Giáo dục khai phóng, con đường xa ngái… (*)
PGS TS
Hoàng Dũng
Đại học
Việt Nam từng trải qua nhiều đợt cải cách để mong chấm dứt tình trạng đào tạo
“học sinh cấp 4”, chất lượng đầu ra không cung ứng nổi cho thị trường lao động
đòi hỏi cao. Nhưng trong bảng xếp hạng đại học thế giới của Times Higher
Education – một trong những ấn phẩm xếp hạng khách quan và uy tín nhất toàn cầu
– đến nay vẫn không có một trường đại học nào của quốc gia 90 triệu dân này lọt
vào danh sách 400 đại học ưu tú nhất.
Là người
hàng ngày trực tiếp giảng dạy trên giảng đường đại học, PGS TS Hoàng Dũng nói:
Bất chấp chúng
ta có những nhà khoa học tầm cỡ thế giới, học sinh chúng ta đoạt nhiều giải
thưởng trong các kỳ thi quốc tế, giáo dục Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp – nghịch
lý ấy từ lâu không còn làm ai ngạc nhiên.
Giáo dục nói
chung và đại học nói riêng ở Việt Nam đã trải qua nhiều đợt, người thì nói nhẹ
nhàng “cải cách”, mạnh hơn một chút thì “chấn hưng”, nhưng cũng có người quyết
liệt nói “cách mạng”. Nay thì, theo đúng từ ngữ của nghị quyết vừa mới thông
qua, là “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”! “Căn bản, toàn
diện” là cách mạng chứ gì nữa! Nhưng có lẽ lựa chọn cách nói như thế là người
ta đã bắt đầu biết sợ những diễn đạt quá “hoành tráng”.
Tất cả cho
thấy xã hội và các cấp có trách nhiệm đã thấy giáo dục đang khủng hoảng; và để
giải quyết khủng hoảng ấy phải có phương thuốc “trị căn”, chứ không dừng lại ở
“trị chứng”.
Để cải tổ
đại học, theo ông phải bắt đầu từ đâu: gốc hay ngọn, hay cả gốc lẫn ngọn?
Nếu bài toán giáo
dục chỉ cần giải quyết ngọn mà xong, thì không thể nhận định giáo dục Việt Nam,
trong đó có đại học, đang khủng hoảng. Nhưng chỉ chăm chăm lo phần gốc, mà
không chú ý thích đáng phần ngọn, thì trong một thời gian khá dài, bề ngoài vẫn
chưa thấy thay đổi gì nhiều, vì “thuốc” chưa đủ thời gian để ngấm.
Nhà quản lý bỏ
mặc những giải pháp chiến lược, để tập trung vào những vấn đề bề mặt (như phong
trào “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”)
thì trước mắt có thể tạo một ấn tượng tốt đẹp nào đó, nhưng nhất định sẽ thất
bại. Ngược lại, nếu bức tranh giáo dục không được cải thiện trông thấy, thì xã
hội không thể chờ đợi, gây áp lực đối với nhà quản lý. Giáo dục tác động đến
toàn xã hội, đến 100% dân số, vì thế đây là áp lực hết sức lớn. Ở tầm quốc gia,
giáo dục là một vấn đề chính trị. Và không một nhà chính trị khôn ngoan nào lại
liều lĩnh đến mức không cần cân nhắc đến điều đó. Giải pháp về giáo dục phải là
một giải pháp tổng thể, cân bằng giữa “gốc” và “ngọn”.
Người thầy,
đầu vào của sinh viên, cơ sở vật chất… đều là vấn đề có thực của giáo dục Việt Nam.
Nhưng khó lòng cho đó là những vấn đề quan trọng số một. Vì chất lượng và số
lượng của người thầy, của tân sinh viên, của cơ sở vật chất không phải tự nhiên
mà có. Nó là sản phẩm của một cơ chế nhất định.
Tự chủ đại học
là một trong những cơ chế như thế. Xin nêu một trường hợp đáng ngẫm nghĩ: khi
giáo sư Thí Xuân Phong (Shih Choon Fong) được chọn làm hiệu trưởng Đại học Quốc
gia Singapore (NUS) năm 2000, ông đã cho tiến hành những cải cách mạnh mẽ. Tất
nhiên, ông bị phản đối gay gắt, đến mức bị Chủ tịch Uỷ ban Giáo dục của Quốc
hội lúc ấy cáo buộc ông đã đảo lộn các chuẩn mực tuyển dụng ở trường đại học.
Mặc, giáo sư Thí Xuân Phong vẫn cứ làm theo ý ông. Kết quả đến năm 2004, NUS đã
có một cuộc thăng hạng ngoạn mục: vươn lên đứng thứ 18 trong các trường đại học
tốt nhất thế giới, theo xếp hạng của Times. Giả sử giáo sư Thí Xuân Phong
làm hiệu trưởng một trường Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế hiện nay, tôi tin
giáo sư sẽ bị cách chức trước khi thấy kết quả công việc của mình.
Theo ông,
tự do học thuật có vai trò và giá trị thế nào trong cách tân giáo dục nước nhà
vào thời điểm hiện tại? Có rào cản nào không về ngân sách - thể chế trong việc
thực hiện không gian tự do học thuật và đảm bảo chất lượng đào tạo đại học?
Tự chủ đại học
không chỉ là tự chủ về mặt hành chính mà quan trọng không kém, thậm chí có thể
nói là quan trọng hơn, là tự do học thuật. Ở ta, tự chủ về mặt hành chính tuy
khó nhưng còn dễ hơn là chuyện tự do học thuật. Người ta không quen. Đã xảy ra
chuyện một cơ quan quyền lực biên soạn giáo trình đại học, buộc tất cả các
trường phải dùng làm tài liệu chuẩn. Đã xảy ra chuyện một cơ quan hành chính ra
lệnh kiểm điểm những giáo sư đánh giá cao một luận văn thạc sĩ văn học, vì cho
luận văn đó “có quan điểm sai trái”.
Không ai lú
lẫn đến mức khẳng định tất cả hoạt động học thuật nói chung và ở đại học nói
riêng đều đúng đắn. Nhưng vấn đề là cần phải giải quyết ở góc độ học thuật và
bằng học thuật. Để bất cứ quan điểm ngoài học thuật nào xen vào, dù dưới bất cứ
danh nghĩa nào, “chính đáng” hay “cao cả” đến đâu, cũng làm phương hại đến học
thuật. Năm 1956, trong bài “Muốn phát triển học thuật”, Đào Duy Anh đã than:
“Trong địa hạt khoa học tự nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào
địa hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công tác chuyên môn,
nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong địa hạt khoa học xã hội thì mối tệ
cũng không kém”. Chắc ông không tưởng tượng được rằng gần 60 năm sau, “mối tệ”
ấy vẫn còn!
Đại học là trí
tuệ của đất nước, là nơi sinh dưỡng hiền tài. Mà như một câu nổi tiếng của Thân
Nhân Trung khắc trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên của Văn Miếu Quốc Tử Giám: “Hiền
tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh,
nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Khoá cho thật chặt để tránh gió
độc, thì cũng bịt lối vào của gió lành. Hiền tài nào sống được trong môi trường
thiếu dưỡng khí đó!
Còn chuyện
tiền bạc? Khó lòng cải cách giáo dục mà không có đủ tiền hay chính xác hơn,
không quyết tâm dành tiền cho giáo dục. Có tốn nhiều tiền không? Giáo sư Nguyễn
Văn Tuấn đã tính toán là để nâng cấp và xây dựng mới khoảng 200 bộ môn ở các
trường đại học đủ trang thiết bị hiện đại và hàng năm mời 200 chuyên gia nước
ngoài đến làm việc trong vòng 10 năm thì tốn chừng 125 triệu USD/năm. Để so
sánh, xin nhắc kinh phí làm đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là 28 triệu
USD/km.
Thật ra, nguồn
tài chính cho giáo dục không thể chỉ trông cậy vào ngân sách nhà nước. Nhưng
một khi đại học trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu của nền
kinh tế, thì xã hội sẵn lòng chi tiền. Sự sẵn lòng ấy về căn bản không phải
xuất phát từ lòng tốt, mà do đồng tiền bỏ ra thu được lãi. Ở Mỹ, 70-80% ngân
sách của các đại học đến từ tài trợ của các công ty, của hợp đồng nghiên cứu
hay triển khai khoa học… Xã hội đặt hàng và đại học đáp ứng. Và điều đó làm ra
tiền. Ở ta, khái niệm “xã hội hoá” giáo dục hầu như bó hẹp trong chuyện bắt phụ
huynh học sinh phải xuỳ tiền ra!
Cho nên, cách
tân giáo dục là chuyện vượt tầm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nó là
chuyện thể chế. Nó là chuyện quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất.
Trong khi chờ
đợi giáo dục Việt Nam
cất cánh, những người có tiền hay có thế lực hoặc may mắn, giải quyết theo cách
mà báo chí gọi là “tỵ nạn giáo dục”. Nhưng đa số người dân Việt thì đành phải
chịu một nền giáo dục như nó có.
Đề án đổi
mới toàn diện giáo dục lần này đặt vấn đề “trước đây nặng về dạy chữ, nhẹ dạy
người”… Vậy mục tiêu của đại học là đào tạo ra những con người như thế nào?
Đánh giá rằng
“trước đây nặng về dạy chữ” là không đúng. Vì nếu thế, không thể lý giải được
tại sao đã “nặng về dạy chữ” mà chất lượng sinh viên nhìn chung vẫn thấp. Còn
“nhẹ về dạy người”? Nếu căn cứ vào lời lẽ và cơ chế, thì giáo dục Việt Nam không hề
xem nhẹ vấn đề này. Trái lại, còn quá nặng. Không khó khăn để trích dẫn những
câu chữ trong các văn bản chính thức nhấn mạnh đến việc “dạy người”. Nhưng dạy
thành công hay không, là chuyện khác. Chính xác hơn, nhà trường ta nhẹ về dạy
người lẫn dạy chữ!
Một nền giáo
dục khai phóng, là mở ra những chân trời rộng lớn, ở đó con người tự do, tự
chủ. Đó là mục đích của một nền giáo dục đích thực, bất cứ thời nào và nơi nào.
Đất nước có thể “rũ bùn đứng dậy sáng loà”, “sánh vai với cường quốc năm châu”
được không, nếu thiếu điều đó? Nhưng hiện nay và ở ta con đường đi đến nền giáo
dục khai phóng còn xa ngái!
Riêng đại
học sư phạm – trường có vị trí hàng đầu trong câu chuyện cách tân giáo dục –
vẫn đứng trước thách thức “chuột chạy cùng sào…”, theo ông phải cải tổ như thế
nào?
Truyền thống
Việt Nam
đề cao “tôn sư trọng đạo”. Nhưng người thầy nay đã “mất giá” theo nghĩa đen.
Một cuộc điều tra gần đây cho thấy thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của
giáo viên từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng; sau 25 năm giảng dạy mới có mức lương
4,1-4,7 triệu đồng/tháng; và đến 50% số giáo viên lương thấp hơn mức lương bình
quân. Trong hoàn cảnh đó, nhấn mạnh đến “thiên chức cao quý” của nghề giáo chỉ
là một sự mỉa mai, làm tăng vị cay đắng cho nghề sư phạm. Chưa từng thấy một
quốc gia nào có nền giáo dục phát triển, mà lương nhà giáo lại thấp (lương
trung bình một năm của giáo viên ở Singapore là 45.755 đô la, ở Hàn Quốc, Mỹ,
Đức và Nhật Bản đều trên 40.000 đô la).
Trong sự xuống
cấp chung của đại học, sự xuống cấp của đại học sư phạm phải gây cho những
người có trách nhiệm biết nghĩ xa và sâu một sự lo lắng đặc biệt. Vì điều đó
rút cục sẽ tác động tệ hại đến giáo dục nói chung.
Một quan chức
lớn có nói với tôi rằng tăng lương cho giáo viên không dễ. Vì giáo viên có số
lượng đông đảo (theo Tổng cục Thống kê, số giáo viên phổ thông năm học
2010-2011 là 830.900 người). Vì các ngành khác “tỵ nạnh”. Nhưng chính vì thế
mà như đã nói ở trên, giáo dục cần đến quyết tâm chính trị của cơ quan cao nhất.
Xin nói thêm:
Đã không còn hiếm việc phải chạy chọt, có khi mất hàng trăm triệu, mới có một
chân giáo viên. Lương thì thấp, phải dạy không công bao nhiêu năm mới bù được?
Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không thể kiếm việc làm đúng chuyên môn, đã
tâm sự với tôi đầy chua xót. Hơn 30 năm giảng dạy ở trường đại học sư phạm, tôi
chưa từng thấy tình hình nặng nề như thế. Tăng lương cho nhà giáo là cần, nhưng
đã đủ chưa?
Tác gia Mỹ
W.A. Ward từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết
giải thích, người thầy xuất sắc biết minh hoạ, người thầy vĩ đại biết truyền
cảm hứng”, nghĩa là sao thưa ông?
Trong một cuộc
hội thảo về văn hoá, giá o sư Hoàng Tuỵ nhận xét rằng người Việt Nam học phổ
thông thì không đến nỗi nào, nhưng lên đại học thì kém hơn, và ở bậc trên đại
học thì thua xa so với các nước tiên tiến. Giáo sư cho rằng đó là do người Việt
thiếu óc tưởng tượng. Rất có thể.
Cảm hứng chỉ
được nuôi dưỡng khi nảy mầm trên những mảnh đất mới mẻ. Thầy giáo truyền được
cảm hứng là nhờ biết gieo hạt tưởng tượng trong tâm trí người học, cung cấp cho
họ năng lượng cần thiết để vượt qua những khổ nhọc trên con đường khám phá.
Chân trời của tưởng tượng vốn không có biên độ. Ở đấy con người thoát ra những
lẽ thường và hoàn toàn tự do.
Nhưng như thế
thì ta lại quay về chuyện “tự do học thuật”!
Cho nên, có
một cách giải thích khác với ý kiến của giáo sư Hoàng Tuỵ. Cũng là người Việt Nam, tại sao ở
nước ngoài nhiều người Việt học hành, làm việc chẳng thua ai? Tưởng tượng, như
thế, còn là do môi trường. Làm sao cho nhà trường Việt Nam trở thành
một nơi chốn khuyến khích người học tha hồ tưởng tượng mà chẳng sợ ai chê
trách, thậm chí đe doạ? Những thứ “văn mẫu”, “tư tưởng mẫu”, “giải pháp mẫu”,
“con đường mẫu”… không thể là vòng kim cô trói buộc đầu óc của con người. Khai
phóng là ở đó, chứ đâu nữa!
Minh Nguyễn
thực hiện
Năm 2012 tổng
số công bố quốc tế của tất cả các trường đại học Việt Nam chỉ tương đương số
công bố của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), một trường không có tên trong số
400 trường tốt nhất thế giới (Times Higher Education World University Rankings
2011-2012), và bằng ¼ Đại học Quốc gia Singapore (NUS), một trường hạng 40 vào
năm đó.
(*) Trả lời phỏng vấn báo Người đô thị (số
08 bộ mới, ra ngày 7.11.2013). Do khuôn khổ có hạn, một số câu bị cắt (đánh chữ
đậm).
Nguồn: BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét