Nhãn

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Dương Thị Nhụn và văn hóa tâm linh...



Dương Thị Nhụn* và văn hóa tâm linh
         trong "Thuyền nghiêng"

                                                                          Đặng Văn Sinh

  L
à tiểu thuyết đầu tay, nhưng "Thuyền nghiêng"** của Dương Thị Nhụn được xem như một tác phẩm văn xuôi viết khá chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây không chỉ dừng lại ở nội dung phản ánh hoặc hình thức biểu hiện mà nó dường như đã đạt đến độ cân đối khi tác giả xác lập được một tiêu chí thẩm mỹ của riêng mình. Tiêu chí này có chức năng điều tiết những suy nghĩ và hành động các nhân vật chính cùng những mối liên kết đa dạng chung quanh việc xây dựng ngôi nhà thờ họ Hoàng ở làng Đông Phong.
Mạch truyện của "Thuyền nghiêng" vận hành theo trình tự thời gian tuyến tính. Các sự kiện thường diễn ra bởi hành vi của một hoặc một nhóm nhân vật đóng vai trò thủ lĩnh (Vấn, Tố...) Phía sau họ là "nhóm  phụ thuộc" (Hình, Tấn, Công, May...). Suy nghĩ và hành vi nhân vật luôn phát triển theo logic cổ điển, nhưng cứ đến đoạn cao trào tác giả lại sử dụng hồi ức, nghĩa là mạch văn đột ngột rẽ ngang, kể về một giai đoạn hoặc toàn bộ phần đời thuộc về quá khứ. Các nhân vật chính trong truyện như Tấn, Húng, Hình, Hãn, Vớ... đều có chung đặc điểm này.
Kết cấu của truyện cũng được xem là rất cổ điển, nghĩa là có mở, có đóng, và, giữa khoảng không gian, thời gian vật lý ấy chính là không gian, thời gian nghệ thuật chi phối mọi hoạt động cùng sự liên đới giữa các sự kiện. Tuy nhiên các đại lượng này không phải lúc nào cũng trùng khớp nhau cũng như các mối tương tác trong quan hệ ít khi là song phương mà thường là đa dạng và phức hợp.
Căn cứ trên văn bản tác phẩm, câu chuyện xảy ra chủ yếu là của nội bộ họ Hoàng, nhưng thực chất lại là vấn đề lớn của một xã hội thu nhỏ. Nói một cách hình ảnh, Họ Hoàng là lát cắt điển hình của xã hội Việt Nam đương đại qua những nét đặc trưng của thứ "văn hóa làng" cùng với những số phận chìm nổi trong cuộc mưu sinh đầy bất trắc. Bao trùm lên tất cả Làng Đông Phong là một không gian u ám được tái hiện bằng gam màu lạnh. Chẳng những nó làm bối cảnh cho những cuộc xung đột giữa các dòng họ, mà ngay trong cộng đồng cùng huyết thống như họ Hoàng, cũng thường xuyên diễn ra những mưu mô, thủ đoạn đấu đá, thậm chí triệt hạ lẫn nhau. Sự phân hóa đẳng cấp, mức thu nhập bất bình đẳng, thói đố kỵ cùng sĩ diện gia đình, dòng họ đã đẩy không ít người lương thiện thành kẻ tội đồ.
Một điểm nữa cần được nhắc đến là, hầu hết nhân vật trong "Thuyền nghiêng" đều ở dạng khiếm khuyết bởi cách xây dựng của tác giả là không có nhân vật điển hình theo nguyên tắc của mỹ học truyền thống. Nghĩa là, nhân vật chính phải được điển hình hóa theo hướng tô hồng, nhiều khi còn được kích lên đến độ lý tưởng, tiêu biểu cho ý thức hệ tiên tiến, vượt lên trên hiện thực cuộc sống. Ngược lại, ở "Thuyền nghiêng", mọi suy nghĩ và hành động cùng các mối quan hệ của nhân vật với hoàn cảnh, đều được vận hành theo quy luật tự nhiên. Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi vì, ở vào thời điểm mà những giá trị cũ đã lỗi thời nhưng giá trị thay thế chưa hình thành, thì nhân vật văn học điển hình cũng bị hoàn cảnh đặc thù này chi phối. Nói cách khác, con người chính là sản phẩm của hoàn cảnh.
Câu chuyện được dẫn dắt trong dòng chảy hiện thực cuộc đời, không có sự dàn dựng, sắp xếp sống sượng để biến nhân vật thành cái loa phát ngôn cho hệ ý thức áp đặt hoặc một hình thái văn hóa, đạo đức tưởng tượng, nhưng các nhân vật chính của "Thuyền nghiêng" đều là những điển hình văn học ở những cấp độ khác nhau. Về một mặt nào đó, người đọc có thể nhận ra, hầu hết nhân vật chính thuộc dòng họ Hoàng đều mắc một thứ bệnh lý khiến họ không thể trở thành người bình thường. Đó là căn bệnh què quặt về tinh thần làm cho mọi hành vi của họ không phù hợp với những quy chuẩn văn hóa, đạo đức. Căn bệnh này có lẽ là hệ quả từ sự vận hành không bình thường của guồng máy xã hội bởi những xáo trộn trên quy mô lớn mấy chục năm qua, làm con người chai lỳ trước nỗi đau đồng loại, chẳng những vô cảm mà có khi còn đồng lõa với cái ác. Sau những thăng trầm dâu bể đó, để tự bảo vệ mạng sống, con người hình thành thói quen dối trá. Bệnh dối trá đã biến các giá trị vốn bền vững và thiêng liêng thành lố bịch, kệch cỡm, để sau đấy được thay bằng giá trị "cuội", biểu tượng "giả cầy" nhưng vẫn hồn nhiên cho là "đậm đà bản sắc". Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cái chính vẫn là phong hóa suy đồi làm cho các thang giá trị thay đổi. Một hiện tượng phổ biến là lớp thanh niên trẻ dám cãi lại các bậc trưởng thượng bằng những lập luận khó bắt bẻ. Các thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa thời đại thế giới phẳng từng bước phá vỡ bức rào phong kiến gia trưởng. Lời nói của các bô lão như ông Vấn, ông Tấn đã hết thiêng bởi sức phá hoại của đồng tiền. Tâm thức họ Hoàng, cho dù là thế lực hùng mạnh nhất làng Đông Phong, cũng đang dịch chuyển, nhưng chưa có một hệ giá trị bền vững để lấp kín khoảng trống. Với những nhân vật như Tấn, Vấn, vốn là những cựu chiến binh, tự cho mình có công lao trong hai cuộc chiến tranh, sẵn máu công thần, luôn sống bằng quá khứ vinh quang, lúc nào cũng lên mặt với lớp trẻ nên nảy sinh mâu thuẫn ý thức hệ. Những thanh niên như Công, May,Tố... sớm có ý thức dân chủ, không bị chi phối bởi quá khứ phức tạp, nhưng lại được thừa hưởng một gia tài tinh thần đầy khuyết tật, một nền kinh tế chắp vá mà phần lớn không công ăn việc làm, phải tự mình xoay sở bằng đủ mánh khóe, kể cả buôn lậu. Nói tóm lại, dưới ngòi bút Dương Thị Nhụn, họ Hoàng Đông Phong là một dòng tộc từ sự phân hóa đẳng cấp đến sự phân hóa kinh tế. Mâu thuẫn này khó có thể dung hòa mà chỉ có tính ổn định tạm thời.
Không thể phủ nhận, cái làm nên sự thành công của "Thuyền nghiêng" là kỹ thuật dẫn dắt mạch truyện và chân dung các nhân vật điển hình. Tuy nhiên cần hiểu "điển hình"ở đây với tư cách là nhân vật văn học, khác hẳn với "điển hình" xã hội dung tục. Hoàng Vấn là nhân vật phổ biến trong đời thường, không thật điển hình nhưng có cá tính. Là sĩ quan quân đội nghỉ hưu với quân hàm đại tá, thuộc vào hàng cha chú, ông ta không giấu giếm niềm kiêu hãnh của một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử, luôn muốn áp đặt thói gia trưởng, độc đoán vào việc điều hành dòng họ, nhất là thời kỳ xây dựng nhà thờ tổ. Với địa phương, Hoàng Vấn còn lợi dụng vị thế của dòng họ lớn nhất làng để khuynh loát mọi hoạt động của chính quyền. Trong chiến tranh, Vấn được suy tôn là anh hùng của Đông Phong, là biểu tượng vẻ vang của dòng họ để lớp trẻ noi gương, đến nỗi, ngay cả em ruột ông, một chàng thư sinh trói gà không chặt, thân thể bấy bớt cũng viết đơn xung phong nhập ngũ. Thế rồi cái gì phải đến sẽ đến. Húng vốn là một thanh niên lười nhác, quen sống dựa vào người khác, đã trút hết những nặng nhọc trên đường hành quân lên vai Hải. Kết quả là, vào đến chiến trường, gặp ngay sự khốc liệt của chiến tranh, Húng đã nảy ra ý định đào ngũ. Rất may có ông anh kịp thời can thiệp sau khi bị thương, đưa ra Bắc cho đi học nước ngoài, nếu không thân phận chàng trai họ Hoàng này cũng chẳng khác gì Hải, để rồi mãi ba mươi năm sau, khi hương hồn Hải hiện về, sự việc vỡ lở, người làng Đông phong mới biết rõ chân tướng sự việc. Chi tiết này được tác giả gài vào chỉ vài trang, nhưng qua đó, người ta  có thể thấy được sự thật không mấy tốt đẹp phía sau những lời tuyên truyền cổ động về hình ảnh người anh hùng một thời chưa xa.
Cho dù chỉ nếm mùi chiến tranh đúng một trận đánh rồi được ông anh"gắp" ra đưa đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng ấn tượng về máu cùng nỗi khủng khiếp của sự bắn giết đã biến Hoàng Húng thành một kẻ mắc chứng hoang tưởng. Vì thế, cho dù rất nhiều tham vọng sau khi có được mảnh bằng tiến sĩ hữu nghị, suốt đời Húng vẫn là anh trí thức ngu ngơ, dở ông dở thằng, luôn bị đồng liêu đố kỵ, chèn ép, đến nỗi ngồi chưa ấm chỗ chiếc ghế viện trưởng  đã bị cánh cơ hội hạ bệ. Là một kẻ thiếu bản lĩnh, chuyên dựa dẫm vào người khác, nhưng cũng như ông anh, Hoàng Húng đầy thói kiêu ngạo về trình độ học thuật và kiến thức "uyên bác" nên mới xẩy ra vụ bi hài kịch xoay  hướng nhà thờ. Hoàng Húng chính là hình ảnh tiêu biểu cho thân phận trí thức, tuy có học vị cao nhưng tinh thần bạc nhược, thiếu chính kiến nên tự đánh mất nhân cách của mình.
Tuy nhiên, hai nhân vật được tác giả xây dựng công phu nhất, sinh động nhất, đồng thời gây ấn tượng mạnh nhất phải kể đến Vớ và Hãn. Đây là những đối tượng được xem  là công dân hạng hai của làng Đông Phong và có một lý lịch không mấy rõ ràng. Cả Vớ và Hãn đều mang thân phận mồ côi, sống được là nhờ sự cưu mang của những gia đình rất nghèo những giầu lòng nhân ái. Vớ được xem như một mẫu người đặc biệt sống hồn nhiên, cơ thể khỏe mạnh, sức lực dồi dào nhưng đầu óc trì độn. Đấy là điều kiện thuận lợi để bố con Hoàng Hình sai khiến anh ta chuyên làm hại người khác để đổi lấy miếng ăn qua ngày trong một thời gian khá dài. Có điều, trí tuệ kém phát triển nhưng tâm hồn Vớ trong sáng. Khả năng nhận thức và phân tích được cái tốt, cái xấu mới ở dạng tiềm năng, chỉ đến khi được tình yêu của Hãn cảm hóa, bộ óc u mê của Vớ mới dần dần sáng ra, nhìn rõ bản chất  của những kẻ lợi dụng mình gây tội ác như bố con lão Hình.
Vớ xuất hiện với tần số khá đậm đặc trong hầu hết các chương của "Thuyền nghiêng" như là nhân vật chính có cá tính với dụng ý đối trọng với Vấn, Tấn và Hình. Nếu Hoàng Vấn đạo mạo, nghiêm túc, thích dạy dỗ người khác như một ông tiên chỉ, Hình, bản chất lưu manh, hay đố kỵ người khác, sẵn sàng làm việc ác mà lương tâm không bị cắn rứt, thì Vớ thuộc lớp người dưới đáy xã hội mà mọi suy nghĩ và hành động luôn phụ thuộc vào hoàn cảnh. Khi đói khát, bị bố con Hoàng Hình khống chế, Vớ biến thành một thứ Chí Phèo của làng Đông Phong, có thể đổi cả mạng người lấy bữa ăn. Nhưng khi được Hãn cảm hóa bằng đạo lý thì anh ta trở lại bản tính lương thiện, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Xét đến cùng, Vớ cũng là nạn nhân của hoàn cảnh. Huống hồ, sống trong một cộng đồng ít tình người và nhiều thù hận, làm sao con người anh ta không trở nên méo mó.
Cũng như Vớ, Hãn có một thân phận bi đát không kém. Người con gái mồ côi đã phải ngụp lặn trong bể trầm luân, đi một vòng qua tất cả những cửa ải khổ đau, để rồi vận may đưa chị trở lại Đông Phong xây ngôi nhà cao tầng sang trọng thách đố thiên hạ. Là một phụ nữ xinh đẹp nhưng bị dân làng kỳ thị, Hãn được xây dựng như một nhân vật chính, phát triển theo chiều hướng tích cực, hoàn toàn nằm trong ý đồ nghệ thuật của tác giả. Trong tất cả các nhân vật của "Thuyền nghiêng", Hãn là phụ nữ đầy bản lĩnh trong một thân phận hèn kém, chẳng những tự khẳng định tư cách của mình mà còn cảm hóa được Vớ, dám đối đầu với cả lão Hình, mà sau này chị mới biết là bố đẻ mình.
Có thể thấy, Hãn là nhân vật tiểu thuyết khá hiếm thấy trong lịch sử văn học Việt nam đương đại. Từ nhân vật nữ đầy cá tính này, tác giả hướng người đọc tiếp cận một hiện tượng xã hội, qua đó đưa ra cách lý giải hết sức mới mẻ về thân phận con người trong những hoàn cảnh bị đồng loại dồn đến bước đường cùng. Từ cái chết tức tưởi của người phụ nữ xinh đẹp đến làng Đông Phong tìm gã Sở Khanh Hoàng Hình sau khi sinh nở, đến ca đẻ đầy bất trắc của Hãn trong ngôi nhà sang trọng, là chuỗi thời gian đủ cho một thế hệ kịp trưởng thành. Thủ pháp đồng hiện được tác giả sử dụng trong trường đoạn này xem ra rất đắc địa. Trước khi Hãn trở dạ không lâu, cũng là lúc họ Hoàng làm lễ xoay hướng từ đường. Tố bị lưỡi mai cắt cụt một chân và lão Hình trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện. Hàng loạt sự kiện động trời được nén chặt trong một không gian hẹp tạo nên những cú sốc tâm lý đối với người đọc chính là sự thành công của tác phẩm. Có thể xem Hãn như một đối trọng về giá trị đạo đức, phẩm cách với nhóm Vấn, Tấn, Húng hoặc Hình, Tố. Trong bối cảnh làng Đông Phong đầy những mưu mô xảo trá, luôn tiềm ẩn bạo lực và tội ác, thì Hãn là làn gió mát, nguồn nước lành, có thể dần dần hóa giải mọi căng thẳng, triệt tiêu những "ngòi nổ", xóa bỏ hận thù  bằng lòng nhân ái.
Về mặt tâm linh mà xét, Hãn là người lương thiện nên không đoản mệnh như mẹ. Chị chính thức trở thành con cháu họ Hoàng, có chồng, có con, một cái kết có hậu nhưng đầy nỗi đoạn trường.
Riêng nhân vật Tố, tác giả khá tinh tế trong quá trình phân tích diễn biến tâm trạng, xây dựng anh ta thành con người hai mặt, một điển hình của kiểu "doanh nhân" thành đạt bởi những hành vi làm ăm mờ ám, lợi dụng hoàn cảnh cùng sự bất cập của hệ thống pháp luật. Do buôn ma túy, như lời Bằng Anh, Bằng Em, Công và May nhiều lần nói toạc ra trước cả Hoàng Tấn và Hoàng vấn, Hoàng Tố trở thành trọc phú, thiếu văn hóa nhưng thừa lưu manh, hợm của, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Việc Tố "công đức" một số tiền mua ngôi nhà cổ mọt ruỗng về dựng từ đường bằng thứ tiền không mấy sạch sẽ mà vẫn được các bậc cha chú tôn vinh như một đứa cháu có hiếu với tổ tiên, chứng tỏ đồng tiền đã khuynh đảo mọi giá trị. Mục đích tài trợ của Tố hoàn toàn không vô tư mà là động thái rửa tiền. Chỉ cần đọc kỹ những toan tính của Tố trong lúc cùng các vị đại diện hội đồng gia tộc sang Thái bình mua nhà, với những lời thớ lợ đầy chất lái trâu khi ông Phong ra giá năm mươi cây vàng, là có thể hiểu được bản chất anh ta.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hoàng Tố phải hai lần nhập viện. Cho dù những kẻ vô thần không thừa nhận có một thế giới tâm linh, thì trên đời này vẫn có quả báo theo lẽ tự nhiên. Chiếc chân cụt của Tố há chẳng phải là sự cảnh báo nhỡn tiền?
"Thuyền nghiêng" là một cách ẩn dụ cái thế chênh vênh về phong hóa, đạo đức của làng Đông Phong ở vào thời điểm mà mọi thang giá trị đều bị biến dạng. Lòng tin ở những nơi đáng ra phải được đảm bảo bằng vàng thì nay chỉ còn là sự nhũng nhiễu, phiền toái, kể cả nhẫn tâm bảo kê cho cái ác. Đây chính là nguyên nhân để người ta tìm về thế giới tâm linh, một thế giới chưa ai nhìn thấy, chưa hẳn bởi đức tin mà trước hết là sự sợ hãi bị thần thánh "phạt". Một cộng đồng xã hội có nền văn hóa tâm linh trước hết phải có niềm tin . Niềm tin vào các đấng siêu nhiên trong "thế giới bên kia" chính là sự đảm bảo vững chắc cho cái Thiện trong mỗi con người. Nó vừa là sự răn đe nhưng cũng là một tình cảm tự nhiên của một cộng đồng luôn được dẫn dắt theo những quy chuẩn đạo đức. Thế nhưng, ở thời điểm này, hầu hết dân làng Đông Phong đều vô thần. Hệ ý thức chính thống từ lâu đã loại thế giới tâm linh ra khỏi nhận thức mọi người. Việc phá đình chùa, thiêu hủy tượng phật, đốt sách vở, được gán cho tội danh "văn hóa thực dân phong kiến phản động, đồi trụy", là ngọn roi quyết định đuổi văn hóa tâm linh ra khỏi cộng đồng. Chỉ đến khi làng Đông Phong liên tiếp xẩy ra sự lạ với những cái chết "bất đắc kỳ tử" như là sự báo ứng của luật nhân quả, người ta mới nghiêm túc nhìn lại hành vi của mình. Điều đáng suy ngẫm là ở chỗ, cũng như vong hồn bà Hiên và tiến sĩ Hoàng Sang hiện về nói thành lời, tai nạn cụt chân của Hoàng Tố hay cái chết nhục nhã của lão Hình, đã tạo nên cơn địa chấn tâm lý, có chức năng điều chỉnh hành vi của người làng Đông Phong, việc đáng ra chính quyền địa phương phải làm nhưng không làm được.
Chắc chắn còn phải mất nhiều thời gian nữa phong hóa làng Đông Phong mới được phục hồi, nhưng ít ra người họ Hoàng đã biết sợ. Con thuyền Đông Phong đang chênh vênh và nghiêng lệch giữa những lớp sóng đạo đức và văn hóa đang suy thoái. Muốn tạo thế cân bằng để thuyền lướt êm đến bến bờ hy vọng, những người chèo lái phải lương thiện, tránh thói kiêu ngạo coi trời bằng vung và phải biết sợ. Đó cũng chính là tư tưởng thẩm mỹ của tác phẩm.

                                                               Chí Linh, 11/ 4/ 2012
                                                                     ĐVS
                              









*    Tác giả Dương Thị Nhụn là cán bộ biên tập tạp chí Cửa biển Hội LHVHNT Hải Phòng
**  Thuyền nghiêng, tiểu thuyết của Dương Thị Nhụn, NXB Quân đội Nhân dân, 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét