Tấm hình kỷ niệm
Hà
Sĩ Phu
Nguyễn Huệ Chi -
Hà Sĩ Phu trước Câu đối tặng Võ Đại tướng (10-10- 2012)
Nhân Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi xin gửi tặng
trang Bô-xít tấm hình chụp tôi với GS Huệ Chi, với hai ly rượu, ngồi trước Câu
đối tặng Võ Đại tướng, trước đây vửa tròn một năm.
Số là năm ngoái, ở tuổi 102 trên giường bệnh, tướng Giáp
có thể ra đi bất cứ lúc nào. Tôi bàn với anh Huệ Chi, khi cụ Giáp mất tất nhiên
ta phải có câu đối viếng, vì Đại tướng với ba bức thư phản đối chương trình
khai thác Bô-xít chính là một cảm hứng quan trọng dẫn đến xuất hiện trang
Bô-xít phản biện, dù sự nhìn nhận lịch sử có đa dạng và phức tạp đến đâu thì
trong việc cụ thể này sự thực ấy vẫn được khẳng định.
Để cho cẩn thận, tôi thấy tốt nhất là viết trước một câu
đối để tặng Đại tướng khi cụ còn sống, gửi đến gia đình và nghe ý kiến nhận xét
của bạn bè, nếu thấy “được” thì sẽ dùng làm câu đối viếng lúc lâm chung.
Tôi viết sẵn ra lụa, đem đến để anh Huệ Chi xem. Anh Huệ
Chi treo lên, đọc xong rồi trầm ngâm: “Câu đối tốt thôi, tổng kết và đánh giá
thế này là trân trọng nhưng cũng vừa phải, đúng mức”. Rất mừng, vừa đúng một
năm sau, nay câu đối ấy đã được đăng trên trang Bô-xít với tư cách một câu đối
viếng trang trọng, ngay sau ngày vị Đại tướng chính thức ra đi:
* VÕ công kiệt xuất lưu thanh sử!
* VĂN cách khoan hòa đắc thế tâm!
Họ Võ tên Văn, hai chữ Võ-Văn như vận vào số mệnh một
nhân vật lịch sử Việt Nam.
Như quốc tế đã có bình luận: Ông “quan Võ” đã đại thắng trong thời chiến, nhưng
ông “quan Văn” lại thất bại trong thời bình! Định mệnh ấy của vị Đại tướng phải
chăng cũng chính là định mệnh của cả thể chế mà ông là người gây dựng và là
“bầy tôi” trung thành bậc nhất? Thời chiến chỉ là nhất thời, chiến thắng trong
thời bình mới là chiến thắng sau cùng. Thắng quân sự là thắng nhỏ, thua chính
trị mới là thua lớn. Nhiều người đã bình về chữ “nhẫn” đau lòng của vị “quan
Văn”, tôi cũng tự đặt mình vào vị trí của vị Đại tướng khai quốc, những ngày
nằm bệnh, thấy cảnh đất nước còn bị ngoại thù đe dọa, dân chúng còn bị nội thù
o ép đến lầm than, vị tướng cả đời yêu nước thương dân ấy nhất định phải suy
nghĩ lung lắm, nhất định phải thương cho dân, và tiếc cho nước:
Tiếc trang ĐỘC LẬP còn dang dở
Thương chữ QUYỀN DÂN chửa đáp đền!
Trong một bài thơ thất ngôn tặng Đại tướng tôi đã viết
như vậy. Một “vị tướng của nhân dân” chắc không quên câu thơ cổ “nhất tướng
công thành…” thì bên cạnh niềm tự hào quá khứ, nhất định không thể yên lòng về
những bất ổn hiện tại, chắc phải băn khoăn về kết quả của những núi xương sông
máu, băn khoăn trước vận nước vận dân đầy những âu lo. Chính những suy tư như
vậy càng làm cho tầm vóc con người được lớn thêm lên.
Điều thú vị và trớ trêu là vị tướng oai hùng của “một
trận Điện biên” lại cũng là vị tướng thẳng thắn và tỉnh táo của “ba thư Bô-xít
”! [*] Việc xưa tiếp đến việc nay, chút “duyên” Trời cho lớp hậu sinh, không
hẹn mà gặp, chẳng phải “bắt quàng”. Người hùng của Điện Biên ra đi nhưng vẫn
tiếp tục hiện diện đầu trang Bô-xít như nhắc nhở một tinh thần và bài học Điện
Biên.
Trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân trước sự ra đi
của một nhân vật lịch sử lớn, chắc niềm tiếc thương của những người làm trang
Bô-xít càng có thêm màu sắc riêng, càng thấm thía hơn, tôi nghĩ như vậy.
H. S. P.
13-10-2013
Nguồn: BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét