"Chẳng có cái gì cao
hơn sự thật"
Hoài
Giang thực hiện
Trò
chuyện với nhà thơ Trần Nhuận Minh
*Thưa nhà thơ Trần Nhuận Minh: khi còn làm
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh hình như ông sáng tác nhiều hơn bây giờ - khi
đã về hưu - mặc dù lúc đó rất nhiều công
việc phải làm, hay là ông đang “lặng
gió” để mai ngày “bão nổi”?
Nhà
thơ TNM: Ối chà chà! Không phải “hình
như” đâu, mà đúng là như thế đấy, ông bạn vàng của tôi ạ. Vì khi sáng tác nó
phải “hăng máu”. Khi “hăng máu” chính là lúc chịu áp lực của các công việc. Với
tôi là thế, càng bận việc, sáng tác càng thông thoáng. Thậm chí có thể càng hay
hơn cũng chưa biết chừng. Có lẽ ông cũng thế. Ví như cái Bản xônat hoang dã, cả
một tập thơ mà nhà thơ Nguyễn Đức Tùng và Đỗ Quyên ở hải ngoại coi là một bản trường
ca, “mới và lạ”, in thành một tập khá dầy, mang đến cho tôi Giải thưởng Nhà
Nước về văn học nghệ thuật lần thứ 2 ( 2007 – cùng với tập Nhà thơ và hoa cỏ),
tôi viết liên tục trong hơn 1 tháng, từ
khoảng 3g 30 đến 6g 30 hằng ngày. Sau đó
tôi còn đủ thời gian, ăn bát cơm nguội, rồi trang phục chỉnh tề để đi họp hoặc
đến cơ quan làm việc “quan” ( dù là quan dởm, cũng phải cho đàng hoàng, đúng
không ông? ) Cho nên với tôi, sáng tác thơ không đòi hỏi nhiều thời gian lắm
đâu. Một bài thơ được viết xong trên ô tô hoặc nghĩ xong trong đầu khi đang đạp
xe đạp. Có lẽ làm cái “tơ lơ mơ” nó thế, chứ viết tiểu thuyết, dù có là thiên
tài cũng phải “lăn lê bò toài” ra, đúng không, ông bạn?
* Nhiều nhà thơ khi sáng tác thường có các
trạng thái khác nhau, có người ngồi im lặng, có người đi lang thang như kẻ mộng
du... còn ông thì sao?
Nhà
thơ TNM: Tôi thì cả hai, nghĩa là vừa
“ngồi im lặng”, vừa đi ( như đi xe đạp hay đi bộ đến cơ quan ) chứ không đi
“mộng du” đâu. Tôi chả có cái “mộng ấy”
bao giờ. Lúc làm cái “tơ lơ mơ” này, tôi tỉnh như sáo, tai thính đến mức, nếu
ông nói xấu tôi mà chỉ nói thầm với bồ ở một xó nào đó, tôi cũng nghe được,
còn mắt thì tinh tường đến cái lỗ kim
cũng trông thấy từ xa, cũng chưa biết chừng. Tôi là học trò bé và gặp các bậc
thấy rất lớn của mình như Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, nhiều lần, cũng có
lúc ngồi cùng xe, ăn cơm cùng mâm với thầy để hầu thầy, tôi chả thấy các thầy
ngồi im lặng hay mộng du bao giờ. Chỉ có một thầy ngồi im lặng, tay khẽ phe
phẩy cái quạt mo, mắt lim dim… đó là lúc thầy Nguyên Hồng đang “viết” tiểu
thuyết đấy, chứ không phải làm thơ, dù thơ thầy như bài Cửu Long Giang ta ơi,
thì hay đến “khét lẹt”. Thầy là tác giả Bỉ vỏ mà đến bây giờ đọc lại, tôi cũng
vẫn còn hãi về cái tài siêu đẳng của thầy. Tôi đã có 9 tháng học thầy ở trường
viết văn Quảng Bá, Hà Nội. Phòng tôi cách phòng thầy có một cái bức vách hay
một bức tường mười, tôi không nhớ nữa, vì nó ở ngay cổng vào. Có khi trông thấy
tôi qua cửa, thầy vẫy vào, rót cho 1 chén rượu hạt mít, hơi rượu rất thơm ngon,
rồi phảy tay 1 cái, nghĩa là tôi cứ tự nhiên ngồi xuống, im lặng mà uống, tự
nhâm nhi, uống xong thì tự cút, chớ có chào hỏi nói năng gì…
* Trong
sáng tác ông sợ điều gì nhất?
Nhà thơ TNM:
NHẠT. Hay hoặc dở đều là lẽ thường, dù sao cũng có cái để mà nói, thậm chí hứng
lên có thể nói thú vị và hăng say, còn nhạt thì chịu, không có cái gì để mà nói
cả.
* Vậy
còn trong cuộc sống ông sợ nhất điều gì?
Nhà
thơ TNM: GIẢ DỐI. Nếu giả dối mà lại khôn
ngoan, tức là dùng nó như một thủ đoạn, để đạt được một mục đích nào đó, thì
tôi lại KHÔNG SỢ nữa. Đến đó thì tôi hiểu và thấy nó tầm thường rồi, có khi nó
gần với sự phản bội. Tôi yêu sự chân thành, ngay cả sai lầm, thì cái sai lầm
của người chân thành cũng vẫn đáng yêu.
* Nếu
tôi không nhầm thì trước đây ông có nói rằng muốn sáng tác hay là phải thể hiện
bằng ngòi bút, nghĩa là ông không chấp nhận đánh máy chữ thay cho cây bút khi
sáng tác. Hiện nay ông vẫn giữ nguyên quan điểm của mình?
Nhà
thơ TNM: Không. Bỏ lâu lắm rồi, ông à. Và
tôi rất vui thưa với ông điều đó. Đời người là một chuỗi sai lầm nối tiếp nhau,
chính sai lầm mới dạy mình sự hiểu biết. Trước đây (khoảng 15 năm), tôi nghĩ
không thể làm thơ lại ngồi gõ máy chữ… Nó là cảm xúc trào từ tim gan ra ngọn
bút, có khi ra cả máu nữa…. Gõ cành cạnh thì còn cảm xúc cái nỗi gì. Giờ thì
cảm xúc dồi dào nhất lại đến với tôi khi tôi gõ cành cạnh đấy, ông bạn ạ. Thì
ra thời gian… sẽ lần lượt dạy bảo mình tất thẩy mọi điều, chứ chả riêng cái
khoản gõ cành cạch…
* Giải
Văn nghệ Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh năm nay không có giải nhất về Thơ, là nhà
thơ đã cả 5 lần đoạt giải cao nhất VNHL
về Thơ, ông nghĩ sao về điều này? Và tại sao lần này ông không tiếp tục tham dự
giải?
Nhà
thơ TNM: Thực ra thì lần trước ( lần thứ
6) cũng không có giải nhất, dù giải nhất là một tập thơ của tôi, ban chung khảo
đã công bố báo chí rồi, chỉ chờ Chủ tịch tỉnh kí thì trao giải, tôi cũng xin
rút. Chính là cái Xônat hoang dã mà lúc tôi xin rút là lúc tôi được tin Chủ
tịch nước đã kí tặng Giải thưởng Nhà nước cho tôi rồi. Tôi nghĩ “được xôi thì
nên thôi thịt”. Tôi có đề nghị chọn 1 tập thơ trong số 2 tập đã được xếp giải
nhì lên giải nhất thay cho cái đã rút
của tôi, nhưng vì giải đã làm xong, chả lẽ vì thế, UBND tỉnh lại phải triệu tập
một cuộc họp thêm ư? Rắc rối lắm. Nên thôi không đưa bổ sung nữa. Cũng tiếc cho
anh em.
Lần này ( lần thứ 7), tôi có ý thức nghe ngóng. Có bạn bảo: ông nên
dự với anh em cho vui. Không dự là ông tự kiêu, cho rằng ông đã ở một đẳng cấp
khác, không chơi với chúng mày nữa. Thế cơ à? Vậy thì tôi gửi dự giải. Và nếu
được giải thì tôi lại tặng 100% tiền giải cho các cháu học sinh như tôi vẫn
thường làm ( riêng Giải Nhà nước thì tôi tặng 50 % là 30 triệu đồng cho 2
trường học). Sau có đến 4 ông bạn đã khuyên tôi nên rút, trong đó một ông nói
thẳng ra rằng: ông đã dự là nhất định ăn giải, mà có giải nhất, cũng là lẽ
thường. Giải mỗi bộ môn tối đa chỉ có 9 cái. Vậy có ông, “thiên hạ” mất 1 cái
rồi, rất có thể là mất cái cao nhất, nghĩa là có 1 người vì ông ngồi đấy mà mất
phần. Mà ông thì đã “no sôi” rồi. Thế cơ à ? Vậy thì tôi lại rút. Và tôi rút
trước khi ban sơ khảo do Hội tỉnh thành lập họp chính thức phiên đầu tiên. Sau
mới chuyển sơ khảo về nhờ Hội nhà văn Việt Nam. Tôi cảm ơn 4 ông bạn đã chân
thành khuyên tôi lời hay lẽ phải và tôi hi vọng sẽ có bạn được giải nhất, và ít
nhất bạn ấy cũng có 1 giây trong 5 năm vui vẻ mà nghĩ đến mình: cái lão “khốt”
ấy xem ra cũng biết điều đấy. Nhưng lại tiếc hơn là VƯỠN không có ai. Lần này
chấm giải toàn các “bố già” trong làng thơ Hà Nội cả. Khách quan và công tâm là
điều tôi rất tin. Hôm vừa rồi, họp ở Hải Dương, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo,
khoảng 8 giờ tối, cắp nách chai rượu tây rất xịn sang phòng tôi chơi. Cùng uống
và nói chuyện đến 1 giờ 30 sáng. Nguyễn Trọng Tạo càng nói càng hay. Ông là một
trong các “quan thơ” được mời chấm thơ Hạ Long kì này, ông nói rất rõ những tác
giả chính của giải, chứng tỏ ông đọc từng tác giả rất kĩ, nhận xét rất tinh và
đặc biệt là vô cùng thẳng thắn. Nhưng anh em nghe được, chắc sẽ không vui lắm
đâu. Lần giải sau, thì đến “nghe ngóng” tôi cũng xin thôi luôn, dù tai có khi
còn thính hơn bây giờ. Vai “đào kép rởm” tôi sắm trên sân khấu nghiệp dư đã
chấm dứt vĩnh viễn. Và điều ấy lại làm cho tôi vui là mình đã “hoàn thành nhiệm
vụ” ( dẫu sao cũng nên tự nghĩ như thế cho nó nhẹ nhõm), chỉ còn chờ… NGỎM nữa
là xong. “ Bao giờ tiễn hết bạn bè / Tớ sẽ tưng bừng chui vào trong lọ / Ở
trong ấy / Tớ sẽ nhảy muá và hát vang…”
* Ông
từng là một nhà giáo rồi là một nhà thơ – Nhà thơ Trần Nhuận Minh ngày nay có
gì khác Nhà giáo Trần Nhuận Minh ngày xưa không, thưa ông?
Nhà
thơ TNM: Khác lắm chứ. Nhưng đừng nói nhà
giáo Trần Nhuận Minh với nhà thơ Trần Nhuận Minh. Nói như thế là vận vào mình.
Cụ Nguyễn Du dạy: “Một lời là một vận vào, khó nghe”. Cho nên ta chỉ tán “tùm
lum” cái nhà giáo và cái nhà thơ nói chung mà thôi. Nhà giáo thì dạy học, với
kiến thức “duy nhất đúng” là trong sách giáo khoa, dù sách giáo khoa cũng sai
bét nhè. Anh nói đúng mà không trùng với đáp án đã soạn sẵn trong cái cõi u
minh minh ở đâu đó bên ngoài anh, thì thầy
mất nghề, mà trò đi thi là trượt “vỏ chuối” ngay tắp lự. Còn sáng tác thì trái
tim tôi mách bảo cái gì thì tôi gõ lên máy cái đó, không có chuyện đúng sai,
chỉ có chuyện hay hoặc dở mà thôi. Truyện viễn tưởng khoa học hay chuyện ma quỷ
thì đúng sai biết nói thế nào, ví như bộ truyện Tây du kí hay Liêu trai chí
dị của bên Tàu chẳng hạn. Nhưng nó hay
là nó bất tử, thậm chí đứng hàng đầu trong cõi bất tử, ấy chứ lại. Nếu là một
nhà thơ lớn, anh sẽ tự tạo ra một từ trường, ảnh hưởng trực tiếp đến khuynh hướng
phát triển của nghệ thuật…, bởi nó sẽ tự
“lôi kéo” các tài năng khác gần với anh thành một nhóm… và tự định ra các tiêu
chí, các thang bậc giá trị, bất chấp thời gian và cả các đấng cầm quyền, với
lưỡi đao chém ngọt và vạc dầu sôi sùng sục. Đỗ Phủ chả có câu ( đại ý): “Các
vua Sở hãm hại người tài thì mất hẳn
trong tro bụi, còn nhà thơ Khuất Nguyên bị buộc phải tự tử thì sáng tranh với
mặt trăng mặt trời” đó thôi. Ngay nhà thơ cộng sản vĩ đại, người sáng lập ra
thơ cộng sản thế giới theo tư tưởng của ông Mác và ông Lênin, là Maiacốpxki, ở
nước Nga thời Lênin vĩ đại, đã viết ( ghi theo bản dịch đã thuộc lòng):
Ta từ một trời thơ bước xuống
Bước qua đầu các vị cầm quyền và mọi
nhà thơ
đó thôi ! Sao không ai kêu ông ta là kiêu
ngạo. Mà lại cứ lấy ông ấy làm mẫu mực để cả thế giới theo tinh thần của chủ
nghĩa Lênin, phải học tập và làm theo.
Cho nên, một nhà thơ có tài không bao giờ tự so mình với một ông bộ
trưởng bộ nhà giáo…do nhà vua cử ra. Đấy cũng là cái khác nhau đấy, ông bạn à. Nếu
trên đời có một “cái ngưỡng” nào đó, thì ông nhà giáo viết văn sẽ phân vân mà
sau đó thường dừng lại, còn ông không làm nhà giáo thì bước qua ngay, chả “lăn tăn” một tí nào. Ví như ông Nam Cao và ông Vũ
Trọng Phụng thời đã qua và ông Ma Văn Kháng và ông Lê Lựu thời hiện tại, dù 4
ông ấy đều tài năng ngất ngưởng cả đấy chứ, rất khó mà nói hai ông cùng cặp ứng
đối ấy, ông nào thì hơn hẳn ông nào…
*
Trong cuộc đời ông yêu điều gì nhất?
Nhà
thơ TNM: SỰ THẬT. Trong bài thơ Đi trong làng Sấm, ( “làng Sấm” là tên
cái làng do tôi tự bịa ra, để chỉ làng Cổ Am, xã Lý
Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng, quê hương Sấm ký
của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) có câu:
Đã khác rồi, các khái niệm về tử sinh,
bạn thù và nước lửa
Trên am Bạch Vân, mây trắng thời
cụ Trạng vẫn còn bay
Cõi đời này, chẳng có cái gì cao
hơn Sự Thật
Sông lặng lẽ trôi mà mài mòn cả
bóng những đền đài…
Đến khi làm bài thơ Còn bao nhiêu thời
gian… tôi viết ở bệnh viện K Hà Nội, vì thích cái ý ấy, nên tôi lại viết :
Còn bao nhiêu thời gian để tôi
yêu đất nước đã nuôi dạy tôi
trong đói rét, đạn bom
Và tôi nhận ra trên cõi đời này,
chẳng có cái gì cao hơn Sự Thật
( Dĩ nhiên là ở bài trên, câu thơ trùng tôi
phải chữa lại). Lẽ thường, không hiểu vì sao, người ta thường sợ hãi trước sự
thật ông ạ. Đất nước biết bao điều nóng bỏng phải quan tâm mà Đài Truyền hình
Việt Nam lúc nào cũng thấy nhảy múa tít mù. Và
cánh sáng tác sáng te chúng ta nữa. Ai cũng sợ có người nói thật là thơ
văn của mình “đếch” ra cái gì. Có in lắm cũng chỉ là tiếp tay cho lâm tặc, phá
rừng mà thôi. Vì thế, chúng ta cứ tự khen nhau tít mù cả lên. Tôi có bài thơ
hai câu:
TÂM
SỰ
Tôi
không thích những ai luôn đồng ý với tôi
Vì họ
chẳng dạy tôi được một điều gì cả…
Tất nhiên, người dạy mình sự thật khác với
kẻ nhằm cái sơ hở yếu kém, chắc chắn là có, của mình, không có thì bịa tạc ra
để làm hại mình. Kẻ ấy thì chẳng bõ bèn gì mà mất công bàn. Tôi đã tôn vinh một
ông đi qua đường chỉ dạy tôi có 1 / 3 chữ làm thầy, khi hỏi tôi:
“ - Minh viết
Đi
trắng tóc chưa qua miền thơ dại
YÊU
làm sao, thăm thẳm gió thu ơi!
Là yêu
hay là yên, vì chữ u ngửa là yêu, u úp là yên.”
Tôi bảo em viết là yêu. Ông phán ngay: “Yêu
thì vứt! Yêu hay không yêu là thơ của người khác, không phải thơ của Minh. Toàn
bộ thơ Minh là yên hay không yên. Mà yên
hay không yên, mới là vấn đề lớn
nhất của thời đại chúng ta ngày hôm nay.”
Càng nghĩ, càng thấy ý kiến của ông ấy sâu
sắc biết nhường nào. Tôi kêu lên rằng: tôi là học trò của nhiều người danh
tiếng. Vậy mà các vị ấy chưa có một ai dạy tôi điều sâu sắc và cụ thể đến mức
ấy. Và cuối cùng, tôi đi theo con đường mà người qua đường đã chỉ cho, khi có
lẽ là tình cờ đi qua sân nhà tôi trong vài ba phút. Tôi đã tìm bằng được người
thầy đó để tạ ơn. Nếu anh nghĩ là thơ tôi có được một vài thành tựu cỏn con nào
đó, mà hỏi tôi vì sao? Thì tôi trả lời ngay rằng: tôi là học trò của nhiều người
thầy như thế, có người từng là học trò cũ của tôi theo nghĩa đen, nhưng chính
họ đã dạy tôi trở lại, để tôi làm một nhà thơ có trách nhiệm cao hơn với chữ
nghĩa. Tôi nói không quá đâu, ông bạn vàng à!
*
Trên văn đàn hiện nay người ta hay nói nhiều đến hiện tượng đạo thơ, đạo văn và
nhiều kiểu đạo khác trong lĩnh vực VHNT
- Ông nghĩ gì về điều này?
Nhà thơ TNM: Có 2 điều cần phải phân
biệt. Một là biết rõ là cái đã có của người ta mà thuổng vào hoặc “môliphê” đi
một chút rồi đưa vào làm cái của mình, thì là đạo, nói toạc ra là ăn cấp. Trong
giới ta, có nhiều hơn là ở các nhà nghiên cứu phê bình, các báo đã nêu tên.
Trường hợp thứ hai: có khi đọc của người ta, nó thấm vào mình rồi nó “trôi” ra
không có ý thức. Hoặc ý tứ cùng nghĩ gần gần nhau, nhưng không giống hẳn nhau.
Trong khoa học tự nhiên, điều này càng rõ:
2 nhà khoa học ở 2 châu lục, không có liên hệ với nhau mà cùng phát hiện
ra một chất và sau đó cùng được giải Nôbel, là một ví dụ. Nếu ở trường hợp thứ
hai này, cần một biên tập viên có học, có nghề, chịu đọc, chịu nhớ, là giúp
người ta loại trừ được ngay. Tôi nghĩ không nhà sáng tác nào đã cầm bút với ý
thức sáng tạo, lại cố ý đi ăn cắp. Trong trường hợp thứ nhất thì phải lên án
như lên án một kẻ cậy cửa nhà người ta; còn trường hợp thứ hai thì lượng thứ
được, nhưng vẫn nghiêm khắc chỉ ra cho nhau để cùng loại trừ. Ngay các bậc thầy
của nền văn học văn hóa nước ta, những đại cổ thụ cũng đã từng “sáng tạo lại”
như thế. Tôi nghĩ là ai thông thạo văn chương cũng đã có sẵn không ít ví dụ như
vậy. Tất nhiên không có cả cái thứ hai này thì vẫn hay hơn.
* Có
người nói Bản Xô nát hoang dã của ông có cái gì đó điên điên, ngược
ngược, khó nuốt và có phần bế tắc trong sáng tác, khác hẳn với Nhà thơ và hoa
cỏ - Theo ông thì thế nào? có đúng như vậy không? Hay đây có phải là sự bứt phá
của sự sáng tạo nghệ thuật?
Nhà
thơ TNM: Ông bạn vàng ơi, chính ông đã
trả lời rồi đấy. Nó là trường hợp thứ hai, tất nhiên là tôi nghĩ thế. Ý kiến
của ông cũng trùng với ý kiến của nhiều người…Tất nhiên cái Nhà thơ và hoa cỏ, viết
theo lối truyền thống, dễ đọc hơn, nó đã được in đến 19 lần, trong đó 3 năm,
mỗi năm in 2 lần. Còn cái Xônát cũng đã in đến 10 lần rồi, trong đó 2 năm in
mỗi năm 2 lần đấy, ông à.
Tất nhiên cái hay nào cũng có cái dở đi kèm, cần phải khắc phục và tôi
lắng nghe để tự vượt lên ở các tập sau. Và cả điều đó, nhà thơ Vũ Quần Phương cũng đã chỉ rõ trong
một bài viết về tập thơ 45 khúc đàn bầu
của kẻ vô danh của tôi. Xin ông tìm đọc cuốn Trần Nhuận Minh và ba lần định vị
cho thơ, tên tập là tên bài của nhà phê bình nghiên cứu, giáo sư Phong Lê,
nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, nhà xuất bản Văn học đã in ( sau đó
bài của Giáo sư Phong Lê, nhà xuất bản Lao Động đã in lại trong công trình
nghiên cứu của giáo sư). Còn ai nói “khó
nuốt” thì tôi rất thông cảm. Nhà văn Đặng Văn Sinh đã viết ( bài đã in nhiều
lần ở trong nước và cả ở nước ngoài) rằng: “
Bản Xônat hoang dã là một trường ca văn xuôi tản mạn về quy luật được nhận thức
dưới nhiều góc độ khác nhau. Đây là một thứ “thơ phản thơ”, mà công năng của nó
là phá vỡ cấu trúc tĩnh tại của mọi hiện tượng, phát hiện những mối tương quan
phi lôgíc trong bản chất vạn vật, xác lập những cơ chế
tiếp nhận, hình thành những khái niệm mới, khác hẳn lối xây dựng hình tượng của
mĩ học truyền thống”. Và “ Những chất liệu truyền thống, làm nên thơ,
hầu như bị lọai khỏi cuộc chơi. Cái phi lí được xác lập, hình thành một dải cấu
trúc phi thời gian. Tính hệ thống bị phá vỡ, vì thế, trật tự ngữ nghĩa cũng như
nội dung thông báo cũng được sắp xếp lại”. Nhà thơ Trúc Thông thì nói gọn
hơn: Với tập thơ này, tôi đã “thoát mình ra một vùng ánh sáng mới”.
Tôi cảm ơn nhà văn Đặng Văn Sinh và nhà thơ Trúc Thông đã rất hiểu tôi.
Nếu ai đó cho là “điên điên” thì tôi cũng cho là lẽ thường, còn bế tắc
thì hoàn toàn không phải. Tôi chờ đợi sự đồng cảm ở bạn đọc. Xin kể một chuyện
gần đây nhất: một buổi sớm tinh mơ, nghe tiếng chuông, tôi rời phòng viết xuống
mở cửa và rất ngạc nhiên nhận ra người nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp lão
thành: cụ Trần Văn Kỉ. Tôi kính trọng mời cụ lên nhà. Cụ nói: “Không cần. Tôi
thấy cần phải qua đây, để nói với chú có một câu thôi: Tôi đọc cái Xônat của
chú lần 1, lần 2 không hiểu. Nhưng tôi nghĩ: chú Minh viết thì không thể tùy
tiện, nên tôi phải đọc lại. Đêm qua, tôi đọc một mạch hết cả tập. Tôi chợt hiểu
ra được điều chú muốn nói, tôi bàng hoàng cả người, suốt đêm khó ngủ quá, càng
nghĩ càng thấy nó hay. Tôi cám ơn chú. Tôi chỉ nói với chú có một câu
thế thôi”.
Thế rồi cụ về luôn. Người nghệ sĩ
rất kính trọng đó là nhạc phụ nhà đạo diễn Lê Chính, nguyên Chủ tịch Hội VHNT
tỉnh Quảng Ninh.
* Là
nhà thơ khá nổi tiếng hiện nay – ông nghĩ thế nào về thơ Việt Nam bây giờ?
Nhà
thơ TNM:
Tôi chỉ xin nói với tư cách là một người đọc bình thường. Theo tôi: hiện
đang là cuộc “bàn giao” giữa hai thế hệ, tạm gọi là “thế hệ trước và sau 1975”.
Cuộc bàn giao này theo tôi là không thành công, so với cuộc bàn giao của “thế
hệ trước và sau 1954”, vì nó đứt đoạn, không “liền hơi” (như ở giai đoạn trước)
để lại một “khoảng trống” ở giữa. Đọc thơ bây giờ là đọc cái khoảng trống đó.
Hơn nữa thơ bây giờ in vô cùng tràn lan, có lẽ đến 90 % là thơ của các tác giả
Câu lạc bộ, in cho vui và để tặng bạn bè con cháu làm kỉ niệm. Do đó, một số
bạn đọc ở hải ngoại về nước, tiếp xúc nhiều hơn với loại thơ này, có nói với
tôi là họ chả còn hiểu ra làm sao…
Theo
tôi, các nhà thơ xuất hiện sau 1975, chủ yếu là sau 1986 đang xác lập một hệ
thống thẫm mĩ mới qua các xu hướng nghệ thuật mới, có những trường hợp mới hẳn,
nghĩa là người ta thấy nó ít, hoặc không còn dính dáng gì với truyền thống của
quá khứ, dù vẫn dùng tiếng Việt… Tôi nghĩ điều đó là rất chính đáng, nó có cái
hay của nó và tôi ủng hộ. Nó hé ra một cuộc cách mạng mới về nghệ thuật thi ca
mà tôi chờ đợi và hi vọng. Nhưng cuộc cách mạng ấy, rốt cuộc đã không xảy ra.
Có thể có nhiều lí do, nhưng lí do chính là, trong các đồng nghiệp của tôi ở
thế hệ này, không có những Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, không có những Phạm Huy Thông,
Xuân Diệu, Huy Cận của mình…, cũng không có cả một Hoài Thanh của mình nữa.
Nghĩa là lực lượng chưa đủ sức thuyết phục cho một cuộc ra quân dành chiến
thắng. Trong thơ ca, lí luận không bao giờ giải quyết được vấn đề. Chỉ có sáng
tác mới giải quyết được những vấn đề của sáng tác. Mà sáng tác, thì các bạn trẻ
của tôi chưa tới được cái cần phải tới, để ngã ngũ các giá trị… Có lẽ phải chờ
thêm ít lâu nữa chăng?...
Trong khi đó, thế hệ thơ chống Mĩ của tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, một số
người còn sức, đang làm những phần việc cuối cùng. Cái mà họ cần vươn tới để
lấp chỗ trống, đó là tính hiện đại với các yêu cầu mới, khả năng tự vượt qua
các giới hạn, để đưa thơ mình đến với bạn đọc, kể cả bạn đọc ở nước ngoài, với
nhịp cầu đi tới trong các tìm tòi nghệ thuật, các xu hướng nghệ thuật mới, có ý
nghĩa mở đường, cho các nhà thơ thế hệ sau. Cái làm cho họ không vươn tới được
cái cần vươn tới đó, chính là “rào cản” của bản thân mình, ở ngay trong chính
bản thân mình. Có “vấn đề xã hội” không?.
Có, nhưng không đáng kể. Cái chính vẫn là sức sáng tạo và tầm vóc trí
tuệ, tài năng của cá nhân nhà thơ.
Khoảng trống ở giữa hai “thế hệ” cầm bút này khá rõ, đến mức có cảm giác
rằng, phía này là các ông bà “trống đánh xuôi”, còn phía kia là các anh chị “kèn thổi ngược”. Cả hai đều tự đánh mất độc giả, hoặc ít hoặc
nhiều. Đấy là lí do vì sao nhiều bạn đọc thấy nản khi đọc thơ hiện nay. Không
biết cái cảm giác đó có đúng lắm không? Có thể ư ? Tôi cũng không dám chắc!
Vâng,
xin cảm ơn nhà thơ! Xin chúc nhà thơ dồi dào sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp
sáng tác của mình.
Nguồn: trannhuong.com
Nguồn: trannhuong.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét