Bài học tồn vong từ
thảm họa
Hoàng Xuân Phú
Mọi giàu sang vô nghĩa
Nếu dân tộc diệt vong
Đối với đất nước mặt trời mọc,
05/05/2012 là một ngày đặc biệt: Lò cuối cùng trong số 54 lò điện hạt nhân của
Nhật Bản ngừng hoạt động. Một số lò phải ngừng vĩnh viễn. Một số lò đang được
kiểm tra an toàn. Số còn lại đã qua kiểm tra an toàn, nhưng vẫn chưa được hoạt
động trở lại, vì còn bị nhân dân và chính quyền địa phương phản đối. Như vậy,
sau 46 năm kể từ khi dòng điện hạt nhân đầu tiên được hòa vào lưới quốc gia,
mạng điện Nhật Bản lại sạch điện hạt nhân[1].
Hàng ngàn người Nhật đã tuần hành trên đường phố Tokyo để chào mừng sự
kiện này[2]. Họ đại diện cho đông đảo
người dân Nhật có xu hướng chống lại điện hạt nhân. Khảo sát của GlobeScan cho
thấy: Tỷ lệ chống xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới tại Nhật Bản đã tăng từ 76%
vào năm 2005 lên 84% vào cuối năm 2011[3].
Nhưng niềm vui của họ kéo dài không lâu. Sau một thời gian vận động ráo
riết, trong cuộc họp với một số bộ trưởng chủ chốt sáng ngày 16/06/2012, Thủ tướng
Yoshihiko Noda đã công bố quyết định cho khởi động lại hai lò phản ứng số 3 và
4 của nhà máy điện hạt nhân Oi tại tỉnh Fukui vào đầu tháng 07/2012[4]. Quyết định này đã làm đa số người dân Nhật
Bản thất vọng. Theo thăm dò dư luận của Mainichi, 71% số người được hỏi ý kiến
chống lại việc vội vã tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Oi, trong khi chỉ có
23% là đồng tình ủng hộ[5]. Vậy là thiểu số lại thắng đa số. Còn lẽ phải thì
thuộc về ai? Để trả lời câu hỏi này, và quan trọng hơn là để trả lời câu hỏi có
nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam hay không, ta hãy cùng nhau đúc
kết một số bài học từ thảm họa Fukushima.
Phượng hoàng
trụi cánh
Lò phản ứng
hạt nhân thương mại đầu tiên của Nhật Bản mang tên Tokai-1, được xây dựng từ
năm 1961, hòa lưới điện từ cuối năm 1965 và phát điện trong 33 năm[6]. Từ đó đến nay, nhiều nhà máy điện hạt nhân
được xây dựng trên đất Nhật Bản, nhất là sau khi năng lượng hạt nhân được xác
định chiếm vị trí ưu tiên chiến lược quốc gia vào năm 1973. Đầu năm 2011, 50 lò
phản ứng hạt nhân với tổng công suất khoảng 45 GWe đã sản xuất gần 30% tổng
điện năng quốc gia. Theo kế hoạch trước đây, tỷ trọng điện hạt nhân ở Nhật Bản
sẽ tăng lên 41% vào năm 2017 và 53% vào năm 2030[7].
Nhật Bản có
thừa năng lực tài chính, công nghệ và nhân lực để đạt được mục tiêu kể trên.
Hẳn không ai nghi ngờ về điều đó, sau khi đã chứng kiến dân tộc Nhật Bản như
phượng hoàng, vùng dậy từ đống tro tàn của Đại chiến Thế giới lần thứ 2, vươn
lên một cách kỳ diệu và nhanh chóng trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai
trên thế giới. Thế nhưng, tương lai quốc đảo khựng lại, rồi đột ngột ngoặt sang
hướng khác, sau phút giây định mệnh ấy...
Đúng 14 giờ 46
phút 23 giây ngày 11/3/2011, trận động đất mang tên Tohoku bắt đầu xảy ra[8].
Sau 23 giây, sóng áp lực lan tới nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của
TEPCO (Tokyo Electric Power Company), nằm cách tâm chấn 163 km. Động đất làm
hỏng một số thiết bị của trạm biến thế, khiến mất nguồn cấp điện từ bên ngoài,
và các máy phát điện dự phòng tự động khởi động[9]. Động đất cũng gây ra nhiều
hư hại ở các lò phản ứng. Tại nhà lò số 1, đường ống bị vỡ và nước phụt ra[10],
một hệ thống làm lạnh khẩn cấp tự khởi động lúc 14h52, nhưng sau 11 phút thì
tắt ngấm[11]. Tại nhà lò số 3, một hệ
thống đường ống chính và một bộ phận làm lạnh khẩn cấp bị hư hại...[12]. May mà lò phản ứng số 5 và 6 đang ngừng hoạt
động để bảo dưỡng định kỳ, nên mức độ thiệt hại giảm đáng kể[13].
15h35, tức là
49 phút sau khi động đất bắt đầu, một cơn sóng thần cao khoảng 14–15 mét ập đến
nhà máy Fukushima Daiichi và trùm lên cả 6 lò phản ứng hạt nhân[14]. 6 phút sau
các máy phát điện dự phòng ngừng hoạt động. Ác quy dự phòng nếu không bị trục
trặc thì cũng chỉ cấp điện trong một thời gian ngắn. Xe phát điện từ xa không
đến được bởi tắc nghẽn giao thông[15].
Khoảng 70 xe phát điện của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và của một số cơ
sở lân cận được điều động tới, nhưng bị chựng lại trước hiện trường ngổn ngang
đổ vỡ. Đấu vào trạm điện không được vì đang bị ngập nước, nối ra xa cũng không
xong vì dây điện mang theo quá ngắn. Sau khoảng 24 tiếng đồng hồ, kể từ khi
thiên tai xảy ra, đường nối giữa một xe phát điện và lò phản ứng số 2 mới được
thiết lập, nhưng sau chốc lát đã bị cắt đứt bởi vụ nổ khí hyđrô trong lò số 1.
Hai ngày sau, những mảng bê tông bắn ra từ vụ nổ khí hyđrô ở lò số 3 lại làm hư
hại một số xe phát điện. Tận ngày 21/03/2011, tức là sau 10 ngày vật lộn, họ
mới nối được nhà máy Fukushima Daiichi với mạng điện công cộng[16].
Do mất điện và
một số máy móc đã bị động đất, sóng thần làm hỏng, hệ thống làm lạnh bị tê
liệt. Nhiệt độ trong lò phản ứng và trong bể đựng nhiên liệu hạt nhân (spent
fuel pool - bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng) tăng vụt, làm nước bay hơi
nhanh, khiến nhiên liệu hạt nhân bị phơi trần. Trong lò phản ứng số 1, chỉ sau
5 tiếng đồng hồ kể từ khi động đất, nhiên liệu hạt nhân đã bị phơi trong không
khí. Suốt 6 giờ liền, nhiệt độ bên trong bó nhiên liệu lên đến 2.800°C. Các bó
nhiên liệu hạt nhân nóng chảy trong 16 giờ, rơi xuống và khoét thủng đáy bể áp
lực (reactor pressure vessel)[17], rồi
rơi tiếp xuống nền bể chứa (containment vessel) và khoét một hố sâu khoảng 70
cm trong lớp bê tông dày 7,6 m. Nhiên liệu hạt nhân trong hai lò số 2 và 3 cũng
rơi vào tình trạng tương tự: Bị hư hại và nóng chảy, một phần rơi xuống đáy bể
áp lực, một phần rơi xuống nền bể chứa[18].
Khi trực thăng
chở Thủ tướng Naoto Kan hạ cánh ở Fukushima (07h11 ngày 12/03/2011), thì khoảng
5 tiếng đồng hồ đã trôi qua, kể từ lúc Chính phủ ra lệnh TEPCO phải xả áp
(venting) từ lò phản ứng. Nghe tin việc đó chưa được tiến hành, ông hét lên:
“Vẫn chưa xả áp sao?”[19]. Thủ tướng Kan sốt ruột như đang ngồi trên lửa, bởi ý
thức được rằng chậm phút nào nguy phút ấy, vì áp suất trong bể chứa đã lên quá
cao. Lúc 02h30 ngày 12/3/2012, áp suất trong bể chứa của lò số 1 đã lên đến 840
kPa tuyệt đối, trong khi nó chỉ được thiết kế cho áp suất vận hành tối đa là
427 kPa tương đối (tương ứng với 528,3 kPa tuyệt đối). Nếu không nhanh chóng xả
bớt khí nén để giảm áp suất thì tai họa khôn lường. Hiển nhiên, khi xả áp thì
một lượng lớn phóng xạ sẽ bị tung ra môi trường. Nhưng nếu không chủ động xả
áp, thì hậu quả còn có thể khủng khiếp hơn nhiều.
Gấp gáp như
vậy, nhưng không thể tiến hành xả áp ngay lập tức, vì phải đợi đến lúc sơ tán
xong những người dân đang sinh sống trong quận Okuma, nơi nhà máy tọa lạc. Vả
lại, mọi người còn đang lúng túng, không tìm được tài liệu hướng dẫn cách mở
van xả áp bằng tay trong hoàn cảnh mất điện, nên đành phải đoán mò để lên
phương án hành động. Hơn nữa, không thể dễ dàng phái người lao vào khu vực tối
mò, không liên lạc được với bên ngoài, và ô nhiễm phóng xạ vượt quá giới hạn
cho phép con người trụ lại lâu. Chỉ còn cách là huy động một số người cảm tử,
được trang bị mỗi quần áo chịu lửa, bình dưỡng khí cá nhân và đèn pin, rồi mò
mẫm đi vào chốn hiểm nguy, với tinh thần “lần cống hiến cuối cùng” và phương
châm “tùy cơ ứng biến”. Sau khoảng 12 tiếng đồng hồ kể từ khi Chính phủ ra lệnh
xả áp và 5 tiếng từ khi nhóm cảm tử đầu tiên xuất phát, vượt qua bao hiểm nguy
và trắc trở, họ mới nối được máy nén khí di động với một van xả áp vận hành
bằng khí nén vào lúc 14h00, và 30 phút sau áp suất trong bể chứa của lò số 1
mới có dấu hiệu giảm xuống[20]. Kết quả xả áp muộn mằn đã hạn chế đáng kể nguy
cơ rình rập, nhưng không ngăn kịp vụ nổ xảy ra lúc 15h36, gây ra bởi khí hyđrô,
từ bể chứa thoát ra qua các khe tiếp nối, và tích tụ quá nhiều trong nhà lò
(reactor building)[21].
Hai vụ nổ tiếp
theo xảy ra lúc 11h01 ngày 14/03/2011 tại lò số 3 [22] và lúc 06h20 ngày 15/03/2011 tại lò số
2[23]. Trước đó công nhân cũng đã tìm
cách mở van để xả áp ở hai lò ấy, nhưng có van thì không tiếp cận được vì phóng
xạ nơi đó quá cao, van tiếp cận được thì lại không mở được hoặc mở mãi mới ra,
có van mở được một lúc thì nó lại tự động đóng. Phải nói thêm rằng các van an
toàn này, do Tập đoàn General Electric của Mỹ chế tạo, đã được thiết kế để có
thể mở bằng tay, nhưng trên thực tế thì những thiết bị được cam đoan là hoàn
hảo ấy đã phản chủ. Thất bại này không chỉ làm cho phía Nhật choáng váng và
phải trả giá quá đắt, mà cơn sóng sốc tâm lý còn lan sang cả Mỹ, bởi hai nước
này có nhiều nhà máy điện hạt nhân sử dụng những công nghệ tương tự như ở nhà
máy Fukushima Daiichi[24].
Trong hai ngày
đầu, cả Chính phủ và TEPCO đều chỉ tập trung chống chọi với sự cố trong các lò
phản ứng, và bỏ qua các bể đựng nhiên liệu. Đó là nơi lưu trữ những bó nhiên
liệu hạt nhân đã sử dụng xong, nhưng nhiều khi cũng có cả những bó nhiên liệu
đang sử dụng dở hoặc còn mới nguyên. Khi mực nước làm lạnh trong bể tụt xuống,
các bó nhiên liệu hạt nhân phơi ra không khí và bị hư hại vì quá nóng. Nguy
hiểm hơn nữa là phóng xạ từ các bể này dễ thoát ra môi trường, vì chúng không
nằm trong khu vực được bảo vệ kỹ lưỡng như lò phản ứng. Tại bể đựng nhiên liệu
của lò số 4, nhiệt độ vào sáng 14/03/2011 tăng lên 84°C,[25] và khoảng 06h00 sáng ngày 15/03/2011 thì xảy
ra một vụ nổ[26].
Có dư luận phê
phán TEPCO đã sao nhãng, quan tâm quá muộn tới các bể đựng nhiên liệu. Nhưng
thực ra, trước đó TEPCO hoàn toàn bị mắc kẹt với việc ứng phó tại các lò phản
ứng, không còn dư lực lượng để lo việc khác.[27] Trong thời gian đầu, TEPCO chỉ huy động được
400 người, quá ít để có thể đồng thời chống chọi với sự cố ở 6 lò phản ứng. Vì
sao? Điều tra của IAEA (International Atomic Energy Agency – Cơ quan Năng lượng
Nguyên tử Quốc tế) phát hiện ra một thực tế trần trụi là: Giữa một đất nước đầy
thiên tai như Nhật Bản, mà chưa có một kế hoạch ứng phó trong trường hợp sự cố
hạt nhân diễn ra đồng thời tại nhiều lò khác nhau, như ở nhà máy Fukushima
Daiichi[28].
Tai nạn điện
hạt nhân diễn ra quá nhanh, khiến con người không phản ứng kịp. Bộ máy quản lý
lại quan liêu, kềnh càng và trở nên quá chậm chạp. Để minh họa, chỉ cần nhắc
lại ví dụ về tiến trình ra quyết định sử dụng nước biển làm lạnh. 14h53 ngày
12/3/2011, phải dừng bơm nước vào lò phản ứng số 1, do nguồn nước ngọt bị cạn
kiệt. 15h18 TEPCO gửi fax cho NISA (Nuclear and Industrial Safety Agency – Cục
An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản) xin phép dùng nước biển thay
thế.[29] Việc cạn nguồn nước ngọt hoàn
toàn không bất ngờ, nhưng TEPCO không thỉnh thị sớm hơn, vì lưỡng lự, sợ rằng
nếu bơm nước mặn vào lò phản ứng thì sẽ làm hỏng các thiết bị[30]. Tiếc rằng
NISA đã không chuyển ngay bức fax của TEPCO cho văn phòng Thủ tướng. Gần 3
tiếng sau (khoảng 18h), Thủ tướng Naoto Kan mới bắt đầu thảo luận với các bộ
trưởng.[31] 20h05 NISA thừa lệnh Thủ
tướng, ra quyết định cho phép bơm nước biển vào lò số 1 của nhà máy Fukushima
Daiichi[32]. Như vậy là mất khoảng 5
tiếng đồng hồ chờ đợi, kể từ khi TEPCO gửi fax xin phép, cấp trên mới chuẩn y,
trong khi lò nóng lên từng giây, từng phút, và một vụ nổ khí hyđrô đã xảy ra
tại lò số 1 vào lúc 15h36, tức là chỉ 18 phút sau khi TEPCO thỉnh thị cấp trên.
Rõ ràng, không tồn tại một cơ chế xét duyệt và ra quyết định nào có thể theo
kịp diễn biến của một tai họa hạt nhân.
Để có thể đưa
ra quyết định hợp lý thì phải dựa trên thông tin chính xác. Nhưng khi mất điện,
tối mò, nhiều thiết bị đo đạc (áp suất, nhiệt độ, mực nước…) trục trặc, thì các
chuyên gia và công nhân có mắt cũng như mù, không thể biết chính xác trạng thái
bên trong của lò phản ứng. Họ chỉ có thể phỏng đoán, nói đúng hơn là đoán mò.
Hãy nghe cựu Thủ tướng Naoto Kan kể lại:
“Tôi nhận được báo cáo là hệ thống làm lạnh
khẩn cấp của lò số 1 vẫn hoạt động và vì vậy nước vẫn ngập 2/3 bó nhiên liệu.
Thế nhưng, trên thực tế thì đấy chỉ là điều mà TEPCO và NISA nghĩ là đã diễn ra
vào thời điểm đó. Sau này chúng tôi phát hiện ra là họ đã hoàn toàn sai. Thực
ra, khoảng 5 tiếng sau khi sóng thần đổ bộ, quá trình nóng chảy đã diễn ra
trong lò”.
“Thiết bị đo mực nước chỉ một mức ổn định, vậy
là các công nhân nghĩ rằng tình hình bình thường. Nhưng thực ra thiết bị đo mực
nước đã bị hỏng”[33].
Với những
thông tin hoàn toàn sai thực tế như vậy, thì làm sao có thể quyết định và hành
động cho đúng?
Đôi khi thông
tin không sai, nhưng lại quá chậm. Như vụ nổ ở lò số 3, vô tuyến truyền hình đã
đưa tin, khoảng 1 giờ sau thì TEPCO mới thông báo cho văn phòng Thủ
tướng[34]. Thậm chí, nhiều thông tin
quan trọng còn bị ém nhẹm hay bị bóp méo. Không khí thiếu tin tưởng bao trùm
các bên liên quan, đến mức Thủ tướng phải cử ông Goshi Hosono, một trong những
phụ tá tin cẩn nhất, túc trực ở trụ sở TEPCO kể từ sáng sớm ngày 15/03/2011.
Một cố vấn của Thủ tướng thổ lộ rằng: Việc cài ông Hosono ở TEPCO là một bước
ngoặt, và “lần đầu tiên, chúng tôi biết được TEPCO thảo luận những gì và họ
biết những gì”. Một cố vấn khác của Thủ tướng, kỹ sư hạt nhân Masanori Aritomi,
nói rằng: Kể cả sau khi đã cắm Goshi Hosono ở TEPCO, tập đoàn này vẫn không hé
lộ một số thông tin mấu chốt đến tận giữa tháng 5, bao gồm cả việc công nhận
rằng nhiên liệu hạt nhân trong 3 lò phản ứng đã bị nóng chảy[35]. Trong tình hình bị cấp dưới bịt mắt như vậy,
thử hỏi làm sao Thủ tướng có thể chỉ đạo được? Ông Kan than vãn là không bao
giờ nhận được loại thông tin mà ông cần, và NISA (Cục An toàn Hạt nhân và Công
nghiệp Nhật Bản) tỏ ra đặc biệt kém cỏi. “Tôi hoảng sợ và cảm thấy bất lực” –
ông Kan đã thú nhận như vậy[36]. Khi tai
nạn hạt nhân vừa mới xảy ra thì tất cả các thanh tra của NISA đã cao chạy xa bay,
không còn ai lưu lại hiện trường để theo dõi mức phóng xạ. TEPCO thì lúng túng,
không nối nổi đường cáp truyền dữ liệu phóng xạ tới Chính phủ, mà họ ngắt ra
mấy tháng trước đó để sửa chữa, nhưng rồi quên, không nối lại…[37] Với một đội ngũ cấp dưới như vậy thì Thủ
tướng cũng trơ trọi như tướng không có quân. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia
đang hoặc sẽ có nhà máy điện hạt nhân nên tham khảo trải nghiệm của cựu Thủ
tướng Nhật Bản, để hiểu hơn hoàn cảnh mà mình có thể lâm vào, đặng giảm bớt
phần nào ngộ nhận.
Bài học tối
thiểu phải rút ra từ đây là: Khi thảm họa điện hạt nhân xảy ra, các cấp lãnh
đạo, quản lý khó lòng có nổi những thông tin tối thiểu trong thời gian cần
thiết, nên không có cơ sở để đưa ra quyết định hợp lý.
Một trong
những khác biệt quan trọng nhất giữa tai họa hạt nhân và các tai họa khác là:
Khi tai họa hạt nhân xảy ra thì con người rất khó có thể xông vào để cứu chữa
và khắc phục hậu quả, vì hiện trường thường bị nhiễm xạ trầm trọng. Nhiều lần
công nhân nhà máy Fukushima Daiichi tìm cách tiệm cận các van để xả áp, nhưng
buộc phải rút lui vì mức độ phóng xạ quá cao.
TEPCO đo được
độ phóng xạ trên 1.000 mSv/h (> 1.000 millisievert mỗi giờ) ở mặt nước trong
tầng hầm của nhà lò số 2 vào ngày 26/03/2011.[38] Một kết quả đo được trong nhà lò số 1 vào
ngày 26/04/2011 là 1.120 mSv/h.[39] Ngày
03/06/2011, người ta phát hiện thấy có hơi nước thoát ra từ một khe hở trên nền
nhà lò số 1, và đo được mức phóng xạ kỷ lục từ 3.000 đến 4.000 mSv/h.[40] Kỷ lục trên bị phá vào ngày 01/08/2011, khi
phóng xạ đo được ở mức tối đa của thiết bị đo là 10.000 mSv/h. Kết quả này thu
được tại một đường ống thải nằm giữa nhà lò số 1 và nhà lò số 2, nó đã được
dùng để xả áp từ bể chứa của lò số 1 vào ngày 12/03/2011. Ngày 02/08/2011 lại
đo được 5.000 mSv/h trong một căn phòng ở tầng 2 của nhà lò số 1[41].
Để mường tượng
ý nghĩa của các con số kể trên, lưu ý rằng: Phần lớn các nước quy định mức
nhiễm xạ tối đa đối với những người làm việc trong môi trường có phóng xạ là
trung bình 20 mSv mỗi năm trong vòng 5 năm, với mức cao nhất là 50 mSv trong
một năm. Khi nhiễm xạ từ 100 mSv trở lên thì nguy cơ bị ung thư sẽ tăng rõ rệt.
Vốn dĩ, TEPCO dùng mức 100 mSv làm giới hạn trên cho liều nhiễm xạ của công
nhân tham gia cứu nạn, nhưng khi thảm họa Fukushima xảy ra thì TEPCO đã nâng
giới hạn này lên 250 mSv.[42] Một nửa số
người bị nhiễm xạ từ 3.000 đến 4.000 mSv sẽ bị chết trong vòng 30 ngày, nghĩa
là chỉ cần tiếp xúc với nguồn phóng xạ từ 3.000 đến 4.000 mSv/h trong khoảng 1
giờ thì người ta đã rơi vào hoàn cảnh ấy. Khoảng 90% số người bị nhiễm xạ từ
4.000 đến 6.000 mSv sẽ bị chết trong vòng 30 ngày. 100% số người bị nhiễm xạ từ
6.000 đến 10.000 mSv sẽ bị chết trong vòng 14 ngày[43].
Đến ngày
15/03/2011 thì cường độ phóng xạ ở nhà máy Fukushima Daiichi đã lên rất cao.
Chẳng hạn, cường độ phóng xạ trong môi trường ngoài trời ở giữa nhà lò số 3 và
nhà lò số 4 là 400 mSv/h[44]. Nghĩa là:
Chỉ cần trụ trong môi trường đó 15 phút thì đã nhiễm phóng xạ tới mức nguy cơ
bị ung thư tăng rõ rệt (100 mSv), sau 37,5 phút thì đã nhiễm xạ tới mức tối đa
mà TEPCO mới quy định cho công nhân tham gia cứu nạn (250 mSv), và sau 15 giờ
thì không còn cơ hội sống (6.000 mSv). Tình hình vô cùng nguy hiểm, lúc nào
cũng bị những vụ nổ tiếp theo đe dọa. Phun nước làm lạnh thì chỉ một phần nhỏ
đến được nơi cần đến, lại làm cho hiện trường càng thêm bị lênh láng bởi thứ
nước nhiễm xạ trầm trọng. Hoàn toàn tuyệt vọng, TEPCO phải rút hầu hết lực
lượng ra khỏi khu vực nhà máy Fukushima Daiichi, chỉ để lại 50 người cảm tử để
tìm cách hạn chế thảm họa.
Nhật Bản đã
tạm thời tránh được kịch bản tệ hại nhất. Nhưng, xét trên tổng thể, việc thoát
khỏi thảm cảnh không phải nhờ vào sự tài giỏi của các nhà lãnh đạo, quản lý,
hay của các chuyên gia hạt nhân và công nhân Nhật Bản, mà vì vận may. Nói theo
tín ngưỡng, thì là nhờ Thượng Đế vẫn còn cho dân tộc Nhật Bản và thế giới này
một cơ hội.
Trên đây chỉ
là mấy lát cắt được đơn giản hóa từ khung cảnh hỗn loạn, giúp ta mường tượng
chút ít, xem con người ứng xử thế nào và làm được gì khi lâm vào thảm họa hạt
nhân. Bằng quyết định rút quân, lãnh đạo TEPCO đã mặc nhiên công nhận cái lẽ
giản đơn, mà bấy lâu nay họ vẫn cố tình phủ định: Với thảm hỏa hạt nhân cỡ
Chernobyl hay Fukushima, thì con người hoàn toàn bất lực, không có trí tuệ nào
có thể chèo chống, không có bộ máy quản lý nào có thể đương đầu, và mọi khả
năng công nghệ đều không đủ để chế ngự hoàn cảnh.
Khi lâm nạn
hạt nhân, nước Nhật kiêu hãnh cũng trở nên lúng túng như võ sĩ sumo tụt đai,
bất lực như phượng hoàng trụi cánh. Vậy thì những nước như Việt Nam sẽ ứng phó
thế nào trong hoàn cảnh tương tự?
TEPCO là tập
đoàn sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản, đang sở hữu 17 lò phản ứng hạt nhân với
tổng công suất phát điện là 17.308 MW, chiếm 40% tổng công suất phát điện của
toàn tập đoàn[45] và khoảng 39% tổng
công suất điện hạt nhân của Nhật Bản. Mấy chục năm qua, các thế hệ lãnh đạo của
TEPCO đã bao lần cam đoan với nhân dân là các nhà máy điện hạt nhân của họ
tuyệt đối an toàn, và đem danh dự cùng trách nhiệm ra để thề thốt. Thảm họa
Fukushima đã vạch trần sự thật: Những cam đoan bấy lâu nay về an toàn điện hạt
nhân chỉ là nói lấy được, hoàn toàn phi thực tế và nằm ngoài khả năng khống chế
của những kẻ đại ngôn. Tiếc rằng: Trình độ hiểu biết và ý thức trách nhiệm càng
thấp bao nhiêu, thì lời hứa càng hùng hồn bấy nhiêu.
Dù ở bất cứ
cương vị nào, thì mỗi người cũng chỉ là một mắt xích trong số hàng vạn mắt
xích, tham gia vận hành cỗ máy khổng lồ và quá phức tạp, mà chỉ cần một mắt bị
đứt là cỗ máy đã khựng lại, thậm chí có thể nổ tung. Trong lĩnh vực điện hạt
nhân, một sai sót cũng có thể khởi động dây chuyền sự cố, dẫn đến thảm họa. Đảm
bảo về hành động của bản thân trong suốt 10 năm tới đã là quá khó. Không ai có
thể cam đoan rằng một cộng đồng vô cùng đa dạng, gồm hàng nghìn, hàng vạn người
mà mình không hề quen biết, sẽ hành động chuẩn mực và hợp lý trong mọi hoàn
cảnh, suốt nửa thế kỷ. Không ai có thể cam đoan rằng mọi máy móc, thiết bị sẽ
luôn hoạt động hoàn hảo, bất chấp mọi thiên tai, địch họa. Vì vậy, cam đoan
điện hạt nhân an toàn là liều lĩnh và hoàn toàn vô trách nhiệm.
Trăm sự tại
người
Nhà máy điện
hạt nhân Fukushima Daiichi được xây dựng trên một khu đất vốn dĩ cao 35 mét so
với mực nước biển. Theo thiết kế ban đầu của Tập đoàn General Electric thì cần
hạ độ cao địa hình xuống tầm 20 mét, nhằm giảm chi phí bơm lượng nước biển
khổng lồ để làm lạnh lò phản ứng (chỉ riêng lò số 1 đã cần 20 tấn nước mỗi
giây). Nhưng với lối tư duy “hiệu quả kinh tế là trên hết”, rồi ngụy biện rằng
“nhà máy điện là nơi sản xuất điện, chứ không phải là nơi tiêu thụ điện”, lãnh
đạo TEPCO còn đi xa hơn nữa, đã quyết định thay đổi thiết kế, hạ độ cao của khu
vực xây dựng bốn tổ máy số 1 đến số 4 xuống chỉ còn 10 mét trên mực nước biển.
Hơn thế nữa, để giảm chi phí xây dựng, TEPCO đã bỏ qua các biện pháp cần thiết
để phòng tránh tác hại của sóng thần, mặc dù sóng thần đã nhiều lần đổ bộ vào
khu vực này và đã có những đề xuất rất cụ thể của các chuyên gia.[46] Hậu quả là cơn sóng thần ngày 11/03/2011 đã
nhấn bốn tổ máy số 1 đến 4 chìm sâu dưới nước 4–5 mét và hai tổ máy số 5 và 6
chìm dưới nước 1–2 mét.[47] Với quyết
định thực dụng hạ thấp độ cao địa hình xuống mức quá thấp, chính lãnh đạo TEPCO
nhấn chìm 6 tổ máy điện hạt nhân, chứ không thể đổ lỗi cho sóng thần.
Khi Hitachi
chế tạo thùng lò trị giá 250 triệu USD cho tổ máy số 4 của nhà máy Fukushima
Daiichi, thì thành của thùng lò đã bị biến dạng đến hơn 34 milimet. Theo quy
định thì phải hủy bỏ, nhưng Hitachi vẫn biến báo sản phẩm này và đưa vào sử
dụng. Kỹ sư Mitsuhiko Tanaka là một trong những người đã trực tiếp tham gia phi
vụ này và đã được Hitachi thưởng 3 triệu Yên cho công trạng “biến lợn què thành
lợn lành”. Sau thảm họa Chernobyl, lo rằng một tai họa hạt nhân tương tự sẽ
giáng xuống đầu nhân dân Nhật Bản, Tanaka đã thú nhận với Bộ Kinh tế, Thương
mại và Công nghiệp Nhật Bản về hành vi sai trái mười năm về trước của Hitachi.
Nhưng Hitachi phủ nhận, còn Chính phủ lại từ chối điều tra. May mà lò phản ứng
số 4 tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng trong thời gian xảy ra động đất ngày
11/03/2012, nên “quả bom nổ chậm” (theo cách gọi của Tanaka) chưa phát tác[48].
Trong thời
gian làm việc cho Tập đoàn General Electric, kỹ sư hạt nhân Kei Sugaoka đã tham
gia bảo trì nhà máy Fukushima Daiichi hơn 20 năm. Trong lần kiểm tra vào tháng
8/1989, ông và cộng sự phát hiện một vết nứt lớn trên bộ phận sấy hơi nước
trong lò phản ứng, thậm chí nó còn bị lắp ngược. Vì không muốn tốn tiền khắc
phục, TEPCO đã thông đồng với phía General Electric để dấu kín chuyện này. Họ
buộc ông Sugaoka phải xóa bỏ các đoạn video liên quan cùng mọi chứng cứ khác,
và phải ký vào bản báo cáo kiểm tra do TEPCO viết sẵn[49].
Ngoài ba ví dụ
vừa kể, còn có nhiều sai sót nghiêm trọng khác bị ém nhẹm để “tiết kiệm” chi
phí xây dựng và sửa chữa. Bất cứ công nghệ điện hạt nhân nào, nếu bị triển khai
ẩu như vậy, thì cũng không thể có được mức độ an toàn như ý đồ thiết kế.
TEPCO đã ngụy
tạo hồ sơ bảo dưỡng nhà máy Fukushima Daiichi suốt mấy thập kỷ và che dấu hàng
trăm sự cố. Kể cả sau khi đã bị phát hiện và lãnh đạo TEPCO phải từ chức vào
năm 2002, thì tệ nạn đó vẫn tiếp diễn. Trong báo cáo gửi NISA ngày 28/02/2011,
TEPCO đã phải thú nhận rằng: Trong 11 năm qua đã không thực hiện kiểm tra định
kỳ 33 bộ phận của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, trong đó có máy phát
điện dự trữ, bơm làm lạnh, van kiểm tra nhiệt độ...[50] “Đơn giản” như một cái ô tô mà vài năm cũng
phải kiểm tra, bảo dưỡng một lần. Vậy mà trốn tránh việc kiểm tra định kỳ hàng
loạt thiết bị quan trọng của nhà máy điện hạt nhân trong hơn chục năm, rồi lại
còn ngụy tạo hồ sơ bảo dưỡng. Máy móc dự trữ, dùng để thay thế trong những tình
huống khẩn cấp, mà suốt mười năm không được quan tâm, thì rất có thể chúng đã
bị hỏng từ trước khi có động đất và sóng thần. Thế thì tránh sao nổi tai họa?
Trên đây là
mấy ví dụ điển hình về những sai sót trầm trọng của con người trong cả ba khâu
thiết kế, chế tạo và vận hành ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Chúng
chỉ ra rằng, vì lợi nhuận, người ta có thể trở nên liều lĩnh và bất chấp thế
nào. Sai lầm tái diễn với tần suất cao, được khuếch đại bởi trí tuệ “điếc không
sợ súng” và tính ẩu không tránh khỏi, kể cả với người Nhật.
Sóng thần
thường được nhắc đến như nguyên nhân gây ra thảm họa hạt nhân Fukushima. Điều
đó khiến dư luận dễ thông cảm hơn với TEPCO và cũng đỡ lo hơn khi nghĩ đến
tương lai, vì sóng thần bất thường và hiếm hoi hơn động đất. Nhưng nhiều người
lại cho rằng: Không phải sóng thần, mà chính là động đất đã phá hỏng nhà máy
Fukushima Daiichi.[51] Trên thực tế, sau
khi động đất xảy ra và trước khi sóng thần ập tới, thì hệ thống làm lạnh đã bị
trục trặc[52], kéo theo quá trình nóng chảy nhiên liệu hạt nhân,[53] phóng xạ
đã rò rỉ,[54] và còn có nhiều sự cố khác, như đã điểm qua ở phần trước.
Điều gì đã gây
ra thảm họa? Dù là do thiết kế sai vì đánh giá quá thấp sức phá hoại của thiên
tai, hay do chế tạo và xây dựng sai thiết kế, hay do vận hành và bảo dưỡng sai
quy trình, hay do quy trình không hợp lý, thì cũng đều có chung thủ phạm là con
người! Động đất và sóng thần chỉ đóng
vai trò xúc tác, vạch trần sai phạm của con người. Dù không có thiên tai, thì
sai sót của con người vẫn có thể dẫn đến tai họa hạt nhân, mà thảm họa
Chernobyl là một ví dụ điển hình.[55] Trên thực tế, tuyệt đại đa số các tai họa
điện hạt nhân xảy ra trên thế giới đều do sai sót của con người và do trục trặc
kỹ thuật gây ra[56].
Trong chuyến
viếng thăm và xin lỗi dân làng Iitate ngày 01/05/2012, Phó chủ tịch TEPCO Norio
Tsuzumi thừa nhận rằng thảm họa hạt nhân Fukushima là do con người gây
ra.[57] Đây không phải là quan điểm
riêng của ông Tsuzumi, mà cũng là nhận định của nhiều người am hiểu khác. Phát
biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) tại Davos, cựu Thủ
tướng Naoto Kan, người đã lãnh đạo nước Nhật chống chọi với thảm họa Fukushima,
khẳng định rằng[58]:
“Đó không phải là thảm họa do thiên nhiên và
cũng không phải do trục trặc kỹ thuật. Thảm họa này do con người gây ra”.
Để minh họa,
ông Kan đề cập mấy ý: Thứ nhất, nguy cơ sóng thần đã bị đánh giá quá thấp, nên
mới có chuyện hạ địa hình nhà máy từ 35 mét xuống còn 10 mét. Thứ hai, nhân
viên của TEPCO hiểu biết quá ít về cấu trúc bên trong và các chi tiết của lò
phản ứng, vì họ tiếp nhận nhà máy từ Tập đoàn General Electric dưới dạng “chìa
khóa trao tay” và khi bàn giao thì thiếu hụt thông tin. Thứ ba, trong xã hội
Nhật Bản ngự trị quan niệm sai lầm, cho rằng nhà máy điện hạt nhân là tuyệt đối
an toàn, và đó là một sự nhầm lẫn tập thể tai hại…
Mấy chục năm
qua, xã hội Nhật Bản đê mê trong cơn hoang tưởng về sự an toàn tuyệt đối của
điện hạt nhân, nên không chuẩn bị để ứng phó với một thảm họa như vậy. Những đồ
đệ của điện hạt nhân (trong giới quản lý, giới kinh doanh và giới kỹ thuật)
không chỉ lừa nhân dân, mà tự lừa chính mình. Giống như đám vệ sĩ đại ngôn,
luôn mồm khoe mẽ: “Có tôi đây thì mọi người cứ yên tâm mà ngủ, không kẻ gian
nào dám mò đến đâu”. Nhưng khi mọi người đã mơ màng, thì tráng sĩ cũng leo lên
giường và ngáy vang như sấm.
200 trang tài
liệu nội bộ của TEPCO được NISA công bố ngày 24/10/2011 đã để lộ ra nhiều sai
sót chủ quan của TEPCO: Không có chuẩn bị đúng mức để đối phó với các sự cố hạt
nhân nghiêm trọng; không hề đề phòng tình trạng mất điện như đã xảy ra, hay bất
cứ một trường hợp mất điện kéo dài nào; cho rằng khi có sự cố nghiêm trọng thì
vẫn còn nguồn điện dự phòng để mở van xả áp và tiến hành các thao tác an toàn
khác...[59].
Tổ chức Sáng
kiến Tái thiết Nhật Bản (Rebuild Japan Initiative Foundation) đã phỏng vấn gần
300 chính trị gia, công chức, nhà quản lý và thu được bức tranh gây sửng sốt:
Những người có trách nhiệm của NISA (Cục An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật
Bản) không có kiến thức chuyên môn cần thiết về điện hạt nhân; lý do để sự cố
này trở nên nghiêm trọng như vậy là do người của TEPCO và Chính phủ thiếu tinh
thần trách nhiệm; thảm họa là kết quả của việc cố tình phớt lờ các nguy cơ...
Để chỉ ra huyền thoại an toàn hạt nhân đã làm cho giới công nghiệp hạt nhân trở
nên mù quáng và vô trách nhiệm thế nào, Giáo sư Kunio Yanagida thuộc Hội đồng
Chính phủ về Thảm họa Fukushima đã nêu ví dụ về Trung tâm Cấp cứu Nguyên tử ở
Fukushima: Sau khi động đất và sóng thần xảy ra, những người giám sát an toàn
nguyên tử đã không vào được trung tâm ấy, vì lối vào không đi được, và hệ thống
cấp khí của trung tâm cũng không có bộ lọc chất phóng xạ[60].
Trong bức thư
ngỏ gửi Thủ tướng Yoshihiko Noda, đăng trên The Japan Times Online dưới nhan đề
“Noda, hãy đập tan ‘làng hạt nhân’ ấy đi”,[61]
Chris Rowthorn đã nêu ra một số nguyên nhân khiến điện hạt nhân không
thể an toàn ở Nhật Bản. Nguyên nhân được nhắc đến đầu tiên là hệ thống
amakudari (hạ cánh từ thiên đàng), chỉ việc các quan chức cao cấp của chính phủ
sau khi rời chức vụ thì được nhận những cương vị quản lý hấp dẫn trong các tổ
chức kinh tế mà họ đã từng quản lý. Ví dụ điển hình là: Từ năm 1959 đến 2010,
TEPCO có 4 Phó chủ tịch đã từng là quan chức của cơ quan quản lý an toàn hạt
nhân NISA. Để chuẩn bị nơi hạ cánh thì không ai lại “dại dột gây gổ” với chốn
nương thân tương lai. Và khi đã công khai thành người của TEPCO thì họ vẫn duy
trì được quan hệ truyền thống trên-dưới với những quan chức trẻ kế nhiệm ở
NISA. Vì vậy, khó mà có được quan hệ rạch ròi giữa phía quản lý và phía bị quản
lý. Cùng với những khoản chi “ngoại giao” hậu hĩnh, hệ thống amakudari giúp cho
các tập đoàn kinh tế có thể điều khiển được các quan chức chính phủ, thay vì
ngược lại. Một nguyên nhân khác được đề cập là hệ thống hàn lâm tham nhũng. Theo
Chris Rowthorn, ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản đã tài trợ hào phóng cho
các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và các nhà khoa học để tác động lên quan điểm của
họ về điện hạt nhân. Nhiều giáo sư và nhà quản lý của Tokyo University (Todai)
sau khi rời trường đại học đã “hạ cánh” ở TEPCO (một dạng amakudari hàn lâm),
trong đó có Hiroshi Komiyama, nguyên Hiệu trưởng của Todai. Kết quả cộng tác
chặt chẽ của giới hàn lâm là tầng lớp tinh hoa Nhật Bản được giáo dục tình thần
ủng hộ điện hạt nhân, trong khi các nghiên cứu về tác hại của điện hạt nhân bị
hạn chế, thậm chí bị ngăn cản.
“Làng hạt nhân” (nuclear village), mà Rowthorn
kêu gọi Thủ tướng Noda “hãy đập tan”, không phải là một ngôi làng bình thường
với những người lao động cần mẫn. Đó là biệt danh của màng lưới lợi ích đầy
quyền lực, bao gồm những cá nhân và tập thể có quyền lợi gắn chặt với điện hạt
nhân, đến từ các tập đoàn công nghiệp, mà trung tâm là TEPCO, từ bộ máy chính
phủ và quốc hội, từ giới khoa học, giới tài phiệt và bộ máy truyền thông. Cái
“làng” ấy có thể “thôi miên” bộ máy quản lý, có thể lái quốc hội và chính phủ
trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách điện
hạt nhân,[62] có thể đạo diễn để cất
nhắc hay hạ bệ các chính trị gia cao cấp, và có thể đưa cả đối thủ vào chốn tù
ngục.[63] Vai trò mấu chốt của “làng hạt
nhân” dẫn tới thảm họa Fukushima là điều rõ như ban ngày, không thể phủ nhận
được. Không chỉ dừng lại ở hậu quả đã đem lại cho xã hội Nhật Bản, họ đang tìm
cách vươn ra nước ngoài, mà mục tiêu chinh phục đầu tiên là Việt Nam và trận mở
màn là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Đoạn kể trên
mới chỉ là mấy nét phác họa sơ sài, nhưng cũng đủ để giúp ta hiểu hơn nhận xét
của cựu Thủ tướng Naoto Kan về vai trò của thảm họa Fukushima:
“Gorbatschow viết trong hồi ký rằng tai họa
Chernobyl đã phơi bày tình trạng bệnh tật của xã hội Xô Viết. Tai họa Fukushima
cũng đóng vai trò tương tự đối với Nhật Bản”[64].
Đừng lầm tưởng
rằng mọi người đã khôn ra sau thảm họa này và sẽ không tái phạm những lỗi lầm
cũ. Đánh giá về quá trình kiểm tra an toàn các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản
sau thảm họa Fukushima, Giáo sư Hiromitsu Ino, một thành viên của hội đồng cố
vấn cho NISA, phàn nàn rằng:
“Toàn bộ quá trình đang được tiến hành giống
hệt như trước tai họa Fukushima Daiichi, mặc dù tai họa đã chỉ ra rằng các
hướng dẫn và tiêu chuẩn đó là không đầy đủ”.
Ông Masashi
Goto, một nhà thiết kế lò phản ứng hạt nhân tham gia hội đồng cố vấn cho NISA,
phản ánh rằng: Báo cáo kết quả kiểm tra an toàn của 14 lò phản ứng đã được gửi
tới NISA, nhưng không một cuộc kiểm tra nào được tiến hành với kịch bản nhiều
tai họa thiên nhiên xảy ra cùng một lúc (ví dụ như sóng thần kèm theo động
đất), và các cuộc kiểm tra an toàn ấy đã được kết thúc ngay cả khi nguyên nhân
của sự cố nóng chảy nhiên liệu hạt nhân và của các vụ nổ khí hyđrô ở nhà máy
điện hạt nhân Fukushima Daiichi còn đang được điều tra. (Chưa xác định được
nguyên nhân của hai sự cố ấy ở Fukushima Daiichi thì tất nhiên không thể khẳng
định rằng các nhà máy khác sẽ không lặp lại sự cố tương tự). “Các cuộc kiểm tra
chỉ đơn thuần là mô phỏng trên bàn giấy một cách lạc quan, dựa trên giả thiết
rằng mọi thứ sẽ xảy ra đúng như dự kiến” – ông Goto bình luận, và tiết lộ thêm
rằng: Kịch bản kiểm tra không bao gồm sai sót của con người, sai sót thiết kế,
hay kết hợp cả hai. Vì sao họ có thể mắc tiếp những lỗi thô thiển như vậy? Một
lý do quan trọng là vì nhiều người tham gia có quyền lợi mâu thuẫn với nhiệm vụ
kiểm tra[65]. Ấy vậy mà Chính phủ Nhật
bản cũng cho qua và vận động chính quyền các địa phương liên quan đồng ý cho
mấy lò phản ứng hạt nhân, được coi là đã kiểm tra an toàn, hoạt động trở lại.
Rõ ràng là: Những người có trách nhiệm, từ cấp cơ sở đến chính phủ, vẫn không
chịu nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp tục tái phạm những sai lầm chết người, đã
từng góp phần gây ra thảm họa Fukushima.
Những điều kể
trên chỉ ra rằng: Về mặt trình độ và tập quán, con người rất khó vượt ra khỏi
cái bóng của mình. Về mặt động cơ, con người thường bị chi phối bởi lợi ích cá
nhân. Bị hạn chế ở cả bộ não và trái tim, nên “ngựa quen đường cũ”, dù mới trải
qua thảm họa nhưng vẫn đủng đỉnh lối xưa. Với cách tư duy và hành động như vậy,
một thảm họa hạt nhân tiếp theo đã được lập trình sẵn. Có thể nó chưa tái diễn
ngay trên đất Nhật, nhưng lại xảy ra ở đâu đó trên thế giới, nơi mà người Nhật
xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Để khỏi mang
tiếng là đánh giá quá thấp người Nhật, ta trích ra đây kết luận của Chủ tịch Ủy
ban điều tra độc lập về thảm họa hạt nhân Fukushima của Quốc hội Nhật Bản
(NAIIC), Tiến sỹ Kiyoshi Kurokawa, trong thông điệp mở đầu bản báo cáo tổng kết
gần 7 tháng điều tra và được đệ trình Quốc hội Nhật Bản vào ngày
05/07/2012[66]:
“Điều phải thừa nhận – dù rất đau đớn - là
thảm họa này được ‘sản xuất tại Nhật Bản’ (made in Japan). Nguyên nhân gốc rễ
của nó nằm ở những tập quán đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản: Sự phục tùng mang
tính phản xạ, sự e ngại chất vấn người có quyền lực, xu hướng bảo lưu cái cũ,
chủ nghĩa phe nhóm và tính ốc đảo của chúng ta”.
Thật là vô
vọng, khi Tiến sỹ Kurokawa (người đã từng là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Nhật
Bản) viết tiếp rằng:
“Nếu người Nhật khác xỏ chân vào đôi giày của
những người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa này thì kết quả có thể cũng đúng
như vậy”.
Dù sao đi nữa
thì người Nhật cũng vẫn được coi là vượt trội về nhiều phương diện, kể cả trình
độ, tác phong công nghiệp, tính cộng đồng và lòng tự trọng. Điều đáng nói là:
Nếu vượt trội như người Nhật mà còn như thế, thì các dân tộc khác sẽ thế nào?
Đối với người Việt, phải đặt thêm câu hỏi: Người Nhật có thể mắc những sai lầm
như thế đối với nhà máy của chính họ, trên quê hương của họ, thì nhà máy điện
hạt nhân do họ xây ở Việt Nam sẽ thế nào?
Rùng rợn thay,
TEPCO đã phạm những lỗi tày trời và gây ra thảm họa cho dân tộc Nhật Bản như
thế, mà theo kế hoạch ban đầu – được tiết lộ trên The Japan Daily Press ngày
28/06/2012 – thì kỹ sư của TEPCO sẽ vận hành và dạy nghề tại nhà máy điện hạt
nhân ở Ninh Thuận và kỹ sư Việt Nam sẽ đến học nghề trong các nhà máy điện hạt
nhân của TEPCO[67]. Nếu vậy thì các kỹ sư và công nhân đầu đàn người Việt được
đúc từ khuôn mẫu TEPCO sẽ có thể gây ra những hậu quả gì trên đất Việt đã quá
nhiều đau thương này?
Một cộng đồng
lớn không thể tránh khỏi mọi sai sót – đó là hạn chế cố hữu của loài người. Vì
không thể tách khỏi yếu tố con người trong suốt quá trình thiết kế, chế tạo,
thi công và vận hành, bất kỳ công nghệ điện hạt nhân nào, dù là sử dụng lò phản
ứng thế hệ II, hay thế hệ III, hay III+, thì cũng bị chi phối bởi những sai sót
của con người, và do đó cũng không thể tránh được tai họa hạt nhân.
Tư duy tầm
“thương nhân”
Điều gì khiến
lỗi lầm luôn tái diễn trong một lĩnh vực đòi hỏi phải rất nghiêm túc, rất thận
trọng, như điện hạt nhân? Bên cạnh hạn chế về trình độ và tập quán, động cơ
chạy theo lợi ích cục bộ đóng một vai trò quyết định. Bản thân “lợi ích” không
có tội, ngược lại nó còn là động lực phát triển của xã hội. Nhưng nếu nó bị chi
phối, bị điều khiển bởi tính “cục bộ” thì lại thành vấn đề. Với tư duy “lợi ích
riêng tư là trên hết”, thì cứ có lợi cho mình hay phía mình là làm, cho dù có
thể gây bất lợi cho người khác hay ảnh hưởng xấu cho cộng đồng. TEPCO đặt lợi
nhuận lên hàng đầu, nên “tiết kiệm” được bao nhiêu hay bấy nhiêu, dù để lại hậu
quả nặng nề cho xã hội. Những người làm việc cho TEPCO quan tâm nhất tới chỗ
làm ổn định với đồng lương cao, tức là quyền lợi bản thân, nên họ làm ngơ trước
sai phạm của cấp trên và đồng nghiệp, thậm chí sẵn sàng tòng phạm, mặc dù điều
đó có hại cho cộng đồng. Cái lợi thu được thì mình họ hưởng, nếu tai họa xảy ra
thì đã có cộng đồng cả nước cùng gánh chịu. Kể cả khi đề cao lợi ích dân tộc
thì chưa chắc đã thoát khỏi tính cục bộ, chẳng hạn không chấp nhận phát triển
điện hạt nhân trong nước, nhưng lại sẵn sàng xuất khẩu ra nước ngoài. Về mặt
thời gian, tính cục bộ thể hiện ở tư duy “vì lợi ích trước mắt”, bất chấp lợi
ích lâu dài. Nếu sớm kiếm được nhiều tiền, có thể đút ngay vào túi, thì không
chút chần chừ. Còn những chuyện “xa vời”, ví dụ như giải quyết vấn đề chất thải
hạt nhân thế nào, thì họ không quan tâm.
Xin mượn cụm
từ “tầm thương nhân” để chỉ lối tư duy “lợi ích cục bộ” đó. Tạm gọi như vậy,
khi chưa tìm được từ nào thích hợp hơn, chứ thực ra thì nhiều khi thương nhân
cũng tư duy ở “tầm chính khách”, và ngược lại, chính khách cũng hay tư duy ở
“tầm thương nhân”.
Qua trao đổi ở
phần trên, ta thấy rằng kiểu tư duy “tầm thương nhân” của các nhà quản lý (kể
cả lãnh đạo quốc gia), của các nhà kinh doanh và các nhà kỹ thuật… là một trong
những yếu tố quyết định dẫn đến thảm họa hạt nhân Fukushima. Cũng chính vì kiểu
tư duy ấy, mà sau thảm họa hạt nhân nhiều người có trách nhiệm ở Nhật Bản vẫn
tiếp tục hành động giống như trước khi xảy ra thảm họa.
Tư duy “tầm
thương nhân” xuất hiện mọi nơi, trong mọi tầng lớp, và trước hết là ở những
người đang đại diện cho phía bán hàng. Khi Andrei Grigorievich Kotun, Đại sứ
Liên bang Nga tại Việt Nam, khẳng định phía Nga hoàn toàn chịu trách nhiệm về
sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (do Nga thiết kế và xây dựng,
dự kiến khởi công vào năm 2014) [68], ấy
là lúc ông chỉ nghĩ đến hợp đồng béo bở cho phía Nga. Một kiểu nói lấy được,
miễn là bán được hàng, bởi lời hứa đâu mất tiền mua. Đúng là ông đang thay mặt
cho nước Nga thật, nhưng bộ máy chính trị và kinh tế khổng lồ ấy vận hành thế
nào thì đâu phải do một chính trị gia cỡ ông quyết định. Hơn nữa, ngay cả những
nhà máy điện hạt nhân xây trên đất Nga hay Liên Xô (cũ) thì cũng đã từng gây ra
thảm họa, huống hồ ở mảnh đất phương nam xa xôi. Giả sử sau này cái tên Ninh
Thuận sẽ trở nên nổi tiếng thế giới, đứng cạnh Chernobyl và Fukushima trong
danh sách thảm họa hạt nhân, thì cá nhân Andrei Grigorievich Kotun nói riêng và
phía Nga nói chung sẽ chịu trách nhiệm kiểu gì? Hẳn lúc ấy ông đã rời xa xứ sở
đau thương, có thể đang an hưởng tuổi già dưới rặng bạch dương, và những người
kế nhiệm sẽ phẩy tay: “Ông ấy nói bừa, sao các bạn lại tin?”
Lúc nói “việc
xây dựng nhà máy điện hạt nhân là quyết định của Chính phủ Việt Nam và nhân dân
Việt Nam, chúng tôi tôn trọng điều đó”,[69]
có lẽ ông Hirofumi Miyake, Tham tán kinh tế của Đại sứ quán Nhật Bản tại
Việt Nam, muốn che dấu khát vọng thương nhân của phía mình. Có khác tí chút là
ở chỗ: Để tăng tính thuyết phục, ông đã vận dụng thêm mánh khóe chính trường,
là gán cái quyết định “xây dựng nhà máy điện hạt nhân” cho cả “nhân dân Việt
Nam”, mặc dù khi đã đi sứ ở xứ này thì ông thừa biết, nhân dân đâu được quyền
tham gia quyết định.
Hùng hồn tuyên
bố công nghệ điện hạt nhân mà họ sẽ triển khai ở Ninh Thuận là “an toàn nhất
thế giới”, ông Sergey A. Boyarkin (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn ROSATOM của Nga,
dự định sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1)[70] và ông Junichi
Kawahata (Tập đoàn Hitachi của Nhật Bản, dự định sẽ tham gia xây dựng nhà máy
điện hạt nhân Ninh Thuận 2)[71] cứ làm như đất nước của họ không liên quan gì
đến 3 thảm họa điện hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại,[72] đã xảy ra ở Kyshtym (Nga, 1957), Chernobyl
(Liên Xô cũ, Ucraina bây giờ, 1986) và Fukushima (Nhật Bản, 2011). Thôi thì họ
đại ngôn cũng là chuyện thường tình, bởi họ chính là thương nhân. Hàng của ai
mà chả tốt và rẻ nhất chợ. Buồn một nỗi là nhiều người lại đặt hết niềm tin vào
nơi chợ búa. Hơn nữa, một số người Việt còn sốt sắng “đóng nhầm vai”. Đại diện
cho bên mua, mà lại tung hô như thể mình đang rao bán.
Cần lưu ý thêm
về sự ranh mãnh khi họ chọn chữ “nhất” để đặt vào cụm từ “an toàn nhất thế
giới”. Chữ “nhất” trong khuôn khổ “thế giới” làm cho những người nghe nhẹ dạ
sướng đê mê, tưởng rằng còn “trên cả an toàn”. Nhưng nó lại cho phép kẻ phát
ngôn dễ dàng thoát khỏi mọi trách nhiệm khi xảy ra thảm họa, bởi lẽ “an toàn
nhất” – trong hoàn cảnh không thể có “an toàn tuyệt đối” – không có nghĩa là
“an toàn”, cũng giống như “kẻ tốt nhất trong đám vô lương” không có nghĩa là
“người tốt”.
Trong cộng
đồng ủng hộ việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, bên cạnh không ít
tâm hồn trong sáng, thành tâm tin vào sự cần thiết và sự an toàn của điện hạt
nhân, thì cũng có nhiều đầu óc vụ lợi. Một số người nhìn nhận đó là một cơ hội
“làm ăn lớn” hiếm hoi, háo hức chờ đợi để tham gia bữa đại tiệc chia chác. Vốn
khủng thì phần trăm đút túi cũng khủng, lại có thể bám vào lý do bí mật công
nghệ hạt nhân để cản trở xoi mói và điều tra. Số khác thì có thể “khiêm tốn”
hơn, chỉ mong có cơ hội để thực hành cái nghề hiếm mà mình đã được đào tạo bấy
lâu, song chưa có dịp trổ tài. Còn hậu quả thế nào thì không “nằm trong vùng
phủ sóng” của họ.
Một người mang
danh nhà khoa học, tuyên truyền rằng điện hạt nhân an toàn, “nếu có sự cố xảy
ra thì tất cả các chất phóng xạ sẽ bị giam hãm trong nhà lò phản ứng không phát
tán ra bên ngoài”,[73] trong khi trên
thực tế thì có thể buộc phải xả áp, như ở Fukushima, và chất phóng xạ có thể bị
phát tán xa hàng nghìn km. Hơn thế nữa, để thuyết phục dư luận là điện hạt nhân
rẻ, ông còn phóng đại lên rằng: “Thường tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân là
cả trăm năm”,[74] trong khi, theo thông
tin của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (World Nuclear Association), phần lớn các
nhà máy điện hạt nhân được thiết kế cho tuổi thọ 25 đến 40 năm[75], và đối với
những lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 đang vận hành hoặc đang được xây dựng trên
thế giới thì thời gian hoạt động thông thường theo thiết kế là 60 năm[76]. Khi tuyên truyền như vậy, hẳn nguyên Viện
trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và tân Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và
Hạt nhân (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bỏ qua tri thức và thể hiện tư duy
“tầm thương nhân”.
Một lãnh đạo
của Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định rằng:
“Nếu như không có những sự cố khủng khiếp như
thảm hoạ kép động đất, sóng thần thì các nhà máy điện hạt nhân có thể nói là an
toàn và kinh tế hơn so với các nhà máy điện khác”[77].
Nói như vậy
thì hàm lượng chân lý cũng tựa như mệnh đề: “Nếu như không có những hậu quả
khủng khiếp như tai họa kép gây nghiện và chết chóc thì ma túy có thể nói là an
toàn và kinh tế hơn so với các thứ giải trí khác”. Đó hẳn là một phát ngôn bị
tư duy “tầm thương nhân” chi phối.
Vậy thì biết
tin vào ai, khi phải đưa ra những quyết định liên quan đến điện hạt nhân? Để
trả lời câu hỏi “làm điện hạt nhân thế nào”, thì tất nhiên phải hỏi các chuyên
gia về điện hạt nhân và những người kinh doanh công nghệ này. Chỉ có họ mới có
thể chỉ ra phải thiết kế, chế tạo, thi công và vận hành nhà máy điện hạt nhân
như thế nào. Nhưng nếu muốn trả lời câu hỏi “có làm điện hạt nhân hay không”,
thì các nhà lãnh đạo quốc gia không thể dựa hẳn vào ý kiến của những người có
quyền lợi gắn liền với việc triển khai điện hạt nhân. Đa số những người đang
mong làm điện hạt nhân để có đất dụng võ và được hưởng lợi sẽ trả lời là “nên
làm”. Khi động cơ và câu trả lời đã quá rõ như vậy, mà các nhà lãnh đạo vẫn hỏi
và vẫn dựa vào lập luận của họ để làm cơ sở ra quyết định, thì hoặc là phạm lỗi
tư duy, hoặc là cố ý cùng nhau diễn kịch, trong bối cảnh chia sẻ quyền lợi.
Tư duy tầm
chính khách
Ngược lại với
tư duy “tầm thương nhân”, ta dùng thuật ngữ “tầm chính khách” để chỉ lối tư duy
nhìn xa, trông rộng và coi trọng lợi ích chung, tất nhiên không phải là cái
chung của một nhóm hay băng đảng, mà là cái chung chứa cả dân tộc, và không chỉ
dừng lại ở phạm vi dân tộc. Đấy là tư duy mà chính khách chân chính cần phải
có.
Trong những
ngày tháng vật lộn với thảm họa hạt nhân Fukushima, trên cương vị Chánh văn
phòng Chính phủ và là cánh tay phải của Thủ tướng thời đó, ông Yukio Edano là
đầu mối quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho nhân dân Nhật Bản và cho
thế giới. Với cống hiến không mệt mỏi, ông đã trở thành người hùng của bao
người dân.[78] Chính thời gian thiếu ngủ
ấy cùng thực tế phũ phàng đã đánh thức và trao cho ông một tầm nhìn mới về điện
hạt nhân. Để rồi hôm nay, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và
Công nghiệp trong Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Yoshihiko Noda, trực tiếp
phụ trách vấn đề năng lượng, ông Edano có đủ cơ sở vững chắc để tuyên bố dứt
khoát trong buổi họp báo ngày 06/04/2012 ở Tokyo rằng[79]:
“Nhật Bản cần phấn đấu rút hoàn toàn khỏi điện
hạt nhân”.
“Chính sách của Chính phủ là ngay bây giờ phải
giảm sự phụ thuộc vào điện hạt nhân xuống mức thấp nhất như có thể”.
“Tôi muốn cắt giảm mức phụ thuộc vào điện hạt
nhân xuống số không. Tôi muốn có một xã hội vận hành không có điện hạt nhân
càng sớm càng tốt”.
Thông điệp
trên càng trở nên sâu sắc, khi nó được phát ra đúng vào thời điểm mà bản thân
ông Edano đang phải lo vận động chính quyền các địa phương liên quan đồng ý cho
tái khởi động một số lò hạt nhân đã qua kiểm tra an toàn, để hạn chế thiếu hụt
điện năng vào thời gian cao điểm trong mùa hè đang tới.
Phát biểu trên
thể hiện chính sách của Chính phủ đương nhiệm và được tiếp thu từ bài học xương
máu của Chính phủ tiền nhiệm. Trong diễn văn đọc ngày 06/08/2011 tại buổi tưởng
niệm lần 66 ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, Thủ tướng Nhật Bản thời
đó Naoto Kan đã bày tỏ[80]:
“Tôi hối tiếc sâu sắc là đã từng tin vào huyền
thoại về sự an toàn của điện hạt nhân”.
Là người đã
tốt nghiệp ngành Vật lý tại Tokyo Institute of Technology, ông Kan có khả năng
hiểu về công nghệ hạt nhân hơn hẳn phần lớn các chính trị gia khác.[81] Vì vậy, ý kiến của ông rất đáng để các chính
khách trên toàn thế giới tham khảo. Với nhận thức sâu sắc đúc kết từ thảm họa
Fukushima, ông đã khẳng định:
“Nhật Bản sẽ giảm mức lệ thuộc vào điện hạt
nhân, với mục tiêu là trở thành một xã hội không phụ thuộc vào điện hạt nhân”.
Điều gì đã đưa
một người vốn nhiệt thành ủng hộ điện hạt nhân đến với nhận thức như vậy? Trên
cương vị Thủ tướng, trực tiếp lãnh đạo quá trình vật lộn với thảm họa
Fukushima, ông đã chứng kiến tất cả: Sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên,
sự bất lực của con người và công nghệ, hậu quả nặng nề vượt mọi khả năng tưởng
tượng của thảm họa hạt nhân... Một năm sau, trong buổi trả lời phỏng vấn
Reuters ngày 17/02/2012, vị cựu Thủ tướng giãi bày[82]:
“Trải qua thảm hỏa hạt nhân 11/03/2011, tôi đã
thay đổi cách nghĩ của mình. Yếu tố tác động lớn nhất là: Đã có thời điểm chúng
tôi phải đối mặt với hoàn cảnh mà mọi người có thể không sống nổi trong khu vực
thủ đô, bao gồm cả Tokyo, và phải sơ tán”.
Đó là lúc ông
đối mặt với nguy cơ “con người không thể sống trên dải đất rộng 200–300 km”.
Hãy tưởng tượng xem: Riêng khu vực quanh thủ đô Tokyo đã phải sơ tán hơn 35
triệu người... Bằng cách nào? Sơ tán đi đâu? Thu xếp nơi ăn, chốn ở cho họ như
thế nào? Rõ ràng là một cảnh đại loạn, vượt quá mọi khả năng thu xếp. “Điều gì
sẽ xảy ra đối với đất nước Nhật Bản?” – ông Kan tự hỏi và trả lời:
“Nếu xảy ra tình trạng ấy, không chỉ cộng đồng
phải gánh chịu khổ ải, mà cả sự tồn tại của Nhật Bản cũng bị đe dọa”.
Trong một hoàn
cảnh khác, Naoto Kan còn thổ lộ là:
“Vấn đề không chỉ là chúng tôi mất một nửa
lãnh thổ, mà còn rải phóng xạ ra phần còn lại của thế giới”[83].
Hóa ra, thảm
cảnh thực tế còn tệ hại gấp bội lần so với những điều mà dư luận được biết. Để
tránh hoảng loạn xã hội, ông Kan cùng cộng sự đã phải dấu thực trạng và âm thầm
gánh chịu một trách nhiệm quá khủng khiếp, liên quan đến sự tồn vong của cả dân
tộc. Nếu đã từng trải qua cơn ác mộng vô cùng kinh khủng ấy, như ông Kan, bất
cứ một tâm hồn lành mạnh nào cũng phải đi đến quyết định khước từ điện hạt
nhân, vì không thể đem sự tồn tại của cả dân tộc để đặt cược cho một canh bạc
bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Trong canh bạc ấy, chỉ có lợi ích nhóm là hiện
hữu, còn lợi ích cộng đồng thì chỉ sót lại nếu không gặp phải thảm họa, và nó
cũng không bù nổi món nợ để lại cho các thế hệ mai sau, dưới dạng chất thải hạt
nhân, mà cho đến nay thế giới vẫn chưa thiết lập được những kho chứa vĩnh viễn.
Cựu Thủ tướng
Naoto Kan đã rút ra bài học sâu sắc, như khẳng định trong buổi tường trình
trước Quốc hội Nhật Bản ngày 28/05/2012[84]:
“Không thể đảm bảo an toàn đến mức đủ để tránh
được nguy cơ sụp đổ dân tộc”.
“Tai họa đã trải qua làm cho tôi tin rằng con
đường tốt nhất để làm cho các nhà máy điện hạt nhân trở nên an toàn là không
dựa vào chúng, mà cần loại bỏ chúng đi”.
Một bài học
nữa cần rút ra ở đây là: Trên cương vị lãnh đạo tầm quốc gia, không thể chỉ sa
đà vào tư duy tầm kỹ thuật, mà phải biết tư duy tầm triết lý. Đối với vấn đề an
toàn điện hạt nhân, không thể chỉ dừng lại ở việc lựa chọn công nghệ nào, mà
phải đặt ra câu hỏi mang tính triết học là: Có tồn tại một công nghệ tuyệt đối
an toàn trong mọi hoàn cảnh hay không? Cụ thể hơn: Có thể tạo ra một thứ công
nghệ hạt nhân chống chọi được với mọi hoàn cảnh thiên tai, địch họa và hoàn
toàn không bị phụ thuộc vào các sai sót thường tình của con người hay không?
Thảm họa Fukushima nối tiếp thảm họa Chernobyl minh họa cho câu trả lời dứt
khoát: Không!
Con người
không bao giờ tránh được mọi sai sót, và sai sót có thể gây ra sự cố. Trong các
lĩnh vực khác, sự cố thường chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định và người ta có
thể khắc phục từ từ. Nhưng sự cố trong lĩnh vực điện hạt nhân thì có thể nhanh
chóng vượt ra khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến tai họa cực kỳ nghiêm trọng, gây
hậu quả nặng nề trên không gian quá rộng và trong thời gian quá dài. Do đó,
nguy cơ thảm họa luôn đi kèm với điện hạt nhân.
Nếu xảy ra
thảm họa điện hạt nhân, con người sẽ trở nên chơi vơi, bất lực, và hậu quả của
nó có thể vượt mọi tầm tưởng tượng, thậm chí có thể đe dọa sự tồn vong của dân
tộc, hay của cả loài người. Chính vì vậy, nếu chưa dính đến điện hạt nhân thì
không nên triển khai, còn nếu đang sử dụng điện hạt nhân thì phải giảm dần để
tiến tới thoát hoàn toàn khỏi vòng kiềm tỏa của nó.
Đó bài học quá
đắt mà những người trong cuộc như cựu Thủ tướng Naoto Kan và Bộ trưởng Yukio
Edano phải rút ra được từ thảm họa Fukushima. Đó cũng là bài học sâu sắc mà các
nhà lãnh đạo trên toàn thế giới cần phải nghiêm túc lĩnh hội.
Nếu xảy ra
thảm hỏa hạt nhân, thì các nhà lãnh đạo quốc gia phải chịu trách nhiệm trước
dân tộc và trước nhân loại, không thể quay ra đổ lỗi cho giới chuyên môn, cho
dù một số người trong số họ đã từng tung hô, cổ động cho việc triển khai điện
hạt nhân. Đó là thông điệp mà cựu Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan muốn nhắn gửi
đến các đồng nghiệp lãnh đạo trên toàn thế giới, khi trả lời câu hỏi “ai phải
chịu trách nhiệm về khủng hoảng hạt nhân Fukushima”:
“Tôi nghĩ trách nhiệm lớn nhất thuộc vào các
thế hệ chính phủ đã xúc tiến điện hạt nhân...”[85].
Hoàn toàn đúng
như vậy! Các nhà lãnh đạo quốc gia phải ý thức được trách nhiệm không thể chối
bỏ này, để vận dụng tư duy “tầm chính khách”, thay cho tư duy “tầm thương
nhân”, khi cân nhắc và đưa ra quyết định về vấn đề xây dựng hay duy trì nhà máy
điện hạt nhân.
Thực tại bất
an
Tiếc rằng, quá
nhiều người, trong đó có rất nhiều chính trị gia, vẫn tỏ ra hoàn toàn bàng
quan, theo kiểu: “Họa người người chịu, việc ta ta làm.” Thậm chí, khi thảm họa
hạt nhân Fukushima vừa mới xảy ra, nhân loại còn chưa kịp hoàn hồn, người Nhật
còn chưa biết có thể thoát ra khỏi thảm họa hay không và thoát bằng cách nào,
thì có vị đã hấp tấp khẳng định rằng Việt Nam vẫn sẽ tiến hành xây dựng hai nhà
máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận như dự kiến[86].
Điều đó thể hiện cả sự liều lĩnh lẫn ngu dốt. Liều lĩnh cộng hưởng với ngu dốt là mầm gieo
đại họa hạt nhân.
Thảm họa
Fukushima mới xảy ra hơn một năm, mà đối với nhiều người thì dường như nó chỉ
còn là chuyện dĩ vãng, tưởng như không bao giờ lặp lại. Họ không biết rằng
khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Một quả bom hẹn giờ vẫn đang tích tắc, đe dọa
toàn nhân loại. Nhờ đang dừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ, nên lò số 4 tránh
được tai họa do thùng lò bị làm ẩu, như đã kể ở trên. Nhưng cũng chính vì thế
mà toàn bộ số nhiên liệu hạt nhân đang dùng dở được dồn hết vào bể đựng nhiên
liệu. Hơn thế nữa, trong số 263 tấn nhiên liệu, chiếm hết 97% dung lượng của
bể, thì có tới 35 tấn là mới, chưa qua sử dụng.[87] Trong khi đó, nhà lò số 4 đã bị động đất và
vụ nổ lúc 6 giờ ngày 15/03/2012 làm hư hỏng nặng nề[88].
Cựu Cố vấn của
Liên Hiệp Quốc Akio Matsumura kể rằng:[89]
Trong buổi tường trình ngày 22/03/2012 tại Ủy ban Ngân sách của Thượng
nghị viện Nhật Bản (House of Councilors), Giám đốc Hiệp hội Hệ thống Toàn cầu
và Đạo đức học Nhật Bản Mitsuhei Murata nhấn mạnh rằng, nếu nhà lò số 4 bị sập
thì bể đựng 1.535 bó nhiên liệu sẽ đổ vỡ từ độ cao 30 mét. Kéo theo là sự cố ở
cả 6 lò phản ứng và ở cái bể đang chứa 6.375 bó nhiên liệu đã sử dụng, nằm cách
lò số 4 khoảng 50 mét. Như vậy, sẽ có 11.421 bó nhiên liệu bị phơi ra ngoài
không khí, và sẽ gây hậu quả toàn cầu trong nhiều thế kỷ, ở mức độ mà thế giới
chưa bao giờ chứng kiến. Ông Matsumura đã hỏi Robert Alvarez, chuyên gia hàng
đầu về bể đựng nhiên liệu hạt nhân và là cựu Cố vấn của Tổng cục Năng lượng Mỹ
(United States Department of Energy), về tác động của 11.421 bó nhiên liệu, và
nhận được trả lời:
“Dựa trên số liệu của Tổng cục Năng lượng Mỹ,
giả thiết rằng trong số đó có 11.138 bó nhiên liệu đã qua sử dụng, đang được
chứa tại khu vực Daiichi và hầu hết ở trong các bể làm lạnh, thì chúng chứa
khoảng 336 triệu curies phóng xạ tồn tại lâu. Trong đó có chừng 134 triệu
curies Cesium-137, tức là gấp khoảng 85 lần lượng Cesium-137 bị phát tán trong
tai nạn Chernobyl, như Hội đồng Quốc gia Mỹ về Bảo vệ Bức xạ (NCRP) đã ước
lượng. Lượng Cesium-137 chứa trong toàn bộ kho nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng
tại khu vực Daiichi bằng khoảng một nửa lượng Cesium-137 đã phát tán trong tất
cả các vụ thử vũ khí hạt nhân đã tiến hành trong khí quyển, trong tai nạn
Chernobyl và có tại các cơ sở tái chế nhiên liệu hạt nhân khắp thế giới (khoảng
270 triệu curies, theo ước lượng của NCRP)”.
85 lần lượng
Cesium-137 bị phát tán trong tại nạn Chernobyl nghĩa là gì? Là đủ để hủy hoại
môi trường toàn thế giới và nền văn minh nhân loại. Chính vì vậy, trong bức thư
gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngày 25/03/2012, cựu Đại sứ Nhật Bản
tại Thụy Sĩ Mitsuhei Murata viết:
“Không hề cường điệu khi nói rằng số phận của
Nhật Bản và của cả thế giới phụ thuộc vào lò phản ứng số 4”.
Arnie
Gundersen, Kỹ sư trưởng của Fairewinds Energy Education Corp, với 40 năm kinh
nghiệm trong lĩnh vực công nghệ điện hạt nhân và đã từng điều hành nhiều đề án
tại 70 nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ, đánh giá là toàn bộ Bán cầu Bắc sẽ bị đe
dọa, nếu bể nhiên liệu của lò số 4 bị đổ vỡ.[90] Ông Gundersen còn nói là:
“Trong bể nhiên liệu của lò số 4 có nhiều
Cesium hơn 800 quả bom nguyên tử nổ trên mặt đất... Nhưng tất nhiên là chúng nổ
cùng một lúc. Chắc chắn nó sẽ phá hủy Nhật Bản với tư cách một quốc gia có tổ
chức”.
Helen
Caldicott (đã hơn 21 lần được phong Tiến sỹ danh dự) tuyên bố sẽ sơ tán gia
đình của bà khỏi Boston (USA) và chuyển xuống Bán cầu Nam, nếu bể nhiên liệu số
4 bị sập. (Lưu ý rằng khoảng cách giữa Boston và Fukushima là 16.000 km, trong
khi khoảng cách giữa Hà Nội và Fukushima là 3.800 km.)[91]
Vậy xác suất
để bể đựng nhiên liệu trong nhà lò số 4 bị sập đổ là bao nhiêu? Arnie Gundersen
và nhiều chuyên gia khác cho rằng điều đó sẽ xảy ra nếu có động đất 7,0 độ
Richter[92]. Một số nhà khoa học ước
lượng xác suất xảy ra động đất cấp 7,0 tại Fukushima trong vòng 1 năm tới là
70% và trong vòng 3 năm tới là 98%.[93]
Cựu Đại sứ Mitsuhei Murata nói rằng: Theo ước lượng mới hiệu chỉnh của
Chính phủ Nhật Bản thì xác suất xảy ra động đất cấp 7,0 tại Fukushima trong 3
năm tới là 90%.[94] Trong khi đó, theo
Akio Matsumura, nhiều nhà khoa học tin rằng không thể di chuyển hết 1.535 bó
nhiên liệu ra khỏi cái bể ấy trong vòng 2 hay 3 năm, và TEPCO cũng như Nhật Bản
không có công nghệ phù hợp cùng kinh nghiệm cần thiết để có thể tự xử lý tai
họa đang tiếp diễn.[95] Căn cứ vào những
nhận định này thì số phận của dân tộc Nhật Bản và của cả nhân loại chỉ còn phụ
thuộc vào may rủi, mà khả năng gặp may là thấp.
Hy vọng rằng
những dự đoán kể trên không hoàn toàn đúng. Nhưng dù viễn cảnh khủng khiếp ấy
chỉ đúng một phần, thì cũng quá đủ để khiến ta phải sửng sốt, vì sao bao người
có trách nhiệm lại có thể thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục
đuổi theo tham vọng, bất chấp hậu quả.
Trong buổi họp
báo ngày 04/06/2012, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố[96]:
“Chúng tôi thấy rằng việc tái khởi động một số
nhà máy điện hạt nhân là cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của kinh
tế và xã hội Nhật Bản”.
Tất nhiên, một
khi đã rơi vào tình trạng điện hạt nhân chiếm tới 30% công suất điện năng của
quốc gia, thì rất khó để có được phương án thay thế ngay trong chốc lát. Cũng giống
như cai nghiện ma túy, cần có lộ trình hợp lý và tiến hành từng bước, chứ khó
mà cắt cơn ngay lập tức. Để làm yên lòng dư luận, ông Noda khẳng định: “Tôi sẽ
là người chịu trách nhiệm cuối cùng.” Thủ tướng quyết định tái khởi động, bất
chấp ý nguyện của đa số người dân, thì dĩ nhiên chính ông phải chịu trách
nhiệm, chứ còn ai chịu thay nữa? Nhưng vấn đề là chịu thế nào? Giả sử một thảm
họa tương tự tái diễn, như ở Fukushima, thì nhiều nhất ông cũng chỉ cúi đầu xin
lỗi và từ chức. Dù có tự nguyện quyên sinh, thì ông cũng không thể đền nổi sinh
mạng và sức khỏe của biết bao nạn nhân vô tội. Dù có đem hết tài sản cá nhân ra
đền, thì ông cũng không khắc phục nổi một phần nhỏ của hậu quả khủng khiếp mà
xã hội và môi trường phải gánh chịu. Cho nên, câu “chịu trách nhiệm cuối cùng”
nghe qua thì có vẻ to tát, nhưng thực ra nó cũng chỉ là một mệnh đề trống rỗng,
không giúp được gì. Khi sự thể nằm ngoài tầm nhận thức và khả năng khống chế,
mà vẫn thề thốt “chịu trách nhiệm”, thì cũng là lúc người ta vô trách nhiệm
nhất.
Thủ tướng
Yoshihiko Noda hứa hẹn:
“Tôi muốn làm tròn trách nhiệm của mình bằng
cách áp dụng mọi biện pháp có thể để đảm bảo sự an toàn của chúng”.
Đảm bảo kiểu
gì, khi các nhà máy điện hạt nhân chỉ được kiểm tra an toàn một cách chiếu lệ,
dựa trên những tiêu chuẩn mà thảm họa Fukushima đã chỉ ra là khiếm khuyết và
không đáp ứng được đòi hỏi của thực tế? Đảm bảo kiểu gì, khi chỉ có thể dựa vào
những thông tin thiếu hụt và méo mó của bộ máy quản lý các cấp, đã từng lừa dối
bao thế hệ thủ tướng tiền nhiệm? Qua phân tích, ta đã thấy rõ ràng là: Cho dù
ông “áp dụng mọi biện pháp có thể”, thì cũng không đủ “để đảm bảo sự an toàn
của chúng”! Thực ra, để phủ định lời hứa kể trên, chỉ cần nhắc lại một kết luận
trong diễn văn của chính bản thân Thủ tướng Noda, đọc tại Hội nghị Thượng đỉnh
về An toàn Hạt nhân ở Seoul vào ngày 27/03/2012 (tức là chỉ 69 ngày trước
đó)[97]:
“Trong mọi hoàn cảnh, không bao giờ có bất cứ
một sự an toàn tuyệt đối nào cả, và sự nỗ lực để đạt được an toàn (hạt nhân)
không có hồi kết thúc. Mỗi người phấn đấu cho an toàn hạt nhân cần khắc sâu
trong tim điều này”.
Khi hứa “đảm
bảo sự an toàn” của nhà máy điện hạt nhân, thì có nghĩa là hứa tạo ra hoàn cảnh
mà trong đó có được “sự an toàn tuyệt đối”, nếu chưa “an toàn tuyệt đối” thì
vẫn chưa đủ “an toàn”. Hiển nhiên, ông Noda không thể “đảm bảo” được cái mà
chính ông cho rằng “không bao giờ có”. Do đó, chắc hẳn ông đã “hứa zậy mà không
nghĩ zậy”, tức là ông ý thức được rằng mình không thể đảm bảo được an toàn điện
hạt nhân. Nhưng để thỏa mãn nhu cầu trước mắt về điện năng của xã hội, một
nhiệm vụ khó thoái thác của Chính phủ Nhật Bản, nên ông phải tìm cách thuyết
phục nhân dân và chính quyền các địa phương liên quan, đồng ý tái khởi động một
số nhà máy điện hạt nhân. Nếu bản thân Thủ tướng không tỏ ra tự tin thì chẳng
thuyết phục được ai, nên ông mới tuyên bố hùng hồn như thế. Vậy là, để hoàn
thành trách nhiệm chính khách, ông Noda lại hứa hẹn “kiểu thương nhân”.
Phát biểu tại
buổi lễ tưởng niệm ở Hiroshima ngày 06/08/2011, trên cương vị Thủ tướng Nhật
Bản thời đó, Naoto Kan bày tỏ ý muốn truyền bá cho nhân dân toàn thế giới kinh
nghiệm xương máu, rút ra từ thảm họa hạt nhân Fukushima:
“Tôi tin rằng trách nhiệm của chúng ta là phải
nhìn nhận thảm họa này như những bài học mới cho toàn nhân loại và phải truyền
thụ nhận thức của mình cho nhân dân thế giới và các thế hệ mai sau”.
Nhận thức này
cũng phù hợp với quan điểm của đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda, được trình
bày trong diễn văn tại Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn Hạt nhân kể trên:
“Thách thức lớn nhất đối với chúng ta trong
việc ứng xử với tai nạn và thảm họa (điện hạt nhân) là đánh thức ký ức của
mình. Thật ra, nhiệm vụ quan trọng và khó khăn nhất là truyền thụ kiến thức và
những bài học của chúng ta cho các thế hệ mai sau, và tôi muốn nhấn mạnh rằng
đó là nhiệm vụ mà mỗi nhà lãnh đạo phải có ý thức thực hiện nhằm tránh thảm
họa”.
Nhận thức đúng
về nguy cơ của thảm họa điện hạt nhân và không ngừng “đánh thức ký ức” là việc
rất khó khăn, không chỉ đối với hàng tỉ người kém hiểu biết và thiếu kinh
nghiệm, mà còn khó đối với... cả bản thân hai ông.
Sau khi xảy ra
thảm họa Fukushima, ông Kan còn tiếp tục cầm quyền gần 6 tháng nữa. Trong thời
gian ấy, không thấy ông đặt vấn đề dừng xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân sang
Việt Nam. Giờ đây, đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda vẫn tiếp tục theo đuổi dự
án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận,[98] mặc dù chính sách của Chính phủ ông là không
xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân mới tại Nhật Bản và đưa Nhật Bản rút hoàn
toàn khỏi điện hạt nhân vào thập kỷ 2030.[99]
Phải chăng đó là điều đáng buồn, cho nhân dân ta và cho cả các bạn Nhật.
Đã biết là điện hạt nhân rất nguy hiểm và có thể gây thảm họa, chính nước Nhật
xác định là phải rút dần ra khỏi điện hạt nhân, và muốn khuyên nhủ cả thế giới
về điều đó. Nhưng đồng thời lại sẵn sàng kiếm tiền bằng cách xuất khẩu công
nghệ khủng khiếp ấy sang các nước khác. Đại khái cũng giống như kiểu rao bán ma
túy trên giảng đường: “Quý vị phải hiểu rằng ma túy vô cùng độc hại, là thứ
giết người hàng loạt, nên bản thân tôi phải giã từ nó; nhưng nếu quý vị muốn
mua thì tôi đảm bảo sẽ bán cho quý vị loại ma túy an toàn nhất thế giới...”
Phải chăng
những người lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản đang đánh đu giữa hai kiểu tư duy? Về
đối nội, khi quyết định rút dần ra khỏi điện hạt nhân để bảo vệ dân tộc Nhật
Bản, thì họ thể hiện tư duy “tầm chính khách”. Về đối ngoại, khi ủng hộ việc
xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân ra nước ngoài để thu lợi cho các nhà kinh
doanh Nhật Bản, bất chấp tác hại cho phía đối tác và cộng đồng thế giới, thì họ
lại thể hiện tư duy “tầm thương nhân”. Đừng quên rằng, khác với ma túy, thảm
họa hạt nhân không phải là một thứ “tài sản quốc gia”, chỉ để xài riêng, mà dù
muốn hay không thì các nước xa gần cũng phải cùng gánh chịu hậu quả. Hơn nữa,
khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở những nước lạc hậu và ngập chìm trong tham
nhũng, nhân lực chuyên môn vừa quá thiếu về số lượng, vừa quá yếu về chất
lượng, lại quen làm liều, làm ẩu, thì nguy cơ thảm họa hạt nhân còn lớn hơn gấp
bội lần so với ở Fukushima. Qua thử thách, người Nhật đã nhận ra rằng điện hạt
nhân cũng vượt quá cả khả năng làm chủ của chính mình, nên họ cũng sẽ phải chịu
một phần trách nhiệm khi giao thứ “đồ chơi” nguy hiểm ấy vào tay những người
đang cố vươn lên tầm “võ vẽ”, cũng giống như sự liên đới khi bán vũ khí giết
người cho trẻ con. Người Nhật nên ý thức rõ điều đó, không phải chỉ vì khía
cạnh đạo lý đối với đồng loại, mà cũng vì sự an toàn của chính bản thân họ.
*
* *
Về phía ta,
không nên đổ trách nhiệm cho phía đối tác. Nhà máy điện hạt nhân có được xây
dựng ở Việt Nam hay không, điều đó về thực chất chỉ do một số ít người lãnh đạo
Việt Nam quyết định. Vận mệnh tương lai của dân tộc Việt Nam phụ thuộc vào việc
họ vận dụng tư duy “tầm chính khách”, hay tư duy “tầm thương nhân”.
Vấp váp của
Nhật Bản, dẫn đến thảm họa Fukushima, đã cho loài người những bài học vô giá,
mà quan trọng nhất là: Bất luận điện hạt nhân có thể mang lại lợi ích gì, chỉ
riêng việc nó có thể dẫn tới thảm họa, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, thậm chí
của cả loài người, thì cũng đã quá đủ để chúng ta khước từ nó.
Nếu lao vào
canh bạc điện hạt nhân thì sẽ chuốc lấy tai họa kép. Trước mắt là tai họa kinh
tế, góp phần dìm dân tộc ta ngập sâu trong nợ nần, đẩy các thế hệ con cháu lâm
vào cảnh không biết bao giờ mới trả xong món nợ do giai đoạn này để lại. Kinh
khủng hơn là nguy cơ về thảm họa hạt nhân, có thể đe dọa cả sự tồn vong của dân
tộc.
Không thể đem
sinh mạng của muôn dân và sự tồn tại của dân tộc để đặt cược vào canh bạc điện
hạt nhân!
19/10/2012
H.X.P.
Ghi chú: Tất
cả các tài liệu được trích dẫn trong bài này đều được kết dẫn đến các địa chỉ
lưu trữ tài liệu đó trên internet. Vì vậy, tốt nhất là đọc phiên bản điện tử
nguyên vẹn của bài này để có thể nhanh chóng kết nối với các tài liệu gốc, nhằm
tham khảo thêm nhiều thông tin liên quan. Nếu khi nhấn chuột mà không thấy xuất
hiện tài liệu tương ứng thì có thể đường kết nối đang bị trục trặc, hoặc chủ
nhân trang web đã xóa tài liệu liên quan sau ngày 19/10/2012.
Mấy bài viết
của cùng tác giả về chủ đề điện hạt nhân:
Hoàng Xuân
Phú: Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân, 14/06/2011
Hoàng Xuân
Phú: Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ, 11/07/2011
Hoàng Xuân
Phú: Phiêu lưu điện hạt nhân, 17/07/2011
[1] Osamu Tsukimori: Japan nuclear power-free
as last reactor shuts, Reuters, 05/05/2012
[2] Người Nhật ăn mừng đóng cửa lò phản ứng
hạt nhân cuối cùng, VOA, 05/05/2012
[3] Richard Black: Đa số dân thế giới 'chống
điện hạt nhân', BBC, 25/11/2011
[4] The Yomiuri Shimbun: Govt OK's Oi
reactors' restart / KEPCO eyes power generation from No. 3 unit as early as
July 4, Daily Yomiuri Online, 17/06/2012
[5] 71 percent against hastily restarting Oi
Nuclear Plant: Mainichi poll, The Mainichi, 04/06/2012
[6] International Atomic Energy Agency:
Tokai-1
[7] World Nuclear Association: Nuclear power
in Japan, updated 05/2012
[8] Japan Meteorological Agency: The 2011 off
the Pacific coast of Tohoku Earthquake ~first report~, 13/3/2011
[9] TEPCO: Occurrence of a specific incident
stipulated in Article 10, Clause 1 of the Act on Special Measures Concerning
Nuclear Emergency Preparedness (Fukushima Daiichi), 11/03/2011
[10] Naoko Kagemoto: Terror at N-plant during
quake, Daily Yomiuri Online, 17/03/2011
[11] TEPCO: Analysis and evaluation of the
operation record and accident record of Fukushima Daiichi Nuclear Power Station
at the time of Tohoku-Chihou-Taiheiyou-Oki-Earthquake (summary), 24/05/2011
[12] Japan Atomic Industrial Forum: Earthquake
report – JAIF, No. 93, 26/05/2011
[13] TEPCO: Plant status of Fukushima Daiichi
Nuclear Power Station (as of 0AM March 12th), 12/03/2011
[14] TEPCO: Result of the investigation on
tsunami at the Fukushima Daiichi Nuclear Power Station, 09/04/2011
[15] TEPCO documents reveal chaos at Fukushima
nuke plant after quake, tsunami, The Mainichi Daily News, 17/05/2011
[16] Japan Atomic Industrial Forum: Earthquake
report – JAIF, No. 84, 17/05/2011
[17] Mitsuru Obe: Cores damaged at three
reactors, The Wall Street Journal, 16/05/2011
[18] TEPCO: The evaluation status of reactor
core damage at Fukushima Daiichi Nuclear Power Station Units 1 to 3, 30/11/2011
[19] The Yomiuri Shimbun: Nuclear crisis: How
it happened / Kan's visit 'wasted time', Daily Yomiuri Online, 09/06/2011
[20] Additional report of the Japanese
Government to the IAEA, 15/09/2011
[21] TEPCO: Plant status of Fukushima Daiichi
Nuclear Power Station (as of 11PM March 12th), 12/03/2012
[22] TEPCO: White smoke around the Fukushima
Daiichi Nuclear Power Station Unit 3 (3rd release), 14/03/2011
[23] International Atomic Energy Agency:
Fukushima nuclear accident update log, 15/03/2011
[24] Hiroko Tabuchi, Keith Bradsher, Matthew
L. Wald: In Japan reactor failings, danger signs for the U.S., The New York
Times, 17/05/2011
[25] The Yomiuri Shimbun: TEPCO failures
multiply / Compounding of missteps exacerbated nuclear crisis, Daily Yomiuri Online, 02/04/2011
[26] TEPCO: Damage to the Unit 4 nuclear
reactor building at Fukushima Dai-ichi Nuclear Power Station, 15/03/2011
[27] The Yomiuri Shimbun: One crisis after
another harried TEPCO's response, Daily Yomiuri Online, 14/04/2011
[28] International Atomic Energy Agency:
Mission report - The Great East Japan Earthquake Expert Mission, 16/06/2011
[29] TEPCO: The time-line regarding seawater
injection to Unit 1 at Fukushima Daiichi Nuclear Power Station, 26/05/2011
[30] Norihiko Shirouzu, Phred Dvorak, Yuka
Hayashi, Andrew Morse: Bid to 'protect assets' slowed reactor fight, The Wall
Street Journal, 19/03/2011
[31] The Yomiuri Shimbun: TEPCO fax about
seawater not passed to Kan for hours, Daily Yomiuri Online, 26/05/2011
[32] NISA: Seismic damage information (the
57th release), 27/03/2011
[33] Naoto Kan: “Japan was invaded by an
invisible enemy”, Frontline, 28/02/2012
[34] The Yomiuri Shimbun: Distrust grows among
N-crisis players, Daily Yomiuri Online, 02/04/2011
[35] Norimitsu Onishi, Martin Fackler: In
nuclear crisis, crippling mistrust, The New York Times, 12/06/2011
[36] Mari Yamaguchi: Japan's ex-PM: I was
frightened by nuclear crisis, Associated Press, 28/05/2012
[37] Nathalie-Kyoko Stucky, Jake Adelstein:
Ex-Prime Minister blames meltdown on “Nuclear Village”, inadequate laws and
TEPCO/NISA incompetence, Japan Subculture Research Center, 30/05/2012
[38] TEPCO: Result of contamination check of
water in the basement at the turbine building of Unit 2 of Fukushima Daiichi
Power Station, 27/03/2011
[39] Tsuyoshi Inajima, Michio Nakayama:
Radiation readings in Fukushima reactor rise to highest since crisis began,
Bloomberg, 27/04/2011
[40] Japan Atomic Industrial Forum: Earthquake
report – JAIF, No. 102, 04/06/2011
[41] Japan Atomic Industrial Forum: Earthquake
report – JAIF, No. 162, 03/08/2011
[42] World Nuclear Association: Nuclear
radiation and health effects, updated 23/05/2012
[43] Katrin Hoerner: Radioaktivität: Krankheit
und Tod auf Raten, Focus Online, 21/03/2011
[44] Japan Atomic Industrial Forum: Earthquake
report – JAIF, No. 7, 15/03/2011
[45] TEPCO: Nuclear / TEPCO-Power Plants
[46] Fukushima NPP built 10 meters lower than
initial plan to cut costs, Japan Press Weekly, 09/10/2011
[47] TEPCO: Result of the investigation on
tsunami at the Fukushima Daiichi Nuclear Power Station, 09/04/2011
[48] Jason Clenfield: Fukushima engineer says
he helped cover up flaw at Dai-Ichi reactor no. 4, Bloomberg Businessweek,
23/03/2011
[49] Johannes Hano: The Fukushima lie (Die
Fukushima-Lüge, TV with English subtitles), ZDF ZOOM, 07/03/2012
[50] Christoph Neidhart: Betreiber Tepco
fälschte Reparatur-Protokolle, Süddeutsche.de, 22/03/2011
[51] Katrin Aue: Fukushima-Insider: Nicht
Tsunami, sondern Beben soll AKW ruiniert haben, Spiegel Online, 16/05/2011
[52] Paul Marks: Quake took out Fukushima
cooling system before tsunami, NewScientist, 17/05/2011
[53] Fukushima in meltdown before tsunami hit,
RT, 17/08/2011
[54] Yuji Okada, Tsuyoshi Inajima, Shunichi
Ozasa: Japan’s Fukushima reactor may have leaked radiation before tsunami
struck, Bloomberg, 19/05/2011
[55] World Nuclear Association: Chernobyl
accident 1986, updated 04/2012
[56] List of civilian nuclear accidents,
Wikipedia
[57] Japan Atomic Industrial Forum: Earthquake
report – JAIF, No. 68, 01/05/2011
[58] Norbert Lossau: “Diese Katastrophe wurde
von Menschen verursacht”, Welt Online, 09/03/2012
[59] Japan Atomic Industrial Forum: Earthquake
report – JAIF, No. 245, 25/10/2011
[60] Martin Fritz: Ein Wutanfall verhinderte
atomares Horrorszenario, Welt Online, 09/03/2012
[61] Chris Rowthorn: Noda, tear down this
'nuclear village', The Japan Times Online, 18/10/2011
[62] Jeff Kingston: Japan’s nuclear village,
The Asia-Pacific Journal, Vol. 10, Issue 37, No. 1, 10/09/2012
[63] David McNeill: Warnings of nuclear
disaster not heeded, claims former governor, The Independent, 23/04/2011
[64] Martin Fackler: Japan’s former leader
condemns nuclear power, The New York Times, 28/05/2012
[65] Yuriy Humber: Japan Post-Fukushima
ceactor checks ‘insufficient’, advisers say, Bloomberg, 27/01/2012
[66] The official report of The Fukushima
Nuclear Accident Independent Investigation Commission - Executive summary
[67] Adam Westlake: TEPCO ends its nuclear
exports, The Japan Daily Press, 28/06/2012
[68] V. Trường: Nhà máy Điện hạt nhân Ninh
Thuận sẽ an toàn, Người lao động, 13/04/2011
[69] Hương Giang: Nhật tôn trọng VN xây nhà
máy điện hạt nhân, Tuổi trẻ, 23/05/2012
[70] Mỹ Hằng: Nhà máy điện hạt nhân của Việt
Nam: An toàn nhất thế giới, Tiền phong 03/08/2011
[71] Anh Thư: Công nghệ Nhà máy điện hạt nhân
số 2 Ninh Thuận - Tiên tiến và an toàn nhất, Sài Gòn Giải phóng, 25/05/2012
[72] Atomunfälle nach Bewertung auf der
INES-Skala weltweit in den Jahren 1957 bis 2011, Statista, 2012
[73] Ngọc Huyền: Điện hạt nhân: Rẻ, an toàn,
chỉ nhân lực là... chưa ổn, VietNamNet, 28/05/2006
[74] Tấn Chương: Kế hoạch phát triển năng
lượng hạt nhân của Việt Nam, Voice of America, 08/11/2010
[75] World Nuclear Association: Plans for new
reactors worldwide, updated 02/2012
[76] World Nuclear Association: Advanced
nuclear power reactors, updated 04/2012
[77] Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối
thoại trực tuyến với nhân dân, 05/05/2012
[78] Claudia Wanner: Der schlaflose
Krisensprecher Yukio Edano, Financial Times Deutschland, 16/03/2011
[79] Risa Maeda: Cut nuclear reliance to zero:
Japan energy minister, Reuters, 06/04/2012
[80] Full text of Kan's speech at Hiroshima
A-bomb ceremony, Kyodo News, 06/08/2011
[81] Profile: Naoto Kan, BBC, 26/08/2012
[82] Linda Sieg, Yoko Kubota: Nuclear crisis
turns Japan ex-PM Kan into energy apostle, Reuters, 17/02/2012
[83] Toko Sekiguchi: Japan's Ex-Premier turns
anti-nuclear activist, The Wall Street Journal, 26/01/2012
[84] Martin Fackler: Japan’s former leader
condemns nuclear power, The New York Times, 28/05/2012
[85] Naoto Kan: “Japan was invaded by an
invisible enemy”, Frontline, 28/02/2012
[86] Đức Tâm: Việt Nam vẫn xây dựng nhà máy
điện hạt nhân, VietNamNet, 18/3/2011
[87] Report of Japanese Government to the IAEA
Ministerial Conference on nuclear safety – The accident at TEPCO's Fukushima
Nuclear Power Stations – IV. Occurrence and development of the accident at the
Fukushima Nuclear Power Stations (page IV-31), 07/06/2011
[88] TEPCO: Damage to the unit 4 nuclear
reactor building at Fukushima Dai-ichi nuclear power station, 15/03/2011
[89] Akio Matsumura: Fukushima Daiichi Site:
Cesium-137 is 85 times greater than at Chernobyl accident, 03/04/2012
[90] Adonai: The greatest single threat to
humanity – Fukushima nuclear reactor no. 4 raises new global worries, The
Watchers, 12/04/2012
[91] Senator: Fukushima fuel pool is a
national security issue for America, Washington's Blog, 06/05/2012
[92] Gundersen: Japan is sitting on a ticking
time bomb, Energy News, 19/05/2012
[93] The top short-term threat to humanity:
The fuel pools of Fukushima, Washington's Blog, 07/04/2012
[94] Fukushima reactor global security issue:
Japanese former diplomat, PanOrient News, 07/06/2012
[95] Akio Matsumura: Fukushima Daiichi: It may
be too late unless the military steps in, 11/05/2012
[96] Noda vows to take 'ultimate
responsibility' on restart of Oi reactors, Kyodo News, 04/06/2012
[97] Address by H.E. Mr. Yoshihiko Noda, Prime
Minister of Japan, at Seoul Nuclear Security Summit March 27, 2012, Prime
Minister of Japan and His Cabinet
[98] Noda confirms nuclear progress with
Vietnam, The Japan Times Online, 23/04/2012
[99] Japan unveils plan to phase out nuclear
power, BBC, 14/09/2012
Tác giả gửi
trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi
bauxitevn vào lúc 09:45
Nguồn: BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét