Nhãn

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Truyện ngắn Mai Huy Thuật

Các ngài lãng phí quá

Truyện ngắn của Mai Huy Thuật
(Trích trong tập truyện ngắn QUÊ HƯƠNG, NXB Văn hóa dân tộc, năm 2000)



N
hư mọi thứ bèo bọt, phù du trên một dòng sông lũ, khi gặp xoáy nước đều tụ lại, quấn lấy nhau để rồi khoảnh khắc sau đó, ra khỏi vòng xoáy, lại mỗi thư một nơi, nổi trôi theo số phận của mình.
Lũ chúng tôi cũng vậy. Trong đợt tuyển mười nghìn người đi lao động ở Trung Đông, những bạn bè, những người quen biết, thân sơ trong ngành, ngoài ngành, bỗng chốc lại gặp nhau, lại quần tụ với nhau trên một công trường đầy nắng gió và cát trên thung lũng con sông Tigre thuộc xứ sở của những câu chuyện thần thoại "Ngàn lẻ một đêm", tưởng như từng quen thuộc và từng cuốn mình từ thủa học trò nhưng lại cũng vô cùng xa lạ và nghiệt ngã đối với những kẻ đi tìm miếng cơm manh áo trong lúc khó khăn này.
Người ta cứ tưởng sang đây chỉ cần mang theo một cái cuốc chim và một cái bao xác rắn là có thể hốt được vàng và đô la, vừa làm nghĩa vụ giúp nước, vừa thực hiện giấc mộng của nhà, cứu lũ con đang sức ăn sức lớn mà chẳng mấy khi được một bữa no nê, cứu được bà mẹ già từng nuôi mình ăn học, bây giờ tuổi ngoại bảy mươi, mắt mờ chân chậm mà cứ phải nay ở với con này vài bữa, mai chuyển sang nhà con kia vài bữa, tháng có ba mươi ngày, gặp tháng ba mươi mốt ngày, không biết mẹ dựa vào đâu?
Trước khi đăng ký xin đi, người ta đã nhẩm tính với nhau, sau hai năm lao động, mỗi người sẽ thu được bao nhiêu "cây", bao nhiêu "que". Vì vậy, mỗi suất đi chuyến này có giá lắm.

Và cũng bởi vậy mà mấy ông cán bộ tổ chức, mấy ông làm trích ngang trích ngửa, mấy bà y tế phen này cũng vô cùng bận rộn và khó nhọc, do mấy nhẽ : ba cái anh có tí huyết áp cao, hắc lào, đau mắt hột..., hoặc chẳng có bệnh gì đáng chết nhưng để chắc ăn cũng đều phải tìm đến ngành y, xin cho được một cái giấy chứng chỉ sức khỏe tầm cỡ dành cho phi công vũ trụ. Vị nào mà có tí lý lịch không rõ ràng, có tí lem nhem hoặc có khi lại quá sáng sủa, trong như gương Tàu nhưng muốn làm cái đạo chắc, vẫn phải xin gặp riêng các ông phụ trách nhân sự, phụ trách an ninh chính trị. Những cuộc tiếp xúc kín kín, hở hở đến là vui và cảm dộng, kẻ vào người ra tấp nập, thu thu, giấu giấu những gói, những bọc, những cái phong bì gọi là để bồi dưỡng - phải gạch đít thật đậm và viết hoa chữ "bồi dưỡng". Chứ kẻ nào vạ mồm mà bảo đấy là đồ hối lộ, của đút lót thì cứ liệu hồn! Như vậy là vu cáo, là có thể bị truy tố theo Luật Hình sự như bỡn...
Chưa bao giờ ngành chúng tôi có một đợt xuất quân hùng hậu như vậy, Nhà  nước ta có một chuyến xuất khẩu lao động quy mô như vậy - mười ngàn người cho một hợp đồng chứ ít ỏi gì đâu!
Đã gọi là xuất khẩu thì phải nói đến chất lượng hàng. Điều này xin gọi là miễn góp ý.
Kỹ sư xin đi làm thợ sắt, thợ nề, thợ mộc. Thợ nề thợ mộc "chánh hiệu con nai" được đôn lên làm đốc công. Chuyên viên bậc một, bậc hai, bậc vân vân, chỉ khiêm tốn xin đi trồng cây, làm vườn. Vợ tướng, vợ tá vật vã mãi mới đăng ký được chân tạp vụ, cấp dưỡng, quét nhà tiêu. Ấy là chưa kể đến giaos sư, tiến sĩ sang đây chỉ xin một suất đứng chia canh trong nhà bếp hoặc phát bánh mỳ, phát sữa chua cho khẩu phần ăn sáng... Thôi thì đủ mặt anh hào, chức sắc thuộc sở, thuộc viện, thuộc bộ, thuộc xí nghiệp, công ty v.v..., từ hiệu trưởng, hiệu phó, chủ nhiệm khoa trường đại học này, trường trung học nọ, đến giám đốc, phó giám đốc sở nọ, sở kia; còn lại tèng tèng trưởng phòng, phó phòng, trưởng ban, phó ban thì xe chở đấu đong, đếm không xuể.
Phần lớn là những kẻ khố rách áo ôm, suốt đời chưa được đi đâu, chưa được ngành, được bộ ban phát cho một chút ân sủng nào, nay tuổi trên dưới năm mươi mà đang lúc cơ quan kẻ làm thì ít, người ăn thì nhiều nên được chiếu cố cho đi một chuyến cuối cùng, trước khi về hưu, đuổi gà cho vợ.
Một phần là những vị đề bạt không đề bạt được, cất chức không cất chức được, như cái nhọt đầu đanh của ngành, của bộ, âu là tạm gán cho một chức gì đó, vô thưởng vô phạt trong đoàn người lao động, xong việc, hết nhiệm kỳ, xin mời các vị về vườn theo chính sách, thế là êm chuyện.
Một phần, không nhiều lắm, sang đây là để chạy tội. Ở nhà, chẳng may "Những việc cần làm ngay" mà rờ tới thì chỉ có nước rũ trù, nay nhân lúc nhập nhoạng, che tạm cái ô rách, lỉnh đi cho khuất mắt, sau hai năm về là hòa cả làng. Tiền tôi "múc tát" được ở Trung Đông và tiền tôi ăn cướp được của nhân dân hòa vào làm một, anh nào mà chõ vào, hạch sách, thanh tra, tôi sẽ cào mặt ăn vạ, la làng to hơn cả tiếng la của Chí Phèo.
Nghĩa là, trong cái cộng đồng người Việt Nam bên dòng sông Tigre này, chúng tôi có đủ hạng người - người ngay có, kẻ gian có, người hiền có, kẻ bạo có, suýt được tuyên dương anh hùng và chiến sỹ thi đua có, mà tiền án tiền sự cũng có - quây quần thành một cái làng lâu nay dược mệnh danh "làng Vũ Đại", đông vui đáo để. Ngoài những thành quả lao động mà chúng tôi cống hiến cho đất nước chủ nhà thể hiện bằng một con đập chắn ngang sông Tigre, cao lừng lững như đập sông Đà, bằng những đêm mưa tuyết mù trời mà dây chuyền sản xuất bê tông cho móng nhà máy thủy điện vẫn hoạt động không ngừng, không nghỉ, nêu những tấm gương đáng cảm động về tinh thần lao động và kỹ năng lao động của người Việt Nam ta đâu có thua kém gì ai... Ngoài những cái đó, chúng tôi còn lập được những băng buôn lậu thuốc tây có tầm cỡ quốc tế, những vụ trôm cắp khiến hải quan sân bay B. phát rùng mình. Việc giết một người bạn, vứt xác ra bờ sông để đoạt vài trăm đô la có lẽ nên xem là chuyện vặt, có gì mà sứ quan ta và cơ quan an ninh bạn phải quan tâm(!). Ấy là chưa kể các chuyện đĩ điếm, rượu chè, cờ bạc, đâm chém nhau vỡ đầu toác mặt, coi như cơm bữa. Anh em bảo có thế mới vui, mới là Việt Nam.
Trong hoàn cảnh ấy, tôi và Trữ gặp nhau. Kiếp người bèo dạt mây trôi. Kể từ ngày hai đứa chúng tôi cùng chung một tổ học tập ở một công trường chính, cùng đắp một cái chăn rách và chia nhau từng năm xu khoai quà sáng, đến nay đã ba mươi năm có lẻ.
Ra trường, tôi xung phong vào đoàn khảo sát đi dọc các triền sông Đà, sông Hồng, sông Lô, sông Chảy v.v..., để lập quy hoạch chinh phục những nguồn thủy năng giầu có của đất nước mình. Cái ba lô vải bạt quanh năm rỗng tuếch, chỉ lỏng lẻo có vài bộ đồ lao động, một cuốn "Thép đã tôi thế đấy" và vài cuốn sách tự học ngoại ngữ, vài tập thơ Nguyễn Bính, Chế Lan Viên... nhưng đầu óc luôn đầy ắp những ước mơ, mộng mị về một xã hội công bằng, tốt đẹp, mình vị mọi người (chứ mọi người có vì mình hay không thì tôi đâu có biết).
Hơn ba mươi năm lẽo đẽo theo các đội khoan, các đội đo đạc ở thượng nguồn các dòng sông với những bữa cơm độn sắn, độn khoai và những trận sốt rét rừng đã kỷ niệm cho tôi một mái đầu rụng lưa thưa và một nước da hổ giun, vừa den bủng, vừa vàng xạm.
Thỉnh thoảng lắm, do hết sức ngẫu nhiên, tôi mới được tin về Trữ. Nghe nói con đường của anh khá phẳng phiu, thành đạt. Anh được phân về một viện nghiên cứu, sau đó đi học chuyên tu rồi đi nghiên cứu ở Ba Lan với một đề tài gì đó liên quan đến đê điều.
Bữa gặp Trữ ở "làng Vũ Đại" bên sông Tiger này, tôi ớ ra. Trong anh hơi gầy nhưng được cái trắng trẻo và vẫn toát lên vẻ nho nhã cố hữu của cán bộ bàn giấy. Tôi ớ ra bởi cái nhẽ thấy anh đi đôi ủng quá rộng cỡ, khoác cái tạp dề vải cao su, đang quét dọn cầu tiêu.
Sau hơn ba mươi năm mới gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi ôm lấy nhau và, giống như mấy bà già thèm chuyện, chúng tôi muốn ngay một lúc kể hết cho nhau nghe những gì tích tụ trong một phần ba thế kỷ mà đời mình đã trải. Anh nói năm anh ở Ba Lan về, chỉ mang theo toàn sách. Đồ xa xỉ duy nhất là một máy quay băng cổ lỗ sĩ, trông như cái tráp thầy bói, vừa dùng để nghe nhạc, vừa dùng để học thêm ngoại ngữ. Đến nay cái máy ấy mang bán cho hàng đồng nát cũng không ai mua. Số sách anh mang về, những quyển quý giá thì trong một cơn bốc đồng, anh biếu thư viện cơ quan, cuối năm được bầu là lao động tiên tiến và được phát một tờ giấy khen. Số còn lại, thực ra cũng chẳng mấy dịp đọc đến, mỗi khi vợ ốm con đau anh lại cắp đi vài ba quyển bán cho cửa hàng sách cũ, thạm chí có cuốn bán giấy cân không đắt.
Anh được cơ quan giao cho một đề tài nghiên cứu về chế độ dòng chảy của các con sông lớn của đất nước mình trong thế kỷ thứ hai mươi mốt. Từ nay đến thế kỷ hai mươi mốt còn khối thì giờ nên có rất nhiều thời gian để anh đi xếp hàng cá mè, cá biển, mua rau muống, cám gà và thuốc chốc đầu cho thằng bé út, sinh ra dã còi cọc và lắm sài đẹn. Vợ anh là người đàn bà đẹp nhnwg hay cáu gắt, luôn luôn ca cẩm: biết lấy phó tiến sĩ mà khổ thế này thì hồi ấy chị đã nhận lời lấy một anh phó mộc. Còn ở cơ quan, do cái nết quá lành, không bè cánh, không nịnh bợ, nên anh gần như bị bỏ quên, giống như một con dao cùn lưỡi bị rơi xuống cầu ao, cứ chìm nghỉm, chẳng ai buồn mò, buồn vớt. Những chuyến đi hội thảo ở Hà Lan, Anh, Úc, Thái Lan... dài ngày, ngắn ngày, thường người ta chọn những anh nói to chứ mẫu người lúc nào cũng rủ rỉ như Trữ e không hợp.
May thay, cuối năm ngoái, trong đợt ra quân ồ ạt đi lao động ở Trung Đông, ông viện trưởng và ông trưởng phòng nhân sự chợt nhớ đến Trữ, thế là anh được một suất, và cũng may là các ông ấy chiếu cố đến tạng người loẻo khoẻo của anh để gợi ý cho anh chọn lấy một trong hai nghề: hoạc làm phụ bếp hoặc làm tạp vụ, tức là quét dọn lăng nhăng. Kinh nghiệm của những người đi trước cho biết loại công việc này tuy ít tiền nhưng được cái đỡ vất vả, chứ ngữ anh, cho đảm nhận chức danh kỹ sư, liệu có kham nổi công việc ở hiện trường dưới cái nắng 55-60 độ và những đêm mưa tuyết, lạnh năm sáu độ âm hay không? Mở đầu Trữ còn có chút mặc cảm này nọ, song sang đây mới thấy, quả là các ông ấy tốt thật. Phải vai vế lắm mới được xếp một chân phụ bếp hoặc tạp vụ chứ có phải xoàng đâu! Cứ điểm qua các bếp thì rõ, toàn cỡ chuyên viên cả đấy. Ở nhà các vị hét ra lửa, quân gia sợ một phép, thế mà bây giờ, đứng chia cơm chia canh, thái độ đến là mềm mỏng, đến là dễ mến. Có khi vớ phải mấy thằng chọi quen láo lếu, kém giáo dục, vừa đứng chờ lấy cơm vừa chửi bới tục tĩu, các vị vẫn nhũn như chi chi, tỏ ra khinh chúng bằng cách giả câm giả điếc và chặc lưỡi theo kiểu A.Q "nó chửi mình cũng như chửi bố nó, sá gì!" ...
Trữ nói công việc của anh nhàn lắm. Phần anh được phụ trách hai cụm nhà vệ sinh, vừa xí vừa tắm bốn mươi ô, sẵn chổi, sẵn nước, dội ào một cái là xong, mỗi ngày, hai buổi cộng lai, không quá ba giờ đồng hồ. Với người khác, số thời gian còn lại là ra tiền ra bạc, không khâu thỏ bông, không làm con lật đật, không nấu rượu lậu thì chạy bia, chạy pepsi- cola, hay chí ít cũng làm một mẹt thuốc và hạt hướng dương ngồi bán ở góc ngã tư đường "làng Vũ Đại"... Nhưng với Trữ, trước sau vẫn là một kẻ cù lần, mọt sách. Cứ quét dọn xong hai cụm nhà vệ sinh là anh lại vơ cào cấu lấy những tờ báo đã cũ mèm và sách truyện thuộc đủ loại, từ "Sử ký Tư mã Thiên", "Anh em nhà Karamazov", "Anna Karenina"... đến các loại truyện vụ án táp nham, truyện lãng mạn kiểu "Mùa thu lá bay" hoặc truyện chưởng Hongkong, Đài Loan như "Cô gái Đồ Long", "Tiếu ngạo giang hồ" v.v... không biết anh mượn được từ nguồn nào mà lắm thế!
Có lần tôi thử gạ anh chạy chợ, anh trố mắt nhìn tôi như nhìn một thứ quái đản, sau đó mới chép miệng:
- Kể ra làm được như cậu bàn cũng tốt, thêm thắt được chút ít cho vợ, cho con, nhưng nhỡ ra bị chúng nó "trấn" cũng chết. Âu là, mình vừa không có tài, không có tiền, lại vừa không có gan thì cứ sống hèn hèn như thế này lại khỏe.
Một hôm, Trữ rối rít khoe với tôi là anh vừa ra thành phố chơi và mua được một cuốn "Don Quixote" bằng tiếng Tây ban Nha, rẻ lắm. Tôi cứ lấy làm lạ, sao một tạng người như anh mà lại say mê Don Quixote đến như vậy? Ngay từ hơn ba mươi năm trước, đắp chung nhau một cái chăn dạ rách, anh cứ rủ rỉ kể cho tôi nghe những cuộc giao tranh nẩy lửa giữa người hùng của anh với cái cối xay gió, giọng anh kể đều đều, không mấy diễn cảm, thường đưa tôi vào giấc ngủ say tít cung mây. Sáng hôm sau, vừa chia nhau củ khoai luộc, Trữ vừa trách :"Cậu chán bỏ mẹ, mình vừa kể đến một đoạn rất hay thì cậu đã ngáy khò khò!".
Gần đây nhất, cũng do mải mê với Don Quixote mà hai đứa tôi suýt bị viên kỹ sư bản địa phạt đứ đừ. Nguyên do, mặc dù đã quét dọn xong xuôi nhưng đang là giờ hành chính và vốn tính không thích trốn lủi, làm những việc khuất tất, Trữ rủ tôi ngồi ngay cạnh bể nước, vừa sưởi nắng, vừa đọc nốt một chương đầy hấp dẫn. Hai đứa chúng tôi đang như anh chàng Sancho Panza lóc cóc chạy theo vết chân của nhà hiệp sĩ trên những dặm đường đầy cát bụi và cây xương rồng thì viên kỹ sư A Rập đến sau lưng, vỗ vai chúng tôi và lạnh lùng:
- Hello! Các ông cho xem thẻ lao động. Tại sao các ông không làm việc? Các ông sẽ bị phạt!
Chúng tôi cùng bật dậy. Và bằng một thứ tiếng Anh khá chuẩn, Trữ nói rất từ tốn:
- Thưa ông kỹ sư! Bạn tôi đây là lái xe chở rác, tôi là người quét dọn vệ sinh. Chúng tôi đã làm xong công việc buổi sáng. Ông có thể kiểm tra chi tiết các ngăn toilet kia, nếu chưa được sạch sẽ, ông có thể cứ phạt. Tôi nghĩ rằng khi làm xong công việc, chúng tôi ngồi đọc sách có lẽ còn có ích hơn là chúng tôi trốn về nhà để ngủ hoặc là làm những việc khác mà các ông cũng chẳng có lợi gì.
 Thấy Trữ nói năng lưu loát, viên kỹ sư tỏ vẻ ngạc nhiên và dịu giọng:
- A! Các ông biết chữ à? Thế các ông đang đọc gì? Có phải sách chính trị không?
Tôi bực quá, bật luôn:
- Vâng, thưa ông kỹ sư, chúng tôi đều biết chữ cả; nhưng sách chính trị chúng tôi không cần đọc, cái món đó chúng tôi đã được giáo dục từ bé, bây giờ nó trở thành máu, thành thịt rồi. Cái chúng tôi đang đọc là "Don Quixote" bằng tiếng Tây Ban Nha.
Viên kỹ sư tròn mắt:
- Hả? Các ông biết tiếng Tây ban Nha? Thích "Don Quixote"? Tôi cũng thích "Don Quixote", đọc thú lắm! Chắc cá ông đều là người có học, vậy ở bên nước, các ông làm gì? Không lẽ cũng làm những công việc như thế này?
Máu sĩ diện nổi lên, tôi tuyên bố hơi có vẻ huênh hoang:
- Thưa ông, bạn tôi đây là tiến sĩ khoa học, từng du học ở Ba Lan và từng là một chuyên gia về thủy lực, từng được tham gia những dự án lớn trên các dòng sông Việt Nam, lớn không thua gì dòng sông Tigre của các ông.
- Các ông nói thật đấy chứ?
- Vâng! Thật như chúng tôi đang đứng trước mặt ông!
- Ôi, đất nước các ông, con người các ông, không thể nào hiểu được! Thế những người như ông và ông này ở đây có nhiều không?
- Thưa ông, tôi không biết rõ, nhưng chắc là không dưới con số ngàn.
Viên kỹ sư giơ hai tay lên trời và buông một câu cảm thán mà nguyên văn bằng tiếng Anh như thế này:
- My God! How wasteful you are! (Chúa ơi! Sao các ngài lãng phí thế)

                        LỜI CUỐI TRUYỆN

Trên kia là toàn văn bài viết của bạn tôi gửi về từ một nước A Rập ở Trung Đông. Và để tránh một sự hiểu lầm không có lợi cho anh ấy, tôi buộc phải có thêm vài lời cuối truyện.
Trong thư riêng cho tôi, anh viết :"...Mình không định làm văn. Mình chỉ ghi lại 101% sự thật gửi về cho cậu để nếu thấy có thể dùng được thì đưa đến tòa soạn giúp mình. Mình nhắc lại đó là 101% sự thật chứ không phải mình bịa, mình hư cấu. Nếu ai có nghi ngờ tính trung thực của những điều mình viết, xin hãy gặp chị Tường Vi, anh Đinh Thìn và các cô Hồng Nhung, Thái bảo... là những nghệ sĩ đã sang biểu diễn ở công trường mình vào dịp cuối năm 89. Tình yêu văn hóa nghệ thuật của các công dân "làng Vũ Đại" này được thể hiện trong những đêm 19, 20 tháng 12 năm 1989 đã làm cho các anh các chị ấy chết khiếp. Và có lẽ, trong cuộc đời biểu diễn đầy huy hoàng của các nghệ sĩ này thì những ngày lưu diễn ở đây đã để lại cho các anh các chị những kỷ niệm nhớ đời...".
Tôi đọc nhiều lần bài viết của bạn tôi mà lòng cứ phân vân mãi, không biết nhận xét thế nào. Vì vậy, tôi đành gửi "nguyên đai nguyên kiện" đến một tờ báo có uy tín lớn để nhờ thẩm định, đánh gí giúp.
Tháng 1 năm 1990
M.H.T
(Tuần báo Văn nghệ số 11, thứ bảy, 13/3/1990)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét