Trăn trở về hiện tình của “vốn xã hội” Việt Nam
Hoàng Dzung
Những ai tâm huyết với sự sống còn của quốc gia, với vận mạng của dân tộc không thể không trăn trở, xót xa và lo lắng trước sự tha hóa theo chiều hướng ngày càng tiêu cực của nền giáo dục và đào tạo của nước nhà, trước sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của nền đạo đức xã hội, trước vấn nạn lạm dụng quyền lực của các nhóm lợi ích đang thao túng bộ máy Nhà nước một cách trắng trợn, lộ liễu, bất chấp lợi ích quốc gia và lương tri xã hội trong chính quyền hiện nay?
Có hành động nào triệt tiêu khả năng tiềm ẩn của “Vốn xã hội” – nguồn sức mạnh tập trung lớn nhất của quốc gia, di sản quí báu nhất của tổ tiên, linh hồn thiêng liêng vô vàn của dân tộc – tốt hơn việc kìm hãm lòng yêu nước và hành động yêu nước của quần chúng, ngăn cản quần chúng nhận diện kẻ thù và mãi duy trì sự hằn thù đã chia rẽ dân tộc trong hơn nửa thế kỷ qua và sau gần 4 thập kỷ đất nước đã hoàn toàn thống nhất?
Việc làm đó có lợi cho ai và vận mạng của đất nước, của dân tộc sẽ ra sao, nếu “Vốn xã hội” của đất nước không những không được vun đắp và phát huy mà vẫn hàng ngày, hàng giờ tiếp tục bị triệt tiêu?
Có cuộc tự sát tập thể nào có qui mô lớn hơn qui mô tự sát của cả một dân tộc?
Trên hết thảy, có dân tộc nào cam tâm tự sát tập thể?
H. Dz.
Mọi quá trình sáng tạo của cải vật chất (hoạt động sản xuất) hay bất cứ hoạt động sáng tạo nào của xã hội cũng đều cần đến 3 loại vốn:
- Vốn bằng tiền;
- Vốn bằng vật chất;
- Vốn lao động bằng sức lực và trí tuệ của con người.
Người ta gọi yếu tố con người với sức lực và trí tuệ của mình là “vốn xã hội”.
Hai doanh nghiệp A và B có cùng loại hình kinh doanh, cùng qui mô sản xuất và cùng trình độ công nghệ, nhưng doanh nghiệp A sở hữu một lực lượng lao động có học vấn cao hơn, trình độ thạo nghề và kinh nghiệm dồi dào hơn (gọi tổng quát là có chất lượng lao động tốt hơn), được tổ chức và điều hành tốt hơn sẽ có nhiều cơ hội để chiến thắng hơn doanh nghiệp B trong cạnh tranh, vì có nhiều khả năng tạo nên những ý tưởng, những phát minh và áp dụng có hiệu quả những phương pháp và công nghệ mới để cho ra đời những sảm phẩm mới phù với đòi hỏi khắc nghiệt của thương trường.
Người ta gọi doanh nghiệp A sở hữu một “vốn xã hội” có chất lượng tốt hơn doanh nghiệp B. Nhưng cũng doanh nghiệp A đó qua lãnh đạo của các đời giám đốc trước thì vẫn giẫm chân tại chỗ mà chỉ với sự lãnh đạo của giám đốc hiện hành mới có sự bứt phá vượt trội hơn so với doanh nghiệp B. Vậy một “vốn xã hội” tốt đòi hỏi phải có lao động với chất lượng tốt và được tổ chức điều hành tốt, nếu không thì sự vượt trội hơn người (hay hơn chính mình trước đó) của “vốn xã hội” chỉ là một khả năng tiềm ẩn.
Điều đó cho thấy “vốn xã hội” là sự kết hợp giữa “chất lượng người lao động” và “chất lượng tổ chức và điều hành quá trình lao động”. Sự kết hợp đó chính là “quá trình hiệp tác, hiệp đồng của con người trong hoạt động xã hội”.
Trong đó “chất lượng người lao động” là điều kiện cần và “chất lượng tổ chức và điều hành quá trình lao động” là điều kiện đủ để phát huy hiệu quả của “vốn xã hội”, tức để có một “quá trình hiệp tác, hiệp đồng của con người trong hoạt động xã hội” có hiệu quả cao hay thấp.
Loài người là động vật sống theo bầy đàn nên luôn luôn có xu hướng hợp quần và liên kết hành động vì lợi ích chung, nhất là vì lợi ích sinh tồn của chính mình; đó là xu hướng thường trực làm phát sinh và tồn tại năng lực tiềm ẩn của “vốn xã hội” ở bất cứ nơi nào và bất cứ thời điểm nào, nếu nơi đó có hoạt động của con người dưới hình thức là hoạt động cộng đồng. Liên kết bởi mục tiêu lợi ích chung là điều kiện cần và hành động thống nhất, nhịp nhàng, đồng bộ của cộng đồng vì mục tiêu lợi ích chung là điều kiện đủ để có được một “quá trình hiệp tác, hiệp đồng của con người trong hoạt động xã hội”, tức để có được một “vốn xã hội”. Mục tiêu chung vừa là động lực để hành động vừa là chất keo kết dính của cộng đồng. Các nhà lãnh đạo xã hội mà không xác định được mục tiêu tối thượng của đất nước, của xã hội và không biết tập trung sức lực để thực hiện mục tiêu ấy thì sẽ không tạo được chất keo kết dính để cố kết xã hội thành một khối thống nhất và không tạo được sự cộng hưởng cao độ có sức dời non lấp biển trong hành động chung của xã hội vì lợi ích tối thượng của cộng đồng, bởi “vốn xã hội”, tức “quá trình hiệp tác, hiệp đồng của con người trong hoạt động xã hội” chỉ là một xu hướng, một cơ hội tiềm ẩn; bởi một tia nước nhỏ được tập trung với sức nén cao độ có thể xuyên thủng và cắt rời cả sắt thép, kể cả và những vật cứng hơn sắt thép.
Chất lượng của quá trình hiệp tác và hiệp đồng xã hội chính là chất lượng, đồng thời là biểu hiện tập trung của trình độ sử dụng “vốn xã hội”.
Chất lượng của “vốn xã hội” phụ thuộc vào các giá trị vật thể và phi vật thể mà một xã hội có được (truyền thống lịch sử - truyền thống văn hóa - nếp thuần phong, mỹ tục - nền kinh tế - nền chính trị - nền dân trí - nền văn minh - nền nghệ thuật - nền khoa học và công nghệ - hệ thống tư tưởng và triết học… mà xã hội đó đang kế thừa và sở hữu, thể hiện qua các giá trị hữu hình và vô hình trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và xã hội khác của một quốc gia). Chất lượng “vốn xã hội” thể hiện qua từng con người cụ thể của xã hội; học vấn, trí tuệ, tư tưởng, kinh nghiệm, sự am hiểu qui trình công nghệ của công việc, năng lực sử dụng phương tiện - thiết bị, trình độ kỷ luật tự giác trong quá trình hiệp đồng, hiệp tác với cộng đồng và khả năng sáng tạo của một con người là tổng hòa vốn xã hội của con người ấy. Chất lượng “vốn xã hội” còn được thể hiện tập trung cao độ ở giới trí thức tinh hoa của đất nước, ở các nhà chuyên môn và những chuyên gia cao cấp, ở những nhà tư tưởng và các nhà chính trị lỗi lạc của một xã hội mà người ta thường gọi là hiền tài của đất nước. Không thể có những nhà chính trị lỗi lạc với vai trò là người tổ chức và điều hành hoạt động xã hội trong điều kiện một “vốn xã hội” cá nhân khiêm tốn, nghèo nàn; đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay lại càng không thể có những nhà chính trị lỗi lạc với quá trình trưởng thành trong phạm vi biên giới nội địa và với tầm nhìn không vượt được ranh giới vùng miền, ranh giới quốc gia. Sử dụng và phát huy một cách có hiệu quả để đạt được thành tựu vượt trội từ “vốn xã hội” là tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo của một chính thể, của một chính trị gia.
Cụ Hồ Chí Minh sau nhiều thập kỷ bôn ba và lăn lộn với cuộc sống ở hải ngoại, với kiến thức và tầm nhìn thời đại gắn liền với thực tế chính trị toàn cục của thế giới đã cho một kiểu mẫu sinh động tuyệt vời, dù đứng trên quan điểm nào cũng không thể phủ nhận được về việc Cụ đã khơi dậy, khai thác và sử dụng “vốn xã hội” một cách có hiệu quả, để từ đó biến một dân tộc nhược tiểu như nước Việt Nam trở thành một sức mạnh vô địch trước những đế quốc hùng mạnh như Pháp, Nhật, Mỹ là như thế nào.
“Vốn xã hội” nhất thiết phải qua một quá trình giáo dục, đào tạo và sự tự hoàn thiện lâu dài của xã hội, của cộng đồng và của từng cá thể thành viên xã hội ấy, bao gồm cả “thành viên cao cấp” với vai trò tổ chức và lãnh đạo xã hội.
Sự tụt hậu về mặt giáo dục và đào tạo, cũng như sự xuống cấp của tư tưởng và đạo đức xã hội là sự xuống cấp của “vốn xã hội”; ở tầm cỡ quốc gia, đó là vấn nạn sâu xa, lâu dài có thể đưa một quốc gia, một dân tộc đến bờ vực suy vong trước sự cạnh tranh khốc liệt của thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Lãnh đạo một quốc gia mà lầm lẫn giữa lợi ích cục bộ (lợi ích nhóm) với lợi ích toàn cục của một quốc gia, một dân tộc sẽ triệt tiêu khả năng tiềm ẩn của “vốn xã hội”, tức triệt tiêu khả năng liên kết và hành động thống nhất của xã hội; đó là vấn nạn trực tiếp có thể đưa một quốc gia, một dân tộc đến bờ vực diệt vong trước họa ngoại xâm của một kẻ thù tàn bạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét