Nhãn

Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Ai đánh mất niềm tin của nhân dân?

Ai đã đánh mất niềm tin của nhân dân?

Nguyễn Hoan

Điện thoại đổ chuông không ai trực máy, chỉ có những lời ghi âm “Giờ làm việc đại sứ quán từ 9 đến 12 giờ sáng, 2 đến 5 giờ chiều”. Không một đường dây nóng nào được thiết lập. Không ai quan tâm tới những người Việt Nam đang ở Nhật. Có lẽ chính vì thế mới có tuyên bố hùng hồn: “Không nên quá lo lắng về tình hình người Việt”. Có quan tâm đâu mà lo lắng! Trong khi những nước khác đều thiết lập đường dây nóng trợ giúp công dân họ thì mình lại bảo không sao. Có phải vì động đất, sóng thần sẽ không tác động được đến người Việt trên đất Nhật? Tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng” ở đâu? Ôi, những “đầy tớ của nhân dân”!
Ai đã từng một lần đến Sứ quán VN một lần, tôi dám chắc họ không bao giờ muốn quay lại nữa! Vì sao vậy? Vì cứ một con dấu là 1 man (2,5 triệu đồng Việt Nam) và một thái độ làm quan nhân dân giữa đất Nhật! Trong khi đó, nếu có việc gì cần đến cơ quan hành chính của Nhật, bạn sẽ thấy mình thực sự là người được phục vụ, cảm thấy “đầy tớ nhân dân” là như thế nào, không cần bảng hiệu hay lời rao giảng cao xa nào cả!
Còn về tinh thần tương thân tương ái. Một người không quen biết có thể hy sinh cả tính mạng của mình để người khác được sống, nhưng quay sang trang báo trong nước thì thấy lòng uất nghẹn! Người ta bắt một người sắp chết làm con ma đói, liệt toàn thân vẫn bị còng tay trên giường bệnh! Thử hỏi tình thường yêu đồng loại ở đâu, nhân quyền là đâu?
Hàng ngày tivi, báo, đài lúc nào cũng nói về Nhà nước của dân do dân và vì dân. Nhưng một bà lão vừa nhận tiền cứu trợ đã phải đóng tiền xây cổng chào gì gì đó. Những cái khẩu hiệu, cổng chào! Khi miền Trung bão lũ, Hà Nội vẫn từng bừng Ngàn năm Thăng Long! Tivi vẫn đưa tin lễ hội pháo hoa diễn ra đâu đó dù mới có người bị chết vì nó!
Ở Nhật Bản, khi động đất xảy ra, tất cả kênh truyền hình đồng loạt cắt hết giải trí, quảng cáo, dành trọn thời lượng cho tin tức khẩn cấp từ các vùng động đất! Có ai bảo các đài truyền hình phải thế đâu, họ độc lập với chính phủ mà! Có lẽ đó là văn hóa cộng đồng! Họ đưa tin vì người dân, để phục vụ nhân dân chứ không chịu sự kiểm duyệt của ai cả! Từ đó mà nghĩ về tự do ngôn luận. Về Cù Huy Hà Vũ với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN! Điều 69 Hiến pháp của nước ta ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp lập hội, biểu tình theo qui định pháp luật”. Ai đã lấy mất quyền đó của anh Vũ? Có biết bao nhiêu câu hỏi như thế rơi vào khoảng không im lặng đáng sợ của thời gian, không gian! Có lẽ thời gian sẽ là người thầy vĩ đại phán xử cho mọi hành động của mỗi cá nhân! Người ta có thể xóa bỏ dấu tích chứ không bao giờ và không thể nào xóa bỏ được lịch sử, lòng yêu nước!
Nhưng người ta cũng đã đục bỏ lòng yêu nước. Người ta đã đục bỏ đi những dòng chữ nói về sự chiến thắng quân xâm lược. Người ta đang sợ điều gì? Đau lòng và tủi nhục! Lịch sử là những sự kiện có thật đã xảy ra, chứ không phải là những sự kiện do người ta dựng nên hay cho rằng nó phải xảy ra như thế, hay tìm cách xóa bỏ nó đi! Lịch sử phải được tôn trọng! Lịch sử sẽ không tha thứ cho ai lãng quên nó!
Lịch sử nhân loại sẽ mãi ghi nhận trận động đất 2011 ở Nhật là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất của nhân loại. Nhưng nhân loại cũng sẽ mãi nhìn về nước Nhật và những người dân Nhật như những anh hùng bởi chiều sâu văn hóa, bởi phong cách lãnh đạo. Vì sao cướp bóc không xảy ra tại Nhật? Có lẽ ai cũng biết không phải do GDP hay công nghệ cao. Từng người dân, từng lãnh đạo đều ý thức thế nào là chung tay đoàn kết vì thảm họa. Không có cảnh bớt xén tiền cứu trợ hay nâng giá hàng hóa do động đất. Thủ tướng Nhật bỏ tất cả mọi hoạt động khác để dành thời gian chỉ đạo việc khắc phục hậu quả. Còn khi miền Trung lũ lụt khắp nơi, vẫn có những công trình được khởi công và người ta vỗ tay khi lãnh đạo đến! Đâu rồi cảnh lãnh đạo đau cùng nỗi đau của dân, buồn trước nỗi buồn của dân và vui sau niềm vui của dân? Thế mới biết sự tận tụy của “đầy tớ nhân dân” là thế nào!
Ai đã lấy mất niềm tin của nhân dân vào công lý và pháp luật? Một anh hùng bỗng chốc trở thành kẻ tội phạm vì quỹ đen dành cho người nghèo! Đọc câu cuối của luật sư Triển trong bài trả lời phỏng vấn sao mà thấm thía, mà đau đớn! Biết mình có lẽ phải nhưng vẫn không bảo vệ được cho thân chủ! Thấy buồn, thấy nhục, thấy đau nhưng vẫn cảm thông với điều tra viên và hội đồng xét xử. Vì sao vậy? Câu hỏi có lẽ không cần lời đáp!
Hay cho câu nói nếu anh Vũ bị tù thì có lẽ nhà tù cũng là nơi đáng để đến vì nơi ấy tập trung những người trí thức yêu nước!
Ai đã đục bỏ lòng yêu nước? Ai sẽ đem niềm tin trở lại cho nhân dân? Lịch sử sẽ trả lời.
N. H.

Nguồn BVN
(Đăng vào lúc 7g 06 ngày 20 tháng 3 năm 2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét