Mục điểm sách của báo Le Monde ngày 7 tháng 4 năm 2011
Cuốn sách của tác giả Lưu Hiểu Ba nhan đề “Triết lý của con lợn và các tiểu luận khác”: chế độ Trung Quốc qua con mắt của Lưu Hiểu Ba
Phạm Anh Tuấn dịchsponsorisés par
Phải hiểu được Lưu Hiểu Ba là mối đe dọa ở tầm mức nào đối với chế độ cộng sản Trung Quốc – đến mức họ phải bỏ tù ông 11 năm – khi đọc một số tiểu luận và bài báo vừa được Nhà xuất bản Gallimard tập hợp để xuất bản thành sách.
Kể từ khi xảy ra những sự kiện ở Thiên An Môn hồi năm 1989 nhà trí thức nổi tiếng này bị cấm xuất bản tại Trung Quốc, không được tiếp xúc báo chí, hết bị tống vào nhà tù sau đó lại bị đưa vào trại cải tạo rồi bị quản chế tại gia, vì thế chỉ còn lại một công chúng rất ít ỏi biết đến ông, chủ yếu là những người ở ngoại quốc. Mặc dù ông từng gọi Internet là “món quà của Chúa” nhưng phần lớn người Trung Quốc đều không biết tới Giải Nobel năm 2010 mà bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã xuyên tạc hình ảnh về nó theo cách thật thô bỉ, hoặc giả người Trung Quốc đang giả vờ quên ông đã từng thực sự tồn tại.
Phải thừa nhận rằng những cố gắng của ông “dùng sự thật để lật đổ chế độ của dối trá” – đầu đề của một trong những tiểu luận của ông trong cuốn sách này – đã đánh trúng đích: chính quyền cộng sản vẫn tiếp tục xuyên tạc lịch sử, bóp méo thông tin hoặc sửa lại ký ức của cả dân tộc, thế nhưng họ đã chịu thua một đầu óc phân tích biết lấy cảm hứng từ phong trào dân chủ diễn ra liên tục tại Trung Quốc, biết tham khảo các trào lưu tư tưởng Phương Tây và luôn biết lắng nghe một xã hội dân sự đang lớn mạnh và phong trào bảo vệ các quyền (Weiquan yundong) mà ông mô tả sự ra đời của nó trong cuốn sách này.
Một số tiểu luận trong cuốn sách được viết trước năm 1989 – khi đó Lưu Hiểu Ba được biết như là “con ngựa ô” trong giới phê bình văn học bởi giọng văn đập phá thần tượng đối với các bậc đàn anh – các tiểu luận khác được viết trong những năm 1990. Một số được viết trong những tháng trước khi ông bị bắt vào năm 2008.
Người giỏi quan sát
Nhà văn Lưu Hiểu Ba là một người giỏi quan sát chế độ hiện nay tại Trung Quốc, cái chế độ giờ đây tỏ ra mềm mỏng hơn ngày xưa, nó chạy theo chủ nghĩa vị lợi và đặt ra một lề lối chuyển tiếp quyền lực mang tính tập đoàn bè phái. Nhờ thành công kinh tế từ thời kỳ mở cửa, hơn nữa kể từ sau những cải cách do Đặng Tiểu Bình khôi phục vào năm 1992, ba năm sau sự kiện Thiên An Môn, giới tinh hoa của Trung Quốc đã bị mua chuộc và được yêu cầu là đừng có nhắc lại chuyện cũ nữa.
"Một con người không có ký ức thì giống như một thứ thực vật, còn một dân tộc mà không có ký ức thì điều đó giống như một sự tự sát tinh thần. Nếu như cứ sau mỗi thảm họa mà những người sống sót bị mất hết khả năng suy tư về thảm họa đó, khi ấy trong trường hợp tốt đẹp nhất thì họ cũng chỉ là những cái xác vô dụng. Và trong khi thừa nhận là họ đang được hưởng hạnh phúc của đời sống sung túc dễ chịu hơn ngày xưa thì họ cũng chỉ là đang tận hưởng cái niềm vui giống như con lợn đang ở trong cái chuồng của nó", ông đã tuyên bố như vậy trong một bài phát biểu tại một trong những cuộc hội thảo bí mật do Hội Văn bút Quốc tế của Trung Quốc tổ chức.
Nhà bất đồng chính kiến này chưa bao giờ rút lui khỏi hàng ngũ, ông không tha thứ cho những người cùng thời với ông đã vui vẻ chấp nhận liên minh vì sự ổn định của Đảng Cộng sản, thậm chí ngay cả những “nhà hoạt động bí mật” cũng đang phụ họa cách ăn nói của chế độ để được thành đạt trong nghề nghiệp chuyên môn, "nhưng lúc ở chỗ riêng tư với nhau thì họ lại trấn an bạn rằng họ đang tìm cách ngấm ngầm phá hoại chế độ từ bên trong để lật đổ nó".
Mặc dù vậy, theo lời giới thiệu do nhà Trung Quốc Học Jean-Philippe Béja viết trong cuốn sách, Lưu Hiểu Ba không phải là "lãnh tụ của một phong trào quần chúng tấn công pháo đài của Đảng Cộng sản. Vả lại ông chưa bao giờ có ý định như vậy. Song, không nghi ngờ gì nữa ông đại diện cho một trào lưu tư tưởng tuy không thể bộc lộ công khai song không vì thế mà nó không thấm qua toàn bộ xã hội Trung Quốc”.
Ông không chủ trương một cuộc cách mạng mới. Toàn bộ suy tư của vị cựu Giáo sư văn học này có ảnh hưởng tới cách thức thúc đẩy một công cuộc cải cách chính trị theo cách tiến bộ, hòa bình và có sự tự chủ. "Tôi không có kẻ thù, tôi không có hận thù”, ông đã nhắc đi nhắc lại câu nói này với cái chính quyền đã tước đoạt tự do của ông vào cái ngày Giáng sinh của năm 2009 vì tội "kích động lật đổ chế độ”.
P.A.T.
Nguồn: BauxiteVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét