Nhãn

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Lan man về sự kiện Nguyễn Bá Thanh


Lan man về sự kiện Nguyễn Bá Thanh

Huỳnh Ngọc Chênh

Nhiều người hỏi tôi tại sao có quen biết ông Nguyễn Bá Thanh và sự kiện ông ấy ra Hà Nội đang gây ra dư luận xôn xao lại không có một chữ bình luận nào. Thấy mọi người đã viết quá nhiều nên định không viết gì thêm, nhưng bạn bè thúc ép quá nên cũng cố gắng viết đôi lời lan man về nhân vật đồng hương đang nổi như cồn nầy.

Khi viết về nhân vật nầy, hay bất kỳ nhân vật nào, thì phải biết đứng từ hệ quy chiếu nào, không thể viết bừa khi chưa xác định được mình đang đứng ở đâu.
Từ sau 75, tôi sống cùng quê Hòa Vang, cùng thời với Nguyễn Bá Thanh khá lâu nhưng lại không hề biết đến ông ta. Mãi về sau nầy khi vào Sài Gòn làm báo rồi được cử ra Hà Nội theo dõi viết về quốc hội thì  mới quen biết ông ta- chưa thân thiết lắm nhưng cũng có thể thỉnh thoảng vào phòng ông ta ở nhà khách quốc hội, “trấn lột” một cây ba số hoặc một chai rượu gì đó nhằm sưởi ấm lòng những ngày đông rét giá xa nhà ở Hà Nội.
Với cá nhân tôi, ông là người tốt. Ông có giúp đỡ tôi đôi việc khi tôi nhờ vả. Giúp tận tình. Một lần thầy giáo cũ của tôi là thầy PTK có tranh chấp nhà đất gì đó với nhà bên cạnh mà bị chính quyền quận xử ép vì có tư ý với bên kia, thầy nhờ tôi và tôi đã điện cho ông, lúc đó là chủ tịch thành phố. Ông đã giúp đỡ nhiệt tình, nghe nói đã bỏ cả thời gian xuống tận nơi thầy PTK ở để xem xét giải quyết (nhưng chuyện tranh chấp ấy có lẽ hơi phức tạp, tuy chính quyền quận hết o ép nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa giải quyết xong)…
Tóm lại, ông là người tốt với tôi, tôi biết ơn ông. Nhưng đối với quê hương xã Hòa Xuân của tôi, ông chưa tốt lắm và nhất là đối với làng đạo Cồn Dầu bên cạnh làng tôi, ông bị dân ở đây kết án là người tàn nhẫn.
Xã Hòa Xuân của tôi nằm sát cạnh Đà Nẵng nhưng lại bị chia cách bởi con sông Cẩm Lệ nên rất là quê mùa và khốn khó trăm bề. Dân quê tôi từ bao đời luôn mơ ước có một chiếc cầu bắt qua bến Đò Xu, nối liền với Đà Nẵng để đổi đời. Sau gần 30 năm hòa bình, cho mãi đến những năm đầu của thế kỷ 21 thì ước mơ cỏn con ấy mới chuẩn bị thành hiện thực. Cây cầu bắt qua Đò Xu được triển khai thi công. Cọc được đóng qua sông, chuẩn bị đúc đà và lao dầm. Dân quê tôi hân hoan mừng rỡ, mong ngóng từng ngày để chờ lúc cây cầu vươn ra nối đôi bờ. Thế nhưng sau đó chẳng hiểu vì sao, công trình được lệnh của ông Thanh cho ngừng lại, cọc đóng xuống rồi lại cho nhổ lên. Dân cả xã bàng hoàng thất vọng và không biết chuyện gì đã xảy ra. Mãi đến về sau nầy thì dân quê tôi mới vỡ lẽ ra. Vì có một nhóm tư sản đỏ nào đó đề nghị quy hoạch toàn xã Hòa Xuân thành một khu du lịch sinh thái nên phải ngưng ngay chuyện làm cầu để trả tiền đền bù thấp và để dễ giải tỏa dân. Sau đó thì toàn xã nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt rồi chuẩn bị dọn đi. Lúc ấy bản vẽ của cây cầu khác bắt qua xã Hòa Xuân đã nằm trên bàn ông Thanh. Khi xe ủi bắt đầu đến ủi nhà dân, thì cây cầu cũng bắt đầu được thi công và chỉ sau một năm thì hoàn thành. Người dân Hòa Xuân nhìn chiếc cầu Hòa Xuân to đẹp bắt qua sông Cẩm Lệ, nối liền quê nghèo của mình với thành phố Đà Nẵng mà ngậm ngùi cay đắng. Té ra cây cầu được xây lên không phải để phục vụ người dân nghèo khó bao đời theo cách mạng ở đây mà để phục vụ cho dự án gọi là du lịch sinh thái, nghĩa là phục vụ cho nhóm lợi ích trùm tư sản đỏ. Đền bù người dân chỉ vài chục ngàn một mét vuông, thế mà chỉ mới phân lô trên bản vẽ, các ông trùm này đã rao bán mỗi mét vuông đến hơn 10 triệu đồng. Người dân mất nhà và mất ruộng quê tôi nay thất nghiệp đã chửi đổng lên: Khu du lịch sinh thái cái đếch họ, cũng chỉ là một tuồng “thành kính phân lô” để chia chác lợi khủng.
Trong khi dân các làng khác đành lòng chịu nhận tiền đền bù rẻ mạt để dỡ nhà đi thì dân làng Cồn Dầu cương quyết không chịu di dời. Nhưng rồi bị o ép quá, họ cũng chấp nhận di dời nhưng yêu cầu được giữ lại nhà thờ đã xây dựng từ mấy trăm năm và nghĩa trang của làng đạo cũng có từ khi lập làng. Chính quyền không đồng ý, dẫn đến việc đàn áp bắt bớ … như dư luận đã biết.
Ông Thanh cày trắng cả làng tôi trong đó có nhà cửa, ruộng vườn của tổ tiên giòng họ tôi khai phá từ hồi theo Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, tiếp nối hơn 11 đời để lại, làm tôi không khỏi đau lòng thắt ruột mỗi khi về thăm quê. Nhưng tôi cố nuốt đau vào trong vì chuyện chung ở khắp mọi nơi chứ không chỉ riêng quê tôi và không phải chỉ riêng nhà tôi. Tuy nhiên việc cày trắng làng đạo Cồn Dầu bên cạnh làng tôi thì tôi thấy xót xa và mất mát cho cái chung lớn quá không thể vì cảm tình riêng với ông mà không lên tiếng ra đây.
Dân Quảng Nam, phần lớn rất kiên cường, ngang bướng rồi lại cực đoan và thủ cựu nên dù có điều kiện tiếp xúc với phương Tây rất sớm và rất thuận lợi thông qua Cửa Đại- Hội An nhưng người Quảng Nam không dễ dàng gì nghe theo lời các ông cố Tây bỏ đạo ông bà để vào đạo Công giáo như ở một số tỉnh phía Bắc. Cả một vùng đất Quảng Nam rộng lớn kéo dài từ đèo Hải Vân vào đến Quảng Ngãi mà chỉ có vỏn vẹn ba làng theo đạo. Đó là các làng Trà Kiệu, Hòa Sơn và Cồn Dầu (một số xóm đạo ở Đà Nẵng là phần lớn do giáo dân từ miền Bắc di cư vào lập nên sau 1954).
Ba làng đó phải được xem như là chứng tích giao lưu văn hóa giữa phương Tây và Việt Nam từ rất xưa cần phải được bảo tồn. Do vậy ngôi làng đạo Cồn Dầu quý hiếm ấy cần phải được giữ lại và chỉnh trang cho đẹp lên chứ không phải bị cày trắng một cách thô bạo và tàn nhẫn. Rất tiếc ông Thanh, hoặc chưa đủ tầm văn hóa để nghĩ ra điều này hoặc là do sự thúc bách từ lòng tham vô độ của đám tư sản đỏ mà ông Thanh phải chiều theo…
Nhưng dù sao, ông là người đồng hương quen biết cũ. Do vậy hôm nay nghe tin ông ra Hà Nội nắm giữ chức tước quan trọng, có thể vào được BCT, đường quan lộ tiếp tục hanh thông thăng tiến…tôi rất mừng cho ông và chúc ông được thuận buồm xuôi gió, công việc tốt đẹp, có thêm được người hầu kẻ hạ, thêm được nhà cao cửa rộng ở Hà Nội như các quan lớn TW khác để nở mày nở mặt với tổ tiên, với bà con, bạn bè và đồng hương.
Ngày xưa, một đồng hương của tôi là ngài Hoàng Diệu đã ra làm tổng đốc Hà Nội và đã để lại tiếng thơm với sử xanh nhờ cai trị dân thanh liêm và kiên cường chống giặc dù công cuộc đánh giặc giữ nước của ông thất bại. Ông là quan văn tay yếu chân mềm, triều đình Huế lại cử ông làm tổng đốc giữa tình thế dầu sôi lửa bỏng, nắm trong tay cả một lực lượng chính quy đông đúc để trấn thành nhưng lại bị ảnh hưởng tư tưởng đầu hàng của triều đình, nên giặc Pháp kéo ra chỉ một nhúm vài trăm thằng, bắn vài phát đại bác, quân ông đã bỏ chạy tán loạn, chỉ còn lại một mình nên ông phải treo cổ tuẫn tiết. Trong khi đó, chỉ với một toán quân ô hơp từ miền núi kéo về, Lưu Vĩnh Phúc và Hoàng Tá Viêm đã đánh một trận tiêu diệt gọn đoàn quân vừa chiến thắng của giặc Pháp, trong đó có cả chủ tướng Henry Rivière. (Điều nầy cho thấy quân Pháp hồi đó không ghê gướm lắm, nhưng triều đình Huế quá khiếp nhược, chỉ lo tính chuyện đầu hàng để tồn tại, làm tiêu tán tinh thần chiến đấu của quân đội- “Triều đình” bây giờ nhớ lấy đó làm gương) (Wikipedia)
Một đồng hương nữa của tôi là ông Nguyễn Tường Tiếp, ra Bắc làm quan không lập nên danh phận gì nhưng ông để lại những người cháu nội hết sức tài hoa là các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam… đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền văn học mới, để lại tiếng thơm cho muôn đời.
Sau năm 1945, một vài đồng hương khác của tôi có ra trung ương làm lớn nhưng cũng chỉ là những cái bóng mờ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng tiếng tăm lừng lẫy là do có được từ thời hoạt động trong phong trào Duy Tân với các cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp… rồi bị đày đi Côn Đảo, chứ không phải có được trong giai đoạn ra tham gia chính phủ Hồ Chí Minh. Những ông BCT sau nầy chẳng thấy ai có đóng góp gì lớn để lưu dấu ấn kể cả ông Võ Chí Công làm đến chức chủ tịch nước. Có một ông rất sắc sảo, ra Hà Nội đóng góp vào sự nghiệp đổi mới thời Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh nhưng rồi lại bị cho về vườn nửa chừng do sự nghiệp đổi mới bị chựng lại sau khi ông Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đi dự hội nghị quy phục Thành Đô. Đó là ông Hồ Nghinh. Ông là một người cộng sản rất nho học và uyên bác. Ông mà tiếp tục được thì hy vọng sẽ làm rạng danh cho đất Quảng. Nhưng đấy là giả dụ vậy thôi vì những người trí thức uyên bác như ông hay như cụ Huỳnh, dễ gì tồn tại được trong hệ thống độc đảng này.
Bây giờ thì đồng hương Nguyễn Bá Thanh ra, chưa biết ra sao? Chưa biết ra sao, nhưng trước khi ra đã tạo nên dư luận xôn xao từ trong nước ra đến nước ngoài với nhiều luồng ý kiến khác nhau như vậy thì cũng tự hào lắm rồi, hiếm có người như ông.
Nhưng đó là suy nghĩ lan man về ông Thanh trên hệ quy chiếu cá nhân riêng tư và ở góc độ đồng hương cục bộ của tôi. Cần phải nhìn ông Thanh ở hai hệ quy chiếu khác nghiêm túc hơn. Hệ quy chiếu từ bên trong hệ thống và hệ quy chiếu từ bên ngoài hệ thống.
Nhìn từ trong hệ thống, ông Thanh là một người làm chính trị có năng khiếu bẩm sinh, là một sản phẩm đích thực và trọn vẹn do chế độ nầy tạo thành với cái mác “100% made in/ by Đảng” .Ông thuộc thế hệ con cái của gia đình có công với cách mạng, được gởi ra miền Bắc học hành. Ông tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, sau 75 về lại quê nhà, bắt đầu sự nghiệp chính trị bằng chức chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, rồi từ đó từng bước đi lên cho đến cương vị ngày nay. Nếu ông không có bản lĩnh chính trị, không giỏi đấu đá nội bộ thì e khó tồn tại ở cái ghế chủ tịch thành phố Đà Nẵng chứ đừng nói đến chuyện đi lên như ngày nay. Nhưng cũng vì những chuyện đấu đá quá mạnh tay với các đồng chí của mình mà ông đã chậm một bước lên trung ương.
Ông là một người hoạt động thực tiễn năng nổ, dám nói, dám làm, vừa có tính quyết đoán lại vừa biết cách thuyết phục mọi người nên đã làm thành công nhiều việc gây tiếng vang lớn. Chủ trương đổi đất lấy hạ tầng không phải mới mẻ, nhiều nơi đã làm rồi, được thì ít mất thì nhiều, nhưng khi tới tay ông, ông đã làm cho Đà Nẵng nhanh chóng bật lên để từ một thành phố bé nhỏ đìu hiu trở thành một thành phố bề thế và xinh đẹp. Ông vượt qua các thách thức là nhờ phần lớn vào thành công này bên cạnh tài năng đấu đá của ông.
Vì làm từng đoạn, tùy vào tình hình tài chính, nên quy hoạch Đà Nẵng có những khiếm khuyết nhất định.  Nhưng đứng trên toàn cục mà nói thì làm được như vậy là khá lắm rồi. Khác Nguyễn Bá Thanh thì cũng khó có ai làm được và làm nhanh gọn dứt điểm như thế. Không đến nỗi như giáo sư Phạm Toàn nói là “không có Thanh thì Đà Nẵng còn đẹp hơn”.
Tuy nhiên vì thành phố đi lên nhờ vào đất đai là chính nên bây giờ khi thị trường nhà đất đang xì hơi, doanh nghiệp bất động sản cạn vốn và có nguy cơ phá sản vì không bán được hàng, ngân sách thành phố khô kiệt và đang gặp rất khó khăn. Mới đây thành phố phải chủ trương bán trái phiếu để vay tiền từ xã hội nhằm cứu nguy trước mắt. Nhưng rồi tiếp theo nữa, tình hình nhà đất cứ đóng băng kéo dài thì lấy chi trả nợ và lấy tiền đâu ra để hoạt động? Ông Thanh ra đi để lại một thành phố khá hào nhoáng nhưng cạn tiền cùng với món nợ không nhỏ. Những người kế nhiệm ông ắt phải gặp không ít khó khăn.
Người ta thấy ông Thanh hay quát nạt thuộc cấp và những người nầy răm rắp cúi đầu không dám có một chút phản ứng. Người ta cũng thấy thuộc cấp của ông kể cả những vị chủ tịch và phó chủ tịch thành phố chỉ là bóng mờ bên ông. Ngay cả ông Tuấn Anh bây giờ đang đường đường ở ghế bộ trưởng Bộ Thể thao Văn hóa Du lịch, trước đây là chủ tịch thành phố dưới quyền ông Thanh cũng mờ nhạt đến nỗi dân gian đã đưa điều ấy vào đồng dao và dường như dân Đà Nẵng ai cũng thuộc làu và công nhận là đúng:
      Trời của Thanh, đất của Thanh
      Con chim trên cành cũng của Thanh
      Con chim trong q. mới của Tuấn Anh.
Nhiều người khen ngợi ông Thanh về điều đó, vì ông sáng quá nên ai đứng cạnh cũng bị mờ,  nhưng theo tôi đó là điều đáng chê bai. Ông Thanh thể hiện sự độc đoán và tỏ ra kém cỏi trong công tác tổ chức (hoặc là quá giỏi tổ chức theo ý đồ riêng của ông). Ông đã xây dựng một bộ máy gồm phần lớn những người bất tài và xu nịnh. Kẻ xu nịnh và bất tài thì không hề dám phản ứng lại cấp trên khi bị nhiếc mắng. Do vậy khi ra đi, ông còn để lại cho Đà Nẵng thêm một gánh khó nữa bên cạnh gánh khó về tài chính.
Tuy nhiên nhìn toàn cục, ông vẫn là sản phẩm tốt nhất của hệ thống hiện nay dù ông có mắc ít nhiều khuyết điểm. Nhưng ông có phải là thánh đâu mà không có khuyết điểm. Ngay cả người được hệ thống nầy phong thánh là ông Hồ Chí Minh thì cũng mắc khuyết điểm đấy thôi. (Cải cách ruộng đất đưa đến cái chết oan ức bao nhiêu dân lành là một trong những sai lầm của ông ấy).
Trong hệ thống, sau thất bại thảm thương trong việc chỉnh đảng và trị tham nhũng, nhiều người kỳ vọng vào ông Thanh, bám vào cái phao ông, khi ông được đưa ra Hà Nội để giữ ghế trưởng ban nội chính của đảng. Các đồng chí của ông và dân chúng đang chán ngán và tuyệt vọng mong rằng ông sẽ là một Bao Công mặt sắt đen xì, đủ tài đức tiêu diệt “bầy sâu bự” đang nhung nhúc khắp nơi.
Nhưng rồi cũng không ít ý kiến ngược lại. Không tin ông làm được gì trong tình thế hiện nay và cũng không tin mấy vào đức độ và quyền năng của ông để ông có thể làm gì.
Theo tôi, muốn đánh giá đúng tác dụng của ông khi đảm nhận chức vụ mới thì phải biết trong đầu ông ta đang nghĩ gì, đang muốn gì.
Nếu ông cho rằng đây là lúc phải để lại dấu ấn với đời, công tâm lao hết mình vào cuộc chiến chống tham nhũng, không cần e dè để giữ ghế, một mất một còn với đám tham ô thì tôi tin rằng, ở chừng mực và ý nghĩa nào đó, với bản lĩnh của ông, ông cũng sẽ làm thành công. Đó là điều tốt đẹp giúp cải thiện phần nào bộ mặt của hệ thống. Chỉ thế thôi.
Nếu ông nghĩ rằng đây là cơ hội bắt đầu cho sự thăng tiến, ra nhậm chức để tiếp tục đi lên cao hơn để cuối đời hưởng được vinh hoa phú quý ở đỉnh cao như các ông vua tập thể khác thì ông chẳng dại chi thực lòng chiến đấu. Ngoài mặt ông sẽ hô to nhiều lời bỗ bã gây ấn tượng (như ông đã từng làm và ngay mới hôm qua ông đã hô) nhưng bên trong, ông ngấm ngầm thỏa hiệp với các thế lực khác để được chia chác cả lợi ích lẫn chức quyền cao hơn. Đây là con đường dễ đi và đi theo mục tiêu nầy, tôi tin rằng với bản lĩnh chính trị khôn ngoan của ông, ông cũng sẽ thành công. Có khi ông lên đến thủ tướng, chủ tịch nước hoặc tổng bí thư không biết chừng. Dĩ nhiên là khi ấy việc cứu chữa hệ thống như nhiều kẻ ngây thơ mong đợi tiếp tục thất bại.
Đó là đứng nhìn từ trong hệ thống.
Còn đứng từ hệ quy chiếu bên ngoài thì sao?
Ông Nguyễn Văn An nói hệ thống nầy bị lỗi. Nhưng đúng ra phải nói rằng hệ thống nầy xây dựng trên nền tảng là chủ nghĩa Mác- Lê nin, mà nền tảng đó, nói theo TS Hà sỹ Phu là đã sụp đổ từ trong lý luận lẫn ngoài thực tiễn. Không thể trám trét vết nứt của một ngôi nhà xây trên một cái nền đã sụp. Một hệ thống như vậy thì không thể sửa lỗi bằng cách vá víu được, lại càng không thể vá víu bằng sự trông chờ vào một cá nhân nào đó là sản phẩm của hệ thống nầy.
Ông Thanh hay mười ông Thanh cũng thế. Giống nhau tất, đều là sản phẩm của hệ thống.
H.N.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét