Có một “nền chuyên chính của lương tâm”
Tùy bút của Lê Phú Khải
Cụm từ trên tôi được nghe lần đàu là từ nhà văn Thép Mới vào cuối năm 1990. Hôm đó, tôi đang dong xe đạp qua nhà ông ở đường Nguyễn Đình Chiểu TP HCM, bỗng nghe có tiếng gọi giật lại: “Thằng LPK, mày vào đây tao bảo!”. Khi đã uống xong một tuần trà, ông giảng cho tôi rằng, ở Liên Xô, người ta đang thay thế nền chuyên chính vô sản bằng “nền chuyên chính của lương tâm”.
Thì ra nhà văn Thép Mới, với tư cách là Phó Tổng biên tập báo Nhân dân lúc đó, vừa đi quan sát công cuộc cải tổ ở LX về, ông bức xúc muốn kể lại những điều mắt thấy tai nghe ở nước bạn vĩ đại này và suy nghĩ về thời cuộc của ông cho bọn làm báo “đàn em” chúng tôi nghe.
Đọc những lời giận dữ của nhiều trí thức, văn nghệ sỹ về vụ đàn áp dã man của chính quyền tỉnh Hưng Yên, có sự hỗ trợ của nhà nước Trung ương đối với những người nông dân tay không, chỉ thắc mắc về giá đền bù đất đai không hợp lý; xem danh sách những người ký tên vào Tuyên bố về vụ đàn áp ở Văn Giang của trang mạng Bauxite, thấy đa phần những người nghề nghiệp, cuộc sống không hề liên quan gì đến ruộng đất, tôi càng thấm thía rằng, ở đâu cũng có một nền chuyên chính của lương tâm đang hiện diện như nhà văn Thép Mới đã bảo tôi hơn 20 năm trước. Một ông “quan” cách mạng đã về hưu như ông Lê Hiếu Đằng, chắc chắn đang có một căn nhà đầy đủ tiện nghi giữa thành phố HCM, vậy mà ông không sao ngủ được khi nghĩ đến cảnh hàng ngàn công an trang bị đến tận răng “ào ào như sôi” xông vào đánh đập bắt bớ những người nông dân tay không để giành lấy mảnh ruộng cơm áo của họ, để trao cho những kẻ giàu có biết xoay xở, đút lót kẻ có quyền, để họ ra lệnh thu hồi đất!
Lịch sử bốn ngàn năm nước ta, kể cả thời thực dân Pháp, thời đế quốc Mỹ chiếm đóng Miền Nam trước kia cũng không có cuộc cướp đất nào quy mô, tàn bạo và đểu cáng như thế. Chính vì thế mà nền chuyên chính của lương tâm đã khiến ông Lê Hiếu Đằng phải bật dậy cầm bút viết thư gửi ra Hà Nội. Tâm trạng của ông Đằng cũng là tâm trạng của nhiều trí thức Sài Gòn.
Đọc lá thư của ông Đằng gửi cho giáo sư Huệ Chi ở Hà Nội tôi không cầm được nước mắt. Ông còn chép lại những bài thơ dài của thời ông vào sinh ra tử và hy vọng có một ngày cuộc sống có được công bằng lẽ phải như ở Miền Bắc XHCN! Cám ơn ông Lê Hiếu Đằng đã cho tôi hay rằng, sau bao nhiêu đắng cay, buồn tủi, nhục nhã mà tôi đã trải qua, tưởng như không còn gì nữa để mà vui buồn: hóa ra tôi vẫn còn nước mắt! Có một nền chuyên chính của lương tâm vẫn âm ỉ cháy trong lòng mỗi người Việt Nam thật sao?
Không phải chỉ có ở Văn Giang Hưng yên, dân oan đang đi trên mọi nẻo đường của đất nước này để kêu oan!
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong một buổi tối đẹp trời cuối năm, tại căn nhà sang trọng ở 16 Tú Xương TP HCM, ông tâm sự: Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, chính sách ruộng đất là cái bùa hộ mệnh của cách mạng. Vậy mà cay đắng thay, sau cuộc chiến tương tàn, đất nước thống nhất gần 40 năm mà khẩu hiệu “người cày có ruộng” chỉ là điều không có thật. Thậm chí nông dân còn bị cướp ruộng. Nhà thơ Tố Hữu từng viết khi Đảng mới ra đời:
“Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ
Không quê hương sương gió tơi bời”
Vậy mà khi có chính quyền rồi, thì ruộng đất bỗng thành sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý! Vậy nhà nước do Đảng lãnh đạo là ai mà lại có quyền quản lý cả dải đất 4000 năm do cha ông khai phá bằng xương máu để lại cho cháu con. Và cực kỳ nguy hại khi quyền quản lý, thu hồi ruộng đất ấy lại được giao cho các địa phương, tức là giao cho các ông quan xã, quan huyện, quan tỉnh có quyền thu hồi. Mỗi nhiệm kỳ làm quan, các ông quan đó đều nhanh chóng vẽ ra các dự án, hoặc giao bán đất dưới chiêu bài kêu gọi đầu tư để nhanh chóng kiếm những món lời khủng trong các dự án thu hồi đất. Các vị ấy thu lời khủng một cách dễ dàng vì đây là một chế độ toàn trị. Một ông quan huyện có trong tay cả công an và quân đội. Cơ quan tư pháp, báo chí chỉ là vật trang sức của các ông. Vì thế, ông chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên đã ra lệnh cấm báo chí đến nơi cưỡng chế đất ở Văn Giang ngày 24/4/2012 vừa qua. Vì thế bên cạnh một biển dân oan đang đi khiếu kiện, đói khát, rách rưới, ăn bờ nằm bụi, bị xua đuổi đánh đập bất kỳ lúc nào… thì trên 63 tỉnh thành ở cả nước, tỉnh nào, thành phố nào cũng mọc lên những khu phố mới của các quan. Ở đó, không phải là vi-la biệt thự nữa, mà là các lâu đài nguy nga không kém gì các lâu đài các lãnh chúa phong kiến Châu Âu thời trung cổ! Chỉ có điều là, vốn xuất thân là các bần cố nông vô học, văn hóa lùn… nên sự phô trương khoe mã của các vị quan đã hạ cánh an toàn đó, khi xây lâu đài cho mình thì nó chẳng giống ai. Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, cột kèo chỗ này thì Gô-tích, chỗ kia thì phong cách đình chùa, xanh đỏ tím vàng y hệt một sân khấu chèo tuồng, cải lương cấp huyện! Các bạn đọc vĩ đại của tôi ơi! Các bạn không tin ư? Các bạn chỉ đi ra khỏi Hà Nội 50 cây số thôi, xuống đến khu phố quan ở TP Hải Dương là thấy liền! Nền kiến trúc nước ta phải gánh chịu đại họa từ những khu phố quan này.
Còn nhân danh công nghiệp hóa đất nước để thu hồi đất làm khu công nghiệp ư? Trước hết phải định nghĩa công nghiệp là gì? Thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, công nghiệp là cơ khí, chế tạo máy, luyện kim, là công nghệ năng lượng. Thời hậu công nghiệp là hiện đại hóa, tự động hóa. Thời nay là công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ na-nô… Mấy cái “khu công nghiệp” khâu giày dép, may quần áo, làm bột ngọt, đóng vỏ tàu như Vinashin … chỉ là thứ thiên hạ đến đây để thuê mặt bằng rộng, thải ra nhiều cặn bã, thuê nhân công rẻ mạt mà thôi! Nhưng các quan tỉnh, quan huyện rất thích giải phóng mặt bằng thật rộng để dễ bề ăn đất, ăn cát. Vậy thôi. Một vị bí thư tỉnh ủy thế hệ chống Mỹ ở Đồng bằng sông Cửu Long có tâm sự với tôi: “Ở tỉnh chúng tôi tìm 300 cán bộ tuyên huấn thì dễ ợt, nhưng kiếm 30 tay làm đốc công, quản lý phân xưởng thì kiếm không ra. Vậy mà hô hào công nghiệp hóa nỗi gì! Trước hết phải có con người cho công nghiệp đã!”. Một vị chủ tịch khác cũng ở Đồng bằng sông Cửu Long than phiền với tôi: “Tỉnh tôi làm lúa có hạng ở Đồng bằng sông Cửu Long, có thừa tiền, thừa gạch ngói xây trường học, muốn xây 700 căn phòng học để xóa nạn học ca ba nhưng không kiếm đâu ra thợ xây. Dân chúng tôi chỉ quen làm nông nghiệp thuần trồng lúa và nuôi cá thôi!”.
Với cái văn hóa quanh năm đi chùa ở Miền Bắc, đi đâu cũng phải bấm giờ lành mới khởi hành…, quanh năm đi đám giỗ ở Miền Nam… thì tuyên bố đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là câu chuyện “Thần thoại Hy Lạp” ở thế kỷ 21. Chỉ Hô-me sống lại mới làm được bản anh hùng ca đó mà thôi!
Trong cuộc tấn công cưỡng chế thu hồi đất ngày 24/4 vừa qua, bà con đã chửi các chiến sỹ công an: “Sao chúng mầy ngu thế, lại chĩa súng vào ông bà cha mẹ mình mà không quay súng về phía bọn tham nhũng”. Bà Lê Hiền Đức có mặt ở đó cũng nói: “Đừng chĩa súng vào nhân dân, hãy quay súng về phía những kẻ tham nhũng…”. Có chiến sĩ trẻ đã khóc! Thật ra, không hề có những thế lực thù địch nào cả. Chỉ có những luồng khí quyển đang lưu hành trong xã hội, có một nền chuyên chính của lương tâm đang âm ỉ cháy trong lòng những chiến sỹ công an đang cầm súng bị bắt buộc chĩa về phía nhân dân. Những giọt nước mắt của người chiến sỹ trẻ kia là một minh chứng. Và, có cả những giọt nước mắt cay đắng đang chảy ngược vào trong của những người đang cầm súng chĩa vào nhân dân theo lệnh mà những kẻ đang say vàng, say đô-la không nhìn thấy được. Không bao giờ dối trá và bạo lực có thể thống trị lâu dài. Đó là quy luật thép của lịch sử. Nếu không thì chế độ cuả Tần Thủy Hoàng, chế độ của Hít- le đã còn đến hôm nay.
Những người đang cầm quyền phải cảm ơn những đảng viên trung kiên như Lê Hiếu Đằng, như Lê Hiền Đức… đã thẳng thắn báo cho họ những hiểm họa khôn lường nếu vẫn khư khư ôm lấy cái luật: Đất đai là sở hữu toàn dân, giao cho các ông quan địa phương quản lý thu hồi!
Khi chủ nghĩa xã hội với nguyên lý công hữu hóa toàn bộ các tư liệu sản xuất… đã bị nhân loại ném vào sọt rác của lịch sử, phải quay về với kinh tế thị trường, nhưng ruộng đất, thứ tài sản thiêng liêng nhất với bất kỳ dân tộc nào trên hành tinh này lại giao cho những quan tham ở địa phương với tư duy “nhiệm kỳ vơ vét”, quản lý và thu hồi bằng bạo lực man rợ thì bất ổn và sụp đổ là không thể tránh khỏi, là tất yếu.
Chỉ có những công trình quân sự, những dự án mang tầm chiến lược của đất nước thì chính phủ nước đó mới dám thu hồi đất theo một bộ luật riêng. Tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay đang cư xử với đất đai của đất nước họ như vậy, trừ mấy quốc gia độc tài toàn trị.
Chẳng lẽ lá “bùa hộ mệnh” của chính quyền hôm nay không phải là chính sách ruộng đất với nông dân, tầng lớp đông đảo nhất mà là dùi cui và súng đạn hay sao?! Với lá bùa dùi cui và súng đạn ấy, đất nước đi về đâu…
Viết đến đây tôi bỗng nhớ tới hai câu thơ rất ấn tượng của Chế Lan Viên trong thời chống Mỹ:
“Không gì cứu được loài bán nước
Không cứt nào cứu được bọ hung”!
Hãy trả đất cho dân. Hãy sửa đổi luật đất đai.
Hãy trả đất cho những người yêu đất nhất
Để lương tâm đất nước được xanh tươi
Trả đất
Trả đất
Trả đất cho những người yêu đất nhất
Để luống cày đón nhận những bình minh…
TP HCM 5/2012.
L. P. K.
Nguồn: BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét