Nhãn

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Vụ án hai ngàn ngày



Vụ án hai ngàn ngày

Lê Hoài Nguyên

TỰ BẠCH CỦA TÁC GIẢ NĂM 2002
Từ ngữ của tôi như chiếc búa nhỏ kiên nhẫn
Gõ vào cánh cửa căn buồng đen tối
Nụ cười của tôi
Như giọt nước
Cố làm nguội lạnh cặp mắt đầy dục vọng ma quái thù địch.
Cuối cùng
Thời gian sẽ dọi vào căn buồng đen tối
Trộn lẫn sự thật và dối trá.
Với lương tâm tôi có quyền tin
Với nghề nghiệp tôi có quyền nghi ngờ
Đấy là phép thử khó khăn hơn bất cứ nghề nào.
Bao giờ cũng vậy
Tôi mệt mỏi rời khỏi căn buồng đơn giản và thô kệch
Với ý nghĩ:
Tìm kiếm sự thật trong lòng người sao mà vất vả!


Bài thơ của tôi có tên là Sau cuộc hỏi cung viết vào thời kỳ đầu đổi mới, khoảng năm 1988, trên dòng cảm hứng về lương tri, về nỗi hổ thẹn với trách nhiệm, về lòng nhân ái mới được khơi thông trở lại sau thời kỳ đông cứng của xã hội bao cấp. Đó là bài thơ của một nhà thơ đang trực tiếp làm nghề công an trinh sát, viết về một trong những công việc khó nhất của nghề điều tra pháp luật, hỏi cung. Bài thơ rút từ gan ruột, ngần ấy chữ cũng nói đủ cả một nghề cho một đời người.
Cũng những ngày ấy, người bạn đồng môn của tôi, nhà thơ Dương Kỳ Anh tức Dương Xuân Nam vừa mới nhận chức Tổng biên tập báo Tiền Phong. Anh đã cùng các đồng nghiệp đưa ra trước công luận sự thật về vụ án hai ngàn ngày oan trái, đưa một thày giáo dạy đại học bị ghép tội giết người trở thành người vô tội ra khỏi nhà tù.
Gần hai mươi năm đã trôi qua. Một thế hệ con em chúng ta đã lớn lên trong những năm đổi mới. Những người nhân chứng, thực thi pháp luật vụ án Nguyễn Sỹ Lý thì vẫn còn sống. Những gì toát lên từ nỗi lòng, lương tâm của mỗi con người chắc rằng vẫn còn có ích như một tiễng chuông cảnh tỉnh trước những định kiến cũ kỹ, thói lạm dụng quyền lực, làm việc tắc trách, thờ ơ với số phận đồng loại...

NHÂN VẬT TRUNG TÂM HÔM NAY

Con đường đất đỏ vào nông trường 1-5 huyện Nghĩa Đàn. Xóm Bình Hiếu xã Nghĩa Bình. Ngôi nhà ngói ba gian trên sườn đồi, xung quanh có rào gai.Một người đàn ông tóc bạc trắng đang ngồi trong gian bếp. trước nồi cám lợn sôi sùng sục. Thấy đoàn làm phim Nguyễn Sỹ Lý níu bức tường bếp loạng choạng đứng dậy với một chiếc nạng. Không ai có thể hình dung một người 45 tuổi trong một hình hài như thế. Cách đây hai chục năm anh đang là giảng viên Đại học Tây Nguyên, bức ảnh với khuôn mặt tươi tắn trẻ trung...
Tiếng Nguyễn Sỹ Lý:
- Sau khi ra tù, trường có giấy gọi tôi vào tiếp tục làm việc và cho tôi đi học bồi dưỡng kiến thức. Nhưng tôi tự thấy không thể tiếp tục nghề dạy học được nữa. Phần vì sau năm năm tù kiến thức đã mai một, phần vì tôi nghĩ sau những năm tháng ở tù tôi chưa lấy lại được thăng bằng, tinh thần còn u ám, nếu cứ cố sẽ làm hại xã hội và làm hại cả bản thân mình. Làm một người thầy đứng trên bục giảng ngoài kiến thức chuyên môn còn phải có một tâm hồn trong sáng.
Sau đó Công ty Cao su Phú Riềng mời tôi vào làm việc. Song đến gần ngày đi thì tôi đổ bệnh, chân và tay phải bị liệt. Vài năm gần đây tôi mới nhúc nhắc đi lại với chiếc nạng gỗ.
HỒ SƠ VỤ ÁN
Trong hồ sơ điều tra vụ án câu chuyện bắt đầu như sau:
Xã Nghĩa Xuân, Quỳnh Hợp, Nghệ Tĩnh.
Khoảng 8 giờ tối ngày 28 Tết 11-2-1983 nhà ông Nguyễn Sỹ Huỳnh nấu xong bánh chưng. Ông Huỳnh cầm đèn pin xách nồi bánh chưng đi trả hàng xóm. Đi được một đoạn ông sơ ý soi đèn pin vào mặt anh em Bùi Văn Lai, Bùi Văn Vinh. Bùi Văn Lai quát: Bấm đèn pin vào mặt người ta! Rồi đá văng chiếc đèn pin trên tay ông Huỳnh.
Ông Huỳnh kêu lên: Bay ơi, có bọn đánh cha!
Nghe tiếng kêu, các con trai ông Huỳnh là Nguyễn Sỹ Luân, Nguyễn Sỹ Lý và người cậu là Nhật chạy ra. Anh em Bùi Văn Lai bỏ chạy. Bùi Văn Vinh bị một nhát dao đâm làm Vinh chết tại chỗ. Sau đó Bùi Văn Lai đem một quả lựu đạn ném vào cổng nhà ông Huỳnh nhưng không có ai bị thương rồi đi tố giác với chính quyền việc người nhà ông Huỳnh giết em mình.
Ngày 16-2-1983, mồng Bốn Tết, công an Quỳ Hợp bắt tạm giam 4 người gồm ông Huỳnh và ba người con là Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Sỹ Lý, Nguyến Sỹ Tính. Lúc đầu không ai nhận giết Bùi Văn Vinh.Hơn một tháng sau, ông Huỳnh và Lý bị đưa xuống trại giam của tỉnh, bị giam cách ly. Nguyễn Sỹ Lý đã nhận tội giết người. Ông Huỳnh được tha về.
Ngày 24-3-1983, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Sỹ Lý 17 năm tù giam về tội giết người.
Ngày 28-4-1984, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh.
Ngày 25-4-1988, Tòa án nhân dân tối cao xử tái thẩm vụ án bằng một phiên tòa lưu động xét xử công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Tam Hợp huyện Quỳ Hợp với hơn 1000 người tham dự. Nguyễn Sỹ Lý được tuyên bố vô tội. Bùi Văn Lai nhận tội đâm chết em mình và nhận 5 năm tù treo.
Nguyễn Sỹ Lý ra tù sau khi đã ngồi tù hơn 5 năm, tức gần 2000 ngày!

NHỮNG NÚI BÁO MẦU ĐỎ

Những ngày ấy tôi hay đạp xe đạp đi làm qua Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Đoàn kịch Quân đội đang diễn vở Lời thề thứ 9 của Lưu Quang Vũ. Trong những tấm áp phích về các vở kịch của anh được bày cùng áp phích vở Lời thề thứ 9 có một tấm với hình những ngọn núi báo màu đỏ. Những tấm áp phích này cho tôi cảm hứng viết bài thơ Dân chủ:
Những núi báo màu đỏ
Nhọn như mũi kiếm
Đã chọc thủng thành lũy quan liêu Thanh Hóa
Những ngọn gió mát lành
Kỷ nguyên mới đang thổi
Vào tấm lưng trần rát bỏng của Nhân Dân
Rồi một ngày
Những đôi mắt sẽ nhìn ra
Những đôi tai sẽ nghe được
Và thêm nhiều tiếng nói cất lên.
Dương Xuân Nam đã in bài thơ này trên báo Tiền Phong. Cũng trên báo Tiền Phong gần 20 kỳ báo về vụ án Nguyễn Sỹ Lý đã góp phần đắc lực đưa vụ án ra trước sự thật, cứu Nguyễn Sỹ Lý thoát khỏi cái án 17 năm tù giam.
Lời Dương Xuân Nam tức nhà thơ Dương Kỳ Anh:
- Số Tết 1988 chúng tôi in bài Phiên tòa ngày mai của Hồ Hồng Tuyến một cái tên còn rất xa lạ với báo. Sau Tết, tòa soạn cử phóng viên Mạnh Việt vào Nghệ Tĩnh phối hợp với Hồ Hồng Tuyến điều tra sâu hơn về vụ án Hai ngàn ngày oan trái. Cầm bài viết Người vô danh ra Hà Nội Tuyến cứ đòi gặp nhà thơ Dương Kỳ Anh chứ không gặp Dương Xuân Nam. Tuyến không biết Dương Kỳ Anh chỉ là bút danh, còn tên khai sinh và làm việc của tôi là Dương Xuân Nam. Tuyến mặc cả : Tôi thích thơ. Nhờ anh đăng cho tôi một bài thơ tôi mới cho anh phóng sự Người vô danh.
Vài tháng sau, dựa vào chất liệu vụ án Lưu Quang Vũ đã viết vở kịch Trái tim trong trắng.

TỪ THỢ SỬA CHỮA ĐỒNG HỒ TRỞ THÀNH NHÀ BÁO

Tại nhà Hồ Hồng Tuyến ở xóm 6 xã Nghĩa Tiến huyện Nghĩa Đàn. Anh Tuyến kể:
- Năm 1983 tôi là thợ sửa chữa đồng hồ trong một quán lều tranh đối diện chợ Dinh xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp. Thời trước tôi và Nguyễn Sỹ Lý đã học cùng trường tiểu học Quế Phong, chơi thân với nhau, rồi mỗi người một ngả. Sau đợt dư luận ồn ào về vụ án, bỗng ông Huỳnh gặp tôi đưa cho xem hai mảnh giấy tự thú giết người của Bùi Văn Lai phía dưới đóng dấu đỏ của UBND xã Nghĩa Xuân kèm theo chữ ký của Chủ tịch xã. Ông Huỳnh hỏi: Cái ni có làm bằng chứng để kiện ra tòa được không? Được tiếp thêm lòng tin tôi đi thu thập thêm tài liệu để viết bài Phiên tòa ngày mai, rồi viết tiếp bài Người vô danh. Sau sự kiện này tôi đã bỏ hẳn nghề sửa chữa đồng hồ, sống bằng nghề viết báo và đang là cộng tác viên của báo Tiền Phong tại Nghệ An

NGƯỜI HÙNG PHÁ ÁN

Nhà Cao Tiến Mùi ở làng Dương Hạp xã Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ, Nghệ An.
Lời Cao Tiến Mùi:
- Tôi gặp Lý trong trại giam Nghi Kim. Trong buồng giam bọn tôi phân công mỗi buổi mỗi người kể một chuyện. Đến lượt Nguyễn Sỹ Lý, cậu ta ôm mặt kêu oan. Tôi hỏi Lý: Biết oan tại sao vẫn nhận tội? Lý nói: Em phải nhận tội vì muốn cứu cha em. Nếu bị giam lâu ngày sợ ông chết trong tù. Rồi Lý kể cho tôi nghe vụ án. Nghe xong tôi nói: Ra tù, mình sẽ tìm cách minh oan cho cậu.
Tôi ra tù, lại rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, đứa con gái thứ ba sinh ra bị bệnh rồi mất. Khi chuyện gia đình nguôi ngoai tôi mới nghĩ đến việc cứu bạn tù. Đến chỗ Bùi Văn Lai phải mất 50 cây số đường núi. Lần đi đầu tiên tôi cải trang thành một anh nông dân đi mua nghé, đầu đội chiếc nón cói rách nát, tay xách dép, cái áo đại cán cũ rộng thùng thình, quần rách ngang gối. Tôi đến nơi xảy ra vụ án vẽ lại hiện trường, lập kế hoạch đấu tranh với Bùi Văn Lai.
 Hơn một tháng sau, tôi nói dối vợ là đi lên cơ quan xin giấy chuyển sinh hoạt. Vợ tôi sinh nghi hỏi: Anh đi lần trước sao vẫn chưa xong à? Biết tôi không còn đồng xu nào, vợ tôi xổ trong bao tượng còn 4 ngàn đồng đưa cho tôi. Tôi định sắm vai cán bộ Viện kiểm sát tối cao nên phải chuẩn bị quần áo tươm tất, mượn vợ áo ấm, mượn hàng xóm chiếc cặp da, xin con xấp giấy học sinh và chiếc bút máy Hồng Hà. Tôi đi chiếc xe đạp tuyền toàng đến Tam Hợp, gửi xe trong nhà một người quen rồi ôm cặp hỏi đường đến nhà Bùi Văn Lai. Lai đang đi vắng, Chị vợ đi tìm chồng về.
Tôi nhìn nhà Lai cũng rất nghèo như nhà mình. Chỉ có hai chiếc chõng tre, bộ bàn ghế cũ kỹ gá vào bức vách. Buổi đầu Lai đã phải trả lời hàng loạt câu hỏi của tôi và tin là đã gặp nhà điều tra thật sự của Viện Kiểm sát tối cao.
Ba tháng sau, Nguyễn Sỹ Lý chuyển từ trại Nghi Kim về trại Ba. Tôi gặp Lý để bàn phương án hỏi cung lần thứ hai. Đoạn đối thoại như sau:
-  Khi anh cùng ông Nguyễn Sỹ Huỳnh giằng nhau có nghe thấy gì không?
-  Ông ta kêu ầm lên!
- Anh bỏ chạy đến cổng chưa?
- Vừa đến giữa cổng.
- Đến giữa cổng anh có thấy ai trong nhà chạy ra không?
- Chưa!
- Thế anh nghe thấy gì?
- Thấy ầm ầm trong nhà.
- Anh chạy đến đâu thì gặp em?
- Khoảng 150 mét.
Thế là đã rõ, tôi nói:
- Tôi cho là anh tìm mọi cách để lừa dối nhà điều tra.
Hơn một tuần lễ sau tôi lại gặp Nguyễn Sỹ Lý để vạch ra chương trình xét hỏi.
Ngày 5-7-1987 là ngày gặp Bùi Văn Lai lần thứ tư, cũng là để phá án.
Mở đầu tôi gợi chuyện hai anh em đi săn trên núi bắn nhầm nhau, án mạng không phải là cố ý. Sau tôi đưa bản vẽ hiện trường hỏi: Anh có thừa nhận chưa có người nào trong nhà ông Huỳnh ra kịp phải không?
Lai nói:
- Vâng, lúc đó chưa ai ra kịp.
- Thế em trai anh kêu như thế nào?
- Vinh kêu lên: Anh ơi, em bị đâm!
Nói đến đây sắc mặt Lai tái xám, người rũ xuống như tàu lá héo và nói:
- Em không muốn các anh mất nhiều thời gian, hôm nay em xin khai hết sự thật. Đêm hôm đó trời quá tối, nếu chú nó đi thẳng luôn thì thôi, nào ngờ nó chui vào bụi cây rồi lại lao ra. Em ngỡ là người nhà Nguyễn Sỹ Lý đuổi theo, sẵn dao trong tay liền đâm một nhát, ngờ đâu trúng em mình.
Tôi dẫn Lai lên Ủy ban xã đề nghị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch xã làm biên bản. Lai phải viết Bản tự thú và Bản khai tang vật giết em. Sau đó tôi lặn lội ra Viện Kiểm sát tối cao kêu oan cho Lý.
Xin nói thêm về Cao Tiến Mùi để mọi người hiểu được tại sao anh làm được như thế.
Đồng đội của anh, Võ Văn Phúc sinh năm 1952 ở Diễn Cát, Diễn Châu chứng nhận:
Tháng 5-1972 tôi cùng huấn luyện với anh Cao Tiến Mùi ở Đoàn 22A. Đến tháng 8 năm 1972 cùng về đơn vị mới là C3D25- QK4... Ngày 9-10-1972 tại phà Bến Thủy chúng tôi làm nhiệm vụ cho xe vào tuyến trong và quản lý số xe ra Bắc thì bị B52oanh tạc. Anh Mùi bị thương vào ngực, hai chân và sức ép nặng...
Biên bản liên tịch của Đảng ủy, UBND, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Công an xã Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ ngày 19-12-2000 ghi:
Ông Cao Tiến Mùi đi bộ đội tháng 5-1972, xuất ngũ tháng 8-1975, bị thương ngày 9-10-1972 tại phà bến Thủy, thành phố Vinh. Chúng tôi đề nghị chính sách quân đội bổ sung hồ sơ và giải quyết chế độ thương binh cho ông Cao Tiến Mùi.

NGƯỜI CỦA MỘT THỜI- ÔNG CHÁNH ÁN

Nhà số 6 phố Nguyễn Du, thị xã Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Trí Tuệ đang là Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyên là Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh cũ, người ngồi ghế chủ tọa phiên tòa xét xử Nguyễn Sỹ Lý 17 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm ngày 24-9-1983. Phóng viên báo Tiền Phong Quang Long hỏi chuyện ông Tuệ.
Quang Long: Thưa ông chúng tôi được biết ông ngồi ghế chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xử án Nguyễ Sỹ Lý. Vậy muốn hỏi ông bị cáo có kêu oan hay không?
Ông Tuệ: Vụ án này lạ lùng ở chỗ, tưởng chừng rất đơn giản vì một bên là hai anh em Lai- Vinh, một bên là ba cha con ông Nguyễn Sỹ Huỳnh. Thủ phạm phải là một trong mấy người này. Thế nhưng oan sai cũng bắt đầu từ lý do hết sức đơn giản đó, từ khâu điều tra, thụ lý vụ án. Ngay từ đầu đã nhận định sai đối tượng vì một định kiến chủ quan: Nếu trong xung đột, một bên bị giết thì kẻ giết người nhất định phải là phía bên kia. Và người anh thì không thể giết em... Chứ người ta không nghĩ đến lý do ngộ sát. Một điều ngẫu nhiên nữa là vết dao đâm Bùi Văn Vinh rộng 2,5 cm thì kích thước lưỡi dao Nguyễn Sỹ Lý khai cũng rộng 2,5,cm. Điều thứ ba là có thể bên công an các anh điều tra có thói quen chạy theo thành tích dẫn đến bức cung. Điều kỳ lạ là từ đầu đến cuối phiên tòa Lý nhận tội răm rắp, không có phản ứng gì, không hề kêu oan.
Quang Long: Theo ông tại sao Lý lại nhận tội?
Ông Tuệ: Lúc đầu Lý nghĩ rằng cha mình gây sự và lỡ đâm chết người. Lý nhận tội để cứu cha khỏi bị giam giữ, khỏi bị chết trong tù. Lý cho rằng như vậy là báo hiếu.
Quang Long: Bùi Văn Lai sau khi án xong còn ném lựu đạn vào nhà ông Huỳnh. Tại sao Lai không bị truy tố về tội sử dụng vũ khí trái phép?
Ông Tuệ: Lai đi bộ đội về, quả lựu đạn này anh ta mang từ Căm Pu Chia. Tôi cũng không hiểu tại sao hồi đó người ta bỏ qua tội của Bùi Văn Lai.
Ông Tuệ tiếp tục nói: Đúng ra trong trường hợp trong nhà ông Huỳnh có người giết Bùi Văn Vinh thì khâu điều tra vẫn phải làm rõ ai chính là thủ phạm, tội của ai thì người đó phải chịu. Ngay trong phiên tòa sơ thẩm tôi đã ghi vào biên bản xét xử cần lưu ý có thể anh giết nhầm em. Tôi đọc to điều này cho bị cáo Lý nghe nhưng không thấy Lỹ kêu oan. Mặc dù ghi như vậy nhưng thâm tâm tôi nghĩ chắc không có chuyện oan trái bởi vụ án đã khép kín, bị cáo đã nhận tội. Sau này khi vụ án lật ngược 180 độ thì tôi mới thấy mình sai lầm. Tôi quá tin vào án tại hồ sơ.

NGƯỜI CỦA MỘT THỜI- ÔNG CÁN BỘ HÌNH SỰ

Người hỏi cung Nguyễn Sỹ Lý đầu tiên là ông Phạm Ngọc Đắc lúc đó là Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Quỳ Hợp. Nhà ông Đắc ở Đội 3 xóm Mai Thành xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu.
Lời ông Đắc:
- Từ hôm 28 âm lịch, tôi về nhà nghỉ đón tết. Mồng 4 thì lên, nghe xảy ra vụ án ở Tam Hợp. Ông Liên, Phó phòng kỹ thuật công an tỉnh, ông Bá trinh sát phòng Cảnh sát hình sự và ông Lôi điều tra viên Phòng PC16 trực tiếp khám nghiệm hiện trường. Tôi hỏi cung Lý 3 ngày nhưng Lý không nhận tội nên tôi bàn giao cho ông Xá, Phó công an huyện Quỳ Hợp. Diễn biến sau có thế nào tôi không rõ... Tôi không hề đánh đập Nguyễn Sỹ Lý. Lý trình độ đại học, tôi trình độ trung cấp, lẽ nào tôi đánh Lý làm gì. Chủ yếu tôi chỉ dùng lý lẽ để đấu tranh.

NGƯỜI CỦA MỘT THỜI – ÔNG CÁN BỘ ĐIỀU TRA

Nhà ông Nguyễn Công Lô nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ Tĩnh cũ, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành.
Phóng viên Quang Long: Ông có thể cho biết lại điễn biến vụ án không?
Ông Lô: Vụ án xảy ra đã quá lâu, tôi không nhớ được hết. Nhưng tôi xin nói rõ là hồi đó báo chí viết không đúng. Sau đó có đoàn kịch về diễn vở Hai ngàn ngày oan trái cũng không đúng với vụ án xảy ra. Hễ cứ nhắc lại vụ án này là tôi rất bực.
Quang Long: Ông có suy nghĩ hì về trách nhiệm của mình trước oan sai của Nguyễn Sỹ Lý?
Ông Lô: Tôi gia nhập Đảng, tôi là đảng viên, nguyện suốt đời chiến đấu cho Đảng cho lý tưởng cộng sản. Tôi không ngại thừa nhận sai sot về nghiệp vụ. Sai là do năng lực trình độ nghiệp vụ mình yếu kém, điều đó thì chẳng nói làm gì. Nhưng về đạo đức tôi cho rằng mình chẳng làm điều gì thất đức. Tôi không ăn tiền, không hối lộ, không làm điều gì trái với lương tâm để làm sai lệch vụ án đâu. Người ta khai nhận những gì thì tôi ghi lại cái đó. Còn ký lệnh bắt giam Lý là người khác, tôi cũng không có thẩm quyền truy tố bị can hay là xét xử bị cáo. Tóm lại vụ án này là sai cả công an, cả Viện kiểm sát, cả Tòa án...

THỦ PHẠM VỤ ÁN

Bùi Văn Lai là người dân tộc Mường, đi bộ đội từ năm 1978, đóng quân ở Cam pu chia 3 năm 7 tháng. Năm 1982 xuất ngũ về quê rồi cưới vợ. 1983 ra ở riêng. Anh được tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang.
Giết nhầm em trai, Lai đổ tội cho gia đình ông Huỳnh và Nguyễn Sỹ Lý đã vào tù. Trong sai lầm của công an, kiểm sát, tòa án lúc đó có phần non kém về nghiệp vụ, phần thiếu trách nhiệm công vụ nhưng có lẽ quan trọng hơn bắt đầu từ một thứ định kiến xã hội cảm tình với bộ đội, trình độ thấp mà không cảm tình với trí thức, trình độ cao.
Nguyễn Sỹ Lý:
- Lúc xảy ra sự việc tôi biết chắc thủ phạm chẳng phải ai xa lạ là anh em nhà Lai hoặc mấy gã bán bò. Rứa mà lúc lấy cung, ông Đắc túm lấy tóc tôi đập vô tường quát to: Anh có đủ lương tâm cầm dao đâm chết em ruột của mình không mà đổ cho người ta hử!
Cuối cùng vụ án có hậu một phần do tài trí, tính nghĩa hiệp của Cao Tiến Mùi nhưng còn do phần tính thiện trong con người Bùi Văn Lai. Lai đã dám thú nhận tội ác của mình trước khi các nhân viên công quyền thấy được sai lầm.
Ông Nguyễn Trí Tuệ: Nếu hồi đó Nguyễn Sỹ Lý không gặp Cao Tiến Mùi thì không ai minh oan cho Lý. Nhưng giả sử Bùi Văn Lai chối bỏ sự thật không nhận tội giết em thì vụ án lại càng phức tạp. Đây là vụ án đầu tiên trong nước áp dụng tái thẩm với những tình tiết mới, hồ sơ mới hoàn toàn.
Cao Tiến Mùi: Chú Lai nhận tội là có đạo đức. Nếu như Lai chối phắt đi, không chịu viết giấy thú tội, không nộp bản khai tang vật giết em thì Lý còn lâu mới được minh oan.
Nguyễn Sỹ Lý: Hồi đó chú dùng dao gì?
Bùi Văn Lai: Dao làm bằng que thép tôi lửa đập ra, cán nhựa, loại dao thủ công.
Nguyễn Sỹ Lý: Tại sao dao tôi cầm là dao chọc tiết lợn, dính máu lợn, thế nhưng xét nghiệm lại là máu người?

HAI MƯƠI NĂM SAU

Tháng 10-2001. Phóng viên Quang Long chứng kiến cuộc gặp mặt cảm động giữa các nạn nhân, thủ phạm, người cứu tinh tại nhà Nguyễn Sỹ Lý. Nguyễn Sỹ Lý, Bùi Văn Lai, Cao Tiến Mùi, Hồ Hồng Tuyến.
Lai đã xin Lý tha thứ.
Họ đã thông cảm cho nhau mọi lỗi lầm, oán hận, thậm chí còn kết nghĩa làm anh em.
Ba người chụp ảnh chung, tay trong tay, khoác vai nhau.
Ngọc Ánh, con gái đầu của Lý ngày anh đi tù mới bốn tháng tuổi nay là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.
Lý nói về con:
- Khi đang ở trong tù, tôi nhận được tin vợ và con gái đến thăm. Tình cảm dành cho đứa con gái bé bỏng dồn nén suốt hai năm bùng lên. Tôi lao về phòng khách với niềm tin con gái sẽ chạy đến sà vào lòng mình, thốt lên tiếng cha thiêng liêng. Nhưng thật bẽ bàng, con gái tôi đã không nhận cha nó. Nó lùi lại và sợ hãi nép vào nách mẹ. Sao đó tôi ngã bệnh và rơi vào triệu chứng loạn thần kinh.
Con trai Lưu Quang Vũ, Lưu Minh Vũ sau tai nạn của bố đã thành một chàng trai chững chạc dẫn chương trình Đường lên đỉnh Olimpia trên sóng Truyền hình Việt Nam. Minh Vũ đã nhờ báo Tiền Phong tặng cho anh Nguyễn Sỹ Lý, nguyên mẫu nhân vật của cha mình bản thảo vở kịch Trái tim trong trắng.
Tháng 11-2001, báo Tiền Phong đăng phóng sự nhiều kỳ từ số 177 đến số 192 với tên gọi: Mười tám năm sau vụ án Hai ngàn ngày oan trái. Tác giả Quang Long là một phóng viên trẻ, anh đã đảm nhận được vai trò của phóng viên Mạnh Việt ngày trước. Một lần nữa bạn đọc, dư luận xã hội lại khơi dậy những ám ảnh của vụ án đối với những việc cấp bách của xã hội.

VĨ THANH

Trong bài báo Quang Long có tường thuật lời ông Nguyễn Trí Tuệ nói về lương tâm nghề nghiệp của mình:
- Nghề thẩm phán là một nghề khó vì luôn đụng chạm đến số phận con người, không nên chủ quan mà cần có cái nhìn sâu sắc toàn diện trước vấn đề đưa ra xét xử. Khi xét xử, không nên quá tin vào hồ sơ mà phải soi xét từ nhiều phía, tránh gây oan trái cho người dân. Vì thế người thẩm phán cần phải có nhiều kinh nghiệm xã hội và làm việc với thái độ trung thực, công tâm.
Đến đây bạn đọc sẽ hỏi chúng tôi: Cái gì đã giúp cho một người đã trải qua những năm tháng khắc nghiệt như Nguyễn Sỹ Lý mà vẫn đứng lên được, vẫn giữ được lòng vị tha bao dung với con người?
Không thể không nhắc đến chị Len, người bạn đời của Nguyễn Sỹ Lý đã giúp anh vượt qua thử thách.
Lời chị Len:
- Cuối 1981 chúng tôi tổ chức lễ cưới. Tôi làm công nhân cạo mủ cao su ở Nông trường 1-5, còn anh Lý chuyển vào dạy ở Đại học Tây Nguyên. Anh về ăn Tết dự định đưa tôi vào Tây Nguyên sinh sống thì xảy ra vụ này. Chẳng biết làm gì hơn, tôi ngồi ôm con gái khóc cho vợi nỗi đau. Chủ nhật nào tôi cũng đạp xe vượt 30 cây số về Tam Hiệp hỏi thăm gia đình bên anh. Tôi đi đến đâu cũng bắt gặp ánh mắt soi mói diễu cợt. Nhiều người độc mồm, độc miệng dạy con gái tôi những câu: Bố cháu đi đâu? Bố cháu đi tù, tù mọt gông. Có hôm tôi từ Quỳ Hợp về nửa đường mệt quá, hai mẹ con dừng chân ở quán nước, bà chủ quán thấy con bé xinh xắn vô tình buột miệng hỏi: Bố cháu đi đâu? Con bé đáp: Bố cháu đi tù, đi tù mọt gông mới về! Tôi dàn dụa nước mắt : Con ơi, đừng nói thế mà có tội với cha!
Thư của Nguyễn Sỹ Lý viết cho vợ khi vừa được ra tù đang ở Vinh:
Ngày 11-12-1988
Len em!
Anh lại viết thư cho em. Đáng lẽ anh chưa viết thì đúng hơn. Chỉ mới xa nhau mấy bữa mà cứ như là hằng năm không bằng. Có thể em sẽ đặt câu hỏi: Tại sao trong năm năm ở tù anh ít viết thư cho em? Phải chăng hồi đó anh không nhớ em? Không phải đâu Len ạ. Kể cả những khi đau đớn nhất. Khi mà những gông xiềng nặng trĩu đang ôm chặt lấy người anh, khi mà tâm hồn muốn lìa khỏi xác, thần chết cắp búa đứng chờ thì thì anh đã cố tình xua đuổi bóng hình em. Chua xót vậy nhưng anh vẫn phải làm, vì anh không muốn đem theo em về cõi hư vô. Ghét em khi người ta xua đuổi thì em cứ đến. Đuổi em để rồi khóc. Giọt nước mắt cuối cùng của con tim đã nhỏ xuống nỗi oan trái. Cuối cùng em đã thấy... cơn ác mộng và quá khứ đau thương đã mãi mãi đi vào dĩ vãng. Cuộc sống và tình yêu không nỡ phụ bạc chũng mình nữa đâu. Trong cái rủi có cái may. May nhất là anh còn sống trở về với em. Điều đáng nói hơn là may mà em không nghe anh. Vì nếu nghe anh, em đã đi lấy chồng...
                                  Láng Hạ 9-2002
* Tác giả sử dụng tư liệu trên báo Tiền Phong của các phóng viên Mạnh Việt, Quang Long, Hồ Hồng Tuyến.

TỰ BẠCH NĂM 2013

Vậy đã hơn mười năm nữa trôi qua.
Kịch bản của tôi đã không được đưa vào sản xuất phim để đến với công chúng. Có lẽ những người có trách nhiệm xét duyệt kịch bản không đồng ý với đề nghị của Điện ảnh Công an và sau là Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương. Tôi đã đưa kịch bản cho Công an Nghệ An, lúc đó anh Phan Đình Trạc làm Giám đốc, anh Lâm làm Phó Giám đốc. Các anh đồng ý với những gì tôi viết. Tôi đã gợi ý các anh có thể giúp cho Đài Phát thanh- Truyền hình Nghệ An làm phim...
 Thay cho nỗi thất vọng, tôi hy vọng phim không ra đời được nhưng cuộc sống có thể tốt hơn chăng. Nhưng bây giờ lại một vụ án oan giống như thế đang được đưa ra ánh sáng. Nguyễn Thanh Chấn một công dân 42 tuổi ở Bắc Giang đã ngồi tù 10 năm với án tử hình giảm xuống chung thân đang làm chấn động dư luận cả nước, chấn động số những người Việt Nam còn lương tri, còn tình nhân ái với đồng bào mình.
Tiếc quá chỉ cách đây hai tháng, vở kịch Trái tim trong trắng của  Lưu Quang Vũ đã được công diễn trở lại và được đưa lên sóng truyền hình. Tôi đã thấy trên màn hình sự xúc động của nhiều khuôn mặt công chúng vẫn y nguyên như những ngày năm 1988...
Dù sao Vụ án hai ngàn ngày vẫn còn có hậu. Mong rằng các đồng nghiệp công an của tôi, thế hệ đàn em của tôi hôm nay và các nhân viên công quyền ngành kiểm sát, tòa án hãy đọc và làm như những nhân vật trong bộ phim này để lấy lại một chút lòng tin của nhân dân.
    18-11-2013
L.H.N (Thái Kế Toại)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét