Đọc “Dưới bóng
đa chùa Viên Giác” như có nhạc và thơ trong văn xuôi Trần Trung Đạo
Đỗ Trường
Trong một bài viết gần đây,
nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Đức cho rằng, Nguyễn Hưng Quốc, Đỗ Hoàng, Trần Mạnh
Hảo là ba cây bút nặng vốn nhất Việt Nam hiện nay. Tôi không thể phản đối đánh
giá trên của ông. Nhưng tôi nghĩ, nếu như đọc và nghiên cứu Trần Trung Đạo,
chắc chắn Nguyễn Hoàng Đức sẽ phải viết tiếp: Ngoài Nguyễn Hưng Quốc, Đỗ Hoàng,
Trần Mạnh Hảo, chúng ta còn có một Trần Trung Đạo thơ, một Trần Trung Đạo văn,
và cõng trên lưng cả mảng phê bình nghị luận xã hội.
Thật vậy, công việc chủ yếu
của một kỹ sư điện toán đã vắt kiệt sức, nhưng với Trần Trung Đạo, thơ văn,
nghiên cứu lại là hơi thở, là bữa ăn hàng ngày. Có thể nói, Trần Trung Đạo
không sống bằng nghề viết, sự viết lách chỉ là giải tỏa cái đau và nỗi nhớ của
người xa quê. Ông chỉ cầm bút, khi con tim chính mình rung lên, thôi thúc và
mách bảo. Do vậy, thể loại nào, mảng nào, ông cũng để lại những tác phẩm đóng
đinh vào lòng người. Và như một lần tôi đã viết: Nếu không có biến
cố 30-4-1975 và không có những con thuyền lá tre kia, cố lao đi để tìm sự
sống thật mong manh, trong cái mênh mông của biển cả, giông tố của đất trời,
thì chúng ta sẽ không có một nhà thơ đa tài Trần Trung Đạo hôm nay. Những cơn mưa
nguồn, gió bể ấy là những nhát búa gõ vào hồn thơ anh, rồi như tiếng
chuông ngân lên từ cõi lòng, vọng về bên kia bờ đại dương.
Vâng! Cứ tưởng rằng, thơ sẽ
là cơn gió hè, xoa dịu những cái đau và nỗi nhớ. Nhưng vết thương dài đằng đẵng
đó, dường như ngày càng khắc sâu thêm. Khi nỗi đau đó, hòa vào cái đau chung
của cả dân tộc, thì những cơn mưa nguồn gió bể, không chỉ còn là những nhát búa
gõ vào hồn thơ nữa, mà buộc nó phải gõ tiếp, phải đẩy cái đau tận cùng đó đến
với trang sách, hồn văn Trần Trung Đạo.
Hôm rồi, nhà thơ Trần Trung Đạo, gửi tặng tôi tập
sách “Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác“ viết chung với Hòa Thượng Thích Như Điển,
Phương Trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc. Có người cho rằng, đây là cuốn tự
truyện, hồi ký đơn thuần. Tôi hơi nghĩ khác một chút, ngoài những tự truyện,
hồi ký cá nhân, hồn cốt của cuốn sách lại nằm trong khung cảnh tang thương nhất
của đất nước gắn với thân phận con người, vào những thập niên sáu, bảy mươi của
thế kỷ trước và những thăng trầm của Phật Giáo Việt Nam trong thời chiến loạn.
Tôi quen, đọc Hòa Thượng
Thích Như Điển cũng đã mấy chục năm. Từ những ngày đầu Hòa Thượng xây dựng và
trụ trì chùa Viên Giác Hannover, kiêm phụ trách tờ báo, nơi tôi thường xuyên
gửi bài. Phải nói, Hòa Thượng Thích Như Điển là người được đào tạo, tu luyện cơ
bản, từ trong cho đến ngoài nước. Do vậy, Thượng Tọa sử dụng được nhiều sinh
ngữ, và có kiến thức uyên bác, thâm hậu. Tuy học, hành đạo chủ yếu ở nước
ngoài, nhưng Thượng Tọa vẫn giữ cốt cách giản dị, mộc mạc khi viết. Cái lời văn
chầm chậm, đậm đặc từ ngữ địa phương ấy, nếu như không biết trước, chắc chắn
tôi nghĩ, tác giả hiện đang trụ trì, hành đạo một ngôi chùa nào đó ở xứ Quảng.
Là người xuất gia, sống xa Tổ Quốc gần hết cả cuộc đời, nhưng Thượng Tọa vẫn
giành nhiều trang viết về quê hương, thời thế, tình người. Tập “Dưới Bóng Đa
Chùa Viên Giác“ là một trong mấy chục đầu sách viết về đạo và đời của Thượng
Tọa. Nó vạch trần cái bẩn thỉu, đê hèn của chính trị và con người làm chính
trị, dù là thời nào chế độ nào, Phật Giáo cũng là một trong những nạn nhân đau
đớn và tàn bạo nhất. Hình ảnh người lính quốc gia, thuộc quân lực Việt Nam Cộng
Hòa, theo lệnh của ông Nguyễn Cao Kỳ, đã dúi truyền đơn, lựu đạn vào chùa, sau
đó ập vào khám xét, nhằm cản trở việc đem bàn thờ Phật ra đường. Đó là hành động
tận cùng của sự bỉ ổi. Nó làm tôi liên tưởng đến hai cái bao cao su cũ và vụ án
Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ thời nay : “ …Bên ngoài chùa từng toán lính, từng
toán lính nhảy qua cổng Tam quan vào chùa lục soát khắp nơi, không chừa một chỗ
nào. Ho.là lính quốc gia thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa do chỉ thị của ông Kỳ
vào tất cả các chùa Miền Trung bắt bớ, ngăn cản việc đem bàn thờ Phật ra đường
theo lời chỉ đạo của Thượng Tọa Thích Trí Quang lúc bấy giờ.
Tôi đứng quan sát thật kỹ, đầu tiên họ nhúi cái gì
đó vào lư hương chính giữa chánh điện và sau đó họ từ phía sau nhà Tổ mang một
bao tời to tướng ra phía trước sân hô lớn lên, có truyền đơn. Tiếp đến họ vào
những lư hương họ đào, bới mang ra nhiều lựu đạn. Đó là tang chứng trình diễn
“gián điệp“ một cách thật táo bạo và lố lăng. Đứa con nít lên năm cũng có thể
biết được, chớ đừng nói chuyện người lớn…“ (Trang 43, sách đã dẫn)
Là một nạn nhân của sự bắt
bớ, tù đày và là người trực tiếp chứng kiến sự đàn áp Phật giáo (năm 1966) nên
Thượng Tọa lý giải, chỉ có minh bạch, đức tin, tình người thì chính quyền mới
thu phục được nhân tâm con người. Sự ép buộc Tôn Giáo làm công cụ, phục vụ cho
một thể chế, đảng phái là một tội ác, là nguyên nhân dẫn đến cảnh tranh đấu,
nồi da xáo thịt:
“…Đa phần thuở ấy và
bây giờ nhiều người vẫn nghi Hòa Thượng Thích trí Quang là cộng sản, nhưng tôi
lại nghĩ khác. Người cộng sản có thể đội lốt một tu sĩ để hoạt động, chớ một
người tu sĩ chân chính đã tin luôn hồi, nhân quả và nghiệp báo không thể là một
người cộng sản được. Ranh giới giữa quốc cộng là chỗ ấy. Thật sự lúc ấy những
người lãnh đạo quốc gia miền Nam chẳng chinh phục được lương tâm của người dân,
trong đó có cả những vị lãnh đạo phật giáo, ngược lại dồn nén họ và đẩy họ vào
thế bí đứng về hàng ngũ của phía bên kia. Thế nhưng điều đó họ đã lầm, cho đến
sau nầy, sau ngày 30-4-1975 nhiều vị tướng tá miền Nam Việt Nam để lộ nguyên
hình mình là những người cộng nằm vùng, chớ còn Phật Giáo vẫn là Phật Giáo và
những người lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, như Hòa Thượng Thích
Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Hòa Thượng Thích Thiện Hạnh, Hòa Thượng
Thích Tuệ Sĩ..v.v…cho đến hôm nay (2005) sau 30 năm người cộng sản thống trị
miền Nam, họ vẫn là những người bị tù tội…Một Tôn giáo phục vụ vụ đúng nghĩa
cho tín đồ, không làm công cụ cho một chế thể độc tài, tham nhũng như vậy được.
Trước năm 1975 Giáo Hội đấu tranh cho một đất nước Việt Nam như thế, thì sau
năm 1975 cũng vì mục đích ấy mà thôi…“(Trang 45 và 46 sách đã dẫn)
Ai đã bắn viên pháo đó? Một
viên pháo đã bắn nát tuổi thơ Trần Trung Đạo. Câu hỏi này, dường như cả tuổi
thơ ông và thế hệ ông, không tìm được câu trả lời. Chỉ đến “Dưới Bóng Đa Chùa
Viên Giác“ dường như Trần Trung Đạo mới có lời giải đáp.
Làng tơ lụa Mã Châu, Duy Xuyên quê ông nằm bên
nhánh sông Thu Bồn thơ mộng, cũng là nơi phân tranh giữa lính Cộng hòa, Nam Hàn
với quân chủ lực Mặt Trận Giải Phóng. Hận thù từ đâu đến đang cày nát mảnh đất
nơi đây? Mảnh pháo ấy của Nga, của Tầu hay của người Mỹ xa lạ kia, đã găm vào
trái tim cha mẹ và những người dân vô tội quê ông?
“Ai đã bắn viên pháo đó?
Năm 13 tuổi, trên những chiếc ghế đá bên bờ sông Hàn, bao nhiêu lần tôi đã nhìn
xuống đáy sông sâu và hỏi như thế. Có lần tôi đã tìm về làng cũ, không phải chỉ
để viếng thăm mà để tìm những mảnh pháo còn ghim đâu đó quanh vườn. Tôi muốn
biết ai đã làm ra nó…“ (Sách đã dẫn trang 187)
Cũng như hàng trăm hàng ngàn trẻ mồ côi trong
chiến tranh, Trần Trung Đạo phải lặn ngụp tuổi thơ trên những con phố, hè
đường. Đất nước chẳng nơi nào bình yên. Có lẽ, chỉ còn duy nhất, cây đa mái
chùa xơ xác là niềm hy vọng, là nơi cứu rỗi chở che cuối cùng, tâm hồn cũng như
thân xác con người. Và nếu như không có tiếng chuông chiều thuở ấy, đưa cậu bé
13 tuổi về trú ngụ nơi cửa Phật, thì chắc chắn cuộc đời Trần Trung Đạo sẽ có
bước ngoặt khác.
Nhắc đến Nguyễn Cao Kỳ, bao giờ tôi cũng nghĩ đến
những ông Thủ Tướng, Tổng Thống trên sân khấu hề chèo. Một ông tướng thời
chiến, trước bàn dân thiên hạ, lái trực thăng trình diễn để tán gái, đưa đón bồ
bịch, trong khi dân chúng đang đói rách, tan tác chạy loạn. Hành động kém tri
thức, kệch cỡm đó, khác gì ca sỹ gào Đàm Vĩnh Hưng đấu môi ông nhà sư mất nết,
trên sân khấu, thời nay. Ở thời điểm đó, trẻ mồ côi như Trần Trung Đạo, nếu như
bắt gặp người lãnh đạo cộng sản, chắc chắn không phải họ đang cỡi máy bay đi
tán gái, mà họ dép râu, áo vá như Trần Trung Đạo. Rồi họ vẽ ra viễn cảnh của
tương lai, mà nhà thơ Chế Lan Viên sau này gọi là bánh vẽ. Một thứ bánh tất
nhiên là không có thật, nhưng mới đầu nghe, có lẽ ai cũng phải thích, phải
theo. Thật vậy, những người lãnh đạo cộng sản làm dân vận giỏi hơn lãnh đạo
Việt Nam Cộng Hòa. Nên tôi nghĩ, trong trận chiến vừa qua, cái thua trước nhất
thuộc về chính trị, dân vận của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Một con người
kém hiểu biết chính trị như Nguyễn Cao Kỳ lại nắm vận mạng của cả một quốc gia,
thật là một điều khó hiểu. Dù Miền Nam lúc đó không thiếu người tài.
Có một điều lý thú, nếu như “Dưới Bóng Đa Chùa
Viên Giác“ không được chia làm hai phần, bởi hai tác giả viết, thì người đọc
cũng dễ dàng nhận ra, hai cách hành văn, sử dụng từ ngữ của Thượng Tọa Thích
Như Điển và nhà thơ Trần Trung Đạo hoàn toàn đối nghịch nhau. Nếu văn của
Thượng Tọa chậm, mộc mạc bao nhiêu thì lời văn của Trần Trung Đạo nhanh thoát,
trữ tình, đầy hình ảnh tượng trưng bấy nhiêu. Cái chất trữ tình, chất thơ ấy
được lằn sâu trong từng câu, từng đoạn luyến láy, trầm bổng, làm cho lời văn êm
dịu đi vào lòng người, tưởng như đang nghe một bản nhạc buồn vậy: “
…Tôi thường nằm hàng giờ lắng nghe tiếng lá rung xào xạc, hồn đuổi theo những
ước mơ riêng tư của lứa tuổi đang bắt đầu mơ mộng. Tôi mơ về một mái nhà ấm
cúng. Một gia đình. Một người chị. Một đứa em. Một người bạn. Một chiếc xe đạp.
Một thôn xóm thanh bình. Tôi mơ thấy cha tôi về. Vẫn mặc chiếc áo cánh đen như
ông thường mặc. Vẫn giọng hát bộ điệu Nam Ai buồn não ruột mỗi đêm trong
căn nhà tranh nhỏ. Vẫn hình ảnh của người thợ dệt vải nghèo nàn ở làng Mã Châu,
mỗi ngày dày thêm những sợi buồn phiền vào cuộc đời vốn đã nhiều cay đắng của mình…“
(sách đã dẫn trang 236) …“
Là một nhà thơ, nên cách sử
dụng từ ngữ của Trần Trung Đạo chắt lọc, ngắn gọn súc tích. Đọc đoạn văn dưới
đây, tôi cứ ngỡ mình đang đọc một bài thơ hay trong tập thơ hay. Đọc
lên ta không khỏi bùi ngùi xót xa cho thân phận những đứa trẻ côi cút nói riêng
và thân phận con người nói chung trong chiến tranh:
“….Cô tôi có vẻ vui hơn trong
những lúc tôi về. Biết tôi suốt tháng ăn chay nên dù rất nghèo, cô cũng ráng
mua sắm thêm chút cá thịt cho bữa ăn. Cô thức khuya hơn, dặn dò tôi hằng trăm
việc. Cố gắng nhịn nhục. Cố gắng chịu đựng. Cố gắng học hành. Cô hỏi thăm từng
việc lớn nhỏ trong chùa tôi đang tá túc.
-
Bà Chín có còn chửi mắng con không?
- Không, bà Chín chết rồi.
- Sao vậy?
- Xe tông chết.
- Có ai đánh con không?
- Không.
- Có ai bắt con làm chuyện gì nặng nề không?
- Không.
- Thầy có biểu con đi tu không?
- Có, nhưng không phải thầy Viên Giác.
- Thế ai biểu con?
- Thầy Giải Nguyên.
- Thầy Giải Nguyên là ai?
- Đệ tử của thầy Viên Giác.
- Con trả lời thầy Giải Nguyên sao?
- Con nói con không muốn đi tu.
- Thầy nói gì thêm?
- Thầy nói đi tu sẽ được các thầy lo lắng ăn học, mai mốt lớn sẽ được đi Huề hay Sài Gòn học thêm. Không đi tu chẳng lẽ ở trong chùa này hoài hay sao. Chùa chỉ dành cho người đi tu thôi, đâu có thể nuôi con hoài như vậy được.
- Thế con trả lời sao?
- Con không biết trả lời sao vì không biết nếu thầy đuổi sẽ đi đâu, nhưng con nhất định không đi tu.
- Thầy hay hỏi thế không hay chỉ hỏi một lần?
- Nhiều lần nhưng tháng này không hỏi nữa vì con đã bạch với thầy là con nhất định không đi tu.
- Con đừng bỏ đi. Nếu thầy đuổi thì về Đà Nẵng ở với cô.
- Nhưng ở Đà Nẵng với cô thì chỉ đi bán cà rem hay đánh giày chứ làm gì có trường công để học.
- Ừ thì lúc đó hãy tính.
- Con phải đi học.
- Cô biết, nhưng lúc đó hãy tính, giờ còn đi học được thì phải lo học.
- Dạ.
- Không, bà Chín chết rồi.
- Sao vậy?
- Xe tông chết.
- Có ai đánh con không?
- Không.
- Có ai bắt con làm chuyện gì nặng nề không?
- Không.
- Thầy có biểu con đi tu không?
- Có, nhưng không phải thầy Viên Giác.
- Thế ai biểu con?
- Thầy Giải Nguyên.
- Thầy Giải Nguyên là ai?
- Đệ tử của thầy Viên Giác.
- Con trả lời thầy Giải Nguyên sao?
- Con nói con không muốn đi tu.
- Thầy nói gì thêm?
- Thầy nói đi tu sẽ được các thầy lo lắng ăn học, mai mốt lớn sẽ được đi Huề hay Sài Gòn học thêm. Không đi tu chẳng lẽ ở trong chùa này hoài hay sao. Chùa chỉ dành cho người đi tu thôi, đâu có thể nuôi con hoài như vậy được.
- Thế con trả lời sao?
- Con không biết trả lời sao vì không biết nếu thầy đuổi sẽ đi đâu, nhưng con nhất định không đi tu.
- Thầy hay hỏi thế không hay chỉ hỏi một lần?
- Nhiều lần nhưng tháng này không hỏi nữa vì con đã bạch với thầy là con nhất định không đi tu.
- Con đừng bỏ đi. Nếu thầy đuổi thì về Đà Nẵng ở với cô.
- Nhưng ở Đà Nẵng với cô thì chỉ đi bán cà rem hay đánh giày chứ làm gì có trường công để học.
- Ừ thì lúc đó hãy tính.
- Con phải đi học.
- Cô biết, nhưng lúc đó hãy tính, giờ còn đi học được thì phải lo học.
- Dạ.
Hai cô cháu tôi thường ngồi
như thế rất lâu trong căn nhà nghèo nàn phía trong Ngã Ba Huế. Một đứa bé bất
hạnh ngồi bên người đàn bà bất hạnh trong một đất nước bất hạnh. Thỉnh thoảng
cô đưa bàn tay gầy guộc cầm lấy tay tôi sợ rằng đứa cháu trai của cô sẽ khóc.
Tôi không khóc. Cô không khóc. Không có hay vì không ai còn giọt nước mắt nào
để nhỏ trong những đêm tôi về thăm cô. Nếu có chăng chỉ là những giọt nước mưa
từ buổi chiều còn đọng trên mái tranh nghèo, như những nốt nhạc buồn, gõ từng
nhịp đều vào chiếc lu hứng nước ngoài sân.” ( Sách đã dẫn trang 233-234)
Lấy cảnh vật, tĩnh vật để miêu tả, bộc lộ tâm
trạng cũng như gửi tâm sự của mình vào đó, tuy không mới, nhưng để đạt đến câu
văn, đoạn văn truyền cảm, đầy cảm xúc của Trần Trung Đạo, quả thật là không có
nhiều người viết được hay đến như vậy:
“…Những đêm
khuya im vắng tôi ngồi dưới hiên chùa ngắm hàng vạn vì sao mọc kín vòm trời.
Một cảm giác lạ kỳ, vừa ấm cúng nhưng cũng vừa cô độc, vừa rất thực nhưng cũng
vừa hư huyễn thường đến với tôi trong những đêm khuya khoắt như thế. Tôi chọn
một vì sao nhỏ, lẻ loi và xa xôi nhất trong dải thiên hà bát ngát để làm bạn
với mình, để chia xẻ những buồn vui bắt gặp trong ngày. Tôi tâm sự với sao
những chuyện thầm kín nhất. Những chuyện tôi chưa từng nói với ai và, dù tôi
muốn, cũng chẳng có ai gần gũi để cùng san sẻ. Như thầy Giải Nguyên có lần đã
cảnh giác, nếu không đi tu, sớm hay muộn, tôi cũng phải ra khỏi nơi nầy. Tôi
biết. Tôi biết. Dù thế gian này là giả tạo và mộng tưởng, dù khoảnh khắc tôi
đang sống là vô thường hay hữu thể, thì con đường dài sâu hun hút phía bên kia
cổng tam quan chùa Viên Giác vẫn là con đường có thực. Con đường đầy gai gốc
kia, một ngày không xa, trong cuộc đời này, tôi phải dẫm lên, tôi phải đi
qua…“(Trang 236-sách đã dẫn)
Theo nhà văn Lương Thư Trung, mỗi đoạn văn trong
“Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác“ là một câu chuyện chan chứa thiền vị thâm trầm.
Vâng! Đúng vậy, cuộc chiến đi qua đã lâu, lòng người phân ly, chỉ có tình người
mới xóa đi được ranh giới của con sông Gianh ấy. Mái Chùa và tiếng chuông Thánh
Đường mãi mãi là nơi nuôi dưỡng, chở che những mảnh đời rách nát. Đây cũng là
thông điệp chính của tập sách, Trần Trung Đạo muốn gửi đến người đọc.
“ …Những con sông Gianh trong lòng người phải cần
được lấp lại. Lấp lại bằng cảm thông chứ không phải bằng những bãi xương khô,
những cánh đồng nhuộm máu. Người Việt Nam cần được nghe những tiếng chuông chùa
nhẹ đưa, tương tự như cũng cần được nghe tiếng chuông nhà thờ thánh thoát. Hãy
trao cho các thế hệ tương lai Việt Nam một cơ hội để được sống trong hòa thuận,
bao dung, tha thứ. Tại sao phải mang theo gánh nặng của phân hóa, rẽ chia, hoài
nghi, mặc cảm, trong lúc dân tộc Việt Nam đang cần một đôi cánh để bay cao, để
vượt qua ao hồ quá khứ, để mong đuổi kịp nhân loại, đã nhiều thế kỷ, tiến xa về
phía trước…“ (sách đã dẫn trang 232)
Với tôi, “ Đôi Mắt“ là truyện
ngắn hay nhất của Trần Trung Đạo. Và có lẽ, cũng là một trong những truyện ngắn
hay nhất của văn chương Việt, viết về đề tài vượt biên và tù tội. Câu chuyện
đơn giản, không đao to búa lớn, không có những tình tiết ly kỳ. Nhưng nó lôi
cuốn người đọc từ đầu đến dòng cuối cùng. Vì ngoài cái tấm lòng cao thượng của
một cô gái giang hồ với chàng sinh viên can tội vượt biên cùng vào tù, nó được
dẫn dắt bởi nghệ thuật dẫn chuyện của tác giả. Nếu người viết không có tài, câu
chuyện này trở thành nhạt phèo. Qủa đúng, như ai đó đã nói, từ hay đến dở có
khoảng cách rất gần. Chúng ta đọc lại đoạn kết của truyện ngắn này, để thấy
chất thơ, chất trữ tình trong văn xuôi Trần Trung Đạo nhé:
“…Hoàn cảnh cô ấy rất đáng
thương nhưng không phải cô ta vì bán thuốc Tây mà bị bắt đâu”. Dì muốn nói tiếp
nhưng như chợt biết mình vừa lỡ lời nên dừng lại, khoát tay: “Thôi, sắp hết xe
về Sài Gòn rồi. Cậu về đi. Chúc cậu bình an trong lần đi tới. Tôi tin Bích Vân
sẽ không bao giờ gặp cậu, dù cậu có ngồi đây suốt đêm nay, hay đi tìm khắp thị
xã cũng thế thôi. Hai cô cậu chẳng ai có lỗi gì. Cũng vì hoàn cảnh thôi. Nếu là
cậu, chắc cậu cũng không có chọn lựa nào khác. Gặp nhau để làm chi. Cậu chắc
hiểu ý tôi”. Tôi đứng dậy trả tiền ly nước. Dì Năm không nhận. Bà dúi tờ giấy
bạc vào tay tôi, ôn tồn: “Cậu giữ để uống nước dọc đường”.
Chuyến xe đò chót về Sài Gòn trong khi trời đã
tối. Trên bầu trời đầy mây đen, bỗng xuất hiện lên hai ngôi sao rất xa và rất
nhỏ. Vâng, đôi mắt Bích Vân, đôi mắt người con gái đáng thương, đáng yêu đang
nhìn xuống tôi. Tôi mỉm cười nhìn sâu vào đôi mắt nàng và thầm hát như chỉ để
mỗi nàng nghe: “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó, để hái dâng người một đóa
đẫm tương tư”.
Không chỉ những truyện ngắn,
những bài tùy bút văn chương, ngay cả những bài chính luận, văn của Trần Trung
Đạo cũng đầy ắp trữ tình, chất thơ ở trong đó. Do vậy, người đọc cảm thấy nhẹ
nhàng, không khô khan cứng nhắc. “ Việt Nam Tôi Đâu- Câu Hỏi Của Nhiều Thế Hệ“
là một trong gần một trăm bài luận của ông, khơi dậy tinh thần dân tộc trước
thảm họa Trung Quốc, đã chứng minh điều này:
“…Lịch sử không phải là một ngôi miếu để thờ cúng
nhưng là một đời sống luôn đổi mới. Truyền thống chỉ là một thói quen lỗi thời
nếu truyền thống không được hiện đại hóa. Angkor Wat, Angkor Thom nguy nga, đồ
sộ nhưng không cứu được một phần tư dân tộc Khờ Me khỏi bàn tay Pol Pot. Tương
tự, Ấn Độ, một dân tộc có nền văn minh lâu đời nhất nhân loại và trải qua các
thời đại hoàng kim từ Ashoka đến Gupta, cũng đã chịu đựng hàng loạt ngoại xâm
từ Mông Cổ, Hồi Giáo và thực dân Anh kéo dài suốt 600 năm.
Việt Nam cũng thế.
Nếu chỉ biết tôn vinh quá khứ và làm ngơ trước hiểm họa Trung Quốc hôm nay, rồi
lịch sử dân tộc với những chiến công hiển hách của các thời Ngô, Đinh, Lý, Trần
cũng sẽ chỉ là những tấm bia trong một ngôi đền cổ. Hãy tưởng tượng, nếu tất cả
chúng ta đều im lặng, làm ngơ, chịu nhục trước hiểm họa mất nước, rồi bốn ngàn
năm nữa, những đứa trẻ dòng Việt tộc, đi ngang qua di tích đền Hùng, sẽ căm hận
biết bao khi nghĩ về tổ tiên nhu nhược của chúng vào bốn ngàn năm trước đó…“
Tôi có thói quen, khi đọc
Trần Trung Đạo, bao giờ cũng mở băng, nghe bài ca “ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ
Cười“ của ông. Lúc đó, tôi có cảm giác thật tuyệt vời, không còn biết đâu là
văn, là thơ, là nhạc nữa, mà dường như nó hòa trộn vào với nhau vậy. Nếu không
tin, bạn làm thử, xem có cảm giác như tôi không?
Và tôi xin mượn bài thơ vẽ về chân dung Trần
Trung Đạo, rất hay và rất chính xác của nhà thơ Luân Hoán, để kết thúc bài viết
này:
“…khởi
đi từ nụ chữ
xanh biếc nở dòng thơ
bén rễ qua tiểu luận
sắc bén trong ngọt ngào
xanh biếc nở dòng thơ
bén rễ qua tiểu luận
sắc bén trong ngọt ngào
trải
lý luận nhân bản
theo dòng nghệ thuật cao
chung qui nhờ nhịp đập
tình thương yêu dạt dào
theo dòng nghệ thuật cao
chung qui nhờ nhịp đập
tình thương yêu dạt dào
mẹ
chính là trứng ngọc
bát ngát nở tình người
cả thiên thu nguyện đổi
giữ thơm “tiếng mẹ cười” (1)
bát ngát nở tình người
cả thiên thu nguyện đổi
giữ thơm “tiếng mẹ cười” (1)
anh
con trai xứ Quảng
từ đất tình Duy Xuyên
chưa hẳn thành hảo hán
đã đậm cá tính riêng…“
từ đất tình Duy Xuyên
chưa hẳn thành hảo hán
đã đậm cá tính riêng…“
Leipzig ngày 11- 10-2013
Đ.T
Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp từ CHLB Đúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét