Nhãn

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Về sự sợ hãi

Về sự sợ hãi



Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường.
Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.
Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này.
Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trường hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn.
Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.

GS Ngô Bảo Châu

Tản mạn với bài viết của GS. Ngô Bảo Châu “VỀ SỰ SỢ HÃI”

Hồng Hà

Nếu vụ án xử công dân Cù Huy Hà Vũ tội “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” được quan tâm khắp trong và ngoài nước, thì bài viết của ông Ngô Bảo Châu lại có nhiều lời bình luận trái chiều không kém phần sôi nổi của người Việt. Bài viết này gây cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi đã đọc nhiều lần để muốn hiểu được vị Giáo sư trẻ nghĩ gì về vụ án nổi tiếng đầu thế kỷ XXI này.
Bài viết được chia làm 5 đoạn, 2 đoạn đầu dành cho bị cáo Cù Huy Hà Vũ với 5 câu, 2 đoạn sau dành cho những người bắt và xử ông Hà Vũ gồm 7 câu, cuối cùng, là 1 câu kết luận.
Phần dành cho bị cáo, đoạn đầu, 3 câu tác giả nói lên những nhận xét cá nhân về ông Hà Vũ. Về tình cảm: “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ”, câu nói này rất thật tâm. Sự hâm mộ thể hiện tình cảm yêu mến, nể phục. Trái ngược với hâm mộ là ghét bỏ, coi khinh. Mức độ hâm mộ cũng khác nhau, có thể là: đặc biệt hâm mộ, rất hâm mộ, hâm mộ, không hâm mộ, rất không hâm mộ. Tôi nghĩ, dù có là rất không hâm mộ thì cũng chưa thể gọi đó là khinh ghét được. Khi GS. Ngô Bảo Châu nói “vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ”, thì cũng có nghĩa là ông ấy đã thể hiện sự cảm phục nhất định nào đó đối với con người này. Hơn nữa, ông Cù Huy Hà Vũ là ai? Trong phiên tòa này, ông đang là một bị cáo với tội danh nguy hiểm. Nếu là người có chung quan điểm với quan tòa thì không thể nào GS. Bảo Châu lại sử dụng từ “hâm mộ” trong văn cảnh này được. Tình cảm của ông đối với TS. Cù Huy Hà Vũ được thể hiện thật rõ ràng.
Về “tội trạng” của ông Cù Huy Hà Vũ: “Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt”. nhận xét này cũng rất có chừng mực. Một lý lẽ có thể là không/chưa có tính thuyết phục, hoặc có tính thuyết phục. Khi đã có tính thuyết phục thì nó có thể được chia theo các mức độ khác nhau, như chưa cao, trung bình, cao, đặc biệt. Với câu này, GS. Bảo Châu muốn nói rằng những lý lẽ của ông Cù Huy Hà Vũ là có tính thuyết phục, nhưng chưa phải là đặc biệt. Suy nghĩ này của GS. Bảo Châu cũng rất thực tế, bởi vì, như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nói: “Những băn khoăn, những ưu tư của Vũ cũng là những băn khoăn và ưu tư của mọi người. Mọi người đều nghĩ, còn Vũ thì đã nói ra được những điều đó. Vũ không nói, thì người khác cũng nói. Vì đó là những điều hiện thời mọi người lo lắng cho đất nước”. Có thể, tính thuyết phục trong lý lẽ của ông Hà Vũ là chân lý rõ ràng, phổ quát, nhưng theo GS Bảo Châu thì còn chưa đặc biệt. Điều này hoàn toàn không đồng nghĩa với không có tính thuyết phục. Một số bạn đã sai lầm khi vội cắt bỏ từ “đặc biệt” để gán cho GS Ngô Bảo Châu có ý chê bai những lý lẽ của TS Cù Huy Hà Vũ. Hiểu như vậy, thật là tệ hại, sai lệch 180o ý tưởng của tác giả. Hiển nhiên rằng, những lý lẽ đó đang là những bằng chứng để Nhà nước kết tội tày đình cho ông Hà Vũ. Thế mà GS Ngô Bảo Châu lại công khai thừa nhận tính thuyết phục của chúng, dù là không đặc biệt. Quan điểm của GS về “tội trạng” mà Nhà nước pháp quyền XHCN gán cho công dân Cù Huy Hà Vũ cũng thật thẳng thắn, minh bạch.
Dù “vốn không đặc biệt hâm mộ” ông Cù Huy Hà Vũ, dù những lý lẽ ông đưa ra cũng “không thấy có tính thuyết phục đặc biệt”, nhưng GS. Ngô Bảo Châu đã nhận xét: “Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường”. Tôi đối sánh từ “vốn” với từ “nhưng… gần đây”, thấy rằng, theo thời gian, từ hành động của TS Cù Huy Hà Vũ, GS Ngô Bảo Châu đã nhìn khác hơn về con người này. Thực vậy, ông cho rằng TS Cù Huy Hà Vũ ngày càng cho thấy là một con người không tầm thường. Những người không tầm thường là những người khác hẳn với số rất đông. Sự khác biệt đó có thể là tốt hoặc xấu. Những con người này có thể là những người nổi tiếng, là vĩ nhân, là lãnh tụ, là thần đồng, thậm chí là người điên, kẻ sát nhân, là trùm xã hội đen…
Đọc tiếp, với chỉ 2 câu, GS Ngô Bảo Châu nói về sự không tầm thường của TS Cù Huy Hà Vũ. Ông đã ví ông Cù Huy Hà Vũ như những nhân vật lịch sử nổi tiếng thế giới về lòng yêu nước, về khát vọng tự do mà tên tuổi, sự nghiệp của họ đã lưu danh muôn thủa. Họ đã là những nhân vật huyền thoại. Tôi nghĩ, nhân vật anh hùng thì chưa chắc đã là nhân vật huyền thoại, nhưng nhân vật huyền thoại thì lại là nhân vật vừa có chất anh hùng, vừa có chất lãng mạn, chất nhân văn cao cả. Họ đã đi vào sử thi của dân tộc, của nhân loại. Có thể tôi đọc còn chưa nhiều, nhưng cách tôn vinh độc đáo, đặc biệt đối với TS Cù Huy Hà Vũ, người vừa hiên ngang đứng trước vành móng ngựa của Nhà nước, vừa bị kết tội với tội danh nặng nề “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, bằng một hình ảnh cao thượng đầy tính nhân văn như vậy, thì tôi mới chỉ đọc được ở nhà toán học trẻ tuổi nổi tiếng, GS. Ngô Bảo Châu.
Phần dành cho bên quan tòa, gồm 2 ý: ý thứ nhất, nói về phiên tòa ô danh từ cách ngụy tạo chứng cứ rất đặc biệt xấu xa để bắt ông Cù Huy Hà Vũ, đến sự thiếu minh bạch, không tuân theo luật xét xử của chính bộ máy làm ra luật và thực thi luật pháp. Những người tham gia vào vụ này đông lắm: từ những cảnh sát ở TP Hồ Chí Minh, ở Bộ Công an, đến các nhân viên ở Viện Kiểm sát, ở Tòa án Hà Nội, đến lực lượng cảnh sát hùng hậu với đủ loại công cụ răn đe ở bên trong và bên ngoài Tòa án. Thế mà GS Ngô Bảo Châu lại quy kết lại còn có “mấy ông bà”, chỉ là một số ít. Phải chăng số ít này mới chính là các vị quan tòa đích thực của phiên tòa? Đối diện với một Cù Huy Hà Vũ đi vào huyền thoại là một phiên tòa do “mấy ông bà” dàn dựng để kêt tội nhân vật này. Phiên tòa đã đi vào lịch sử với tội danh “làm nhục quốc thể” đến cùng cực, đến mức “khó mà làm hơn được nữa”. Thái độ lên án của GS Ngô Bảo Châu thật dứt khoát, đanh thép và cũng đầy chất hài hước, châm biếm.
GS Bảo Châu thấy chỉ có 02 cách lý giải: cách lý giải thứ nhất là sự tắc trách, cửa quyền cốt làm cho xong việc. Sự tắc trách, cửa quyền không chắc chỉ đối với sinh mạng chính trị của ông Cù Huy Hà Vũ trong phiên tòa này nói riêng, mà nói chung, liệu nó còn có thể liên quan tới nhân dân, tới xã hội khi để cho ai đó, tập đoàn nào đó tiêu tiền của dân vô tội vạ mà vẫn coi là không có sai phạm đáng kể? Liệu nó còn có liên quan đến sự khủng hoẳng dẫn đến đánh mất niềm tin của người dân vào nơi công lý cũng như khủng hoảng trầm trọng của nền kinh tế, đẩy hàng triệu người dân vào vòng đói khổ? Liệu nó có liên quan tới sự im lặng hoặc chậm trễ khó hiểu mỗi khi ngư dân bị hải tặc ngoại bang hành hạ và cướp phá ngư cụ??? Cách lý giải thứ hai là sự sợ hãi phải đối mặt với những lý lẽ của ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ấy, như phân tích ở trên, tuy không có tính thuyết phục đặc biệt, nhưng có tính thuyết phục phổ quát. Những lý lẽ ấy có là chân lý, là sự thật? Liệu có thể mở rộng ra để hiểu rằng vị quan tòa đại diện cho nền pháp trị XHCN Việt Nam này đã thực sự sợ hãi trước chân lý và sự thật mà họ khó có thể phản bác, buộc tội.
Có thể cho rằng GS Ngô Bảo Châu đã kiến nghị: dù lý giải theo cách nào đi nữa, thì mấy vị này cũng cần được “truy cứu trách nhiêm” nghiêm túc hoặc “chuyển sang công tác khác”. Ai sẽ làm việc đó? Liệu có chắc là Bộ Chính trị, là Quốc hội hoặc Chính phủ? Đây là một vấn đề có tính gợi mở.
Câu cuối, thay lời kết, GS Ngô Bảo Châu quy nạp thành triết lý khái quát: “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”. Sự sợ hãi thì đã rõ. Còn về sự cẩu thả, đúng như bạn Huỳnh Thục Vi đã nhận xét: “Họ không hề cẩu thả, thậm chí còn rất cẩn thận”, họ đã chuẩn bị kịch bản kỹ lưỡng tới từng chi tiết nhỏ trong vụ án này. Vậy tại sao GS Bảo Châu lại dùng từ “cẩu thả”. Tôi nghĩ, cẩu thả ở đây là đồng nghĩa với tắc trách, cửa quyền, nghĩa là tùy tiện thiếu trách nhiêm. Điều này cũng đã được đề cập ở trên. Từ kết luận của GS Ngô Bảo Châu, có thể hiểu: Nếu những người bảo vệ chế độ này lấy sự tắc trách, cửa quyền với dân, với nước, lấy sự sợ hãi chân lý, sự thật và sự sợ hãi kẻ thù ngoại bang làm phương pháp hành động thì không thể bảo vệ được chế độ. Từ đó có thể rút ra một hệ quả không đơn thuần chỉ cho toán học: điều gì đến, ắt sẽ phải đến.
Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, đọc “VỀ SỰ SỢ HÃI” của nhà toán học trẻ tuổi nổi tiếng, GS Ngô Bảo Châu viết về phiên tòa xét xử TS Cù Huy Hà Vũ, con người như đã đi vào huyền thoại, lòng tôi ấm lên, đinh ninh rằng ĐẤT VIỆT không thời nào thiếu những huyền thoại, những anh hùng, hào kiệt biết xả thân gìn giữ, phát triển sự nghiệp của Tiền Nhân.
Hà Nội, ngày 10 tháng Ba năm Tân Mão
H.H.
Nguồn: Bauxite VN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét