Tập đoàn điện lực Việt Nam: Độc quyền
– đặc lợi – tội đồ
Phạm Chí Dũng
EVN Ở Việt Nam,
EVN là một trong những dẫn chứng sống động và dối trá nhất về việc người ta đã
mượn dĩ vãng kinh tế chỉ huy để trục lợi như thế nào. Trong điều kiện nền chính
trị độc đảng, thủ đoạn lợi dụng càng trở nên có ý nghĩa hơn. Độc quyền và đặc
lợi cũng vì thế đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân
sinh.
Bù lỗ vào dân!
Tháng 10/2013. Tròn hai năm từ thời điểm nhiều khuất tất
của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) lần đầu tiên được lôi ra ánh sáng. Một lần
nữa, báo chí trong nước phải dùng đến từ “phẫn nộ” đối với điều bị xem là tội
ác của một tập đoàn luôn được chở che bởi cơ chế đặc quyền đặc lợi.
Hai năm trước, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào
suy thoái, sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản đã kéo theo
một phát minh không tiền khoáng hậu kể từ thời mở cửa: những doanh nghiệp nhà
nước đặc trưng bởi chủ thuyết “giá chỉ có tăng chứ không giảm” như EVN và
Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) đã tạo thành cặp song sinh có chung hậu
môn. Hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của các tập đoàn này vào chứng
khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 40.000
tỷ đồng.
Trong suốt hai năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN
và Petrolimex tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.
Nhưng cũng trong suốt hai năm qua, bất chấp những đợt
tăng giá điện vô tội vạ của EVN, đã không có bất cứ cuộc kiểm tra nào được làm
tới nơi tới chốn. Tất cả những dấu hiệu khuất lấp về tài chính và số lương
“nghèo khổ” ít nhất vài chục triệu đồng theo đầu người ở tập đoàn này mà dư
luận bức xúc từ năm 2011, đã hầu như không được cơ quan chủ quản của EVN là Bộ
Công thương đón nhận. Không những thế, những lãnh đạo cao nhất của Bộ Công
thương như ông Vũ Huy Hoàng vẫn không ngơi nghỉ một chiến dịch khác: PR cho
“cậu ấm hư hỏng” của mình.
Đó là một dạng PR không mới, nhưng lại chỉ được dư luận
người dân Việt đặt tên chính thức từ năm 2012: PR chính sách. Chủ thể của hoạt
động này chính là cái tên “nhóm thân hữu” – một chủ đề mà chưa một ủy viên Bộ
Chính trị nào dám mổ xẻ trước bàn dân thiên hạ.
Nhóm thân hữu, về bản chất, lại có mối quan hệ ruột rà và
móc xích giữa các chính khách ở các cấp khác nhau, từ dưới lên và từ trên
xuống. Trong từng trải của người dân Hà Nội, thực tế sinh tồn của các doanh
nghiệp lệ thuộc vào chính sách từ nhiều năm qua đã chứng tỏ một nguyên tắc bất
thành văn là chỉ có chính sách mới tạo ra được lợi nhuận, để đến lượt mình, lợi
nhuận phải quay lại “nuôi” chính sách.
Không quá khó hiểu là những động thái PR chính sách đã
xuất hiện không ít lần, kể cả ở cấp Chính phủ. Cũng không ít lần, cứ sau cuộc
họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, phát ngôn viên của cơ quan này là Bộ
trưởng Vũ Đức Đam - người đang được hứa hẹn sẽ “nâng lên một tầm cao mới” - lại
đăng đàn với những lời lẽ lấp lửng về lộ trình tăng giá của EVN và Petrolimex.
Nhưng không giống với sự mơ hồ vô cùng tận của cụm từ
“kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, kết quả của sự lấp lửng từ các
nhóm lợi ích thời nay thường dẫn đến thái độ tăng giá “quyết liệt” - từ ngữ mà
giới lãnh đạo chính phủ hay dùng - ngay sau đó.
Như một quy luật, giá điện và giá xăng dầu tìm mọi cách
tăng vào thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội. Còn trong thời gian phiên họp Quốc
hội, những nhà làm giá lập tức áp dụng chính sách giảm giá, nhưng chỉ là giảm
cho có, để thường sau khi Quốc hội “thành công tốt đẹp”, giá lại ào ào tăng
lên.
“Giết sống” dân
chúng
Giá xăng dầu và điện lực tăng tất yếu dẫn đến lạm phát.
Trong thực tế, chỉ số tiêu dùng CPI bị tác động không nhỏ và lập tức kích hoạt
hàng loạt đợt tăng giá của hàng tiêu dùng, thực phẩm, giá vận tải hành khách và
hàng hóa, giá nhà trọ…, làm khốn khó hơn cho đời sống dân nghèo vốn đã quá khó
khăn.
Đời sống dân sinh ấy lại liên đới quá đỗi hữu cơ với một
phần lớn lực lượng vũ trang và công chức viên chức nhà nước. Một viên thiếu tá
an ninh than thở “Không thể tích lũy được chỉ với chục triệu bạc lương, vì điện
và xăng ngốn hết cả rồi”.
Thế nhưng đối mặt với tất cả những trớ trêu và nghịch lý
tận cùng ấy, lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn im lặng, trong khi vài ba viên chức
cấp vụ của bộ này vẫn cố gắng “an dân” bằng thuyết minh việc tăng giá xăng dầu
và điện không ảnh hưởng nhiều đến CPI.
Phụ họa cho điều được coi là “ảnh hưởng không nhiều”
trên, các nhà làm thống kê Việt Nam
luôn đưa ra những con số không cần nguồn gốc. Chỉ có điều cho đến nay, rất
nhiều người dân và cả giới chuyên gia nhà nước đã không còn tin vào các con số
thống kê nữa. Một trong những scandal lớn nhất vừa xảy ra là giới chuyên gia
phản biện đã thẳng thừng vạch ra hiện tượng “GDP có chân”, châm biếm về tình
trạng báo cáo theo chủ nghĩa thành tích của các địa phương, và ngay cả con số
GDP mà lãnh đạo chính phủ nêu ra cũng khó có thể mang trên mình tính thực chất.
Nhưng hoàn toàn ngược lại, lợi nhuận mới là thực chất
nhất trong tất cả những vụ áp phe đình đám. Một cuộc thanh tra của Thanh tra
chính phủ mới đây đã phát hiện trong bảng giá thành của mình, EVN đã hạch toán
cả các công trình xây bể bơi, sân tennis và biệt thự vào giá bán điện. Giá bán
điện lại được phổ cập cho mặt bằng dân trí thấp kém trong dân chúng. Và thêm một
lần nữa, người ta có được bằng chứng về cái được coi là “trận đánh đẹp” của
EVN: cuộc chiến bù lỗ vào dân.
Sau khi tăng giá liên tục trong hai năm qua, nợ ngân hàng
của EVN đã được rút bớt. Nhưng chỉ là bớt một ít. Với hơn 30.000 tỷ đồng thất
bát từ đầu tư trái ngành, EVN luôn phải đối mặt với tương lai phá sản nếu không
thanh toán được cho các chủ nợ.
Trong khi đó, một con số lần đầu tiên được công bố là EVN
chính là doanh nghiệp vay nợ ngân hàng lớn nhất Việt Nam, với hơn 118.000 tỷ đồng. Đây
là mức dư nợ lớn nhất mà hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn nhà nước.
Với nợ nần khổng lồ và số lỗ do đầu tư trái ngành, người
ta ước tính EVN phải tăng giá điện liên tục đến năm 2017-2018 thì mới may ra
“hòa vốn”.
Thế nhưng cái điểm hòa vốn đầy tính nhân quả ấy lại có
thể khiến những người dân nghèo nhất phải quyên sinh. Bởi theo nguyên lý từ
thời tư bản dã man, nếu doanh nghiệp độc quyền hòa vốn, nhân dân phải chịu lỗ;
còn khi doanh nghiệp độc quyền có được lợi nhuận, nhân dân chắc chắn phải mất
đi phần lớn thu nhập của mình.
Không chỉ mất tài sản, người dân còn phải trả giá bằng cả
sinh mạng bởi lối hành xử vô lương tâm của những quan chức độc quyền nhà nước.
Vụ xả lũ không thông báo trước ở Đắc Lắc vào tháng 9/2013 chính là một cách
“giết sống” 12 cư dân nghèo nàn nơi rốn lũ, với trách nhiệm không chỉ thuộc về
doanh nghiệp thủy điện và chính quyền Đắc Lắc, mà còn liên đới đến những lãnh
đạo của EVN.
Tuy nhiên sau vụ “giết sống” trên, những phóng viên báo
chí quốc doanh đành ôm hận vì bị giới tuyên giáo “chặn họng”. Cũng không có bất
kỳ một quan chức vô trách nhiệm nào phải đối mặt với vành móng ngựa.
Tán tận lương tâm chắc chắn là từ ngữ hiển thị đầy đủ
nhất tâm địa của các doanh nghiệp độc quyền trong những năm suy thoái kinh tế
qua. Kinh tế càng xuống dốc, đời sống người dân càng túng quẫn, chủ nghĩa thực
dụng và lợi nhuận càng lên ngôi, thái độ sống chết mặc bay càng đội mồ sống
dậy.
Truy cứu độc quyền!
Sự tán tận lương tâm của quan chức và hậu quả của nó
không thể không liên quan đến trách nhiệm của giới lãnh đạo chính phủ, những
người đã im lặng hoặc “bật đèn xanh” cho EVN và Petrolimex gây nên các chiến
dịch tăng giá vào thời gian giữa hai kỳ quốc hội.
Không chỉ bị lên án bởi dư luận trong nước, khối u độc
quyền doanh nghiệp quốc doanh ở Việt Nam còn bị nhiều chính phủ xã hội dân sự
trên thế giới và các tổ chức quốc tế chỉ trích kịch liệt, bởi hiện trạng bệnh
hoạn đó đi ngược lại với những cam kết về “hoàn thiện nền kinh tế thị trường”
mà chính phủ Việt Nam đã hùng dũng cam kết trước cộng đồng quốc tế.
Hiện trạng bệnh hoạn trên lại liên quan mật thiết đến
chuyến đi lặng lẽ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến New York vào cuối tháng 9/2013. Trong cuộc
gặp gỡ đó, ông Dũng đã đề xuất một sự “linh hoạt” mà Mỹ và các nước trong Hiệp
định đối tác kinh tế xuyên thái Bình Dương (TPP) “nên” dành cho Việt Nam - như
một đặc cách.
Chỉ có điều, làm thế nào để xứng đáng nhận ân huệ ấy thì
phía Việt Nam
lại không nêu được một dẫn chứng cụ thể nào. Trong khi đó, từ bỏ độc quyền là
một trong những điều kiện then chốt để Việt Nam có thể ngẩng mặt ngồi vào bàn
đàm phán TPP.
Ít nhất, đã không có một cam kết cụ thể nào của Việt Nam
được phát ra về kế hoạch xóa bỏ thế độc quyền và cải cách doanh nghiệp nhà
nước. Tất cả những gì được hứa hẹn chỉ là “chúng tôi sẽ tiến hành cải cách”. Song
thời gian để cải cách là bao lâu lại tùy thuộc vào lòng hảo tâm của các nhóm
lợi ích đang lũng đoạn nền kinh tế Việt Nam, và còn lệ thuộc vào cả lòng
thành chính trị của các chính khách của đất nước này.
Nguyên tắc thương mại đa phương quốc tế rất rõ ràng:
chừng nào chưa xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, Việt Nam chưa thể đủ tư cách tham dự vào
bàn tiệc mà phương Tây đã bày sẵn. Không những thế, hệ quả đó còn làm ảnh hưởng
không nhỏ đến vị thế chính trị của giới chính khách lãnh đạo trước người dân
trong nước và trong mối cộng hưởng với các phản ứng của quốc tế.
Phản ứng của người dân, như báo chí trong nước đã phải
dùng đến từ “phẫn nộ”, sẽ không thể kéo dài tâm thế chịu đựng mãi. Nếu ở những
quốc gia như Bungaria, toàn bộ chính phủ đã phải từ chức vào đầu năm 2013 sau
cú tăng giá điện của hai tập đoàn điện lực tư nhân mà đã khiến cho hàng chục
ngàn người dân Sophia đổ ra đường biểu tình, xã hội Việt Nam cũng có thể là một
hình ảnh tương tự trong không quá lâu nữa.
Sau hai năm kể từ lúc các chiến dịch “thủ ác” được kích
phát dồn dập và bất chấp oán thán dân tình, kẻ tội đồ EVN đã có đủ thời gian
chứng tỏ nó có năng lực gây ra tội ác ghê gớm đến thế nào.
Bất kể động cơ nào, dù thuộc về tranh đấu nội bộ hay làm
dịu tình cảm phẫn uất của dân chúng…, ban lãnh đạo EVN và cơ quan chủ quản của
tập đoàn này là lãnh đạo Bộ Công Thương cũng rất xứng đáng bị Quốc hội, Thanh
tra chính phủ và Bộ Công an tạm đặt ra “ngoài vòng pháp luật” về thế độc quyền,
đồng thời không thể bỏ qua trách nhiệm pháp lý về ít nhất 17 hành vi có dấu
hiệu sai phạm.
P.C.D.
Nguồn: BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét