Phạm Lưu Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét