Nhãn

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000 - kỳ 16



HẬU CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời biến đổi gien)

Kỳ 16


Bùi Ngọc Tấn

Chúng tôi im lặng. Biết nói gì bây giờ. Một lúc sau Hằng Thanh chuyển đề tài:
– Trước Tết thầy giáo em sang Paris. Thầy là giáo sư thỉnh giảng ở bên ấy. Ba mươi Tết thầy đến nhà Thụy Khuê chơi, vẫn bình thường. Thế mà chỉ sau Tết mấy hôm, đến nhà Thụy Khuê đã thấy  Chuyện kể năm 2000 ở đấy rồi. Nhanh thế chứ. Thầy em đọc anh ở bên ấy. Những lần sau đến nhà Thụy Khuê, hai người chỉ nói về  Chuyện kể năm 2000 thôi.
Câu nói của Hằng Thanh càng làm tôi hiểu thêm tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Và cũng mang đến cho tôi nhiều niềm vui. Chuyện không chỉ bó gọn ở Hà Nội, ở Việt Nam nữa. Thời đại bùng nổ thông tin, mới lắm các đồng chí ạ! Người ta vẫn nói như thế mà không hiểu được điều mình nói. Ngăn làm sao được. Mong các vị hiểu rõ. Đừng như cái máy ghi âm. Đừng như con vẹt. Tính vẹt đang là bệnh phổ biến trong xã hội chúng ta, một căn bệnh nghiêm trọng đưa con người trở lại thời mông muội.
Bên cạnh niềm vui vì tập sách của tôi đã vượt vòng vây, chắc chắn sẽ được tái bản ở nước ngoài, được nhiều người đọc, lại là nỗi buồn, nỗi buồn lớn hơn nỗi buồn sách của mình bị đình chỉ phát hành: Vậy là tình hình vẫn nguyên như cũ. Một tình hình chúng tôi đã chờ đợi thay đổi quá lâu rồi! Không. Cũng có khác đấy nhưng chỉ là khác do tình thế, do áp lực. Có vậy tôi mới in được tập này. Khác trước thì tôi mới chưa bị bắt. Nếu không tôi lại vào xà lim rồi. Nhưng sao người ta vẫn sợ sự thật thế. Một sự thật cách đây đã hơn 30 năm vẫn không thể được nói tới, được nhắc lại. Một nhà nước sợ sự thật không thể là nhà nước mạnh. Một chính quyền sợ sự thật không thể là một chính quyền quyết tâm đổi mới. Hy vọng đặt vào rất ít, rất mong manh nếu không nói là hão huyền.

Luyến nói về thái độ của những cơ quan quản lý khác nhau. Cán bộ Cục Xuất Bản theo dõi nhà xuất bản Thanh Niên thì nói tác giả là người rất yêu nước, nhưng Ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương Đảng thì căng lắm. Với lại đấy cũng chỉ là ý kiến riêng của cán bộ phụ trách nhà xuất bản thôi. Cục Xuất Bản nhiều ý kiến lắm. A25 thì điên lên. Cứ nghĩ chờ đến ngày 13 Tết, hết thời gian lưu chiểu, nếu không có lệnh gì mới thì bán sách, nhưng không được rồi. Ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương Đoàn đã nhận được chỉ thị phải làm đến nơi đến chốn vụ này. Nhà xuất bản cũng đã nhận được công văn chính thức đình chỉ phát hành. Đình chỉ chứ không phải tạm thời đình chỉ. Nếu có làm sao thì chắc chắn mấy anh Phạm Đức, Bùi Văn Ngợi, Cao Giang và em bị kỷ luật. Chỉ thương anh Phạm Đức, mới được đề bạt. Anh Ngợi sẽ mất chức. Anh Cao Giang về hưu sớm. Em đang tiếp xúc với một người bên A25. Người ta bảo: Có thể sửa một số đoạn rồi vẫn cho phát hành. Người ta đã đưa cho em tập sách có những chỗ sửa. Được như vậy là tối ưu... Nhưng mọi khả năng đều có thể xẩy ra. Anh em mình phải sẵn sàng với tình huống xấu nhất. Nếu họ bảo cho sửa rồi in bản sửa thì anh cứ đồng ý cho em — Tôi ậm ừ. Vấn đề là sửa thế nào, sửa những gì đã chứ. Còn trường hợp họ thu trắng, mình phải có cách của mình. Chỉ nộp 300 bộ tượng trưng. Anh phải chuẩn bị sẵn một danh sách. Tặng. Biếu. Cho. Bán. Cứ nói bán. Không sợ. Không sợ vi phạm thời hạn lưu chiểu. Anh đã nhờ em nộp lưu chiểu từ 27 Tết cơ mà. Nộp chậm là lỗi của nhà xuất bản.
Rồi Luyến thở dài:
– Lại thêm một tội nữa của anh Ngợi. Nếu thu trắng thì anh Ngợi sẽ mất chức. Các anh Phạm Đức, Cao Giang đều rất gay go. Bây giờ chưa có lệnh thu. Nên anh đừng xuất hiện. Không ở Hải Phòng. Cũng không ở Hà Nội.
Tôi bật cười:
– Anh sẽ lơ lửng ở quãng Hải Dương.
Tôi mừng vì Luyến bảo chỉ nộp 300 bộ. Nhưng lại lo khi số sách nộp chỉ có thế. Trước tiên là đẩy Bùi Văn Ngợi và nhà xuất bản vào một tình thế gay go. Cả tôi nữa. Làm sao kê khai được 1200 bộ không nộp.
Luyến nói tiếp:
– Anh có chỗ nào ở Hà Nội gửi sách được không?
– Có. Có. Nhà anh Lê Bầu ở Phùng Hưng. Nhà anh Mai Nam Tô Hiến Thành.
– Gửi ngay bây giờ được không?
– Để anh gọi điện xem các anh ấy có nhà không đã.
Tôi gọi điện. Lê Bầu, Mai Nam đều có nhà.
Luyến cũng gọi điện đi đâu đó. Rồi bảo:
– Nửa tiếng nữa ô tô đến. Nhà anh Bầu em biết rồi. Em sẽ mang đến gửi vào hôm khác. Số nhà anh Mai Nam thế nào nhỉ. Anh cho em biết rồi anh cứ về nhà anh Mai Nam trước nhé. Ô tô đến sau.
– Nhưng anh không nhớ số nhà. Anh chỉ biết nhà thôi. Chán quá. Vừa rồi lại không hỏi số nhà. Để anh gọi điện hỏi lại.
Luyến bảo không cần. Ô tô đến thì anh lên xe đến nhà anh Mai Nam luôn thể cũng được. Gửi nhà anh Mai Nam bốn thùng. Chỗ còn lại em bảo lái xe đưa đến một nơi khác.
Trong khi chờ xe, chúng tôi lại chuyện. Xen lẫn chuyện buồn là những chuyện vui. Hai cô bạn gái nói về tác động tập sách đối với giới văn nghệ sĩ. Nhất là các nhà văn. Ai lấy cả một thùng 50 bộ. Ai lấy 20 bộ. Làm giúp công việc phát hành. Mua để tặng bè bạn. Dư luận đang rất xôn xao. Lại càng xôn xao khi có lệnh đình chỉ phát hành.
Xe ô tô chở sách đến. Đó là một xe tải cỡ nhỏ. Xe đỗ ở ngã ba Trương Hán Siêu – Ngô Văn Sở. Luyến thật xốc vác, giải quyết công việc rất nhanh. Dặn dò người lái xe xong, chị và anh ta vần từ thùng xe xuống một thùng sách, đặt trên pooc-ba-ga xe Honda và cứ để nguyên như vậy, không chằng buộc, rồ máy biến vào đám đông. Tôi rất lo. Đã từng bị săn đuổi, tôi biết. Luyến chủ quan quá. Sơ hở quá. Mong rằng người ta chưa theo dõi gắt gao.
Tôi nhẩy lên ô tô đến nhà Mai Nam. Chúng tôi khuân bê hì hục toát mồ hôi. Hai trăm bộ sách. Mỗi bộ gần ngàn trang sách, ít ỏi gì đâu. Đang khuân, khiêng từ trên xe xuống thì một người đi xe máy phóng vào. Tôi xác định ngay không phải người trong khu nhà vì kiểu nhìn ngơ ngơ ngáo ngáo của anh ta, lại còn gặp người ra người vào cũng không chào hỏi.
Tôi hỏi khẽ Mai Nam:
– Ai đấy?
Mai Nam lắc đầu:
– Không biết.
Bỗng anh ta tiến lại phía chúng tôi:
– Hai bác khiêng cái gì  mà nặng thế?
Tôi lạnh cả lưng.
Hóa ra chỉ là câu hỏi làm quen. Câu hỏi tiếp theo:
– Ở đây có ai vừa gọi điện thoại chữa máy bơm. Có ai không hai bác nhỉ. Đây có phải là số... Tô Hiến Thành không ạ?
Đúng anh ta là người sửa máy bơm nước thật. Xe máy anh ta có cả đồ nghề. Anh ta đi, chúng tôi tiếp tục khiêng, xếp bốn thùng sách vào góc nhà. Mai Nam còn cẩn thận bắt tôi khiêng đặt lên chiếc trường kỷ gỗ lim để chống ẩm cho sách. Rồi chúng tôi lên nhà trên. Mai Nam rót rượu mời tôi. Tôi rụt rè hỏi Mai Nam liệu anh có thể nhận đã bán cho tôi sách không. Bao nhiêu? Ba chục bộ. Mai Nam thoải mái: Được. Nhưng ông sẽ bảo với người ta là bán nó ở đâu? Cả hai chúng tôi cùng suy nghĩ. Thôi. Hãy cứ biết ông có thể nhận cho tôi ba chục bộ. Cùng lắm mới dùng đến. Hãy biết thế. Tôi gọi điện cho cháu Phùng Thanh Chương, con trai lớn anh Phùng Văn Ong.
Chương là tiến sĩ luyện kim mầu tốt nghiệp ở Tiệp Khắc về Hải Phòng không được dùng bỏ lên Hà Nội, mở cửa hàng bán quần áo và dụng cụ thể thao ở phố Điện Biên Phủ, gần nhà Hứa Văn Định. Anh đến nhà Mai Nam ngay. Nhận — bán giúp tôi — hai mươi bộ. Nhà cháu có cửa hàng. Cháu bán hộ chú. Không phải bày bán mà chỉ những anh em bè bạn quen mới giới thiệu để họ mua thôi. Tôi cũng lại nói thêm: Tất cả chỉ là phòng xa. Nếu chú tìm được nơi nào thuận tiện hơn thì sẽ không phiền đến Chương. Rồi tôi đến Dương Tường, đến Lê Bầu, Vũ Công Luận,Vũ Tín. Tôi gọi điện cho Mạc Lân, ông lính me của tôi ở xa quá. Mãi tận Cầu Giấy.
– Chúng nó phong thánh cho ông rồi — Đấy là Lân nói về cái tin đình chỉ phát hành tập sách của tôi. Tôi đã đọc xong lần thứ hai. Chưa bao giờ tôi đọc một quyển tiểu thuyết trong nước mà lại thích như vậy. Mát mặt cả bọn. Ông Bầu ông ấy bảo Tết này là Tết vui nhất của chúng mình. Ông đã bỏ chúng nó. Ông cũng có đổi mới tiểu thuyết đấy. Tôi có một tập. Ông Bão có một tập. Cứ chờ sách của ông ra rồi chúng tôi theo. Nhưng như thế này là hỏng rồi.
Căng thẳng đã quá lâu, tôi tếu táo với Lân để cười lên một chút:
– Mình có một thằng bạn thuộc hàng chức sắc, lương bao nhiêu đấy mới được nghe tuyên giáo nói chuyện thời sự về tình hình Vùng Vịnh. Dạo ấy đang căng nhưng chưa có chiến tranh. Ông bạn bảo: Tôi đi nghe nói suốt buổi sáng. Chiều về nhà nằm vắt tay lên trán nghĩ mãi mới vỡ ra điều cấp trên định truyền đạt là: Nếu chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra thì sẽ có ba khả năng. Một, Mỹ thắng. Hai, Irak thắng. Ba là hoà. Khi in tập sách này mình cũng nhận định có ba khả năng. Một là văn chương sẽ được nới rộng ra. Hai là sẽ thít chặt lại. Ba là vẫn nguyên như cũ.
Tiếng Lân sảng khoái bên kia đầu dây nói:
– Và bây giờ tập sách của ông cũng có ba khả năng. Một là thu hồi. Hai là chữa lại rồi cho phát hành. Ba là cứ phát hành bình thường. Nhưng nếu tịch thu là ngu. Ngu. Thời đại internet toàn cầu. Nếu thu, chính tôi sẽ viết tin đưa lên internet.
– Không đến lượt ông đâu ông ơi. Thiên hạ họ nhậy lắm. Nhưng nếu thu sách thì hơi phiền cho tôi. Vì sách tôi đã nhờ bạn bè bán nhiều rồi. Kỳ trước tôi gửi ông 100 bộ phải không nhỉ. Ông bán được bao nhiêu rồi?
Lân hiểu ý tôi. Luôn nghĩ điện thoại của chúng tôi bị bao vây, bị nghe lén, chúng tôi hiểu ngay những gì ẩn đằng sau lời nói:
– Sách của ông tôi bán hết ngay. Còn nữa không, ông đưa tôi.
– Ông bán ở đâu mà nhanh thế. Nhà ông mãi sâu trong ngõ. Chân ông thì đau. Ông mang làm sao được.
Hiểu tôi đang đóng vai phản biện, Lân thản nhiên:
– Tôi bán ở đường Cầu Giấy. Ngồi ngay vỉa hè. Vợ tôi, bà Hằng mang sách ra cho tôi.
– Vất vả thế?
Giọng Lân gây gổ như nói với người vô hình đang lẩn khuất ở đâu đó:
– Kiếm miếng ăn không vất vả sao được. Tôi nghèo đã phải làm cả lính me bán máu, ông thương tôi, ưu tiên cho tôi 100 bộ, kiếm ít tiền phát hành, lười làm sao được. Đói đầu gối phải bò chứ!
 Cả hai lại cười. Thế là chúng tôi đã thống nhất: Lân nhận 100 bộ. Anh ngồi bán ngay ở đường Cầu Giấy.
– Tiền tôi thu đủ rồi đấy. Ông vào lấy đi.
– Ông cứ giữ hộ tôi. Tôi chỉ lấy ông 40 nghìn một bộ thôi.
– Tôi được những 37 nghìn một bộ cơ à? Thắng lớn rồi.
Lại cười. Khà khà.
– Ông có gặp ông Ngợi, ông bảo ông Ngợi hộ tôi là tôi rất kính trọng ông ấy nhé.
– Được. Nhưng tôi phải nói thêm với ông ấy một câu là ông Lân bạn tôi chưa từng kính trọng ai bao giờ.
Chúng tôi cùng cười. Sau này gặp Bùi Văn Ngợi, tôi có nói lại nguyên văn câu nói của Lân. Cũng không quên nhận xét của tôi về Lân:
– Ông Lân ông ấy chưa kính trọng ai bao giờ.
*
Suốt ngày tôi nằm bò trên tấm thảm trải trên sàn gỗ căn buồng Ngã Sáu của tôi, làm tính cộng tính trừ. Ai cũng sẵn sàng nhận bán cho tôi vài chục bộ. Bởi vậy tôi được phép cân nhắc. Tốt nhất là những người có nhà mặt tiền mà lại buôn bán tí chút. Điều kiện như vậy chỉ một Vũ Tín. Tôi đã lên Hà Nội gặp Vũ Tín và cả chị Tùy vợ anh để bàn về chuyện này. Vũ Tín trợn trừng trợn trạo quát tôi khi thấy tôi ấp úng “Ông nhận bán cho tôi hai trăm bộ được không?”:
– Được chứ sao không được. Hai trăm chứ nữa cũng được. Sách bạn tôi viết. Nhà xuất bản của nhà nước. In xong bạn tôi nhờ tôi bán hộ, tôi được phần trăm. Làm sao không bán?
Anh cúi lục từ dưới chiếu đầu giường rút ra tập Viết Trước Giao Thừa Thiên Niên Kỷ có bài tôi viết về anh mà tôi gửi Đỗ Quang Hạnh mang lên trước Tết, chĩa ra ngay trước mắt tôi, vênh váo:
– Đây. Nó vừa viết về tôi đây. In thành sách đàng hoàng. Thời trai trẻ đã qua đây. Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân đây. Bùi Ngọc Tấn đây. Thế mà nó nhờ bán cho nó hai trăm bộ sách tôi không giúp thì còn ra thể thống gì nữa — Cười hề hề. Nó cho tôi hưởng phần trăm nhưng tôi không lấy. Lấy làm gì. Nó in sách chỉ đem tặng cũng đã mất mấy chục triệu rồi.
Hai trăm bộ. Bớt đi một quả tạ trong cán cân lo lắng của tôi.  Dương Tường bảo:
– Ông cứ ghi cho tôi năm chục bộ. Thằng Đoàn Tử Huyến có hiệu sách. Để tôi bảo nó. Cả thằng Hồng Đăng nữa. Vợ nó bán sách. Mỗi thằng ba chục bộ.
Đoàn Tử Huyến, Hồng Đăng tôi không quen. Tôi có gặp Hồng Đăng một lần khi đến 51 Trần Hưng Đạo uống rượu đầu năm với Nguyễn Trọng Tạo. Còn Đoàn Tử Huyến, chỉ nghe tên mà chưa biết mặt. Nhưng rồi ít ngày sau Dương Tường điện về cả hai đều nhận lời giúp tôi.
Lê Bàn ( ) thì “Tao năm chục bộ. Bán ở đâu á? Ngồi vỉa hè bán. Có ai vặn vẹo, tao bảo sách của thằng Tấn mà tôi không ngồi vỉa hè bán được à?”
Lại cả người mới gặp lần đầu như Tạ Duy Anh. Về Hải Phòng ăn cưới con gái Đình Kính, anh lại nhà tôi.
– Anh cứ phân cho em chỉ tiêu đi. Ba chục bộ vào. Anh đưa cho em trước Tết. Người nhà em ở Hải Phòng mà. Em về Hải Phòng trước Tết, cho vào bao mang lên Hà Nội định kiếm tí tiền. Nhưng tầu xe đông, con nhỏ, mang xách lắm thứ, bị nó mổ mất.
Anh gật gù một mình như người vừa bị mất cắp, tự động viên an ủi:
– Bây giờ kẻ cắp như rươi. Mình thì Tết nhất bao nhiêu thứ. Thôi thì của đi thay người.
Nhìn vẻ mặt vừa xót của vừa cam chịu của anh, tôi cười phá lên. Thật ấm lòng vì những nghĩa cử ấy. Cái chính là nó hợp đạo lý, hợp lòng người. Những người muốn góp sức chống lại sự cấm đoán phi lý của nền chuyên chính. Nguyễn Công Nam ba mươi bộ. Phạm Xuân Trường ba mươi bộ — Trường cũng có cái mưu giống Tạ Duy Anh, “nếu người ta hỏi bán ở đâu, bán cho những ai thì em bảo em đèo đi Quảng Ninh bán lấy ít tiền tiêu Tết, nhưng bị ăn cắp cắt dây, mất cả bọc.” Đỗ An Bình năm mươi bộ, Vũ Công Luận ba mươi bộ... Đoàn Lê ở Đồ Sơn cũng nhận cho tôi ba mươi bộ. Nghe có vẻ “rầm rộ” nhưng cộng đi cộng lại mới chỉ được năm trăm linh sáu bộ. Mà Luyến nói chỉ nộp lại ba trăm bộ. Tôi phải úm ba la ra con số 1200, tất nhiên là trong đó có khoảng hai trăm bộ sách tôi nộp lưu chiểu và tặng mà tôi có thể kê khai rõ ràng. Vậy phải phù phép được một nghìn bộ.
Tôi đến nhà cô hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Du Bùi Thị Kim Dung, một người bạn, một người tôi coi như em, vợ Lê Xuân Thủy nguyên phó chủ tịch công đoàn xí nghiệp tôi, người hay pha trà mời tôi mỗi khi tôi trốn lên văn phòng công đoàn ngồi viết  Chuyện kể năm 2000, mới chuyển sang làm chánh văn phòng công ty đồ hộp Hạ Long. Thủy nói ngay:
– Bác phân cho em hai mươi bộ. Khách đến công ty làm việc, em bán cho khách. Cũng chẳng nhớ được là những khách nào.
Dung nhận cho tôi những hai trăm bộ, vì chị có bốn người quen mở hiệu sách. “Mỗi người năm mươi bộ thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng cũng để em hỏi họ cái đã.” 
Tôi bảo:
– Dung cứ phải thống nhất với họ trước đi.
Hôm sau tôi lại, Dung giục:
– Anh xe sách đến em đi. Để họ đến lấy. Em kể nội dung cuốn sách, họ thích lắm.
Tôi phải nói để Dung hiểu đây không phải sách. Mà là con số. Nếu được bán bây giờ thì vạn quyển cũng hết veo. Đây chỉ là nhận cho những con số.
Tôi cộng trừ. Ngam ngám 816 bộ. Và sách tôi tặng, sách lưu chiểu: 185 bộ. Vậy là 1001 bộ. Còn 499 bộ nữa. Làm sao bây giờ. Tôi nói với Luyến nỗi lo ấy. Luyến bảo cứ để nghe ngóng tình hình thế nào đã. Đây chỉ là chuẩn bị sẵn phương án xấu nhất thôi.
Giữa lúc đạp xe các nơi, căng thẳng toát mồ hôi ấy vừa trở về nhà thì điện thoại. Của Cao Giang. Gọi vào giữa trưa. Từ trưa mồng 8 Tết, gặp nhau ở Hà Nội, anh báo tin thành công của tập sách “ai cũng khen, dư luận đang rất xôn xao, để dư luận trở lại bình thường đã rồi sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ giữa nhà xuất bản với anh và chị Ngọc cùng một số bạn đọc, ở Hà Nội cũng được, ở Hải Phòng cũng được” cho tới bây giờ, lệnh cấm phát ra mấy ngày rồi chúng tôi mới chuyện cùng nhau.
Cầm ống nghe, chưa nói một lời, không ai bảo ai chúng tôi cùng cười lớn. Cười như những người đàn ông khi lâm nạn, những người tin chắc vào chiến thắng bỗng thấy mình thua, hơn thế, gặp hiểm nguy. Cười như những đứa trẻ nhẹ dạ cả tin đã bị lừa. Cười giòn giã. Cười sảng khoái. Cười cùng một lúc ở hai đầu dây. Cười lâu. Cười và nghe cười. Đồng điệu. Trật hết cả rồi ông ơi. Cứ chủ quan. Tưởng ai cũng như mình. Tin rằng sẽ có một thành công đặc biệt, hoá ra một cú đấm nẩy đom đóm mắt, một scandal. Cứ tưởng bay lên trời cao hóa ra ngã sóng xoài dưới đất. Cứ tưởng cuộc đời đã khá lên, đã thay đổi dù là chút ít hóa ra Nguyễn Y Vân. Bây giờ chỉ còn mỗi cách nai lưng ra chịu trận. Chưa biết đòn gì sẽ đến nhưng chắc chắn chẳng nhẹ nhàng chút nào. Hãy vững vàng nhé. Chịu đòn tốt nhé. Tiếng cười của chúng tôi nói với nhau như vậy.
Cuộc điện đàm buổi trưa tiếp cho tôi niềm yêu đời và lòng tin vào những người bạn luôn ở bên tôi, cùng nhau gánh chịu mọi hậu quả xấu nhất. Nhưng chỉ ba tiếng đồng hồ sau, một cú điện thoại khác cũng của Cao Giang làm tôi hoang mang, không thể hình dung tình hình chuyển biến mau lẹ thế. Nhanh đến bất ngờ.
Không một chút tình cảm trong giọng nói của Cao Giang. Nó hoàn toàn là nguyên tắc, là công vụ:
– Tôi đang ngồi với giám đốc ở phòng giám đốc. Giám đốc lệnh tôi điện thoại cho anh thì tôi chấp hành. Hơi gián tiếp một tí. Sáng mai ô tô nhà xuất bản sẽ xuống anh chở sách lên Hà Nội. Anh tập trung ngay toàn bộ số sách hiện anh còn giữ mang lên nộp.
Tôi ngơ ngác trước lời nhắn rất quyết liệt này. Hiểu được sự im lặng kéo dài của tôi, Cao Giang giải thích:
– Sáng nay giám đốc vừa làm việc với tổng cục trưởng an ninh.Tình hình hơi nghiêm trang — Cao Giang ngập ngừng rồi tiếp — nghiêm trọng một chút. Anh Ngợi đã ký lệnh. Sáng mai ô tô của nhà xuất bản và anh em bên phát hành sẽ xuống Hải Phòng. Anh chuẩn bị sẵn sàng nhé.
Thật gay. Sự việc diễn biến quá nhanh. Nguy hiểm đến chân rồi. Phải dùng kế hoãn binh. Anh báo cáo với anh Ngợi giúp tôi là tôi còn phải có thời gian đi thu gom sách lại. Sách tôi gửi nhiều nhà, nhiều cửa hàng, cửa hiệu. Người ở nhà, người đi vắng. Ngày mai chưa thể có sách được.
– Nhưng anh phải bảo đảm với chúng tôi rằng không có bất kỳ một cuốn sách nào được phát hành. Và mang sách lên chúng tôi càng sớm càng tốt.
Cao Giang nói như ra lệnh. Tôi hứa sẽ không có cuốn sách nào được bán ra.— Có cửa hàng nào có sách của tôi đâu mà bán. Trừ mấy thùng sách gửi Mai Nam, tất cả nằm ở những nơi chỉ Lam Luyến biết.
Tiếng Cao Giang xác nhận:
– Công an Hải Phòng cũng báo cáo lên như vậy. Các hiệu sách Hải Phòng không thấy có bán.
Thì ra người ta đã làm việc với công an Hải Phòng rồi! Thế mà mình chẳng hay biết tí gì.Vòng vây đang xiết lại. Tôi vội ra bưu điện nói chuyện với Luyến. Gọi di động. Luyến bảo: Lúc anh Cao Giang gọi điện cho anh, em cũng ở phòng giám đốc. Ngập ngừng một lát, Luyến hạ giọng:
– Em mới gửi chỗ anh Đình Kính ba trăm bộ.
Lại một điều bất ngờ nữa. Tôi hoàn toàn lâm vào thế bị động, không biết đường nào mà đối phó.
– Bây giờ nói chuyện ở cơ quan không tiện. Đúng tám rưỡi tối nay anh ra bưu điện gọi cho em tới số máy.., em chờ anh ở đó.
Việc phải làm ngay là về nhà gọi điện cho Đình Kính xem sách để ở đâu mà không thấy Kính nói gì với tôi. Con Nhím trả lời bố cháu đi Hà Nội. Đi mấy hôm rồi. Tôi sang nhà Kính, hỏi bà, hỏi Vân, hỏi Nhím. Cả ba đều nói không có sách nào gửi ở đây cả. Tất cả đều không biết. Thế là thế nào nhỉ? Sách để ở nhà Kính mà không ai biết? Tôi rối tinh đầu óc, tuy miệng vẫn nói đó là số sách của tôi, hôm nọ nhờ xe ô tô, gửi bên này bốc xếp cho dễ. Nhà tôi trên gác đi lại khó khăn. Ngày mai có ô tô chở đi bán. Nói thế để cả nhà yên tâm.
Vân cho tôi số di động của Kính: 0913 53 19... Lại bảo dễ nhớ lắm. 0913 là mã số di động. 53 là năm hạn, phải hết sức cẩn thận. 19… là năm sinh con gái đầu lòng, chị con Nhím. Tôi gọi cho Kính. Thuê bao quý khách vừa gọi hoặc tắt máy hoặc ngoài vùng phủ sóng. Mãi sau tôi mới biết Kính đã lên tầu đi Đà Nẵng. Trên tầu nhiễu sóng, không gọi được.
Cơm tối xong, đúng quy định, tôi ra bưu điện gọi cho Luyến tới một số máy khác. Luyến “chỉ thị” cho tôi theo kiểu tôi nói với Mạc Lân, đề phòng nghe lén:
– Anh lo thu thập dưới ấy như hôm nọ anh bảo em là còn ba trăm bộ — có nghĩa là số sách Luyến gửi Kính — trên này còn hai trăm bộ và hai trăm bộ anh đưa em. Anh thu xếp cho đủ rồi báo anh Ngợi cho xe xuống lấy. Số bao đựng sách dưới ấy có mục thì anh thay bao đi.
Tôi hiểu. Số sách tôi phải nộp đã thay đổi. Từ ba trăm lên năm trăm. Và bây giờ là bẩy trăm bộ. Mừng. Vì số sách tán phát phải lý giải đã giảm. Nhưng với tám trăm bộ thất thoát, tôi vẫn lo cho Ngợi và lo cả cho tôi. Tám trăm bộ. Ít ỏi gì đâu.
Trở về nhà gọi điện cho Ngợi, một việc giờ đây tôi rất ngại. Thái độ của anh đối với tôi không như trước nữa. Anh đã xử sự theo đúng nguyên tắc. Anh không trực tiếp gọi điện cho tôi, thông báo cho tôi tình hình làm việc với tổng cục trưởng an ninh, nói cho tôi biết những diễn biến, những áp lực đang đè lên anh, lên nhà xuất bản, phải thu sách về ngay không chậm trễ. Mà qua Cao Giang. Có lẽ anh đã nghĩ khác về tôi. Rằng tôi chính là thủ phạm đẩy anh tới hiểm nghèo, hơn thế, thân bại danh liệt. Một thái độ quay ngoắt 180 độ! Thật ngạc nhiên và vui làm sao, giọng Ngợi vẫn vang to đầy nhiệt tình:
– Vâng. Mời anh lên. Anh vẫn khoẻ chứ. Chị ra sao. Vẫn vững chứ. Chúng ta không được phép lùi. Lùi bây giờ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều điều không tiện nói qua điện thoại. Công việc của chúng ta sẽ được giải quyết ở những cấp cao nữa cơ.
Vừa đặt máy xuống, chuông đã reo. Của Vân, vợ Kính. Vân bảo đã tìm thấy sách rồi. Bà bảo sách gì, hình như để ở nhà ông bà nhà dưới, chỗ quán cà phê. Em xuống xem thì đúng rồi. Bác sang lấy nhé.
Tôi sang gặp Vân và chúng tôi tới hiệu cà phê ngay cạnh. Sáu bao dứa căng dựa liền nhau sát tường. Mới tinh, khâu rất đẹp, bao nào cũng có dòng chữ rất to: Nhà văn Đình Kính – 13 Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Luyến đã gửi số sách này về nhà Kính từ bao giờ mà không cho tôi biết. Thảo nào Luyến dặn tôi số bao sách dưới ấy nếu có mục anh phải thay đi.
Tôi thuê xích lô xe sách về nhà. Vợ tôi đi mua bao dứa mới. Giá rẻ không ngờ. Mười nghìn đồng bẩy bao. Vợ tôi và Giáng Hương chuyển sách từ bao cũ sang bao mới. Còn tôi nằm bò trên sàn, làm các phép tính cộng trừ. Lại phải phân bổ lại. Một số người tôi cắt hẳn. Phần lớn là rút bớt số lượng. Riêng Vũ Tín vẫn giữ con số 200. Sáng hôm sau tôi đi Hà Nội.
B.N.T.

( ) Lê Bầu. Sau khi sách ra, như nhiều người, tôi cũng gọi là Lê Bàn.


(Xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét