Tôi có cơ may từng đọc một số tác phẩm của
Đinh Công Vỹ trước khi làm quen với ông nhân cuộc hội thảo khoa học về Trạng
Bùng Phùng Khắc Khoan. Đinh Công Vỹ sinh ra ở Xứ Đoài, nơi có ngọn núi Ba Vì
quanh năm lãng đãng màu mây trắng.
Xứ Đoài là vùng địa linh nhân kiệt, là cội
nguồn xuất phát của nền văn minh Đại Việt nên có lắm người hiền, mà một trong
số đó là làng cổ Đương Lâm từng xuất sinh hai vị vua nổi tiếng. Xứ Đoài còn là
vùng đất của linh khí văn chương. Chưa kể trong lịch đại, chỉ tính từ đầu thế
kỷ XX đến nay, Sơn Tây đã xuất hiện hai ngôi sao rực rỡ trên văn đàn là Tản Đà
Nguyễn Khắc Hiếu và Quang Dũng Bùi Đình Diệm.
Xứ Đoài lắm anh tài như vậy, thế nên, được
làm bạn với Đinh Công Vỹ thật là một vinh hạnh. Như vậy, cho đến lúc này, ít
nhất tôi cũng đã có hai người bạn Xứ Đoài, bởi ngoài Đinh Công Vỹ ra còn có một
ông nghè khác, quê đất Đường Lâm, rất nổi tiếng là nhà Hán Nôm học Lâm Khang
Nguyễn Xuân Diện.
Đinh Công Vỹ là cử nhân văn chương, tốt
nghiệp khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng lại làm luận án tiến sĩ sử
học dưới sự hướng dẫn của giáo sư Trần Nghĩa và giáo sư Chương Thâu. Cùng với
học vị tiến sĩ, ông còn tự trang bị cho mình vốn kiến thức đáng kể về văn hóa Hán
trung đại, đã từng làm việc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hàng chục năm. Đây
chính là điều kiện tuyệt hảo để chàng trai Xứ Đoài, hậu duệ của Ngoại giáp Đinh
Điền tiếp cận các tư liệu lịch sử bằng chữ Hán để sau này viết được hàng loạt
tác phẩm khảo cứu với tham vọng bổ cứu những chỗ khiếm khuyết của Quốc sử, phản
biện những chỗ còn mờ nhòe hoặc sai với sự thật mà các sử gia tiền triều phải
viết dưới sức ép của triều đình phong kiến.
Là người có kiến văn sâu rộng, chính kiến
rõ ràng, ngòi bút đầy nội lực nên sự nghiệp sáng tác của Đinh Công Vĩ rất phong
phú, đa dạng. Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cầm bút, Đinh Công Vỹ đã định hình
được phong cách về thể loại biên khảo với thái độ cẩn trọng, chính xác. Có được
những thành tựu ấy là bởi, ông hết sức say mê công việc với tư cách một nhà
khoa học, từng dày công điền dã, sưu tầm trong dân gian qua hệ thống văn bia,
gia phả, sắc phong nơi đình chùa đền miếu, nhằm cung cấp cho người đọc một các
nhìn mới mẻ về lịch sử. Ở loại hình biên khảo, có thể kể đến “Phương pháp làm sử của Lê Quý Đôn” mà
ông gọi là “Chuyên luận khoa học”,
NXB Khoa học xã hội, 1994; “Các bậc khai
quốc triều Lê - Bí sử một vương triều”, NXB Văn hóa Dân tộc, 2003; “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê”,
NXB Đà Nẵng 2005; “Bên lề chính sử”,
NXB Văn hóa-Thông tin”, 2005; “Nhà sử học
Lê Quý Đôn”, NXB Văn hóa -Thông tin, 2012...
Tuy nhiên, với tư cách là một cử nhân văn
chương, Đinh Công Vỹ còn có khả năng kết hợp một cách tài tình giữa các thể
loại, biến thể loại “hàn lâm” thành những văn bản có chất thơ như “Nguyễn Du đời và tình”, NXB Phụ nữ, 2006
hay “Chuyện tình vua chúa hoàng tộc”,
NXB Phụ nữ, 2012”. Nhưng chưa hết, đến “Thảm
án các công thần khai quốc đời Lê”, một tác phẩm cung cấp cho chúng ta
nhiều tư liệu lịch sử ngoài chính sử vô cùng quý giá, thì quả thật, không biết
xếp cuốn sách này vào thể loại nào. Là biên
khảo hay tiểu thuyết lịch sử? Có
điều, đọc xong một lần lại muốn đọc lần thứ hai, thứ ba. Nó quá hay, quá hấp
dẫn, chẳng thế mà NXB Đà Nẵng giữ bản quyền tái bản nhiều lần.
Cho nên, cái tài của Đinh Công Vỹ quả thật
đã vượt ra ngoài lĩnh vưc biên khảo lịch sử bởi lẽ ông còn có tâm hồn thi sĩ.
Văn chương với họ Đinh dường như đã được lập trình bởi ngôi Văn Khúc chiếu vào
cung mệnh từ lúc thân mẫu mới hoài thai. Cái thiên bẩm ấy sớm hiển lộ ngay từ
thời còn học trường Phổ thông cấp III Sơn Tây với truyện thơ song thất lục bát
đầy lãng mạn về thi hào Nguyễn Du. Có lẽ cũng bởi tố chất ấy ta xếp cuốn “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê”
vào loại hình tiểu thuyết lịch sử cũng không sai. “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê” được viết theo trình tự
thời gian tuyến tính, với 8 chương về các nhân vật và sự kiện có liên quan mật
thiết với nhau bắt đầu từ cuộc bao vây thành Xương Giang cho đến khi Lê Lợi sát
hại các công thần khai quốc, Lê Thái Tông bất đắc kỳ tử kéo theo thảm án Lệ Chi
Viên, tru di ba họ Nguyễn Trãi, và cuối cùng là Lê Thánh Tông “trả mối ân
tình”. Cuốn sách mang đậm phong cách sử thi qua lối hành văn cổ điển với một
bút pháp linh hoạt, biến ảo nhưng vẫn bám sát hiện thực lịch sử. Đó là thứ hiện
thực ngoài chính sử nhưng lại thấm
đẫm tinh thần lịch sử và đương nhiên là đủ độ tin cậy nên có sức hấp dẫn ngay
cả những người đọc khó tính. Điều đó cũng không mấy khó hiểu, bởi lẽ, cách viết
của Đinh Công Vỹ luôn lấy cái bất biến để ứng vạn biến. Ông tiếp cận lịch sử
không chỉ qua những dòng chữ lạnh lùng, đôi khi nặng về thiên kiến của các sử
gia đương thời, mà còn nhìn nhận nó bằng con mắt phê phán như một thao tác phản
biện để trả sự công bằng cho lịch sử do chính con người làm cho bị biến dạng.
Theo chúng tôi, có được những tác phẩm
chinh phục con tim và khối óc người đọc như “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê”, “Bên lề chính sử” hay “Phương
pháp làm sử của Lê Quý Đôn”, trước hết
Đinh Công Vỹ phải có tư chất của một người làm sử chân chính. Ông hành
xử với di sản của cha ông để lại bằng tinh thần gạn đục khơi trong, tôn trọng
trước tác của các bậc tiền nhân nhưng không rập khuôn một cách mù quáng. Với
chính sử, bất cứ một hiện tượng nào cảm thấy không bình thường là ông đặt ngay
dấu hỏi, rồi tự mình tìm câu trả lời. Muốn vậy, cần phải có sự bác lãm, kinh
lịch.
Tôi khâm phục sức đọc của Đinh Công Vỹ và
trí nhớ tuyệt vời của tác giả. Viết mấy ngàn trang sách, sử dụng hàng đống tư
liệu cổ kim, nếu không đọc thiên kinh vạn quyển, làm sao Đinh Công Vỹ có được
những cuốn biên khảo nổi tiếng như “Chuyện
tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam”, “Nguyễn
Du đời và tình” hay “Bên lề chính sử”.
Cho nên, mỗi bài viết của ông cho dù dài
hay ngắn ta đều có cảm nhận như một công trình khoa học nghiêm túc. Tuy nhiên,
đọc nhiều và đi nhiều đấy mới chỉ là tiền đề. Cái làm nên sự thành công của
Đinh Công Vỹ chính là đầu óc phân tích logique được thể hiện bằng lối văn nghị
luận hùng hồn với những luận cứ sắc bén, những dẫn chứng hết sức thuyết phục
được tổng hợp từ nhiều thư tịch mà tác giả đã dày công sưu tâm qua các chuyến
điền dã. Hơn thế nữa, trong quá trình “bút chiến”, tác giả luôn đặt sự việc,
hiện tượng lịch sử trong môi trường địa chính trị, địa văn hóa trong các mối
quan hệ đa chiều như một phương pháp luận cơ bản. Đặc điểm này chúng ta có thể
thấy rất rõ trong “Bên lề chính sử”.
Chẳng hạn việc trả lại công bằng cho Đinh Điền và Nguyễn Bặc thời Tiền Lê là
một ví dụ điển hình. Với luận điểm sắc bén kết hợp với những dẫn chứng từ nhiều
nguồn tư liệu dân gian hay thư tịch Hán Nôm, lại được trình bày bằng mô hình
câu mở rộng thành phần gồm nhiều tính từ, trạng từ nên văn bản luôn đạt đến
hiệu ứng thẩm mỹ tối đa ở cả nội dung thông tin lẫn giá trị biểu cảm. Ví dụ,
khi nói đến chính sử thời Lê sơ do nhóm Ngô Sĩ Liên ghi chép về vụ thảm án Lệ
Chi Viên, Đinh Công Vỹ nhận xét có tính khẳng định “Một trong những cái yếu của Quốc sử là thường viết dưới quyền uy của
bọn cầm quyền triều đại nên sự thật dễ bị bóp méo làm sao có lợi cho bọn họ. Đó
là điều rất khó khăn, rất tai hại không những cho đương thời mà cả hậu thế sau
này về việc khảo cứu để tìm ra sự thật chân chính, khách quan. Là sử của vương
triều nên đời sống nhân dân, thái độ của nhân dân đối với vụ án này không được
ghi vào...” (“Thảm án Lệ Chi Viên với hình ảnh Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ từ
Quốc sử đến ký, truyện và tiểu thuyết”, tr.144). Với tiêu đề “Phải làm sáng tỏ hình ảnh Đinh Điền, Nguyễn
Bặc, Lê Hoàn, ai ngay, ai gian?”, sau khi sử dụng các lời bình của Ngô Sĩ
Liên và Lê Tung cũng như “Thiên Nam ngữ lục” hay “Đại Nam quốc sử diễn ca” về
hai vị khai quốc công thần thời Tiền Lê, Đinh Công Vỹ viết “Do vậy, Đinh Điền, Nguyễn Bặc không hề có
tội gì gọi là ‘tiếp tay hay tư thông’ với nhà Tống trong cuộc xâm lược nước ta
của chúng. Không những thế, hai ông còn là những người có công nữa. Bởi quân
đội do Lê Hoàn thống lĩnh để đánh Tống
bình Chiêm thắng lợi là quân đội đã được rèn luyện dưới thời Đinh với công lao
lớn của Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc...”.
Trong vụ án Lệ Chi Viên, Đinh Công Vỹ không
phải người đầu tiên chỉ ra Nguyễn Thị Anh và phe cánh là chính danh thủ phạm, nhưng
ông đã cung cấp cho người đọc những chứng cứ rất thuyết phục về cái chết của Lê
Thái Tông. Đương nhiên, đây đều là chứng cứ “bên lề chính sử” nhưng hầu như
không thể phủ nhận. Một trong số đó là “Bút
ký Hồng Mai” trong ngọc phả của dòng họ Đinh do Đinh Liệt ghi chép dưới
dạng “mật ngữ” về sự kiện hoàng hậu Nguyễn Thị Anh nhập cung 6 tháng đã sinh ra
Lê Nhân Tông và Lê Nguyên Sơn mới chính là bố đẻ của nghiệt chủng Bang Cơ (邦基). Về vụ bê bối “hoán cốt đoạt thai” này,
quan điểm của Đinh Công Vỹ rất khác với chính sử “Mới 20 tuổi, vua Lê Thái Tông đã chết đột ngột. Ai giết ông? Có thể là
Thái Tông tự giết mình hay góp phần để người khác dễ giết về dục tình, vì ăn
chơi quá đà để Thị Anh lợi dụng, hoặc phải chăng là do Thị anh giết? Bởi biết
đâu sự nhập nhằng của bà có thể có người biết, nếu lan ra, đến tai vua thì nguy
quá. Vậy bà phải lợi dụng cái chết do bệnh tình của bản thân vua, hay phải giết
vua sớm, để sớm đưa Bang Cơ lên ngôi, tránh tai vạ”.
Về Lê Thánh Tông, người từng được Nguyễn
Trãi và Nguyễn Thị Lộ cứu thoát cả hai mẹ con trong cơn biến động cung đình,
sau khi lên ngôi đã xuống chiếu tẩy oan cho Ức Trai tiên sinh nhưng không chiêu
tuyết cho Lễ nghi học sĩ, khiến bà vẫn mang tiếng với thế gian là đầu độc nhà vua.
Vị“Thiên Nam Động chủ” này, chẳng những người đương thời mà ngay cả các sử gia
hậu thế cũng ngợi ca hết lời là một “minh quân”. Vậy vì sao, ông vua thứ 5
triều Lê (kể cả Nghi Dân) vẫn cam lòng để cho người phụ nữ từng cưu mang mình
bị hàm oan? Về nan đề này, Đinh Công Vỹ phân tích rất hữu lý: “Cho nên đến năm Quang Thuận thứ 4 (1464)
Thánh Tông buộc phải chính thức ban chế tẩy oan và phong tặng Nguyễn Trãi chức
Trụ quốc Tán Trù bá, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu. Dù chức tước này kém
nhiều so với chức tước buổi sinh thời đang lên của Nguyễn Trãi, một việc phong
tặng khéo léo, có dụng ý của ông vua gọi là ‘thánh’. Nhưng đã ‘tẩy oan’ thì
không thể coi người ta là thủ phạm được nữa (...) Vậy thủ phạm là ai? Nhà sử
học được gọi là sử thần triều đại không dám động đến lông chân Nguyễn Thị Anh
vì thị là mẹ già ông vua được gọi là ‘thánh’ đương thời, là bậc mẫu nghi thiên
hạ (...), đã đẻ ra Nhân Tông, một trong những lịch đại đế vương của nhà Lê (dù
là đế vương hoán máu đổi ngôi người khác khó biết). Vậy động đến Thị Anh là
động đến Thái Tông bố vua, đến bộ mặt, uy tín vương triều. Nhưng đã là vụ án
thì không thể không có thủ phạm. Không dám tìm ra thủ phạm đích thực thì phải
đổ cho người là là thủ phạm để đỡ đòn (...) Suy đến cùng không đổ cho ai tiện
bằng Nguyễn Thị Lộ vì bà Lộ trước đó đã từng bị quy là tội phạm sẵn. Vào năm
1442 bà mới là a tòng nay lên chính phạm thì sự thay đổi cũng không quá nhiều
(như người trắng án bị quy là thủ phạm) để nhà Lê đỡ mang tiếng là sai nhiều
hoặc sai hoàn toàn (trong khi họ cũng như bọn cầm quyền nhiều triều đại khác
thường cố tình không muốn nhận sai lầm hoặc đổ vấy cho người khác). Đó là cách
rất hay để cho một vương triều lớn, từng hiển hách võ công văn trị như nhà Lê
đỡ mất mặt”.
Có thể nói, với tâm thức của một nhà sử
học chân chính, tâm hồn lại vương vấn nghiệp văn chương, ông đã dành sức lực và
nhiệt huyết của cả một đời cầm bút chiêu tuyết, tìm lại lẽ công bằng cho hàng
loạt công thần, danh tướng chẳng những bị các vương triều phong kiến nghi kỵ
sát hại mà còn bị các sử gia lịch đại coi là loạn thần tặc tử. Những định kiến
ấy từng được bảo lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên hiệu ứng dây chuyền
đóng đinh vào lịch sử, biến nạn nhân thành nỗi oan thiên cổ. Vì thế, trong “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê”,
ở chương 1 “Thành Xương Giang và trăng
nước sông Thương” tác giả tái hiện một cách sinh động hình ảnh Trần Nguyên Hãn
cùng các tướng sĩ trong chiến dịch bao vây giặc Ngô, thì đến chương 4, ông viết
về vị Tả tướng quốc, dù cho đã là hưu quan, vẫn chết bi thảm trên sông Lô bởi
chính Lê Thái Tổ theo phương châm “điểu tận cung tàng”. Như hầu hết các vương triều
phong kiến, khi giành được giang sơn, ngồi trên đỉnh cao quyền lực, Lê Lợi và
đám võ quan Lam Sơn, sau giai đoạn “cộng khổ”, giờ đến lúc chia “quả thực”,
đương nhiên không thể “đồng cam” với những văn thần, võ tướng kiệt hiệt như
Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú... Cho nên, ở chương 5, “Án tù liên đới”, Đinh Công Vỹ cung cấp
cho bạn đọc cách hành xử bất nhân, bất nghĩa của Lê Lợi khi mà ông ta phế bỏ
thái tử, bắt giam Nguyễn Trãi, lưu đày hoặc sát hại hàng loạt công thần với lý
do liên quan đến Tư Tề.
Sau
khi Lê Thái Tổ qua đời, Nguyên Long lên ngôi lúc mới 10 tuổi nên bị cánh võ
quan Lê Sát, Lê Ngân chuyên quyền, thao túng triều chính. Đến khi trưởng thành,
nắm được thực quyền, Thái Tông cũng chẳng hơn gì vua cha trong việc xử lý mạnh
tay những đối thủ chính trị kể cả hai ông bố vợ. Lê Thái Tông là một hoàng đế
ăn chơi trác táng, đã rước một người đàn bà lăng loàn vào triều phong làm chính
cung hoàng hậu dẫn đến vụ thảm án Lệ Chi Viên.
Ở chương 7, “Thảm án Lệ Chi Viên”, dưới
dạng tiểu thuyết, Đinh Công Vỹ đã tái hiện khung cảnh triều Thái Tông bằng ngòi
bút của một học giả có nhãn quan thấu thị, soi rọi một giai đoạn lịch sử Đại
Việt mà điểm nổi bật của nó là cuộc chiến cung đình tàn khốc giành quyền lực.
Qua hình tượng nhân vật Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và vụ án tru di bi thảm do
Nguyễn Thị Anh chủ mưu, có vẻ như tác giả đã điểm trúng huyệt đạo của tất cả
các chính thể, dù là độc tài phong kiến lịch đại hay độc tài toàn trị đương
đại, đều vô cùng dị ứng với tầng lớp trí thức tinh hoa mà Thân Nhân Trung từng
gọi là “nguyên khí quốc gia”. Với các
chế độ phong kiến, “Chiếu cầu hiền”
ban bố trước thiên hạ là một chuyện, còn triều đình có thực tâm trọng dung nhân
tài hay không lại là chuyện khác. Lời nói không đi đôi với việc làm luôn là bản
chất trong nghệ thuật cai trị của các hoàng đế như Trần Dụ Tông, Lê Thái Tổ,
Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức...
Tiếp sau “Thảm án các công thần khai quốc đời Lê”, cuốn “Bên lề chính sử”, Đinh Công Vỹ viết sâu hơn, phong phú hơn và nhiều
tư liệu dân gian hơn về các công thần từng bị hàm oan, bị các sử thần lờ đi
hoặc ghi chép bởi thiên kiến dưới áp lực của các nhóm lợi ích trong triều đình
phong kiến. Đó là các bài “Lê Văn Thịnh
‘hóa hổ’, một nghi án đặc biệt cần xác minh”; “Mưu gian lật đổ Quốc vương Tư Tề”; “Cung vương Khắc Xương sau lọan cung
đình”; “Miếu thờ Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ duy nhất còn ở Thăng Long”;
“Nguyễn Thị Lộ từ quê gốc đến các nẻo đường đất nước”; “Lưỡng quốc trạng nguyên
Nguyễn Trực từ cội nguồn tới ngôi sao rực sáng trên văn đàn Thăng Long”; “Chúa
Chổm là ai?”; “Lê Quý Đôn, niềm khát vọng đổi mới bộ máy quan chức”; “Đại vương thượng tướng Lê Trung Giang và
vùng quê ngọc”; “Dòng họ của nhà canh tân đời Nguyễn Đặng Huy Trứ” và “Tầm mắt Thái Bình Dương xét từ Bùi Viện tới
Phan Bội Châu”.
Không phải ngẫu nhiên Đinh Công Vỹ để bài
“Gia phả bổ sung làm minh xác chính sử”
ngay phần đầu cuốn “Bên lề chính sử”.
Phải đọc hết tiểu luận này mới thấy tầm quan trọng của các bộ gia phả và sự
liên quan mật thiết của nó với lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam qua
các thời kỳ. Trong khi diễn giải ý tưởng của mình, nhà sử học vừa đặt ra câu
hỏi vừa phân tích, đánh giá, nhận xét qua hàng loạt dữ liệu ngoài chính sử
nhưng lại có giá trị bổ sung những khoảng trống vắng hay còn mờ nhòe trong
chính sử. Bởi lẽ “Ở Việt Nam, những nhà
sử học có tư cách như Nam Sử Thị, như Đổng Hồ, dám hy sinh vì chân lý khó tìm.
Các sử thần thủa ấy phụ thuộc vào kẻ cầm quyền, có nhiều khi vì sợ hay vì đời
sống và những lý do tế nhị khác mà ‘ăn cây nào rào cây ấy’ (...) Có những vua
chúa lại can thiệp sâu vào sử sách, bắt sử gia chép theo ý mình, làm sự thực bị
méo mó như trường hợp Lê Thánh Tông bắt Lê Nghĩa phải dâng ‘Nhật lịch’. Chính
sử nhà Lê bị khống chế không thể nào nêu rõ các vụ án công thần khai quốc (...)
Chính sử nhà Nguyễn cũng bị khống chế, phải bóp méo về nhà Tây Sơn, không thực sự
làm rõ các vụ án công thần Đỗ Thanh Nhân, Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Đặng
Trần Thường, Lê Chất...”.
Ngoài nguyên nhân trên, cỏn các nguyên
nhân khác cũng không kém quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng Quốc sử mà Đinh
Công Vỹ nêu ra như hiện tượng “tam sao
thất bản”, “chiến tranh khốc liệt” và nhất là “chính sách đồng hóa, thu thập hủy hoại sách vở của các vương triều
phương Bắc, nhất là nhà Minh”. Theo Đinh Công Vỹ, hệ thống gia phả bổ sung
chính sử rất đa dạng, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đời tư các nhân vật
lịch sử, trong đó có các nhân vật lịch sử ở giai đoạn vương triều sụp đổ phải
lưu lạc tha hương. Tuy vậy, chừng ấy vẫn chưa đủ. Muốn chính sử hoàn chỉnh, gia
phả còn có khả năng bổ sung về tình hình quân sự, về lịch sử dân tộc học, xác minh
những vấn đề địa lý học lịch sử, tính minh xác của niên đại, về các vụ án lịch
sử bí ẩn, phức tạp và cuối cùng là về các huyền bí lăng mộ mà Bửu Kế gọi là “đào mả chính sử”.
Quả thật, nếu không có cách diễn giải trên
tinh thần khoa học của tác giả, chúng ta sẽ rất mơ hồ về giá trị và tầm quan
trọng của các bộ gia phả, nhất là gia phả các dòng họ danh gia vọng tộc Việt
Nam.
Ở phần cuối cuốn sách, tác giả dành ra hơn
100 trang bàn về “truyền thống” trong đó có truyền thống đối ngoại của nước
Việt thời xưa, đặc biệt là “ngoại giao tâm công” cũng như “dĩ bất biến ứng vạn
biến”, mềm dẻo trong sách lược, nhân nhượng có nguyên tắc , giữ vững độc lập
chủ quyền.
Về việc biên soạn thư tịch liên quan đế
lịch sử, Đinh Công Vỹ nêu ra trường hợp Lê Tung và cuốn “Việt giám thông khảo tổng luận”: “Lê Tung không ‘tổng luận’ Việt sử theo riêng từng triều đại dựa vào các
sự kiện lịch sử cơ bản mà ngược lại, ông đã tuần tự bình luận từng bậc đế vương
một (...) về tài trí, đức độ, sự nghiệp với 21 phần dài ngắn linh hoạt”.
Cũng chính vì sự khác với truyền thống viết sử ấy mà Đinh công Vỹ hạ lời bình:
“Với từng đế vương, Lê Tung khen chê vắn
tắt mà rất đủ, điểm rất đúng huyệt. Xét về dàn bầy bố cục tác phẩm, ta thấy Lê
Tung đã làm việc đãi cát lấy vàng, chọn ra cách trình bày cô đọng mà sáng sủa,
làm nôi bật lên được cái ‘sự lý đời xưa đời nay’ như nhà sử học muốn”.
Về lĩnh vực văn chương, Đinh Công Vỹ cũng
là một tay có bút lực đáng nể. Ngoài sáng tác thơ, trong đó có mảng thơ Đường
bằng cả chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán, ông còn viết trường ca và thơ tình ngay từ
lúc còn tuổi hoa niên, làm không ít các cô nàng đa cảm thổn thức tâm can. Tuổi
Giáp Thân (1944), nhưng hình như trong lá số tử vi có sao Thiên di chiếu mệnh
nên Đinh Công Vỹ lúc nào cũng hành tẩu trên đường thiên lý như một đệ tử “xê
dịch” chân truyền của tác giả “Vang bóng một thời”. Là chàng du tử đa tình nên
cái “tình” ấy ắt phải hiển hiện qua tác phẩm. Chẳng thế mà, họ Đinh có cả một serie
sách mà tiêu đề của nó đều ít nhiều dính dáng đến chữ “tình”. Nào là “Chuyện tình kẻ sĩ”, “Nguyễn Du đời và tình”
rồi “Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt
nam”... Những cuốn sách này thật khó định danh là biên khảo hay truyện lịch
sử, nhưng tất cả đều được viết một cách
công phu, cẩn trọng và có sức hấp dẫn như thứ “của độc” mà trước Đinh Công Vỹ
chưa hề có ai kỳ công sưu tầm, chỉnh lý và chấp bút như ông.
Sức đọc của Đinh Công Vỹ đã là một sự đáng
nể, nhưng trí nhớ của ông còn đáng nể hơn. Từ những sự kiện hay niên đại trong
chính sử đến các huyền tích, giai thoại, sấm ký từng lưu truyền trong dân gian
đều được sử dụng làm “nguyên liệu” đắt giá cho hầu hết công trình biên khảo. Chính
vì vậy, những tư liệu “ngoài chính sử”
này đã tham gia tích cực vào quá trình “giải mã” lịch sử để bổ khuyết những
phần còn trống vắng hoặc méo mó do tiền nhân để lại.
Về một mặt nào đó, từ góc độ cá nhân, tôi
coi Đinh Công Vỹ, ngoài tư cách “thi sĩ đa tình”, ông còn xứng đáng là một chuyên
gia “bên lề chính sử”. Vì thế, mảng tư liệu sưu tầm được trong những chuyến
lãng du khắp dặm dài đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các công trình
biên khảo hay sáng tác. Trong “Chuyện
tình vua chúa hoàng tộc Việt nam”, Đinh Công Vỹ khảo cứu một cách có hệ
thống theo trình tự thời gian từ các triều đại Vua Hùng đến vị hoàng đế cuối
cùng của vương triều nhà Nguyễn. Đặc biệt, ở phần II với tựa để “Những mối tình thời văn minh-Tự cường”,
tác giả sưu tầm được nhiều tư liệu quý, kết hợp với văn phong lãng mạn, bay
bổng nên mỗi truyện, ngoài giá trị lịch sử còn hàm chứa yếu tố thẩm mỹ như một
tác phẩm văn học đích thực. Trong số đó có thể kể đến “Dương Vân Nga, hoàng hậu lấy ba vua”; “Hoàng thái hậu Ỷ Lan-Hôn nhân
và quyền lực. Một cái ghen chết người”; “Vụ án tình làm cung đình đảo điên của
quyền thần Đỗ Anh Vũ với Lê Thái hậu”; “Người con trai ngoài giá thú của thái
thượng hoàng Trần Thừa”; “Trần Quốc Tuấn-Tình giữa mùa xuân”; “Mỹ nhân kế và
tấm gương hy sinh của mấy vị công chúa nhà Trần”; “Người vợ kỳ lạ của Trần Nhân
Tông”; “Hồ Qúy Ly-Tình mở đầu cho quyền lực và duyên trời run rủi”; “Nàng Mai
Hoa-Tuyết Quỳnh, sự thật và huyền thoại”; “Vua Lê Thánh Tông và những bông hoa
kiều diễm trên đường Nam chinh”; “Chúa Trịnh Giang với căn bệnh kinh quý”;
“Nàng Đoàn Thị: Tiếng hát đêm trăng thành hoàng hậu”...
Ở tuổi 76 nhưng chưa chịu “rửa tay gác
kiếm”, với nội lực còn khá dồi dào, cuối năm Kỷ Hợi (2019), Đinh Công Vỹ lại
cho trình làng cuốn “Tìm ngọc trong di
sản văn chương” do nhà xuất bản Thanh
niên ấn hành, dày 914 trang, khổ 16 x 24cm. Đây có thể xem là tập đại thành của nhà sử học bao gồm nhiều
thể loại từ biên khảo đến sáng tác và phê bình văn học của cả một đời cầm bút.
Cuốn sách có xu hướng thiên về văn chương
nên cách bố cục và cách đặt tiêu đề của tác giả cũng khá là lãng mạn nhưng lại rất
khoa học với 5 mục lớn: “Tìm trong các
thể loại thơ văn truyền thống”; “Tìm trong các tác gia văn học tầm vóc”; “Tìm
trong bè bạn bốn phương: Tựa đề, phẩm bình, giới thiệu”; “Tìm trong trung tâm
tâm thơ, các CLB thơ văn, nói chuyện, báo cáo”; và cuối cùng là “Các bài chúc văn tụng đọc trong các ngày lễ
trọng thể”.
Một trong những thao tác đi “tìm ngọc
trong di sản văn chương” là tác giả khảo sát và nghiên cứu khá kỹ các thể loại
câu đối, sắc phong với phần minh họa hấp dẫn khiến người đọc có cảm giác như
được sống lại một thời “mực tàu giấy đỏ” mỗi dịp xuân về. Cùng với các tiểu
luận về thơ Đường, ký, và kịch, Đinh Công Vỹ còn quan tâm đến phê bình tiểu
thuyết lịch sử. Ở lĩnh vực này, tác giả đọc rất kỹ và có quan điểm rõ ràng. Ông
nhận xét, bình giá các cuốn “Thái sư Bân
Quốc công Đinh Lễ” của Đinh Văn
Đạt, “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân
Khánh, “Bão táp triều Trần” của Hoàng
Quốc Hải... một cách thấu đáo vừa bằng nhãn quan của nhà sử học, vừa bằng tâm
thức của một người sáng tác văn chương khiến cho các tác giả tâm phục khẩu
phục. Ở tiểu thuyêt “Hồ Quý Ly”, Đinh
Công Vỹ nhận định: “...những tình huống
dù sử đã nhắc tới phần nào những chưa hẳn đã rõ ràng như vụ sát hại vua Trần,
vụ thảm án Đốn Sơn...qua ngọn bút của Nguyễn Xuân Khánh đã trở nên rõ ràng hơn
với hai hướng có thể chấp nhận: Phản ánh lịch sử đúng hoàn toàn như tư liệu và
phản ánh lịch sử dù có hư cấu nhưng vẫn đi đúng hướng có thể có, dễ chấp nhận.
Nhưng dù là hư cấu, tác giả vẫn là cất ánh trên hiện thực hoặc gián tiếp có
liên hệ với tư liệu, không dựng nên một nhân vật hư cấu 100% như Vinh Hoa của
Nguyễn Huy Thiệp”. Và đây nữa, phê bình văn học của Đinh Công Vỹ không khô
cứng mà mềm mại, uyển chuyển, trữ tình: “Ở
tiểu thuyết Hồ Quý Ly”, những trang tác giả viết về tình yêu và người đẹp là
những trang sinh động, gây ấn tượng nhất. Ta nhớ mãi nàng công chúa Huy Ninh
với cặp mắt buồn và cuộc đời nhân đạo, thanh khiết như một cành mai đã làm dịu
đi và phong phú hơn trái tim vốn đã chai sạn vì những mưu đồ chính trị (...) Nhạc có cung điệu, tình yêu cũng có
cung điệu, sắc thái không trộn lẫn, mỗi đối tượng một vẻ phong phú như: Tình
yêu của Thanh Mai tự nhiên tràn trề sức sống dân gian, khác với tình yêu của
Quỳnh Hoa là quý tộc trong chậu cảnh thanh mảnh, yếu ớt, thể hiện cho một vương
triều đi xuống...”. Còn với bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” của nhà văn
Hoàng Quốc Hải, Đinh Công Vỹ trân trọng tiếp nhận bằng những lời bình xuất phát
từ tâm thức của một nhà sử học đầy kinh nghiệm: “Chứng tỏ, từ sự thực lịch sử, bằng trí tưởng tượng đúng đắn, bằng tri
thức và sự nghiên cứu công phu, Hoàng Quốc Hải đã bù đắp lịch sử thăng hoa thành
sự thực nghệ thuật. Tác phẩm của anh mang tính chất sử thi khi phác vẽ nên bức
tranh hoành tráng của triều đại Đông A từ buổi bình minh tới buổi hoàng hôn gẩn
200 năm, có một không gian rộng lớn, từ đời sống cung đình tới đời sống dân dã
Đại Việt (...) Đó vừa là thiên anh hùng ca chống ngoại xâm, vừa là thiên tình
ca, áng bi hận tình của thời đại cách đây 700 năm”.
Mở đầu sự nghiệp từ một làng quê Xứ Đoài,
với sáu mươi năm miệt mài nghiệp bút nghiên, Đinh Công Vỹ đã công bố hàng trăm
tiểu luận biên khảo lịch sử, xã hội và văn chương, xuất bản nhiều tác phẩm để
lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Có thể nói, ông là một nghệ sĩ đa tài,
đa tình, đa cảm và cả đa đoan, lĩnh vực nào cũng muốn góp phần để cho “thiên hạ
cộng tri danh”. Nhưng với tôi, trước hết, ông là một nhà “Bên lề chính sử học” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Chí Linh, 3. 01. 2020
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét