Nhãn

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

BẾN TẦM XUÂN

 Tạp bút


Làng Yên có một cái đầm rộng khoảng hơn hai mẫu nằm khuất nẻo về hướng đông nam xóm Trại. Chẳng biết do các cụ đời trước đào hay là sản phẩm tự nhiên do đoạn sông Yên đổi dòng mà đầm có hình thù kỳ quái giống cổ đôi hạc thờ trong hậu cung đình Cả nên dân làng vẫn quen gọi là đầm Cổ Hạc. Đầm Cổ Hạc không bao giờ cạn nước kể cả những năm hạn hán cháy đồng. Đây cũng là nơi cung cấp nguồn thủy sản dồi dào cho dân xóm Trại chỉ sau cồn Vành bên kia sông Yên.

Có thể nói, bọn choai choai xóm Trại, trừ mùa đông rét mướt, ba mùa còn lại hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mặt ở đầm Cổ Hạc: chăn trâu, cắt cỏ, vồ châu chấu, đánh giậm, câu ếch, cất vó tôm…, mùa hè còn thả diều, một thú chơi dân dã của đám trai làng đã được nâng lên tầm nghệ thuật. Lòng đầm Cổ Hạc chia làm hai lớp. Từ mép bờ xuôi ra ngoài chừng chục thước khá nông, nước chỉ ngang thắt lưng được cấu tạo bằng lớp phù sa cổ, bên trên bèo tổ ong ken dày còn phía dưới lơ lửng toàn rong đuôi chó dân xóm Trại thường vớt về cho lợn ăn. Cách đầm không xa, lệch về phía tây nam là gò Đống Cao có một cây đa cổ thụ tuổi ngoài trăm năm, tương truyền do cụ Chánh Bường thuộc họ Lê trồng. Cụ Bường từng đăng lính mộ sang Pháp trong thế chiến thứ nhất có huân công được tặng Bắc đẩu bội tinh hàm chánh cửu phẩm. Cụ bỏ tiền xây hai cây cầu đá, lát gạch toàn bộ đường làng xóm Chùa, lại trồng cây đa gò đống cao và cây bàng gò đống Mác. Cả hai cây đến giờ vẫn còn xanh tốt. Cây đa to đùng, tán xòe ra che phủ cả sào ruộng, còn cây bàng vươn cao bảy tầng, nhìn từ xa như cái lọng khổng lồ vươn lên trời.

Năm 1954, cụ Cửu Bường bị đấu tố rồi xử bắn ở bãi tha ma đồng Vạn. Năm 1958, trong chiến dịch bài trừ văn hóa nô dịch và chống mê tín dị đoạn, ông chủ tịch ủy ban hành chính Đỗ Văn Phổng ra lệnh cho dân quân phá đình Cả, nghè Đông, đào gạch đường làng xóm Chùa và chặt cây bàng và cây đa cổ thụ. Đường xóm Chùa lát nghiêng toàn gạch chín nung bằng củi, sau mỗi trận mưa lên nước đỏ au. Dân xóm Chùa ngu nghe bọn đểu xui trẻ con ăn cứt gà sáp, bảo nhau mang xà beng, búa chim nạy lên hết. Dân xóm Trại và xóm Cầu Đá khôn hơn. Họ cắt cử đám trai đinh thay phiên nhau canh gác ngày đêm, cứ thấy bóng dân quân lảng vảng là khua chiêng trống báo động cả làng vác gậy gộc, giáo búp đa và dao chín ra giữ. Sau hai tháng, chủ tịch Phổng bị cách chức vì quá sốt sắng trong chiến dịch phá đình chùa. Hai cây cổ thụ may mắn thoát khỏi bản án tử hình…

Hằng năm, đến cữ tháng ba âm lịch vào mùa ếch cốm là chúng tôi đi câu. Dịp ấy cũng là lúc hoa bưởi, hoa mướp và hoa tầm xuân nở. Ngày ấy, khắp cánh đồng làng Yên đâu đâu cũng có tầm xuân nhưng nơi mật độ dày đặc nhất phải nói là bờ đầm Cổ Hạc. Tầm xuân là loại dã hoa, một thứ hồng dại, cành nhiều gai mọc thành những bụi lớn ken dày lá, xanh tốt quanh năm. Tầm xuân giống hồng nhưng lại không phải hồng, màu sắc da dạng. Vào lúc hoa nở, đứng từ xa nhìn vào, bờ đầm như một tấm thảm muôn hồng ngàn tía trải dài ngút ngát sực nức mùi hương…

Sát với xóm Trại, đầm Cổ Hạc có một bến nước gọi là bến Tầm Xuân. Nơi đây, mấy chục năm trước đã có một cuộc tình của đôi trai gái làng Yên. Cuộc tình dang dở rồi trở thành bi kịch khi cô gái gieo mình xuống đầm còn chàng trai treo cổ lên cành cây đa Đống cao tự tận…

 Tuy nhiên, đây không phải truyện ngắn hay tiểu thuyết mà chỉ là một bài tạp bút, gặp đâu nói đó nên chuyện tình bi thương kia có dịp tôi sẽ kể sau. Điều tôi muốn nói với các bạn hôm nay chính là nghệ thuật câu ếch của đám con trai làng Yên…

 

Mấy chục năm trước, khắp tỉnh Đông không nơi đâu lắm ếch như đầm Cổ Hạc. Chính vì thế, con đầm cũng là nơi thu hút vô số tay câu thiên hạ mà dân xóm Trại từng điểm mặt. Tuy nhiên họ chỉ dám lảng vảng ở mạn bắc phía bờ đê đổ xuống vì nơi ấy vắng người, lợi nước sâu, không có bèo ong. Kẻ nào lớ xớ đến khu Đống Cao, Bến Cõi là bị trai đinh rượt đuổi trừ anh Phạm Gia Khoán, con rể xóm Trại. Nói không ngoa chút nào, anh Khoán là thợ câu ếch độc nhất vô nhị ở vùng hữu ngạn sông Yên.

 Đồ nghề bắt loài thủy sản này gồm chiếc cần dài hơn ba mét bằng loại trúc già, ruột đặc và nhẹ, đầu mút gắn ròng rọc luồn dây, lưỡi câu thép đặc dụng có ngạnh và vòng cuốn cước tiện bằng gỗ thị mực. Khi con nhái đã móc rất khéo vào lưỡi câu, anh Khoán đưa mắt ước lượng khoảng cách rồi bất ngờ văng xa mấy chục mét, dây cước bật ra kêu xoe xóe. Tiếp theo, một tay anh cuốn dây, một tay cầm cần kéo rê lưỡi câu trên mặt nước, vừa kéo vừa nhấp nhấp khiến con mồi nhảy tâng tâng cứ như đang còn sống trêu ngươi lũ ếch lẩn khuất giữa đám bèo ong hay bèo tây (lục bình). Nên nhớ rằng, loại chọn cách sống xa bờ như thế này đều thuộc thành phần “ếch cụ”, nghĩa là chúng đã trưởng thành, có đủ kinh nghiệm dễ dàng thoát khỏi tầm ngắm của những tay câu chuyên nghiệp với nhiều mánh khóe lừa đảo như Phạm Gia Khoán. Đó là những chú ếch có kích cỡ to dị thường với cặp đùi béo nẫn, đôi mắt linh động luôn cảnh giác, làn da nâu sẫm hoặc vàng rơm rất nhạy cảm với các loại âm thanh, loáng cái đã biến mất như có phép thần thông. Dân trong nghề gọi là ếch đã thành tinh.

Phạm Gia Khoán thuộc loại người có cái đức kiên trì làm lũ trẻ chúng tôi không thể nào tưởng tượng nổi. Có khi chỉ vì một con ếch gan lỳ mà Khoán đứng chôn chân cả tiếng đồng hồ dưới trời nắng chang chang hay mưa như trút nước. Cuối cùng, cho dù tinh khôn cách mấy, vẫn có những lão ếch bự mắc mưu con nhái của anh. Câu như Phạm Gia Khoán là nghề kiếm gạo. Cuộc sống vợ con anh đều trông cả vào chiếc cần trúc. Tuy nổi danh sát cá nhưng không phải hôm nào cũng đầy vịt. Có những ngày trở trời, ếch chê mồi anh chỉ  kiếm được hơn chục con, nhưng hầu hết là toàn “oa vương”(1) thuộc loại đặc sản nổi tiếng làng Yên. Chẳng thế mà Khoán có đến mấy hợp đồng với các ông chủ Hà Nội, trong đó, nơi đặt hàng nhiều nhất là khách sạn Phú Gia, một nhà hàng cao cấp  trước đây gọi là Metropol của người Pháp bên hồ Hoàn Kiếm.

Nhưng chúng tôi không câu theo kiểu Phạm Gia Khoán. Ếch của chúng tôi là ếch cốm, vừa mới “ra ràng”(2) còn khá ngờ nghệch, cư trú trên những bè muống hay đám bèo ong gần bờ sau mấy trận mưa rào. Vào thời điểm cuối tháng ba sang tháng tư, hoa tầm xuân sắp tàn nhưng hoa mướp bắt đầu nở rộ. Cả một vùng hữu ngạn sông Yên những giàn mướp miên man sắc vàng thả hương nồng nàn theo gió. Màu hoa mướp cũng là màu thời gian lưu giữ suốt đời trong ký ức người đi xa. Sau này bản thân cũng từng nhiều lần chứng nghiệm, nhất là những khi cảm thấy lòng mình cô đơn. Có điều, lúc ấy, chúng tôi còn vô tư, chưa từng trải nghiệm sự đời nên chỉ nghĩ đến khía cạnh thực dụng của hoa mướp là một thứ “mồi” câu ếch mà không biết nó còn có vẻ đẹp tinh thần lẩn khuất đâu đó hồn vía làng quê Việt. Cần câu dài chừng hai mét nhưng làm gì có thiết bị phụ trợ như của anh Khoán. Không sao, chỉ cần lên trạm bơm Linh Khê, đợi lúc lão Chẫu bảo vệ chếnh choáng hơi men, thó trộm đoạn cable ô tô đứt là là có thể “thửa” cả trăm chiếc lưỡi ngạnh thật chuẩn, “tôi”(3) trong nước muối đặc, buộc dây cước quấn chặt mấy vòng là xong. Tiếp đó phải đi vồ nhái. Công đoạn khó nhất là móc mồi và gắn hoa mướp. Phải làm sao cho con nhái như còn sống và hoa mướp không bị nhàu nát.

Ếch cốm tức là ếch trẻ con, mới lớn rất ham ăn mà chưa có kinh nghiệm sống để tránh những cạm bẫy do con người bày ra. Hoa mướp chính là một trong những thứ đó. Chẳng biết trong mắt ếch có loại tế bào hình que để phân biệt màu sắc cũng như các vạch quang phổ hoặc mũi ếch có khả năng cảm thụ mùi hương phấn hay không, nhưng hoa mướp vàng chính là thứ bùa ngải cực kỳ hấp dẫn khiến những chú “gà đồng”(4) choai choai bất chấp nguy hiểm đuổi theo như bị thôi miên. Khi con ếch nhìn thấy con nhái là hoa mướp đã diễn xong màn dạo đầu. Từ lúc này, ếch ta luôn chăm chắm vào mồi, chỉ cần nhẹ nhàng di chuyển đầu cần, đối tượng lập tức nhảy phóc ra đớp gọn. Một cú giật vừa phải là lưỡi câu mắc cứng vào hàm. Đến lúc tỉnh ra thì quá muộn. Chú ếch cốm bị bóp ngang lưng nhét vào giỏ cùng với đám bạn đang ộp oạp kêu la ai oán bằng thứ ngôn ngữ chỉ có loài ếch mới hiểu được…

Tân Sửu, trung thu, mùa ôn dịch Tàu

Đ.V.S

(1) Oa vương (蛙王): vua ếch, chỉ con ếch to

(2) Ra ràng: chỉ loài chim non tập bay nhảy nhưng ở đây nói một cách phúng dụ

(3) Tôi: thuật ngữ của thợ rèn, nung kim loại trong lửa đỏ rồi nhúng vào nước muối đặc (dung dịch Natri clorua) để tăng độ cứng

(4) Gà đồng: dân gian thường gọi ếch là gà đồng, một loại chim hoang dã chuyên rình mổ thóc ở các ruộng lúa chín

 Tân Sửu, cuối tháng cô hồn

Đ.V.S.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét