Đặng Văn Sinh
Điếu văn của người quét chợ
Truyện ngắn
"Lúc sắp đưa ma, mình mới sang. Ngừng tiếng kèn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư trịnh trọng đọc. Lão này có giọng tốt, chuyên nghề đọc điếu văn, lên bổng, xuống trầm, rất có ngữ cảm. Cũng may đám tang hôm ấy vô cùng nhốn nháo. Những người đến viếng toàn là khách giời ơi nên chẳng ai phát hiện ra cái trò đánh tráo trắng trợn đó, trừ kẻ nằm trong quan tài. Bây giờ người ấy đang đứng trước mặt mình với bộ mặt nhẵn thín, cặp mắt lồi, trắng dã long lên sòng sọc :
-Ông soạn cho tôi bài điếu văn hổ lốn. Phần đầu của lão hàng thịt, phần giữa là của tay Nghinh chuyên nghề trộm cắp. Phần cuối mới là của tôi nhưng lại xỏ xiên cạnh khoé. Ông là thằng đểu. Tôi thật sai lầm là chết ở cái xó này. Đáng lẽ ra đám ma của tôi phải linh đình nhất tỉnh, tiền phúng viếng nhẹ ra cũng vài ba tỷ..."
Lúc này người ta đang làm thủ tục nhập quan. Người quá cố được bọc trong lần vải xô, lòng khòng như chiếc lá héo bị vặn theo chiều dọc, trông có vẻ dài hơn lúc còn sống. Lão thầy cúng nửa mùa, một tay bắt quyết, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú, một tay cầm con dao chém lung tung bốn phương tám hướng. Sau một hồi nhảy thách lên như con choi choi, lão băm bảy nhát dao vào phía trong quan tài trừ quỷ nhập tràng rồi khoát tay ra hiệu cho hai ông già đưa người chết vào cỗ ván gỗ tạp bọc giấy đỏ.
Phải nói, không có gì thê thảm, não nề bằng tiếng kèn đám ma. Khi mà những hợp âm năm cung của điệu Lâm khốc được nâng đỡ bởi tiếng nhị réo rắt, hoà với chuỗi âm thanh đơn độc của cây đàn bầu vuốt dài đến vô tận, nghẹn ngào như nấc lên từng nhịp, thì đến người ngoài cuộc cũng rơi nước mắt. Người thổi kèn là một thợ chuyên nghiệp có hạng. Khi thổi, mái đầu bạc của ông rung rung, đôi lúc đảo qua đảo lại như các bà đồng đội bát nhang. Cùng với tiếng kèn là dàn đồng ca nức nở với đủ các cung bậc của đám con cháu nội ngoại. Ông có sáu con, bốn trai, hai gái. Cái gia đình đông đúc ấy, đã lâu lắm rồi, hôm nay mớ có dịp gặp mặt đông đủ.
Người con trai thứ hai, một trung uý hải quân, đội mũ mấn, áo xô, tay chống cây gậy bằng tre tươi, khẽ cúi đầu chào tôi. Anh ta đứng ngay phía đầu quan tài, mặt hốc hác, mắt có quầng thâm vì thức đêm.Tôi cúi đầu trước vong linh ông, chắp tay vái ba vái rồi vào góc rạp, ngồi xuống chiếc ghế đẩu, khuất sau linh sàng. Ở đây ít người qua lại, tôi muốn giành chút thời gian yên tĩnh để nghĩ về ông.
*
Cách đây ít lâu, có một lần ông bảo tôi :
- Đêm qua mình gặp giấc mơ rất kỳ lạ.
Tôi nói đùa:
Ông nheo cặp mắt hấp háy:
- Không phải xuống thủy cung mà ở ngay trên dương gian mới lạ. Đến bây giờ mình vẫn còn thấy lạnh sống lưng.
- Chắc lại chuyện ma quỷ ?
- Cậu đoán không sai .
- Chuyện thế nào ?
- Tầm ba giờ sáng, có tiếng gọi cửa, mình quáng quàng chồm dậy trong tình trạng thái như bị thôi miên. Một cái bóng trông chẳng khác gì thằng bù nhìn giữ dưa, khoác chiếc áo thụng đen dài quét đất lẳng lặng ra hiệu cho mình đi theo. Chừng nửa canh giờ, hắn ta dẫn mình đến nghĩa địa khu dân cư. Tay mặc đồ đen biến mất để lại phía sau đám lân tinh chập chờn của loại tử thi đang phân huỷ cùng với một trận âm phong lạnh thấu xương. Từ các ngôi mộ, những bóng đen bí hiểm lần lượt xuất hiện. Mặ dù mắt kém, và nhất là đêm mưa phùn, bóng tối dày đặc , mình vẫn nhận ra thấp thoáng vài người quen. Một ông già gầy giơ xương, cái bụng lép kẹp gá trên đôi chân khẳng khiu, giống hệt thằng đánh gậy, đứng gần nhất, bỗng giật phắt mảnh khăn che đầu, nhe răng cười :
- Tôi đây. Ông còn nhận được không ?
Đó là Cả Tuynh, chuyên nghề mổ lợn, chết vì cảm đột ngột sau một cuộc "độc ẩm" lít rưỡi "cuốc lủi"*** với lòng lợn tiết canh say bí tỉ. Mình gật đầu bảo :
- Ông Uống nhiều quá, vỡ động mạch não. Lẽ ra không nên...
Cả Tuynh nhăn mặt:
-Ông chớ tin bọn lang băm ở cái bệnh viện sát nhân ấy . Người ta sống chết có số, không cưỡng lại được.
Ngẫm nghĩ một lúc, lão trách :
- Ông soạn điếu văn cho tôi sơ sài quá. Hồi còn sống, tôi biết có những thằng ăn ở vô cùng đểu giả, thế mà lúc chết lại được người ta xưng tụng bằng đủ thứ ngôn từ hay ho. Ông khinh cái nghề ba toa của tôi nên xuống dưới này bị lép vế. Giận ông lắm.
Mình chưa kịp thanh minh thì lại một bóng đen khác, trông có vẻ như vừa mới được diện kiến Diêm Vương, chân cà nhắc nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn, từ ngoài chen vào, giọng thì thầm :
- Tôi suốt đười chỉ trộm cắp kiếm ăn, chẳng may bị bệnh hiểm nghèo bỏ mạng. Ông không ghét bỏ lại đọc cho bài điếu văn đầy lòng vị tha .Giờ tôi đã cải tà quy chính, được Thành Hoàng trọng dụng cho ra cai quản khu mộ địa.
Thú thật với cậu, lúc ấy mình thật sự hoảng. Sống lưng lạnh toát, hai thái dương co giật như sắp sửa lên cơn động kinh. Thì ra đó là lão Nghinh, trước làm công nhân đường dây , về hưu non,bị thủng dạ dày, chết chưa đầy năm. Tay này hồi còn làm việc đã có tiền án vì bán trộm dây thông tin. Nhà đông con, lão túng quẫn đâm liều. Hôm lão qua đời bà vợ sang năn nỉ :
- Lúc ông ấy còn sống có gì không nên không phải xin làng xóm thứ lỗi, giờ thành người thiên cổ rồi, trăm sự nhờ bác, viết cho nhà em bài điếu...
Trước khi lẩn đi, bóng ma lão Nghinh chắp tay vái mình ba vái rồi nói trong tiếng thở phều phào, chẳng biết thật hay bỡn :
- Biết thế này tôi xuống âm phủ trước đây mấy năm đỡ nhếch nhác.
Lại một người quen.Tất nhiên là mình nhận ra người đàn ông có dáng thấp đậm, bộ mặt nhẵn thín như thoa mỡ này chết cách đây hai năm. Đó là ngài phó bí thư tỉnh uỷ, vừa nghỉ hưu, bị nhồi máu cơ tim. Lão ta về xứ khỉ ho cò gáy này thăm bà vợ bé không chính thức vẫn giấu vợ cả và các con từ nhiều năm nay. Số chẳng ra gì. Chính hôm ông ấy hấp hối thì có trận mưa nguồn đổ về, cuốn phăng cây cầu Xi Măng dài hơn tám chục thước. Nước đục ngầu, chảy băng băng, mở rộng mặt suối đến mức không một phương tiện vận tải nào có thể qua được. Tất cả xe cộ từ tỉnh về đều đỗ lại bờ bên kia. Các quan chức đồng sự với ông cựu phó bí thư, vị nào cũng complét, cravate, giầy da bóng loáng, nhìn mặt nước đỏ lừ, gầm réo cuốn theo cả những cây gỗ lớn bị bật rễ mà lắc đầu ngao ngán. Đó là trận lũ thế kỷ, một trăm hai mươi bảy năm mới có một lần. Chẳng biết đến bao giờ nước mới rút. Ác một nỗi là sáng ngày hôm sau đã bắt đầu Đại hội trù bị, trong đó có nội dung bầu nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Tất nhiên, những kẻ khôn ngoan chẳng ai muốn vắng mặt vào thời điểm cực kỳ quan trọng ấy chỉ vì những lý do thứ yếu, đại loại như dự lễ cưới hoặc viếng đám ma. Vậy là, khách không chờ được đành lên ô tô về tỉnh.
Đám tang bên này còn thiếu bài điếu văn. Không còn cách nào hơn, bà vợ hai ông phó bí thư lại phải đến nhờ. Mình định chối nhưng bà ta không chịu :
- Ai ở khu dân cư này chết cũng có điếu văn. Bác mà không giúp thì em nhục với hàng xóm làng giềng. Chẳng gì ông ấy cũng là quan chức đầu tỉnh. Chỉ tại cái số vất vả.
Nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng mình lấy cuốn vở học trò của thằng cháu, tìm được chiếc bút chì trong ngăn kéo rồi bảo bà quả phụ :
- Chị phải nói rõ ngày tháng năm sinh, quê quán cũng như những việc làm của ông ấy lúc còn sống tôi mới viết được.Có điều phải nói thực. Ông ấy nằm xuống rồi, coi như đã trả hết nợ đời, đừng quanh co, dối trá để vong hồn ra đi được thanh thản.
Bà ta khóc nấc lên :
- Từ khi nghỉ hưu đến giờ hết lộc, vợ con ông ấy ăn ở bạc lắm, chỉ có mẹ con em là thương thật lòng. Thôi thì cũng chẳng dấu làm gì...
Thế là bà vợ bé kể. Thì ra tay phó bí thư này cũng là một kẻ rách giời rơi xuống hạ giới. Ông ta chưa học hết cấp hai nhưng lại có bằng thạc sỹ Quản lý kinh tế. Vụ bằng giả của một số quan chức đầu tỉnh đã ầm ĩ lên một hồi, kéo hơn chục tờ báo vào cuộc nhưng cuối cùng, chẳng biết bằng cách nào, ông ta dẹp êm ru . Rồi vụ com măng với công ty xúc tiến việc làm lừa hơn hai trăm nữ thanh niên đi lao động ở Đài Loan bị trục xuất, vụ nhập khẩu ô tô rởm ăn chênh lệch giá và trốn thuế, vụ tịch thu đất của nông dân xã K cho doanh nghiệp nước ngoài thuê khống... cũng đều trót lọt mặc cho hàng trăm đơn kiện vượt cấp bay như bướm bướm lên Hà Nội.
Nể người đàn bà, mình vắt óc tưởng tượng ra những công tích làm "đầy tớ" dân của ông cựu phó bí thư để bài điếu lâm ly, hùng hồn. Nhưng cố mãi vẫn không được. Hình như có một sức mạnh huyền bí nào đó tác động đến cân não làm đầu óc mình lộn xộn, khiến những câu chữ cứ chuội đi. Cuối cùng, đành nghĩ ra một hạ sách là kết hợp điếu văn của lão hàng thịt với điếu văn của lão Nghinh, xào xáo đôi chút cho hợp với gia cảnh của người vừa quy tiên rồi chép lại thật nắn nót trên tờ giấy khổ rộng không có dòng kẻ.
Lúc sắp đưa ma, mình mới sang. Ngừng tiếng kèn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu dân cư trịnh trọng đọc. Lão này có giọng tốt, chuyên nghề đọc điếu văn, lên bổng, xuống trầm, rất có ngữ cảm. Cũng may đám tang hôm ấy vô cùng nhốn nháo. Những người đến viếng toàn là khách giời ơi nên chẳng ai phát hiện ra cái trò đánh tráo trắng trợn đó, trừ kẻ nằm trong quan tài. Bây giờ người ấy đang đứng trước mặt mình với bộ mặt nhẵn thín, cặp mắt lồi, trắng dã long lên sòng sọc :
-Ông soạn cho tôi bài điếu văn hổ lốn. Phần đầu của lão hàng thịt, phần giữa là của tay Nghinh chuyên nghề trộm cắp. Phần cuối mới là của tôi nhưng lại xỏ xiên cạnh khoé. Ông là thằng đểu. Tôi thật sai lầm là chết ở cái xó này. Đáng lẽ ra đám ma của tôi phải linh đình nhất tỉnh, tiền phúng viếng nhẹ ra cũng vài ba tỷ...
Sau bữa ấy, ông Viển ốm nặng, nói năng lảm nhảm như bị ma làm., tưởng khó qua được. Ông bảo , cứ mỗi khi nghĩ đến cái khuôn mặt nhẵn thín thuôn thuôn hình quả dưa của lão phó bí thư lại muốn ói ra mật xanh mật vàng. Từ đấy ông dứt khoát không viết điếu văn cho ai nữa. Bây giờ ông nằm đây, yên lặng, để rồi chỉ chốc nữa thôi vĩnh viễn về với đất.
Những năm tám mươi, ông là nhân viên hành chính của xí nghiệp Chế biến thức ăn gia súc. Đơn vị này làm ăn theo kiểu gạo chợ nước sông, sản phẩm toàn loại thứ cấp, nợ cũ chồng lên nợ mới có nguy cơ giải thể. Cũng vào dịp ấy, những nhà hoạch định chính sách kinh tế nghĩ ra sáng kiến nhập những xí nghiệp nhỏ thành xí nghiệp lớn theo mô hình " công nông nghiệp hiện đại", thành ra ông thuộc diện dôi dư. Người ta động viên ông về hưu non vì đã đủ năm công tác, tuổi quá năm mươi. Vậy là ông về. Nhà đông con, cuộc sống khá chật vật. Ông san sẻ tình thương cho các con giống như bà mẹ nghèo chia bánh đa vừng mỗi khi đi chợ về. Ông nhịn ăn, nhịn mặc nuôi con đi học. Lương hưu không đủ sống, ông nhận thêm chân quét chợ. Một tháng được tám mươi ngàn. Chợ Bồng họp suốt ngày, ít người mà lắm rác. Quét mãi không hết, có hôm ông phải làm đến nửa đêm. Cứ mỗi lúc nhìn chiếc áo bạc phếch dán trên tấm lưng còng nhấp nhô theo nhịp chổi, tôi lại động lòng trắc ẩn. Nghĩ về ông bao giờ tôi cũng hình dung ra cặp chân ống đồng khẳng khiu với hai bàn chân thô tháp bước đi theo kiểu vạt tép nhưng nhanh một cách lạ thường. Lúc vắng người, bà Ngấn hàng thịt giúi cho ông mấy ngàn "để uống rượu". Ông dừng tay quét, đưa trả lại, bảo :
- Cảm ơn bà. Tôi còn tự kiếm được. Khi nào hết tiền uống rượu, tôi xin.
Người đàn bà phốp pháp, mặt vuông chữ điền, cặp mắt lá răm lúng liếng, không dám nguýt dài mà chỉ thở dài lẩm bẩm :
- Rõ khổ. Đúng là trời bắt tội.
Bà hàng thịt thương ông già quét chợ không phải bằng tình thương vay mượn mà đó là thứ tình thương rất thực thà xuất phát từ lòng căm ghét vợ ông, một người phụ nữ mắn đẻ, già mà vẫn còn duyên nhưng làm biếng và vô tâm.
Buổi trưa ông thường đi mò. Suối gần nhà, nước xanh trong nhưng cũng sẵn tôm,cua, ốc lẫn giữa đám rong đuôi chó. Chỗ nước sâu quá tầm tay, ông hít một hơi dài rồi lặn xuống. Mỗi lần như thế, cũng lôi được từ đám rong ra một vài con cua hoặc chú tôm càng. Những thứ mò được bao giờ ông cũng chia làm hai phần. Phần nhiều, cho tất cả vào nồi , thêm vài quả cà, nêm muối, đun kỹ cả nhà ăn. Phần ít hơn, ông nướng trên than hồng hay rang nhạt nhắm rượu.
Ông có sở trường trong việc soạn điếu văn. Lời điếu của ông khúc chiết, đâu ra đấy, hợp với từng cảnh ngộ của mỗi người khi nằm xuống. Văn ông mộc mạc, chân chất, nhưng chính vì thế mà khi đọc lên nghe thật bi thiết não nùng. Nghe ông kể lại giấc mơ gặp toàn ma quỷ ngoài nghĩa địa, tôi cũng thấy chờn chợn. Không ít người cho ma quỷ chẳng qua là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng xét đến cùng, biết đâu đấy, con người ta chết rồi vẫn còn lưu lại trên cõi đời một chút linh hồn. Ai chứng minh được điều đó ? Chắc chỉ có những người đã đi khỏi thế gian này. Nhưng tìm họ ở đâu ? Gần đây, nghe khẩu khí của ông, tôi có linh cảm những điều chẳng lành nhưng vẫn nói đùa để xua đi cái không khí nặng nề :
- Sao bác lại lấy điếu văn của lão Cả Tuynh thay cho ông phó bí thư ?
Ông nhếch mép cười nhạt :
- Cũng thế cả. Cái khác nhau là ở chỗ, một đằng bán thịt lợn cho người còn một đằng bán linh hồn cho ma quỷ.
Tôi không hiểu ông muốn nói gì.
*
Hơn một năm sau . Hôm ấy tôi đang chẻ lạt rào vườn thì vợ tôi từ chợ Bồng về bảo :" Bác Viển chết rồi". Tôi không tin, quẳng dao chạy vội ra cổng. Đúng là ông đã chết, một cái chết không bình thường. Nguyên nhân vẫn tại con suối Cả. Suối Cả chảy vòng vèo uốn khúc giữa hai bờ mọc toàn sung ngái hoặc những cây cơi cổ thụ tán sum sê. Đứng trên sườn núi trông con suối giống như dải khăn xanh da trời phản chiếu ánh chiều vàng nhạt, đẹp một cách khiêm nhường của một vùng sơn cước. Nhưng về mùa hè thì nó trở nên khá dữ dằn. Chỉ sau một trận mưa ngàn, mặt nước trong khoảnh khắc nở phình ra, đục ngầu sủi bọt, chồm lên dữ dội như có hàng ngàn bờm ngựa chen nhau phi nước đại.
Hôm ấy ông đi câu chạch chấu. Suối Cả có nhiều chạch nhưng chạch chỉ cắn câu vào những ngày mưa lũ. Đã thành thói quen, ông chọn mỏm đá bằng phẳng nhô hẳn ra ngoài suối rồi mắc mồi , buông câu. Chạch chấu kho khô với tương thì thật tuyệt. Canh dấm chua cũng tốt. Còn nếu đem nấu cháo, thêm ít gia vị và rắc hồ tiêu rồi vừa húp và thổi phù phù, thì có lẽ, trên đời này không món cao lương mỹ vị nào hấp dẫn bằng. Ở phía trên ông chừng vài chục bước có một thằng bé cũng đang câu. Nó chỉ độ mười hai mười ba, con bà vợ bé ông phó bí thư quá cố. Cậu ta đã làm được một xiên đến sáu bảy con vừa chạch vừa cá. Đúng vào lúc nó ngửa người, tay giật mạnh cần câu thì bị mất đà trượt chân khỏi tảng đá trơn đầy rêu. Là người nhìn thấy đầu tiên, ông Viển chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi vứt cần câu, để nguyên cả quần áo lao xuống nước. Cũng may, ông nhảy đón đầu, túm ngay được chân thằng bé. Bằng một cố gắng phi thường, ông dìu nó bơi cắt chéo dòng lũ vào vùng nước nông phía bờ đối diện. Bên ấy dòng chảy đã yếu nhưng do bị va đập quá mạnh, ông đuối sức, không tấp được vào bờ. Ba hôm sau người ta mới tìm thấy ông bị kẹt giữa đám rễ cây ở một cánh bãi gần cửa sông Bía, người lép kẹp, chẳng có biểu hiện gì của cái xác chết trôi.
Trong cảnh tang gia bối rối, tôi nghe thấy ông Trưởng khu dân cư kiêm Trưởng ban tang lễ hỏi đám thanh niên choai choai vừa đi đào huyệt về:
- Gia đình đã cử ai viết điếu văn chưa ?
Thằng Lộc gọi ông Viển bằng chú bảo :
- Chúng cháu không biết. Tối qua thím cháu có nhờ ông Túc nhưng ông ấy không dám nhận lời.
- Chà ! Gay nhỉ. - Ông Trưởng ban chép miệng, mắt lơ đễnh nhìn hàng cờ phướn ướt sũng nước mưa hồi đêm đang uể oải lay theo chiều gió. - Ông ấy viết điếu văn cho bao nhiêu người, giờ đến lượt mình lại không có...
Tôi chợt nhớ ra. Cách đây đã lâu, khoảng hai ba năm gì đó, sau mấy hội tổ tôm ở nhà Ba Thống, ông Viển rủ tôi sang uống rượu lạc rang. Lúc tôi sắp về, ông rút từ ngăn tủ ra chiếc phong bì bằng giấy học trò trịnh trọng đưa bằng cả hai tay, giọng có vẻ xúc động :
- Tôi gửi chú cái này. Đây là vật ký thác. Khi nào tôi nhắm mắt, người ta nhập quan rồi hãy mở. Số tôi có lẽ không được chết thanh thản nên có mấy lời dặn lại. Chú có dám hứa danh dự với tôi không?
Tôi mỉm cười hoài nghi :
- Tôi hứa...Mà làm sao bác nghĩ đến chuyện viết di chúc sớm thế ?
Ông hấp háy cặp mắt đã thấm hơi men nhưng giọng lại bình thản, trang trọng như một nhà tiên tri :
- Trong cõi đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Viết gửi chú trước, sợ đến lúc lâm sự trở tay không kịp.
Tôi lẳng lặng ra về bằng lối cổng sau. Tìm được cái hộp nhỏ bằng gỗ vàng tâm trong góc tủ, tôi lật giở những thứ giấy tờ lưu trữ của gia đình, và cũng chẳng mấy khó khăn tìm ra cái phong bì xếp lẫn vào giữa đám giấy má đã ố vàng. Tôi bóc phong bì không được bình tĩnh lắm vì hồi hộp và cả tò mò nữa .Tôi thầm dự đoán, biết đâu ông Viển có vàng, lúc sinh thời, sợ các con ỷ lại, lười làm nên dấu một chỗ, lúc chết, sợ chúng tranh nhau nên phải nhờ tôi, là người ông tuyệt đối tin tưởng, đứng ra phân xử...
Từ trong phong bì rơi ra tờ giấy gấp tư viết bằng bút bi màu tím. Tôi lật giở cả hai mặt và bỗng nhiên sững cả người. Đó không phải chúc thư mà mà là ...điếu văn của chính ông.
ĐVS
Bác đã khi nào viết Điếu văn chưa hả bác? Đọc mà em thấy cũng gai gai người.
Trả lờiXóaNăm mới chúc bác cùng gia quyến mạnh khỏe, hạnh phúc, an lành