Nhãn

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

NGUYỄN DU, TRĂM NĂM TRONG CÕI NGƯỜI TA...



Đặng Văn Sinh


Với những chỉ dấu mang tính đặc trưng, tác phẩm “Nguyễn Du” của Nguyễn Thế Quang có thể xếp vào loại hình tiểu thuyết sử thi. Vì là sử thi nên tác giả có tham vọng muốn bao quát một giai đoạn lịch sử khoảng hai mươi năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Đây là thời kỳ lịch sử dân tộc Việt đầy biến động với những cuộc xung đột đẫm máu giữa hai tập đoàn phong kiến Tây Sơn và Nguyễn Ánh sau khi vương triều Lê Trịnh đã cáo chung. Trên cơ sở ấy, tác giả chọn một lát cắt mang tính điển hình làm nền tảng cho quá trình triển khai nội dung cuốn sách.
Tuy nhiên, nội hàm “Nguyễn Du” thực ra không chỉ giới hạn trong phạm vi lát cắt. Cấu trúc tổng thể chỉ là phần cứng, còn trong quá trình diễn giải, tác giả lại khá linh động qua các thủ pháp hồi cố, nhằm kéo dài thời gian về trục quá khứ tạo nên những trường đoạn bổ sung cho các sự kiện đang diễn ra ở thời hiện tại. Các sự kiện lịch sử này bao giờ cũng song hành với cuộc đời nhân vật chính Nguyễn Du.
Hệ thống nhân vật của “Nguyễn Du” rất đông đảo, kể có đến vài chục, nhưng, thực chất, nhân vật chính chỉ có hai, là Nguyễn Ánh và Nguyễn Du. Nguyễn Ánh, sau khi lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, một hoàng đế Việt Nam thời cận đại, được tái hiện như một bản sao nhòe nhoẹt của vương triều phong kiến Mãn Thanh, tuy tính cách quyết đoán, nhưng đa nghi, tàn bạo và xem ra không phải là vị quân chủ có tài kinh bang tế thế. Còn Nguyễn Du, tuy giữ chức tham tri bộ Lễ của vương triều Nguyễn Gia Miêu nhưng vốn là cựu thần nhà Lê, nên trong tâm khảm lúc nào cũng hoài niệm về một thời vàng son đã thuộc về quá vãng.
Có một điều buộc ta phải thừa nhận, hoàng đế Gia Long và thi sĩ Nguyễn Du đều là những nhân vật lịch sử đặc biệt, nhưng người đời sau chỉ biết họ qua những điều sử quan ghi chép khái quát trong nhật lịch. Giống như tảng băng chìm trên đại dương mênh mông, phần ngập sâu dưới nước đã giấu đi những điều khuất khúc, những bí mật mang tầm cỡ quốc gia, cho đến nay vẫn là ẩn số không lời giải. Cả hai đều là những nhân vật lớn của thời đại, nhưng do đặc thù văn hóa, lịch sử, nên sau này, hậu thế rất khó tái hiện chân dung một cách chính xác. Chưa nói đến ở nơi sâu thẳm tâm hồn, mà ngay cả những nét khái quát về thân thế, sự nghiệp được chính sử ghi lại vẫn còn những chỗ mờ nhòe, mà ánh sáng lịch sử, cho dù soi rọi từ góc nào cũng không hiển lộ đúng với bản chất của nó.
May thay, lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam, có một người cầm bút tự nhận sứ mệnh giải mã hiện tượng này. Nói vậy, có nghĩa là, trước Nguyễn Thế Quang đã có những người viết về Gia Long và Nguyễn Du nhưng chỉ là loại hình biên khảo hay mẩu chuyện, trong đó tác giả chủ yếu cung cấp các dữ liệu, các chi tiết về đời tư được rút tỉa từ dân gian như một thứ “dật sự” nửa hư nửa thực. Trong khi ấy, chính sử như “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam thực lục” (tiền biên và chính biên) có tới 587 quyển, nhưng những phần chép về Gia Long đều không một chút tì vết. Có thể nói, Nguyễn Thế Quang đã làm cuộc viễn du tìm về quá khứ, lặng lẽ, cô đơn trên một hoang mạc mênh mông dưới ánh nằng hè thiêu đốt, tìm trong hằng hà sa cát bỏng câu trả lời Gia Long và Nguyễn Du là ai?
Cũng như với Gia Long, những tác phẩm viết về Nguyễn Du, người đời đều biết cả, ngay cả câu đối vua Minh Mệnh viết tặng sau khi ông qua đời cũng chỉ khắc họa chân dung nhà thơ ở phần nổi:
一代才花為使為卿生不忝
百年事業在家在國死猶榮
(Nhất đại tài hoa, vi sứ vi khanh, sinh bất thiểm
Bách niên sự nghiệp, tại gia tại quốc, tử do vinh).
Giải mã Gia Long, Nguyễn Du cũng chính là giải mã lịch sử. Tuy chỉ là một lát cắt nhưng Nguyễn Thế Quang đã chọn một lát cắt điển hình, sinh động, phong phú, hầu như bao quát được cả một giai đoạn lịch sử bi tráng của Việt nam thời kỳ cận đại.
Gia Long và Nguyễn Du, với Nguyễn Thế Quang, luôn là một cặp song hành, cùng đi vào lịch sử với vô vàn nghịch lý. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp coi Gia Long và Nguyễn Du đều là những “vật quốc bảo” nhưng Nguyễn nhẹ đồng cân hơn, vì Nguyễn chỉ là thần tử, còn Gia Long đóng vai quân chủ. Gia Long vĩ đại ở chỗ ông thao túng lịch sử, xem lịch sử như một tấn bi hài kịch và ông đóng vai kép nhất trong trò chơi đế vương. Ông đùa cợt với số phận, đem cả dân tộc đặt cược cho ván bài chính trị của mình. Gia Long tàn bạo, cười cợt với số phận nhưng, xét đến cùng là bởi ông có chân mệnh đế vương. Nguyễn Thế Quang còn cụ thể và chi tiết hơn. Ngoại trừ sự vô cảm và tàn nhẫn, Gia Long còn là một hoàng đế có tâm hồn nghệ sĩ. Không ai có thể ngờ Gia Long rất sành chữ Nôm và say mê “Đoạn trường tân thanh” đến mức cho mời Nguyễn Du vào vườn ngự uyển. Chuyện có thể là thật nhưng cũng có thể là hư cấu, nhưng là sự cấu trong một tổng thể “chân thực thẩm mỹ”. Ở đây, tiểu thuyết đặt ra một tình huống mà chính Nguyễn, tác giả của câu thơ “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” lạnh sống lưng, tưởng như, chỉ trong khoảnh khắc, sẽ phải đi gặp Đặng Trần Thường hay Nguyễn văn Thành dưới âm tào địa phủ. Trường đoạn Nguyễn Ánh thích “Kiều”, ưu ái Nguyễn, cùng Nguyễn đàm đạo văn chương chứng tỏ, vị thế tổ triều Nguyễn có một tầm văn hóa đáng nể, chí ít đủ để “chăn dắt” đám văn nghệ sĩ đương thời chỉ giả vờ thần phục, còn trong thâm tâm họ vốn chẳng ưa gì. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng xét về bản chất, cả Nguyễn Ánh và Nguyễn Du đều có mối liên hệ nội tại nào đó trong tấn trò đời mà họ buộc phải sắm vai. Cái tinh tế trong cách dẫn giải câu chuyện của Nguyễn Thế Quang là nương theo lịch sử nhưng không phụ thuộc vào lịch sử khi đặt các nhân vật trong mối tương quan với lịch sử. Không ít lần tác giả phản biện lịch sử, kéo nhân vật Gia Long được suy tôn như thần thánh trở lại làm người thường. Chi tiết Gia Long khóc Nguyễn Văn Thành ngay trước bá quan văn võ, cho dù là đóng kịch đi chăng nữa thì nó vẫn có giá trị như một sự sáng tạo của người viết tiểu thuyết lịch sử.
Trong lịch sử văn học Việt Nam cận đại và hiện đại, hai nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh và Nguyễn Du thuộc đẳng cấp cao vốn được người đời kính trọng, thậm chí sợ hãi nên hầu như các nhà văn, kể cả những tay đại bút đều lấy lời dạy “kính nhi viễn chi” của Khổng phu tử làm phương châm hành xử. Nguyễn Thế Quang lại khác. Ông không sợ, trái lại, chủ động tiếp cận họ bằng sự mạo hiểm có tính toán của một người cầm bút biết lượng sức mình. Và cũng lần đầu tiên, tác giả tái hiện hình tượng nhân vật lịch sử tầm cỡ nhưng đã gặt hái được những thành công. Giải mã Gia Long và Nguyễn Du, trước hết phải làm chủ được ngòi bút của mình, mặt khác phải am hiểu cả những sự kiện không ghi trong chính sử, phải luôn có tâm thế phản biện. Tôn trọng các sử gia của Quốc sử quán triều Nguyễn là một chuyện, nhưng nhất nhất tin vào những điều họ ghi chép lại là chuyện khác. Đương nhiên, viết được “Nguyễn Du”, Nguyễn Thế Quang phải sưu tầm và đọc hàng đống sách với đủ các loại hình từ lịch sử, biên khảo, truyện ký, tiểu thuyết đến các giai thoại dân gian. Đó là chưa kể ông còn dành nhiều thời gian điền dã từ Nghi Xuân, Hà Tĩnh, qua đất Quảng Bình vào cố đô Huế, rồi lại ngược về Thăng Long, Kinh Bắc, Thái Bình tìm dấu vết người xưa... Chính bởi sự bền bỉ, khổ công trong nhiều năm như vậy, chân dung Nguyễn Ánh và Nguyễn Du mới hiện lên với đủ các sắc thái, đầy mâu thuẫn những cũng rất sinh động như nó vốn có.
Tính sử thi trong “Nguyễn Du” không chỉ được thể hiện ở hệ thống nhân vật, bố cục mạch truyện, hay ngôn ngữ diễn đạt, mà tác giả còn khá vững tay nghề trong những đoạn hồi tưởng, độc thoại và đối thoại của các nhân vật lịch sử. Trong tác phẩm, xuyên suốt năm phần, mỗi phần lại chia thành nhiều chương nhỏ, những màn độc thoại thường được chèn vào như một cách mở rộng không gian nghệ thuật, tạo nên sự căng thẳng, mệt mỏi của một cộng đồng dân tộc lạc hậu, bế tắc, đói nghèo dưới sự cai trị của ông vua độc tài lúc nào cũng lấy các điển chế Trung Hoa làm khuôn mẫu.
Xã hội phong kiến mà Nguyễn Du tuy bất đắc chí nhưng vẫn phải làm quan là một xã hội đầy mâu thuẫn, nhiều nghịch lý, vì thế, mỗi cá nhân đều buộc phải đóng tròn vai kịch của mình nếu không muốn sớm “quy tiên”. Nghịch lý và mâu thuẫn nhất ở đây chính là các hoàng đế Việt Nam luôn coi Trung Quốc là khuôn mẫu lý tưởng, từ đó sao chép một cách cách mù quáng cả những phần độc hại, cặn bã mà chính người Hán hay người Mãn đã chủ động loại bỏ. Vương triều nhà Nguyễn bắt trước Bắc Kinh từ cách đặt niên hiệu. Thanh Hoằng Lịch thì Càn Long (乾隆), còn Nguyễn Phúc Ánh thì Gia Long (嘉隆). Bắc quốc có “Cửu đỉnh” (九鼎) đỉnh tượng trưng cho cửu châu từ thời cổ đại, Nam bang cũng thu gom đồng đúc “Cửu đỉnh” nhưng chẳng biểu tượng cho cái gì cụ thể ngoài việc điêu khắc phong cảnh bày trong Đại Nội.
Nhưng Nguyễn Du thì khác. Một mặt, Nguyễn là sản phẩm của nền văn hóa Trung Hoa, trong đầu chứa đầy điển tích, nhưng mặt khác, ông luôn tìm cách thoát khỏi nó, mà cách thoát ngoạn mục nhất là viết “Đoạn trường tân thanh” từ một cuốn sách chữ Hán vốn chẳng có gì nổi tiếng. Có thể thấy, qua văn bản “Truyện Kiều”, bạn đọc rất dễ nhận ra, các cặp phạm trù “Tài mệnh tương đố”, “Chữ tình – chữ hiếu”, “Tu là cõi phúc - tình là dây oan” hay tuyên ngôn nổi tiếng qua lời Từ Hải “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, đều chỉ ra, cái thiết chế văn hóa, giá trị đạo đức đang khủng hoảng nghiêm trọng. Nó không bền vững mà cần phải xác lập lại trên nền tảng một hệ giá trị mới. Với “Truyện Kiều”, Gia Long có những nhận xét tinh tế. Tư tưởng Nguyễn Du không phải lúc nào cũng chịu sự chi phối (ràng buộc) của Tứ thư, Ngũ kinh mà luôn có xu hướng vượt qua thời đại mình. Phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến Nguyễn cô đơn. Đây là sự cô đơn về tư tưởng, không phải cô đơn tâm lý. Ở một khía cạnh nào đó, Gia Long cũng cô đơn, nhưng là sự cô đơn của một hoàng đế đứng trên đỉnh cao quyền lực. Ông đóng trò trong chốn triều đường, đóng trò cả trong hậu cung giống như một nhân thần giáng thế, lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi bị người khác soán ngôi. Nỗi cô đơn của Nguyễn Ánh, qua ngòi bút Nguyễn Thế Quang, chúng ta không khó nhận ra, hoàn toàn là cô đơn tâm lý.
Hơn thế nữa, hình tượng Nguyễn Ánh được Nguyễn Thế Quang tái hiện khác xa chính sử. Các sử quan đương thời không dám ghi chép những góc khuất trong hành trạng Gia Long. Theo Nguyễn Du, hoàng đế cũng là một con người, cũng có tình cảm ái, ố, hỷ, nộ, đồng thời cũng mắc những sai lầm, thậm chí sai lầm chiến lược. Nếu xâu chuỗi tất cả những đoạn độc thoại hay đối thoại tư tưởng của Nguyễn, ta sẽ nhận thấy, Gia Long, thực tế không hoàn toàn là một vị hoàng đế anh minh nhưng lại có thừa thói kiêu ngạo, đa nghi và hiếu sát. Gia Long là một kẻ gian hùng, tâm cơ tàn nhẫn, sẵn sàng hy sinh một vài khai quốc công thần như Nguyễn Văn Thành, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Vũ Trinh..., để đổi lấy sự trung thành tuyệt đối của đám võ quan, bởi bọn này nắm quân đội trong tay, sẵn sàng “cứu giá” khi triều đình có biến.
Suy nghĩ của Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Du đôi khi “chúng khẩu đồng từ”. Lịch sử vận hành theo quy luật thời gian tuyến tính và không có “nếu”. Tuy vậy, nếu bàn cờ thế sự cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, tương quan lực lượng khác đi, Nguyễn Huệ không đột ngột qua đời, liệu Nguyễn Ánh có thâu tóm được giang sơn? Công bằng mà nói, khi vua Quang Trung còn tại thế, Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy đuổi ráo riết, mấy lần xuýt bỏ mạng, đến nỗi phải cầu cứu ba vạn quân Xiêm như một hành vi “cõng rắn cắn gà nhà” nhưng vẫn bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Xét đến cùng, Gia Long chỉ đánh bại một ông vua trẻ con Nguyễn Quang Toản mà thôi. Sự thất bại của quân đội Tây Sơn, tuy có chút tác động của Nguyễn Ánh, nhưng nguyên nhân chính vẫn là nội bộ bất hòa, anh em, chú cháu đánh lẫn nhau dẫn đến sụp đổ cả một vương triều.
Đương nhiên, sự thành công của Nguyễn Thế Quang về nhân vật Nguyễn ở đây là sự bứt phá về nhận thức bản chất xã hội phong kiến và những giá trị văn hóa đạo đức. Nguyễn đã thể hiện lòng “nhân” và sự bất lực trong chốn quan trường. Ông tận mắt nhìn ra sự bất cập này khi cầm đầu đoàn sứ bộ sang “thượng quốc” tuế cống. Ông suy ngẫm, trăn trở về những vụ án văn tự đẫm máu cả ở Bắc triều lẫn Nam quốc. Những bài thơ chữ Hán nổi tiếng như “Kỳ lân mộ”, hay “Thái bình mại giả ca” ở xứ Mãn Thanh đều ẩn chứa nỗi niềm tâm sự quê nhà.
Đọc “Nguyễn Du”, bất cứ ai cũng cảm nhận được một cách rõ ràng, xã hội do Gia Long cai trị là một xã hội đầy khuyết tật được tác giả phục dựng bằng gam màu xám. Đó là cộng đồng người nghèo đói, lạc hậu lặn ngụp trong một không gian sinh tồn tù túng. Ở đó, những kẻ cai trị, từ vua quan đến tầng lớp nha dịch, đều tìm mọi cách gieo rắc nỗi khiếp sợ, lòng nghi kỵ và sự dối trá khiến cho mọi giá trị sống vốn bền vững từ cả ngàn năm, giờ bỗng nhiên bị hoán đổi. Khắp hang cùng ngõ hẻm, nơi đâu lương dân cũng sợ đám quan lại triều đình như sợ cọp, đến nỗi, mặc dù đã cáo quan về cố hương làm một chân “Hồng Sơn lạp hộ” như Nguyễn mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bản thân có thể bị Gia Long tống vào thiên lao bất cứ lúc nào. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến tác giả “Đoạn trường tân thanh” nảy sinh ý tưởng chặn long mạch nơi mộ tổ, nhằm cắt đứt con đường làm quan của thế hệ tương lai, để tránh “bệnh... gù lưng”. Đây là chi tiết “đắt”. Nó giống như dấu khuyên đỏ, càng làm gia tăng giá trị cho cuốn tiểu thuyết lịch sử.
 Theo Nguyễn Thế Quang, cách hành xử “khôn khéo” của Nguyễn Du trong chốn miếu đường cũng là một vai kịch. Ông sắm vai kép hạng bét, luôn khúm núm vâng dạ trước Gia Long và các đại thần là để được sống mà trước tác. Món nợ văn chương đối với Chiêu Bảy còn nặng hơn cả nợ áo cơm. Sống trong vòng cương tỏa của một thiết chế độc tài, tác giả “Đoạn trường tân thanh” biết rõ, rất có thể sẽ được ban tấm lụa trắng hay chén rượu độc nếu chót lỡ miệng. Vũ Trinh là một ví dụ điển hình chỉ vì muốn làm bậc chính nhân quân tử, đứng về phía lẽ phải bênh vực học trò của mình.
Qua những dòng độc thoại nội tâm của Nguyễn, giống như văn bản thứ hai mà Nguyễn Thế Quang đã cho ẩn đi giữa các trường đoạn, chúng ta còn nhận ra, trong lòng Nguyễn luôn canh cánh một chữ “nhẫn”. Nhẫn để lập ngôn, nên trong suốt quá trình sáng tác “Đoạn trường tân thanh”, hoặc là ông từ quan lấy cớ chữa bệnh, hoặc là cứ giả vờ mũ ni che tai mặc kệ sự đời khiến đám tay chân Lê Văn Duyệt, Lê Chất, thậm chí cả tai mắt của Gia Long cũng không “ngửi” thấy điều gì bất thường ở viên tham tri bộ Lễ. Chính vì thế, sau khi đại công cáo thành, Nguyễn mới qua mặt được bọn nha sai mẫn cán của Duyệt, Chất, tiếp xúc với Chaigneau Thắng. Và chỉ sau khi nói chuyện nhiều lần với viên quan người Pháp này, ông mới hiểu khái niệm TỰ DO, BÌNH ĐĂNG, BÁC ÁI. Nó có sức mạnh lay chuyển lương tri đến mức, trước khi qua đời, ông còn để lại DI NGÔN này.
Như bạn đọc đã từng tri nhận, trong con người Chiêu Bảy luôn có hai Nguyễn Du cùng tồn tại. Một Nguyễn Du tham tri bộ Lễ, hàm cấp đến bậc á khanh, tước hầu, đường danh vọng đến thế tưởng đã là viên mãn. Bên cạnh đó, một Nguyễn Du thi sĩ, vốn thuộc dòng dõi trâm anh, từng nếm đủ cay đắng của kiếp người dưới đáy xã hội, nhưng lại là tập đại thành của những giá trị tinh túy của dân tộc Việt. Hai con người ấy, cho dù trong cùng một thân xác nhưng luôn mâu thuẫn nhau. Nguyễn Du quan chức thì lúc nào cũng phải quỳ gối khom lưng, luôn miệng dạ vâng. Đã không ít lần, Nguyễn tự nhủ, đại để, cái nhục nhất của bậc sĩ quân tử là phải quỳ trước kẻ ngụy quân tử. Trong khi ấy, triều đình của Gia Long hầu hết là bọn tiểu nhân, trâng tráo và không ít kẻ còn vô liêm sỉ nữa. Lê văn Duyệt, Lê Chất, Phạm Như Đăng, và ngay cả Đặng Trần Thường cũng đều thuộc thành phần bất hảo này. Thành ngữ Hán có câu, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Gia Long, khi đã ở ngôi cao tót vời, nếu không có hành vi đào mả Nguyễn Huệ, cưỡng chiếm công chúa Ngọc Bình, tàn sát cựu thần Tây Sơn, thì Đặng Trần Thường sao dám đánh đòn hạ nhục Ngô Thời Nhiệm trước Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lê Văn Duyệt, Lê Chất sao dám vu oan hãm hại Nguyễn Văn Thành, và Nguyễn Nễ, rất có thể không bị tên tri huyện ép phải uống thuốc độc tự tận chỉ vì thù hằn cá nhân?
Nguyễn Du thi nhân, tuy sống cùng thời với đồng liêu nhưng ông có tầm nhìn xa hơn thời đại mình. Gia Long biết rõ điều này nên tìm mọi cách vừa phủ dụ vừa hăm dọa. Đây cũng chính là một trong những sách lược đối phó với tầng lớp văn nghệ sĩ có tài nhưng bất tuân phục của những nhà chính trị gian hùng.
Sau chuyến đi sứ về, Nguyễn càng nhận thức rõ, triều đình Gia Long chỉ là một bản sao nhợt nhạt của đế chế Mãn Thanh với tất cả những mặt tiêu cực của nó. Thần dân của Càn Long, Gia Khánh nghèo khổ, đói rét, quan lại thì tham nhũng, ức hiếp dân. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến các cuộc khởi nghĩa nông dân làm cho đất nước rộng lớn này trở thành “Trung quốc bệnh phu”.
Lịch lãm, từng trải và có hùng tâm tráng chí như một Từ Hải trong “Đoạn trường tân thanh”, muốn tung phá cái hệ ý thức Khổng Mạnh cổ hủ, lạc hậu, trói buộc con người trong mớ học thuyết “tam cương ngũ thường”, Nguyễn tìm đến Chaigneau Thắng như một lẽ đương nhiên. Sau cái đêm cùng người lái đò bí ẩn lênh đênh trên sóng nước sông Hương ngắm trăng, Nguyễn càng hiểu hơn về thế sự bởi mình đã gặp một thức giả. Và, chỉ sau cuộc trao đổi ngắn gọn với viên cận thần đã thất sủng của Nguyễn Ánh, Nguyễn mới ngộ ra, Gia Long là một ông vua bài ngoại một cách cực đoan. Chuyện chiếc bật lửa giữa triều đình thật hài hước và đáng thương. Với những đầu óc ngu muội và bệnh hoạn như thế làm sao có thể giúp nhà vua canh tân đất nước, chấn hưng dân tộc?
Một người từng trứ tác “Đoạn trường tân thanh” với những vần thơ nhỏ máu cho số phận nàng Kiều và đặt người anh hùng Từ Hải sánh ngang với bậc quân vương không bao giờ “cả tin” trước ngôn từ ve vuốt của Gia Long. Nguyễn Du vĩ đại hơn Gia Long nhiều bởi ông đại diện cho cái phần u uất, tủi hờn của dân tộc. Bằng thể loại thơ lục bát truyền thống, ông đã khơi dậy được khát vọng làm người lương thiện với mỗi cá thể chúng sinh trong đám nhân quần bụi bặm.
Cũng may Nguyễn Du không gặp kiếp nạn khi mà thiêm sự Hình bộ Nguyễn Hữu Nghi khám nhà Vũ Trinh tìm được một bản “Đoạn trường tân thanh” đem trình Gia Long để lập công. Trong sự kiện này, Nguyễn Thế Quang đã phân tích đúng. Nguyễn Ánh là một ông vua ngồi trên pháp luật, hành sự tùy hứng theo trạng thái tâm lý. Và cũng thật may cho dân tộc Việt, nếu “Đoạn trường tân thanh” biến thành vụ án văn tự thì chưa chắc ngày nay lớp hậu sinh chúng ta đã được đọc những trang thơ “quỷ khốc thần sầu” của Du Đức hầu tiên sinh.
Gia Long mất đi, chẳng những tên tuổi được ghi vào quốc sử mà còn để lại một tòa lăng tẩm. Năm 2006, trong lần viếng thăm Cố đô, cảm khái trước lịch sử bi tráng của vương triều Nguyễn Gia Miêu, tôi đã viết bài “Thiên Thọ lăng cảm tác” bằng chữ Hán, phiên âm như sau:
Tàn dương lưu cố tháp
Ngọc điện lãnh vô đăng
Thế Tổ(1) kim hà tại
Do tồn nhất thạch lăng?(2)
Tuy nhiên, “Thiên thọ lăng” rồi cũng đến lúc thành cát bụi khi vật đổi sao dời, còn “Đoạn trường tân thanh” sẽ mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt.
“Nguyễn Du” là cuốn tiểu thuyết sử thi về danh nhân văn hóa lỗi lạc thời cận đại, được viết bằng thứ ngôn ngữ đặc trưng của phong cách sử thi tạo nên sự tương thích giữa nội dung và hình thức. Sự hấp dẫn của cuốn sách còn được thể hiện ở kỹ năng vận dụng các lớp từ, ngữ Hán -Việt kết hợp với lối dẫn chuyện luôn biến hóa, đưa người đọc từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác với hàng loạt chi tiết, tình tiết hấp dẫn. Câu văn của Nguyễn Thế Quang không phải bao giờ cũng cố định mà luôn có sự chuyển đôi tùy vào văn cảnh. Khảo sát một vài đoạn cụ thể, chúng tôi nhận thấy, không ít trường hợp tác giả sử dụng mô hình câu của tiểu thuyết lịch sử viết từ đầu thế kỷ XX, rất mềm mại, gợi cảm nhưng man mác nỗi buồn nhân thế. Có điều, cho dù sử dụng lớp từ vựng nào, cấu trúc câu văn kiểu gì thì, văn bản “Nguyễn Du” của Nguyễn Thế Quang bao giờ cũng tạo ra được hiệu ứng đa chiều với đối tượng tiếp nhận. Đó là kết quả của sự chuyển hóa “năng lượng” thẩm mỹ giữa cốt truyện, hệ thống nhân vật và cấu trúc văn bản.
Đương nhiên, đọc xong “Nguyễn Du”, mỗi chúng ta đều có quyền hình dung ra một tác giả “Đoạn trường tân thanh” cho riêng mình, nhưng phần cốt lõi nhất như hoàn cảnh lịch sử, không khí thời đại cũng như tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm phải được nhìn nhận như là mẫu số chung.
Nguyễn Thế Quang còn làm được hơn thế, bởi lẽ, ông vừa có phép màu khiến cho các nhân vật lịch sử sống lại, vừa có bản lĩnh đối thoại với lịch sử. Viết về lịch sử nhưng tính thời sự của cuốn sách còn phóng chiếu đến tương lai để hậu thế rút ra bài học về mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và tầng lớp trí thức tinh hoa.
Bạn hãy mở bất cứ trang nào trong cuốn sách này, đọc rồi nhắm mắt lại suy ngẫm. Vào thời khắc ấy hình ảnh Chiêu Bảy lại hiện ra giữa cõi trần bụi bặm cách ngày nay hai thế kỷ như một thợ săn bất đắc dĩ ở chân núi Hồng...


Chí Linh, 22 tháng 9 năm 2019


Đ.V.S.

GHI CHÚ:
(1) Gia Long là vị vua mở đầu triều đình nhà Nguyễn, miếu hiệu là Thế tổ
(2) Nguyên tác bài tứ tuyệt như sau:

天授陵感作
殿
天授陵, ,


Dịch nghĩa :

CẢM XÚC TRƯỚC LĂNG GIA LONG
Đặng Văn Sinh

Nắng chiều còn sót lại trên tháp cổ
Cung điện lạnh lẽo không ánh đèn
ĐứcThế Tổ bây giờ ở đâu?
Chỉ còn lại một tòa lăng đá.
(Lăng Thiên Thọ, tháng chín, năm BínhTuất)

Dịch thơ:

Tháp cổ vương nắng chiều
Cung điện quạnh cô liêu
Thế Tổ đâu còn mãi
Lăng đá lạnh đìu hiu.
                     Nguyễn Đào Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét