Đặng Văn Sinh
Hai tập thơ mới xuất bản năm 2019 của Phạm Xuân Trường
mang những cái tên rất chi là “khiêu khích”. Đó là “Kỳ hồ” và “Dị thảo”. “Dị
thảo” thì có thể hiểu là loài hoa lạ, còn “Kỳ hồ” là gì? Trường hợp này, có vẻ
như tác giả chơi chữ, cắt phần đầu của câu thơ “Lang bạt kỳ hồ, tái chí kỳ vĩ” ở
bài 狼跋 “Lang bạt”, thiên 豳風“Mân phong” trong “Kinh thi” để đánh đố thiên hạ chăng? Nghĩa gốc của 狼跋其胡,载疐其尾 (Lang bạt kỳ
hồ, tái chí kỳ vĩ) là con sói bước
tới dẫm vào yếm lông trước cổ của mình, lui lại vấp phải
cái đuôi của mình, ám chỉ sự lúng túng, không biết làm thế
nào. Như vậy, ở đây đã có
sự hoán đổi nội hàm câu thơ cổ Trung Quốc qua mấy ngàn năm du nhập vào Việt Nam
như sự ẩn dụ bản tính nay đây mai đó của chàng thi sĩ lúc nào cũng tôn thờ “chủ
nghĩa xê dịch”.
Có điều, Dù là KỲ HỒ hay DỊ THẢO thì xét đến cùng, đấy
chỉ là danh xưng, cái quan trọng là nội dung cuốn sách. Chính nó mới làm nên
diện mạo tác giả. Số giời đã định, những người sinh vào năm Đinh Hợi không phải
là tuổi “thiên di” hay “du tử”, nhưng thơ thì khác. Cái chân không đi nhưng cái
đầu thích “cựa quậy”, vì thế, cái đầu Phạm Xuân Trường luôn thường trực tư duy
“xuống đường” như tác giả “Vang bóng một thời” với chiếc tẩu nạm bạc nổi tiếng lúc
nào cũng gắn bên khóe miệng.
Quả có vậy. Cả hai cuốn sách hơn ba trăm trang, nếu
thống kê rành mạch ra, thì có đến quá nửa là những bài thơ được Phạm Xuân
Trường viết trong hoặc sau những chuyến “chu du” xuyên Việt chỉ với một mục đích
tìm... “Dị thảo”. Nghĩ cũng lạ thật. Lạ và bái phục. Trong căn hộ tầng 4 thuộc
một khu chung cư xập xệ, cũ rích, là sản phẩm còn sót lại của thời bao cấp,
đáng lý ra phải “đào tận gốc trốc tận rễ”, xây cái mới để tránh rủi ro, thì một
gã đầu óc hoang tưởng, lại an nhiên cư ngụ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Phòng ngủ cũng là phòng làm việc của gã chứa
toàn sách và những những bức chân dung gò đồng độc nhất vô nhị xứ Đông Dương.
Còn lục bát thì thôi rồi, gã “sản xuất” nhanh như máy, mà bài nào cũng đầy ắp ý
tưởng, vần điệu phóng khoáng, có thể khiến cho “quỷ khốc thần sầu”.
Ấy là nói vui tuy có vẻ hơi quá một chút, nhưng không
sao, bạn tôi vốn là người dễ tính. Lục bát Phạm Xuân Trường trong “Kỳ hồ” và
“Dị thảo”, cái tôi công dân và cái tôi trữ tình luôn kết hợp với nhau trong một
tổng thể hoàn chỉnh. Với tư cách “người thơ”, cái tôi công dân bao giờ cũng tìm
cách hòa nhập vào đời sống “đám đông” ở đẳng cấp dưới đáy xã hội. Ở đó, bằng sự
dấn thân của một kẻ “tử vì đạo”, nhà thơ phóng chiếu cặp mắt “thần” nhìn thấu
nỗi khổ đau nhân quần, đồng thời chỉ ra sự nhếch nhác, bẩn thỉu và tội ác của
những đấng bậc tự nhận mình là kẻ “chăn dắt” muôn loài trên chín tầng cao rồi
bỗng chốc “tung chưởng” hạ knock out chúng xuống chín tầng địa ngục.
Khác với “Cỏ cháy”, “Ở trọ hồn làng” hay “Bến chuồn
chuồn”, phần lớn các bài “Kỳ hồ” và “Dị thảo” đều xác lập được cái nhìn đa
chiều, thậm chí lật ngược từ trong ra ngoài tạo sự liên tưởng trong mối quan hệ
hữu cơ giữa nội dung và hình thức. Có thể nói, với kỹ năng thượng thừa, tác giả
đã biến lục bát thành một loại công nghệ mang tính đặc thù. Đó là công nghệ “made
in Phạm Xuân Trường”, chỉ riêng tác giả độc quyền sở hữu, bởi nó vừa trần tục,
vừa linh thiêng, vừa cao đạo nhưng cũng rất cô đơn trong một môi trường độc hại
bởi sự ô nhiễm của đủ thứ vè “đồng nát”.
Cái “nghiệp” của Phạm Xuân Trường là lục bát. Lục bát
nó vận vào người, nó “hành xác” ra trò, nên cũng như các tập trước đây, bao giờ
thể loại thơ dân tộc này cũng chiếm tỷ lệ áp đảo. “Kỳ hồ”, tổng cộng 48 bài thì
39 bài lục bát. “Dị thảo” còn đậm đặc hơn, 44 lục bát trên 46 bài. Đúng là lục
bát giống như một thứ “tà khí” đã ám linh hồn nghệ sĩ phù điêu họ Phạm xứ Hải
tần phòng thủ...
Thế nhưng, đừng tưởng Phạm Xuân Trường không có “số má”
trong kỹ nghệ thơ ngoài lục bát. Nhầm to đấy. Chỉ cần dẫn ra đôi bài bất chợt
trong hai tập đang hiện diện trước mặt kẻ viết bài này, cũng đủ chứng minh, cha
đẻ của gần một trăm bức phù điêu chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam và thế giới đông
tây kim cổ không hề kém cạnh nếu so với nhiều nhà thơ nổi tiếng đương thời:
Đài tưởng niệm cho con dân yên nghỉ
Tạc trong lòng hồn Việt bốn ngàn năm
Sau bắt tay xòe ra đầy nấm độc
Ôm hôn rồi máu chảy sau lưng...
(”Ngẫm”,
Kỳ hồ)
Ta đứng trên cầu Mặt Quỷ
Suối kêu ngỡ sóng Nại Hà
Thấp thoáng sương mù lõng thõng
Người trôi như những bóng ma.
(...)
Quỷ thất nghiệp đói cơm rách áo
Quỷ thâm cung nhuộm máu ngai vàng
Quỷ thơ chúng mình vỡ nợ
Niềm tin giữa chợ trần gian.
(“Cầu
Mặt Quỷ”, Kỳ hồ)
Nhưng ta hãy trở lại với lục bát Phạm Xuân Trường qua
“Kỳ hồ” và “Dị thảo”, thử khảo sát xem cái thứ lục bát “ma mị” ấy nó “ám” người
đọc đến mức độ nào.
Đương nhiên, tinh thần công dân thì đúng rồi, có điều
nó được thể hiện như thế nào qua ngôn ngữ và hình ảnh thơ? Trước hết ta phải
ghi nhận, “khí thơ” trong cả hai tập này đều mạnh mẽ, ngang tàng thuộc về dương
tính, cương cường như quẻ “càn” trong Dịch Kinh. Cái “khí” ấy dường như mang
phẩm chất của hiệp sĩ giang hồ thời mạt pháp, lúc nào cũng sẵn sàng vung gươm
bảo vệ lẽ phải theo phương châm “giữa đường thấy sự bất bằng mà tha”. Mở kho
tàng thi ca của chàng du tử “lang bạt kỳ hồ” đầy ẩn ức bởi cái đầu khá nóng,
người ta còn nhận ra, ngoài tư tưởng “nổi loạn” với chính mình, anh ta còn lưu
giữ một lớp ngôn từ CẢM KHÁI về thân phận con người. Những vần thơ như thế, sau
khi đọc, không khỏi làm ta rơi nước mắt bởi nỗi thống khổ, trầm luân của chúng
sinh trong “cuộc trăm năm”. Cảm khái là một trạng thái tình cảm được cụ thể hóa
thành thơ qua các thủ pháp nghệ thuật trong quá trình sáng tác, nhưng không
phải ai cũng giống nhau. Nó vừa phổ quát lại vừa mang tính cá biệt. Sợ nhất là
loại cảm khái “quốc doanh” của những nhà thơ “đồng nát”. Ở cấp độ “đồng nát”, người
“sáng tác” chẳng khác gì loài chim anh vũ, vẻ ngoài sặc sỡ, nhưng tất cả đều
hót cùng một giọng, biến cảm xúc tự đáy lòng thành thương vay khóc mướn, ăn
theo đám đông phục vụ đấng quyền uy đang nắm sinh mệnh sống của mình. Loại thơ
“ba dọi” ấy rất có hại cho nhân quần. Phạm Xuân Trường ghét cay ghét đắng chủ sở
hữu của những sản phẩm như thế, đến nỗi sau khi buộc phải bắt tay một nhà thơ, chàng
lập tức phải tẩy mùi xú uế:
Yêu nửa vời, ghét nửa vời
Nửa câu ai oán, nửa lời tung hô
Bất ngờ gặp lại bạn xưa
Bắt tay xong vội xuống hồ rửa tay...
(“Gặp
một bạn thơ ở Hồ Gươm”, Kỳ hồ)
Nhìn chung, phần chủ đạo của phong cách nghệ thuật ở
hai tập “Kỳ hồ” và “Dị thảo” là thái độ cảm khái được nâng thành triết lý nhân
sinh. Những bài thơ mang đặc điểm này đều có TỨ rất vững, lại được gia cường
bằng tinh thần nghĩa hiệp với cấu trúc lục bát kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền
thống và hiện đại nên tạo được những văn bản ngoài văn bản đầy ắp tính ẩn dụ,
chẳng hạn như:
Nước non thành bãi chiến trường
Hồn lính thú khóc nắm xương lưu đày.
(“Thắp hương lạy Mẫu Thượng
Ngàn”, Kỳ hồ)
Có thể thấy “xương lưu đày”, một thực thể hữu hình của
lính thú trận vong đã là một hình ảnh có giá trị biểu cảm. Nhưng “hồn lính thú”
khóc cho nắm xương tàn của mình nơi chiến địa thì giá trị biểu cảm còn cao hơn
một bậc. Đó chính là sự cảm khái thẩm mỹ mà tác giả phải có sự rung cảm tâm
hồn, một nỗi đau trần thế sâu nặng đến khôn cùng mới viết nổi.
Trong làng văn, trừ loại bồi bút “quốc doanh” ở tầm
văn hóa “bán khai”, còn với những cây bút có lương tri, hầu hết đều đã đọc
“Người chăn kiến” của Bùi Ngọc Tấn. Bùi Ngọc Tấn là một phạm nhân không án
nhưng lại được nhà nước ta ưu ái cho nhập trại để “cải tạo tư tưởng gần hai
“lệnh”. Trong tù, những lúc rỗi rãi, ông nghĩ ra trò “chăn kiến” để giết thời
gian. Chăn kiến là một hành vi quái gở, nó được người tù nổi tiếng Đất Cảng
phát minh bởi một hoàn cảnh quái gở vốn là sản phẩm của học thuyết đấu tranh
giai cấp. Cảm khái về sự kiện không tiền khoáng hậu này, Phạm Xuân Trường viết
bài lục bát tứ tuyệt nhưng đã hoán đổi nội hàm từ “người chăn kiến” sang “kiến
bò miệng chén”:
Người chăn kiến” đã đi rồi
Lại mang anh đến đỉnh trời để xem
Cờ người một cuộc đỏ đen
“Kiến bò miệng chén” làm em giật mình.
(“Đọc
Bùi Ngọc Tấn”, Kỳ hồ)
Đọc Phạm Xuân Trường, có những lúc ranh giới giữa sự
“cảm khái” và lòng trắc ẩn bị xóa nhòa. Nó như hai vòng tròn đồng tâm nhưng bán
kính khác nhau tuy cùng biểu đạt một khái niệm. Có thể xem “Bạn Việt kiều ở Mỹ
về mời khêu ốc” trong tập “Dị thảo” là một trong số đó. Chuỗi hồi ức về tuổi ấu
thơ gắn liền với những hình ảnh quê hương cây đa, giếng nước, sân đình gieo vào
lòng người xa xứ nỗi buồn man mác, nhưng cái hiện thực đầy nghịch lý trước mắt
mới làm cho cả kẻ ở, người đi nuối tiếc một thời đã qua:
Rồi ra bảy nổi ba chìm
Chúng mình tan tác như chim lạc bầy
Sân nhà “cái Cúc” chiều nay
Ốc khêu rút ruột đêm đầy đọa thơ.
(“Bạn
Việt kiều ở Mỹ về...”, Dị thảo)
Có một điều ta phải ghi nhận, cái gọi là “cảm khái”
trong hai tập “Kỳ hồ” và “Dị thảo” không chỉ giới hạn trong một cá thể hay sự
kiện đơn lẻ. “Cảm khái” của Phạm Xuân Trường còn được nâng lên ở tẩm cộng đồng
dân tộc. Cảm khái cho thân phận nhược tiểu khi mà tương lai đất nước được trao
vào tay những kẻ bất tài, vô dụng nhưng lại nhiều tham vọng. Hình ảnh Cụ Rùa Hồ
Gươm bị bức tử bởi ô nhiễm môi trường nước đã thành cái TỨ cho nhà thơ phóng
bút viết những dòng đầy “tâm trạng”:
Cụ Rùa chết giữa mùa xuân
Tượng vua khuất lấp gươm thần ở đâu?
Cụ “tù” như thế đã lâu
Chứng nhân máu chảy rơi đầu bao phen
Ai trí dũng, ai thấp hèn
Gươm thiêng còn sáng hay hoen gỉ rồi
Biển Đông sóng dậy như sôi
Nước còn đất mất mà người bỏ đi.
(“Điềm
giời”, Dị thảo)
Không phải lúc nào lục bát Phạm Xuân Trường chỉ có
“gươm đao giáo mác”. Thực ra, anh chàng đầu bạc với mái tóc nghệ sĩ ấy thậm đa
tình, đa cảm, đa đoan và đôi lúc còn “đa sự” nữa. Anh ta thích giễu người khác
nhất là bọn thi sĩ “mất máu” nhưng cũng không ít lần giễu mình qua những vần
thơ tự trào phảng phất tinh thần Don Quijote. Ấy là những lúc cái “máu” giang
hồ bốc lên tạo thành nộ khí “xung thiên” trong căn phòng ẩn tàng hồn vía mấy
chục vĩ nhân:
Buồn đem tiểu thuyết “Sống mòn”
Xem ra kiếp sống nay còn hơn xưa
Dẫu như lá ở sân chùa
Lương hưu thoi thóp rau dưa qua ngày...
(“365
ngày đều là tết”, Dị thảo)
Và đây là cái tình của người nghệ sĩ tự thấy mình bất
lực trước nghĩa vụ làm đấng mày râu trong khi cuộc đời thực thì “cơm áo không
đùa với khách thơ”. Tự trào kiểu Tú Xương, phẫn chí bởi chót dính với nghiệp
thơ và cảm khái trước nỗi tảo tần của người bạn trăm năm, thi sĩ “gò đồng” hạ
bút:
Em như cò vạc đồng sâu
Chồng ư? Một gã bạc đầu viển vông.
(“Gã
mộng du”, Dị thảo)
Với phải yếu, bao giờ Phạm Xuân Trường cũng dành cho
chị em những tấm chân tình, nhất là các cô gái quá lứa nhỡ thì, thuộc thế hệ
X40, 50, từng hồn nhiên đem mạng sống của mình đặt cược cho tương lai bởi lời
đường mật của những gã Sở Khanh nhân danh chủ thuyết “đấu tranh giai cấp”. Bản
thân người viết bài này cũng từng có mấy năm lăn lộn rừng Trường Sơn, đã nếm đủ
cay đắng ngọt bùi nên hiểu hơn ai hết thân phận của các thanh niên xung phong
thời chiến loạn. Nói cho công bằng, không phải hàng trăm hay hàng ngàn mà đến mấy
vạn phụ nữ từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên trở về mang trong mình hai thứ
bệnh ghê gớm tàn phá sức khỏe và dung nhan là sốt rét và chất độc da cam. Trong
khi đó, có cả triệu thanh niên trai tráng cầm súng “vô nam” nhưng, nói như
Vương Hàn trong “Lương Châu từ” thì “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”. Bài toán
hậu chiến, người ta không muốn giải hay không thể giải. Đó là hệ lụy khiến
những nữ anh hùng bất đắc dĩ của chúng ta không tìm được mái ấm gia đình. Người
sống lay lắt nhờ vào sự cưu mang của đấng sinh thành hay anh chị em, kẻ xuống
tóc nương nhờ cửa Phật, phó thác phần đời còn lại cho một viễn cảnh xa xôi chẳng
biết có hay không trên cõi niết bàn.
Cảm khái về những thân phận người nữ thanh niên xung
phong một thời bom đạn, từ những tập trước đây như “Cỏ Cháy”, “Ở trọ hồn làng”
hay “Thần dược”, Phạm Xuân Trường đã có những bài lục bát rất xúc động. Đó là
tình cảm chân thành qua những vần thơ như được chiết xuất ra từ máu thịt, minh
chứng cho tâm thức kẻ quân tử lấy tinh thần thương yêu đồng loại làm hành động
ứng xử. Trong số ấy, có thể kể đến “Giếng chùa” trong tập “Cỏ cháy”, “Vết sẹo”
trong “Bến chuồn chuồn”, “Tự chọn”, “Hoa tầm xuân” và “Trước đền mười cô gái
Lam Hạ” trong “Thần dược”. Hầu hết những bài thơ này đều lấy cảm hứng từ hình
tượng người nữ thanh niên xung phong và hoàn cảnh bi đát của họ sau cuộc chiến
mười năm huynh đệ tương tàn:
Đến kỳ lòng vẫn đổ mưa
Chợt nghe tiếng trẻ mà chua xót mình
Bao nhiêu vết sẹo đầu cành
Gió ơi! Còn hát biếc xanh làm gì.
(“Giếng
chua”, Cỏ cháy)
Chị giờ tóc trắng như vôi
Vết thương ngày ấy “trở trời lại đau”.
(“Tự
chọn”, Thần dược)
Soi gương ai ở trong hình
Thương thay cái bóng khóc mình trong gương.
(“Hoa
tầm xuân”, Thần dược)
Cát lầm giun dế kêu oan
Chúng sinh như cỏ ngổn ngang là đời
Nào em hãy nhẹ bước thôi
Đừng giẫm lên cỏ cho người dưới đau.
(“Trước
đền mười cô gái Lam Hạ”, Thần dược)
Tiếp nối mạch thơ trên, trong “Dị thảo”, Phạm Xuân
Trường viết “Thế chấp”, một bài lục bát đắng lòng khi mà tuổi xuân của người
con gái ngậm ngùi để lại ở miền ký ức:
Lấy gì để thế chấp đây
Tuổi xuân đã cạn mình đầy sẹo bom
Qua rồi cái thuở trăng non
Thân làm cột mốc đường mòn xe qua.
Thời gian nghiệt ngã, thế sự vô tình, hình hài còn lại
ngày hôm nay chợt ước ao một điều không bao giờ xảy ra:
Giá mà trở lại đôi mươi
Em mang thế chấp nụ cười trăng non.
Với bạn bè, Phạm Xuân Trường có thái độ yêu ghét rõ
ràng. Phẩm chất ấy được chuyển hóa cả vào thơ. Một mặt, do khinh bỉ loại thi sĩ
“bưng bô”, đến nỗi, bắt tay ông bạn cũ xong, gã vội xuống hồ rửa tay, thế nhưng
với bằng hữu lại thể hiện một thái độ hoàn toàn khác. Ở đó, ta bất chợt nhận ra
một Phạm Xuân Trường chí tình, chí nghĩa, một gã bạch đầu mau nước mắt làm thổn
thức lòng nhân thế. Những dòng “thi lệ” ấy còn hơn cả sự cảm khái khi mà nó
xoáy vào tâm can mỗi chúng ta nỗi nhức nhối khôn nguôi bởi “cán cân tạo hóa rơi
đâu mất/ Miệng túi càn khôn khép lại rồi”. Đó là một nữ sĩ Đoàn Lê đa tài đa
đoan khi “cánh hạc về trời”:
Cuộc người cuốn giữa đục trong
“Hoa bèo” chìm nổi long đong một đời
Tình duyên chị vỡ làm đôi
Chiều nghiêng xóm núi đổ trời heo may
(...)
Gót hồng rời bến đa đoan
Nhẹ tênh rũ bụi trần gian chị về.
(“Đóa
hồng nhan đã lìa cành”, Dị thảo)
Và một Nguyễn Trọng Tạo, thi nhân xứ Nghệ nhưng tâm
hồn lại gửi mãi miền quê Quan họ:
Dốc cho cạn chén vô thường
Say ư? Chỉ tại thiên đường đảo điên
Dấu chân phiêu bạt trăm miền
Giờ về dưới cỏ bình yên kiếp đời.
(“Tạo
ơi”, Dị thảo)
Cấu trúc lục
bát ở đây khiến người đọc liên tưởng đến một khổ “Đoạn trường tân thanh”. Từng
câu, từng chữ đều bi thương, ai oán, nhưng mặt khác cũng lại hàm ẩn sự an nhiên
tự tại của một chủ thể nắm được quy luật muôn đời: con người ta sống mấy chục
năm trên mảnh đất đầy thị phi này chỉ là cõi tạm.
Thế cho nên, với bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, vừa qua
đời vì căn bệnh hiểm nghéo, Phạm Xuân Trường khóc bạn trong sự cảm khái về thói
đời đen bạc. Nỗi đau nhân thế chứa chất trong lòng, bị dồn nén đến độ bùng phát
thành thứ ngôn ngữ lục bát như một câu hỏi không lời đáp:
Đưa Tuyên về “bến không màu”
Bạn văn chương sống xưa đâu hết rồi
Thế nào là bạc như vôi
Ngước lên di ảnh Tuyên cười bình yên.
“Chết
như Tuyên sống chẳng quên bao giờ”, Dị thảo)
Viết về người bạn vong niên quá cố Thái Doãn Hiểu, Phạm
Xuân Trường không chỉ khóc chia buồn mà tác giả còn dành hẳn một đoạn bình luận
trữ tình ngoại đề về nhân tình thế thái. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng được
diễn đạt bằng tâm trạng của một người đa cảm, đa tình:
Rũ cho sạch bụi phong trần
Đục trong đời cũng có ngần ấy thôi
“Bùn còn ở chín tầng trời”
Trách chi trần thế nói lời giả nhân
Sau mưa mặt nạ phơi trần
Thì đành bất kính thánh thần anh ơi?
(“Thái
Doãn Hiểu anh chưa bao giờ chết”, Dị thảo)
Lục bát là thể loại thơ đa chức năng vừa mang yếu tố
trữ tình vừa có khả năng tự sự. Phạm Xuân Trường có biệt tài sử dụng thể thơ
dân tộc luận bàn về thời cuộc như là một thao tác phản biện xã hội. Đương
nhiên, không phải đợi đến “Kỳ hồ” và “Dị thảo”, mà kỹ năng này đã trở thành
phong cách xuyên suốt quá trình sáng tác
Luận về thời
cuộc hay bàn về thế sự, thực ra đều cùng một nội hàm, vấn đề là, ở từng bài cụ
thể, nó là hiển ngôn hay hàm ý mà thôi. Nếu ở các tập trước như “Cỏ cháy”, “Ở
trọ hồn làng”, “Bến chuồn chuồn” hay “Thần dược” có những bài “Chôn dọc”, “Làm
vua”, “Ôi công nông”, “Chó đá”..., thì trong “Kỳ hồ” và “Dị thảo”, người đọc
cũng dễ dàng nhận ra bút pháp đặc sắc ấy qua các bài “Thắp hương lạy Mẫu Thượng
Ngàn”, “Giấc mơ đêm”, “Mưa Tây Bắc”, “Đọc Bùi Ngọc Tấn”, “Không gian Tam Đảo”,
“Rối nước”, “Cờ người”, “Cả tin”, “Cỏ và tôi”, “Đĩa vỏ đạn đồng”, “Đèn cù”...
Trong bài “Giấc mơ đêm”, Phạm Xuân Trường tìm về ký
ức, hình dung ra một đoàn quân sốt rét rụng tóc hành quân qua Cổng Trời vô cùng
bi tráng:
“Đêm nào Tây Bắc cũng mưa
Đoàn quân không mọc tóc vừa qua đây
(...)
Sầm Nưa Tây Tiến là đây
Tàn nhang cong dấu hỏi này hỏi ai”.
(“Giấc
mơ đêm”, Kỳ hồ)
Tuy nhiên, không phải lúc nào Phạm Xuân Trường cũng sử
dụng lục bát làm phương tiện chuyển tải thông điệp nghệ thuật của mình. Những
bài thơ tự do, cho dù chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn nhưng giá trị phản biện của nó
thì lại không khiêm tốn chút nào. Nếu đọc kỹ bài “Không gia Tam đảo” và “Bất
chợt” chúng ta sẽ thấy tác giả muốn nói gì.
Ở “không gian Tam Đảo” thời “đỉnh cao trí tuệ” buộc
người ta phải tìm về quá khứ để đối chiếu với hiện tại khi mà 143 biệt thự bị
san phẳng trong chiến dịch vĩ đại “tiêu thổ kháng chiến”:
Đập cái cũ xây nên cái mới
Tam đảo mấp mô chen lấn xô bồ
Gió gấp khúc ngoằn ngoèo như trốn nợ
Móng nhà này ngồi lên nóc nhà kia.
(“Không
gian Tam Đảo “, Kỳ hồ)
Đó những công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật cao
do một kiến trúc sư người Việt nổi tiếng thiết kế. Sự kiện này đã được nhà văn
Hà Đình Cẩn tái hiện rất chi tiết trong tiểu thuyết “Tam Đảo mù sương”. Bằng
vào mệnh lệnh của một người (hay nhóm người) chưa đọc thông viết thạo chữ Quốc
ngữ nhưng lại được trang bị vũ khí “chuyên chính vô sản”, chỉ trong một sớm một
chiều, bức tử cả một quần thể kiến trúc đồ sộ mà cả trăm năm sau cũng không
phục hồi nguyên dạng được.
Một bài thơ tự do khác cũng mang tinh thần phản biện
nhưng nó ở dạng hiển ngôn nên lại càng sắc bén. Đây cũng là tâm lý chung của
“một bộ phận không nhỏ” cộng đồng dân tộc mỗi khi ngồi trước màn ảnh nhỏ, có
điều không phải ai cũng nói được bằng thơ:
Bật ti vi cốt nghe thời tiết
Bẵng đi không biết nói gì
Bất chợt diễn viên hài choang choác
Khoác áo hoàng bào đội mũ bình thiên
Lại rao giảng một niềm tin giẫy chết
Hất chén rượu buồn
Tắt ti vi...
(“Bất
chợt”, Kỳ hồ)
Trong thơ mình, Phạm Xuân Trường coi cuộc đời này là
một ván cờ mà người chơi được nhìn nhận như đấng “Tạo hóa”. Nói vậy, nhưng thật
ra, cái gọi là tạo hóa ấy cũng chỉ là những con người, do những điều kiện xã
hội thuận lợi, nhảy vào cuộc chơi. Ván cờ người ở đây chính là ván cờ đời, nên
tính chất vô cùng khốc liệt. Đọc những vần lục bát miêu tả trận chiến của tác
giả khiến không ít bạn đọc nổi da gà:
Cao tay lừa miếng cuối cùng
Giả thua để kẻ kiêu hùng sảy chân
Cuộc người loáng thoáng phù vân
Tốt đen, tốt đỏ cứ vần vũ xoay
Qua hà thạch tín bủa vây
Sĩ điều chết bởi bàn tay vô hình
Chợ cung đình - ván chúng sinh
Hậu cung bao kẻ cố tình giật dây.
(“Cờ người”, Dị thảo)
Sau
chuyến du hành phương Nam, vào tận chót Mũi Cà Mau rồi quá giang qua thăm gia
đình chủ trang trại thủy sản Phạm Quang Tuyến ở Đồng Tháp, Phạm Xuân Trường
ngược về xứ Gia Định xưa, ngẫu hứng viết “Một thoáng Sài Gòn” như một liên khúc
với 5 bài lục bát tứ tuyệt. Tuy mỗi bài thơ đều gắn với một tên đường tên phố
hay sự kiện lịch sử, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là những suy ngẫm về
hiện tại, quá khứ, từ đó dự phóng một tương lai cho vùng đất từng được coi là
“Hòn ngọc Viễn Đông”:
Xếp hàng trước cổng sắt cao
Ba mươi ngàn - một vé vào tham quan
Sa lông vẫn phủ gấm vàng
Nền Cộng hòa cớ sao tan hả giời?
(...)
Thâm nghiêm vật đổi sao dời
Mới hay dâu bể cuộc người nổi trôi
Sau dinh Độc Lập ta ngồi
Cà phê như giọt máu rơi chậm buồn...
(“Một
thoáng Sài Gòn”)
Trên đây chính là hồn vía của “Kỳ hồ” và “Dị thảo”.
Trộm nghĩ, chỉ thế là đủ, chả cần dài dòng lôi thôi, mất thời gian của bạn
đọc...
Chí Linh, 15 tháng 10 năm 2019
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét