Nhãn

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

TỔ TÔM, Ở TRONG CŨNG LẮM ĐIỀU HAY…

 


 

Tạp bút

 

 

Đầu năm 1974, tôi ở Quảng Bình ra, được Viện Thiết kế Giao thông cử về Hà Bắc tăng cường cho đội khảo sát thiết kế tỉnh. Sau khi xuất trình giấy tờ với ông Nguyễn Thơ, trưởng phòng tổ chức tôi đến gặp ông Nguyễn  Chấn, lúc ấy phụ trách mảng vận tải đường sông. Vừa nhớm bước vào phòng, chưa kịp chào hỏi, ông phó ty đã phủ đầu: “Biết chơi tổ tôm không?”. Tôi hơi bất ngờ với kiểu làm quen khá ngược đời này của một vị chức sắc ngành giao thông mới lần đầu diện kiến, nhưng cũng đủ bình tĩnh trả lời bằng ngôn ngữ giao đãi: “Dạ cũng biết chút ít ạ”. Ông phó ty nhướng mắt sau cặp kính lão dày cộp tiếp tục lục vấn: “Bất thực thiên khai ăn khàn trình phu là thế nào?”. Chuyện vặt. Thứ này ở Binh trạm 16 ngày nào tôi chẳng “luyện tay nghề”: “Thưa bác, nghĩa là trong tay có bốn quân bài giống nhau, người chơi dùng một quân ghép vào phu dọc, ba cây còn lại úp xuống chiếu như khàn, vẫn được tính là lưng. Trường hợp này trước khi xướng ù phải dậy khàn nhưng không cần trả chén. Quên dậy khàn sẽ phạm quy, chẳng những không được ăn tiền mà còn bị phạt”. Nghe đến đây, ông Chấn đứng dậy kéo tôi ra bàn uống nước, sau khi rít xong điều thuốc lào, ông phả khói mù mịt rồi bảo: “Cậu về bộ phận thiết kế bên phòng kỹ thuật. Chỗ chúng tớ đang thiếu một chân tổ tôm”…

Ngày ấy, chẳng riêng gì ty giao thông mà hầu hết các ban ngành, kể cả văn phỏng tỉnh ủy và ủy ban tỉnh Hà Bắc phong trào tổ tôm đều vô cùng sôi nổi. Hàng ngày, cứ cơm chiều xong là các “hội viên” kéo nhau lên hội trường hoặc phòng phó ty Nguyễn Hữu Thẩm chuẩn bị "vào cuộc". Có những ông chẳng cần tắm giặt, người hôi như tổ cú, ngồi gần phát nôn ọe, nhưng lại rất nhanh nhẹn trong các thao tác trải chiếu thắp tọa đăng chuẩn bị cho trận thư hùng so tài cao thấp. Đương nhiên đây không phải trò cờ bạc vì thắng thua chỉ là số điểm vô thưởng vô phạt hoặc vẽ râu, bôi hề như một cách giết thời gian của giới công chức  thời bao cấp "sớm vác ô đi tối vác ô về". Vậy mà chẳng hiểu sao, tổ tôm lại có ma lực ám quẻ người ta đến mê muội nên cánh đệ tử thần đổ bác(1) thường gọi một cách hài hước là “học tập nghị quyết 120”. Ma tổ tôm còn kéo cả ông trưởng ty Trương Thế Chín vừa nhậm chức vào cuộc. Ông Chín là lính mới, thậm chí còn chưa thuộc hết 8 lưng, cầm bài vụng, xòe hết ra chẳng khác gì cái quạt giấy "chành ra ba góc" của nữ sĩ họ Hồ đất Thăng Long thế kỷ XVIII nhưng chơi rất say sưa. Khi sắp ù, tay ông run bắn, ngồi chầu rìa nhìn vào có cảm giác như đám yêu quái nhất vạn, nhất sách, thang thang, ông cụ phùng mang trợn mắt sắp sửa nhảy vọt ra ngoài. Một lần tôi từng chứng kiến, khoảng 8 giờ tối, trưởng phòng hành chính Hán Văn Thi mở cửa bước vào rỉ tai mời họp, trưởng ty đang cay cú vì mấy hội không ù, văng tục: “Họp cái đếch gì mà tối mới giở giói. Nói tôi bận. Bảo tay Xuân công đoàn chủ trì”.

Vào nửa đầu thập niên bảy mươi, thị xã Bắc Giang không có điện sinh hoạt. Ban đêm nhất loạt sử dụng đèn dầu. Dân tổ tôm chúi mũi vào đám quân bài dưới ánh sáng vàng vọt của ngọn tọa đăng. Ngày chủ nhật, nếu không tranh thủ về nhà thì ngồi sát phạt nhau thâu đêm. Sáng thứ hai anh nào cũng lờ đờ ngáp ngắn ngáp dài, mắt mũi kèm nhèm. Thể dục thể thao chỉ là thứ vớ vẩn mất thời gian hại sức khỏe. Kể cũng đúng. Tiêu chuẩn văn phòng, tháng 13,5 cân gạo độn mì hoặc khoai sắn, thức ăn chỉ rau muống luộc chấm nước mắm loãng pha muối, ngày hai bữa xách bát xuống nhà ăn tập thể, ăn xong rồi mà có cảm giác bụng vẫn sôi réo, vậy thì lấy đâu ra nguồn năng lượng để mà tập với tành?

Tổ tôm được coi là thú chơi tao nhã: “Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống trà mạn hảo xem Nôm Thúy Kiều”(2) nên khối anh tự ái quyết học bằng được để tránh cái tiếng là kẻ phàm phu tục tử. Nhưng "nghề chơi cũng lắm công phu", nhận mặt được 120 quân đã là vấn đề nan giải, nói chi đến chuyện thuộc nằm lòng các “lưng” cùng sự biến hóa khôn lường như cấu trúc ma phương trong quá trình vận động của các con bài. Không ít người lúc đầu thì hăm hở, đến khi thực hành thấy khó nhằn đành bỏ cuộc, làm chân chầu rìa phục vụ điếu đóm hoặc chia bài cho “các cụ”. Và cũng bởi tổ tôm, nói chính xác là “quan hệ tổ tôm” đã có những vị từ chân bạch đinh thuộc diện cờ đèn kèn trống mà được thăng quan tiến chức. Anh Ký chỉ là lái xe, học hành lởm khởm nhưng rất sành khoản này, lại chịu khó điếu đóm cho ông Chấn phó ty, thế là vào một ngày đẹp trời nghiễm nhiên trở thành trưởng phòng vận tải, là chief của hàng chục kỹ sư tốt nghiệp đại học chính quy.

Có điều, tổ tôm văn phòng chỉ là trò giải trí chẳng khác mấy đám phụ nữ chơi tam cúc, ở đội khảo sát mới thực sự có những tay sừng sỏ vang danh thiên hạ. Một trong số đó là Phạm Tải. Vào hội, chia xong, mọi người còn đang loay hoay xếp bài, Phạm Tải chỉ cần liếc qua rồi gập lại ngay để giữ bí mật tối đa. Bằng sự ma mãnh của một con bạc chuyên nghiệp, anh biết ván vào nên “chịu” và ván nào nên “theo”. Và, với bộ óc tính toán như thần, xoay ngang, xoay dọc như chong chóng, anh thường áp đảo các đối thủ bằng những ván “ù” cước sắc như “tôm”(3), “lèo”(4) thậm chí “thập điều”(5) hay “bạch định”(6). Nhưng hãi nhất là Phạm Tải bắt lỗi, đặc biệt lỗi bỏ ù. Mắt anh như có ma xó nhập vào. Khối tay chắc mẩm phen này ăn to, vậy mà loáng một cái, anh sử dụng "thuật toán tối ưu" xếp lại, hóa ra khổ chủ bỏ ù đến ba cửa...

Cứ mỗi lần Phạm Tải xin phép nghỉ vài ngày với lý do vợ ốm, con đau là chúng tôi biết tỏng thế nào anh cũng đến vùng Yên Thế hay Lạng Giang so tài đọ sức cùng đám “cao thủ võ lâm”.

Nhưng đúng như tục ngữ dân gian “Cờ bạc là bác thằng bần”, chơi tổ tôm giỏi từng vét nhẵn túi đám “lục lâm thảo khấu” mà Phạm Tải nghèo rớt mồng tơi, nghèo đến mức căn nhà ba gian hai chái sau trận bão năm Ất Mão mái rạ tốc, tường đổ mà không có tiền chữa phải ở tạm căn lều lụp sụp. Đến năm 1979, anh bỏ việc về quê Phù Lãng. Sau này nghe Biện Xuân Hòa nhắn tin, Phạm Tải lên mạn ngược đi buôn bè. Tôi chợt nghiệm ra, nghề này quanh năm suốt tháng lênh đênh sông nước tha hồ cờ bạc. Còn ông Trương Thế Chín, hai năm sau  sang làm phó bí thư thường trực tỉnh ủy. Nghe nói bên ấy cũng có mấy chiếu tổ tôm...

Tháng cô hồn năm Tân Sửu

Đ.V.S.

 

CHÚ THÍCH

Ảnh chỉ có tính minh họa lấy trên mạng

(1): Thần cờ bạc

(2): Tục ngữ Việt Nam

(3): Ván ù mà trong bài có phu tam vạn, tam sách, thất văn

(4): Ván ù trong bài có phu cửu vạn, bát sách, chi chi

(5): Ván ù trong bài có 10 quân tổ tôm màu đỏ trên nền trắng

(6): Ván ù trong bài có 21 quân tổ tôm màu đen trên nền trắng

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét