Chu Văn An
tên thật là Chu An, hiệu Tiều Ẩn, từng đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Tư nghiệp
Quốc tử giám thời nhà Trần, được phong tước Văn Trinh công. Ông đã treo mũ từ
quan về Chí Linh mở trường dạy học và làm thuốc sau khi dâng “Thất trảm sớ”,
đòi chém bảy tên gian thần nhưng vua Trần Dụ Tông không nghe.
Về mặt
giáo dục, Chu An là người thầy mẫu mực, một tín đồ trung thành của tư tưởng
Khổng Mạnh, đã từng đào luyện hàng loạt các nhà khoa bảng ra làm quan với triều
đình nhà Trần theo tôn chỉ “Tam cương, ngũ thường”. Sau khi Chu
An qua đời, ông được vua Trần Nghệ Tông cho phối hưởng bên cạnh Khổng Tử tại
Văn Miếu. Ở Chí Linh, học trò cũng lập đền thờ, ngôi nhà nhỏ của ông dưới chân
núi Phượng Hoàng được gọi là “Tiều ẩn cổ bích”.
Việc Chu
An được đề cao dưới chế độ phong kiến thực ra không có gì lạ, vì nó phù hợp với
tâm thức cộng đồng vốn luôn có tư tưởng tôn sư trọng đạo (nho).
Điều đáng
bàn là, sau cái thời chủ trương đập phá đình chùa đền miếu, đốt sách, triệt để
bài trừ “văn hóa đồi trụy” gắn liền với mấy cuộc động loạn xã hội như Cải cách
ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp, Hợp tác hóa nông nghiệp vào những năm
cuối thập kỷ năm mươi, đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ XX, thì đến những năm
đầu của thế kỷ XXI, người ta bắt đầu cơn sốt trùng tu, tân tạo những di tích
trước đây vốn bị coi là mê tín dị đoan. Trong số này có ngôi đền Chu An, một công trình kiến trúc khá hoành tráng, được
xây dựng vào năm 2007, tọa lạc trên lừng chừng dãy núi Phượng Hoàng.
Đi liền
với ngôi đến đồ sộ này là các hạng mục ăn theo nằm trong kế hoạch “kinh doanh,
khai thác” của những nhóm lợi ích địa phương mà điểm nhấn là dịch vụ”cho chữ”
hay “bán chữ” tùy theo cách gọi của mỗi khách tham quan.
Người “cho
chữ” là ông “thầy” áo the quần ống sớ cỡ trung niên, giày tây (đúng ra phải là
giầy Gia Đinh), khăn xếp, trên bàn bày nghiên mực, bút lông, giống hệt các ông
đồ ngày xưa trong các phiên chợ tết của Đoàn Văn Cừ, Vũ Đình Liên.
Cũng xin
thú thật, tôi rất kính trọng nhân cách và bản lĩnh khảng khái của Chu An nhưng
chưa bao giờ coi ông là “vạn thế sư biểu” bởi cách giáo dục của ông hoàn toàn
dựa trên tư tưởng Khổng Mạnh, suốt đời chỉ biết nghiền ngẫm “Tứ thư”, “Ngũ
kinh”, cổ xúy học trò phục tùng thiết chế độc tài toàn trị núp dưới danh nghĩa
“trung quân ái quốc”. Lý luận học thuật của Khổng Tử và các học trò của ông
hoàn toàn mang tính áp đặt tạo thành nền giáo dục quyền uy, không lấy con người
làm trung tâm mà biến con người thành nô lệ, dạy con người phải quỳ gối khom
lưng trước các đấng bề trên trong một xã hội khép kín phân chia đẳng cấp sâu
sắc. Đó là một nền giáo dục làm hỏng nhân cách con người, làm con người tha
hóa, mà hệ lụy của nó còn kéo dài cho mãi đến ngày nay, cho dù về mặt chính
thức, nền giáo dục Hán học và chế độ khoa cử đã chấm dứt cách đây trọn một thế
kỷ.
Học gạo,
học để thi, học để làm quan là mục đích tối thượng của hầu hết giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Để hỗ trợ tối đa cho cách tư duy thực dụng này, người ta còn đặt ra những tiêu
chuẩn học vị, học hàm bắt buộc trong quy trình bổ nhiệm cán bộ. Vì thế mới có
chuyện buôn bán bằng giả, bằng đểu, các lò ấp tiến sĩ siêu tốc, các trường đại
học rởm mọc lên như nấm, chỉ với mục đích duy nhất là thỏa mãn nhu cầu của các
thượng đế…vô học. Sự xuống cấp thảm hại của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, chắc chắn có nguyên nhân sâu xa từ
phương thức đào tạo khoa cử Hán học mà Chu An
là một trong những nhà giáo tiêu biểu.
Coi Chu An
như biểu tượng của một thời kỳ lịch sử cần được ghi nhận là đúng, nhưng tôn vinh
ông là người thầy của muôn đời (vạn thế sư biểu) và tiếp tục khai thác phương
pháp giáo dục lạc hậu, lỗi thời từ hệ tư tưởng Khổng Mạnh thì cực kỳ sai lầm.
Chữ Hán,
cũng như chữ Hàn, chữ Thái, chữ Quốc ngữ, trên bình diện ngôn ngữ chỉ là những
ký hiệu, được gọi là văn tự ghi âm tiếng nói của một cộng đồng người, có chức
năng ghi chép và giao tiếp. Chữ Hán dứt khoát không phải là “chữ thánh hiền”
như các môn đệ của nho gia đề cao một cách thái quá. Có điều đó là loại văn tự
phức tạp, với 214 bộ thủ, cấu tạo từ 6 phương thức, khó viết, khó đọc và khó
nhớ, nên người ta mới thần bí hóa, xếp nó vào hàng “chữ thánh hiền”. Cũng từ
những đặc điểm này, trải qua hàng ngàn năm, những nhà nho Trung Hoa đã sáng tạo
ra cái gọi là “thư pháp” (tranh chữ) và đi cùng với nó là thú chơi “cho chữ”.
Ngày
trước, các bậc túc nho, đức cao vọng trọng, các nhà khoa bảng hay những trang
quân tử, anh hùng cái thế như ông nghè Trần Bích San, cụ tam nguyên Yên Đổ,
tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu…mới có đủ tư cách “cho
chữ”. Nhưng ngày nay, trong cơn lốc trùng tu, tân tạo các loại đền chùa miếu
mạo có thật và ngụy tạo, mà phía sau nó là hành vi rửa tiền bẩn, lại xuất hiện
ngày càng nhiều các loại “thầy” bán chữ lấy tiền mà vốn liếng Hán học chỉ là
con số không tròn trĩnh.
Để hành
nghề, các ông “thầy” rởm này chỉ cần tìm mua vài chục chữ thư pháp, chủ yếu là
dạng chữ “khải” mà thiên hạ đang cần như “ 心 tâm”, “德 đức”, “福 phúc”, “ 祿 lộc”, “壽 thọ”, “康 khang”, “寧 ninh”, “道 đạo”, “義 nghĩa”… rồi dành thời gian vài tuần tô đi tô lại
theo kiểu học trò ngày xưa viết “phóng”. Một khi “tay nghề” đã tương đối thành
thạo thì bắt đầu đem ra thực hành với khách hàng. Trong khi đó, “khách hàng”
phần nhiều là các bạn trẻ, vào thăm đền theo hội chứng đám đông, lại sẵn tính
hiếu kỳ, sẵn sàng móc hầu bao, mua thứ hàng nhái do một ông thầy mù chữ “vẽ” ra
mang về treo lên bàn thờ(!?).
Tôi có cơ
may quen biết cụ L.P.N. vốn là giảng viên ngành văn học cổ điển Trung Quốc,
trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong cuộc hội thảo về thân thế sự nghiệp Trạng
Bùng do Hội đồng gia tộc họ Phùng Việt Nam và UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội tổ
chức. Cụ N đã ngoài tám mươi, rất am tường chữ Hán và viết thư pháp theo kiểu
Lưu Dung rất đẹp. Nhân chuyến viếng thăm đền Chu
An gần đây, cụ cùng người con trai (kiêm lái xe) có ghé vào tệ xá thăm tôi nửa
ngày. Vừa vào đến phòng khách, nhìn thấy mấy bài thơ treo trên tường, cụ lẩm
nhẩm đọc một lúc rồi khẽ hỏi: “Nếu tôi không nhầm thì cả hai bài “Hoàng hạc
lâu” và “Phong kiều dạ bạc” đều là bút tích của ông Chu Thành?”. Thật là con
mắt tinh đời. Đó chính là nét chữ Tú Sót mà tôi được ông tặng nhân dịp ra Hà
Nội ký hợp đồng xuất bản cuốn tiểu thuyết “Thanh kiếm phù tang” với NXB Lao
Động.
Nhân nói
đến thư pháp chữ Hán, cụ N bất chợt hỏi tôi:
- Ông có
biết mấy thầy đồ “bán” chữ ở đền Chu An?
Tôi lắc
đầu:
- Thưa cụ,
tôi vốn rất dị ứng với các di tích lịch sử, văn hóa mới xây dựng, nhất là những
công trình được làm nên từ những đồng tiền không minh bạch. Có những lúc bạn bè
từ Hà Nội về chèo kéo, nể lắm mới phải ghé vào, nhưng tuyệt nhiên không để ý
đến các “thầy” bán chữ.
- Vậy tôi
xin kể ông nghe một chuyện tức cười. Thật là hành vi báng bổ hương hồn một bậc
danh nho như ngài Chu An. Số là nhìn thấy “thầy” cầm bút giống như kiểu mấy anh
lực điền cầm cày, viết chữ trái cựa, biết ngay là ông này không biết chữ mà chỉ
“vẽ” chữ để lừa tiền thiên hạ, tôi mới đến gần bàn nói nhỏ nhẹ:
- Tôi muốn
xin thầy chữ “quan”.
Nghe xong,
ông “thầy” thoáng giật mình, thái độ có vẻ lúng túng:
- Thưa cụ,
đền này không viết chữ “quan”, vì chữ “quan” có liên hệ đến việc làm quan, một
việc mà Chu tiên sinh rất không thích…
- Không,
thưa thầy, tôi muốn xin chữ “quan” là “xem xét”, “ngắm nhìn” hay là “quang
cảnh” kia.
Ông “thầy”
bị rơi vào thế bất lợi nhưng cũng nhanh trí tìm cách thoái thác:
-Ban quản
lý đền chỉ quy định viết 32 chữ, còn những chữ khác không được viết cụ ạ.
Tôi thấy
có cái gì đó rất không bình thường trong cách chống chế yếu ớt của ông thầy nửa
mùa này nên cố tình hỏi vặn:
- Tôi thấy
chữ “quan” chẳng phạm gì đến sự tôn nghiêm của đền, vì sao không được viết, hay
là thầy không viết được?
Mặt ông
“thầy” lúc này bỗng tái đi nhưng vẫn cố cãi liều để giữ thể diện:
- Đúng là
quy định của nhà đền như thế, mong cụ thông cảm cho.
Thế là rõ.
Phép thử thành công.
Trầm ngâm
một lúc rồi cụ lại bảo:
- Ông ta
không viết được chữ “quan” là đúng, bởi trong hệ thống từ vựng chữ Hán có đến 9
chữ “quan” đồng âm dị nghĩa nếu đọc theo âm Hán Việt trung đại. Trong số này,
chữ “觀 quan” mà
tôi muốn mua có đến 24 nét. Đấy là chưa nói, ngoài việc vừa là danh từ, vừa là
động từ, chữ này còn có một âm là “quán”, biểu đạt một phép tu dùng tai để xem
xét của đạo Phật nên mới có một vị bồ tát được gọi là Quán thế âm (觀世音). Như
vậy, chữ này chẳng những không có hại mà còn có lợi cho nhà đền kia. Vậy tại
sao ông “thầy” dám trả lời là không được phép viết? Đã đi bán chữ lấy tiền thì
ít ra cũng phải trang bị cho mình chút vốn liếng tối thiểu chứ. Quanh quẩn tô
đi tô lại 32 chữ mẫu ấy ắt có ngày bị bóc mẽ, thử hỏi còn mặt mũi nào khăn đóng
áo the chiềng ra trước bàn dân thiên hạ?
Ngừng lại
một lúc nhấp ngụm trà xanh tôi vừa rót mời, cụ thủng thẳng kết luận:
- Xét đến
cùng, đó là cái thứ chữ làm khổ dân tộc Việt từ cả ngàn năm nay, chẳng hiểu vì
sao đến giờ người ta vẫn chưa nhận ra tác hại của nó hả ông?
Tôi chẳng
biết trả lời người cựu giàng viên đại học ra sao, chỉ lẳng lặng gật đầu.
Chí Linh,
2/8/2016
Đ.V.S
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét