Nhãn

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Ký ức làng Cùa

                 Ký ức làng Cùa

                        Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh

                                            Chương hai

                                                          1

Lê Văn Vận là chàng lực điền khoẻ mạnh, cha mẹ mất sớm, không tấc đất cắm dùi, kiếm ăn bằng nghề thả lưới trên sông Lăng. Về nguồn gốc của Vận không ai rõ. Có tin đồn, cha mẹ Vận cũng là thuyền chài ở mãi vùng Ngã Ba Môi, năm ất Mão người chồng lặn xuống vụng Giải tìm của nửa ngày không lên, bà vợ nóng ruột nhảy xuống cứu cũng mất tích. Dân chài từ lâu có tục thả nồi đồng, mâm đồng, chậu thau đồng xuống những vực nước sâu dọc triền sông Lăng. Cách để của khá độc đáo này có cái lợi  là không phải mang theo thuyền, đỡ cồng kềnh và đặc biệt không thể mất trộm. Tuy nhiên cái hại của nó thì không lường được. Vực sông thường là những xoáy nước cuồn cuộn với sức hút ghê gớm, phải là người lặn giỏi, bền sức vào cữ giêng hai mới lấy những thứ đã giấu lên được. Muốn "của" an toàn, hàng năm gia chủ phải sắm lễ vật cúng thần sông vào ngày rằm tháng bảy. Cái vụng nước mà bố mẹ Lê Văn Vận lặn xuống, trước đã có thằng bé chết đuối lúc cưỡi trâu bơi qua sông. Mãi sau này người ta mới biết, nó bị dòng nước hút xuống đáy sông, xoay tròn như cối xay lúa rồi chui tọt vào cái nồi đồng điếu to đại, mắc cứng ở đó không nổi lên được. Thằng bé chết bất đắc kỳ tử nên rất thiêng, cứ mỗi năm đến mùa lũ nó lại bắt một người.

Trở thành kẻ mồ côi, Lê Văn Vận tiếp tục nghề sông nước trên con thuyền nát và mấy tay lưới của cha mẹ để lại. Hôm ấy trời bất chợt đổ mưa. Sông Lăng chỉ là một chi lưu của sông Yên nhưng trên thượng nguồn có lũ nên nước về rất nhanh. Sóng vỗ oàm oạp, cuồn cuộn đuổi nhau. Mặt sông mở rộng ra, chưa đầy nửa giờ đã nhấn chìm những bãi chuối hột và cả những vạt tre chắn sóng dưới làn nước đỏ quạch phù sa. Chẳng hiểu sao, sóng to gió lớn như thế mà lão lái Tình dám cho đò qua sông. Từ trên đê, Vận hồi hộp theo dõi số phận con đò, trong bụng không dám chắc nó có thể bình yên cập bến dù lão ma rượu này là một tay chèo cự phách. Và điều tệ hại đã xảy ra. Trong cuộc vật lộn tuyệt vọng giữa cái sống và cái chết, nếu không phải một gã dân chài quen nghề sông nước như Lê Văn Vận thì bà Ba khó lòng thoát khỏi nanh vuốt của thuỷ thần. Sau trận đắm đò xuýt chết, chánh Đàm cấm Thị Lánh đi chợ xa. Lão cho mời lang Vị, một thầy thuốc nổi tiếng trong vùng đến nhà bắt mạch, bốc thuốc bồi dưỡng sức khoẻ cho bà Ba. Thị Lánh vốn có thuật mê hoặc đàn ông. Trong lúc ái ân, cô ta giở đủ mánh khoé nhà nghề buộc chánh Đàm phải làm theo ý mình. Họ Khúc si mê người đàn bà đến mức gần như quên hẳn trên đời còn có bà Cả, bà Hai. Các bà trước đây sống với nhau như chó với mèo, giờ tự nguyện liên minh thành một khối để đối phó lại với kẻ thù của mình mà bà Cả Huê vẫn gọi là "con hồ ly tinh". Mọi việc thu chi trong nhà giờ thuộc quyền Thị Lánh. Cô ta phớt lờ hai bà chị nhưng lại đối xử khá rộng rãi với tá điền. Những gia đình nghèo quá đôi khi cô ta còn vượt mặt Khúc Đàm tha hẳn địa tô.
Năm ấy, vùng Ba Tổng được mùa. Trai gái làng Cùa, Mạc Điền, Đậu Khê và Bối Khê rủ nhau trảy hội xuân vào ngày mồng sáu tháng giêng. Phần quan trọng nhất là lễ đền Vân Nương đã có các chức sắc hàng tổng mà đứng đầu là chánh Đàm đảm nhiệm. Thanh niên nam nữ rủ nhau ra bãi sông chơi đu, đấu vật, kéo co, bắt vịt và leo cây chuối. Sân chơi là một khu bãi rộng hàng chục mẫu chạy dọc ven đê, vì chưa đến vụ gieo trồng nên cỏ gà, cỏ chỉ, cỏ chân chim, cỏ mật mọc chen nhau, mịn màng chẳng khác gì một tấm thảm xanh. Đây đó điểm xuyết những đoá cúc dại vàng sẫm hoặc vài bụi tầm xuân xoè những cánh mỏng phơn phớt hồng ngời lên trong ánh ban mai. Chếch về phía nam một chút, nơi tiếp giáp với bãi cỏ và cánh đồng Mả Dứa là đầm Ma. Cạnh đầm Ma có một gò đất chừng hơn trăm mẫu nhô lên như quả đồi thấp, mọc chen chúc đủ các loại cây, chẳng biết do con người trồng hay đã có từ bao đời trước mà rậm rạp, xanh tốt như một khoảnh rừng. Chim chóc, cò vạc từ khắp nơi, vượt sông Lăng kéo nhau về làm tổ, chiều chiều lại vỗ cánh ràn rạt bay đi kiếm mồi. Người làng Cùa coi khu rừng là một thế giới hoang vu, huyền bí, thậm chí còn là nơi cư ngụ của phần lớn ma quỷ trong vùng. Chỉ có lũ trẻ trâu, bọn đánh giậm, dân móc cua, câu ếch chẳng biết sợ là gì. Chúng ngang nhiên vào rừng leo lên cây lác bắt chim, rung tổ để cò con rơi xuống. Có thằng còn dùng ống xuỳ đồng bắn được một con chim mào đỏ, lông sặc sỡ, đuôi dài như đuôi công. Ông Cửu Mẫn, một thầy phù thuỷ chuyên tróc ma quỷ về quẫy nhiễu dân làng bảo đó là loài phượng hoàng. Bố mẹ thằng bé sợ quá, vụt cho nó mấy roi rồi thả con chim ra. Người ta đồn gần đây trong rừng có nhiều sự lạ. Ông Tiên Nhũ là dân thiến lợn rong khắp tổng bảo, một lần vào đấy tìm lá mộc hương bắt gặp người đàn bà trẻ, rất xinh đẹp, tóc trắng như bông, ngồi vắt vẻo trên sợi dây leo giữa hai cây báng cổ thụ lắc lư đưa võng. Nhìn thấy Tiên Nhũ, con  ma bật cười sằng sặc làm lão chết khiếp mãi đến chiều mới tỉnh lại. Còn bà Đồng Dự mắt toét chuyên lừa bịp con nhang đệ tử, thì thề sống thề chết đã có lần được "Mẫu" gọi lên rừng trao cho thứ quả nhỏ như quả quýt, ăn vào có thể chữa được bách bệnh. Ra đến cửa rừng chẳng may gặp con rắn mười hai mào phun phè phè thè ra cái lưỡi đỏ lòm, bà ta sợ quá, chạy bán sống, rơi mất quả "thuốc quý".
Cũng như mọi năm, hội làng bao giờ cũng bắt đầu bằng việc rước tượng Vân Nương, một dâm nữ bị thả bè trôi sông đã gây ra tấn thảm kịch cho làng. Chuyện xưa kể lại, ngày ấy làng Đậu có một cô gái xinh đẹp là Thị Vân, con hoang của một mụ hành khất vẫn thường qua lại ăn xin vùng Ba Tổng. Lý trưởng làng Cùa rất ghét phường du thủ du thực hay ăn lười làm, hễ thấy ăn mày đến là đuổi như đuổi tà. Hôm ấy, hai mẹ con Thị Vân tay bị tay gậy, nón mê áo rách vừa vào cổng nhà lý Thìn đã bị cả đàn chó xổ ra bâu xung quanh. Chó nhà lý Thìn toàn loại dỏng tai, cao to và dữ dằn như hổ báo. Chúng nhe nanh nhọn trắng nhởn, thè cái lưỡi đầy gai, làm lớp da mõm co lại, kéo những sợi râu mép vểnh ngược lên trong tư thế bị kích động, cổ họng phát ra thứ âm thanh gừ gừ uy hiếp, sẵn sàng lao vào cắn xé. Trong giây phút hiểm nguy, người mẹ sử dụng cây gậy như một thứ vũ khí tự vệ khá hiệu lực. Chiếc gậy lăm lăm trong tay, bà già thủ thế, thỉnh thoảng lại vụt trúng mõm một con. Nhát vụt của người mẹ hành khất ốm yếu hầu như không mấy tác dụng đối với sức mạnh tổng lực của đàn khuyển béo tốt và tuyệt đối trung thành với chủ. Sau một hồi cầm cự, sức lực của bà lão đuối dần, cuối cùng, con đầu đàn có chiếc bờm vàng cháy như bờm hổ dùng hàm răng cứng như sắt, giật được cây gậy tạo cơ hội cho cả bầy lao vào mẹ con Thị Vân. Người mẹ bị đàn chó xé toạc tấm áo đụp, cắm những chiếc nanh nhọn vào tấm thân gầy còm trơ xương sườn như cách hạ sát con mồi của lũ sư tử đói. Chỉ một thoáng, người đàn bà hành khất chỉ còn là một khối bùng nhùng nhầy nhụa máu. Giữa cơn bấn loạn, con bé sợ quá nhắm mắt thét lên mấy tiếng như tiếng tru của bầy sói hoang vào những đêm trăng giá lạnh. Tiếng thét nghe thê thảm bởi thứ âm sắc hoang dã thậm chí rùng rợn làm lũ chó cụp tai, run lên bần bật, rồi nhất loạt bỏ xác chết, cúp đuôi chạy vào nhà.
Đứa bé gái được một cặp vợ chồng không con nhận nuôi sau này trở thành cô gái đẹp nhất làng. Đến tuổi trăng tròn, cô ta không lấy chồng mà dùng nhan sắc của mình chài hết lượt đàn ông nhất là bọn chức việc có vai vế. Các bà vợ có máu sư tử Hà Đông lồng lộn như con thú bị nhốt trong chuồng bỏ đói lâu ngày. Cánh trai làng vác gậy nện nhau còn gia đình lý trưởng, phó lý, chánh hội, chưởng bạ thường xuyên lục đục, và cứ mỗi lần như thế các bà lại bị đức ông chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay thâm tím mặt mày. Làng Cùa dậy lên làn sóng phẫn nộ đòi lý trưởng phải trừng phạt con dâm nữ bằng cách thả bè trôi sông. Lý trưởng là gã máu dê đã nhiều lần mò đến ngủ qua đêm với cô con gái người hành khất, định giải cứu người tình nhưng không thoát. Thị Vân bị trói vào bè chuối. Tấm biển ghi tội "lẳng lơ, quyến rũ đàn ông làm bại  hoại thuần phong mỹ tục" cắm ngay dưới chân. Chiếc bè bập bềnh trên sóng lắc lư giữa dòng nước đục ngầu. Dân làng đổ ra xem như đi hội. Đàn ông lén lau nước mắt. Đàn bà hả hê ra mặt. Vậy là từ nay làng Cùa trừ được một con yêu tinh. Trôi gần đến vụng Giải, chiếc bè tự nhiên dựng ngược rồi bị hút vào xoáy nước. Cũng thời khắc ấy, trời bỗng nhiên tối sầm. Từ đâu đó vọng về những tiếng nổ lụp bụp kéo dài thành chuỗi lúc xa lúc gần, rồi một trận mưa sầm sập trút xuống trắng cả vùng Ba Tổng. Trận mưa tai ác kéo dài ba ngày ba đêm làm vỡ bảy quãng đê nhấn chìm làng Cùa giữa một đại dương mênh mông là nước. Các vị chức sắc là những kẻ đầu tiên làm vật hiến tế cho cơn thịnh nộ của thuỷ thần. Tiếp theo là đàn bà con gái nhất là những kẻ từ lúc mới sinh ra đã nhiễm thói ghen ngược. Trai tráng vốn dai sức, bằng mọi phương tiện có được, họ dìu nhau đến được rừng Hóp nên phần lớn qua khỏi cơn hồng thuỷ. Mấy hôm sau nước rút, bà phó Đễ, một trong bảy phụ nữ sống sót, được thần nhân báo mộng:
- Dân làng Cùa phạm tội lớn, dám hành hình nữ thần bảo hộ hạt Ba Tổng thác sinh làm con gái người hành khất. Muốn thần không giáng hoạ phải lập miếu thờ. Trong miếu tạc một pho tượng phụ nữ khoả thân nằm nghiêng trên khám sơn son thiếp vàng. Hàng năm cứ đến ngày mồng sáu tháng giêng mở hội rước thần chủ ra sông tắm rồi lại khiêng vào miếu. Tám người khiêng kiệu phải là gái chưa chồng nhưng đã mất trinh. Làm được như thế Vân Nương sẽ khiến cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Đây là lễ hội đông vui nhất vùng Ba Tổng. Ngoài việc tắm tượng cầu mát, các nam thanh nữ tú còn có nhiều trò du hí. Chơi đu bắt đầu bằng ba cặp nam nữ. Nam áo the, quần chúc bâu, khăn xếp. Nữ áo tứ thân, váy đũi, thắt lưng xanh, tóc bỏ đuôi gà. Những chiếc đu vừa đủ chỗ cho bốn bàn chân đặt sát nhau, được cố định bằng tám cây tre đực già vừa dài vừa thẳng đặt chéo nhau, gốc chôn xuống đất ngọn néo chặt, xuyên gióng ngang. Dây đu cũng bằng tre nhưng là cây tre bánh tẻ vừa dẻo vừa mềm, văng suốt mấy ngày hội vẫn an toàn. Khi đôi bạn đã nhún đu đến tốc độ cần thiết, do quán tính, nó cứ văng đi văng lại theo một hành trình mỗi lúc một cao làm cho người ta có cảm giác lâng lâng như là đang bay lên trời bằng cặp cánh của chính mình. Đu bay, gió vờn những tà áo tứ thân xanh đỏ rực rỡ như cánh cào cào giã gạo. Váy lĩnh của các cô con nhà giầu phồng lên như những chiếc nơm. Mỗi khi dây đu đổi chiều, gió đẩy ngược, gấu váy tốc lên quá đùi phô ra phần da thịt nõn nà rất trần tục mà lại vô cùng bí hiểm.
Bà Ba xuất hiện ở hội từ ngày đầu tiên với tất cả sự háo hức của một cô gái trẻ đa tình. Vào dịp hội hè, chánh Đàm không giữ vợ ở nhà mà có giữ cũng chẳng được. Cô ta sẽ tìm trăm phương ngàn kế để thoát khỏi sự kiềm toả nặng tính gia trưởng của lão già cả ghen. Lúc vào đu, bà Ba được xếp cặp với con trai chánh hội Hạp. Tay này là một gã bạo gan, vừa nhún bàn đu vừa thò tay bóp vú người đẹp. Bà Ba nghiêm mặt bảo:
- Này ! của bụt mất một đền mười, đừng tưởng bở.
Hắn lim dim cặp mắt lươn, hếch cái mũi sần lốm đốm những mụn trứng cá bỡn cợt:
- Trước khi ra hội, đây đã vào chùa thắp hương. Đức phật dạy, oản thiên hạ ngon lắm, lộc trời cho tội gì không nếm thử.
- Thôi đi, đồ nỡm ...
Hắn cười hềnh hệch tiện tay kéo dải thắt lưng nhiễu tím của bà ba. Động tác kéo không phải là cố ý nhưng do phản ứng giới tính, Thị Lánh sợ bị tuột váy vội rút tay giữ thắt lưng. Chỉ một thoáng bất cẩn, cây đu mất thăng bằng làm bà ba chới với tuột tay rơi xuống…  Tính mạng bà Ba lúc này là ngàn cân treo sợi tóc. Những người đứng xem chưa biết xử trí ra sao, không ít các bà các cô phải nhắm mắt chờ một kết cục tất yếu, thì bất chợt một chàng thanh niên phi thân như một mũi tên đỡ được Thị Lánh vừa rơi trúng tầm tay. Cả hai cùng ngã, tất nhiên là cú ngã không hề êm ái chút nào nhưng nó đã cứu được tính mạng vợ ba chánh tổng. Bấy giờ mọi người mới xúm lại xem chàng trai liều lĩnh ấy là ai. Thật không thể nào tin được lại chính là gã thuyền chài Lê Văn Vận.
Lần này chánh Đàm sai bà Cả Huê đích thân mang lễ xuống thuyền tạ ơn anh thuyền chài. Thị Lánh tuy còn đau vì tay trật khớp những vẫn đòi đi theo. Trong cuộc diện kiến dưới khoang thuyền chật hẹp nồng nặc mùi cá, bà Ba nhìn thân hình vạm vỡ với những bắp thịt săn nổi cuồn cuộn của Lê Văn Vận bất giác thở dài, thỉnh thoảng lại liếc mắt đưa tình. Anh này từ bé đến lớn chưa bao giờ được ánh mắt đàn bà ve vuốt khiến khuôn mặt ngăm ngăm nóng bừng, tim đập thình thịch còn miệng thì lúng búng không nói lên lời. Khi khớp tay khỏi, bà Ba lấy cớ đi thăm ruộng đồng Quan, ra sông Lăng tìm gặp ân nhân đã hai lần cứu mạng. Hôm ấy, Lê Văn Vận vừa thu lưới định mang cá lên chợ, bà Ba xin mua hết rồi trả số tiền gấp hàng chục lần giá trị thực của nó. Sau phút lúng túng đầu tiên, Lê Văn Vận trở nên bạo dạn bởi cái nhìn đầy ý nghĩa của người đàn bà đẹp. Hắn bảo:
- Chỗ cá hôm nay không đáng là bao, xin biếu bà Ba, lần sau sẽ lấy tiền.
Thị Lánh chợt thoáng một ý trong đầu:
- Anh Vận có muốn làm rể ông Chánh không ?
Chàng ngư phủ giật mình lắc đầu:
- Bà Ba cứ đùa. Tôi là phận đũa mốc đâu dám chòi mâm son.
Bà Ba liếc Vận cười khẽ, chiếc răng khểnh phô ra trắng loá làm gương mặt xinh đẹp có chiếc cằm lẹm ngời lên dưới ánh nắng sớm.
- Anh hãy tin tôi. Ai lại nói đùa một chuyện hệ trọng như thế. Mọi việc cứ để tôi lo. Có điều con bé hơi bị khoèo…
Đêm hôm ấy, lúc đi ngủ, bà Ba bảo chánh Đàm:
- Con Hài nhà mình sắp mười bảy, cũng nên tìm nơi chốn cho nó thành gia thất.
Chánh Đàm từ lâu vẫn ấm ức vì cô con gái tật nguyền nay thấy vợ nói chuyện gả chồng, lão nhấm nhẳng bảo:
- Có mấy đám dạm hỏi nhưng đều chẳng ra gì. Nhà phó hội Lẫm thì môn đăng hộ đối đấy nhưng thằng con lại dở người, thỉnh thoảng lăn quay ra như phải gió. Ngữ ấy chỉ có hầu nó suốt đời, khổ con gái mình. Còn thằng Đẩu nhà lý Cựu mới tý tuổi đầu đã nghiện thuốc phiện, người như hình nhân thế mạng. Của ấy chắc gì sống được đến ba chục tuổi. Vậy mà lão Cựu chẳng biết điều, đòi hồi môn những ba chục đồng, bà nghĩ xem có quá đáng không. Thà để con Hài ở vậy còn hơn.
Thị Lánh nắm được tâm lý chồng. Lão vốn keo kiệt, rất xót ruột khi phải đem gia sản cho người khác, liền bàn:
- Con bé mang tật bẩm sinh như thế ông mà kén chàng rể môn đăng hộ đối thì có mà sạt nghiệp. Tôi nghĩ, ông nên bàn với bà Cả, bà Hai chọn một thằng tá điền nào hiền lành, tử tế gả quách cho nó nên vợ nên chồng là hơn.
- Tôi đã tính đến chuyện ấy nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy không ổn. Mình đường đường là chánh tổng đương chức, làm thế bọn đàn em nó coi thường.
- ở đời không thể chu toàn mọi nhẽ . - Bà Ba thuyết phục - Trong hai điều ấy chỉ có thể chọn một mà thôi. Hay là ông muốn con bé chết già ở nhà họ Khúc?
-ý bà thế nào ?
- Còn thế nào nữa. Cưới xong cho nó ở rể, chẳng những không mất con gái mà còn được thêm sức lao động, khác gì người ở.
Chánh Đàm xem ra đã xuôi ướm hỏi vợ:
-Thế ... bà đã nhắm đứa nào chưa ?
- Có thì có rồi nhưng phải hỏi ý kiến bà Cả.
Khúc Đàm gắt:
- Bà Cả, bà Cả, quên con mụ "điếc" ấy đi. Tôi là bố nó lại không gả chồng cho nó được à ?
-ấy là tôi nói thế để việc nhà trong ấm ngoài êm.
- Cứ tán hươu vượn mãi, nó là đứa nào ?
- Chính cái tay thuyền chài đã cứu tôi mấy lần ấy. Anh ta không cha mẹ, lại khoẻ mạnh, hiền lành, hợp ý ông quá rồi còn gì.
- Để xem xem đã ... Nó là dân hạ bạc sợ không quen việc đồng áng.
- Còn xem gì nữa. - Bà Ba gắt khẽ - Đám ấy được đấy. Còn việc cày bừa, dần dần rồi sẽ quen, lo gì.
Mấy hôm sau chánh Đàm bàn với bà Cả Huê. Nói là bàn nhưng thực chất là việc đã được quyết định từ trước. Bà Cả Huê tím mặt biết thừa đấy là âm mưu của "con yêu tinh" nhưng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chánh Đàm vốn sẵn máu gia trưởng, lão đã quyết định việc gì thì ngay cả hàng chức sắc trong tổng cũng răm rắp thực hiện không ai dám bàn ra tán vào. Mẹ con bà Hai gần như là người thừa trong gia đình họ Khúc. Bà Hai tuy cũng sắc sảo chẳng kém ai nhưng vì thân phận lẽ mọn, bị chèn ép từ nhiều phía nên lép vế. Việc gả chồng cho Khúc Thị Hài là sự kiện lớn, ấy vậy mà bà ta chỉ được Khúc Đàm thông báo như một mệnh lệnh. Bà Ba được chồng giao trách nhiệm làm tín sứ thăm dò phản ứng của anh thuyền chài, bước xuống bãi ngô, nách cắp thúng, tay vung vẩy như người đi chợ. Sông Lăng mùa này nước lặng. Những vạt sóng lăn tăn đuổi nhau vỗ óc ách vào kè đá. Từ ngã ba Môi, đoàn thuyền đá nối nhau ngược dòng về bến Trung Hà. Mấy hôm nay gió đổi chiều những cánh buồm nâu sẫm hoặc mận chín đã được cuốn lại. Cánh dân phu cởi trần, tì sào vào ngực, đẩy cho con thuyền nhích dần từng bước. Đó là những chàng trai khoẻ mạnh ngực vồng lên như đô vật, vừa chống thuyền vừa hò một điệu dân ca nghe rất lạ tai. Những câu hò hoàn toàn ngẫu hứng, trầm trầm, thoát ra một cách khó nhọc từ những lồng ngực vạm vỡ bị chùm dây chão níu lại.
Bà Ba phải chờ khá lâu vì chàng ngư phủ đi gỡ lưới chưa về. Ngồi trên mom sông lơ đãng ngắm những con thuyền xuôi ngược, tưởng như rất bình thản, nhưng thực ra lòng dạ Thị Lánh đang nghĩ về những chuyện mới xảy ra gần đây. Có phải đấy là mối lương duyên nên anh ta đã hai lần cứu mình ? Liệu "người ta" có bằng lòng làm rể ông Chánh ? Cuộc hôn nhân này có lợi cho ai ? Con thuyền câu vào lạch sông. Lê Văn Vận đã nhìn thấy Thị Lánh từ xa. Anh ta buộc thuyền rồi xách giỏ nhảy lên bờ.
- Bà Ba ra mua cá ?
Thị Lánh liếc mắt tình tứ nhìn anh thuyền chài:
- Chuyện tôi nói hôm trước anh nghĩ kỹ chưa ?
Lê Văn Vận nhìn bà Ba ngập ngừng:
- Tôi sợ ông Chánh lắm. Trai vùng Ba Tổng thiếu gì mà ông ta lại gả con gái cho một gã quăng chài. Hay là có chuyện uẩn khúc ?
- Chắc anh nghe người ta bàn tán nhiều về ông Chánh ?
- Cô hỏi thế là thế nào ? Vận bắt đầu gọi bà Ba bằng cô.
- Chẳng thế nào cả. - Thị Lánh bất ngờ cầm tay Lê Văn Vận, nhìn thẳng vào mắt anh ta - Đừng nên bỏ qua dịp may tự nhiên đến với mình. Với người dưng, một ngày còn nên nghĩa huống hồ anh đã hai lần cứu tôi.
Câu nói cuối cùng khiến Lê Văn Vận nghe ra.
ít lâu sau, chàng ngư phủ nhờ bà Hai Cõn, người xóm Chùa mang trầu cau đến nhà chánh Đàm dạm hỏi Khúc Thị Hài. Chánh Đàm nhìn anh con rể tương lai khoẻ mạnh, tướng mạo khác người trong bụng cũng phần nào bớt đi nỗi ngượng ngùng với xóm làng. Lão ra điều kiện cưới xong phải bỏ hẳn nghề sông nước về ở rể. Mẹ con bà Hai mừng như bắt được vàng. Điều này cũng đúng với lẽ tự nhiên. Một cô gái tật nguyền bẩm sinh, dù là con nhà chánh tổng đi chăng nữa cũng chẳng thể treo cao giá. Già kén kẹn hom, ế là cái chắc. Người hậm hực nhất là bà cả Huê. Bà có linh cảm, cuộc hôn nhân này dữ nhiều lành ít, vì từ lâu bà đã nhìn rõ tâm địa Thị Lánh.
Trước ngày cưới ít lâu, hôm ấy chánh Đàm cưỡi ngựa lên huyện từ sớm trình quan về việc tu bổ đê kè, bà Ba xách làn hương hoa và nải chuối ra miếu Vân Nương. Lễ xong Thị Lánh ra mom sông. Lê Văn Vận cắm sào đang nấu nướng trong thuyền. Mom sông lúc này không một bóng người. Không gian tuyệt đối yên tĩnh. Gió từ cồn Vành thổi sang lật lá ngô ràn rạt. Nước lũ từ thượng nguồn bắt đầu về đỏ hồng dưới ánh nắng nhạt. Lánh rón rén bước xuống sạp thuyền làm Vận giật mình:
- Kìa  ! Bà Chánh.
Thị Lánh đặt làn vào khoang thuyền bảo:
- Hôm nay anh Vận phải trả công cho tôi ...
Chàng ngư phủ nhìn ánh mắt của người đàn bà, hiểu ngay nhưng vẫn ỡm ờ:
- Tôi nghèo lắm, chỉ có mỗi con thuyền rách.
- Có đấy, chàng Trương Chi ạ - Bà Ba xáp lại gần chàng trai, giọng thì thầm - Chàng phải giúp em, nếu không em sẽ bị đuổi khỏi nhà ông Chánh. Mà đến nước ấy chỉ còn cách nhảy xuống sông.
- Cái gì ? Cô nói gì ?  Vận bất ngờ nắm bàn tay Lánh hỏi gấp gáp.
- Em cần một đứa con trai.
Vận lặng lẽ gật đầu rồi lùa tay vào chiếc yếm lụa mân mê hai bầu vú nóng hổi của bà Ba. Người đàn bà ưỡn ngực ép sát vào Lê Văn Vận, đẩy anh ta ngã xuống sạp thuyền rồi trườn lên bụng như một con rắn. Anh thuyền chài ôm ngang vai bà Ba, ghì riết làm cô ta gần như nghẹt thở, không phải bởi đôi cánh tay vạm vỡ của người thanh niên chưa từng trải mùi đời, mà bởi sự đụng chạm xác thịt sau một phản ứng dây chuyền kích thích sự hưng phấn đến tột đỉnh của phần nhạy cảm nhất, vi diệu nhất trong tâm hồn. Tấm váy lụa tuột ra và Lê Văn Vận đã lật người trèo lên bụng cô ta như thế nào cả hai đều không nhớ nữa, chỉ biết khi Thị Lánh cầm chiếc dương vật đã cứng lên, thẳng đuỗn như thanh sắt nguội của chàng ngư phủ ấn mạnh và âm hộ bằng một động tác khá thuần thục thì đất trời dường như tối sầm  lại. Mặt sông Lăng bất chợt nổi sóng. Con thuyền chòng chành theo một vũ điệu kỳ quái bởi sự cộng hưởng của cả hai loại dao động, một trong thuyền, một ngoài thuyền. Cơn mây mưa qua đi, con thuyền đã bớt rung lắc, bà Ba mặc lại váy thắt dải lưng bằng nhiễu tam giang, cắp thúng bước lên bờ lẩn vào vườn chuối.
Đám cưới Lê Văn Vận và Khúc Thị  Hài được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với đầy đủ các nghi thức diệu vợi của của vùng Ba Tổng trừ công đoạn đưa dâu. Chàng ngư phủ không cha mẹ, không họ hàng thân thích nhưng bà Cả Huê đã chọn được một dàn diễn viên đóng thế tuyệt vời để che mắt thiên hạ. Không ít các vị chức sắc trong hạt biết rõ mười mươi Lê Văn Vận là gã thuyền chài gặp vận đỏ mà vẫn bán tín bán nghi, hay là hàng xứ đồn nhảm về thân phận anh ta. Lê văn Vận trong trang phục ngày cưới: áo the, khăn xếp, quần ống sớ còn nguyên nếp gấp bên cạnh cô vợ khoèo tay lần lượt ra mắt quan khách. Khúc thị Hài mắc áo mớ ba, váy lụa Cẩm La, tóc đuôi gà. Cánh tay tật nguyền gập lại một bên nách, bàn tay cứ ngọ nguậy mỗi khi hai vợ chồng tiến lui giữa các mâm rượu.
Phó lý cựu Phạm Kiền là tay thầy cò lắm mưu nhiều kế, thù chánh Đàm đến tận xương tuỷ sau vụ tranh chấp chức lý trưởng cũng được mời, nhìn quang cảnh đám cưới, bĩu môi bảo với thày đồ Sách người xóm Chùa:
- Ông tính xem, sau cái trò cưới xin bịp bợm này lão Chánh còn giở thêm chiêu gì nữa ?
Đồ Sách nghèo kiết xác lại tham ăn chẳng cần để ý đến lời xỏ xiên của ông phó lý Cựu, chỉ chăm chăm vào mấy đĩa thức ăn, miệng nhồm nhoàm nhai, tay gắp lia lịa, thỉnh thoảng lại tợp một ngụm rượu. Cựu Kiền nhìn Đồ Sách cười nhạt:
- Ông có nghe tôi nói không đấy ?
- Có chứ. - Thầy đồ nuốt vội miếng cổ hũ. Miếng thịt thái to quá, lão xuýt bị nghẹn - Mà ông bảo cái gì nhỉ ?
Ông Cửu Biềng, người xóm Đình đã có thời làm phó tổng, từ đầu bữa vẫn chăm chú nghe câu chuyện của phó Cựu, bấm tay lão nói nhỏ:
- Phú quý sinh lễ nghĩa, ông còn lạ gì trò đời. Đừng bàn đến chuyện ấy nữa. ở đây tai vách mạch rừng...
- Tôi đếch sợ. Chúng nó có giỏi ...
- Thôi xin ông. Khi nào rảnh rỗi, mời ông Cựu đến nhà tôi, ta nói chuyện.
Thực khách vừa đánh chén vừa nói chuyện râm ran. Phía cuối rạp, phường bát âm thỉnh thoảng lại tấu nhạc. Đám nhạc công gồm ba ông già và một bà còn trẻ nghe nói mời tận trên tỉnh về. Mở đầu, dàn nhạc tấu bản "Quan trạng vinh quy" theo điệu "Xuân tình". Người phụ nữ trung niên vừa ôm đàn nhấn những phím đầu tiên cả rạp bất chợt dừng đũa, lặng đi. Những âm thanh trầm đục như tãi ra giống tiếng trống trận làm nền cho một đoạn cao trào khởi phát ở một quãng rất cao rồi dừng đột ngột. Cử toạ sừng sờ nghĩ rằng một dây bị đứt. Nhưng không phải. Khoảng lặng vừa đủ độ dừng, một hợp âm ngọt ngào với kỹ thuật nhấn nháy điêu luyện bất chợt rung lên diễn tả tiếng vó ngựa gõ trên đường quan đưa ông trạng tân khoa về cố hương gặp người vợ tao khang bao năm gánh gạo nuôi chồng ăn học. Hết điệu "Xuân tình" người đàn bà cầm phách gõ nhịp cho hai ông già chơi bản "Hành vân" trên cây đàn thùng. Tiếng đàn thùng nghe trầm trầm mà tao nhã, diễn tả được tâm trạng đôi vợ chồng đêm tân hôn với những cung bậc khác nhau, sắc thái khác nhau mà không một thứ ngôn ngữ nào thể hiện nổi. Nhịp "Hành vân" như mây bay trong vũ trụ bao la, như cái thực ẩn trong cái mộng là niềm bâng khuâng kim cổ trong nỗi u hoài trần thế.
Lúc vào khấn gia tiên, chánh Đàm ngồi chễm trệ trên chiếc ghế bằng gỗ trắc chạm trổ rồng phượng cầu kỳ như ngai vàng cuả đương kim hoàng đế. Bà cả Huê, bà hai Thoả và bà ba Lánh "ngự" trên sập gụ. Sau khi thắp hương trước bàn thờ gia tiên, đôi trẻ lần lượt lạy các bậc phụ mẫu đã có công sinh thành, nuôi dưỡng tân nhân nên người. Chàng ngư phủ đến trước mặt bà Ba có vẻ ngượng ngùng, chẳng phải vì bà này còn quá trẻ, chỉ hơn chú rể một hai tuổi, mà anh ta thoáng hình dung lại cuộc "tao ngộ chiến" nhớ đời trong khoang thuyền hôm nào. Trong khi ấy, Thị Lánh khẽ mỉm cười, đưa mắt khuyến khích người tình và thản nhiên nhận lễ. Cuối cùng thì mọi thủ tục phiền toái của đám cưới cũng đã xong. Cô dâu mừng đến chảy nước mắt vì thoát khỏi bộ y phục mớ ba rộng lùng thùng với đủ các thứ dây nhợ lằng nhằng. Cánh tay khoèo lại được tự do. Đêm tân hôn, khi cả hai lên giường, Lê Văn Vận bạo dạn lột váy Khúc Thị Hài để lộ tấm thân trần truồng, mịn màng, ngồn ngộn như pho tượng cẩm thạch với những đường cong đầy ma lực như mời gọi, nhưng rồi gã thuyền chài chỉ khẽ thở dài, để nguyên cả áo quần nằm quay đầu vào vách. Có lẽ hắn đã uống quá nhiều rượu nên mụ mẫm người đi, hoặc có thể qua hàng loạt những nghi lễ phiền phức mà một tân lang bắt buộc phải đóng cho trọn vai kịch, đã hút kiệt sức lực, không còn chút hào hứng nào nghĩ đến tấm hồng nhan đang muốn cùng mình khám phá những bí mật của giây phút thần tiên.
(Xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét