Trước khi tìm được chìa
khóa giải mã, mời bạn đọc cùng thưởng thức mấy dòng đầu ở bài thơ đã từng gây
xôn xao dư luận một thời của Maria Hoàn Nguyễn:
“kêu gì thế thạch sùng
ai bắt
nhịn ngày
cày đêm lụng bụng
chặc...chặc lưỡi
bắt muỗi
đuổi nhau thạch sùng săn
lùng
vờ vịt”
Mới nhìn lướt ta có cảm giác đây chỉ là một kiểu đồng dao, người viết sử
dụng ngôn ngữ trẻ con bất chợt nhìn thấy chú thạch sùng trên tường vôi, ban
ngày nấp kín nơi xó tối, ban đêm mới mò ra kiếm ăn, thỉnh thoảng lại chặc lưỡi
“sạch…sạch”. Đương nhiên, về mặt sinh học, có thể hiểu là tập tính di truyền giống
loài, nhưng phía sau nó ẩn dụ bài học răn đời qua câu chuyện cổ tích anh nhà giàu
mới nổi, hiếu thắng, mạo hiểm lao vào trò cá cược đến nỗi mất sạch gia sản.
Tuy nhiên Hoàn Nguyễn không có ý định thi vị hóa câu chuyện thân bại
danh liệt của chàng trọc phú Tàu từ thuở xa xưa nếu ta biết cách đọc bài thơ và
đặt con thạch sùng trong mối tương quan với “người kể chuyện – chủ thể trữ
tình”. Một khi đã có phương pháp luận chính xác, soi chiếu văn bản từ những góc
nhìn khác nhau, rất có thể chúng ta sẽ nhận ra những thông điệp nghệ thuật thấp
thoáng phía sau mỗi con chữ.
Xét về mặt thể loại, đây là bài thơ lạ, thậm chí rất lạ bởi một người sở
trường về lục bát như Hoàn Nguyễn, bỗng chốc nhảy sang địa hạt thơ tự do tạo
nên một cấu trúc đồng dao biến thể với cách gieo vần lưng kết hợp vần chân khá
là chuyên nghiệp. Nhưng không chỉ có thế. Khi tiếp cận văn bản, người đọc còn
nhận ra một điều cần phải làm sáng tỏ, đó là văn bản ngôn từ và văn bản ngữ
nghĩa của “Hai cái bóng trên tường vôi trắng”
dường như không trùng khớp với nhau nhưng lại cùng nhau tạo nên một văn bản nghệ
thuật khác lạ khiến cho bất cứ ai, sau khi đọc cũng phải sững sờ bởi lượng
thông tin nghệ thuật dồn nén hết sức cô đọng nhưng lại có khả năng mở ra trường
liên tưởng thẩm mỹ phong phú, đa dạng.
Trước hết nói về văn bản ngôn từ. Có đến phân nửa số lượng từ vựng được Hoàn
Nguyễn sử dụng, nhìn trên bề nổi đều rất khó gọi là ngôn ngữ thơ. Đó là những danh từ, động từ, trạng từ trung tính mang
chức năng công cụ của thể loại tự sự. Điều này rất dễ kiểm chứng, chẳng hạn “kêu gì thế thạch sùng”, “chặc…chặc lưỡi”,
“trêu chị đúng không?”, “nay mất ngày mai được”…Hơn thế nữa, tác giả hầu
như không sử dụng tính từ vốn là loại từ làm mềm hóa câu thơ, làm câu thơ uyển
chuyển trong cấu trúc vần điệu, nhạc điệu. Thậm chí, ngay cách bẻ dòng cắt nhịp
2/4 hoặc 2/6 ở phần đầu mỗi khổ để rồi có những câu kéo dài từ 11 đến 15 chữ cũng
là chuyện cần phải bàn. Rõ ràng, đã dùng khá nhiều động từ, trạng từ, lại bẻ nhịp
ngắn dài đuổi nhau không cố định, hình như tác giả cố tình làm khó người đọc
chăng? Rất có thể, bởi giá trị nghệ thuật của tác phẩm là ở sự sáng tạo. Trường
hợp này, chúng ta chỉ cần đối chiếu văn
bản ngôn từ với văn bản ngữ nghĩa là biết ngay. Văn bản ngôn từ chỉ là tập hợp
những ký hiệu ngôn ngữ, nhưng văn bản ngữ nghĩa lại mở ra không gian nghệ thuật
mới bởi hiệu quả của hàng loạt cặp từ láy tượng hình và tượng thanh “lụng bụng”, “vờ vịt”, “nhếch nhác”, “thao
thức”, “trống thông”, “sạch… sạch”, “lách cách”,“leo lét”. Những cặp từ có
giá trị biểu cảm này lại kết hợp một cách hài hòa với những thành ngữ, tục ngữ,
quán ngữ, hát nói biến thể như “nhịn ngày
cày đêm”, “săn lùng vờ vịt”, “mõ trâu lách cách”, “gối chăn nước mắt”, “nay mất
mai được”…chính là ngôn ngữ nghệ thuật của thi phẩm.
Xét đến cùng, ngoài “tứ” ra, ngôn ngữ nghệ thuật mới làm nên diện mạo
bài thơ. Thơ không “tứ” chỉ là những câu vần vè sáo rỗng. Nhưng chỉ dựa vào tứ
mà không có ngôn ngữ nghệ thuật cũng vứt chẳng khác gì người phụ nữ mang tâm hồn
cao đẹp nhưng lại sở hữu một thân xác…Thị Nở!
“Hai cái bóng trên tường vôi
trắng” là bài thơ văn xuôi mà lượng ngôn từ dồn nén đến
mức đậm đặc “kể chuyện” về người phụ
nữ bần cùng, đơn côi trong ngôi nhà hoang vắng. Đối tượng trút bầu tâm sự của
nàng chỉ là con thạch sùng bám trên tường vôi trắng dưới ánh đèn dầu leo lét,
thỉnh thoảng lại chắc lưỡi kêu “sạch…sạch”.
Hai cái bóng - bóng người đàn bà và bóng thạch sùng – trong một không gian tĩnh
lặng, u buồn mang dáng vẻ liêu trai làm nên bối cảnh bài thơ. Chính vì vậy, ta
có thể xem nỗi cô đơn, niềm khao khát cuộc sống bình yên, ẩn ức tâm lý và sự bất
an là tư tưởng nghệ thuật.
Hầu như cả bài thơ là một màn độc thoại thông qua sự đối thoại tưởng tượng
giữa người đàn bà với con thạch sùng trên bức tường vôi trắng. Như vậy hành vi
đối thoại trở thành độc thoại ở đây chính là một kiểu đối thoại tư tưởng như
hình thức phân thân tìm về bản ngã một khi người ta ở vào trạng thái đổ vỡ niềm
tin, tâm hồn tổn thương nghiêm trọng, từ đó nảy sinh cảm xúc mãnh liệt bằng những
vần thơ ứa lệ khiến người ngoài cuộc cũng xót xa, thương cảm. Thơ tự do, cấu
trúc bậc thang vần điệu lỏng lẻo ngỡ như một đoạn tự sự mà tạo ra được trường
liên tưởng như thế là bởi cái tình ấy đã găm sâu vào tâm thức người đọc. Nó vừa
là cảm xúc chân thực đến tận cùng, vừa là niềm bi phẫn của một cá thể nhưng dường
như còn là tiếng lòng đại diện cho phần u uất dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng
người thấp cổ bé họng ở một môi trường sống từ lâu tồn tại vô số nghịch lý.
Hai cái bóng trên tường vôi vừa tương phản vừa là sự hòa hợp trong một
không gian tĩnh lặng nhưng lại bất an bởi dòng suy tư của chủ thể về thân phận
con người. Có thể nói, từ văn bản ngôn từ đến văn bản ngữ nghĩa, bài thơ đã có
sự chuyển dịch đáng kể về chất lượng thông qua hàng loạt biện pháp tu từ mang phong
cách Hoàn Nguyễn. Chẳng những thế, việc vận dụng tính vượt trội của từ láy
trong quá trình diễn ngôn giúp cho thơ chị giàu nội lực, không ít câu chữ giống
như luồng xung điện làm gia tăng hiệu ứng thẩm mỹ. Chẳng hạn “nhịn ngày/ cày đêm lụng bụng/ chặc chặc… lưỡi”,
hay "nhà chị nhếch nhác/ cười giễu
chị phải không? trêu chị đúng không? nhà cửa trống thông chỉ còn sạch... sạch...”.
Chỉ với 31 chữ, mà 11 lần bẻ dòng, lại chèn vào 5 cặp từ láy, trong đó có những
từ đa nghĩa như một ẩn số, khiến cho bài thơ còn một tầng chìm mà nếu không
tinh ý rất khó nhận diện. Ví dụ “sạch sạch”.
Đây là từ tượng thanh mô phỏng tiếng chắc lưỡi con thạch sùng nhưng khi đặt
trong văn cảnh, nó còn hình dung gia cảnh nghèo đến mức không đủ cả những vật dụng
tối thiểu. Nhưng chưa hết, cặp từ này vẫn còn lớp nghĩa thứ ba, cho dù rơi vào
hoàn cảnh bần cùng, người đàn bà ấy vẫn gìn giữ sự trong sạch như giá băng, một
phẩm chất cao quý mà nếu mất nó, con người sẽ tha hóa nhân cách.
Nhưng có lẽ đấy chỉ là màn dạo đầu. Phần tiếp theo ý tưởng tác giả hoàn toàn trực tiếp hiển ngôn khi mà cuộc “trò chuyện” giữa nhân vật trữ tình với thạch sùng được đẩy lên cấp độ cao hơn về ngôi nhà vắng bóng đàn ông. Sự cô đơn tuyệt đối khiến người phụ nữ rơi vào tâm trạng u uất. Khát vọng thường trực về một tổ ấm gia đình, trong đó bao hàm cả ẩn ức giao hoan chăn gối bằng lớp từ vựng đã được làm mềm hóa buộc người đọc phải suy ngẫm:
“Sùng thấy đấy đời chị nghèo không một mống đàn ông
cả cái bóng người tình trên vách
tàn canh
sương rớt ngoài hiên
tiếng mõ trâu lách cách
gà gáy rồi còn thao thức
chị giàu lắm gối chăn nước mắt
chị mơ tìm Ngưu Lang - chắc mày đi tìm vàng
vỡ cả rồi đôi mộng”
Về mặt cấu trúc, đoạn
thơ hội tụ quá nhiều hình ảnh vừa gợi tả vừa gợi cảm được hình thành trên cơ sở
những thành ngữ, tục ngữ, ca dao biến thể: “không
một mống đàn ông”, “bóng người tình trên vách”, “tàn canh”, “sương rớt ngoài
hiên”, “gối chăn nước mắt”, “mơ tìm Ngưu lang”. Đây là những đơn vị ngôn ngữ
tương đối cố định có chức năng tu sức cho thơ, không phải ai cũng nhìn ra được tính
ưu việt của nó. Nói cách khác, chúng chính là những thành tố quan trọng cùng với
vần, nhịp điệu và nhạc điệu tổng hợp thành bài thơ.
Như phần đầu chúng
tôi đã nói, phía sau văn bản ngôn từ là văn bản ngữ nghĩa. Văn bản ngôn từ của
Hoàn Nguyễn được tỉnh lược đến mức tối đa. Thơ của chị hầu như không có câu chữ
thừa. Mỗi chữ hoặc tổ hợp từ đều có công năng khác nhau cấu thành bức tranh nghệ
thuật ngôn từ. Vì thế, đọc những cụm từ ngữ “nhịn
ngày cày đêm”, “săn lùng vờ vịt”, “không một mống đàn ông”, “bóng người tình
trên vách” hay "giàu lắm gối chăn nước
mắt”… bất chợt ta mở rộng trường liên tưởng đến những thân phận đàn bà “bảy nổi ba chìm” trong những áng thơ để
đời của Hồ Xuân Hương hay nữ sĩ Ngân
Giang.
Ngoài giá trị tạo hình như một bức tranh tĩnh
vật hiện diện trong bầu không gian vắng lặng qua sự tương tác giữa người phụ nữ
với con thạch sùng, bài thơ còn có giá trị phản ảnh một hiện thực trần trụi khiến
ta không thể không truy tìm nguyên nhân của những bi kịch xã hội. Hóa ra, sau
hơn 80 năm, khi Chị Dậu và Anh Chí hiện
diện trên văn đàn Việt, những thân phận lạc loài ấy lại “tái xuất giang hồ” dưới
một phiên bản khác nhưng không kém phần thê thảm: “tìm bạc tiếc vàng nhà chị có gì đâu”, “nhà chị nhếch nhác” rồi “nhà cửa trống thông chỉ còn sạch…sạch”.
Tất cả những từ ngữ ấy đều hàm ý cái tận cùng của sự nghèo mà một trong những từ
láy vừa được tác giả sáng tạo là “trống
thông” thay vì “trống không”.
Nhưng cái nghèo trong thơ Hoàn
Nguyễn còn được nhân lên nhiều lần khi mà tác giả “tâm sự” với con thạch sùng “chị
giầu lắm gối chăn nước mắt”, một hành vi phản ứng của phụ nữ trong hoàn cảnh
bất khả kháng. Bởi lẽ, ngay “cả cái bóng
người tình trên vách” chỉ là sự tưởng tượng tự huyễn hoặc mình mà cũng bặt
vô âm tín thì nơi đây khác gì là điểm tận cùng của kiếp người
“Hai cái bóng trên tường vôi trắng” về hình thức là tự
sự được chuyển tải bằng thể loại tự do nhưng thật ra bản chất của nó lại là thơ
trữ tình dưới dạng đối thoại giả tưởng. Và sau thời gian đối thoại với một sinh
vật vô tri, tác giả khép lại bài thơ bằng hai bóng đen cùng in trên bức tường
vôi trắng qua ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu sau khi buông lời cảm thán:
“ngủ đi
thạch sùng ơi
nay mất ngày mai được”
Quy luật muôn đời là vậy.
Quy luật bất biến ấy chi phối thân phận con người được Hoàn Nguyễn phác thảo
qua bức tĩnh vật “hai cái bóng trên tường
vôi trắng” như một cách ẩn dụ trò chơi tạo hóa “Cái quay búng sẵn lên trời/ Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (“Cung
oán ngâm khúc”, Nguyễn Gia Thiều). Bài thơ chính là tâm trạng của chủ thể - người
đàn bà lẻ bóng trong cảnh bần hàn - nhưng vẫn giữ được phẩm cách cao đẹp của
mình giữa cảnh đời lắm nỗi éo le./.
Bến Tắm, Chí Linh,
21.10.2021
Đ.V.S.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét