Mấy chục năm trước,
chúng tôi ở công trường 115 nâng cấp đoạn đường 45 km của quốc lộ 43, bắt đầu
từ bản Xồm Lồm và điếm cuối là bến phà Vạn Yên của huyện Mộc Châu. Gọi “công
nhân cầu đường” cho nó oai, chứ thực ra, cái nghề này thời Pháp thuộc người ta
gọi một cách miệt thị là “phu lục lộ”. Dân công trường tứ xứ, học vấn thấp,
thậm chí có khá nhiều trường hợp chưa biết chữ. Tốt nghiệp cấp II đã hiếm, cấp
III lại càng hiếm, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Đây là những anh chị em sa
cơ lỡ vận vì chót thác sinh vào các gia đình mà bố mẹ được/ bị chính quyền xếp
vào thành phần tư sản, địa chủ, có tội với nhân dân.
Nghề thổ mộc đào đá,
xúc đất 8 giờ một ngày, đấy là chưa kể những đợt thi đua đột xuất kéo thêm 2, 3
tiếng, khẩu phần ăn đã đạm bạc lại bị bớt xén qua nhiều khâu trung gian nên
“giai cấp tiên tiến” đói mờ mắt. Tục ngữ bảo “đói bụng đầu gối phải bò” quả là
lời vàng ý ngọc. Bởi lẽ, nếu không kiếm được những thứ nhét vào cái dạ dày cũng
nào cũng lép kẹp, rất có thể, nó sẽ cách cái mạng anh trước khi có đủ sức làm
cách mạng XHCN.
Thế là tùy nghi di
tản với đủ các chiêu trò, miễn sao bổ sung được nguồn dinh dưỡng thiếu hụt,
không loại trừ cả “nghề” đạo chích. Trong danh mục những loại hình “cải thiện” khá
phong phú có thể kể đến đào củ mài, bẻ măng bương, nổ mìn đánh cá, đi săn hươu
nai cùng dân bản, và ... buôn thuốc lào. Đương nhiên, đây là những nghề “tay
trái”, chỉ được làm vào ngày nghỉ hoặc ban đêm. Vi phạm nội quy sẽ bị kỷ luật
đuổi về địa phương.
Chúng tôi chọn nghề
câu cá. Câu cá có thể thực hiện bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Cá suối Giăng gần ngay
bản Nà Mường nhiều vô kể, có thể thả cần quanh năm trừ những ngày đại hàn. Tôi
vốn không sát cá nhưng đã xách đồ nghề đi, lúc về thế nào cũng được vài xâu. Cá
suối Giăng ăn rêu đá béo múp, được các cô khéo tay chế biến, ăn vừa thơm vừa
ngậy.
Nhưng khoái nhất vẫn
là món chạch chấu. Sau này tôi đã đi nhiều nơi, ăn đủ các loại thủy sản nước
ngọt, nhưng thú thật, chẳng có loại cá nào sánh được với chạch chấu suối Giăng.
Hơn nữa, nó còn gắn với một kỷ niệm khá là tức cười nữa.
Thường thường cứ tầm
chiều, sau khi ở công trường về, chưa ăn cơm vội mà mấy thằng rủ nhau vác cần
ra bờ suối. Gặp hôm trời mưa càng tốt. Ở vùng núi, cứ mưa là nước suối đục.
Nước đục tha hồ mà tận thu. Những con chạch mình dẹt, đầu nhọn, da loang lổ như
trăn mắt võng, hai vây trước vểnh lên trông như cặp tai mọc ngược, có con nặng
đến nửa ký. Bọn này xem ra khá ngờ nghệch, nước suối đục chảy cuồn cuộn, cứ
thấy mồi là tranh nhau lao vào, tôi ngồi trên ghềnh đá nhấc đến mỏi tay mà
chúng vẫn không biết sợ là gì. Đám con gái chế biến chạch chấu thì nhất trần
đời. Một trong số đó là cô H. quê Hải Phòng. H. chắc cũng chỉ cỡ mười bảy, mười
tám, tóc dài, xinh xẻo, chỉ mỗi tội mới học đến lớp ba.
Mấy gã tú tài nửa
mùa được phân công dạy bổ túc. Lớp học chia làm hai nhưng nháo nhào lắm. Giáo
viên phải soạn bài theo chương trình phổ thông. Cánh cấp I thì dễ, còn cấp II
không kham hết được các môn. Tôi nhanh nhảu nhận toán lý hóa, còn thằng Huề,
một gã chơi cờ tướng thuộc loại quỷ khốc thần sầu, mặt nhăn như bị rách khi
phải cáng đáng ba môn văn sử địa. Nói là học cho oai chứ thực ra các học viên
đến lớp chỉ tán gẫu sau đó ngáp vài cái rồi xách đèn về ngủ. Đến kỳ kiểm tra
chữ thầy lại giả thầy.
Nhưng với bộ môn
“chạch chấu học” thì khác hẳn. Cứ mỗi buổi chiều chúng tôi mang chiến lợi phẩm
về thì không khí của tổ sôi động hẳn lên. Tôi nhớ, có một tối mọi người bàn
nhau nấu cháo. Nguyên liệu và gia vị đã có sẵn, kể cả hạt tiêu, chỉ thiếu mỗi
lá răm. Nà Mường đầy răm nhưng cách xa lán trại hàng trăm mét, khốn nỗi đứa nào
cũng sợ ma, cuối cùng, tôi với cô H phải thắp đèn lần mò vào bìa rừng. Mọi việc
sẽ suôn sẻ nếu lúc trở về không có con gì giống như hươu nai hay lợn rừng lao
ngang qua bụi gai trước mặt đến soạt một cái. Cô H thần hồn nát thần tính ôm
cứng lấy tôi làm chiếc đèn dầu tuột khỏi tay văng ra xa tắt ngấm. Lần đầu tiên
trong đời được một người con gái ôm chặt, tôi run lên, tim đập thình thịch như
trống trận, cảm xác xốn xang rất lạ. Mãi lâu sau tôi mới đủ can đảm run run đặt
tay lên bờ vai nàng. Nhưng khi vừa chạm mặt nàng, tôi xuýt ói mửa vì thứ mùi
rất nặng của người hút thuốc lào lâu năm...
Hóa ra thời còn ở
quê H cũng hút thuốc lào như phần nhiều phụ nữ Vĩnh Bảo trước đây. Tôi đồ rằng,
lên công trường, nàng vẫn chưa bỏ được và thỉnh thoảng còn lén hút. Đến lúc ấy,
tôi chợt nhớ ra, những ngày chủ nhật, các cô quê xứ sở thuốc Lào rất hay vào
nhà chị Giừn bản Cốc. Nhà ấy có đến ba chiếc điếu “ục” bằng tre bương, khi hút
phải ấn cả mồm cả mũi vào rồi lấy hơi mới kéo ra được một ít khói...
Bữa cháo chạch chấu
rất ngon nhưng tôi cảm thấy chẳng có mùi vị gì. H chăm chỉ múc cho mọi người
nhưng không ăn, thỉnh thoảng đánh mắt về phía tôi nguýt dài một cái rồi lại
quay đi.
Đêm ấy, nằm vắt tay
lên trán tôi mới ngộ ra, mình đúng là một thằng ngu, chỉ vì cái mùi thuốc lào
chết tiệt ấy mà để lạc mất một người con gái đẹp...
Ngày Cá tháng Tư,
2020
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét