"Thơ 10 năm", một mảng trầm tích
vùng Kinh Bắc
Đặng Văn Sinh
Với 30 tác giả, 236 bài, tập "Thơ 10 năm" (2001- 2012)
thêm một lần ghi nhận sự đóng góp của các nhà thơ Kinh Bắc vào gia tài văn học
Việt Nam. Vì được tuyển chọn khá kỹ lưỡng bởi những nhà biên tập có nghề, lấy
chất lượng nghệ thuật làm tiêu chuẩn, nên Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang đã có
được một thi phẩm đáng đọc do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành vào cuối năm 2012.
Tuy vậy, nếu làm một phép thống kê qua "Thơ 10
năm", cho dù thơ Bắc Giang xưa nay luôn đứng thứ hạng cao so với mặt bằng
cả nước, thì người đọc vẫn không mấy yên tâm khi buộc lòng phải xếp các thi
nhân Kinh Bắc vào lớp người... xưa nay hiếm. Trong khi ấy, lực lượng kế cận
hình như vẫn còn ... đang ở cuối trời xa. Thật vậy, trong số 30 tác giả được
tuyển lần này có 5 nhà thơ đã qua đời, nếu gộp tất cả, tính từ cao xuống thấp,
ta sẽ được một con số không mấy lạc quan. Ấy là, U80, 1 vị; U70, 9 vị; U60, 16
vị; còn U50 được gọi là "trẻ" cũng chỉ có 4 vị nhưng cũng đã đến
ngưỡng 55.
Nói như vậy, tuy tuổi già nhưng "Thơ 10 năm"
không già. Đó không phải là một nghịch lý. Lịch sử văn học đã hơn một lần chứng
minh, độ phát sáng của thi ca nhiều khi
tỷ lệ thuận với tuổi đời.
Tuy rằng lục bát là thế mạnh của quê hương Quan họ,
nhưng lần tuyển này, số lượng lục bát chỉ dừng lại ở con số 61 bài, chiểm tỷ lệ
25,7%. Phần còn lại, nhiều nhất là thơ tự do, tiếp đó là thơ thất ngôn, ngũ
ngôn đoản thiên, tứ tuyệt và trích đoạn trường ca. Có lẽ nhận thấy thơ tự do
với số lượng câu chữ không hạn chế, vần điệu cũng như niêm luật ít bị bó chặt
như thi pháp lục bát hoặc Đường thi, từ đó tạo ra một không gian thoáng đãng
hơn để diễn đạt ý tưởng, nên các nhà thơ nhất loạt chuyển đổi hình thức chăng?
Cũng cần nói thêm, số lượng tuyển bình quân trong
"Thơ 10 năm" lần này của Bắc Giang đủ để đánh giá một giai đoạn phát
triển. Người nhiều thì 11 bài, người ít thì 1 bài, phổ biến từ 5 đến 9 bài, tạo
nên một tuyển tập đa phong cách mà nhìn vào đó người đọc dễ dàng nhận ra cả một
hành trình thơ dung nạp đủ các khuynh hướng sáng tác cũng như khát vọng vươn
đến cái đẹp trong cuộc sống hiện đại với vô số những thăng trầm.
Tuy lục bát chỉ chiếm một phần tư số lượng nhưng hầu
hết mỗi tác giả đều có ít nhất một bài. Trường hợp nhà thơ Tân Quảng là ngoại
lệ. Tất cả 11 bài của anh đều là lục bát. Có vẻ như đối với Tân Quảng, lục bát
đã ăn vào máu thịt. Nhà thơ đồng hành với lục bát trên mọi phương diện, chuyển
sang thể loại khác hình như không hợp với tạng của anh.
Ba mươi tác giả được tuyển lần này phần lớn đều là
những gương mặt tên tuổi của làng thơ Kinh Bắc. Đó là những cây bút đã gặt hái
được không ít thành công sau cả một đời sống chết với nghề, một thứ nghề đã
không có bổng lộc mà đôi khi còn vướng vào hệ lụy.
"Thơ 10 năm" là tích hợp của những phong
cách, là chân dung tinh thần mang đậm phong vị Kinh Bắc mà điểm nhấn của nó là
diễn ngôn của dòng hoài niệm, suy ngẫm về nhân tình thế thái và sự trăn trở đi
tìm chính mình trong cuộc đời đầy sóng gió như là một sự chiêm nghiệm.
Trầm lắng nhưng có sức lan tỏa ở chiều sâu văn bản,
được diễn đạt bằng lớp ngôn ngữ dung dị giầu sắc thái biểu cảm có thể xem là
đặc trưng thơ Bắc Giang nói chung và "Thơ 10 năm", nói riêng. Tuy vẫn
còn một số bài nặng về hình thức truyền thống, câu chữ dễ dãi, ý tưởng nhạt
nhòa, nhưng nhìn chung, đây là một tuyển tập nghiêm túc, loại bỏ được thứ tư
duy ồn ào, mòn sáo, đi sâu vào thế giới tâm hồn, tạo nên vẻ đẹp cả về hình thức
biểu đạt cũng như những thông điệp nghệ thuật.
Những tác giả góp phần làm nên hồn thơ Kinh Bắc, khiến
người đọc phải bâng khuâng mỗi khi cầm cuốn "Thơ 10 năm" phải kể đến
Tô Hoàn với bài "Rêu xưa" và "Những lúc không biết làm
gì...". Ở bài "Rêu xưa" Tô Hoàn có một kiểu ẩn dụ thời gian và
ký ức thông qua hình ảnh "rêu" khá là khác người khi mà hầu hết mọi
hình ảnh đã thuộc về qua khứ này cùng một lúc được "gọi về" trong
trạng thái "liêu xiêu". Màu xanh vượt qua thời gian hữu hạn như là sự
minh chứng cho tính trường tồn gợi cảm giác mông lung huyền hoặc, còn những con
chữ thì như có phép lạ chuyển hóa vào nhau tạo nên một bài tứ tuyệt đẹp bởi sức
nặng ngôn từ. Đến bài "Những lúc không biết làm gì...", trong cái đơn
giản đến lạ kỳ, anh hạ một câu làm người đọc sửng sốt:
"Những lúc
không biết làm gì ta hay ra vườn
Mảnh vườn nhà ta
toàn những cây chân lấm"
Sự khác người ở Tô Hoàn là ở mỗi bài thơ anh luôn tìm
được tứ lạ, sau đó khai thác tứ ấy đến tận cùng để tạo ra hiệu ứng cao nhất
trong quá trình xử lý bố cục. Tô Hoàn sử dụng câu đầu "Những lúc không biết làm gì ta hay ra vườn"
như một kiểu nói chơi của anh nông dân nhàn hạ, để rồi sau mỗi lần nhắc lại,
anh lặng lẽ gài vào một thông điệp nghệ thuật.
Tân Quảng thì toàn "chơi" lục bát. Các bài
"Đoản khúc tháng ba",
"Ngồi buồn cắn chắt",
"Viết trong ngôi nhà cũ" có thể nói là những vần thơ được chắt ra
từ mưa nguồn chớp bể, từ nỗi nhọc nhằn cay đắng của người nông dân chân lấm tay
bùn:
"Trai làng
lên tỉnh làm thuê
Bến xe thì chật,
vỉa hè thì đông"
"Đoản
khúc tháng ba"
Đọc đến câu: "Cả
đời những ước cùng mong/ Chở thuyền vỏ trấu qua sông đói nghèo" thì
dường như cái hồn của ca dao đã nhập vào lục bát Tân Quảng trong nỗi chua chát
đến tận cùng. Thế cho nên mới nói, lục bát Tân Quảng là lục bát đồng quê bắt
nguồn từ ca dao nhưng lại không phải là ca dao bởi anh đã hiện đại hóa lục bát
truyền thống theo cách riêng của mình. Cũng như Tô Hoàn, Tân Quảng rất hay tạo
tình huống bất ngờ:
"Ngẩng đầu
nhìn dải khói bay
- Ơ... đàn cò
trắng cũng say la đà"
"Điếu
cày"
Lục bát Tân Quảng gần như không có câu thừa. Nhà thơ
sử dụng một số chữ tối thiểu để chuyển tải một lượng thông tin nghệ thuật tối
đa mà thủ pháp chủ yếu là ẩn dụ nhiều tầng.
Với "Nàng
Tô Thị", Nguyễn Xuân Hồng đem đến cho người đọc một cảm quan mới về
huyền thoại người thiếu phụ bồng con chờ chồng hóa đá. Đó là bi kịch chồng lên
bi kịch nhân sinh khi anh đưa ra ý tưởng đôi chim tìm đến làm tổ trên ngực pho
tượng, để rồi con chim bố đi mãi không về tạo nên một cảnh tượng đau lòng:
"Chim mẹ hót rưng rưng/ Chim con nấc
thiêm thiếp" khiến cho:
"Nàng Tô Thị
rùng mình
Một dòng nước
trôi dọc gò má đá"
Cũng như Nguyễn Xuân Hồng, nhà thơ Kim Ô đã về cõi
vĩnh hằng nhưng hồn thơ như vẫn còn vương vấn đâu đây. Chỉ với bài "Trách" và "Hai câu" của ông cũng đủ làm nên
gương mặt thơ sáng giá của vùng đất Phủ Lạng Thương xưa. Thơ "Hai câu" của Kim Ô giống như những
cách ngôn về nhân tình thế thái bởi phong cách triết lý hồn nhiên, dân dã mà làm
người đọc phải suy ngẫm:
"Đương thời
coi trời bằng vung
Khi già lậy cả
cái gậy"
Còn đây là "phản biện" thấp thoáng nụ cười
của tác giả bênh vực dã tràng khi liên tưởng đến công sức của các nhà thơ:
"Ai bảo dã tràng công chẳng có / Nó
đã giúp nhiều cho các nhà thơ", rồi cuối cùng anh đưa ra một triết lý
vô cùng nghiêm túc đối với những người cầm bút:
"Chỉ có cánh
đồng gieo trồng mơ ước
Không có cánh
đồng gặt hái ước mơ"
Duy Phi là nhà thơ còn viết cả nghiên cứu phê bình và
dịch thuật thơ chữ Hán. Anh vừa qua đời ở tuổi 71, để lại sự nghiệp văn chương
dang dở, nhưng chỉ với 11 bài tuyển, người đọc cũng thấy được anh đang trăn trở
đổi mới phong cách mà trước hết phải kể đến bài "Ghềnh Ráng". "Ghềnh Ráng" lấy cảm hứng từ câu thơ "Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe" của
Hàn Mặc Tử, tác giả nhìn nhận Ghềnh Ráng như là nơi linh địa hội tụ khí thiêng
sông núi xuất sinh những thi nhân nổi tiếng một thời làm nên những thi phẩm để
đời như Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế lan Viên. Bài thơ làm theo thể
"hành" nhuốm màu hiệp khách giang hồ như một khúc du ca đầy cảm hứng
trước một thiên nhiên hùng vĩ mà bí ẩn. Bài thơ dường như lấy xê dịch làm điểm
tựa, coi thiên nhiên là bầu bạn, gió trăng, rượu và du hồn cố nhân chính là
chất men kích thích cảm hứng. Điều thú vị là, anh coi thơ như một dạng thức
"hành khất", tựa vào đá bốc lên nhờ "men rượu ngàn năm":
"Tựa đá mang mang/ Thơ hành khất/
Men rượu ngàn năm chôn dưới đất/ Còn mất/ Đầy vơi?/ Khát người trăng gió/ Mượn
đĩa đầm Thi Nại hớp trùng khơi".
Trong khi ấy, Chu Ngọc Phan lại thả lỏng hồn như một
khách lãng du tìm về sườn tây Yên tử "Hát
khúc du ca...". Thiên nhiên Yên Tử hiện ra như một vùng cổ tích đầy ắp
huyền thoại tạo nên vẻ đẹp bí ẩn, hoang dã bằng ngôn ngữ thơ thấp thoáng chất
liệu "Then" của cộng đồng các dân tộc Tày Nùng:
"Dừng chân
trên lưng trời Yên tử
Nơi ông bà vẫn
thắp đèn đêm đêm
Tiếng họa mi hót
bài ca tiền sử
Ta bồng bềnh làm
khách quý
Giưa thiên
nhiên..."
Từ 9 bài được tuyển của Vũ Từ Sơn, có hai bài tứ tuyệt
rất đáng chú ý là "Đêm sơn cước"
và "Mưa phố Thắng". Trong
"Đêm sơn cước", Vũ Từ Sơn
nhờ "Gió cõng tiếng cồng lên đỉnh
núi" đầy chất lãng mạn trong một không gian hoang sơ của cánh rừng
tiền sử, để rồi ngay sau đó, tiếng khèn dập dìu của chàng trai vang lên thả "sợi
chỉ hồng" đến với nàng sơn nữ tạo nên một bức tranh bằng ngôn ngữ khá là
sinh động:
"Gió cõng
tiếng cồng lên đỉnh núi
Trăng gùi câu hát
tới bản bên
Anh thả tiếng
khèn vang rừng vắng
Buông sợi chỉ
hồng đến với em...".
"Đêm
sơn cước"
Đã có không ít nhà thơ đến Tam Đảo, viết về mây ngàn
và Thác Bạc Tam Đảo, thậm chí còn tìm được những tứ lạ khi ngay giữa mùa hè,
mây trắng vẫn thường xuyên ghé phòng văn thăm thi khách. Tuy nhiên, cảm nhận về
Tam Đảo qua cái nhìn có chiều sâu, phát hiện ra sau cảnh nhộn nhịp, phù phiếm
của điểm du lịch nổi tiếng phía Bắc này là sự thật đắng lòng làm người đọc phải
suy nghĩ thì chỉ có một Nguyễn Anh Thân qua bài thơ "Lạc mùa":
"Hết thú bốn
chân, đại gia săn những con mồi hai chân
nhòe nhoẹt tiếng
cười mở cỡ
bùng nhùng khói
mây
lơ ngơ kẻ sĩ lạc
mùa!"
Phải nói, Nguyễn Anh Thân khá tỉnh táo sau đợt dự Trại
Sáng tác Tam Đảo. Với tư cách nhà thơ, anh chua chát nhận ra một điều, mười lăm
ngày sống với mây trời Tam Đảo chỉ như là chuyện phù du sau khi đã "bôi hỏng những trang giấy trắng":
"Tôi lỡ tiêu
hoang nửa tháng vào chuyện phù du và bôi
hỏng những trang
giấy trắng
Buồn ngu ngơ
Nay xa rồi, nhớ
những đám mây cổ sinh,
nụ cười giễu cợt
của Thượng đế".
Thơ Thân Văn Tập luôn suy ngẫm về nỗi thăng trầm thế
sự nhưng lại có khuynh hướng duy cảm tuy chẳng rõ căn nguyên khi anh viết bài
"Đánh cờ". Đây là một trạng
thái cảm xúc khó định hình, hơn nữa, lại không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ thông
thường. Việc đánh cờ chỉ là thứ yếu, mà cái chính là dòng ký ức cứ lần lượt hiện
ra song hành với mỗi nước cờ. Đành rằng khi đọc ai cũng hiểu đằng sau ván cờ là
chuyện đời được tác giả lồng vào như một thủ pháp ẩn dụ. Thân phận con người,
các mối quan hệ xã hội, những giá trị văn hóa và dư âm chiến tranh dường như
vẫn còn là câu hỏi lớn cho cho cuộc sống hôm nay:
"Vào thế
Chạnh buồn
Nghĩ về những
người chơi khác
Khi cất nhắc quân
Còn
Đi nước
lạc..."
Thơ Đỗ Vinh thường tìm được những tứ "độc",
nhưng kỹ thuật khai triển cả về chiều sâu và chiều rộng trên nền suy tưởng qua
khá nhiều trải nghiệm nhân sinh của anh còn "độc" hơn. Toàn bộ văn
bản hầu như đều được hình thành qua kỹ xảo đồng hiện, từ đó tạo nên những đại
tự sự khá hoàn chỉnh của thi pháp thơ cổ điển. Các bài "Gặp Nguyễn Bính ở Ga Kép" và "Bầy trâu nhai lại" được xem như
diễn ngôn giầu chất triết lý của một cây bút tuy đã quá bảy mươi nhưng xem ra
vẫn còn sung sức. Bài "Gặp Nguyễn
Bính ở Ga Kép" có hai khổ Đỗ Vinh viết theo dòng thơ "du ca"
làm người đọc phải cúi đầu suy ngẫm:
"Nào vội vã
lên ông
cụ Sếp ung dung
thì mặc Sếp
cậu Ký ngồi ngâm
loại thơ tình nhãi nhép
ông chấp làm gì
nơi ga Kép nghêu ngao
(...)
con tàu chợ thời
bấy giờ sao mà lắm khói
ông gạt đi gạt
lại mãi luân hồi
chiếc vé trên tay
ông không phải vàng mười
nhờ ông mà ga Kép
giàu lên vô khối".
Trong "Bầy
trâu nhai lại", ở khổ cuối, tác giả nhắc đi nhắc lại từ "cỏ"
với bốn sắc thái khác nhau biểu đạt cái tình buồn trong cảnh vắng. Đó là
"cỏ áy", "cỏ Đạm Tiên", "cỏ nào..." và "cỏ
xưa". Đương nhiên tất cả "cỏ" ấy đều nằm trong một trường liên
tưởng, tuy nhiên, bởi sắc thái khác nhau nên hiệu ứng thẩm mỹ cũng khác nhau.Trong
khi ấy, hình ảnh "bầy trâu đã già cỏ
xưa kiệt sức/ dài dài nhai lại lời lời xanh xao" làm ta phải ngả mũ
vái chào. Câu thơ rõ ràng đã thoát khỏi phương pháp cổ điển, phá vỡ cấu trúc
truyền thống, buộc người đọc phải có cách tiếp nhận trên cơ sở một hệ thẩm mỹ
mới.
Từ nhan đề "Tửu hành", Anh Vũ khắc họa chân
dung nhà thơ Văn Cao qua cách nhìn của một "tửu đồ" đa tài. Nét bút
song hành cùng nét cọ, từ một khoảnh khắc chuếnh choáng, nhà thơ bất ngờ làm sống
lại thần thái tác giả "Tiến quân ca". Nhan đề là "hành"
nhưng thực chất lại là ba bài tứ tuyệt, trong đó, mỗi bài lại ký họa một Văn
Cao với những đường nét, góc cạnh như một "Chàng hiệp sĩ bước qua xác mình/ nhấp nhóa súng gươm thời máu lửa".
Con người từng có những phút giây tận cùng vinh quang và tận cùng khổ đau ấy đã
vĩnh viễn ra đi nhưng tư cách kẻ sĩ của ông còn mãi với thời gian:
"Vóc hạc
triết nhân râu tóc gió
cần chi người
nhắc buổi ban đầu
rượu trắng vô
danh lưng chén nhỏ
chất đời chất lửa
ngấm chừng nhau"
Nhân xem tranh Đông Hồ "Đám cưới chuột",
Nguyễn Hoạt viết "Đêm tân hôn".
Bài thơ cùng một lúc như song hành hai đám cưới, một của chuột và một của người
với hai hoàn cảnh khác nhau, hai cấp độ văn hóa ứng xử khác nhau, nhưng dường
như lại cùng một tâm thế. Từ cách miêu tả cô dâu theo kiểu phúng dụ của loại
truyện cười dân gian "Cô dâu chuột
giống cô dâu ta ít nói/ Cô dâu ta giống cô dâu chuột đỏ môi" đến những
cặp hình ảnh "kiệu" - "Toyota"; "thịt tươi" -
"thịt chín"; "áo dài, com lê, cà vat" - "nơ đen, áo
trắng, lông hôi" lần lượt xuất hiện trong sự so sánh ngộ nghĩnh làm không
ít độc giả băn khoăn. Tuy nhiên đó chỉ là phần đề dẫn cho một ý tưởng nghệ
thuật. Hai câu cuối cùng mới phần nào hé mở được ẩn ý tác giả nhưng vẫn phải
cần một cách lý giải bằng chính sự trải nghiệm của người đọc:
"Đêm tân hôn
Mà lệ chảy cõi
người"
Trịnh Kim Hiền có ba bài ngũ ngôn trường thiên trong
số 11 bài được tuyển. Ngũ ngôn Trịnh Kim Hiền gần với đồng dao mà mạnh ở kỹ
thuật miêu tả phong cảnh cùng với cách gieo vần linh hoạt.
Ngũ ngôn Trịnh Kim Hiền khá uyển chuyển, khi thì như
lời tự bạch về một ký ức thời trai trẻ như ở bài "Sông Cầu sông
Thương": "Hương đồi dung dăng/
Qua miền Quan họ/ Bao nhiêu liền chị/ Dùng dằng mớ ba"; khi thì trầm
lắng suy ngẫm về quy luật cuộc sống cùng sự biến đổi của vạn vật (Cây xấu hổ):
"Khi mở thì xanh/ Khép vào lại tím/
Lá cũng trêu mình/ Gai chờ trực chiến". Đến khi kết thúc bài ngũ ngôn,
tác gia đột nhiên tạo ra một liên tưởng bất chợt với bao ẩn ý gói kín trong lời
đồng dao:
"Quên mà xấu
hổ
Như là không quen
Bao nhiêu bí ẩn
Một tòa thiên
nhiên".
Với "Mẹ ngồi têm nắng", lục bát của Trần Đức
Đủ đã bước một bước dài từ hiện thực ca dao sang "hiện thực huyền ảo".
Chỉ có 7 câu lục bát, bài thơ hiện lên như một pho tượng đài tinh thần người mẹ
Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc bằng ngôn từ. Cái độc đáo của
Trần Đức Đủ là anh không cần sử dụng
hoặc nhân danh các cuộc chiến tranh của mọi thời đại để tôn vinh người mẹ. Đó
là người mẹ qua động tác "têm nắng" được nhắc đi nhắc lại bốn lần với
những cung bậc khác nhau, càng về cuối nội hàm càng được mở rộng, cấp độ thẩm
mỹ gia tăng. Điểm tựa của bài thơ không phải là khói lửa chiến tranh mà là "E khi nắng lửa mưa sa thất thường".
Hình ảnh "Mẹ ngồi têm nắng bên thềm"
trong một không gian của ký ức một đi không trở lại:
" Mẹ ngồi
têm nắng bên thềm
Giọt thời gian
rụng ướt mềm ca dao
(...)
Mẹ ngồi têm nắng
bên mành
Rót hồn xuống đất
cội cành nở hoa"
Tuyển "Thơ 10 năm", xét đến cùng, chỉ là
phần nhỏ ghi nhận một chặng thời gian, vì thế chưa thể nói hết được cái hay,
cái đẹp của thơ Bắc Giang vốn là miền đất văn hóa Quan họ giữa hai dòng sông.
Tiềm năng của các thi nhân Kinh Bắc là vô cùng phong phú, đa dạng. Chúng tôi
không có tham vọng và cũng không đủ sức viết tất cả, chỉ xin góp đôi dòng.
Những tác giả chưa được nhắc đến không phải thơ không hay mà bởi số trang tạp
chí dành cho bài điểm sách này có hạn, xin hẹn dịp khác, rất mong các nhà thơ
lượng thứ.
Chí
Linh, 23 tháng 02 năm 2013
Đ.V.S
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét