Lố nhố một đám đông lộn xộn
(Rút từ facebook của Vương Trí Nhàn)
Vào những ngày này, báo chí nhắc nhiều tới không khí hội hè nhốn nháo và xu thế bạo lực hóa ở các lễ hội vùng quê.
Người ta cắt nghĩa tình trạng đó bằng những nguyên nhân trước mắt như đô thị hóa hoặc hội nhập quốc tế.
NHƯNG HÃY NHÌN LẠI QUÁ KHỨ.
TÌNH TRẠNG HÔN LOẠN HÔM NAY ĐÃ CÓ MẦM MỐNG TỪ NÔNG THÔN TRÌ TRỆ VÀ ĐẦY UNG NHỌT HÔM QUA.
Nông
thôn, làng quê, người nông dân… nghĩ tới xã hội Việt Nam là phải nói
ngay tới cái bộ phận thiết yếu đó. Có lẽ bởi vậy mà trong truyện dài
“Thiếu quê hương” (in lần đầu năm 1940, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản
năm 2006), mặc dù lấy đô thị hiện đại là địa bàn chủ yếu của các nhân
vật, song cuối truyện nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải một lần đưa họ về
làng quê.
Ấy
là khi Bạch – nhân vật chính – tính chuyện nhập vào một đoàn múa dân
gian để đưa sang đấu xảo (như Hội chợ ngày nay) tận bên San Francisco
nước Mỹ.
Nhưng nông thôn xuất hiện thì cũng là
lúc cái đình xuất hiện. “Bạch ướm chuyện mới gọi đến việc tuồng hát Xuân
Phả có mấy câu thì ông lý đã nhanh nhảu mời chàng ra đình xem”.
Trong
làng xóm xưa, hàng ngày dân chúng sống chủ yếu với cái gia đình của
mình. Những thiết chế công cộng như sân chơi chung câu lạc bộ nhà văn
hóa thường thấy ở các nước phương Tây, ở đây gần như không có.
Trừ các phiên chợ, ngoài ra ở hầu như tất cả các làng xóm rất ít có những địa điểm để người ta gặp gỡ.
Chỉ còn có đình.
Chức
năng chủ yếu của đình là phục vụ cho các loại việc làng. Chúng ta hẳn
còn nhớ cái đình từng được nhắc tới nhiều trong các tác phẩm của Ngô Tất
Tố.
Đó là nơi diễn ra những cuộc tranh cãi của một bộ máy lý dịch kém cỏi.
Là nơi đám cường hào mưu đồ chống phá nhau.
Trong những buổi họp chung có tính chất chính thức ở đình, dân chúng chỉ làm nền cho đám lý dịch.
Đây
là khía cạnh đầu tiên của các sinh hoạt đình làng. Trước mặt chúng ta
là một đám đông thụ động. Họ không hiểu gì lắm về các trật tự ngôi thứ
do bọn cường hào lập nên.
Trong đám đông, con
người gần như lẫn vào nhau, tâm trí mỗi người bị thu hút cả vào chuyện
quan hệ với người bên cạnh, khiến cho người ta càng thấy rõ là thực ra
các nhân cách chưa thành hình, chỉ có cái phần bản năng trong mỗi cá
nhân cựa quậy rồi lẫn đi ngay.
Tuy nhiên, ở làng nào cũng vậy, đình còn là địa điểm diễn ra các loại sinh hoạt tinh thần khác – gọi chung là việc đám.
Ở đồng bằng Bắc bộ, những ngày đám này, các làng thường gọi các gánh chèo về biểu diễn ngay trên sân đình.
Nam Cao có một truyện ngắn mang tên “Mua danh”.
Nội
dung truyện là anh cu Bịch nhân được giàn trầu tốt, bỏ ra cả trăm đồng
chân hương trưởng trong làng, dẫn tới cái cảnh cốt truyện, khi làng có
đám, anh ta được ra đình làm chân “dẹp đám” (nói theo ngôn ngữ ngày nay
tức là giữ trật tự).
Và sự đời là như thế này:
trong khi Bịch có vẻ hào hứng thì dân chung quanh buông ra đủ lời châm
chọc khích bác. Họ lợi dụng ngay sự lúng túng của anh ta để chen lấn xô
đẩy làm loạn xì ngầu ngay ngoài sân đình.
Nam Cao
có thể là không cố ý, nhưng trong lúc nhân tiện nói về việc mua quan
bán chức ở nông thôn cũ, đã vẽ ra một khía cạnh khác của sinh hoạt tập
thể: từ chỗ nép mình trong một trật tự giả tạo, lúc này dân chúng đã trở
thành một đám đông lộn xộn.
Nguyễn Tuân cũng có cảm nhận tương tự.
Trong
lần duy nhất viết về nông thôn mà chúng ta đang nói, hình ảnh các đám
đông ở nơi công cộng để lại trong ông nhiều ấn tượng không lấy gì làm
đẹp.
“Theo cái lối họp làng bàn chuyện lúc đã nói
thì tất cả đều nhao nhao lên và lúc đã im thì tất cả đều nín thít… cả
ba bàn rượu đều lừng khừng kẻ hút thuốc người véo xôi, xoa kẽ chân hoặc
nhìn lên rui kèo”.
Ta nhớ là lúc này những người dân được tập họp để bàn chuyện đi đấu xảo.
Ngay lập tức thấy nổi lên những thắc mắc về quyền lợi.
Ra cái vẻ thạo đời, một người đặt những câu hỏi nghi vấn chung quanh cái miếng lợi từ đâu mang tới.
Và cả đám đông lại như bị kích động.
Cái người thắc mắc lúc trước giờ tiếp tục tuyên ngôn tuyên bố hùng hồn:
“Đi
một chuyến cho biết đó biết đây, và chuyến này là chúng ông đi Hoa Kỳ
về mà đứa nào ở làng này còn giở lối hà hiếp chúng ông, tranh chỗ ngồi
ngoài đình với chúng ông, ông đánh tan xương cho mà xem”.
Có cảm tưởng đây là lúc những oán thù cũ được khơi dậy.
Sau những ngày dài sống nhẫn nhục chịu đựng, người ta có dịp thức tỉnh.
Họ thấy lâu nay họ quá thiệt thòi và lại nép vế nữa. Họ tính chuyện trả thù.
Ấy
vậy mà đấy chẳng qua chỉ là giây phút bốc đồng. Ngay khi con người hùng
hổ nói trên đẩy hành động lên tới cao trào “quẳng một cái bát đèn ra
ngoài sân, vỡ tan”, bị các cụ bàn giữa mắng, anh ta lại ôm mặt khóc hu
hu “lạy các cụ con khổ lắm”.
Lâu nay sinh hoạt đình làng nói riêng và sinh hoạt cộng đồng nói chung, thường được miêu tả với màu sắc thơ mộng.
Đến với thơ Nguyễn Bính chẳng hạn thì mái đình chỉ còn là tượng trưng của tinh hoa quê hương làng xã.
Nhưng
nhiều tài liệu nghiên cứu xã hội học khởi đi từ Phan Kế Bính trong
“Việt Nam phong tục” qua Đào Duy Anh trong “Việt Nam văn hóa sử cương”,
Nguyễn Văn Huyên trong “Văn minh Việt Nam” cho tới cả những điều tra của
Vũ Văn Hiền trên tạp chí “Thanh Nghị” (1945) … đều cho thấy những bức
tranh đại khái như Nam Cao và Nguyễn Tuân vẽ ra ở trên là xác thực.
Trước
1945, nhiều miền quê Việt Nam là những vùng nông thôn trì truệ. Sau cái
bề ngoài lặng lẽ ẩn mình dưới lũy tre xanh là cả một thực thể ruỗng
nát; những gì cựa quậy bên trong thực ra chỉ lồng bồng lửa rơm chóng
cháy chóng tàn, cố nhiên là không đi tới đâu, chẳng dẫn tới cái gì.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét