HẬU
CHUYỆN KỂ NĂM 2000
(Thời
biến đổi gien)
Kỳ
10
Bùi
Ngọc Tấn
Trở lại với bản thảo Chuyện kể năm 2000.
Tôi đã bị công an Hải Phòng tịch thu khoảng 1500 trang bản thảo —
hoàn toàn viết theo trường phái tụng ca — nên lần này tôi rất cảnh giác. Ngoài
bản phô-tô của nhà xuất bản Hà Nội mà Lê Bầu thực hiện và đưa cả cho tôi, tôi
còn hai bản đánh máy. Tôi gửi bản phô-tô ở nhà Nguyên Bình trên Hà Nội. Một bản
đánh máy tôi cho vào một túi giả da có khoá kéo để chống dán và con dài đuôi, đem gửi anh Thành, anh thứ
hai tôi.
Sự cẩn thận ấy không thừa. Chị Hoàng Ngọc Hà cho tôi hay: Công an
đã biết có một bản thảo viết về nhà tù gửi đến chị. PA25 đến gặp chị, hỏi về
tập bản thảo. Chị bảo có. Và lấy ngay từ tủ sách của nhà xuất bản tập tiểu
thuyết viết về nhà tù của... Mỹ đã in. Họ bảo không, quyển Mộng Du cơ. Chị lại lấy ra quyển Mộng Du nào đó của nước ngoài cũng đã được dịch in.
Trong nhà tôi chỉ có một bản. Tôi “đánh bóng mạ kền” bản ấy mỗi
khi rỗi rãi. Với cái máy chữ của Hoàng Hưng gửi từ thành phố Hồ Chí Minh ra
cho, tôi mổ cò những đoạn sửa, cất đi một bản để ghép vào bản gửi anh Thành
tôi. ([1]) Tập tiểu thuyết
của tôi sau này khi in ra, được các nhà phê bình nhận xét viết theo phương pháp
đồng hiện. Thú thật khi viết nó, tôi không nghĩ đến phương pháp nào hết. Mở đầu
truyện là một anh tù được tha, được về với gia đình, về với xã hội. Nhưng nhà
tù, trại giam, xà lim cứ theo anh ta từng bước, ám ảnh không rời. Những ngày ở
tù, những người bạn tù, những chuyện tù cứ trở về bám lấy anh, ăn ngủ cùng anh.
Cả những ngày anh còn là một người bình
thường trước khi bị bắt, trước khi đi
tù cũng về cùng anh. Lối viết ba kiếp
sống cùng một lúc, dích dắc thời gian, dích dắc không gian này bắt tôi phải
thật nhuyễn trong lúc chuyển ý, những đoạn chuyển phải thật tự nhiên để dắt bạn
đọc theo mình mà bạn đọc không biết đã rẽ vào kiếp khác của nhân vật từ lúc
nào. Những đoạn chuyển ý và cả những khúc ráp mối khi quay trở lại cũng vậy.
Một công việc khó khăn nhưng cũng thật hấp dẫn. Nó bắt tôi cố gắng tối đa, phải
“đồng hiện” suốt non nghìn trang tiểu thuyết và không được lặp lại cách làm.
Hình như tôi đã đạt kết quả. Một bạn viết văn bảo tôi:
– Những mối hàn lắp ghép của anh không một vết gợn. Nó cứ phẳng
lì.
Năm 1998 tôi quyết định làm vi tính bản thảo. Bởi tôi thấy nó có
vẻ đã hoàn chỉnh. Bởi những trang pơ-luya đã cũ, đã vàng, đã dòn, đã quăn cả
mép. Tôi ủ nó gần mười năm rồi còn gì. Tôi nói đùa: Bản thảo của mình sắp thành
rượu XO rồi.
Cái khó trong việc làm vi tính là không thể mang ra cửa hàng cửa
hiệu, mặc dù nhan nhản khắp nơi. Làm ở đấy chẳng khác nào công khai hoá nó,
trình nó ra cho mọi người, chẳng thà đem nộp công an còn hơn.
Vũ Huy Cương nhận giúp tôi, mang nó lên Hà Nội, đến bệnh viện Mắt,
nơi có cả một phòng vi tính mà trưởng phòng là người bạn gái tuyệt đối tin cậy.
Cô Hạnh. Tôi quen Hạnh. Quen cả Thực, chồng Hạnh. Những người bạn, những đứa em
không thể làm điều gì xấu với bất kỳ ai. Nhưng vừa mang lên, công an đã ập đến
khám. Sau này, Thực bảo tôi:
– Họ reo lên: A! Mộng Du!
Của Bùi Ngọc Tấn nhà văn Hải Phòng mới được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm đây
mà!
Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm là giải thưởng văn nghệ của thành
phố Hải Phòng, năm ấy tôi được trao, thế mà họ cũng biết. Tôi giật mình và ân
hận vì đã làm phiền vợ chồng Thực, có thể còn ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo
của gia đình Thực - Hạnh nữa. Và tôi cũng tin rằng bản thảo Mộng Du của tôi đã được công an phô-tô
cop-py rồi.
Lại án binh bất động. Lại nghe ngóng. Cho tới cuối năm 1998 mới vi tính hoá bản thảo một lần nữa. Hai
nơi làm. Cháu Giang Lương Hà, phóng viên đài phát thanh truyền hình Hải Phòng
nhận tập hai, đưa cho một người bạn tin cậy làm hộ.([2]) Giang Lương Hà
còn rất trẻ. Tôi và Hà đã cộng tác làm bộ phim truyền hình về nhà thơ Lê Đại
Thanh. Qua việc làm phim, thu hoạch lớn nhất của tôi là nhận thức về lớp trẻ:
Các cháu còn ít tuổi nhưng hoàn toàn hiểu chúng tôi, hiểu được nỗi đau của
chúng tôi, lớp cha chú đi trước. Tôi rất tin Hà khi trao bản thảo. Còn tập một,
Bão Vũ nói giọng giang hồ:
– Anh để em xử.
Xử
có nghĩa là Bão Vũ lo từ A đên Z, thuê người tin cậy làm và trả cả tiền cho
tôi.
Việc làm vi tính kéo dài vì cô Mec-xe-đet, cô gái làm vi tính mà Bão
Vũ thuê. Cô là nhân viên hợp đồng một cơ quan ngay cạnh cơ quan Bão Vũ, vẫn
được anh thuê làm vi tính bản thảo của anh. Nhưng đến lượt tôi thì trục trặc vì
cô có người yêu Việt kiều từ Mỹ về. Lúc cô nghỉ phép. Lúc chuẩn bị đám cưới. Mà
đám cưới của cô không như đám cưới người khác. Cô phải lo thuê được hai cái
Mercedes. Một đen cho chú rể. Một trắng cho cô dâu. Cứ phải xe thiếp trắng xe chàng đen. Rối tinh
rối mù lên vì Mercedes — Chúng tôi gọi cô là nàng Mec-xe-đet cũng vì vậy.
Đám cưới xong lại đến tuần trăng mật. Rồi một tin sét đánh: Cô dâu
về Mỹ cùng chú rể. Tôi bã người. Thuê các cháu ở cơ quan xí nghiệp làm thêm tuy
chậm, nhưng bí mật được bảo đảm. Với cả hai nơi làm vi tính tôi đều đặt tiêu
chuẩn an toàn lên hàng đầu. Nhưng rồi lại có tin vui. Một hôm giữa lúc rất bi
quan về số phận của mình trâu trắng mất
mùa, Bão Vũ nói:
– Nàng Mec-xê-đet phải ở lại Việt Nam, không được về Mỹ với chồng.
– ...?
– Sứ quán Mỹ không cấp visa. Họ bắt phải xuất trình tất cả thư từ
yêu đương qua lại giữa Việt Nam
- Mỹ với phong bì đóng dấu bưu điện hàng năm trước. Nếu không, phải chờ hai năm
sau lễ cưới mới được cấp thị thực.
Tôi cám cảnh cho cái nấc thang giá trị của người Việt mình nhưng
lại vui, vì thế là quyển tiểu thuyết của tôi sẽ được làm vi tính xong trong một
ngày gần đây.
Khi nhận lại bản thảo dưới dạng vi tính, nhìn những xếp giấy được
in bằng mực in trắng trẻo, phẳng phiu, tôi không muốn rời. Lại kèm theo cả đĩa,
hai cái đĩa vuông. Nguyễn Quang Thân nói đúng: Bản thảo viết tay đọc khác, bản
đánh máy đọc cảm giác khác, bản vi tính đọc cảm giác khác. Đọc bản vi tính như
được đọc trước bản in trong tương lai, trang trọng lên rất nhiều. Xem đi xem
lại tôi thấy vẫn còn lỗi, mặc dù tôi là người sửa mo-rát. Nhưng thôi, hãy gác
lại tất cả những chuyện ấy.
Hãy lo chuyện phô-tô cóp-pi. Tôi không dám đem đi sao chụp. Phải
nhờ Đỗ An Bình. Bình vui vẻ nhận lời. Tôi suy nghĩ nhiều về tên quyển tiểu
thuyết. Mộng Du hẳn đã là cái tên
quen thuộc. Không chỉ quen thuộc với bạn bè tôi mà còn quen thuộc với công an.
Hơn nữa báo Lao Động đã đăng một bài viết về tôi, trong đó nữ phóng viên Lâm
Tuyền nói rõ rằng tôi đã viết xong “một quyển tiểu thuyết như là tự sự” có tên Mộng Du. Gửi Mộng Du đi chắc không được. Nó
đã nằm trong sổ đen rồi.
Biết bao nhiêu tên truyện đã đến, nhưng chẳng tên nào tôi vừa ý.
Thế rồi trong một đêm nghĩ ngợi lần man, tôi ao ước quyển truyện được in vào
năm 2000. Sớm nhất là như vậy. Dạo ấy ai cũng nói đến năm 2000, năm kết thúc
thế kỷ 20 và thiên niên kỷ thứ 2, để bước sang năm đầu tiên của thế kỷ mới,
thiên niên kỷ mới và phải 1000 năm nữa mới lại có một năm tròn ba con số 0 như
vậy. Năm 2000 là cái mốc mà mỗi cá nhân, mỗi dân tộc đều phải làm một bản tổng
kết. Tổng kết về bản thân mình, về dân tộc mình. Và tổng kết cả về nhân loại.
Năm 2000 là một năm nhậy cảm, một năm gợi cảm, một năm của hy vọng. Thế là cái
tên Chuyện kể năm 2000 vụt đến. Tôi bảo Đỗ An
Bình khi anh đem bản thảo đi phô-tô:
– Phô-tô mười bản. Làm hai bìa khác nhau. Chín bản tên Mộng Du. Một bản tên Chuyện kể năm 2000.
Tám trăm nghìn tiền phô-tô tất cả. Sở dĩ
tôi sao chép đến mười bản, bởi vì tôi chẳng tin truyện sẽ được in. Sao ra nhiều
bản để một số bạn bè đọc. Rồi họ có muốn nhân bản thì nhân bản. Đành phổ biến
theo cách ấy. Thơ văn các cụ ngày xưa chỉ truyền miệng mà còn tới bây giờ.
Trong điều kiện sao chép như hiện nay, mười bản đã là quá đủ. Bình xách bản
thảo về nhà tôi bằng làn, bằng túi khá kín đáo.
Mùa xuân năm 1999 phô-tô xong thì mùa hè tôi gặp Đoàn Thị Lam
Luyến tại Hải Phòng. Tôi quen Luyến trong buổi lễ tặng thưởng sách hay của nhà
xuất bản Hội Nhà Văn năm 1996. Chúng tôi cùng được tặng thưởng. Luyến với tập
thơ Châm Khói. Còn tôi với quyển Một Thời Để Mất. Trong buổi lễ tặng giải
ấy, tất cả mọi người đều quen biết nhau, trò chuyện ríu rít, trừ tôi. Tôi ngồi
một mình một chỗ, không ai để ý, không ai trò chuyện, như một tảng đá. Chỉ một
lần anh Xuân Tùng, phó giám đốc nhà xuất bản đi đến chỗ tôi ngồi, ghé xuống
giục tôi phát biểu ý kiến:
– Sao anh khiêm tốn thế.
Tôi chỉ cười, lắc đầu.
Tôi vốn nhút nhát. Thiếu tự tin thì đúng hơn. Tôi không quen phát
biểu, không quen xuất hiện trước đám đông. Lại càng rụt rè trước những nhà văn
nhà thơ, nhà nghiên cứu, những vị công tác ở Hội Nhà Văn, ở Viện Văn Học thường
xuyên sống trong văn chương, dõi theo từng bước đi của nhau từ đời nảo đời nào
tay bắt mặt mừng đầy hớn hở tự tin, những phóng viên báo chí gặp người này,
chuyện với người khác, hò hẹn hỏi han ghi ghi chép chép....
Anh chàng thi đua xí nghiệp đánh cá hoàn
toàn xa lạ với môi trường nghệ thuật, không hiểu gì về văn chương đương đại,([3]) ngồi im thin thít
giữa những người xa lạ, nghe người ta trao đổi những nhận xét về thành công của
người này, dự định của người khác mà vốn dĩ
hắn hoàn toàn mù tịt và cũng chẳng quan tâm.
Gần 30 năm bị giám sát theo dõi, tù đầy, thất nghiệp, bốc vác, kéo
xe bò, thợ sắt, đi buôn chuyến, làm miến, quấn thuốc lá… rồi phúc cả mả dầy,
được ông Hoàng Hữu Nhân tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy Sản và ông Tưởng trưởng
phòng lao động khu phố Ngô Quyền cứu, lọ mọ ở một xí nghiệp đánh cá với chức
danh nhân viên phụ thi đua cho một anh thi đua chính là đảng viên lười biếng
nát rượu đi đâu cũng khoe cái áo len xanh dài tay đang mặc là do một bà cỡ giám
đốc sở đan cho, chuyên la cà phòng nọ ban kia, nghe ngóng chuyện trên Bộ,
chuyện đề bạt tăng lương xét nét soi mói mình từng li từng tí chỉ vì mình có
năng lực hơn, tích cực hơn; sợ hãi lạc lõng với tất cả, nín nhịn, cam chịu thân
phận một tên tù được tha lĩnh lương hợp đồng khởi điểm 36 đồng một tháng — mức
lương không thể thấp hơn của một người tập sự nấu nước, tập sự dọn vệ sinh —
đứng ngoài nhìn vào hội nghị cán bộ chủ chốt gồm bộ tứ xí nghiệp và các trưởng
phó phòng ban đã thấy cao vòi vọi, thường xuyên bị ngành an ninh ý kiến này
khác với lãnh đạo, trông thấy bóng một ông công an xuống xí nghiệp không cần
phải là ông Quang Diệm ông An Mặt Ngựa chụm đầu nhỏ to với giám đốc, với đảng
ủy, với công đoàn có khi chuyện chẳng liên can gì đến mình là cứ giật thót lo
sợ nghĩ ngợi mất ăn mất ngủ, hơn thế, còn bị đặt điều vu cho là lập nhóm thơ
này nhóm văn nọ, bị coi là thường xuyên bất mãn Đào Công Ty đì công tao
viết một cái tin ngắn cũng không được in nếu may mắn lọt được cái tin nào thì
mừng như đã công bố tác phẩm lớn, chịu đựng tất cả điều nọ tiếng kia chỉ có một
khát khao là được vào biên chế, không xích mích với một ai, nở nụ cười thường
trực với tất cả, sống thu mình lại, ngồi cũng thu mình lại, lì đòn làm ra hèn
kém ngu muội rồi thành hèn kém ngu muội thật, không mấy dằn vặt về kiếp sống
của mình hoàn toàn quen với cái thân phận tôm tép nhỏ bé, không biết mình đã
cùn mằn han gỉ về những chuyện rị mọ xuống tầu xin cá, về nỗi lo kiếm sống, về
mong được chuyển từ hợp đồng ngắn hạn sang hợp đồng dài hạn, hơn thế còn mừng
thấy hơn người vì được làm ở một xí nghiệp thực phẩm không chỉ có miếng ăn,
nhiều khi còn đem cá xin được đi bán đỡ lo một phần chuyện nuôi con, nhưng vẫn
còn mối lo con có được kết nạp đoàn không, rồi kiểm tra hộ khẩu lúc nửa đêm,
rồi công an đến nhà theo định kỳ rồi bố con kéo nhau ra đồn khai lại lý lịch
vừa ngồi khai trên đồn vừa nghĩ ngày mai tới xí nghiệp làm sao thó được chiếc
bóng điện mang về nhà để con ngồi học, chiếc bóng ở nhà cháy rồi…
Với tất cả những điều ấy tôi hoàn toàn là một động vật sơ đẳng,
một hạt bụi cáu ghét vật vã lăn lóc quăng lên quật xuống trên đường đời dù đã
thoát qua bão lớn nhưng vẫn ù ù gió quất cấp 9 cấp 10. Họa hoằn có một đoàn văn
nghệ sĩ xuống xí nghiệp, chẳng hạn Thọ Vân đưa các họa sĩ đến ký họa ngoài Cảng
tự túc hoàn toàn về ăn uống, Nguyễn Viết Lãm đưa các nghệ sĩ tận trên Hà Nội
như Hồ Bắc và nhiều người nữa xuống xí nghiệp rồi xuống tầu ăn trưa, do tôi
chuẩn bị.
Có gì đâu, chỉ phải làm hóa đơn mua từ phòng đời sống một két bia
đặt lên poóc-ba-ga xe đạp chở xuống tầu, còn tầu lấy trong kho ra một khay tôm
12 kí lô, vài con cá song cho vào lò điện là đủ làm hoa mắt các văn nghệ sĩ lúc
nào cũng thiếu đạm, thèm đạm, ăn không biết no, ăn nhồi ăn nhét để có thể ăn
rau suốt cả tháng, nhường vợ nhường con mút mát tí đạm, tí mỡ qua con đường tem
phiếu. Rồi những phóng viên báo Hải Phòng, Đài truyền hình, nhóm làm phim Đào
Trọng Khánh, Bùi Viên đã như người nhà xí nghiệp, chưa kể một vài nhà thơ cấp
phường, những nhà nhiếp ảnh chụp đám ma đám cưới đều có giấy giới thiệu cẩn
thận — riêng nhóm nghệ sĩ lởm cởm lôm côm này tôi nhất định không cho ăn…
Được hầu hạ họ, lăng xăng bên họ, được tất bật lo lắng vì họ, được
làm guide đưa họ đi tham quan rồng
rắn trên cầu cảng chỉ chỉ trỏ trỏ, được cùng họ ngồi trên boong mũi ghé xem họ
ký hoạ người, ký hoạ tầu, ký hoạ lưới rồi ngồi với họ trong phòng khách quạt
cần Sanyo mới đập hộp êm ru cánh vàng lóa mắt, uống nước trà từ cô cháu gái làm
công việc lễ tân rót nóng bỏng, lịch sự đưa thuốc lá Vina mời khách, được ngồi
trong câu lạc bộ tầu Việt - Xô 1000 mã lực điều hòa mát lạnh, bóc tôm he bỏ lò
cho vào đẫy mồm đẫy miệng cùng các văn nghệ sĩ luôn được xí nghiệp kính trọng,
tôi thấy đời vui lên một chút đáng sống thêm một chút mặc dầu các vị chỉ thuộc
loại làng nhàng hoặc dưới trung bình rủ nhau xuống xí nghiệp chỉ để làm một
cuộc du ngoạn thay đổi không khí lại được đón tiếp, được ăn uống một bữa thẳng
căng.
Có những vị không biết tôi, có những vị biết nhưng làm ra không
biết chỉ hạ cố một câu chào lúc gặp ban đầu thế nhưng tôi chẳng lấy làm tự ái.
Tôi hưởng cái hào quang tỏa ra từ họ. Mọi người trong xí nghiệp bỗng nhớ ra gốc
gác của tôi vốn là nhà văn nhà báo. Đón tiếp họ, im lặng nghe chuyện của họ và
không bao giờ dám phạm thượng xen vào câu chuyện, tôi cũng nhớ ra mình đã là
nhà văn nhà báo.
Một lần lên Hà Nội, gặp một bạn cũ ở báo
Tiền Phong có người nhà làm ở bộ Công An. Đang rì rầm với bộ mặt đau khổ về một
việc quan trọng nhất đời là nhờ cậy nộp đơn kêu oan, tôi bỗng im bặt, lặng đi
như thấy một ngôi sao rơi trước mặt: Một nữ ca sĩ, vẫn xuất hiện trên ti vi
đang mặc đồ bộ đi trong sân, ngay trước mặt tôi bằng xương bằng thịt. Người bạn
ngạc nhiên về sự im lặng đó. Nhìn theo ánh mắt tôi, anh hiểu và cười:
– Ồ, cái C.V. Trong đoàn đại biểu thanh niên mới đi Triều Tiên về
ấy mà.
Kể lại những chuyện trên để các bạn thấy tôi lúc ấy là như thế
nào. Gần ba mươi năm đầy đọa là thời gian
quá đủ để làm biến đổi gien một con người.
Trong không khí ríu rít thăm hỏi gặp gỡ chúc mừng của buổi trao
tặng thưởng sách hay ở nhà xuất bản Hội Nhà Văn, không ai biết tôi, không ai
hỏi tên tôi cũng như hạ cố hỏi tôi viết ra cái gì, được tặng thưởng vì cái gì.
Vẻ mặt tỉnh lẻ khó đăm đăm lạc lõng, ngồi thu người lại, không nói một câu, tôi
giống một anh viết văn cấp thôn cấp xóm, không hiểu sao lại lạc vào nơi sang
trọng, tụ họp toàn viện sĩ này.
Chỉ hai người biết tôi như đã nói: Nguyễn Kiên và Xuân Tùng. Các
anh còn có công việc của người chủ nhà trước bao nhiêu khách. Tôi cũng không
bắt chuyện cùng ai, đúng hơn không ai bắt chuyện cùng tôi. Nhưng qua những lời
chúc, những nụ cười rạng rỡ, những thăm hỏi về công việc của những người trong
buổi trao giải, tôi cũng hiểu đôi chút về nội dung những tập sách được tặng
thưởng khác. Nó không giống với Một Thời
Để Mất của tôi, một tập sách viết về “một
thời mà nhà văn luôn phải đối diện với nỗi lo sợ tù đầy bởi những quy chụp
chính trị, còn thiếu thốn, cái đói thì ám ảnh sau mỗi trang viết. Ngòi bút nhà
văn phải lách qua mọi kìm tỏa, bão giông của thời cuộc để đi đến tận cùng sự
thật tâm hồn, để giữ gìn một thứ thiên chức nhà văn mà Bùi Ngọc Tấn gọi là
nghiệp chướng.” ([4])
Tôi hiểu đây không phải thế giới của tôi, không dành cho tôi. Tôi
tự thấy là một loài khác. Chỗ của tôi là chỗ khác. Một thế hệ thanh niên đầy
lòng yêu nước, hăm hở quyết tâm nhưng luôn thất bại. Những trại tù, những cánh
rừng, những đôi mắt tuyệt vọng, những người kéo lê cuộc sống ao ước có lại lòng
tin để thêm sức vượt qua năm tháng nhọc nhằn…, tất cả làm thành một hàng rào vô
hình ngăn cách tôi với mọi người.
Một
nhân vật quan trọng xuất hiện: Nguyễn Khoa Điềm, tổng thư ký Hội Nhà Văn, thứ
trưởng Bộ Văn Hóa. Lần đầu tiên tôi gặp ông ta. Một khuôn mặt của những công
việc quan trọng, của người mang trong đầu những đại sự quốc gia nhưng không
biểu hiện ra bên ngoài, kín mít, ngoài việc ông có mặt ở đây để trao giải chứng
tỏ ông quan tâm đến nghệ thuật.
Tôi nhận chứng chỉ tặng
thưởng và phong bì từ tay ông, và bắt tay. Hẳn ông không biết tôi là ai và cũng
chưa đọc một dòng nào của tôi.
Nhưng lúc đó tôi đặt lòng tin vào ông.
Đơn giản chỉ vì bài thơ khóc Phùng Quán
của ông, tôi cho là hay nhất trong những bài viết về Quán khi Quán mất. Nó chân
thành và cảm động. Dù có nhiều tin đồn ông sẽ lên bộ trưởng Bộ Văn Hóa và còn
lên cao nữa. Chính những tin đồn này làm niềm tin của tôi suy giảm bởi những
người được đảng tín nhiệm như thế khó mà tốt được.
Khi Nguyễn Khoa Điềm lên Bộ Chính Trị, anh
Hồng Sỹ, hàng xóm liền tường của tôi, một người tù, một chế phẩm của Lê Đức
Thọ, bảo tôi:
– Các ông văn nghệ kỳ này được nhờ nhá. Một nhà thơ làm ủy viên Bộ
Chính Trị.
Tôi đã cười bảo anh:
– Càng nguy hiểm hơn, anh ơi. Nó biết hết ngón nghề của anh em văn
nghệ. Không cái gì qua được mắt nó.
Chuyện Nguyễn Khoa Điềm vào Bộ Chính Trị
và ra khỏi Bộ Chính Trị sau này như thế nào, hạ hồi phân giải. Sau lễ phát tặng
thưởng, một bạn phóng viên báo Thiếu Niên Tiền Phong ([5]) còn rất trẻ mời
tôi và Lam Luyến sang cửa hàng ăn uống giải khát bên kia đường để phỏng vấn.
Luyến ký tặng tôi Châm Khói ngay tại
bàn giải khát. Còn tôi cứ đi là đi thôi, chẳng mang theo cuốn Một Thời Để Mất nào để tặng đáp lễ dù ở
nhà vẫn còn gần chục cuốn mua hạ giá. Chúng tôi quen biết nhau từ đấy. Trong
lần gặp lại Luyến ở Hải Phòng, tôi vẫn giữ vai một người viết văn tỉnh lẻ, ít
nói, rụt rè. Hình như đó đã là bản chất của tôi.
Luyến kéo tôi đi viết chân dung các nhà giáo ưu tú tại Hải Phòng,
bộ sách nhiều tập còn kéo dài nhiều năm sau đó. Một buổi trưa, Lam Luyến mời
tôi và Đình Kính đi ăn tại Vườn Hải Quân
nơi trông ra Vườn Hoa Chéo. Luyến hào hứng nói về tập sách chị biên tập đang
gây dư luận, tập Chân Dung Và Đối Thoại
của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Chị nói tử vi của Trần Đăng Khoa, mệnh của Trần Đăng Khoa hợp với mệnh của chị. Nên làm được.
Tôi ngập ngừng:
– Mình có một tập tiểu thuyết hơi căng,
viết về tù. Không biết chỗ Luyến có in được không?
Khi mới quen, tôi xưng với Luyến là mình, sau này tôi anh em
ngọt xớt. Luyến hỏi lại:
– Bao nhiêu trang, anh?
– Non nghìn trang.
– Non nghìn trang thì tốt. Chúng em đang thích làm những tập sách
dầy.
Và hỏi tiếp:
– Anh tuổi gì?
– Mình sinh năm 1934. Giáp Tuất.
Luyến nói ngay ra mệnh
của tôi và tuyên bố: “Mệnh của anh
hợp với mệnh của em. Làm được. Lúc
nào anh đưa em.” Luyến lại hỏi tên truyện. Tôi đáp:
– Chuyện kể năm 2000.
– Được! Được!
Cả Đình Kính và Đoàn Thị Lam Luyến cùng reo lên. Kính nói thêm:
– Như một cách nói: Đến năm 2000 nhìn lại. Một câu chuyện cổ tích
chưa xa.
Tôi đưa bản thảo cho Luyến vào khoảng
tháng 6 năm 1999. Không chỉ gửi bản thảo. Còn nhiều phụ tùng đi theo nó. Tôi
nghĩ với bản thảo của một người đi tù về, việc làm rõ nhân thân tác giả rất cần
thiết. Nhất là làm rõ mình là người trong sạch. Trước tiên phải gửi kèm bản sao
xác nhận của công an Hải Phòng đã bỏ tù tôi. Có được xác nhận này là do anh cán
bộ phòng tổ chức Halong Fiscom, tên giao dịch của xí nghiệp Liên Hợp Thủy Sản
Hải Phòng, nơi tôi làm việc. Khi tôi làm thủ tục nghỉ hưu, anh ta yêu cầu phải
có xác nhận của công an về 5 năm tù và 2 năm thất nghiệp của tôi, có như vậy hồ
sơ của tôi mới hoàn chỉnh.
Tôi đã làm đơn lên Sở Công An Hải Phòng. Những tưởng công việc dễ
dàng, bởi vì việc đó là đương nhiên: Tôi đi tù tất cả bàn dân thiên hạ đều
biết. Cơ quan công an chẳng giấu nhẹm quá khứ xấu xa, quét hắc ín đen thui ấy
của tôi mà còn làm ngược lại. Các con tôi nếu có việc phải xác nhận lý lịch để
đi học, đi làm, bao giờ cũng có câu: Bố
đi tập trung cải tạo — hoặc đi tù — 5
năm. Nhận lại tờ khai có lời phê chữ ký và đóng dấu, tôi ý thức rõ mình là
người bố tội lỗi, để lại tài sản khủng khiếp cho các con mà chúng thoải mái chi
dùng suốt cuộc đời không hết. Thật không ngờ đơn xin xác nhận tôi đã đi tù lại
phải chờ cả tháng vẫn không được giải quyết.
Bạn bè tôi bảo: Mày có xin xác nhận anh hùng chiến sĩ thi đua gì
đâu. Xin xác nhận đã đi tù, mà mày đi tù thật cơ mà. Sao lại không được? Vô lý!
Tôi hiểu lý do sự dùng dằng cả tháng trời ấy. Xác nhận để hại tôi,
bôi nhọ tôi, họ làm ngay. Còn xác nhận mà nghi ngại tôi có thể làm một điều gì
đó có lợi cho tôi, họ không muốn. Cái khó trong việc xác nhận là phải nói tội
của tôi. Mà tôi thì chẳng có tội gì. Sau năm lần bẩy lượt lên Sở Công An, với
vẻ mặt nhăn nhó cầu xin, tôi cũng được tờ xác nhận mong muốn ấy, không phải của
Sở mà của Phòng Bảo Vệ Văn Hoá Sở Công An, bắt tôi bỏ tù 5 năm vì tôi có quan điểm sai lầm về mặt tư tưởng.
Cầm tờ xác nhận, tiến sĩ Hồ Thọ, tổng giám đốc xí nghiệp tôi, một người không
bênh vực gì tôi, không ghét bỏ ngành công an đã cười, nói với tôi:
– Ông nghĩ gì mà công an cũng biết thì tài thật.
Đúng là tư tưởng vẫn còn nằm trong đầu, còn là ý nghĩ chứ chưa được phát ngôn hoặc viết ra.
Nếu đã được phát ngôn hay đã được viết ra thì tội của tôi sẽ là tuyên truyền phản cách mạng như đã ghi
trong lệnh bắt tôi dạo cuối năm tổng tiến công Mậu Thân 1968. Tôi cám ơn đại tá
Nguyễn Văn Hàm, trưởng phòng PA 25, người đã ký giấy xác nhận cho tôi. Nếu ông
không ký, tôi cũng đành chịu chứ biết làm gì. Ông Hàm không gây ra vụ án của
tôi. Ông chỉ là người đứng ra giải quyết hậu quả, một hậu quả chẳng có gì ghê
gớm là ký xác nhận đã bỏ tù tôi 5 năm. Đây là một việc tất nhiên, một việc hiển
nhiên phải làm, nhưng ở nước ta lại là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm
trước dân, trước sự thật của một nhà nước của
dân do dân vì dân. Tờ xác nhận của ông đã kéo tôi ra khỏi cõi vô minh. Tội
của tôi là đã nghĩ sai nên đã phải đi tù
5 năm. Nó đồng nghĩa với việc tôi không có tội.([6])
Cùng với bản xác nhận của đại tá Hàm, tôi gửi kèm theo bản sao hai
bằng khen của Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng khen tôi trong thời gian tôi
làm tại xí nghiệp. ý thức được tầm quan trọng của những “phụ kiện” kèm theo bản
thảo. Luyến cho vào túi, kéo khoá rất cẩn thận. Tôi bông đùa:
– Khéo mất của anh. Anh phấn đấu sầy vẩy ra đấy.
Đưa bản thảo cho Luyến được khoảng một tuần tôi đã ngong ngóng
tiếng chuông điện thoại của Luyến. Tôi nghĩ ai cầm tập bản thảo của tôi chỉ
nhìn hình thức thôi cũng đã có cảm tình. Nó rõ ràng dễ đọc thế, mới thế, phẳng
phiu thế, đẹp đẽ, dầy dặn thế.
Tôi không hồi hộp gì lắm. Bởi trong thâm
tâm tôi không tin nó được duyệt in. Người ta cứ ồn ào về Chân Dung Và Đối Thoại. Sách của tôi khác sách của Trần Đăng Khoa
về chất. Chẳng thể có một ông giám đốc nhà xuất bản nào đủ dũng cảm in nó. Thế
rồi một hôm tôi nhận được điện thoại của Luyến gọi từ Yên Bái.
Chị đang công tác ở trên ấy. Giọng Luyến trong trẻo bên kia đầu
dây nói:
– Em mới đọc được 60 trang. Nhà xuất bản của chúng em là nhà xuất
bản đoàn thể mà. Cho nên hơi khó đấy anh ạ.
Tôi lặng im. Biết nói gì với Luyến. Điều ấy tôi đã lường trước. Có
bao giờ tôi nghĩ quyển tiểu thuyết của tôi được in đâu. Gửi cầu may thôi. Tôi
ngồi thừ người. Luyến mới đọc 60 trang vi tính, nghĩa là tới chỗ nào nhỉ. 60
trang vi tính là khoảng 100 trang in. Mới là phần đầu của truyện. Hãy cứ đọc
hết đi đã, cô em ạ. Tôi nghĩ mơ hồ rằng nếu đọc hết cả hai tập, Đoàn Thị Lam
Luyến cũng như những biên tập viên khác sẽ bị thuyết phục. Tôi tin ở món ăn tôi
đưa ra. Tôi tin ở chất liệu của nó, ở cách xào nấu chế biến của tôi. Tôi biết
tôi làm ra cái gì. Tôi tin ở văn chương của tôi. Ai đọc cũng sẽ thấy tôi đã dốc
cả cuộc đời vào đó. Mà cuộc đời tôi thật ba chìm bẩy nổi. Cũng đã biết thế nào
là hạnh phúc để cả đời nuôi sống mình bằng cay đắng. Đã từng trọn một niềm tin
để tận cùng thất vọng. Cuộc đời tôi đâu phải là cá biệt. Nó cũng là số phận của
nhân dân này, đất nước này…
B.N.T.
([1])
Cái máy chữ Vũ Huy Cương cho, tôi đã
tặng lại
Mạc Lân rồi.
(2) Tất nhiên tôi
có trả tiền, 4000 đồng một trang.
(3) Có đọc đâu mà
hiểu, mà với cái đầu óc đầy ắp những oan khuất bất công tù tội, hắn chẳng thể
đọc được những chuyện người ta viết ra hồi đó
(4) Nguyễn Vĩnh Nguyên
(5) Khi Nguyễn Xuân Khánh còn làm ở đó, chúng
tôi hay gọi là báo Trẻ Con Đi Đầu.
(6) Đấy là tôi nghĩ
thế, về lý là như thế. Chính quyền bao giờ cũng coi tôi là người có tội. Năm
2005, một đứa cháu, con anh Bùi Ngọc Chương sống ở thành phố HCM tôt nghiệp đại
học Luật, xin vào ngành công an nhưng CA Hải Phòng đã có ý kiến với CA.HCM
không tiếp nhận cháu vì có chú ruột là Bùi Ngọc Tấn.
(Xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét