Nhãn

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Đọc lại 'Ổ RƠM" của Trần Quốc Tiến



    Ổ RƠM, MỘT CUỘC HÀNH HƯƠNG VỀ VỚI ĐẤT

        ĐẶNG VĂN SINH


Từ mấy chục năm nay, trong mảng đề tài viết về nông thôn Việt Nam chưa có tác phẩm nào gây tranh cãi nhiều như tiểu thuyết Ổ rơm của Trần Quốc Tiến. Tuy nhiên đấy chỉ là những "tranh cãi" của các bậc thức giả vào lúc trà dư tửu hậu bên lề một vài hội nghị văn chương, còn trên thực tế, về mặt chính thống, tính từ lúc cuốn sách xuất xưởng cuối năm 2002 đến nay, nó hoàn toàn rơi vào sự im lặng, một sự im lặng rất không bình thường(!?). Cũng xin lưu ý để độc giả rõ, Ổ rơm là ấn phẩm của nhà xuất bản Hội Nhà văn và chưa có một văn bản chính thức nào khẳng định cuốn sách bị cấm lưu hành.
Trước hết, xét về mặt tư tưởng nghệ thuật, Ổ rơm không phải là tác phẩm luận đề như hàng loạt tiểu thuyết làng nhàng cùng loại dùng để minh hoạ đường lối chính sách của Đảng cũng như hình tượng người nông dân trong thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp.Trong quá trình dàn dựng bố cục, có vẻ như tác giả không mấy quan tâm  đến sự hoàn chỉnh về mặt tổng thể. Toàn bộ 563 trang tiểu thuyết, phần lớn là những tập hợp của rất nhiều những sự kiện xảy ra trong vòng ba mươi năm ở làng Trọng Nghĩa được khái quát hoá và điển hình hoá theo quy luật của phép hoạt kê mà đặc trưng thẩm mĩ của nó là tiếng cười.

Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của Ổ rơm là dạng kết cấu xâu chuỗi. Các sự kiện và nhân vật nối tiếp nhau xuất hiện hoàn toàn ngẫu hứng nhưng là thứ ngẫu hứng phát triển theo quy luật có sự liên thông giữa các hiện tượng ở trình độ điển hình cao. Ưu điểm của xâu chuỗi là có thể cùng lúc đưa vào tác phẩm các sự kiện và nhân vật vừa khái quát vừa cá biệt. Tác giả tha hồ kể, tả, bình luận, thậm chí rẽ nhánh không bị phụ thuộc vào thời gian, không gian. Chính vì thế, ở một số chương, người viết triệt để sử dụng thủ pháp này để ngược dòng thời gian, hệ thống lại những hồi ức. Mà hồi ức với tư cách là những mảnh vụn lịch sử của một thời kỳ nền nông nghiệp Việt Nam với nhãn hiệu Hợp tác xã đã xuýt đẩy người nông dân trở lại phương thức hái lượm. Nói như thế cũng đủ thấy, nếu Ổ rơm không có những trang hồi ức thì bạn đọc, nhất là lớp bạn đọc trẻ, không thể nào hình dung được phương thức quản lý cũng như cung cách làm ăn và vai trò của cái sổ điểm qua một thời kỳ dài ăn chung đổ lộn bằng thứ lý thuyết quái dị mà một trong những xã viên làng Trọng Nghĩa gọi nó là thứ " bùa toi mạng". Nếu làm phép so sánh, dù chỉ là tương đối, giữa Ổ rơm với những tác phẩm viết về nông thôn từ sau năm 1954 đến nay, người đọc dù khó tính đến đâu cũng phải thừa nhận, đây là loại tiểu thuyết có kết cấu mở. Các sự kiện được diẽn giải hoàn toàn không đi theo đường mòn. Tác giả tự tìm lối đi cho mình. Tất nhiên, con đường ấy không khỏi có lúc bế tắc, ý tưởng độc đáo chưa hẳn đã được khai không, nhưng điều đáng ghi nhận là, người viết đã thể hiện được bản lĩnh của mình trong việc dám phá bỏ nếp nghĩ truyền thống về lối tư duy nghệ thuật giáo điều, sáo rỗng để tiếp cận cái mới, đem đến cho độc giả lối viết sinh động khác hẳn với thứ văn chương " quốc doanh" từ trước đến nay người ta vẫn ngộ nhận.
Cùng với kiểu kết cấu xâu chuỗi, yếu tố thời gian và không gian ở đây luôn được xác định trong  các mối liên hệ nội tại mà tính logic về cả hai đại lượng trên không ít trường hợp bị phá vỡ bởi thủ pháp cường điệu thông qua những đặc trưng thẩm mĩ  của truyện cười dân gian. Câu chuyện lấy bối cảnh làng Trọng Nghĩa là một vùng quê điển hình của đồng bằng sông Hồng gần như chỉ độc canh cây lúa. Về thời gian, diễn biến các sự kiện  diễn ra trong khoảng ba mươi năm, từ lúc  phong trào hợp tác hoá nông nghiệp bắt đầu suy thoái đến giai đoạn chia ruộng cho từng hộ trên cơ sở Khoán 10. Trong khoảng một phần ba thế kỷ này, làng Trọng Nghĩa là tâm điểm của hai mâu thuẫn lớn dẫn đên tình cảnh đói nghèo triền miên. Đó là mâu thuẫn giữa người nông dân với quan hệ sản xuấtmâu thuẫn giữa xã viên với phương thức sản xuất hợp tác xã. Từ những mâu thuẫn trên nảy sinh hệ quả tiêu cực mà một trong số đó là quan hệ đối đầu giữa cán bộ (mà tác giả gọi là "các quan") với bà con xã viên ( họ tự nhận là "phó thường dân"). Có thể nói, bố cục của Ổ rơm là bố cục động, tôn trọng hiện thực, chấp nhận luật chơi, không tránh né những phần gai góc cũng như không vo tròn, bóp méo hiện thực. Trên cái nền bố cục hoàn toàn phủ nhận tính logic của " chủ nghĩa hiện thực phải đạo"*, tác giả cho xuất hiện hàng loạt nhân vật điển hình, không phải thuộc loại "tích cực" mà phần lớn đều thuộc thành phần "ba gai" với tư cách là những "phó thường dân", tuy là xã viên hợp tác xã nhưng lại chống hợp tác xã ra mặt. Họ chính là hình ảnh điển hình của người nông dân Việt Nam thời kỳ "Dân có ruộng dập dìu hợp tác" **đã bị tha hoá, thậm chí biến dạng thành một thứ lưu manh bởi hàng loạt những tác động tiêu cực ở cấp vĩ mô vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ.

            1 - Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình

Điều dễ nhận thấy là Ổ rơm có một hệ thống nhân vật điển hình và tính cách khá đa dạng, tuy nhiên nó lại không có nhân vật chính tiêu biểu cho một lý tưởng hoặc một xu thế chính trị như đa phần các nhà tiểu thuyết trước đó đã viết dưới sự chỉ bảo của phương pháp sáng tác Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nhân vật điển hình ở đây chính là hình ảnh người nông dân dưới cái mác xã viên hợp tác xã nông nghiệp thông qua năm ông "phó thường dân" cùng năm bà vợ hoặc nhân tình, nhân ngãi của họ. Các nhân vật của Trần Quốc Tiến nói chung phức tạp, cả mặt tốt và mặt xấu đều bộc lộ đến tận cùng trong những hoàn cảnh rất cụ thể qua các thời kỳ : hợp tác xã nông nghiệp, sự suy thoái của mô hình sản xuất tập thể và chính sách chia lại ruộng.
Như trên đã nói, xung đột kịch tính chủ yếu của Ổ rơm là mâu thuẫn giữa người nông dân với quan hệ sản xuất lạc hậu  được áp đặt bằng các nghị quyết thiếu thực tế, duy ý chí. Đấy chính là môi trường lý tưởng để làng Trọng Nghĩa xuất hiện những cán bộ bị tha hoá như Phạm Tằng, Phan Tít, Phan Híp, Hoạch Trớn… hình thành một lớp cường hào mới chuyên ăn cắp, lừa bịp, ức hiếp xã viên. Đối lập với các "quan" xã, "quan" làng này là nhóm "ngũ tử". Đây là những nông dân đã gần như bị bần cùng hoá trở nên dặt dẹo, duy nhất chỉ còn cái miệng, đành dùng nó như một thứ vũ khí chống lại các "quan", góp phần khuấy đảo ít nhiều không khí ảm đạm của xóm làng sau nhiều năm làm ăn thất bát.
Các nhân vật trong Ổ rơm,nói cho công bằng, là sản phẩm của hoàn cảnh, ở đấy là quan hệ sản xuất trái quy luật và phương thức sản xuất bảo thủ, lạc hậu. Họ thích nghi với hoàn cảnh rất nhanh. Không ít "phó thường dân" trong hội "ngũ tử" bệnh lười đã trở thành thói quen, nói khoác thành thần, ăn cắp như ranh, chẳng coi những chuẩn mực đạo đức truyền thống ra gì. Số khác như Phạm Tằng, Phan Tít, Phan Híp, Ngô Văn Đụt… thì lợi dụng thời cơ, chiếm hữu hoàn cảnh, và trong một thời gian khá dài, họ trở thành đẳng cấp có đặc quyền, đặc lợi bởi sự chia chác sản phẩm từ những phương án ma.
Có thể xem Ổ rơm đồng nghĩa với nhóm "ngũ tử". Họ được coi là những nhân vật chính,có nhiều nét độc đáo và khá điển hình. Mỗi nhân vật đều có hai mặt, thật và không thật. Phần con người thật phù hợp với phong tục tập quán được miêu tả bằng ngôn ngữ thông dụng. Phần ảo (tức siêu hiện thực) được miêu tả bằng ngôn ngữ hoạt kê. Cả năm ông "phó" đều được tác giả chăm sóc khá kỹ về phần lai lịch, hành trạng cũng như phẩm chất công dân. Để khắc hoạ type nhân vật này, Trần Quốc Tiến đã "kích" chúng lên quá cỡ bình thường. Cái ổ rơm và tác dụng của nó đối với người nghèo ở làng quê Bắc Bộ đã được lịch sử ghi nhận như là một phương tiện chống rét hữu hiệu từ cả ngàn năm trước. Điều ấy là hiển nhiên, không cần phải chứng minh. Nhưng đối với Phó Lười làng Trọng Nghĩa thì khác. Anh ta bỏ hẳn ra một buổi chiều ôm rơm vào buồng chất một cái ổ vừa cao vừa to như một công trình nghệ thuật với tinh thần làm chủ gấp nhiều lần làm chủ hợp tác xã thì yếu tố phi lý bắt đầu xuất hiện. Phó Lười lười đến mức giả ốm xuýt chết. Anh ta say mê cô Cún nên trưa nào cũng xách cần câu ra bờ sông chỉ để nhìn thấy cô hàng xóm xinh đẹp tập bơi bằng phao quần. Kịch tính lên đến mức đỉnh điểm khi Lười vạch giậu thò hẳn cái đầu bù xù vào nhà tắm làm cô thôn nữ ngỡ là ma hiện hình. Thủ pháp hoạt kê được tác giả sử dụng khá hiệu quả trong việc miêu tả diện mạo, ngôn ngữ và hành vi của phần lớn nhân vật trong Ổ rơm. Hoàng Văn Xoay tài tình đến mức, chỉ cần lảng vảng qua chợ một lúc đã "khoắng" toàn bộ cà cuống trên các mẹt hàng phục vụ mưu đồ chinh phục trái tim cô hàng bánh cuốn của ông bạn vàng Phó Cuội. Thần tình hơn, tay phó thường dân này còn đột nhập vào nhà bếp hợp tác xã lúc nào cũng cửa đóng then cài "thủ"  đồ ăn làm cho lão "mõ" Đớp hoảng hồn phải thắp hương cúng ma đói. Đến cái đoạn Xoay chiều cô vợ xinh đẹp có cặp đùi trắng nõn, hay ăn mà lười làm, mò vào nhà Phạm Tằng "mượn tạm" mấy thước vải Chí Cẩm để may quần thì yếu tố phi lý ở đây đã bắt nhịp với lối kể phóng đại, thậm xưng của loại truyện cười dân gian. Nó vừa có thật, vừa không có thật. Nó đẩy nhân vật từ cấp độ hiện thực trung tính thành hiện thực thẩm mỹ bao hàm những nét cá biệt mang tính biểu tượng. Bên cạnh Phó Lười, Phó Xoáy, tác giả còn sáng tạo ra một Phó Dê "hộ pháp" dám bạo gan lặn xuống sông sờ đùi các cô nàng bắt cua , làm cả làng Trọng Nghĩa phải một phen hú hồn, tưởng là "giặc nhái Mỹ" đã ra đến Miền Bắc. Yếu tố hài hước được nhân lên gấp bội làm người đọc bất ngờ ở chương này là anh chàng "Dê Ngố" lại được xã đội phân công cùng với một tốp dân quân ngày đêm canh gác để bắt chính mình. Luận điệu phao tin, tung hoả mù và thói quen nhìn đâu cũng thấy kẻ thù giai cấp đã báo hại gã trai làng có máu gió trăng. Ở đây không thể quy kết Ngô Dế là nhân vật phản diện. Tuy nhiên anh ta cũng không phải là nhân vật tích cực như cách lập luận của các nhà tiểu thuyết minh hoạ. Vì nếu là người tốt (vẫn theo cách nghĩ ấy), Phó Dê không thể lợi dụng việc sửa nhà để ngủ với chị Tròn Xoe đến nỗi cả hai lăn xuống ao, xuýt chết. Nhưng xét về mặt đạo đức, nhân cách, anh ta không tha hoá, về lập trường quan điểm, không chống đối hợp tác xã ra mặt như Phó Lười, Phó Cuội, Phó Ba Gai. Phó Dê là một kiểu người bị "trời hành", mang trong người những ẩn ức về mặt sinh lý, lúc nào cũng có nhu cầu "giải phóng năng lượng". Trong mối tương quan giữa các nhân vật, Phó Dê là một hình tượng văn học giầu tính sáng tạo. Thế nhưng nhân vật được Trần Quốc Tiến xây dựng thành công lại là Phó Ba Gai và Phó Cuội. Phó Ba Gai tên thật là Đinh Văn Góc, vì hay cãi chày cãi cối nên mới có danh xưng ấy. Biệt danh "Ba Gai" của anh chàng nông dân hay lý sự này là do cánh cán bộ hợp tác xã đặt cho vì đã không ít lần anh ta làm họ bẽ mặt. Phó Ba Gai đích thực là công dân làng Trọng Nghĩa, là xã viên hợp tác xã nông nghiệp như tất cả mọi người, vì tật thích lý sự nên bị các "quan" thù toàn bắt làm những việc xương xảu. Ba Gai khác người ở chỗ đã nhìn thấy từ rất sớm sự tai hại của cung cách làm ăn kiểu hợp tác xã, một loại mô hình sản xuất quái gở dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc, và kiên quyết phản đối nó. Tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm  chính là ở nhân vật này. Anh ta "nổi loạn" bằng thứ lý thuyết không phải không có lý :" Tôi chưa rõ và cũng cóc cần rõ. Quyển sổ điểm không phải là bùa hộ mạng mà là bùa toi mạng, hùng hục làm suốt ngày rồi tối chỉ có phẩy phết là toi mạng lúc nào không biết. Tôi kiến nghị là vứt quyển sổ điểm đi" (trang 52). Những chức sắc trong xã như chủ nhiệm Phạm Tằng, đội trưởng Phan Híp, trưởng ban tuyên huấn đảng uỷ Phổng đều bị dính đòn của Ba Gai. Sự thật anh ta là một đối tượng khó hoà hợp với kiểu làm ăn tập thể vờ vịt mà thực chất thì tất cả từ cán bộ đến xã viên hễ có dịp là ăn cắp. Một mô hình sản xuất nông nghiệp được gọi là tiên tiến ở một nước có đến bảy tám mươi phần trăm dân số là nông dân mà phương thức sống chủ yếu là ăn cắp thì thật nguy hiểm. Điển hình là cuốn sổ ghi "nộp các khoản" của Phan Híp. Đó là thời kỳ đầu Khoán 10. Ruộng đã giao đến các hộ gia đình. Ban quản trị chấm dứt vai trò lịch sử, đồng thời cũng sắp hết nguồn thu liền nghĩ ra mấy chục khoản phí vô tội vạ, bắt dân nộp dưới danh nghĩa "quỹ". Ba Gai chẳng những không nộp mà còn đòi hợp tác xã phải hoàn lại cho anh ta mấy chục tấn thóc do ban quản trị lãnh đạo kém, năng suất thấp báo hại xã viên. Có điều, tất cả những "thành tích" ấy không là gì nếu so với công đoạn Ba Gai đi hỏi vợ. Thái độ và cách ăn nói của hắn làm ông nhạc tương lai, tức "đồng chí" Phổng, trường ban tuyên huấn đảng uỷ điếng người. Hoàn cảnh bắt ông ta phải chấp nhận một thằng con rể "ba gai" vì biết rằng, cái máu lý sự cùn đã lây sang cả cô con gái rượu. Thực ra, Đinh Văn Góc là chàng trai đứng đắn, nhưng vì ở cương vị công tác đảng buộc ông Phổng phải nhìn anh ta méo đi. Cái cách nhìn con người bằng quan điểm giai cấplập trường chính trị đã làm cả một lớp cán bộ thiểu năng trí tuệ mắc chứng bệnh nan y : bệnh ngộ nhận thói kiêu ngạo cộng sản. Từ quan điểm ấy, họ đã vùi dập không ít nhân tài, đưa bọn cơ hội vào bộ máy công quyền, đục khoét, ức hiếp dân, làm rối loạn kỷ cương, kéo lùi sự tiến bộ xã hội. Câu nói " Ba mươi năm làm cán bộ chỉ ăn lương và phá, đến cái tuổi cổ lai hy bố mới là người có ích" của Ba Gai khi ông Phổng trả thẻ đảng, trở thành chủ trang trại bên cô vợ trẻ là nhát búa cuối cùng đóng nắp quan tài, tống tiễn một quái thai vừa chết yểu vào bãi rác lịch sử.
Cùng với Phó Ba Gai, Phó Cuội là thành viên trụ cột của nhóm "ngũ tử". Tên huý là Lê Văn Cuốn nhưng vì anh ta khoác lác một tấc đến trời nên thiên hạ phú cho biệt danh "Cuội" Về một mặt nào đấy có thể xem Lê Văn Cuốn là hậu sinh của Trạng Lợn trong truyện cổ tích hơn là một chàng "Cuội" hiện đại bởi tỷ lệ hư cấu cao mà mức độ phóng đại vượt nhiều so với nguyên mẫu nhân vật. Cuội xuất hiện ở đâu là lập tức tác giả dùng ngôn ngữ hoạt kê miêu tả. Ngôn ngữ Phó Cuội cũng là ngôn ngữ rất đặc trưng với các biện pháp tu từ như cường điệu, phóng đại, ngoa dụ làm các hiện tượng hoặc sự kiện được đề cập đến đều vượt quá giới hạn thông thường. Đó là những chuyện Lê Văn Cuốn lên trời chơi với Cuội, chuyện ngửi cà cuống, rắn hổ mang cắn không chết hoặc giai thoại về cuộc đấu trí giữa anh ta với nhà thơ Hoàng Thi để giành người đẹp. Phó Cuội cũng chính là thủ phạm phao tin giặc nhái Mỹ xuất hiện dưới sông bằng những chi tiết bịa tạc hết sức vô lý vậy mà cả làng Trọng Nghĩa sởn gai ốc, phải điều cả một tiểu đôi dân quân ngày đêm thay nhau "trực chiến", sẵn sàng "tóm cổ bọn gián điệp lập công". Xét về mức độ điển hình, có thể xem Phó Cuội là một hiện tượng. Loại trừ những lời nói tếu táo mang phong vị tiếu lâm và chuyện bán giời không văn tự vô thưởng vô phạt,  ta phải thừa nhận, ở Phó Cuội có một cái gì đó cao hơn Cuội dân gian một bậc. Anh ta chính là phát ngôn viên, là hình ảnh tiêu biểu của cả cộng đồng trong thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp. Đó là thói quen nói dối, "làm thì láo, báo cáo thì hay", là bệnh thành tích, là chủ nghĩa phong trào với những đợt thi đua bất tận nhưng vô bổ. Sống trong một tập thể dối trá, những xã viên còn chút lương tri, lúc đầu thấy chướng mắt, phản ứng, nhưng dần dần họ buộc phải thích nghi.  Dăm bảy người nói dối còn có thể châm chước, cả một cộng đồng nói dối thì mặc nhiên nó đã trở thành một thứ văn hoá. Từ hiện thực đáng buồn ấy, Phó Cuội tuyên bố :" Thời này, từ quan đến dân đã trở thành Phó Cuội cả, chả hiếm hoi gì đâu. Nếu anh mà là nhà văn thì anh sẽ viết một cuốn sách nhan đề là Thời Cuội (trang 289). Tính cách Cuội còn được đẩy đến tận cùng sau vụ chàng ta bị trâu vằng sừng vào thái dương phải nằm viện ba tháng mới khỏi. Vẫn bằng thủ pháp hoạt kê, tác giả để cho Phó Cuội xuất hiện khả năng ngoại cảm với hàng loạt biểu hiện khác thường. Anh ta có thể "nhìn" thấy những vòng xoắn ốc trong đầu người khác, từ đó hiểu được họ đang nghĩ gì. Từ Lê Văn Cuốn trở thành Phó Cuội rồi Phó Nói Thật, anh chàng xã viên "ghẻ" này lợi dụng sở trường của mình để răn đe hầu hết các "quan" làng Trọng Nghĩa. Phan Híp bị bắt thóp vừa chén lòng lợn tiết canh vừa sờ mó mụ béo chủ quán, phải ngậm ngùi đút quyển sổ "nộp các khoản" vào túi. Phan Tít nghe mấy câu vè lập tức đoán ra cô vợ lẳng lơ sẽ rước nhân tình vào nhà làm chuyện mây mưa, liền lập mưu bắt quả tang. Tuy vậy, việc "thánh cho ăn lộc" không mấy quan trọng, mục đích cuối cùng của Phó Cuội là muốn trở thành nhà thơ trào phúng. Anh ta đã kính cẩn nhận Hoàng Thi làm sư phụ và tôn ba vị Hồ Xuân Hương, Tú Xương và Tú Mỡ lên bậc thánh thi. Trước tác của họ, Cuội luôn mang bên mình, những ngày sóc, vọng đều đặt lên bàn thờ thắp hương. Như vậy, có thể thấy, Phó Cuội là một nhân vật phức tạp, lúc như một thằng hề làm trò trên sân khấu, lúc lại ra dáng một nhà tiên tri mà mỗi lời nói ra đều giống như sấm trạng.
Bổ sung vào nhóm "ngũ tử" còn có thêm Trạng Đấm. Đấm cũng là nhân vật có nguồn gốc từ loại truyện dân gian được tác giả sử dụng như một thứ luật rừng để lấy lại sự công bằng cho những kẻ thấp cổ bé họng. Trạng Đấm có ngón đòn tuyệt chiêu, đấm đối phương thập tử nhất sinh nhưng trên người chẳng để lại dấu vết gì. Anh ta thẳng tay trừng trị hai ông bố vợ tương lai là Hoạch Trớn và Phùng Văn Ngọng bất kể sự van xin của các cô người yêu chỉ vì hai lão đều là các "trưởng ban hại dân". Thành công lớn nhất đối với vị hoà thượng nửa mùa này là vụ đấm chủ tịch Ngô Văn Đụt vì tội mọc ra chủ trương "thu các khoản". Những cú đòn trời giáng có yếu tố siêu nhiên làm tất cả các "quan" đều phải nằm liệt giường cả tháng, xoa bóp rượu mật gấu nhưng chẳng vị nào dám thú hé răng nói ra sự thật. Cách chống tham nhũng, bất công ở đây có phần khiên cưỡng, thậm chí manh động, nhưng xét về mặt tâm lý người nông dân, nhất là nông dân thời hợp tác xã ngày công hai lạng thóc, thì đấy là giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được. 
Nhìn chung, các nhân vật "phó thường dân" được tác giả xây dựng thành hình tượng văn học đúng với cái mà họ có. Bản chất người nông dân thời kỳ hợp tác hoá nông nghiệp được bộc lộ khá đầy đủ. Ở họ, mặt tốt và mặt xấu trộn lẫn vào nhau, và không hiếm trường hợp bị biến dạng thành lưu manh. Phẩm chất đó của người nông dân là kết quả của hàng ngàn năm phong kiến cộng thêm ba mươi năm hợp tác xã. Nó là sản phẩm của lịch sử để lại và không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được. Phân tích kỹ từng lớp nhân vật, sau đó tổng hợp lại, người đọc có thể rút ra được những nét tiêu biểu về hình ảnh người xã viên :  Thiếu một nền học vấn tối thiểu, nhẹ dạ cả tin, ích kỷ nhỏ nhen, hay a dua, phong  thái tiểu khí nhưng luôn luôn có khát vọng làm giầu và đôi khi cũng lãng mạn bay bổng.
Đối lập với nhóm " ngũ tử" là Phạm Tằng, Phan Tít, Phan Híp, Phổng, Ngô Văn Đụt, Hoạch Trớn. Phùng Văn Ngọng, Toi… Đây là tầng lớp quan xã, quan làng, thậm chí quan đội, tuy chỉ là cán bộ làng nhàng nhưng thực chất lại là những kẻ nhiều đặc quyền đặc lợi. Chân dung Phạm Tằng được "vẽ" bằng thứ ngôn ngữ khá hài hước. Anh ta đóng comples, cravate, giầy đen bóng, cưỡi Dream II mận chín giá sáu cây vàng mua bằng ngân sách xã, trông oai vệ như cấp bộ trưởng, trình độ học vấn cấp hai dở dang nhưng lại tốt nghiẹp những hai đại học tuy chưa một ngày đến lớp. Phan Tít thì " mặt quắt tai dơi, gầy cao như cây sậy bờ ngòi", dùng mưu "đểu" giành đựợc người đẹp và chiếc ghế quyền lực. Đây là tâm trạng ông chủ tịch xã :" Cuộc đời này cũng vòng vo, ỡm ờ như những làn khói từ cái miệng hay ăn hay nói bay ra" (trang 191). Tác giả luận về Phan Tít :" Học hành lem nhem, tư cách lèm nhèm". Từ thứ tư cách ấy, Phan Tít khẳng định :" Chẳng bao giờ nên tin vào lời nói của kẻ cầm quyền. Cứ lấy mình mà suy ra, thì một trăm điều hứa chưa chắc đã thực hiện được một điều" (trang 549). Sắp đến kỳ bầu cử, Phạm Tằng,  Phan Tít dùng mọi thủ đoạn để hại nhau. Một bên thì huy động cả họ vào cuộc, còn một bên thì dùng vợ làm mồi nhử. Cái đoạn anh em Phan Tít giong thuyền ra Bến Trăng bắt gian phu dâm phụ bị Phạm Tằng nện cho một trận tơi bời mà vẫn phải câm như hến là một đoạn gây ấn tượng mạnh. Cuộc chạy đua giành chiếc ghế chủ tịch xã đã đẩy hai nhân vật chủ chốt của làng Trọng Nghĩa vào một cuộc quyết đấu. Nàng Hoa Thắm trở thành vật hy sinh cho mưu đồ đen tối của Phan Tít. Và, con người khôn ngoan, lọc lõi, liều lĩnh như Phạm Tằng, vì say mê một người đàn bà, lần này sập bẫy. Cuộc mặc cả giữa Phạm Tằng và Phan Tít qua cánh cửa buồng bằng thứ ngôn ngữ nửa nạc nửa mỡ cùng với bản giao kèo quái đản thật là một màn bi hài kịch không tiền khoáng hậu. Sự việc tưởng đến đây là kết thúc vì mỗi bên đều tạm thời bằng lòng với thắng lợi của mình, không ngờ, ngay đêm hôm ấy, cả chủ tịch và chủ nhiệm đều bị no đòn bởi những cú đấm sấm sét. Trạng Đấm làng Trọng Hợp đã "chi viện" bà con xã viên làng Trọng Nghĩa kết thúc sự nghiệp làm "đầy tớ" của hai ông "quan" mọt dân. Một lần nữa, yếu tố hoạt kê lại được sử dụng rất đúng lúc trong nghệ thuật điền hình hoá. Phạm Tằng, Phan Tít là tích hợp của rất nhiều chủ tịch, chủ nhiệm. Những nhân vật này có tính phổ biến đã ăn sâu vào nhận thức của nhân dân, trở thành hình tượng văn học điển hình của thời đại.
Nhằm hoàn thiện các gương mặt cán bộ làng Trọng Nghĩa, bên cạnh Phạm Tằng, Phan Tít, phan Híp, tác giả còn bổ sung thêm một nhân vật khá đặc biệt, ấy là ông Phổng. Từ một trưởng ban tuyên huấn đảng uỷ, chuyên giảng nghị quyết, tuyên truyền tinh thần làm chủ tập thể và ý thức cảnh giác cách mạng đến khi trở thành ông chủ trang trại lớn, thuê mướn nhân công và yêu say đắm vào cái tuổi thất thập là cả một quá trình Phổng tự lột xác, thay đổi hệ ý thức. Phổng là biểu tượng của sự chuyển hoá về mặt nội dung của phương thức sản xuất nông nghiệp. Ông ta trả thẻ đảng và thanh toán sòng phẳng với hệ tư tưởng cũ để làm một ông chủ đích thực. Từ hình tượng ông Phổng, nếu ngược thời gian tìm về quá khứ mấy chục năm trước khi có Nghị quyết 10, ta dễ dàng nhận thấy phương thức sản xuất của ông cựu trưởng ban tuyên huấn chẳng có gì mới. Công việc đơn giản đó các xã viên đã làm với mảnh đất phần trăm của mình  rất thành công. Kể cũng ngược đời. Mảnh ruộng năm phần trăm nuôi sống cả gia đình, trong khi lợi tức của chín mươi nhăm phần trăm còn lại chỉ cung cấp một năng lượng tối thiểu để người ta cựa quậy (!). Lộ trình đến tương lai của nhân loại đã có sẵn và từng được lịch sử chứng minh qua nhiều thế kỷ, việc gì cứ phải ra vẻ ta đây thông thái hơn người, dùng chính nhân dân mình làm vật thí nghiệm cho những học thuyết không tưởng, kéo lùi sự tiến bộ xã hội nhiều thập kỷ so với các nước láng giềng.
Một đặc điểm cần phải nhắc đến trong Ổ rơm là yếu tố sex khá đậm đặc. Phong cách thổ lộ tình yêu và các kiểu làm tình được miêu tả khá kỹ lưỡng với những chi tiết  giật gân không kém gì phim chưởng Hongkong. Với 563 trang sách, có đến 28 lần tác giả miêu tả hoặc kể lại cảnh làm tình, trong đó có những pha kéo dài hai, ba trang. Trừ những trường hợp các "quan" xã lên thành phố hành lạc ở các ổ điếm cao cấp bằng tiền "chùa" còn phần lớn đều làm tình theo kiểu nhà quê nhưng không kém phần độc đáo. Đàn ông thì bặm trợn, táo bạo như Phó Lười, Phó Dê, phó Cuội, đàn bà thì ngực to mông nở, đùi trắng nõn, mắt lúng liếng, khao khát nhục dục như Cún, Na, Hoa Thắm, Tròn Xoe, Ngân… Nam nữ làng Trọng Nghĩa thường bạo dạn, không ít những cặp phải lòng nhau, bất kể già trẻ đều chèo thuyền ra Bến Trăng tình tự, có anh còn làm cả thơ ca ngợi mây trời sông nước. Ngay cả lão Phổng già cốc đế mà vẫn hôn cô Ngân cuồng nhiệt. Hai người đã mấy lần cưỡi thuyền ra Bến Trăng, và cũng như Phan Tít, gã bợm rượu Ba Toác, chồng Ngân, đã bị Phổng dìm cho một trận nhớ đời, nhưng sau lại rất biết ơn lão chủ trang trại vì ba mươi cây vàng "bán" vợ. Miêu tả các cuộc mèo mỡ gió trăng, gần như tác giả không bị chi phối bởi những điều cấm kỵ bất thành văn của ngành Tư tưởng văn hoá. Anh luôn đẩy các sự kiện đến tận cùng, khẳng định quan điểm thẩm mỹ của mình, góp phần giải toả tâm lý cho không ít bạn đọc vồn bị thiếu thông tin nhưng trong đầu đầy những định kiến hẹp hòi, cổ hủ, lạc hậu.

                        2 - Đặc trưng ngôn ngữ và tính đa dạng của phong cách

Ngôn ngữ của Ổ rơm thực chất là ngôn ngữ hoạt kê của truyện dân gian được vận dụng triệt để các biện pháp tu từ như phóng đại, cường điệu, thậm xưng và ngoa dụ. Ngôn ngữ dẫn chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật luôn thống nhất với nhau cấu thành một văn bản hoàn chỉnh tạo nên hiệu ứng bùng nổ thông tin. Thành công của Ổ rơm trước hết phải kể đến khả năng sử dụng lời ăn tiếng nói nhà quê kết hợp với vô số thành ngữ, tục ngữ, phương ngữ của tác giả. Một loạt nhân vật được Trần Quốc Tiến "vẽ" bằng những lớp từ giầu yếu tố tạo hình vừa nghiêm túc, vừa nhạo báng, khinh khi như Phan Tít, Phan Híp, lão Đớp, lão Toi… Nói chung, diện mạo các vị cán bộ quản lý hợp tác xã kiểu Phan Tít đều bị biến dạng theo mức độ lươn lẹo hoặc mánh khoé đục khoét công quỹ. Họ là sản phẩm của một thứ cơ chế nửa dơi nửa chuột, làm thì ít mà nói thì nhiều theo kiểu " Bốn người làm việc bằng hai / Ăn thì bằng tám, nói dai bằng mười", tác giả hiểu rất rõ điều này nên đã có những trang bình luận khá sắc sảo. Đây là nhận xét về phong trào cơ giới hoá nông nghiệp :" Suốt một thời kỳ dài, ngày nào trâu đen cũng bị chọc tiết, cuộc thảm sát loài trâu phải nói là chưa từng có trong lịch sử. Có ngày hợp tác xã mổ ba trâu, cán bộ thịt thăn, xã viên bạc nhạc, ăn no lòi kèn, ỉa chảy đằng trôn, nôn đằng miệng đến nỗi cả làng phải vào viện cấp cứu" (trang73) ;"Khi trâu đỏ ùa vào, đàn gà xếp hàng mười để nộp mạng. Ngày nào cũng có vài chục con bị vặn cổ cắt tiết"( trang 73) ;" Thế rồi đến thời kỳ giao ruộng thì đàn trâu đã chết hết từ lâu mà trâu đỏ cũng hết gà nằm thoi thóp thở hắt ra"(trang 74). Còn đây là bức tranh thời kỳ đầu khoán quản :" Bây giờ những ông ngồi văn phòng chỉ còn mỗi việc nghĩ ra các khoản để thu. Có thu nhiều mới được chia  lu bù chứ. Nghe nói có nơi phải nộp đến bốn mươi khoản. Ta mới thu có ba mươi khoản thấm gì"(trang 80). Các nhân vật trong Ổ rơm đều có ngôn ngữ của riêng mình. Nhóm "ngũ tử" nói năng theo kiểu "dùi đục chấm  mắm cáy", mỗi khi mở miệng là văng ra những lời chẳng mấy êm tai. Trong kho từ vựng phong phú của các ông "Phó" cũng như Phan Híp, lão Đớp, bao giờ cũng kèm thêm những thứ tục tĩu của đàn ông, đàn bà. Thậm chí ngay cả quán hàng bánh cuốn của nàng Hương cũng treo hai câu thơ bất hủ của Phó Cuội :" Bánh cuốn cuộn với chả thơm / Ăn rồi nằm xuống ổ rơm anh đè…". Vậy mà hàng lại đắt gấp nhiều lần cái thời Cuội phải lần mò đánh giậm ngoài dồng bắt cà cuống về pha nước chấm. Phạm Tằng ngủ với vợ Phan Tít ngay trong ngôi nhà sang trọng của ông chủ tịch, khi bị đối thủ lừa khoá cửa buồng vẫn điềm nhiên bảo nhân tình :" Vậy chơi tiếp. Thế giới này là của chúng mình không kẻ nào xâm phạm được"(trang 505). Còn Phan Tít, sau khi đã nhốt được Phạm Tằng trong buồng, dõng dạc bảo :" Bố mày đây". Chắc chắn đấy không phải là ngôn ngữ thảo luận nghị quyết trong cuộc họp chi bộ giữa các "đồng chí" với nhau. Đọc đến đoạn Đinh Văn Góc đấu khẩu với Phan Híp và lão Phổng ta phải thừa nhận tác giả đã để cho người hắn mọc đầy gai. Ngôn ngữ của Ba Gai vừa sắc vừa nhọn :" Nghiện gì thì ông biết đấy. Một là nghiện đớp. Hai là nghiện sờ. Các quan ngày nay nghiện nặng hai thứ đó. Đớp thì rượu Tây, bia ngoại, gà tần, chim hấp. Sờ thì hang cua, hang ếch, đến hang rắn các vị đều gí mũi vào ngửi.."(trang 82) ;" Thế chẵng lẽ các bố đã học qua trường lý luận mà lại không đủ lý sự để đè bẹp cái lý sự cùn của con ?"( trang 353) ; và " Thưa bố, nếu chỉ là láu cá thì các bố bóp chết con từ lâu rồi, còn đâu sống đến hôm nay để yêu tha thiết con gái bố"( trang 353).
Cùng với  lớp ngôn ngữ nhân vật đặc trưng đó, Ổ rơm còn có những trang miêu tả khá sinh động về mảnh đất, con người và phong tục tập quán của một vùng quê châu thổ sông Hồng. Đây là tâm trạng của đất vào thời kỳ bắt đầu có chính sách khoán :" Đất hình như cũng xao động, cứ phập phồng, hổn hển dưới chân những ông chủ hờ"( trang18) ;" Họ khóc đất như khóc như khóc đứa con lưu lạc bị đoạ đầy, khi thân tàn ma dại trở về với cha mẹ"(trang 21) ;" Vào những năm ấy, cả làng cả tổng cong queo bởi cái đói, cái túng thiếu…"( trang 182).
Tóm lại, Ổ rơm là cuốn tiểu thuyết hoàn toàn đi ngược lại với cái gọi là mỹ học Marxism được nhập khẩu cùng với chủ  nghĩa Marx hồi đầu thế kỷ 20. Chính thứ mỹ học sặc mùi sắt máu ấy đã góp phần làm cho nền văn học Việt Nam mấy chục năm qua tê liệt,hoàn toàn mất khả năng sáng tạo, biến thành một loại công cụ ăn theo, tuyên truyền cho những đường lối, chủ trương sai lầm, đi ngược lại những giá trị phổ quát của nhân loại tiến bộ. Ổ rơm cần phải được độc giả trong và ngoài nước biết đến như một bước đột phá của nền tiểu thuyết Việt Nam  và  tác giả của nó, nhà văn Trần Quốc Tiến cần phải được vinh danh.

                                                                       
   ĐVS



* Chữ dùng của tiến sĩ Hoàng Ngọc Hiến
** Thơ Tố Hữu (Trích trong bài Ba mươi năm đời ta có đảng)

1 nhận xét:


  1. KHÁT VỌNG
    Thật là sâu sắc hơn người .
    Viết đâu ra đấy rạch ròi văn phong .
    Đặng Văn Sinh : Đây ước mong .
    Duyên ao ước , Nắm vồng tay vui ...
    Ngọc Châu , Hải Dương
    27/3/2013
    Bùi Quang Thanh

    Trả lờiXóa