Chí Phèo – “Hậu” hiện đại
Phạm Lưu Vũ
Ta là một kẻ
có chí. Điều này thì không cần phải nghi ngờ. Bước chân ra khỏi làng, ta lẩm
nhẩm một câu vừa nghe được từ lão hàng xóm: “Đã mang tiếng ở trong trời đất /
phải có danh gì với núi sông“. Ta cần
phải lập danh? Điều đó thì rõ rồi. Vấn đề là phải có một cái đích nào đó để
phấn đấu, theo đuổi. Đuổi kịp rồi thì lại phải vượt qua, vượt càng xa càng tốt…
Bình sinh, ta ghét cay ghét đắng sự tầm thường. Ta chỉ hâm mộ mỗi sự nổi tiếng
mà thôi. Nổi tiếng – đó chính là cái đích phấn đấu của ta. Nhưng khái niệm ấy
chung chung quá, trừu tượng quá. Phải tìm một cái đích trực quan hơn. Trên đời
ai là người nổi tiếng nhất? Kẻ đó sẽ là cái đích cụ thể, bằng xương bằng thịt
để ta phấn đấu, để ta đuổi kịp, đuổi kịp rồi vượt qua. Ta tìm đến một vị học
giả ở phố huyện.
Nghe nói vị
học giả này đọc nhiều sách lắm, đọc đến nỗi méo cả mồm đi. Trong nhà ông ta,
sách chất cao đến trần, sách chật cả lối đi, thậm chí ngồi ỉa cũng phải dựa
lưng vào sách… Chắc chắn vị học giả ấy sẽ tHỏa mãn yêu cầu của ta. Nghe ta hỏi,
vị học giả méo mồm ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời: “Từ khi lão biết đọc sách đến
nay, đã sáu chục năm có lẻ. Song chưa thấy ai nổi tiếng hơn cái lão Chí Phèo ở
làng Vũ Đại!“. Chí Phèo là người nổi tiếng nhất? Vị học giả đó đã phán thì
không thể sai. Vậy Chí Phèo sẽ là cái đích để ta vượt qua. Ừ thì Chí Phèo! Tay này ta biết. Có cả truyện viết về lão hẳn hoi. Cả cái
làng Vũ Đại gì ấy nữa. Làng đó đâu có khác gì làng của ta. Cũng rặt một hạng
nông dân chân đất mắt toét thấp cổ bé họng coi vợ như giời coi giời bằng vung
coi vung bằng bảo bối… Vậy thì, làng Vũ Đại đã sản sinh ra một Chí Phèo – vĩ
nhân nổi tiếng nhất mọi thời đại, tại sao làng ta lại không thể sinh ra ta,
người sẽ còn nổi tiếng hơn cả Chí Phèo gấp nhiều lần?
Một khi tâm đã
phát tiết thì trí phải động đậy. Thế là ta bắt đầu nghiên cứu về Chí Phèo và
hành trì công án theo đúng “hệ thống“ của Chí. Ta bất ngờ phát hiện ra Chí có
mấy tư tưởng lớn. Đại khái:
Thứ nhất, rạch
mặt ăn vạ.
Thứ hai, một
khi đã không mở miệng thì thôi, đã mở miệng thì chửi cả làng.
Thứ ba, không
ngán thằng nào, dù nó to đến đâu cũng nhất định thắng, thắng bằng mọi giá, bằng
mọi kiểu trên đời.
Thứ tư, gặp
trường hợp khó thắng quá thì quay trở lại áp dụng tư tưởng thứ nhất.
Thứ năm, thắng
rồi thì phải biết sướng, biết khuếch trương cái sướng dù thân mình chỉ còn thở
hắt ra.
Thứ sáu, có
hai loại sinh vật vẫn có thể tồn tại và phát triển tốt mà chỉ nhờ vào những cái
sướng ấy là rùa và ốc sên (trong quá khứ, chúng đã từng thắng trong mấy cuộc
chạy thi với thỏ).
Thứ bẩy, gặp
kẻ yếu bóng vía thì xòe lửa dọa đốt nhà.
Thứ tám, thiên
đường = bờ sông + rượu + trăng + gió + gái (Thị Nở).
Thứ chín, cháo
(+hành) cứu rỗi thiên hạ.
Ta hành trì
những tư tưởng trứ danh đó một ngày, hai ngày rồi ba ngày… Kết quả thật bất
ngờ.
Một hôm ta
đang bôn ba trên đường, đầu óc đang mải suy ngẫm đến bậc vĩ nhân họ Chí thì
bỗng có một gã lùn tịt, đầu nhẵn thín như quả bưởi, mặt tròn xoe như cái thớt ở
đâu chạy tới túm lấy ta rối rít: “Ôi! Minh chúa, minh chúa, kẻ hèn này đợi minh
chúa ở đây đã lâu…“. Ta hơi ngạc nhiên. Song chỉ thoáng cái thôi. Ta lập tức
hiểu ra rằng gã lùn này muốn tôn ta làm chúa để theo hầu điếu đóm đây. Thế thì
còn gì bằng. Nhưng tại sao nó lại tình nguyện như vậy? Ta đã kịp ngôn câu nào
đâu? Cái này đích thị là “hữu xạ tự nhiên hương“ đây. Trước kia ta cũng từng
thử sức viết lách ba lăng nhăng, cũng từng ra sân khấu diễn những vai này, vai
nọ… song mãi chẳng thấy có ma nào săn đón. Vậy mà bây giờ, chỉ cần tu tập cái
công án kia có mấy ngày, xung quanh ta đã toả ra một vầng hào quang có sức hút
như nam châm vĩnh cửu. Cái thứ hào quang ghê đến như thế thì chỉ có thể có tên
là hào quang Chí Phèo. Nó hấp dẫn đến nỗi lập tức có kẻ tôn ta làm chúa. Cứ cái
đà này thì chẳng mấy chốc, ta sẽ có cả đàn lâu la cho mà xem. Và, công cuộc cứu
rỗi hồn vía của thiên hạ theo cái định hướng cháo hành vừa sáng tạo, vừa thông
minh tuyệt đỉnh kia của Chí Phèo tiên tổ, biết đâu sẽ nhờ vào lũ lâu la ấy mà
thành công rực rỡ chưa biết chừng.
Quả nhiên vài
hôm sau lại có thêm một thằng cao ngẳng, người mảnh khảnh, mặt dài như cái bơm,
cặp môi dày như hai con đỉa trâu, tìm tới xin bổ sung vào chân điếu đóm. Không
những thế, thằng môi dày còn dắt theo một đám đệ tử. Thì ra ngày trước, chính
nó cũng từng say mê tu tập một loại công án, nhưng không phải công án Chí Phèo,
mà là một thứ công án ngoại lai có tên A Q. Đó là tên của một vĩ nhân dở hơi
người làng Mùi ở tận bên Tàu. Nghe nói vĩ nhân ấy cũng được chép trong sách của
lão Lỗ Tấn Lỗ Tạ gì đấy. Dù sao thì công án đó cũng có tác dụng tạo ra xung
quanh nó một vầng hào quang, tuy có yếu hơn vầng hào quang Chí Phèo của ta,
song cũng đủ để nó thu nạp được khối đệ tử. Nói đến công án ngoại lai thì còn
phải kể đến một thằng nữa. Thằng này người lẻo khoẻo như cây sậy, nhưng luôn tự
coi mình là tráng sĩ, suốt ngày mơ chiến đấu với những gã khổng lồ hoặc cối xay
gió. Công án của nó có tên Đông-Ki-Sốt. Tất nhiên, cái thứ công án của bọn mũi
lõ mắt xanh xa lắc xa lơ đó làm sao có thể so sánh với những tư tưởng quốc hồn
quốc túy của Chí Phèo trứ danh được. Nên nó mới phải tìm đến bái ta làm minh
chúa.
Rồi tiếp đến
một thằng cũng lùn, nhưng được cái mặt vuông như cái bánh chưng, nom ra dáng
con nhà võ. Thế mà nghe nói nó từng làm nghề thầy giáo, là giáo sư. Hừ! Đời này
thiếu cha gì giáo sư. Khi xưng danh họ còn ghép thêm một cái học vị cao ngất
ngưởng vào đấy nữa cho nó oách, gọi là giáo sư tiến sĩ (viết tắt là GSTS, mà
trên đời có một gã cao bồi Viễn Đông tên Đặng Thân cứ nhất định “phiên“ thành:
“Gia Súc Thiến Sót“). Cái mặt kia thì sư xiếc nỗi gì? Có mà sư hổ mang! Hình
như nó từng có tiền sự phá trinh học trò nên bị đuổi khỏi nghề. Ôi! nếu quả
thực như thế thì có mà đuổi hết. Bởi thiên hạ ngày nay có thầy nào mà lại không
phá trinh học trò? Những bộ óc ngây thơ, trong sáng, mới toanh như những tờ
giấy trắng chẳng phải đã bị hết thầy nọ nhồi đến thầy kia nhét, làm cho chúng
mất toi sự trong trắng, ngây thơ đi đấy sao? Đồng ý là muốn tồn tại trong cuộc
đời này thì con người ta đừng bao giờ mơ tới việc giữ gìn trinh tiết. Song cái
sự phá trinh tư tưởng kia thì các thầy không thể phủ nhận hay cãi chày cãi cối
được. Chính ta còn bị mất trinh từ trong giấc mơ kia thì sao! (câu hát gì mà từ
thuở lên ba tuổi ta đã phải hát đi hát lại mãi í nhẩy?). Thôi, không mất thì
giờ với cái vụ trinh tiết con khỉ con tườu đó nữa.
Tiếp theo đến
mấy chục thằng đầu đường xó chợ, chuyên cướp của hiếp dâm tìm đến bái ta làm
đầu lĩnh. Lũ này càng về sau ta càng thấy chúng đặc biệt hữu dụng. Gì chứ cái
khoản cướp, hiếp và đéo ấy thì hệ tư tưởng của Chí Phèo trứ danh đâu có cấm.
Ngay cả ta cứ nghĩ đến đàn bà là lập tức toàn thân nổi gai ốc, bao nhiêu lông
lá trong người dựng hết cả lên. Ta thu nạp tất tần tật. Ta từng đọc sách thánh
hiền, cũng võ vẽ đôi câu chữ Nho mang ra gắn vào chỗ này chỗ nọ, được việc ra
phết. Song ta chỉ đắc ý mỗi câu: “dụng nhân như dụng mộc“. Ta sẽ sử dụng lũ lâu la này, tùy sở trường,
sở đoản mà huy động. Dài thì làm cán cuốc, cán thuổng, ngắn thì làm cán búa,
cán rìu… chắc chắn sẽ được việc.
Và ta đã thành
công. Cái đám lâu la đa tài, đa dâm, đa dục, đa nhân cách ấy của ta cứ theo cấp
số nhân mà tăng mãi không ngừng, chẳng mấy chốc đã đàn đàn, lũ lũ. Danh của ta
cứ thế nổi lên vùn vụt như diều gặp cơn dông. Công cuộc hoằng dương tư tưởng
Chí Phèo hầu như không gặp sự trở ngại nào đáng kể. Có kẻ mới nghe hơi đã lập
tức thông suốt mọi lý sự của Chí. Thì ra nó vốn có sẵn cái bản năng Chí Phèo từ
thuở cha sinh mẹ đẻ rồi. Mà chẳng riêng gì một hai trường hợp ấy. Ta đã nhanh
chóng phát hiện ra rằng cả xứ sở này, ai ai cũng đều có sẵn cái “gien“ Chí Phèo
từ trong trứng, ai cũng có thể sẵn sàng trở thành một gương Chí Phèo điển hình
tiên tiến hoặc chiến sĩ thi đua…
Ta bèn noi
theo các bậc đi trước mà chế ra khẩu hiệu. Những khẩu hiệu của ta là: “Nhà nhà
Chí Phèo, người người Chí Phèo“; hay: “Làm Chí Phèo mới biết nghèo là nhất“;
hoặc: “Khối đại đoàn kiết Chí Phèo“ (lưu ý: “kiết“ chứ không phải “kết“, xin
đừng nhầm), vân vân… Từ nay, sự nghiệp của ta và lũ lâu la là chỉ việc làm cho
cái “gien“ quý hóa đó trong mỗi con
người trở thành gien “trội“ là xong. Cứ chờ đấy.
Ta đã nghĩ tới
việc phải xuất khẩu cái “gien“ Chí Phèo đi khắp thế gian. Thế gian này còn
nhiều lạc hậu, vớ vẩn lắm, chưa được nếm mùi Chí bao giờ. Tuy thỉnh thoảng cũng
biết chửi nhau đấy, song hầu như chỉ là các cuộc chửi tay đôi, tay ba. Phổ biến
nhất vẫn là những vụ cả làng xúm vào chửi một thằng, song tuyệt chưa bao giờ
thấy một thằng nhảy ra chửi cả làng như ở xứ sở này. Chửi cả làng mà cả làng cứ
làm thinh, ai cũng nghĩ chắc nó trừ mình ra. Thế là cả làng yên. Điều đó mới
giỏi chứ? Quá giỏi là đằng khác. Thằng chửi giỏi đã đành, cả những thằng nghe
chửi cũng giỏi nốt. Xứ sở như vậy thì độc nhất vô nhị, hỏi đã có nơi nào được
như thế hay chưa? Vậy thì còn phàn nàn vào đâu được nữa. Ta đúng là một người
hạnh phúc, chẳng cần phải nằm mơ cũng được thác sinh ra tại nơi đây. Cái “gien“
Chí Phèo bất hủ ấy mà được xuất khẩu, được nhân ra rộng rãi, thì cả thế gian
này (trong tương lai) sẽ chỉ gồm toàn những làng Vũ Đại. Khi đó, chẳng những
thân ta kiếp này thỏa chí, mà lũ điếu đóm kia chắc cũng được thơm lây. Chẳng những
tông miếu của ta được hương khói nghìn thu, mà tổ tiên của lũ lâu la chắc cũng
được bốn mùa cúng tế. À, lại nói chuyện nghìn thu. Từ lâu, ta đã nghĩ đến việc
phải tập đại thành một bộ kinh điển về tư tưởng của Chí Phèo để truyền mãi cho
muôn đời sau. Ta bèn tập hợp lũ lâu la lại:
“Các người hãy nghe ta nói đây. Từ khi theo ta
tu tập và hoằng dương công án Chí Phèo đến nay, các người đã chứng kiến ta hết
đi từ thành công này đến thành công khác. Song các người có biết công lao lớn
nhất của ta đối với tư tưởng của Chí Phèo bất diệt là cái gì không?“.
“Minh chúa là người đã có công phát hiện ra tư
tưởng của Chí Phèo rồi đem nó ra áp dụng một cách vô cùng sáng tạo vào hoàn
cảnh thực tiễn của chúng ta“ – thằng lùn mặt tròn lên tiếng.
“Đó chỉ là một trong những công lao. Song chưa
phải là công lao lớn nhất“ – Ta gật gù trả lời nó.
“Minh chúa là người đã có công phát chuyển
những tơ tưởng đó, làm cho ló trở thành một hệ tơ tưởng hoàn trỉnh, tuyệt đối
cúng, tuyệt đối văn minh mọi dợ, hơn hẳn những thứ tơ tưởng cũng rả cầy khác…“. – thằng môi dày khẳng định (thằng này những
lúc xúc động quá vẫn hay có tật nói ngọng).
“Đó cũng chỉ là một trong những công lao. Song
vẫn chưa phải là công lao lớn nhất“ – Ta lại hào hứng ngắt lời.
“Minh chúa là người thấu hiểu sâu sắc những
nguyên lý của tư tưởng Chí Phèo. Đến nỗi đã tạo ra xung quanh mình một vầng hào
quang, có sức hút mãnh liệt như của những con cái đối với con đực trong mùa
động dục. Kẻ ngoan cố, bảo thủ đến mấy đứng trước minh chúa cũng dễ dàng bị
thuyết phục. Công lao của minh chúa cao như giời, rộng như bể. Minh chúa là kim
thân La Hán của đạo đức, trí tuệ, của chân, thiện, mĩ, của…“ – Đến lượt thằng
lùn mặt vuông lên tiếng.
“Điều đó tất nhiên quan trọng. Song đó là một
trong các nguyên nhân dẫn đến những thành công của ta. Ta nhắc lại, nguyên
nhân, chứ không phải công lao lớn nhất“ – Ta lại hào hứng ngắt lời. Ta buộc
phải làm như thế. Nếu không thì không biết nó sẽ còn ca đến bao giờ.
“Bình sinh minh chúa là người sinh ra để chiến
đấu với toàn những gã khổng lồ. Minh chúa là con châu chấu, nhưng là con châu
chấu có cái đuôi rất to. Trên đời này không một chiếc xe nào mà nó ngán cả. Đá
ngã xe chẳng qua chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ. Công lao của minh chúa là đã
dạy cho những gã khổng lồ một bài học, rằng đừng có dại mà dây với lũ châu chấu
chúng ta“ – Đến lượt thằng lẻo khoẻo hùng hồn.
“Ý hay đấy. Có khí phách lắm. Điều đó thì tất
nhiên rồi. Song cũng vẫn chưa phải là công lao lớn nhất“ – Ta trả lời, cảm thấy
trong lòng vô cùng hưng phấn.
“Vậy thì những đầu óc thiển cận của lũ chúng
tôi xin chịu. Xin minh chúa giải thích cho chúng tôi được mở rộng tầm mắt“ –
Tất cả đồng thanh.
Bấy giờ ta mới
lấy lại tư thế, chắp tay sau đít nhìn khắp lượt lũ lâu la rồi trịnh trọng ngôn
ra một chân lý:
“Công lao to lớn nhất của ta, là đã chứng minh
một cách hùng hồn, bằng thực tiễn hết sức sinh động, rằng tư tưởng của Chí Phèo
vẫn tuyệt đối đúng, ngay cả trong thời buổi không có những Bá Kiến, Lý Cường,
Đội Tảo… hiểu chưa?“.
Tất cả cùng ồ
lên một tiếng để tỏ rằng mình đã hiểu, đã tâm phục khẩu phục. Chân lý đơn giản
ấy té ra không phải ai cũng có thể nghĩ ra được. Việc tiếp theo là tiến hành bộ
tập đại thành về tư tưởng của Chí Phèo. Tất cả dễ đến ba vạn chín nghìn trang
chia làm bốn năm mươi tập, mỗi tập ngót nghìn trang khổ mười ba nhân mười chín
rưỡi được hoàn thành và in photo coppy giấy vụn trong khoảng thời gian kỉ lục.
Cái lão Chí Phèo mặt nát như tổ đỉa vì rạch quá nhiều ấy ở dưới suối vàng, chắc
chẳng bao giờ nghĩ rằng tên tuổi của mình lại có ngày vinh quang đến thế. Ta
không có ý giới thiệu nội dung bộ tập đại thành vĩ đại ấy ở đây, bởi trong
khuôn khổ một bài tự bạch thì không thể dài dòng văn tự. Chỉ xin trích một luận
điểm cơ bản có tính nguyên lý kim chỉ tây bất di bất dịch được nhấn mạnh ngay
tại chương mở đầu như sau:
“Tư tưởng bất diệt của Chí Phèo vẫn tuyệt đối
đúng, vẫn có thể áp dụng một cách rộng rãi và cực kì hiệu quả ngay cả trong
thời buổi không có những Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo với cả binh Chức nữa… Song,
quan trọng là vẫn phải có… Thị Nở. Tuy nhiên điều đó không hề gây khó dễ gì,
bởi người xưa đã từng khẳng định, rằng tuy thời thế có lúc khác nhau, song Thị
Nở đời nào cũng có… Mặc dù đa số Thị Nở càng ngày càng có xu hướng giải phẫu
chuyển đổi giới tính thành đàn ông, càng ngày càng thích chuyển sang viết văn,
làm thơ, sáng tác ca khúc… Đó là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc hoằng
dương sâu rộng và vận dụng triệt để tư tưởng Chí Phèo. Bởi vì, chính lực lượng
văn thi nhạc sĩ Thị Nở đực cái giả cầy lẫn lộn ấy là một cái vốn rất
quý…“.
Văn chương của
“Tập đại thành“ đại loại như thế. Còn những thành tựu cụ thể của ta trong việc
thực hành tư tưởng Chí Phèo thì kể sao cho xiết. Việc này xin nhường lại cho
các nhà học giả học thật, các nhà nghiên cứu nghiên vớt, không đời này thì đời
sau, không đời sau thì đời sau nữa… Ta không thể tự mình thống kê thành tích,
đơn giản bởi ta thuộc hạng người khiêm tốn.
Tuy nhiên, sau
khi tập đại thành được làm xong, trong lòng ta bỗng xuất hiện một mối lo canh
cánh. Liệu những tư tưởng trứ danh của Chí Phèo mà ta đang là đại diện kiệt
xuất đây có được mãi muôn thuở bền vững âu vàng? Có truyền được đến muôn đời
con cháu hay không? Phải bói một quẻ mới được. Ta lại tìm về lão học giả méo
mồm ở phố huyện. Cả lũ rồng rắn theo ta tiền hô hậu ủng, đi đến đâu huyên náo
đến đấy. Trẻ con sợ không dám khóc to, phụ nữ thẹn quên cả cài nút, chó gà nháo
nhác, kêu inh ỏi.
Lão học giả
méo mồm làm ra vẻ thạo đời bảo: “Dân xứ này mười phần ngu đến chín rưỡi, giời
cho mỗi cái năng khiếu Chí Phèo là bẩm sinh, còn những thứ khác chẳng qua do
bắt chước hoặc a dua mà có. Anh đã biết khêu gợi trúng vào cái sở trường ấy của
họ thì thành công là cái chắc. Cần đếch gì phải bói với toán“. Ta bảo: “Thiên có thiên thời, địa có địa lợi,
nhân có nhân hòa (ta nói chữ rất trơn tru). Dù thế đếch nào thì tôi cũng cứ
muốn ông gieo cho một quẻ“. Lão méo mồm
phán chắc như cua gạch: “Thiên hạ vừa trải qua thời ‘bĩ’, thiên địa bĩ. Sau
‘bĩ’ tất đến ‘đồng nhân’, sách trời đã dạy thế, đếch cần gieo cũng biết cả
thiên hạ đang ứng với quẻ ‘thiên Hỏa đồng nhân’…“.
Ta hỏi “đồng
nhân“ nghĩa là gì? lão méo mồm giảng như máy khâu: “Đồng nhân nghĩa là một lũ
người. Ví dụ lũ trộm gọi là đồng đạo, lũ quan gọi là đồng liêu, lũ đồ tể gọi là
đồng dao, lũ xu nịnh gọi là đồng điếu, lũ chờ thời gọi là đồng phục, lũ hết
thời gọi là đồng nát, lũ ở bẩn gọi là đồng hương (cùng mùi), vân vân… Đấy, cái
lũ rùng rùng bám sau lưng anh kia chính là ứng vào quẻ “đồng nhân“ ấy đấy“.
Ta bảo lão
rằng không ngờ trên đời lại có lắm thứ “đồng…“.
đến thế. Vậy cụ thể trong trường hợp của ta thì gọi là “đồng“ gì? Lão
méo mồm cáu: “Là ‘đồng chí’, hiểu chưa? Chẳng phải các anh đang cùng tu tập duy
nhất một loại công án có tên Chí Phèo đấy hay sao? Vậy mà còn phải hỏi“. Ừ nhỉ, cái đại từ cửa miệng ấy ngày nào mà ta
và mọi người chẳng phải dùng đến. Thế mà tự nhiên bỗng quên béng đi mất.
Ta hỏi tiếp
thế quẻ “đồng nhân“ nói gì? Lão méo mồm bảo: “Đồng là đại đồng, là múa gậy vườn
hoang, là cả thiên hạ chỉ còn một cánh đồng, tha hồ mà múa may“. Ta lại hỏi vậy làm thế nào để thi hành cái
đạo “đồng nhân“ ấy? Lão méo mồm tuôn ra một tràng: “Thi hành đạo ‘đồng nhân’
chung qui chỉ là những mánh khoé đối xử với con người. Người mình yêu thì trái
cũng hóa phải, kẻ mình ghét thì phải
cũng hóa trái… Cái gì thuộc về mình thì
xấu cũng thành tốt, thối cũng thành thơm, lưu manh biến thành tử tế. Cái gì
thuộc về kẻ khác thì ngược lại, tốt thành xấu, thơm thành thối, tử tế biến
thành lưu manh. Dấu hết sự thật đi tất sẽ trở thành bậc thánh nhân đạo cao đức
trọng… Vơ lấy những cái tốt của kẻ khác gắn vào cho mình, lại mang những cái
đểu của mình gắn vào cho nó, rồi nhân danh đám đông, vừa đá bóng vừa thổi còi,
vừa la làng vừa ăn cướp, rồi cả vú lấp miệng… thế thì ai còn dám nghi ngờ gì
nữa. Làm được như thế mà cơ đồ không vững như Thái Sơn thì mới là chuyện lạ“.
Lão méo mồm
quả là kẻ đọc sách nhiều có khác, lão nói cứ y như thật. Điều quan trọng nhất
nghĩa là ta đã ứng vào mệnh giời, mệnh giời thuộc về ta. Đã đến nước ấy, thì ta
dẫu có không muốn thành công cũng không được. Mệnh giời đã phán như thế thì ta
sướng rồi, yên tâm rồi. Thật là ứng vào cái câu mà thánh nhân đã dạy, rằng sáng
nếu được xơi cao lương mĩ vị giả, chiều dẫu có bị thổ tả thật cũng cam.
Ta sẽ kết thúc
thiên tự bạch này ở đây thôi. Bây giờ, nếu có ai đi ngang qua chỗ ta, chắc chắn
sẽ chẳng khó khăn gì mà không nhận ra rằng mình đang đi lạc vào làng Vũ Đại.
Đơn giản bởi không tai phải thì tai trái, không tai trái thì cả hai tai, thể
nào cũng nghe văng vẳng tiếng chửi của những Chí Phèo hậu sinh, hậu hiện đại
như ta, nhưng chúng ta không chỉ chửi cả làng như cụ tổ Chí Phèo ngày trước
đâu. Bởi vì như ta đã nói ngay từ đầu, rằng chúng ta giờ đã vượt xa cụ tổ ấy
nhiều lắm. Ví dụ một đoạn thôi nhé:
“Này thì thiên địa tiên sư! Này thì tiên sư
thế giới! Tại sao chúng bay cứ chạy vùn vụt, làm ông phải đuổi theo bở cả hơi
tai. Tối qua ông được mỗi bát cháo hành, hôm nay cũng chỉ hy vọng được thêm một
thìa nữa. Hỏi làm sao ông chạy được? Nếu ông quyền to như Thượng Đế, ông sẽ bắt
tất cả chúng bay dừng lại, để mình ông chạy trước cái đã. Chúng bay cứ càng
ngày càng bỏ ông ở lại tít phía sau. Đã thế ông không thèm chạy nữa, ông bò
đây. Ông vừa bò vừa ngoái lại đằng sau vậy. Dù sao thì ngày xưa, ông cũng đã
từng thắng chúng bay trong mấy cuộc chạy thi rồi. Tiên sư thế giới, ối giời đất
ôi, ối làng nước ô… ô… ôi!…“
SG, Mùa đông
2006
Nguồn: Tạp văn Phạm Lưu Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét