Hoàng Quốc Hải
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết,
tháng 8 năm Đinh tỵ ( 1257 ) sứ Mông Cổ vào Thăng Long đòi gặp vua Trần
Thái tông.
Bất chấp các lễ nghi giao
tiếp mà triều đình đã soạn sửa đón sứ, và cũng là nơi hai bên hội
kiến tại điện Diên Khánh. Nhưng viên chánh sứ nằng nặc đòi cho cả
đoàn gần hai chục đứa mặt mũi, y phục gớm ghiếc như một lũ ngựa
hoang vào điện Thiên An. Quân cấm vệ ngăn lại, chỉ cho 3 tên qua Ngọ
môn.
Lại chỉ một viên chánh sứ được phép vào trong điện Thiên An. Hắn đi sồng sộc như một con ngựa sổng chuồng. Lính cận vệ đem ghế tới sát chân, y không thèm ngồi. Nom y tựa một thân cây chết đứng giữa nơi triều hội đông đúc các quan văn võ. Giọng oang oang, huơ chân múa tay, y nói:
- Ta phụng mệnh Thiên tử Đai
Hãn, đến tuyên cáo cho vua tôi nước
An Nam biết, các ngươi phải sửa soạn tiếp đón đại quân Thiên triều đi
qua nước ngươi, để vào đánh nhà Nam Tống vẫn chưa chịu đầu hàng, và
dâng nốt phần đất còn lại. Trước đây, Thiên triều đã mượn đường qua
đánh Champa, các ngươi viện mọi lý lẽ để khước từ. Việc ấy, Thiên tử
đã cho qua; nay thì núi sông liền một dải, quân Thiên triều đi một
mạch từ Đại Lý về Thăng Long, rồi thẳng đường sang tận Ung, Liêm nhà
Tống. Vậy là thuận cả cho Thiên triều và nước các người. Thế là ta
đem thời cơ đến cho vua tôi nước Nam lập công với Thiên tử. Bình xong
Trung nguyên, công của vua tôi các người lớn lắm.
Cả triều đình bầm gan tím ruột
nghe tên giặc vừa ngạo mạn, vừa ngông nghênh xấc xược, như nói ở chỗ
không người. Quan đô úy Trần Khuê Kình mắt xếch ngược, tay sờ vào đốc
kiếm. Thái sư Trần Thủ Độ thu mình như một trái núi, vừa đưa mắt
dõi theo tên giặc vừa lừ mắt cho Trần Khuê Kình không được manh động.
Ông lặng lẽ nhìn Trần Thái tông xem nhà vua xử lí việc này ra sao.
Vua Trần Thái tông thong thả
bước ra khỏi long ngai, hướng về phía tên sứ Mông Cổ:
-Sứ giả kia, nghe ta nói – Ngươi
về tâu với Thiên tử rằng, nước ta nhỏ, rừng núi ken dầy, sông ngòi
chi chít, chúng ta đi lại chủ yếu bằng thuyền bè. Nước ta không có
đường lớn, đường thẳng để quân kỵ nước ngươi có thể hành binh thần
tốc được. Ngươi về tâu với Thiên tử, tìm đường khác mà đi.
Sứ Mông Cổ lập tức đổi giọng:
- Nước các
ngươi không chỉ phải vâng mệnh Thiên triều, mở đường nghênh đón đại
quân qua đánh nhà Nam Tống, mà còn phải đem quân hiệp tác với quân
Thiên triều cùng đánh. Tưởng như thế mới tỏ lòng trung.
Trần Thái tông gõ mạnh nhài
quạt lên mặt án thư ba tiếng, dõng dạc nói: - Viên sứ thần kia, hãy
nghe ta nói
- Nước ta nhỏ, ta tôn trọng vai trò nước lớn
của các ngươi. Song điều đó không có nghĩa nước ta là thuộc quốc của
các người. Hai Thiên triều đánh nhau, là việc của các người. Ta không
dính líu. Nước ta không hiệp tác với một nước nọ để đánh lại nước
kia. Nên nhớ, nước ta vốn không có thù oán gì với cả hai nước, chớ
mượn cớ vu vơ để gây sự.
Sứ Mông Cổ liền quát:
- Nếu An Nam
dám chống lại Thiên triều, thì chỉ cần một đạo binh nhỏ, cũng đủ
xéo nát vương đình này, mồ mả tổ tiên của các người phút chốc sẽ
biến thành tro bụi! Hắn giơ ngón tay chỉ về phía nhà vua thét:
- Chỉ có một Thiên triều của Đại Hãn thôi. Lũ
thỏ, chuột ở Lâm An, Thiên tử Đại Hãn bắt lúc nào xong lúc đó, sao
ngươi dám gọi chúng là Thiên triều.
Đô tướng Trần Khuê Kình đứng cạnh, thấy
tên chánh sứ có cử chỉ vô lễ, bèn nắm khẽ cổ tay y vặn chéo, buộc
nó phải hạ xuống.
Sứ thần Mông Cổ to lớn đẫy đà,
vận kiểu kỵ sĩ có vẻ oai phong lẫm liệt, bỗng nhói người nhăn mặt,
vội giật tay ra. Y nhìn thẳng vào mặt Trần Khuê Kình với vẻ căm tức,
toan hành hung, nhưng nghĩ thế nào y lại quay về phía nhà vua, đang
định nói một điều gì đó, nhưng không kịp nữa rồi. Vua đã sai:
- Gô cổ nó lại, đưa về giam tại nhà Công quán!
Bị trói bất ngờ, tên sứ giặc ngơ
ngác không hiểu điều gì vừa xảy ra. Y tự hỏi, dưới gầm trời này,
lại có nước nào dám chống lại Thiên triều Đại Hãn?
Sứ giặc đi rồi, các triều
quan ai về chỗ đó. Không khí triều đình im phăng phắc. Lát sau, có
tiếng thì thầm giữa các hàng ghế... Vua ta xử thế là phải – Lúc ấy
tôi chợt thấy Khuê Kình thò tay vào đốc kiếm mà lo quá. Vì rằng,
chém sứ tức là tuyên chiến – May có cái lừ mắt của Thái sư, nếu
không thì cầm chắc sẽ nổ ra chiến
tranh – Rồi đấy các ông xem, chẳng có sự gì nó cũng đánh mình – Đó
là căn bệnh trầm kha cố hữu của bọn bá quyền.
Trong không khí tĩnh lặng đến nghi
ngờ, Nhà vua nhìn khắp lượt các triều quan, thấy gương mặt mọi người
rất bình thản. Vua tự nghĩ, thế là các quan biết ý ta, vua tôi đồng
lòng. Ta lo nhất là có ai đó chỉ lo cho thân mình, không còn biết
đến liêm sỉ, đến nỗi nó mạt sát
vua mình, nó lăng mạ tổ tiên mình, nó đe đào mồ cuốc mả nhà mình
mà vẫn cúi đầu run sợ. Nếu triều đình có những loại quan lại ấy,
thì sớm muộn nước cũng mất. Bởi chính những kẻ hèn nhát đó, trước
sau cũng sẽ tìm đường đến với
giặc. Và nếu như quyền lực rơi vào tay chúng, thì việc chống giặc
giữ nước sẽ vô cùng gian nan. Đôi khi dẫn tới mất nước. May quá, xem
ra khí phách các bề tôi của ta còn vượng lắm. Kẻ thù chưa làm gì
nổi ta. Đoạn vua quay xuống hỏi các quan:
-Việc ta ‘’tiếp’’ tên sứ giả ngạo
mạn và vô lễ kia như thế, liệu có gây lo ngại gì cho đất nước không?
Trẫm muốn biết cao ý của các quan.
Thái sư Trần Thủ Độ ngồi tại ban
của mình xin nói:
-Tâu
bệ hạ, chính bệ hạ đã truyền cho chúng thần khí phách Đại Việt,
lòng tự trọng và biết thế nào là liêm sỉ ở đời. Qua buổi tiếp sứ
này, cái lớn nhất mà bệ hạ ban cho chúng thần là pháp Vô Uý của
nhà Phật. Theo thần, đó là bảo bối để giữ nước. Nói xong, Thái sư
hướng về phía nhà vua vái một vái, rồi ông bình thản ngồi xuống.
Để các triều quan tự bàn thảo
cho thỏa mãn, sau đó nhà vua phán:
Sớm muộn gì Hốt-tất-liệt cũng đánh ta. Vậy từ nay, các khanh
phải xem như giặc sắp tới biên thùy, giặc đang tới biên thùy. Xin Thái
sư cùng bàn bạc với Đô Thái úy lo gấp việc quân. Nhất định giặc sẽ
tràn vào đất ta qua hai ngả, đường
bộ từ Đại Lý ( Vân Nam ), đường thủy lấy đường Sông cái ( Sông Hồng )
của ta từ thượng nguồn. Việc cắt đặt thế nào tùy Thái sư, nhưng có
hai vị tướng này Trẫm biết rất rõ, nên tiến cử ngay với Thái sư.
Một là Trần Quốc Tuấn cho lên kết hợp với người Man, chặn giặc từ
biên cương. Hai là Trần Khánh Dư, cho
trấn tại ngã ba Bạch Hạc ( Việt Trì ).
Thái sư lo ngay cho một đoàn sứ,
gọi là sang cống nhà Tống như thường lệ, cốt để che mắt bọn người
Thát-đát đang rình mò như một loài cú vọ tại Thăng Long. Cốt để báo
cho vua tôi Tống Lý tông ( 1225-1272 ) biết mà lo đối phó với quân
Thát-đát ( Tartare, chỉ quân Mông Cổ ), rằng họ mượn đường của Đại
Việt qua đánh vào mặt nam nhà Tống, nhưng chúng tôi đã cự tuyệt. Đó
là cái tình của Đại Việt chúng tôi đối với Thiên triều. Vì vậy
chúng tôi sẽ hứng chịu cơn thịnh nộ của Hốt-tất-liệt. Lúc này
chúng tôi không thể làm gì hơn với quí quốc...
Lê Tần, một tướng kiêm thông văn
võ, xuất ban:
- Tâu bệ hạ, lòng nhân của bệ hạ
thật như trời biển, Tống Lý tông đang trong cơn hấp hối mà bệ hạ vẫn
còn muốn cứu. Vào địa vị người cầm quyền Trung Hoa mà gặp khi ta
vận hạn, họ sẽ không từ bỏ việc thôn tính. Vả lại trong lúc này,
mọi sự trợ giúp với vua tôi nhà Tống đều vô ích. Dân họ là dân anh
hùng, nước họ có cả rừng nhân tài. Nhưng công việc của triều đình
nhà Tống hiện nay là truy bắt các thủ lĩnh cầm đầu nghĩa quân chống
giặc, để nộp cho giặc, cốt làm hài lòng giặc. Binh lính triều đình
thay vì đánh quân xâm lược Thát-đát, thì họ buộc phải đi đánh dẹp các lực lượng đang
kháng giặc của người dân. Vậy ai có thể cứu được nhà Tống đây?
-
Sao ta không biết các việc Lê Tần nói. Nhưng ta muốn thể hiện lòng
nhân ái của Đại Việt ta, ta còn muốn bộc lộ cái khí khái của người
quân tử thay vì cách ứng xử tiểu nhân như các hoàng đế Trung Hoa. Ta
lưu ý các khanh, các cống phẩm phải tinh tế và tinh sạch, để biểu
lộ tấm chân tình của ta đối với họ trong lúc hoạn nạn. Ngay cả việc
ta cự tuyệt cho Hốt-tất-liệt mượn đường, cũng có một phần trong ý
đồ ta muốn cứu nhà Tống đấy.
- Cả nước đang âm thầm làm việc theo
tinh thần thời chiến. Tháng 9 năm ấy, Hốt-tất-liệt lại cử một đoàn
sứ giả sang Thăng Long. Thằng này vừa mở miệng hống hách liền bị
trói và tống giam luôn. Lại tháng 11 cùng năm, đoàn sứ thứ 3 sang
cũng cùng chung số phận. Tháng 12 năm ấy ( Đinh tỵ thời điểm này đã
bước qua năm 1258), giặc đem 5 vạn quân sang đánh ta. Trần Thái tông
đích thân làm tướng dàn binh cự giặc suốt từ giờ sửu ( 3-5g sáng )
đến đầu giờ dậu ( 5-7 giờ chiều) tại mặt trận xưa gọi là
Bình-Lệ-Nguyên nay vẫn còn dấu tích thuộc vùng Yên Lãng tỉnh Vĩnh
Phúc.
- Quân ta thất trận rút về vùng sông
nước Mạn Trù. Trong tình hình tạm thời thất lợi, vua Trần Thái tông
ngồi thuyền lướt tới thuyền các quan, hỏi kế kháng giặc. Gặp thuyền
Thái úy Trần Nhật Hiệu, vua hỏi
- Quân Tinh
Cương đâu? ( Tinh Cương là quân bản bộ của Nhật Hiệu ). Thái úy đáp -
Gọi không đến. Vua hỏi kế kháng giặc. Nhật Hiệu run không nói được,
bèn lấy ngón tay nhấp nước viết lên mạn thuyền phía ngoài hai chữ “
NHẬP TỐNG”. Khi Trần Thái tông lướt thuyền đến hỏi ý thái sư Trần
Thủ Độ. Thái sư lấy tay sờ lên cổ mình rồi tâu
- Bệ hạ, khi
đầu thần còn chưa rơi, xin bệ hạ chớ lo.
-Lại nói, khi giặc vào tới Thăng Long, việc đầu
tiên là chúng sục tìm cứu mấy tên chánh sứ. Khi tới nhà công quán,
vẫn còn đủ 3 tên đang bị trói, nhưng một tên bị trói chặt quá, đã
chết. Giặc mở yến tiệc thâu ngày
đêm, trong một kình thành giầu có mà chúng vừa chiếm được. Hàng
ngày, chúng sục sạo mọi ngóc ngách Thăng Long để truy tìm của cải,
đem về chất đống tại nơi đồn trú. Và chúng yên tâm chờ đợi ngay vua
tôi nhà Trần đến đầu hàng.
-Khoảng một tuần sau yên nghỉ, bỗng nửa đêm,
quân Đại Việt như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên, bốn
phương tám hướng tiếng nổ như sét đánh, lửa khói soi sáng khắp kinh
thành. Quân giặc vô phương chống đỡ, tranh nhau lên ngựa trốn chạy.
Chúng không kịp đem theo bất cứ một thứ gì cướp được. Ngay cả vũ
khí. Vì vậy dọc đường dù gặp người gặp vật, bất cứ một thứ gì
cũng làm chúng sợ hãi. Không cướp của, không giết người, chỉ có
chạy và chạy... Vì thế dân gọi chúng là ‘’ GIẶC PHẬT’’!
- Ôi, nếu ngày ấy Trần Thái tông nhút nhát, vô
sỉ mà lùi bước trước sự nhục mạ của kẻ thù, ắt con cháu không đủ
dũng khí để sống chứ chưa nói đến việc làm nên chiến thắng Chương
Dương – Hàm Tử – Vạn Kiếp – Bạch Đằng, khiến Thoát Hoan phải chui rọ
chạy trốn như một con chó. Các tướng hùm sói chưa từng có đối thủ
khắp gầm trời, đều lần lượt bị giết, bị bắt làm tù binh của quân
dân Đại Việt. Và tới năm 1293 nhà Nguyên hoàn toàn từ bỏ mộng xâm
lăng Đại Việt, Nguyên Thánh tổ cho sứ giả tới Thăng Long tuyên cáo bãi
binh. Và buộc phải thừa nhận nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của
Đại Việt. Quan hệ hai nước trở lại bình thường.
Ngay năm đó, Trần Nhân tông nhường
ngôi cho con. Và năm sau ( 1294 ), Ngài xuất gia tu Phật tại ngôi chùa
Khai Phúc nơi hành cung Vũ Lâm, do chính ông nội ngài lả Trần Thái
tông tạo lập.
Đại Việt, ôi Đại Việt của ta là
thế đó. Nếu kẻ nào không muốn bị trói, bị tiêu diệt, chớ có manh
tâm đụng đến Việt Nam!
Xóm vắng Pháo Đài Láng
mùa chống Dịch.
Ngày 11 tháng 10 năm 2021
H.Q.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét