Ký ức làng Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh
PHẦN THỨ HAI
Chương
mười hai
3
Ở Bắc Thoòng
được gần hai năm, ông Quyển bảo Lê Văn Khải:
- Cháu phải đi
học. Trình độ học vấn như thế mà ở mãi xó rừng này nó phí đi.
Khải lắc đầu:
- Cháu mà về
làng Cùa bây giờ là bị bắt ngay làm sao dám mơ tưởng đến chuyện học hành.
- Ta đã có
cách. - Ông cựu kiểm lâm bảo. - Ta sẽ nhận cháu làm con nuôi và nhờ ông Nông
ích Nghiêm chứng nhận vào hồ sơ.
Khải xem ra
không mấy tin tưởng vào cách làm đầy mạo hiểm của ông Quyển nhưng hoá ra ở vùng
cao này sự việc được giải quyết đơn giản hơn nhiều. Chủ tịch xã Bắc Thoòng bảo
ông bạn già:
- Trước hết
phải nhập hộ khẩu cho nó vào xã rồi mới làm hồ sơ cử đi học được.
Thế là Khải
thành người họ Lưu, tức là họ của ông Quyển. Từ lúc lên Bắc Thoòng đến nay,
Khải chẳng nhận được tin tức gì của gia đình. Chuyện cả nhà dắt díu nhau đi ăn
mày đến nỗi bà Hai chết dọc đường, còn Lê Văn Nghiên phải vào trại giam chịu
tội thay mình gần một năm, thiếu chút nữa thì mắc bệnh tâm thần, chỉ sau khi về
làng anh mới biết.
Ông Quyển và
cái Thảo đưa Lê Văn Khải đến tận núi Nứa. Con cọp thành tinh đã bị phường săn
bản Thí bắn hạ cách đấy nửa năm. Lúc con cọp chết người ta mới biết nó chỉ có
ba chân. Bàn chân thứ tư trúng đạn bị hoại thư, nó lấy lưỡi liếm mãi cho tới
khi khớp xương vỡ rời ra rồi ăn da non. Từ đó ngài chúa sơn lâm đi cà nhắc.
Người kết thúc số phận nó là một thợ săn chột mắt. Thứ vũ khí ông ta sử dụng
không phải là trường mas hoặc súng kíp nhồi đạn phá, mà là một cánh nỏ lắp tên
thuốc độc. Ông già mặc tấm áo da hổ, đội mũ lông báo rình đúng bảy ngày ở một
hẻm núi trong rừng Phạ Cốc mới phát hiện được con hùm. Mũi tên găm trúng vào
bìu dái, đau quá làm nó gầm lên, lao vun vút qua bụi cây bờ suối bất kể là gai
góc. Đây là mũi tên đầu có ngạnh, đuôi có cánh nhưng rất ngắn, được phóng đi từ
chiếc nỏ cứng, nên tha hồ cho con thú lồng lộn, vẫn cứ lủng lẳng giữa hai chân
sau. Chất độc có hoạt tính mạnh phát huy ngay tác dụng. Chưa đầy nửa giờ con hổ
đã nằm phục xuống bờ suối, mắt đờ dại, mồm sàu bọt. Vị chúa rừng từng làm mưa
làm gió vùng núi Nứa, sát hại bao nhiêu nhân mạng, là nỗi khiếp đảm của bà con
dân bản, giờ chết rồi nhưng rất nhiều người vẫn không dám đi chợ Đồng Vài qua
lối này. Có điều chắc chắn đó không phải là con hổ mà ông Quyển đã kể, vì Huổi
Vằn có một đốm lông trắng như ngôi sao trên trán.
Năm ngày sau
Lê Văn Khải về Hà Nội, nộp đơn thi vào khoa toán trường đại học Sư phạm. Ngày
thi chỉ còn gần một tháng. Ông giáo hướng dẫn các thí sinh ôn tập nhìn Khải chẳng
có vẻ gì của một thư sinh liền bảo:
- Sao anh
không đăng ký vào lớp dự bị hoặc xin vào Trung cấp sư phạm cho đỡ vất vả ?
Khải đứng dậy
cúi đầu hỏi:
- Thưa thầy,
đề thi ra ở trình độ nào ạ ?
- Phải học
xong bậc phổ thông chín năm mới có hy vọng đỗ kỳ này.
- Thưa … em sẽ
cố gắng, nếu không được cũng đành chịu.
Đây là khoá
tuyển sinh đầu tiên của trường Đại học sư phạm, đề ra không đến nỗi khó lắm,
nhưng số thí sinh trúng tuyển thấp không đủ chỉ tiêu vào khoa. Lê Văn Khải đỗ
với số điểm khá cao được xếp vào học
ngay hệ chính thức. Thời ấy, học đại học, sinh viên tuy được nhà nước
bao cấp, nhưng mức sinh hoạt nói chung là thấp, nếu gia đình không gửi thêm
tiền thì sống rất chật vật. Khải bắt đầu nghĩ đến chuyện kiếm việc làm để có
thêm năng lượng bổ sung vào bữa ăn hàng ngày vốn rất đạm bạc của nhà ăn tập
thể. Một buổi sáng chủ nhật, mấy anh em trong ký túc xá rủ nhau ra bến phà Đen
đội than từ xà lan dưới sông đổ lên bãi. Phần lớn các nhà giáo tương lai đều
dài lưng tốn vải không quen lao động thổ mộc, mới nửa ngày đã bỏ cuộc vào trong
phố tìm nghề khác. Lê Văn Khải có khá hơn nhưng sau nửa tháng cũng phải từ biệt
chân cửu vạn vì đội than vừa bụi bặm vừa đau cổ. Sau một ngày ở bến phà về
trông anh ta bẩn thỉu, nhếch nhác chẳng khác gì
thợ móc cống ở công ty vệ sinh. Có lần Khải làm quen được với một cô gái
điếm trong đêm từ bến phà Đen cuốc bộ về ký túc xá. Cô gái còn khá trẻ, xinh
xẻo, mới trốn từ Hoà Bình về sau bốn tháng bị quản thúc trong trại phục hồi
nhân phẩm cùng hơn hai trăm chị em trong đợt làm lành mạnh môi trường xã hội ở
Thủ đô. Đêm đông lá bàng rơi xào xạc trên hè phố. Những ngọn đèn đường thưa
thớt treo trên cao tít toả thứ ánh sáng vàng vọt làm bóng người dài ra, đôi khi
bị gió bắc đánh tạt ngang khiến mọi vật đều biến dạng thành vô số hình thù quái dị. Thỉnh thoảng
một gánh phở đêm dừng lại ở một phố. Ông phở già rao phở ơ…một cách lười nhác.
Đêm có lẽ đã
khuya lắm. Gió chạy dọc hè phố. Gió xát xuống nền gạch nghe như tiếng lưỡi dao
miết vào hòn đá ráp. Ở một ngôi chùa nào đấy trong hẻm vẫn còn thỉnh chuông. Cô
gái mảnh mai mặc bộ quần áo tân thời, dép nhựa cao gót bất chợt từ một ngõ vắng
bước ra nắm lấy vạt áo dính bụi than của Khải:
- Anh ơi! Cho
em xin chiếc bánh mỳ.
Khải sững
người. Từ khi ra thành phố đến giờ anh ta chưa bao giờ gặp cảnh này nên cứ lúng
ta lúng túng không biết làm thế nào cho phải. Cô gái ghé tai chàng đội than thì
thầm :
- Đi với em!
- Đi đâu? -
Khải khẽ hỏi khi ngửi thấy mùi nước hoa rẻ tiền được sức rất đậm trên người cô
gái ăn sương.
- Ra vườn hoa,
em sẽ chiều anh …
Trong túi Khải
có mấy chục ngàn tiền công vừa nhận chiều nay. Anh ta nhìn ánh mắt đầy vẻ cầu
khẩn của cô gái biết rằng không thể không đi nhưng thấy mình ăn mặc nhếch nhác
quá nên đâm ngượng :
- Quần áo tôi
… bẩn lắm, hay là để hôm khác.
Cô gái nhoẻn
miệng cười:
- Không hề gì,
anh đi với em.
Công viên mùa
đông thưa người, nửa đêm lại càng vắng. Thấp thoáng giữa những lùm cây, một vài
cặp trai gái ôm nhau. Có đôi ngồi dưới gốc cây du, người đàn ông bế tình nhân
trong lòng, hai tay nắn bóp bầu vú, miệng thì thầm chuyện đó. Có mùi hương rất
lạ giống như hoa nhài mà lại không phải hoa nhài từ một cụm cỏ ngay chỗ Khải và
cô gái ngồi thoang thoảng bay lên. Đó là thứ hoa cánh nhỏ mà dài như hình mũi
tên màu trắng đục, Nhụy tím sẫm. Dưới ánh đèn tuýp xanh nhợt, cảnh vật hiện ra
vừa lạnh lẽo vừa hoang sơ, thậm chí cô đơn chẳng khác gì một khu rừng nguyên
sinh thời tiền sử. Cô gái điếm có lẽ chưa quá hai mươi, vầng trán hơi dô, cặp
mắt dài và đôi môi mọng làm cho gương mặt đặc biệt sinh động. Cô ta gỡ cúc bấm
ở cổ và nách, cởi áo dài, để lộ khuôn ngực còn rất căng được nịt chặt bằng
chiếc soutien trắng. Lê Văn Khải chợt
thấy người nóng bừng vội quay mặt đi hỏi bâng quơ:
- Quê em ở đâu
?
Cô gái miễn
cưỡng trả lời:
- Ở gần sở Máy
chai Hải Dương. Nào, anh mở hộ em cái khuy sau lưng.
- Cởi ra làm
gì, em không lạnh à? - Lê Văn Khải khẽ bảo khi nhìn thấy làn da tím tái của cô
gái dưới ánh đèn nê ông màu nõn chuối.
- Không. - Cô
gái nhẹ nhàng đặt tay lên vai chàng sinh viên. - Để cho anh xem… Chiếc khuy bật
ra. Cô gái cầm tay Lê Văn Khải đặt lên ngực. Cặp vú khá mẩy so với khuôn ngực,
có vẻ như mỗi lúc một nóng và nở ra khi bàn tay anh ta miết vào. Người Khải run
lên bần bật nhưng rồi chẳng hiểu nghĩ sao anh ta lại quàng tấm áo lên người cô
gái:
- Em mặc vào
đi.
Cô gái thẫn
thờ hỏi:
- Anh không
muốn?
Khải lắc đầu:
- Anh thương
em. Vì sao phải bỏ nhà ra đây?
Cô gái điếm
sụt sịt khóc:
- Bố em bị toà
án Cải cách xử tử vì gia đình thuộc thành phần tư sản phản động. Nhà cửa bị
tịch biên. Mẹ cũng mất sau đó ít hôm vì bệnh tim.
-Anh em không
còn ai sao?
- Anh cả đi bộ
đội, hoà bình không thấy về, còn anh hai với bố em không hợp nhau, hồi Cải cách chính anh ấy lên đấu bố.
- Em ra Hà Nội
từ bao giờ ?
- Mới được gần
một năm rồi bị công an bắt lên Hoà Bình.- Cô gái nhìn Lê Văn Khải rụt rè hỏi. -
Anh là công nhân bến phà Đen phải không?
Khải ngẫm nghĩ
một thoáng rồi quyết định nói thật:
- Tôi đang học
Đại học sư phạm nhưng tối nào cũng phải đi bốc vác kiếm thêm.
Nói rồi anh ta
lấy già nửa số tiền trong túi đặt vào tay cô gái:
- Em cầm lấy
đi.
Cô gái điếm
giãy nảy:
- Không, em
không lấy đâu.
Khải phải làm
mặt giận:
- Cầm lấy ! Em
đang đói kia mà.
Bỏ nghề cửu
vạn, Lê Văn Khải được một anh bạn cùng lớp giới thiệu làm gia sư cho một gia
đình ở phố Hàng Vò. Học trò của anh là một thiếu nữ mười bảy tuổi bị liệt hai
bàn chân, phải đi nạng, có gương mặt đẹp và cái tên cũng rất đẹp: Phi Điệp. Cô
nàng mắc chứng hoang tưởng, học thì ít mà chủ yếu dành thời gian viết thư tình
cho đủ loại nhân vật nổi tiếng trong các tiểu thuyết lãng mạn. Ngăn bàn của Phi
Điệp có hàng trăm phong bì dày cộp dán cả tem bưu chính hẳn hoi. Đó là những
bức thư tỏ tình sướt mướt kèm theo vô số lời trách móc hoặc hứa hẹn bằng thứ
ngôn ngữ Bí mật thành Ba Lê[1] hoặc Trà hoa nữ[2] mà đối tượng thường là những
chàng Tristan, Marius, d'Artagnan, Văn Quân, Lộc hoặc Điệp … Ông bố Phi Điệp
làm đại sứ tại một nước Đông Âu, trước khi đi nhậm chức ông ta bảo Lê Văn Khải:
- Thày mà dạy
em nó đạt trình độ toán lý hoá bậc trung học gia đình sẽ có thưởng.
- Sao hai bác
không cho em Điệp đến trường?
Ông Đại sứ thở
dài:
- Nói mãi mà
nó không nghe. Thầy biết đấy, nó bị tật bẩm sinh ở bàn chân nên mặc cảm với bạn
bè.
- Nhưng còn
chuyện này, - Khải nhìn ông cán bộ ngoại giao thăm dò - chắc bác biết Điệp hay
viết thư…
Ông Đại sứ lắc
đầu tỏ vẻ chán nản:
- Đấy chính là
sản phẩm của thứ văn hoá nô dịch còn rơi rớt lại. Tôi mà có quyền tôi sẽ ra
lệnh tống tất cả bọn viết lách lăng nhăng làm mê hoặc con gái nhà lành vào trại
cải tạo, vĩnh viễn phải treo bút.
-Bác nói có
lý. - Lê Văn Khải ngoài miệng tuy tán thành nhưng trong lòng thoáng giật mình -
Những quan chức như thế này mà lãnh đạo quốc gia thì nền văn hoá dân tộc sẽ đi
đến đâu?
Sáu tháng trôi
qua. Trình độ học vấn của Phi Điệp vẫn dẫm chân tại chỗ, nhưng kỹ năng viết thư
tình đặc biệt tiến bộ do có sự trợ giúp của Lê Văn Khải. Không hiểu nghĩ thế nào, cô học trò bàn với
thày viết thư cho Quasimodo và chàng Vọi. Cô nàng có cả một kho từ vựng phong
phú về tình yêu, hễ cứ đặt bút là tự nó trào ra nhiều lúc viết không kịp. Ví
dụ, mở đầu bức thư gửi cho thằng Gù, Phi Điệp viết:
Quasimodo gù
khốn khổ của em! Tại sao chàng lại dại dột si mê con bé phù thuỷ Exmeranda để
rồi phải treo cổ tự vẫn vì mụ ta? Giá mà chàng đừng si tình, cứ bền bỉ kéo
chuông ở nhà thờ Đức Bà Paris[3] thì biết đâu bây giờ chúng ta có thể gặp nhau.
Tuy chàng hình dung cổ quái nhưng em yêu chàng hơn tất cả những người đàn ông
điển trai trên đời này gộp lại. Em yêu cái bướu trên lưng chàng, yêu tâm hồn
cao quý trong hình hài ma quỷ của chàng. Chàng chết đi làm cho nhân loại mất
giống Quasimodo, không phải chỉ mình em tiếc thương mà tất cả phụ nữ đa cảm còn
sống và đã chết trên hành tinh này đều vô cùng đau buồn. Ôi Quasimodo khốn khổ
của em!
Vào đầu năm
thứ hai, Khải vẫn tiếp tục dạy kèm cho Phi Điệp. Giữa lúc thầy trò đang lập kế
hoạch sáng tạo bức thư bất hủ gửi cho chàng Don Juan nổi tiếng thế kỷ mười tám
là Sở Khanh thì sự nghiệp gia sư của anh sinh viên sư phạm đột ngột chấm dứt vì
một sự cố ngoài ý muốn.
Sáng hôm ấy,
sinh viên trong ký túc xá đang chuẩn bị lên lớp thì dưới sân trường xuất hiện
bốn người đàn ông nhà quê. Họ cứ đi đi lại lại dưới chân cầu thang như đang đợi
ai đó. Quả nhiên, Lê Văn Khải vừa bước xuống, một người chân vòng kiềng đã chặn
lại :
-Anh là Lê Văn
Khải ?
Khải sững
người. Đứng trước anh ta không phải ai khác mà chính là Bùi Quốc Tầm, Chủ tịch
xã Đoàn Kết. Trưởng công an Trương Đình Tái hất hàm ra hiệu cho hai dân quân
rồi bảo Lê Văn Khải :
- Đi theo
chúng tôi!
Biết là sự
việc đã bại lộ nhưng Khải vẫn hỏi:
- Tôi phạm tội
gì mà các ông bắt?
Bùi Quốc Tầm
trả lời cộc lốc:
- Về nhà khắc
rõ.
Khải lắc đầu:
-Các ông bắt
người trái phép, tôi phải báo cáo với nhà trường đã.
Trương Đình
Tái nhếch môi cười rất đểu:
- Anh không
phải lo chuyện ấy. Hôm qua chúng tôi đã làm việc với ban lãnh đạo nhà trường về
hành vi khai man lý lịch đi học đại học của anh.
Trưởng công an
nói đúng. Lúc này cả hiệu trưởng, hiệu phó lẫn Trưởng phòng Tổ chức đều đã có
mặt dưới sân. Tò mò nhất là đám nữ sinh viên. Họ không biết chuyện gì xảy ra mà
có cả mấy ông dân quân khoác súng đến trường đại học. Ông hiệu trưởng vỗ vai
Khải thông cảm:
- Việc này
hoàn toàn do chính quyền địa phương làm, nhà trường không thể can thiệp, em
đừng trách ban giám hiệu.
Về đến làng
Cùa Khải mới biết, kẻ tố cáo anh là thằng Loát, con trai Bí thư đảng uỷ Lại
Quang Nghinh. Thằng này học dốt nhưng vì có ông cậu làm phó ty công an nên được cử đi học lớp dự bị Đại học sư phạm. Một
hôm, đến nhà ăn, nó nhìn thấy Lê Văn Khải liền viết thư về cho bố. Nghinh bàn
với Bùi Quốc Tầm rồi kéo nhau sang tỉnh gặp phó ty. Nghe Tầm trình bày sự việc
ông ta bảo:
- Tội khai man
lý lịch là rất nặng, có thể phải đi cải tạo tập trung vài năm. Bây giờ tôi ký
cho xã một cái lệnh, các anh đem người lên trường đem nó về đây.
Khải bị giam ở huyện công an. Đoàn Danh Thẩm,
cán bộ điều tra, bắt anh ta khai tỉ mỉ từ lúc bỏ làng ra đi đến khi luồn được
vào trường đại học bằng hồ sơ giả mạo. Lần này thì Thẩm có chứng cứ rõ ràng,
khác hẳn thời kỳ hỏi cung Lê Văn Nghiên nên thái độ rất kẻ cả, thậm chí hách
dịch thái quá làm Khải chỉ muốn nhổ vào mặt. Có sự trùng hợp là phòng giam của
Khải cũng chính là chỗ giam Nghiên hơn một năm về trước.
Khúc Thị Hài
lại phải cắp nón lên nhà 15 phố Đông Sơn. Lần này bà ta được gặp cả Trần Quảng.
Nghe bà Hài kể rõ sự tình ông Phó chủ tịch hỏi:
- Cuối năm năm
sáu, phần lớn các đối tượng bị Đội Cải cách xử lý sai đã được minh oan, riêng
trường hợp của đồng chí Lê Văn Vận chưa thấy Uỷ ban huyện báo cáo lên. Ngày mai
làm việc với bên công an, kết quả thế nào tôi sẽ thông báo cho chị.
Bà Ba trách chồng:
- Anh Vận
không phải cán bộ thường mà là Chủ tịch huyện Nam Thành bị bắn oan vậy mà tại
sao đến giờ vẫn chưa được phục hồi danh dự?
Ông Quảng nhíu
mày ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
- Hình như
trong thời kỳ hoạt động trước năm bốn nhăm, lý lịch của ông ấy có một vài chỗ
không rõ ràng vì thế bên công an kiến nghị tạm dừng để xác minh thêm.
Bà Ba bảo:
- Chờ được vạ
thì má sưng. Họ có biết rằng công an ngâm hồ sơ bao lâu thì con người ta ngồi
trong trại bấy lâu không ? Anh đã ở trong tù, anh lạ gì chuyện đó.
Ông Phó chủ
tịch thấy vợ nổi nóng liền dàn hoà:
- Thôi được,
việc này cứ để tôi lo.
Bà Hài rân rấn
nước mắt:
- Trăm sự nhờ
ông cứu giúp, mẹ con tôi không dám quên ơn.
Trần Quảng gật
đầu:
- Chị cứ yên
tâm, trong tuần này cháu sẽ được về.
Ông Phó chủ
tịch giữ một nửa lời hứa, mười ngày sau Lê Văn Khải ra khỏi trại giam, còn nửa
kia tức là việc minh oan cho Lê Văn Vận vẫn còn vướng mắc ở một khâu nào đó nên
phải gác lại.
Ở nhà được nửa
tháng, Lê Văn Khải rủ Lê Văn Nghiên sang Thượng Đáp làm thợ đấu vì mấy mẹ con
không có ruộng, lại những ba miệng ăn thường xuyên bị đói. Nghiên bảo:
- Anh thử ra
Hà Nội xin học lại xem sao.
Khải lắc đầu:
- Chú nghĩ đơn
giản lắm, qua sự việc vừa rồi liệu lão Tầm có chứng nhận vào hồ sơ cho anh em
mình bước ra khỏi làng Cùa một cách đàng hoàng không ?
- Có thể là
hắn đố kỵ không muốn ai hơn mình.
- Không phải
chỉ riêng lão ta mà cả Lại Quang Nghinh, Trương Đình Tái cũng vậy.
Bà Hài nghe
hai anh em bàn nhau liền gợi ý:
- Việc đi học
của Khải mẹ lại phải lên tỉnh gặp bà Ba một chuyến may ra thì được.
Lần này Lê Văn
Khải không tin tưởng lắm vào chuyến đi của mẹ. Anh ta cũng bỏ ý định làm thợ
đấu, sắm chiếc thuyền và tay lưới ra sông Lăng đánh cá. Sông Lăng, cồn Vành,
ngòi Mác không của riêng ai. Nghề hạ bạc có cái thú riêng của nó là tha hồ ngắm
mây trời sông nước, cuộc sống đạm bạc nhưng hoàn toàn tự do, không lệ thuộc vào
bất cứ sự ràng buộc nào. Nhưng rồi dự kiến cam chịu làm anh dân chài của Khải
không thành. Anh ta chỉ lênh đênh trên sông Lăng được bốn tháng. Chuyện bắt đầu
từ lúc bà Hài lên tỉnh gặp Bí thư phụ nữ. Ngay sau đó, ông Quảng cử một phái
viên về làng. Anh cán bộ an ninh này đến gặp Bùi Quốc Tầm và Trương Đình Tái,
trao cho họ những giấy tờ gì đó rồi lên xe đi ngay. Ba hôm sau, Trương Đình Tái
đến nhà bảo Lê Văn Khải làm một bản sơ yếu lý lịch. Khải viết khá lâu. Anh ta
phải chọn từng chữ để làm sao nó không gây ấn tượng xấu đối với các nhà tổ chức
khi đọc đến những đoạn then chốt liên quan đến thành phần gia đình. Về phần họ
tên bố và quá trình hoạt động, Khải cắn bút suy nghĩ mãi không biết viết thế
nào cho xuôi, cuối cùng vẫn phải hạ bút viết những dòng như sau: Lê Văn Vận,
đảng viên đảng Lao động Việt Nam,
hoạt động cách mạng từ năm 1935. Năm 1939 bị đế quốc bắt, đi tù Yên Bái. Tháng
ba năm 1941 vượt ngục tiếp tục hoạt động ở Cao Tân. Tháng chín năm 1945, Chủ
tịch ủy ban hành chính huyện Nam Thành. Thời kỳ Cải cách ruộng đất, nghi ngờ có
liên quan đến Quốc dân đảng, bị xử bắn ngày 27 tháng 01 năm 1955.
Xem đến đây
Bùi Quốc Tầm cau mày:
- Anh viết sơ
yếu lý lịch thế này thì không một trường đại học nào người ta dám nhận dù là đỗ
thủ khoa. Trước mắt, nếu muốn đi học phải bỏ ngay cái đoạn Thời kỳ cải cách
ruộng đất, nghi ngờ có liên quan đến Quốc dân đảng bị xử bắn… đi, tạm thời thay
bằng chết tháng 01 năm 1955.
- Sự thật đúng
như thế cơ mà?
- Tôi không
phủ nhận nhưng trong lý lịch ghi như thế là chính quyền nhân dân có nợ máu với
gia đình ông Vận, cho dù có được minh oan đi nữa thì cũng chẳng ai dám đứng ra
đảm bảo là sau này anh em nhà anh không nuôi oán hận.
Khải vẫn còn
chần chừ :
- Tôi sợ đến
một lúc nào đó lại bị đuổi ra khỏi trường vì khai man lý lịch .
Bùi Quốc Tầm
gằn giọng:
- Anh có học
mà dốt như bò. Chính quyền xã không làm việc ấy thì bố đứa nào dám thọc mũi
vào. Mà tôi cũng nói để anh biết, đây là ý kiến của ông Trần Quảng, Phó chủ
tịch tỉnh, xã phải chấp hành, nếu không mãi mãi các anh chỉ là những tay gõ
thuyền đánh cá trên sông Lăng. Thôi về đi, nhớ bảo bà Hài sáng mai ra đồng nhận
ruộng.
Lần này Khải
nộp đơn thi vào đại học Nông lâm. Thực tình anh ta cũng tiếc ngành sư phạm
nhưng không muốn trở lại trường cũ vì đã muộn gần một năm, nhưng cái chính là
ngại gặp bạn bè sau vụ bị Bùi Quốc Tầm và Trương Đình Tái lên tận ký túc xá bắt
về. Đề thi tuyển thuộc loại khó nhưng Lê Văn Khải không ngại, Anh ta làm ba bài
gần như trọn vẹn, đỗ thứ năm được xếp vào khoa Thú y là một ngành học khá danh
giá thời bấy giờ.
Chú thích:
1 Tiểu thuyết
của nhà văn Pháp Eugene Sue
[1] Nguyên
văn tiếng Pháp: La Dame aux camélias của AlexandreDumas con
[1] Tiếng
Pháp là: Cathédrale Notre-Dame de Paris
(Xem tiếp kỳ
sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét