Bàn về sự ngụy biện của ông Nguyễn Trần Bạt
Trần Mạnh
Hảo
Trên blog Lớp AO – Khóa 9 có in bài nói chuyện của ông Nguyễn Trần Bạt
với các nhà lý luận chính trị hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam với nhan đề :"Tôi làm hết sức mình để 'giải độc' cho thế hệ trẻ"- Nguyễn Trần Bạt.
(Qúy bạn
đọc có thể đánh từ khóa : “Nguyễn Trần Bạt nói chuyện với các nhà lý luận chính
trị” vào website : http://google.com
là tìm được bài này). Chúng tôi xin phép trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn
Trần Bạt về một số nội dung trong bài diễn thuyết này của ông.
Chúng tôi
xin trích lại “Lời dẫn” của bài chủ như sau:
“Lời dẫn – “Tuần sau, cả nước đi bầu…
Tén ten tèn ten…”. Sự kiện lớn trong đời sống xã hội là dịp để mỗi người suy
ngẫm về trách nhiệm công dân. Với thế hệ chúng ta, có một việc quan trọng và ý
nghĩa nữa là làm sao để thế hệ trẻ của đất nước sáng suốt và mạnh mẽ hơn cha
anh với trách nhiệm công dân của mình. Cũng nhân bài viết của Châu Sa về bầu cử
tại Singapore, xin trân trọng giới thiệu với các bạn nội dung Tọa đàm giữa
ông Nguyễn Trần Bạt và các cán bộ nghiên cứu Học viện Chính trị-Hành
chính Quốc gia Hồ Chí Minh (Ngày 22/11/2008) về nhiều vấn đề liên quan tới
tư duy và phát triển. Kết nối với một số thảo luận, tranh luận trước đây trên
blog của lớp ta, tiêu đề cho bài này được chọn không trực tiếp nằm trong nội
dung, mà là quan điểm của Tác giả khi viết sách, viết báo về các vấn đề xã hội.
Tôi đã thử tìm cách rút gọn nội dung tọa đàm để phù hợp với khuôn khổ
của Blog, nhưng các nội dung đề cập rất phong phú với cách tiếp cận của Tác giả
rất mạnh mẽ, trực diện, rất mở cho suy ngẫm nên tôi quyết định giữ nguyên, chỉ
trích ra để “highlight” một số câu tâm đắc. Thông tin về cá nhân và các
bài viết khác của Tác giả Nguyễn Trần Bạt có thể xem ở đây - TBV
Tôi cũng xin giới thiệu với anh Bạt về thành
phần đoàn của chúng tôi gồm:
-
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.
-
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, Nguyên Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận
Trung ương.
-
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Quang, Thường trực chuyên trách Hội đồng khoa
học, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
-
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương.
-
Thạc sĩ Lê Đức Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương.
-
Cử nhân Hoàng Thị Minh Ngọc.
Trong buổi làm việc hôm nay, chúng tôi đề
nghị anh Bạt trao đổi về 2 vấn đề nhưng thực ra chỉ là một, đó là vấn đề dân
chủ, đồng thuận, đoàn kết đối với doanh nhân và trí thức, bởi vì doanh nhân là
một đặc thù trí thức. Làm thế nào để phát huy dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã
hội đối với đội ngũ doanh nhân, làm thế nào sử dụng tốt đội ngũ doanh nhân để
giải phóng khả năng phát triển và sáng tạo của họ, và trọng dụng doanh nhân như
thế nào là hợp lý để phát huy sức mạnh của doanh nhân.
“Truyền hình trực tiếp (các Bộ
trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội) … là thông báo sự non kém của nội các với
toàn thế giới”
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi chưa nói đến đời sống trí vì tôi không
đồng ý với khái niệm gọi là tầng lớp trí thức, tôi cho rằng trí thức có mặt
trong mọi hoạt động, mọi hành vi hàng ngày của con người. Trước đây, khi anh
Trần Hoàn còn là Phó ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, trong một buổi giao lưu
với các nhà báo có sự tham gia của anh ấy, tôi có nói rằng, tôi không tin có
nhà chính trị, có người trí thức, có nghệ sỹ, có nhà báo… mà đấy chỉ là những
trạng thái khác nhau, quán xuyến những giai đoạn khác nhau trong đời sống của
con người…”… “Và tự do nói chung được định nghĩa là: Sự dịch chuyển song song
của ý nghĩ và hành vi. Ở chỗ nào ý nghĩ được biến thành hành động một cách tự
nhiên thì ở đấy có tự do…”(hết
trích)
TRẦN MẠNH HẢO ( viết tắt TMH) : Xã hội nào
cũng có một tầng lớp trí thức, ông Bạt nói như trên là ngụy biện. Hoặc là trí
thức theo quan điểm của ông Bạt phải là những người đối lập với chính quyền,
thì ông phải bảo thẳng là trong xã hội ta hiện nay, hầu như không có trí
thức.Sao ông ngụy biện à uôm vậy ?
Ông Bạt định nghĩa tự do như trên là sai, là
ngụy biện. Không phải ý nghĩ nào cũng có thể biến thành hành động. Ví dụ tôi
đang nghĩ : mình phải bay lên ba vạn thế giới như Tôn Ngộ Không, thì ý nghĩ này
không thể biến thành hành động, vậy tôi đang không có tự do hay sao? Ví dụ, tôi
đang nghĩ, đang nhớ đến người bạn gái công tác bên Pháp mà tôi không thể gặp vì
quá xa…không thể biến nỗi nhớ thành hành động yêu thương cụ thể được, vậy tôi
là người không tự do sao ?
NGUYỄN TRẦN BẠT ( viết tắt sau :NTB) :“Trong
buổi toạ đàm hôm nay với các anh, những nhà lý luận của Đảng, tôi không nói về
tự do bên trong mà tôi muốn nói về tự do bên ngoài, tức là các điều kiện vĩ mô
của đời sống con người. Nó liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó, có lẽ yếu
tố chính trị là số một. Các nhà tiền bối của chúng ta nói rằng Chính trị là
thống soái thì rất nhiều người hiểu thống soái là chỉ huy, nhưng tôi nghĩ rằng,
chính trị chỉ chỉ huy ở một số điều kiện, cho nên, phải nói là chính trị hướng
dẫn mới đúng. Nếu những yếu tố chính trị không tích cực thì rất khó để con
người có điều kiện sáng tạo và phát triển.”(hết trích)
TMH : Ông Bạt đang ngụy biện để bào chữa cho
một khẩu hiệu, khẩu lệnh rất phản động của Mao Trạch Đông chống Marx; Marx bảo
: “Kinh tế là thống soái, kinh tế quyết định chính trị”. Mao phản Marx bằng
tuyên bố : “Chính trị là thống soái”. Quan niệm này làm hư hỏng các xã hội theo
Stalin-Mao, biến nhân dân thành nô lệ cho đảng càm quyền. Ông Bạt đang ngụy
biện, chống chế cho quan điểm sai trái này bằng cách liến láu đánh quả tù mù,
đánh tráo khái niệm bảo là “thống soái” không phải chỉ huy mà chỉ là dẫn đường
thôi, chính trị là trái tim Đan-Cô dẫn đường các đồng chí ạ. Ông Bạt đang toa
rập với những quan niệm chính trị sai trái đang cầm quyền của 5 nước xã hội chủ
nghĩa còn sót lại, mà trong sách của mình ông gọi là những nền chính trị lạc
hậu nhất…
NTB : “Vấn đề thứ hai mà tôi muốn trao đổi
với các anh là Quyền lực. Quyền lực tác động một cách khủng khiếp đến khả năng
phát triển của con người. Quyền lực là nguồn gốc tạo ra nỗi sợ, và sự sợ hãi là
yếu tố trực tiếp ngăn cản toàn bộ cảm hứng phát triển.”. “ Người ta hay nói đến
sự sợ hãi gắn liền với cách mạng, chiến tranh, chết chóc… những tôi là một
người lính đã từng ra trận, đã từng đối mặt với cái chết, tôi hầu như chưa thấy
các biểu hiện sợ chết nào đó của người lính. Ở đấy người ta sẵn sàng rủ nhau hy
sinh một cách rất tập thể.” “ Tôi đã từng sống trong môi trường có hàng chục
ngàn nữ thanh niên xung phong. Lúc bấy giờ cuộc sống khổ lắm, ngay cả cái quần
lót, áo lót cũng thiếu, rồi bệnh ngoài da, bệnh sốt rét hành hạ nữa… Với tư
cách là một anh trí thức ra trận, tôi quan sát họ nhưng tôi không nhìn thấy ở họ
sự sợ chết, sợ khổ, sợ cô đơn cũng không.” (hết trích)
TMH : Trong đoạn trích trên, ông Bạt không
chỉ ngụy biện về quyền lực của nền chính trị chuyên chế ( chuyên chính vô sản)
làm người ta sợ hãi; khác hoàn toàn với nền chính trị đa nguyên do dân bầu, nên
dân không hề sợ hãi người cầm quyền ; ông còn nói rất bậy về con người, tức
người lính trong chiến tranh chỉ là những hình nhân không tim không óc : không
sợ chết, không sợ khổ, không sợ cô đơn…lao vào cái chết tập thể như thiêu thân.
Quan điểm này của ông Bạt rất phi nhân.
NTB :“Chúng ta đã nhìn vấn đề kinh tế tri
thức một cách cực kỳ đơn giản. Khi đọc những bài viết của một số giáo sư ca
ngợi nền kinh tế tri thức, tôi thấy nổi da gà, vì tôi biết rất rõ rằng nền kinh
tế tri thức có thể mang lại những tai hoạ khủng khiếp như thế nào”(hết
trích)
TMH : Một người luôn nhân danh đổi mới, nhân
danh khoa học và nhân danh toàn cầu hóa như ông Bạt mà lại đi kinh tởm và miệt
thị nền KINH TẾ TRI THỨC như trên, thì ông Bạt ơi, xin chào ông vì ông là người
của bác Sít, bác Mao còn sót lại …
NTB : “Đặt ra vấn đề đoàn kết và đồng
thuận trong xã hội, nhất là đối với giới doanh nhân và đặt ở tinh thần như thế
này thì phải nói rằng, như vậy là chúng ta quá trong sáng.”
TMH : Ông Bạt vừa nói trong sách rằng nền
chính trị độc quyền không do dân bầu ra, dân không có tự do ở xã hội ta, nay
sao ông lại nịnh đảng ta thế ? Rằng ông đang khen chế độ ta đồng thuận và đoàn
kết trong sáng quá. Abraham Linconl từng nói đại ý : dân chủ là lá phiếu,
là phải hỏi người dân rằng thưa quý ngài, quý ngài có cho phép chúng tôi được
quyền lãnh đạo các ngài không ? Từ ngày ra đời (1930) đến nay, đảng ta của ông
Bạt đã bao giờ cúi xuống mà lễ phép xin thưa với nhân dân Viện Nam, rằng thưa “
các ông chủ”, các ông chủ có cho phép bọn đầy tớ chúng em được lãnh đạo các ông
chủ lần nào chưa ?
NTB : “Bản chất của tự do là tạo ra
những giới hạn để con người phát triển phù hợp với năng lực của nó và năng lực
của nhà quản lý.”
TMH : Câu văn trên là điển hình cho sự ngụy
biện của ông Bạt : sao lại “ BẢN CHẤT CỦA TỰ DO …LÀ GIỚI HẠN ? Tự do nghĩa là
càng ít giới hạn càng tốt. Sao lại càng nhiều rào cản càng tự do. Giống y khẩu
hiệu đại ngụy biện của “nhà giáo dục” Xô Viết Macarenkô thời Stalin nói ngược
rằng : “KỶ LUẬT LÀ TỰ DO !”. Cứ đà này, diễn theo ông Bạt, ta có thể nói : độc
tài là tự do…he he he he. Điều bốn hiếp pháp là tự do…Còng số tám là tự do…
NTB : “Nếu chúng ta xây dựng một
phong trào chính trị để tìm kiếm sự đồng ý với Đảng thì sẽ rất khó và là ảo
tưởng. Nhưng nếu chúng ta tạo ra một cơ cấu xã hội để mọi người đồng thuận với
nhau và mọi người có thể đồng thuận với sự hướng dẫn chính trị trong từng việc,
trong từng nhiệm vụ, trong từng giai đoạn thì đấy mới chính là một cách thức
tiếp cận hợp lý đến khái niệm này.”
TMH : Mệnh đề trên ông Bạt càng nâng tài ngụy
biện của mình lên chót vót phi lý, khó nghe. Trong các cuốn sách của mình, ông
Bạt từng khẳng định, nếu xã hội chỉ có một lực lượng chính trị duy nhất thì
nhân dân bị tước quyền lựa chọn, nghĩa là bị tước quyền tự do. Nay ông Bạt lại
phán ngược lại rằng có thể tìm thấy tự do trong xã hội độc đảng , tìm thấy đồng
thuận VỚI SỰ HƯỚNG DẪN CHÍNH TRỊ TRONG TỪNG VIỆC, TỪNG NHIỆM VỤ…nghĩa là nền
chính trị đơn cực ấy chia lẻ ra từng vụ việc, từng hành vi lời nói, từng suy tư
thì một đảng cũng vẫn tự do…
“Trí thức
chân chính luôn luôn đối lập một cách tự nhiên đối với nhà cầm quyền”
NTB : “ Nếu các anh các chị bảo tôi sai
thì tôi sẽ im, lý do rất đơn giản là tôi là người tôn trọng tính đa dạng của
đời sống. Nguyên lý tư tưởng của tôi là tôn trọng sự đa dạng tự nhiên, bởi vì
nó là bản chất của cuộc sống. Cũng như lúc đầu tôi nói là không thể ghép đa
nguyên và đa đảng được. Chúng ta có thể ngăn chặn sự đa đảng nhưng chúng ta
không tiêu diệt sự đa nguyên được bởi vì đa nguyên là bản chất của cuộc sống.
Về mặt chính trị chúng ta không cho phép đa đảng, hay chúng ta chưa được thành
lập đảng chính trị vào giai đoạn thế kỷ thứ XXIII chẳng hạn, đó là quyền của
những người cầm quyền. Khi anh vẫn cầm quyền tức là anh vẫn có quyền”.
TMH : Đoạn văn trên chúng tôi khá khen cho
ông Bạt trước các nhà lý luận của đảng độc quyền vẫn dám nói lên một sự thật :
rằng các anh có thể cấm đa đảng nhưng bản chất cuộc sống vẫn cứ là đa nguyên.
NTB : “Trong quá khứ, hầu hết các
Đảng Cộng Sản trên thế giới, đều đã từng làm việc này. Họ xây dựng nền văn hoá
để kiểm soát xã hội về mặt thái độ chính trị, xây dựng đội ngũ công nhân để làm
chỗ dựa, làm lực lượng chính trị, xây dựng đội ngũ trí thức làm trí khôn chính
trị, tức là những người cầm quyền luôn muốn biến xã hội trở thành lực lượng của
mình, công cụ của mình mà quên mất rằng làm như vậy sẽ khiến cho xã hội không
còn tự do nữa.”
TMH : Đoạn này ông Bạt nói rất đúng : Dưới sự
lãnh đạo của các đảng cộng sản, xã hội không thể có tự do.
NTB : “ Trí thức chân chính luôn luôn đối
lập một cách tự nhiên với nhà cầm quyền”
TMH : Hoan hô người trí thức Nguyễn Trần Bạt
dám đối lập với chính quyền cộng sản vô cùng căm thù đối lập ( mà đối lập là
linh hồn biện chứng pháp Mác –xít)
“Giữ gìn bản sắc là một khẩu
hiệu không lành mạnh“
NTB : “Tôi có nói trong quyển sách này là
cái di chứng của cách mạng không phải là chết chóc mà là sự sợ hãi. Và sự sợ
hãi các di chứng của cách mạng không chỉ có trong người dân mà có ngay trong cả
những người lãnh đạo, những người cầm quyền.Các cuộc cách mạng luôn kéo theo sự
sợ hãi, sự bất ổn định tinh thần, làm con người dừng lại không sáng tạo. Nếu
như chúng ta tạo ra một trạng thái yên ổn thì mọi người đều có thể là tư tưởng
của riêng mình, mọi người đều có thể trở thành nhà khoa học của riêng mình. Do
đó, tỷ lệ con người có năng lực sáng tạo sẽ lớn hơn, phổ biến hơn và điều đó
làm cho nhân loại trở nên tiết kiệm hơn. Cho nên, luận điểm của tôi là luận
điểm nhân loại không còn đủ sức chịu đựng các cuộc cách mạng. Nói cho cùng, các
cuộc cách mạng diễn ra trong thực tế đời sống của lịch sử nhân loại cũng không
nhiều lắm, mà hậu quả của nó đã ghê gớm như vậy. Sự sụp đổ của Liên bang Xô
viết là kết quả của cách mạng. Nhân cái đà đấy, người ta đã tạo ra một quốc gia
là kết quả của sự cưỡng bức rất nhiều thứ. Và nói rằng cách mạng là một cơ hội
lớn cho rất nhiều kẻ cơ hội.”
TMH : Đoạn văn dài dòng trên ông Bạt nói mình
ớn cách mạng đến tận cổ. Rằng cách mạng thay đổi xã hội lần nữa thì có mà tan
xã hội ta đang đồng thuận đoàn kết trong sáng hôm nay. Ông Bạt tỏ ra dị ứng với
các loại cách mạng cam quýt nhài nhiếc…vừa qua lắm lắm. Hãy xây dựng hòa bình
vĩnh cửu để đảng ta lãnh đạo ít nhất là đến thế kỷ thứ XXIII…như ông đề cập tới
trong bài nói…
NTB : “Cứ xem các bài báo của Việt kiều là
các anh có thể nhận ra và phân loại được ngay. Văn phong của một anh Việt kiều
ở Đức khác hẳn với văn phong của anh Việt Kiều ở quận Cam, văn phong của anh
Việt Kiều ở quận Cam khác hẳn với văn phong của anh Việt Kiều ở Washington DC …
Họ vẫn nói xấu những người cộng sản nhưng nếu được chụp chung ảnh với những
người lãnh đạo cao cấp thì họ vẫn rất sung sướng. Đấy là sự thật.”
TMH : Đoạn văn trên là văn tấu hài của ông
Bạt đưa anh Việt kiều bên Âu Mỹ ra chọc quê …Hình như ông Bạt muốn nói rằng ông
Võ Văn Ái bên Pháp, ông Ngô Nhân Dụng ( Đỗ Qúy Toàn) bên Mỹ chửi cộng sản rất
hay nhưng bụng muốn về chụp ảnh với các bác Sang- Trọng-Hùng-Dũng lắm lắm A men
!
NTB : “Tôi không nghĩ rằng dân chủ hóa thì
nhân dân sẽ chống Đảng, ngược lại, có khi nhân dân còn công kênh Đảng lên. Nếu
người ta biết chắc rằng các anh đang tổ chức và lãnh đạo một tương lai mà ở đó
nhân dân tự do thì nhân dân rất sợ các anh bỏ đi. Các anh không tưởng tượng
được rằng nếu Đảng làm được như thế thì xã hội rất sợ Đảng bỏ đi. Giữa việc nếu
ta đi thì họ níu và việc bắt họ phải chịu đựng ta thì việc nào hơn?”
TMH : Hình như đoạn văn trên cũng là văn tấu
hài của ông Bạt. Đảng bảo đảng đã mang tự do hạnh phúc cho dân ta gấp tỉ lần tư
bản. Ông Bạt thay mặt dân xuýt khóc chỉ vì sợ đảng không thích lãnh đạo bỏ dân
ta lại mà đi chơi theo ông Tập Cận Bình hay theo ông Marx Lenine phiêu diêu cõi
đại đồng trước dân, bỏ ông Bạt và dân mồ côi mồ cút …Ông Bạt khuyên mọi người
nhanh tay níu áo, níu chân đảng lại, đừng để đảng bỏ đi chơi không thèm lãnh
đạo, bỏ dân tộc Việt Nam bơ vơ khóc sưng mắt mà ơ ơ khơ khơ …
Sài Gòn ngày 26-9-2012
T.M.H
Bài nói của ông Nguyễn Trần Bạt lấy từ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét