Nhãn

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Bàn về Tuyển tập Thơ Việt ở Đức



Đài Trang: Bàn về  Tuyển tập Thơ Việt ở Đức

Tạo sân chơi cộng đồng

Tôi không phải một nhà văn, cũng không phải là nhà thơ, chỉ là một người bình thường như các bạn nhưng rất nhạy cảm, dễ xúc động và thích “nói theo vần” những gì mình muốn nói, đơn giản và dễ hiểu. Tôi  vô tình tham gia vào cuộc thi thơ của CLB thơ Berlin nhân tết Nguyên tiêu 2013 và đoạt giải nhất cuộc thi thơ này. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là sự may mắn, vì trong cộng đồng người Việt tại Đức chắc còn có nhiều cây bút đáng nể về văn, thơ chưa xuất đầu lộ diện. Vì vậy, khi đọc tin anh Thế Dũng (Giám đốc nhà XB VIPEN) và anh Sa Huỳnh (Trưởng ban tuyển chọn của câu lạc bộ thơ Berlin), anh Thế Sáng (Chủ tịch câu lạc bộ thơ Berlin) và 1 người nữa là anh Huy Thắng (Phó ban tuyển chọn) cùng ký tên ra thông báo kêu gọi các tác giả khắp nước Đức tham gia gửi bài để in thành Tập thơ đầu tiên của người Việt tại Đức, tôi đã rất mừng là sẽ có dịp được thưởng thức, giao lưu và học hỏi những cây bút xuất sắc nhất nước Đức.
Tôi tin là các anh chỉ vì quá nhiệt tình, muốn tạo sân chơi chung cho những người yêu thơ và tập hợp tất cả các bài thơ (nếu có thể gọi được là như vậy) của mọi thành phần trong cộng đồng Người Việt, nhằm lưu lại những tình cảm, suy nghĩ, cảm nhận trong cuộc sống của những người đang ngụ cư trên đất này. Nó có thể mang trong mình chút “sử tính” đặc thù của người Việt sinh sống tại Đức (như cách nói của anh TD), mặc dù ở đây chẳng có ai là “ Nhà thơ” thực thụ. Chắc chắn các anh chỉ muốn tạo cơ hội cho tất cả các Tác giả nào muốn in thơ mà không có (hay chưa có) điều kiện in thành sách thôi, chứ không định làm điều to tát là ghi dấu ấn "lịch sử rất lớn, cho nền văn thơ hiện đại của cộng đồng người Việt ở Đức và châu Âu" như anh Long Ẩn, chị Hoài Phương, chị Như Anh và một vài người nữa nâng tầm quan trọng.
Tôi gửi thơ hưởng ứng thư kêu gọi với một tâm trạng háo hức mà tôi tin, cũng giống gần như hầu hết các tác giả khác, để "vui là chính" như mục đích thành lập câu lạc bộ thơ Berlin thôi (nên không cần xin giấy phép thành lập) chứ chẳng mong vinh danh tên tuổi gì.

Nhưng khi biết quyển thơ đầu tiên này chỉ là một tập hợp thơ của tất cả những ai có thơ gửi đến, bất kỳ hay, hay dở, tôi cũng thấy hơi thất vọng, song lại nghĩ: anh Thế Sáng, Thế Dũng và anh Sa Huỳnh chỉ muốn “Làm công tác cộng đồng”, tạo sân chơi vui vẻ cho tất cả mọi người và đánh dấu mốc khởi điểm cho phong trào thi phú đang phát triển tại Đức thôi, chứ không nhằm mục đích nào khác.
Theo dõi các Thông báo của anh Sa Huỳnh, tôi phấn khởi và hy vọng sẽ có cơ hội giao lưu với tất cả những người có cùng sở thích, tâm hồn đến từ khắp nơi trên nước Đức. (Chỉ tiếc quá ít hay hầu như không có các tác giả là người đến từ miền Tây nước Đức, những Trí thức thực sự già dặn và có thể là “khác chính kiến” để tôi có cơ hội đàm đạo, trao đổi cả về những kinh nghiệm, nhận thức trong cuộc sống, bởi với tôi: Học hỏi không bao giờ là thừa!
Sự cố kỹ thuật và sự hòa giải đáng mừng
Bất chợt nghe anh Sa Huỳnh thông báo không in tập thơ nữa, khi nó đã được tuyển chọn đàng hoàng. Rồi vài người xin rút thơ khỏi tuyển tập. Choáng! Tôi vội vã tìm bài thơ “Đau thương hành” của anh Thế Dũng đọc thử xem làm sao mà bị anh Sa Huỳnh kiên quyết bắt bỏ ra? Thực chất bài thơ của anh Thế Dũng do vi phạm tuyên bố không in trường ca ngay từ đầu thôi, (vì nếu trường ca tôi cũng có 2 bài) để dành trang cho các Tác giả có thơ ngắn. Còn nội dung tôi không bàn đến, vì ai có thơ in, người đó tự chịu trách nhiệm về “Tác quyền” của mình, chẳng ảnh hưởng gì tới người khác, bởi đây là tập thơ tổng hợp của nhiều tác giả có tư tưởng, chính kiến, nhận thức, trình độ văn hóa khác nhau, đó là hiện thực tình trạng của cộng đồng Người Việt sống trên đất Đức này.
Ai đã tự gửi thơ xin tham gia in chung thơ mình trong một tập thơ bao gồm nhiều tác giả của mọi tầng lớp vốn phức tạp cùng ngụ cư trên đất Đức, đều phải hiểu và chấp nhận, tôn trọng chính kiến của tất cả các tác giả khác. Nếu chờ đến lúc sách in xong rồi mới “tôi không muốn đứng chung trong cùng một cuốn sách với tác giả có bài thơ “nhạy cảm“ kia, thì thật là ấu trĩ! Làm khổ Ban biên tập và làm phiền những người khác!
Thơ văn vốn là tâm sự, là cảm nhận cuộc sống của mỗi người đối với mọi việc xung quanh, nó mang hồn người viết. Đúng, sai, xấu, tốt hãy để cho bạn đọc tự đánh giá.
Có thể giai đoạn này nó chưa phù hợp, nhưng sau này lại được trầm trồ, ngợi ca, hay ngược lại. Do vậy ta nên tôn trọng quyền suy tư của Tác giả, bất kể  đó là ai. Có như vậy, tập thơ mới phản ánh một cách sinh động nhất cuộc sống muôn mầu, muôn vẻ xung quanh ta, có như thế nó mới đúng là hình ảnh tập thể người Việt tại Đức, chứ không mờ mờ đùng đục một mầu nhàn nhạt nhàm chán.
Các anh chị phải hiểu, không phải tất cả đều là dân Hợp tác lao động xưa, mà kể cả là dân Hợp tác lao động, chấp nhận chế độ Dân chủ Đa Nguyên của Đức để xin ở lại (có nhiều người còn nhập Quốc tịch Đức nữa), thì tất nhiên không thể bắt tất cả Thơ của mọi người in trong Tuyển tập có cùng một cách nhìn hay ngợi ca. Mà nếu thơ không mang bản sắc thực của cuộc sống, không mang hồn người viết, nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Thêm nữa, đây lại là một Tuyển tập thơ mang danh là của người Việt đang cư trú tại Đức! Cho nên, tôi thiết nghĩ, các anh các chị cũng nên tôn trọng những suy nghĩ riêng tư của từng tác giả. Mình đang sống trên một đất nước Tự do, không lẽ quyền bày tỏ tình cảm trong văn thơ cũng bị áp đặt theo tư tưởng một vài người quá khích nào đó hay sao?
Muốn nâng nó lên làm một dấu mốc lịch sử thì cũng phải tôn trọng bản chất của sự thật lịch sử  ấy! Dù có thể nó đắng cay, chua chát! VN mất Hoàng Sa vào tay TQ bao nhiêu năm, nếu không có mạng Internet, chúng ta có biết không? Trận chiến chống quân TQ xâm lược trên biên giới phía Bắc năm 1979 quá khốc liệt và bất ngờ làm bao nhiêu chiến sĩ, dân thường bị giết hại dã man và khí thế sôi sục, hào hùng những năm đó, nếu không có các trang mạng xã hội, và những người dũng cảm dám làm lễ Tưởng niệm các liệt sĩ, liệu những người sinh sau đẻ muộn có biết không? Không! Họ chỉ biết rằng "TQ là bạn, là anh em tốt, đồng chí tốt" – Nhưng có thực như vậy không?
Tôi thiết nghĩ, những tác giả tự nguyện gửi thơ của mình về để được in chung trong quyển sách thơ mang tiêu đề "Thơ Việt ở Đức" cũng phải hiểu được điều đơn giản ấy và biết tôn trọng những tác giả khác có thơ in trong cùng 1 tập thơ. Nếu không có sự khác biệt về mầu sắc tư tưởng, nhận thức, thì Tuyển tập thơ này cũng không thể mang danh "đại diện cho Cộng đồng người Việt tại Đức" được. Do vậy, đừng nâng tầm quan trọng lên để hành nhau làm gì, mất vui và gây nên chia rẽ không hay, làm trò cười cho người bản xứ thôi.
Trở về chuyện trục trặc giữa 2 anh SH và TD, mặc dù chưa gặp 2 anh, nhưng tôi cũng cảm nhận được anh Dũng thì nóng nẩy, nhưng không độc ác, anh SH thì nhẹ nhàng, chân tình, nhưng cũng dứt khoát. May có anh Thế Sáng bình tĩnh làm cầu nối, nên mọi việc tưởng chừng lỡ dở, đã dàn xếp được và trở lại hoàn hảo, tốt đẹp.
Và bức thư của anh Thế Sáng đã chính thức giao việc tuyển chọn cho 2 anh Sa Huỳnh và Thế Dũng kèm thêm lời xác nhận những bài thơ xin rút trước đó vẫn tiếp tục được in trong tập thơ này, nếu không có phản hồi: Thư anh Thế Sáng ngày 29.10.2013 (trích)
4-  Đề nghị tất cả các tác giả (khoảng 25 người) đã rút thơ nay lại tiếp tục (coi như không có chuyện gì xảy ra)
5-  Cá nhân tôi (Thế Sáng) xin lỗi tất cả các tác giả về những thiếu sót của mình trong khi ứng xử những phát sinh không lường trước!
6-  Công việc tuyển chọn thơ tiếp theo do anh Sa Huỳnh và anh Thế Dũng đảm nhiệm, việc phát hành thơ do Ban chủ nhiệm cùng với VIPEN bàn cụ thể sau.
Tất cả các “Nhà thơ” háo hức chờ đón ngày “đứa con tinh thần” đầu tiên ra đời. Sách đã in xong, đã có người đặt mua, đã gửi đi……Cuộc họp Ban biên tập, Nhà xuất bản và Ban chủ nhiệm CLB thơ vào ngày 05.01.2014 đã định được ngày để ra mắt Tập thơ cho “hoành tráng và vui vẻ”…. Người ta đổ xô đăng ký và đóng tiền cho đêm Dạ tiệc…..mong chờ trong nôn nóng…..Đã có hơn 50 Tác giả gần xa đóng tiền và đăng ký, đã có rất nhiều bạn bè của các Tác giả nhận lời mời tới cùng tham dự, ai cũng vui và cám ơn những người đã hao tâm, tốn công sức, thời gian và tiền bạc để “đứa con tinh thần” này được chào đời.
Phấn khởi chào đón tập “Thơ Việt ở Đức” tôi tưởng tượng ra ngày vui chung đầy tình người, cảm động ấy nên cũng có một bài thơ tính viết tặng cho ngày ra mắt tuyển tập thơ, xin tặng lại các anh chị  ở đây với mong muốn hồn thơ xoa dịu cuộc sống, nâng tầm trí tuệ, giải tỏa âu lo, muộn phiền và chia sẻ niềm vui
Sách Việt nơi xứ lạnh
(Mừng sự kiện tập thơ đầu tiên của cộng đồng Người Việt tại Đức ra đời)
Xuân đặt gót hài xuống miền đất lạnh
Cây cối cựa mình, mỏng mảnh hương đưa
Gió khẽ thì thầm, quần quýt rỡn đùa
Hồn lãng đãng theo hạt mưa lất phất
Nàng Xuân trở lại, gieo tình ngây ngất
Ấm áp bàn tay, thân mật ánh nhìn
Bao gương mặt khắp nước Đức lạ, quen
Tụ hội về đây, xen niềm háo hức
Những tâm tư gửi vào thơ chân thực
Câu ca Mẹ ru, ký ức hiện về
Những cánh đồng vàng bát ngát chốn quê
Bao khó khăn còn bộn bề cuộc sống
Những mối tình ấp ủ hoài trong mộng
Niềm khao khát cháy bỏng giấc mơ hoa
Những khổ đau, vất vả chẳng nhạt nhòa
Nỗi day dứt lòng đứa con xa xứ.....
Trọn quyển sách từng câu vần tư lự
Là những yêu thương, tâm sự đong đầy
Dẫu chẳng lấp lánh mỹ từ thật hay
Chỉ đơn giản, nhưng đắm say tình ý
Những lời văn chưa nhuốm mầu thi vị
Vần điệu xô nghiêng, suy nghĩ ngập ngừng
Nhưng tấm lòng khiến người đọc rưng rưng
Một bước ngoặt đáng mừng nơi xa xứ.
Xuân nẩy mầm trong lòng người lữ thứ
Chốn tha hương lưu giữ chút tình nồng
Mượt mà tiếng Việt, ai cũng ước mong
Thế hệ cháu con Lạc Hồng ghi mãi….
Đài Trang
Âm mưu?
Thế rồi “niềm vui ấy chẳng tầy gang”, tất cả lại bị cụt hứng nhanh chóng để nổ ra cuộc “mổ xẻ  đau lòng”, nguyên nhân chỉ vì sự nông nổi của một Tác giả TMT lẫn lộn giữa “Tác quyền” của tác giả và “Bản quyền” của nhà XB, đòi “rút thơ” mình ra khỏi Tuyển tập đã in xong (mặc dù đã được anh Thế Dũng trả lời rõ ràng). Rồi bỗng dưng ông Lê Xuân Đính (chẳng trong ban bệ của việc in sách) đứng ra điều hành cuộc họp ngay sau cuộc họp  chính thức kia có…7 ngày (12.01.2014), mà không có mặt NXB, một thành viên quan trọng trong việc cho ra đời tập thơ đầu tiên này và là nơi chịu mất những phí tổn lớn nhất đầu tiên để 1000 tập thơ có thể ra mắt bạn đọc.
Trong cuộc họp này, anh Thế Sáng rút lui, và ủy quyền tạm thời cho ông Đính điều hành, cho dù nhiều thành viên trong cuộc họp vẫn không đồng ý việc anh Sáng nghỉ và anh Đính tạm thay (xem biên bản cuộc họp). Mặc dù vậy, anh Đính vẫn điều hành cuộc họp bàn về cuốn sách đã  được in xong hoàn chỉnh (mà anh ta chẳng có tí công lao nào trong đó) để ra quyết định “thu hồi” nó??? Trong cuộc họp có 10 thành viên này, bà Như Anh không phải là thành viên trong BCN Câu lạc bộ Thơ Berlin, không có trách nhiệm gì về quyển thơ này, nhưng lại là Thư ký 1 trong cuộc họp??? Không những thế bà còn kéo theo bà Lê Hoài Phương (chỉ là 1 tác giả có thơ in) làm đồng minh (có phải đây là sự cố tình không?). Mang tiếng cuộc họp BCN “mở rộng”, nhưng chẳng có Tác giả nào chính thức được mời đại diện và không đủ mặt những bên liên quan, làm tôi phải tự hỏi: Ai đứng ra triệu tập cuộc họp bất thường này? Có gì khuất tất đằng sau nó không? Tại sao? Và cuộc họp này có đủ giá trị pháp lý  để bác bỏ cuộc họp trước đó 7 ngày không?
Tại sao bà LHP lại coi đây là một “Cuộc chiến hiểm nguy” với cả “lưỡi kiếm cực kỳ diệu kỳ”? Bà ta “căm thù” 2 anh SH và TD từ bao giờ? Hai anh này có tội gì? Bà ta dựa vào đâu để khẳng định đây là  “sự dối trá”? Sự việc mới được nhìn thấy 1 nửa theo chiều phiến diện sao đã vội vã khẳng định nó là như thế?
 “Cuộc chiến không đơn giản này có thể nói rất chi là hiểm nguy, song may quá ông LXD có được sự bảo vệ của Chúa bởi trong tay ông có một lưỡi kiếm cực kỳ diệu kỳ để chặt đứt đuôi con nòng nọc là những sự dối trá trong câu chuyện xuất bản.”
và còn đe trước những ai dám chống lại ý đồ của ông LXD:
 “Vào gian nguy mới thấy kẻ anh hùng, đừng nghĩ ông LXD hiền lành hay hát chèo ngâm thơ mà trêu đến ông nhé, cứ nhìn bên cạnh ông là Phu nhân sắc sảo còn hơn dao làm Sushi mà coi chừng đấy nhé.”
 “Như vậy mà bà LHP được bà NA thanh minh và ca ngợi:
Theo tôi, chị (LHP) viết bài này chẳng phải để chia rẽ cộng đồng hay „vì cá nhân nhỏ bé, với cái tính "ghen ăn tức ở", còn tâm người viết rõ ràng trong sáng, chẳng hù dọa ai.”  – Như Anh
Quyết định “thu hồi” cuốn Thơ Việt ở Đức trái phép
Sau khi đọc thông báo hủy buổi Lễ ra mắt Tập sách thơ Việt ở Đức và yêu cầu ngừng chuyển tiền ủng hộ cho đêm Dạ tiệc tại Việt Haus của anh Sa Huỳnh, tôi lại một lần nữa thấy choáng.
Tôi và chắc chắn 62 Tác giả còn lại của tập thơ (không có mặt trong buổi họp ngày 12.01.2014) đều thấy phẫn nộ về cách làm việc “trẻ con” của BCN và Ban biên tập, không thể chấp nhận nổi quyết định vô lý, theo cảm tính riêng của một số nhỏ người có mặt trong cuộc họp hôm đó. Họ chỉ nghĩ đến bản thân họ, không nghĩ tới công lao của anh Sa Huỳnh, anh Thế Dũng, anh Thế Sáng. Họ coi thường nhân cách các Tác giả có thơ gửi in trong Tập thơ Việt ở Đức. Họ hành sử một cách thiếu suy nghĩ, làm việc tùy hứng. Tôi tin là anh Sa Huỳnh không hề muốn thu hồi cuốn sách do chính anh đã bỏ bao nhiêu công lao, sức lực vào đó (mặc dù vì sức ép tâm lý anh cũng phải đồng ý), vì vậy anh đã thông tin ngay cho các Tác giả mà không chờ đến lúc ông Đính ra thông báo chính thức.
Bà Lê Hoài Phương cao ngạo tự nhận mình là “Tứ thập lục phương Sư muội về thơ Đường” –  để chửi anh Sa Huỳnh về chuyện “tiết lộ” này bằng những câu sau và còn chua thêm: “Thực ra ám chỉ có mỗi ông SH”
Ngay cả bản thân Tứ thập lục phương Sư muội về thơ Đường LHP, lần đầu tiên được bái yết các anh chị trong BCN CLB Thơ vào buổi trưa không cơm tại tầng bốn văn phòng của nhà giáo dậy nghề lái xe Việt Đức, đã choáng người trước sự phản bội của nhà thơ SH mà viết ngay bài thơ đầy phẫn uất, trách móc (ông Trần Mạnh Thái được bà ta trân trọng nhận là Sư Huynh, theo tôi biết, người này cũng quí anh SH, vậy không biết đọc đoạn sau, anh ta có cảm giác gì dùm anh SH không nhỉ?)
Một kẻ đua đòi ma ủ vía
Hai tên xí xọn đóm theo tàn
Nên giờ trách nhiệm đành buông bỏ
Tội đứa tin nhầm bực tức mang
Bốn câu thơ tàn nhẫn này đã nói lên những suy nghĩ của bà ta với bản thân anh SH và cả anh TD là thế nào, vậy mà bà NA còn cố gắng nói hay cho bà LHP được, tôi cũng thấy lạ.
Nói đúng ra, kể cả ông Đính có được “tạm quyền” điều hành CLB Thơ, ông cũng không có quyền đưa ra quyết định về vận mạng cuốn sách đã in hoàn chỉnh và đã bắt đầu phát hành này! Bởi điều đơn giản: Ngay từ đầu ông đã không có quyền gì trong đó, ngoài là 1 tác giả có 2 bài được in. Tôi tin là nếu anh Thế Dũng và thêm một số Tác giả nữa từ khắp nơi được mời có mặt trong cuộc họp này, mọi sự sẽ khác đi.
Bài viết của bà Lê Hoài Phương đã không tiếc lời sỉ vả cả anh Sa Huỳnh và Thế Dũng, với sự ác độc đắc ý rõ rệt, khiêu khích, moi móc, động chạm cả tới đời tư (vi phạm quyền riêng tư) của 2 người đàn ông đáng thương tốn công, hao sức vì niềm vui chung của cộng đồng những người yêu thơ trong suốt cả năm trời này. Bà ta lôi cả bài viết “Anh thương binh và câu vọng cổ” rất hay của anh SH với mục đích “Hòa giải, hòa hợp dân tộc” theo chủ trương của nhà nước ra để diễu nguồn gốc của anh SH và TD:
Một bên là SH - Cựu sinh viên miền Nam Cộng hòa và bên kia là VTD, Cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam, đương kim nhà Thơ nhà Văn và Giám đốc Nhà Xuất Bản VIPEN ở Berlin, CHLB Đức.
Họ là những kẻ như SH viết:
Giữa đồng bắp, nhận ra ...tình địch
Quẳng súng giữa đồng mừng rỡ “Địch ta“!
Và trong bài thơ “Muộn rồi”…..Muộn cái gì nhỉ? Hay là âm mưu của ai đó đã được thực hiện hoàn hảo? Đã làm cho một vài người sợ hãi đi đến quyết định đơn phương “thu hồi” tập thơ? Hủy bỏ chính “hợp đồng” với các Tác giả và “phản bội lại” lòng tin của họ?
Sao hèn hạ thế ông nói láo ,
Cậy tiền mua chỗ giữa làng đây 
Có giỏi tự in mà vênh váo
Mượn uy bầy bạn đẹp mặt dầy (LHP)
Bà LHP còn dám viết những câu xúc phạm như:
Vậy ông SH là ai nhỉ?
Nói chuyện với ông SH, người ta như có cảm giác đang đọc chuyện cổ tích. Đi một nơi vô tăm tích, tìm về một vật vô danh vậy.
Qua câu trên, bà LHP đã phủ nhận không những công lao của anh Sa Huỳnh trong vai trò Trưởng ban giám khảo cuộc thi thơ và Trưởng ban tuyển chọn tập thơ này mà còn phủ nhận bao bài viết, bài thơ của anh SH lâu nay trên trang www.nguoiviet.de để phục vụ bạn đọc trong cộng đồng và sự nghiệp mà ít người đạt được như anh nữa.
Không thể đưa ra hết những câu độc địa trong bài “Câu chuyện khó tin về những con kiến kiên nhẫn xây dựng một tổ mối mang một địa chỉ văn hóa không tồn tại và không thể tin cậy của nhà xuất bản VIPEN.” của bà LHP đăng trên báo nguoiviet.de này. Tôi quá bức xúc, nên mặc dù thơ “Thất ngôn bát cú” của tôi vào loại xoàng cũng mạnh dạn Comment ngay tức thời vài dòng nhắn nhủ bà “Tứ thập lục phương Sư muội về thơ Đường luật” LHP đôi câu:
THƯƠNG (đây là thương hai anh SH và TD bị chửi không đâu)
Tuyển tập đầu tay mới được in
Tiếng vang chưa thấy đã toan chìm
Khổ thân hai kẻ làm "đầy tớ"
Dốc sức cho người, tổn thất tim
"Làm dâu trăm họ" chi cho khổ?
Tiếng bấc, tiếng chì cũng gắng gìm
Hiểu biết không nhiều, mới đòi bỏ
Thương người chẳng thể cứ ngồi im

GIẬN 
Ăn tàn theo đóm, mới đua nhau
Xé sách nỡ nào, mặc dạ sầu?
Giá họa cho người lời đắng chát
Nát lòng quân tử, nghĩa tình đâu?
Xăm soi theo góc độ hèn mạt
Hạ nhục nhân tài, tim có đau?
Thơ nặng ưu phiền thương kẻ ấy
Rỗng tâm nên mới quyết vò nhầu

TRÁCH
Xưng hùng cao ngạo ngỡ Anh thư
Vỗ ngực tự tin ta rất cừ
Chuyên dòng bẩy chữ thơ Đường luật
Chen ngồi đàm đạo, lời nhàm dư
"Túi cơm, giá áo" phường cheo bẻo
Tự đắc ngọa đồ chứng kẻ hư
Họa chút thi phong mong nhắc nhủ
Chân tình giải tỏa, sẽ nhàn cư!

KHUYÊN
Thơ hồn tuyển tập đứa con chung
Trang trải tình yêu, chia sẻ cùng
Nỗi nhớ Quê nhà, thân viễn xứ
Lỡ đành đoạn tuyệt, thành người dưng?
Cớ sao xáo trộn vì sai nhỏ?
Sách đẹp, thơ hay, đáng phải mừng
"Móc máy" chọi nhau tim nhỏ lệ
Đôi đàng đau đớn, có nên không?
Đài Trang
Lấy danh “không thực” của mình để truy cái “có thực”
Bà Phương và ông Mạnh Thái (“Sư huynh kiên trinh” của bà LHP)  lại còn đòi anh Thế Dũng phải trình Gewerberanmeldung của nhà xuất bản ra (thật quá quắt và nực cười!), mặc dù cảm nhận trước của tôi đã nói quá rõ về vấn đề này. Song ai đó cố tình không thèm đếm xỉa. Tiếp tục thực hiện mục đích của mình.
Có hay không giấy phép thành lập nhà xuất bản đối với chúng ta không quan trọng. Anh Dũng có thể đứng ra lấy 1 cái tên nào đó rồi nhận bản quyền in sách, xin 1 giấy phép xuất bản đầu sách này qua 1 hợp đồng ký với nhà in nào đó ở Đức, ở VN hay bất cứ  đâu, cốt là sách ra đời như đã thông báo với các tác giả là được. Đó là điều anh TD hứa và cố gắng hoàn thành đúng hẹn. Còn việc anh quảng cáo cho nhà in VIPEN, nhưng nếu nó không có thực (tôi biết là có thực, nhưng chỉ ví dụ ngược lại cho mọi người thử động não chút thôi), thì sự “vô bổ”  ấy cũng chẳng ảnh hưởng gì tới ai, tại sao lại tức tối, bới móc ra? Chỉ ngoại trừ ai đó có 1 âm mưu đê tiện là muốn tiếm quyền được phát hành quyển sách này, và để nó dễ dàng bán rộng rãi tại VN kiếm lời mới muốn bằng mọi giá gạt bỏ mấy bài thơ mà họ cho là “nhậy cảm” của anh TD và đòi hỏi anh TD phải trình giấy phép xuất bản. Nói đúng ra, nếu anh TD “xuất bản lậu” như họ nghĩ, thì “tội” cũng anh TD chịu, đâu có ảnh hưởng tới họ? Và nơi đứng ra phát lệnh “Thu hồi” không phải là Ông LXD và mấy người tự xưng là BCNCLB “mở rộng” không hề có “Tư cách pháp nhân” kia. Càng nghĩ, tôi càng thấy những người này tự cho mình cái quyền phá hoại tài sản của người khác một cách vô cớ.
Bản thân Câu lạc bộ Thơ Berlin không hề có giấy phép đăng ký Verein hay Club nào, vì chỉ là sân chơi cho một nhóm yêu thích Thơ trong Cộng đồng, việc phối hợp với anh Thế Dũng để in cuốn Thơ cũng chỉ là những thỏa thuận đôi bên qua Thư mời có ghi đầy đủ chi tiết về đề tài và sẽ in ở đâu mà ngay chính bà LHP cũng phải công nhận:
 “Số là ngày 14.03.2013, trên báo mạng xuất hiện một lời mời hoan hỷ các tác giả gửi thơ để in vào Tuyển tập Thơ cộng đồng ở Đức, của một bên là Chủ nhiệm CLB Thơ TS và bên kia là cái gọi là Nhà Xuất Bản VIPEN mà ông TD là Giám đốc. Hai bên cùng ký rất long trọng.” (LHP)
Đối tượng tham gia: (trích Thư mời)
Là người Việt hoặc là người gốc Việt đã và đang sinh sống ở CHLB Đức.
Đề tài:Thơ Việt ở Đức, không giới hạn đề tài mà chỉ quan tâm tới sức phát hiện đời sống của những đôi mắt Thơ. Chỉ cần là Thơ đích thực của tâm trí Việt, được viết bởi sinh khí của tiếng Việt và những đôi mắt Thơ đầy thần khí.
Chủ biên: Nhà văn, nhà thơ Thế Dũng - Giám đốc Buchverlag VIPEN                  
và Ban biên tập Edition VIPEN
Đơn vị xuất bản và phát hành:
Sách được xuất bản và phát hành bởi Buchverlag VIPEN (http://www.vipen.de/) với mã số ISBN (Internationale Standard Buch Nummer), phát hành tại Đức và các nước EU.
Vậy mà chỉ do thắc mắc của 1 người không hiểu biết, mà BCNCLB Thơ BL đã đi từ sai lầm này tới sai lầm khác. Bản thân không có tư cách Pháp nhân lại đi truy Giấy phép của Doanh nghiệp đối tác. Nếu VIPEN không có thực, thì CLB Thơ BL cũng „trên mây“ nên thực tế cái thứ mà 2 bà Như Anh, LHP và ông TMT đòi hỏi bắt anh TD chứng minh là một sự VÔ LÝ! Chưa nói anh TD có Đăng ký  đàng hoàng, chẳng ai có quyền bắt bẻ.
Lấy cái „Không có“ của mình để bắt bẻ, hỏi „Có không“ của đối tác đã công khai danh tính từ đầu là việc làm thiếu suy nghĩ! Trong thư ông Lê Xuân Đính trả lời anh Thế Dũng có đoạn đại khái: „Sao lúc anh cùng với BCNCLB Thơ ký để tuyển chọn thơ, anh không hỏi tới giấy phép của Câu lạc bộ, bây giờ anh mới hỏi?“ Vậy tôi cũng xin hỏi ngược lại Câu lạc bộ Thơ BL: „Sao khi cùng quyết định làm sách, các anh không hỏi anh TD xem anh có Giấy phép xuất bản không, mà bây giờ sách in xong rồi mới hỏi?“
Những lý do ông Đính đưa ra để quyết định „thu hồi“ sách vì VIPEN không ký hợp đồng với tác giả, không có giá trị! Vì qua THƯ MỜI các tác giả HOÀN TOÀN TỰ NGUYỆN gửi thơ về, coi như là XIN ĐƯỢC in chung trong Tuyển tập thơ này, chứ không phải các tác giả hay câu lạc bộ thơ ĐẶT IN tại Nhà xuất bản của anh Thế Dũng! Nên anh Thế Dũng hay anh Sa Huỳnh KHÔNG CÓ TRÁCH NHIỆM phải lấy chữ ký đồng ý của các Tác giả nữa, vì như vậy chỉ là HÀNH KHỔ những người muốn mang lại niềm vui cho cộng đồng thôi. Một vài người nhầm lẫn việc tác giả tự gửi ĐẶT IN sách ở một NXB nào đó, hoặc NXB nào đó MUA bản quyền Tác phẩm, lúc đó NXB mới phải có TRÁCH NHIỆM gửi bông để ký đồng ý trước khi in mà thôi.
Chuyện có 2 bài tựa cũng không phải lý do để thu hồi sách, vì có rất nhiều sách cũng có 2 lời tựa, một của nhà xuất bản nhằm giới thiệu tập sách, một là tâm sự của chính tác giả về cuốn sách. Ở đây, anh Sa Huỳnh đại diện cho các Tác giả viết lời bình thêm về thơ khác hẳn lời giới thiệu của anh Thế Dũng (Nhà xuất bản) thì cũng chẳng có gì là "trái khoáy" cả.
Có một chi tiết nữa được đưa ra là BCN không được đọc, duyệt những bài thơ bị gọi là "nhạy cảm" của anh Thế Dũng trước khi in. Tôi chỉ hỏi các anh các chị là liệu BCN có đọc, duyệt tất cả gần 290 bài thơ của tất cả 73 Tác giả trong đó chưa? Hay là phó mặc tất cả cho anh SH? Nếu cuốn sách được ca ngợi, thì nhận mình cũng „góp phần“ , còn khi cuốn sách bị „đào bới“ do một vài người thiển cận thì lại la lối là  „tôi không được duyệt“? Và tại sao lại chỉ là thơ anh Thế Dũng? Các anh chị không đọc kỹ thư mời có câu: “Đề tài:Thơ Việt ở Đức, không giới hạn đề tài” hay sao? – Như vậy ai muốn viết về đề tài chống Trung Quốc, ca ngợi cuộc chiến bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, bảo vệ Biên Cương hay chống tham nhũng đều được mà, sao lại cho là “Nhậy cảm”? Có ai bắt 10 người trong cuộc họp 12.01.2014 gánh trách nhiệm đâu mà đến nỗi hoảng sợ vội quyết định "thu hồi" cuốn sách, mà không cần tôn trọng ý kiến của 63 tác giả còn lại? Không nghĩ tới công lao của những người làm nên nó?
Tại sao anh TMT và Sư muội của anh ta là LHP cùng bà Như Anh, ông Huy Thắng, ông LXD không tự gộp nhau lại in chung 1 cuốn thơ của mình để nó tha hồ “hô khẩu hiệu”  ơn Đảng, ơn Chính phủ VN cho no cơm ấm áo khi đang „sống nhờ“ trên đất Đức đi? Đỡ chịu Risiko khi in chung trong một tập thơ dầy thế này của bao nhiêu tác giả khác nhau về nhận thức, về chính kiến?.
Hay là kiên quyết rút thơ ra từ lúc anh Thế Sáng thông báo lại đó đi? Đợi tới lúc thơ in xong, phát hành mới “tá hỏa”: Sao người khác không nghĩ giống mình? Sao mà ấu trĩ đến thế?!
Các anh chị không thể lấy lý do thơ người này, người nọ “nhậy cảm” tôi không muốn có mặt trong 1 tập tơ như thế để đòi xé sách thơ như bà Như Anh viết trong cảm nhận: Cảm nhận số 38 ngày 29.01 của bà Như Anh:
Tôi cũng lả người được anh Thế Dũng xuất bản mấy bài thơ, tuy đã gửi thư rút bài rồi nên cũng xin rút bài của tôi ra khỏi cuốn đã in, vì chưa có thỏa thuận. 
Số người muốn rút bài ra không ít. Số trang phải xé chắc cũng phải hơn 200 trang.
Cuốn sách sẽ bị xé nham nhở, không biết có ai đồng ý cho thơ mình vào một cuốn như vậy.
Trên thực tế, việc vẫn tiếp tục để thơ của tác giả "đã xin rút ra" in chung trong tập thơ này, anh Thế Sáng đã viết rõ trong mục số 4 của lá thư anh Thế Sáng đề ngày 29.10.2013 là: “Đề nghị tất cả các tác giả (khoảng 25 người) đã rút thơ nay lại tiếp tục (coi như không có chuyện gì xảy ra)”. Đúng ra, sau thông báo đó, nếu TG nào muốn rút ra khỏi tập thơ, phải gửi thư khẳng định mình vẫn muốn rút ra, còn không nói gì, có nghĩa là vẫn đồng ý với ý kiến anh Thế Sáng. Anh SH hay anh TD không có trách nhiệm hỏi từng người, vì các vị tự gửi để in cơ mà.
Giả sử tôi gửi 1 bài báo cho 1 tờ báo nào đó, họ đồng ý đưa lên mặt báo mà không mất lệ phí, vậy là thích rồi, còn bắt họ thư qua, bông lại hỏi xem mình có đồng ý đưa bài lên báo không ư? Không muốn đưa lên báo thì gửi tới làm gi?
Anh Thế Dũng chỉ có lỗi là bỏ bài “Đau thương hành” quá dài đi, lại để bài “Mẹ Việt Nam không chỉ nhìn ra biển” dài không kém vào, mặc dù bài này tôi rất thích và  cũng được anh Sa Huỳnh chọn ngay từ  đầu (mời đọc bài tôi bình về thơ Thế Dũng ở Phụ lục 1*)
Giá mà tất cả chúng ta biết tôn trọng những tác giả khác và đừng dương chữ TÔI lên cao quá, sẽ thấy mọi chuyện chẳng có gì là to tát cả! Sao các bạn không thử nghĩ: Có người nào đó họ cũng không thích thơ các bạn vì nó lủng củng, sai vần, sai luật, trái điệu, thô thiển hay là nịnh bợ quá đi (tôi nói ví dụ thôi). Ai cũng ích kỷ như thế thì đừng in chung ngay từ ban đầu, đỡ khổ tất cả mọi người, mà khổ nhất là anh Sa Huỳnh và anh Thế Dũng.
Tôi thấy thương cho các anh chỉ vì LÒNG TỐT, vì NIỀM VUI cho cộng đồng mà hao tâm, tổn sức, tốn tiền bạc, thời gian để dây vào cái mớ bòng bong này!
Các cụ ta có câu: “Làm học trò người khôn còn hơn làm thầy thằng dại” quả không sai chút nào! Khổ cho 2 ông già!
Sự thực cần rút kinh nghiệm 
Rốt cuộc tôi thấy chỉ có 1 ý kiến duy nhất đúng của anh Chu Văn Keng là: Ban tuyển chọn đã không tuyển chọn kỹ càng, đưa cả những bài hoàn toàn không phải là "thơ" vào trong tuyển tập và có biên tập lại một vài bài trong đó mà không hỏi ý kiến Tác giả trước khi cho in. (1 bài của tôi cũng bị biên tập lại, tôi không thích lắm là bài "Tổ Quốc gọi tên" đã được đăng và lan truyền rộng rãi trên các trang mạng), nhưng vì niềm vui chung của các tác giả, tôi cũng coi nhẹ chuyện đó và sẽ góp ý với Ban biên tập ở kỳ in sách sau về  ý đồ trong bài thơ của mình.
Chuyện anh TMT, chị LHP, chị NA, anh NHT đòi “rút thơ” ra khỏi Tuyển tập thơ đã hoàn thành là một sự thách đố, bởi "rút" kiểu nào đây? Nó chỉ có thể làm lại khi tái bản mà thôi. Thiết nghĩ, mấy anh chị này nên suy nghĩ lại, biết tôn trọng người khác, mới mong người ta hiểu nổi việc làm của mình và tôn trọng lại!
Riêng những cái link mà anh Dũng đưa vào chú thích là bằng chứng anh có, lấy từ các bài viết khác (đề phòng bị vu khống tạo dựng) mà thôi, ai thích thì đọc, ai không thích, không xem, đó là quyền của người đọc, không nên “chụp mũ” hay suy diễn linh tinh.
Đoạn kết
Tôi biết, làm công tác cộng đồng cho người Việt mình rất khó, nên đã rất kính phục những người lăn vào làm công tác xã hội như anh Sa Huỳnh! Nếu thành công, các anh cũng chẳng được ơn huệ, nhưng nếu có gì trục trặc hay thất bại, là bị đám ngồi rỗi tìm cách chọc ngoáy, bới móc, chửi rủa không tiếc lời.
Nói chung, cuộc họp ngày 12.01.2014 do ông Lê Xuân Đính điều khiển (dù có biên bản) nó cũng không có giá trị! Vì Thông báo ra mắt Tuyển tập thơ đã được loan tải chính thức tới các Tác giả theo quyết định của cuộc họp đủ thành phần trước đó (05.01.2014) gồm cả phía đại diện Nhà Xuất bản VIPEN là anh Thế Dũng. Chúng tôi không chấp nhận việc ông Xuân Đính (một người “tạm quyền” sau khi sách đã được thông báo phát hành chính thức) đứng ra điều hành cuộc họp này và ra quyết định trái phép thu hồi quyển sách “Thơ Viêt ở Đức”, tài sản của VIPEN khi nó đã được nhiều người đặt mua và anh Sa Huỳnh đã gửi cho khá nhiều Tác giả trong đó có tôi.
Trong cảm nhận của tôi, tôi đoán có lẽ bà Phạm Thị Như Anh “chống lưng” cho bà LHP viết bài đả kích 2 anh SH và TD, vì chỉ có bà ta khen bà Lê Hoài Phương là “một người rất yêu Thơ và một thành viên rất tích cực của CLB Thơ Berlin”??? “Rất yêu thơ” mà đòi “xé sách thơ”??? “Tích cực” mà giọng điệu “góp ý” như phá đám. Tôi không tin nổi một người thích thơ “Thất ngôn” một trong những thể loại thơ tinh tế, khó trong lề luật và diễn cảm, vì đòi hỏi vần câu khắt khe mà lại có những câu lời xách mé, sỏ xiên, độc ác đến như vậy về bạn thơ, bất kể đến công sức của họ, áp đặt suy nghĩ tầm thường của mình lên việc làm của họ. Đáng tiếc lắm thay!
  đến bây giờ khi tôi biết được 2 bà Như Anh và Lê Hoài Phương đứng tên cùng ông Klaus Neuhaeuser (Có lẽ là chồng bà Như Anh) kiện anh Thế Dũng và VIPEN không có Geweberanmeldung, thì tôi lại nghi ngờ bài viết kia chưa chắc đã phải của bà LHP, mà bà Phương chỉ bị kéo vào một “âm mưu” nào đó mà thôi.
Tôi cũng trách một vài Tác giả khi đọc bình luận của nhà văn Đỗ Trường, chắc thấy thơ của mình bị chê đã vội chửi bới thô thiển đến tục tĩu, điều đó chỉ chứng tỏ mình là người không có chút “hồn thơ” và chút văn hóa tối thiểu nào, mà có thể chỉ là những câu “văn xuôi đánh gãy vần” hoặc sao chép, hay ăn cắp đâu đó ý thơ rồi ghép lại bừa phứa chăng? Tôi nghĩ, thơ là tinh hoa nhân loại, nó hơn văn xuôi ở vần điệu mượt mà, chau chuốt, thực mà như mơ, diễn tả mọi vật bằng từ ngữ bay bổng, uyển chuyển, mạnh mẽ, hay mộc mạc đều mang giai điệu quyến rũ và sinh động. Những người có những cảm nhận tinh tế ấy không thể là những con người ô trọc, tàn nhẫn và độc ác.
Tôi chưa đạt tới cảnh giới đó của một “Nhà thơ”, nhưng cũng không thể, hay không nỡ làm kẻ khác đau đớn, buồn tủi. Tuy dám nói thẳng, nói thật những điều xấu xa, nhưng cũng chua xót không kém khi phải nói ra điều đó. Tôi đồng ý với nhận định của anh Chu Văn Keng về bài viết của nhà văn Đỗ Trường. Ông có khiếu thẩm định thơ khá tinh tế.
Trường quan thi Đỗ sĩ nguyên
Lời bình sắc nước, dính liền trăm dao
Cảm nhận xứng bậc anh hào
Khen, chê đều đắt, trí cao hơn người
Tài hoa chuốc khổ thân thôi
Giữa bùn nhơ nhốc, Sen ngời sắc hương
Quân tử, đâu ngại "rợ" thường
"Phớt tỉnh", chẳng chấp, chỉ thương kẻ hèn!
Thơ chắp vá, mới đảo điên
Tự tôn, tai điếc, bỉ nguyền kẻ ngay
Lắng nghe, suy ngẫm, nên "Thầy" 
Rèn thêm vần, chữ sẽ hay hơn nhiều
Rượu say, bút pháp càng "siêu"
Đỗ Trường "lột ý", quyết "liều" một phen
Lời khôn của kẻ sĩ hiền
Khiến cho “đứa dại” chẳng yên, phát cuồng. 
Có lẽ đọc bài thơ này, mỗi người chúng ta hãy xem lại nhận xét của ông Đỗ Trường, rồi nghiền ngẫm lại thơ mình. Vẫn biết câu “Thơ mình, vợ người” của các cụ nói chẳng sai, ai cũng tự thấy thơ mình hay tuyệt vời…..nhưng thực tế có khi ngược lại. Hãy dẹp bỏ tự ái, học hỏi, trau dồi thêm kiến thức, vần điệu, niêm luật, chắc chắn một ngày nào đó, đọc lại những bài “thơ” trong cuốn sách này, bạn sẽ thấy lúc đó “thơ” mình thật ngây ngô, ngớ ngẩn và  …. “Thương quá cho Nàng Thơ” bị chính mình vặn vẹo thành xấu xí và…sẽ bật cười giống tôi.
“Đứa con tinh thần”
Khi cầm cuốn Thơ Việt đầu tiên tại Đức trên tay, tôi thấy lòng rưng rưng. Phải nói bìa cuốn sách được thiết kế rất đẹp, đủ ý nghĩa. Mặt trước là cổng thành Brandebburg được chiếu sáng với cành đào xuân kỷ niệm. Mặt sau là những cánh chim bồ câu tung bay trên bầu trời hằn lên cột vô tuyến Berlin nổi danh, phía dưới là những bông hoa Tuy Lip biểu tượng của mùa xuân, mùa của Thi ca đang đua nhau nở rộ. Là dân Design chuyên nghiệp, tôi rất thích cách bài trí bìa cuốn sách.
Cuốn sách khá dầy bởi nó chứa tới  khoảng 290 bài thơ dài có, ngắn có của 73 tác giả đang sinh sống tại Đức. Cầm cuốn sách, tôi thấy thương cho anh Sa Huỳnh, người vất vả nhất trong vụ này, tốn công sức, thời gian, và cả tiền bạc vì những cú điện thoại, tiền gửi sách nữa, mà chẳng được gì, lại còn bị chửi. Sau nữa là thương cho anh Vũ Thế Dũng, Giám đốc NXB VIPEN. Tôi hiểu cái máu nghệ sỹ đã thúc đẩy anh gợi ý với anh Sa Huỳnh và CLB THơ Berlin để in cuốn sách này. Đây đúng là “Đứa con tinh thần” của tất cả chúng ta, nó mang đậm dấu ấn của những người con xa xứ, không phải ở Mỹ, Pháp,Tiệp, Úc hay đâu khác, mà là ở Đức! Một đất nước mang trên mình bao nhiêu biến cố đáng ghi nhận và cộng đồng người Việt tại đây cũng phức tạp nhất, bởi nó bao gồm đủ mọi loại thành phần khác biệt sâu sắc về lý tưởng, nhận thức và hoàn cảnh.
Sau tất cả những um xùm đòi giải thích về “Tác quyền” và “Bản quyền” của anh TMT, dẫn tới cuộc họp khẩn cấp, mở rộng (Tại sao nhỉ?) của Ban chủ nhiệm CLB Thơ Berlin với việc anh Thế Sáng xin từ chức (Sao thế?) và ông Lê Xuân Đính nhẩy vào “thay quyền” điều hành cuộc họp (Tại sao?) và bà Như Anh, ông TMT làm thư ký (Sắp đặt chăng?) để đơn phương ra quyết định “thu hồi” và “đình chỉ xuất bản” của một nhóm người mệnh danh là “Ban chủ nhiệm” câu lạc bộ thơ Berlin, với loạt bài viết của bà LHP có sự hưởng ứng của bà Phạm Như Anh (chồng Tây – có lẽ được mệnh danh là “thám tử Lú Bú” trong bài của bà Phương), đòi “xé sách thơ”, rồi tới bài của người xưng là  “Phóng viên” Nguyễn Huy Thắng (có bằng phóng viên không nhỉ?), thêm vài kẻ a dua làm cả cộng đồng rối tung và hậu quả là Trưởng ban biên tập Sa Huỳnh chán nản rút lui, đêm ra mắt cuốn sách vào tết Nguyên Tiêu trong sự chờ mong háo hức của các Tác giả và Cộng đồng  bị hủy bỏ, sách bị xếp xó. Anh Thế Dũng phẫn nộ vì bị đụng chạm Danh dự và tổn thất tới tiền bạc, công sức không nhỏ. Những kẻ phá đám đắc ý. Cộng đồng và nhất là các Tác giả thất vọng. 
Hãy đọc những dòng này của Bà LHP
Ông TD muốn kéo các tác giả theo như một đoàn biểu tình trên Thi trường vậy. Mà hứng lấy cái tinh hoa đó mà cúng thì chỉ có ông TD và VIPEN của ông mới xứng đáng, được quyền xuất bản cả „một bảo tàng Thơ lưu giữ những vang động âm thầm đầy sử tính của tâm trí Việt ở Đức“.
Câu chuyện chỉ ở chỗ, các tác giả có muốn tố cáo ông TD và ông Peter Knost lên tòa hình sự không ? “ LHP
Hay câu:
Sách kia đơn giản in quyển mới
Quặng thơ ngồn ngộn giữa ban ngày (bài Muộn rồi của LHP)
Và của bà Như Anh, rồi các bạn đoán xem họ muốn gì? 
Được phân công trong BCN CLB Thơ phụ trách về vấn đề in ấn, xuất bản và luật pháp, tôi đang cùng luật sư nghiên cứu các vấn đề do chị LHP và Trinh thám Lú Bú phản ảnh. - Như Anh
Để kết thúc chuyện này cho có hậu, theo tôi các Tác giả nào thích, thông qua anh Sa Huỳnh và anh Thế Dũng ta chọn lấy 1 ngày đẹp trời nào đó, vẫn góp tiền nhau lại làm cuộc ra mắt cho “Đứa con tinh thần” đầu tiên của chúng ta thật vui vẻ, đúng tinh thần “Văn nghệ sỹ” phóng khoáng và vô tư (nướng thịt thôi chẳng hạn). Dẹp hết mọi phiền muộn sang một bên! Thơ ai người đó chịu trách nhiệm. Hay dở để độc giả phán xét. Đây là đất nước Tự do, Sách đã in xong, đã bắt đầu tới tay bạn đọc. Không ai có quyền thu hồi hay cấm đoán nó. Ai không thích thì đừng đến, nhưng Thơ thì không thể xé bỏ ra khỏi cuốn sách chung, vì đó là điều tối kỵ và vô văn hóa nhất. Mọi lỗi lầm chỉ có thể sửa đổi và bỏ ra ở lần xuất bản sau.
Chúc các anh chị hòa đồng, vui vẻ và mở lòng đón nhận “Đứa con” yêu của chúng ta và hãy trân trọng nó!
Còn những ai lỡ làm điều gây xáo trộn Cộng đồng, làm phiền và xúc phạm người khác, cũng nên có một câu xin lỗi và rút đơn từ lại cho đẹp mặt giới “Văn Thơ” Việt tại Đức
Đài Trang
*Phụ lục 1
Cảm nhận của tôi về thơ Thế Dũng
Thơ của các Tác Giả khác có lẽ tôi không cần bàn ở  đây, vì anh SH đã giới thiệu và nhà văn Đỗ Trường đã nhật xét khá chuẩn và tinh tế.
Tôi xin bình một chút về thơ anh TD, những bài thơ làm cho 1 số người như anh TMT nói là “không muốn in chung trong cùng cuốn sách”
Thực ra thơ anh Thế Dũng là những ám ảnh rất đời và rất thực. Đầy khát khao, khắc khoải, xen cay đắng, nhưng đắm say tự hồn trong từng câu chữ:
“Phút giao thừa chẳng có mấy lo âu
Cả vũ trụ như một ngôi nhà ấm
Pháo khoe tiếng – Rượu phô mầu say đắm
Những mảnh đời vỡ vụn cũng ngân nga….” 
Đọc thơ TD, tôi bị cuốn hút vào những hình ảnh mà anh vận dụng, nó kỳ lạ và rất thâm thúy:                                               “Lẽ nào?
Tôi chỉ là tro nóng?
Trong Hỏa Sơn trụy thai?”
Có lẽ cách ví von rút ruột của anh bị vài kẻ tầm thường hiểu theo nghĩa trần trụi của câu từ, nên mới có những lời chê trách, song tôi lại thấy ở đây một nhân tài.
Nỗi khắc khoải của một kẻ tha hương sẽ mất Quê hương không còn lối về, nếu Tổ Quốc bị kẻ thù dùng quyền lực mềm bao trùm lên tất cả, lúc đó ở nơi viễn xứ này cuộc đời không còn ý nghĩa nữa, nó thô thiển, trần trụi và ...kể cả tình yêu đôi lứa cũng không thể đơm hoa kết trái giữa cảnh hỗn mang:
 “Lẽ nào không đẻ đái?
Giao hợp chỉ để chơi?
Lẽ nào mình tuyệt tự?
Trong cõi Ma lẫn Người?
Thơ của anh trôi theo dòng tình cảm dữ dội và mãnh liệt, nó thoát thai từ sâu thẳm hồn anh, nó trăn trở, quằn quại vì nỗi đau cùng chia sẻ với Quê Hương, Dân tộc.
Khi đọc bài “Mẹ VN không chỉ nhìn ra biển” như một “Sử thi” của anh, tôi biết: dầu tất cả đó là sự thật, việc thật, những đau đớn khôn nguôi của một tâm hồn nhạy cảm cho nỗi mất mát lớn lao của cả một Dân tộc, nhưng nó làm cho những kẻ hèn nhát an phận thủ thường hoảng sợ. Họ không muốn “đụng chạm”, họ sợ “sự trả thù”, họ vin vào “sự tin tưởng” mù quáng, để có thể giấu mình vào những vần thơ nhợt nhạt, rên rỉ, chênh chao. Nói đúng ra họ sợ sự thật đang làm chính họ vỡ mộng! Nhưng lịch sử thì không thể  đổi thay, không thể “tô hồng” theo ý muốn ai đó.
 “Mẹ Việt Nam không chỉ nhìn ra Biển… 
Những nẻo rừng Hồi, rừng Quế Lạng Sơn
Những cánh rừng đầu nguồn đã bị ngoạm
Bị chiếm bằng những hợp đồng cạm bẫy 50 năm……
Hốt hoảng nhận ra Trung Quốc trúng thầu 30 trọng điểm?”
“Việt Nam - Không chỉ nhìn ra biển
Ngẫm chín hướng mười phương để lập thế sơn hà!
Việt Nam - Không chỉ nhìn ra biển
Uống Dân chủ -Đa nguyên Thần-Trí sẽ thăng hoa”
Và có lẽ cũng vì “sợ điều gì đó” mà một bé gái 11 tuổi ở Praha khi trao bức tranh vẽ con chim hòa bình dang đôi cánh hướng về Hoàng sa – Trường Sa đành phải dấu tên chăng?
Khi đọc bài “Tên em là Nguyên khí – Việt Nam ơi!”, TD đã làm tôi gai người lên vì xúc cảm qua những câu thơ:      
 “Lẽ nào em cũng sợ bị bỏ tù?
Lẽ nào em cố tình ẩn danh để tránh họa biệt giam?
Đau thương thế Việt Nam?
Tang tóc vây quanh đầu xanh ngực trẻ?”
“Ơi, bé gái tha phương
Tâm hồn mười một tuổi
Mà non nước hai vai
Đôi cánh chim nặng gánh
Cát vàng và Cát Dài
Hoàng Sa và Trường Sa”…..
Mặc dù thơ của anh theo thể tự do, phóng khoáng, nhưng vẫn giữ được vần và giai điệu, lúc thì thầm xót xa, lúc trào dâng mãnh liệt, lúc cuồn cuộn như thác đổ căm hờn, lúc lại dạt dào cảm xúc tới ứa nước mắt.
Tôi thấy mình thật may mắn khi được thả trôi cảm xúc trong thơ anh, và bị nó cuốn theo đến những dòng cuối cùng.
Chạm vào thơ anh, tôi chợt thấy mình nhỏ bé và khờ khạo.
                                                                                    Đài Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét