Mai Huy Thuật, một đời văn
Đặng Văn Sinh
Vào khoảng giữa năm 1990, do sự tình cờ, một lần tôi được đọc truyện ngắn Các ngài lãng phí quá của tác giả Mai Huy Thuật trên tuần báo Văn nghệ số 1(17-3-1990) của Hội Nhà văn Việt Nam. Câu chuyện viết về các công dân nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa anh hùng đang trần lưng “cày” trên vùng hoang mạc nóng bỏng Tây Nam Á, hy vọng “múc tát” được chút gì đó gửi về cứu vợ con đang đói xanh xao, hậu quả của nền kinh tế suy thoái sau gần hai chục năm làm ăn thất bát dưới cái nhãn hiệu “Hợp tác xã nông nghiệp”. Phải nói là cách viết của Mai Huy Thuật gây ấn tượng rất mạnh, nhưng thật đáng buồn, báo bị ai đó xé mất mấy tờ, thành thử không biết được phần kết ra sao. Riêng cái đoạn tiến sĩ Trữ đọc tiểu thuyết Don Quijote bằng nguyên bản tiếng Tây Ban Nha và cuộc nói chuyện không bình thường giữa anh với viên kỹ sư ngưới Ả Rập cứ ám ảnh tôi mãi.
Thật may, vào cuối năm 2000, lần này thì không những được đọc trọn vẹn Các ngài lãng phí quá tôi còn có điều kiện tiếp cận gần như toàn bộ sáng tác của Mai Huy Thuật qua tập Quê hương, do nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành bằng nguồn tài trợ của một số bạn cựu học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thị xã Hải Dương, nay đang định cư ở Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi gửi về.
Sau hơn 40 năm cầm bút, Mai Huy Thuật viết không nhiều nhưng phần lớn các tác phẩm đều được đăng tải trên những tuần báo và tạp chí văn chương sáng giá như Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn hóa văn nghệ công an, Người Hà Nội, tạp chí Sông Hương… Văn ông đầy tâm trạng, ngổn ngang những cảnh đời, tình người ấm lạnh, niềm đam mê, những khát vọng lớn lao và cả những bi kịch cá nhân mang dáng dấp anh hùng ca. Mai Huy Thuật là cây bút đa tài, vừa sắc sảo ở những khám phá bất chợt trong thể loại tùy bút, bút ký, tản văn, vừa sâu lắng như một vỉa trầm tích của lĩnh vực thi ca, lại gây ấn tượng đột khởi ở những chi tiết, tình tiết trong ngôn ngữ truyện ngắn. Đọc, suy ngẫm và tôi chợt nhớ đến một nhận xét có tính phổ biến của nhà phê bình người Pháp thế kỷ XIX: “ Có những người cầm bút suốt đời, viết hàng chục cuốn sách, in hàng trăm bài báo mà chưa chắc đã thành danh, nhưng cũng có người chỉ thấp thoáng xuất hiện dăm ba truyện ngắn hoặc vài bài thơ, lập tức được liệt ngay vào hàng những nhà văn tên tuổi”. Điều ấy không phải là quá với Mai Huy Thuật. Ông là nhà văn đích thực, một nhà văn hiện đại đúng với nội hàm của nó và được bảo hiểm bằng chất lượng sáng tác của hơn bốn mươi năm cầm bút.
Mai Huy Thuật sinh tại thành phố Hải Dương, từng là cựu học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, học đại học rồi trở thành chuyên gia ngành thủy lợi. Từng đi khảo sát, nghiên cứu địa hình nhiều công trình thủy lợi trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam; qua mỗi chuyến đi như thế, ông lại có điều kiện thâm nhập thực tế, tích lũy được vốn sống phong phú làm tiền đề cho những sáng tác sau này. Tuy qua đời ở tuổi sáu ba, số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng bằng vào những trang viết tâm huyết của mình, Mai Huy Thuật đã để lại trong lòng bạn đọc ấn tượng sâu sắc về một cây bút suốt đời rong ruổi trên những dặm dài đất nước mà lúc nào cũng chỉ tìm một thứ, đó là “chút bụi vàng văn chương”.*
Phần lớn trong số 22 truyện ngắn của tập Quê hương đều thuộc loại truyện hay và đã được in rải rác trên các tờ tuần báo cũng như tạp chí văn chương có tên tuổi trong vòng 12 năm, từ 1988 đến trước khi tác giả qua đời không lâu. Đó thật sự là những truyện ngắn của một cây bút có cá tính, và, nếu không đột ngột ra đi bởi căn bệnh hiểm nghèo, chắc chắn ông sẽ còn đóng góp cho văn đàn Việt Nam những tác phẩm có chất lượng cao.
Đọc Mai Huy Thuật, nhất là mảng truyện ký, ta phải ghi nhận ông là tác giả của những trang viết có tầm văn hóa cao, không phải ở lối đại ngôn nặng về chữ nghĩa lòe đời, mà là thứ văn uyển chuyển, tự nhiên, gợi tả, gợi cảm đầy biến ảo làm mê đắm lòng người. Đề tài của Mai Huy Thuật phong phú, đa dạng và đầy khám phá với hàng loạt cốt truyện mới, mỗi truyện một vẻ, không hề có hiện tượng lặp lại người khác hoặc lặp lại chính mình. Về thi pháp, Mai Huy Thuật không có gì mới, nhưng văn ông như có ma lực cuốn hút kỳ lạ, bắt người ta phải đọc đến tận cùng. Ông luôn làm chủ được ngòi bút, xử lý bố cục nhuần nhuyễn, dàn dựng các chi tiết, tình tiết thông minh như một nhà đạo diễn tài ba, cho nên các thiên truyện đều có những kết thúc bất ngờ ngoài dự đoán. Tít mù vòng quanh, Lão Vi, Hoàng, Các ngài lãng phí quá, Thôi thế một đời người… đều là những truyện được dồn nén đến cao độ các chi tiết điển hình với một kết cấu đầy kịch tính, phản ánh cả bề nổi lẫn tầng chìm của một xã hội luôn tiềm tàng trong lòng nó những yếu tố bất ổn, những giá trị ngụy tạo, cho dù về hình thức lúc nào cũng lòe loẹt sắc màu. Mỗi truyện là một cảnh đời, một kiếp người có sức khái quát cao làm người đọc sững sờ về nghệ thuật mổ xẻ tâm lý của tác giả. Cái triết lý “tít mù nó lại vòng quanh” thật đúng với bản chất của bà Mỹ Dung vốn năng động trong cung cách làm ăn ở buổi giao thời, và cũng đáng thương cho hoàn cảnh trớ trêu của ông giáo sư trong đầu đầy những dự án khoa học mà phải mang tiếng là ăn bám vợ. Nhân vật chính trong truyện ngắn Mai Huy Thuật thường là tầng lớp trí thức (nhất là trí thức Tây học) có học vị, học hàm nhưng không được đặt đúng vị trí, sử dụng đúng năng lực mà thường chỉ được xem như cây cảnh để trang trí phòng khách. Họ quá thông minh lại cương trực, luôn bị xem là làm lu mờ những thủ trưởng trình độ học vấn ăn đong nhưng lại xuất thân từ thành phần bần cố nông, lập trường giai cấp vững vàng, nên vẫn chễm ngồi ghế lãnh đạo. Chính vì thói đố kỵ được núp dưới chiêu bài “cảnh giác cách mạng” của một lớp người có quyền lực nhưng ở tầm văn hóa thấp, những trí thức này luôn bị chèn ép, thậm chí bị vô hiệu hóa đến mức thân bại danh liệt. Tiến sĩ Trữ vốn là chuyên gia thủy lực có hạng, nói tiếng Anh lưu loát, đọc Don Quijote bằng nguyên bản tiếng Tây ban nha, bị “thất sủng” phải chạy vạy mấy cửa mới được một suất sang Trung Đông làm chân dọn nhà vệ sinh ở một công trường xây đập thủy lợi trong truyện ngắn Các ngài lãng phí quá là một điển hình. Sự việc có vẻ khó tin đến nỗi,sau cuộc nói chuyện với Trữ, viên kỹ sư người Ả rập phải thốt lên : “ Trời! Các ngài lãng phí quá”. Ở truyện Hoàng, nhân vật chính của chúng ta ngẫu nhiên rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười, nghĩ mà chua xót. Ấy là một cán bộ của viện nghiên cứu, phải đem vợ con ra ở chiếc lô cốt đầu làng còn sót lại từ thời Pháp thuộc do không đủ tiêu chuẩn ở căn hộ tập thể, cho dù diện tích chỉ trên dưới mười lăm thước vuông. Nhà khoa học bị coi là Đôn Kihôtê đang tập tọng viết văn này có một nghĩa cử làm ta phải cảm phục. Hoàng lấy tờ báo biếu có in truyện ngắn của mình đưa cho người đàn bà điên bên bờ Hồ Tây để cô ta che tấm thân lõa lồ mà trong phút hồi tỉnh bất chợt, cảm thấy xấu hổ, để rồi hôm sau nhìn thấy tờ báo rách phập phều dưới nước, anh ta cay đắng nhận ra thân phận người cầm bút. Liệu kiểu văn chương “đánh đu với tinh”, giống như thứ lẩu thập cẩm mà quá nửa đời nhà nghệ sĩ tôn thờ, liệu có cứu rỗi được những mảnh đời rách nát như cô gái điên kia ?
Trong Đêm trăng, hai nhân vật Vĩnh và Phượng gặp nhau trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Đó là một đêm trăng thượng tuần huyền ảo bên dòng sông Tigre, nơi những người chăn cừu đã tạc tượng đài nàng Sa hơ ra zát đang kể chuyện Nghìn lẻ một đêm cho vua Sa hơ ra ya nghe “bằng một thứ đá màu trắng xù xì, thô sơ, đầy tính ước lệ”. Bi kịch của hai vợ chồng Vĩnh được lồng trong khung cảnh huyền thoại ngay trên xứ sở vương quốc Ba Tư cổ đại. Vĩnh bị tù oan mười sáu năm, còn Phượng bị hoàn cảnh xô đẩy không lối thoát, phải đăng ký xuất khẩu lao động. Hai người đã từng nếm đủ chén đắng cay, để đến khi may mắn gặp lại ở nơi đất khách thì mái đầu đã bạc.
Bên cạnh tầng lớp trí thức, nhân vật chính của Mai Huy Thuật còn thuộc những thành phần khác nhau. Đó là lão Vi – thợ gốm, thầy Thiện – ông giáo làng, là Duy – kỹ sư thủy lợi thất nghiệp, là Lê – nữ cán bộ địa chất… Họ đều là những con người nhỏ bé, một thứ cát bụi không tên tuổi, sống vất vưởng bên lề đường, bị những kẻ có quyền thế nhưng tâm địa xấu xa vùi dập mà vẫn tỏa sáng một nhân cách lớn. Lão Vi thợ gốm chết như một nghệ sĩ đích thực. Lão “đi” rồi nhưng cái lò gốm nhỏ của lão vẫn tiếp tục tỏa khói, bởi thằng cháu nội đã hiểu được tâm hồn ông nó, cho dù mới chỉ hơn chục tuổi.Thầy giáo Thiện tuy gặp hoàn cảnh éo le mà vẫn say sưa với những giây phút xuất thần về huyền thoại Thánh Gióng. Duy, cực chẳng đã phải làm nghề xe ôm, và Trúc, thân gái dặm trường, một mình nơi xứ lạ, phải chống đỡ với bao nhiêu cạm bẫy vẫn không gục ngã mà luôn tìm cách khẳng định phẩm giá của mình.
Có nột loại nhân vật không xuất hiện nhiều nhưng đã xuất hiện là rất đậm nét, đó là thành phần quan chức. Đối tượng này thường hiện diện trong tác phẩm như là những kẻ bất tài, vô học hoặc không thèm học nhưng lại đầy tham vọng muốn đè đầu cưỡi cổ đám dân đen. Núp dưới bóng những chiếc ô lớn có tài phù phép, chúng tha hồ tác oai tác quái, thao túng nhiều dự án lớn, ban phát bổng lộc hậu hĩ cho đám “âm binh” để củng cố vây cánh, chèn ép nhân tài, hãm hại người trung thực. Tiêu biểu là nhân vật thứ trưởng Quy, nghĩ ra cách cùng bà vợ già đi thăm hàng loạt công ty, xí nghiệp và các tỉnh suốt từ Bắc Trung bộ đến “Lục tỉnh Nam kỳ”, nhằm “tận thu” phong bì trước khi “hạ cánh”, để rồi “đột tử” trong vòng tay cô tiếp viên xinh đẹp ở một khách sạn nhiều sao vùng Cao Nguyên. Đúng là một màn bi hài kịch. Thằng Phúc, con ông phó chủ tịch huyện, bóp cổ bà nội khảo tiền, uống rượu say mèm rồi định giở trò loạn luân đồi bại với chị gái con ông bác là một bài học nhỡn tiền cho lớp quan lại thoái hóa, biến chất như Phú. Đó cũng là luật nhân quả, là sự trả giá tất yếu của những kẻ nhân cách tầm thường, trí tuệ kém cỏi mà lại nhiễm thói kiêu ngạo, tự coi mình là nhà đạo đức, hễ có dịp là nhả lời “vàng ngọc” giáo huấn thiên hạ.
Tuy nhiên, Mai Huy Thuật không hiếm những trang văn lấp lánh tình đời, tình người, những tấm lòng cao cả, nhân cách sáng ngời như một thứ biểu tượng. Đó là thầy Thuấn, nhà giáo mẫu mực; là ông Nhiễu đã nghỉ hưu vẫn tự gánh vác công việc “thổi tù và”, nêu tấm gương tốt cho cộng đồng khu dân cư; là anh công nhân địa chất trẻ trên thượng nguồn sông Đà, sẵn sàng sống hết mình như hòn than cháy đến tận cùng góp năng lượng cho đời.
Bằng ngòi bút tài hoa, Mai Huy Thuật đã cho trình làng những truyện ngắn thuộc loại hay nhất của văn học Việt Nam đương đại. Có thể kể đến “Các ngài lãng phí quá”, “Đêm trăng”, “Cát bụi Nha Trang”, “Hoàng”, “Ám ảnh”, “Một giọt máu đào”, “Lão Vi”…Đấy thật sự là những truyện ngắn đầy khám phá bởi ngòi bút đôi khi ngẫu hứng, biến hóa linh hoạt với lối kể lớp lang hấp dẫn. Văn Mai Huy Thuật ý ngoài lời, dường như đoạn nào cũng hàm chưa thông điệp nghệ thuật. Nó bắt người ta phải trăn trở, suy ngẫm như một thứ ám ảnh.
Qua đời vào cuối năm 1999, hành trang văn chương để lại chẳng lấy gì làm dày dặn ngoài tập Quê hương do bạn bè tập hợp in ấn cuối năm 2000 để lưu lại kỷ niệm một đời cầm bút, nhưng theo tôi, Mai Huy Thuật xứng đáng là nhà văn Việt Nam với tư cách là một tác giả truyện ngắn xuất sắc.
Chí Linh, tháng 11 năm 2000
Đ.V.S
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét