Nhãn

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Dostoyevski Trong Một Thế Giới Duy Ác

Dostoyevski Trong Một Thế Giới Duy Ác

Trần Mạnh Hảo

 ( Mùa Noel 2011, viết nhân kỷ niệm 190 năm ngày sinh của đại văn hào Nga Fyodor Mikhaylovich Dostoyevski: 11-11-1821 và 120 năm ngày mất của ông : 9-2-1881)
“ Vòm trời đó nào phải ai cho mượn
Nào phải ai cho mượn để che đầu”
( Thơ T.M.H.)
Cuốn sách cuối cùng đại văn hào Nga  L.Tolstoi đọc trước lúc bỏ nhà ra đi vào đêm 28-10-1910 rồi chết tại nhà ga xe lửa Astapovo ngày 20-11-1910 là kiệt tác “ Anh em nhà Karamazov” của một đại văn hào Nga khác : Dostoyevski. Trên bàn làm việc của vị bá tước nhà văn này ở điền trang Yasnaya Poliana tỉnh Tula cuốn sách vĩ đại của Dos vẫn còn mở ra bằng một thanh kẹp sách ở chương Dos viết về “Viên Đại pháp quan tôn giáo” trong câu chuyện của nhân vật Ivan Karamazov kể cho em trai mình là Aliosha Karamazov…
Người ta đã lý giải nhiều về những nguyên nhân khiến L.Tolstoi bỏ nhà ra đi tìm một nơi yên tĩnh và nghèo khó để chết : nào là để thoát khỏi bà vợ đã từng sống 48 năm với ít nhiều thiên đường và rất nhiều địa ngục. Nào là L. Tolstoi luốn  ám ảnh về cái chết, muốn chết như một con thú hoang trốn chạy loài người. Nào là chuyện Tolstoi bị Nga hoàng cấm các cuốn sách của ông, chuyện ông bị giáo hội Chính thống Nga rút phép thông công vì ông dám viết công khai chống lại giáo lý, lại quảng bá cho đạo Phật …

Nhưng còn một nguyên nhân tuy có thể là nhỏ, như giọt nước làm tràn li mà các nhà “Tolstoi học” chưa hề nhắc tới là chuyện những ám ảnh khủng khiếp của kiệt tác “ Anh em nhà Karamazov” của Dostoyevski đã góp phần đẩy cụ già Lép bỏ trốn vợ con ra đi tìm cái chết ở một nơi vô định vào tuổi 82 ?
Suốt 29 năm, từ ngày Dostoyevski về nước Chúa ( 1881), cũng là năm kiệt tác “ Anh em nhà Karamazop” được in ra trọn vẹn lần đầu, L.Tolstoi đã mua cuốn sách này của Dos. Tolstoi coi cuốn sách này là một cuốn sách vĩ đại, lật từng trang nặng như giấy in làm bằng đá; đến nỗi ông phải đánh vật với nó, khóc cười, rùng rợn, căm ghét, nguyền rủa rồi lại ca tụng nó hết lời. Hình như trong cuốn sách khác thường này của Dos, Lép kinh hoàng nhận ra nó vừa là qủy, vừa là thánh, thậm chí là hình ảnh của Đức Chúa Jesus bị đem ra đóng đinh một lần nữa trên nước Nga tràn ngập quân dữ của ông. Suốt 29 năm trời, đại văn hào thế giới Lep này chưa đọc hết cuốn sách được ông coi là dài và rộng hơn cả nước Nga của đại văn hào Dos, kẻ lớn hơn ông bảy tuổi, chết trước ông 29 năm.
Cho nên, trước lúc vĩnh biệt ngôi điền trang và gia đình đi tìm một nơi hoang dã để chết, thay vì đọc Kinh Thánh, L. Tolstoi đã đọc “Anh em nhà Karamazov”; để rồi ông - một người báng bổ giáo lý Thiên Chúa giáo nhưng vẫn xưng mình là tín hữu Ki-tô giáo - thoát khỏi cái thế giới duy ác của các ngài Đại Pháp quan chuyên khoác áo duy thiện để dọa đưa Chúa Jesus lên giàn hỏa của tòa dị giáo, nơi ông ta đang ngồi canh giữ thế giới đã được nô lệ hóa của riêng mình, nếu Chúa không biết điều mà “ cút” khỏi thế giới đã được an bài cho các quan cai trị…
“ Anh em nhà Karamazov” đã thôi miên ngay cả L.Tostoi, khiến suốt 29 năm ông rất mê nó mà vẫn chưa đọc hết kiệt tác này. Cuốn sách ấy, ghê gớm thay, cho đến hôm nay vẫn còn thôi miên cả thế giới, một cuốn sách vĩ đại nhất, khó đọc nhất, ác nhất, thiện nhất, ma mãnh và thánh thần nhất.
Đến nỗi, đầu thế kỷ thứ XX, một nhà văn Nga là A. Remizov đã ca ngợi tác giả của nó hết mức : “ Dostoyevski đó là nước Nga. Không có Dostoyevski không có nước Nga”. Chúng tôi xin thêm : Dostoyevski & L.Tolstoi chính là nước Nga. Đỉnh núi lớn L.Tolstoi nếu đứng một mình, nước Nga sẽ đổ. May thay, bên cạnh đỉnh cao “Chiến tranh & Hòa bình”, nước Nga đã được cân bằng bởi một đỉnh núi ngược khác, ấy là vực sâu tinh thần thăm thẳm “Anh em nhà Karamazov”
Hình như chính Viên đại pháp quan tôn giáo trong tác phẩm của Dos vừa nhảy ra truy bắt Lép; hay là ông chợt nhìn thấy gương mặt của Viên đại pháp quan tôn giáo trong gương mặt bà vợ gốc Đức của mình : Sophie Behrs nên phải trốn nhà trong đêm tối ? Xin hãy đọc một phân đoạn ngắn nhưng là một công án lớn bậc nhất thế giới mà Dos thông báo với nhân loại qua miệng nhân vật Ivan Karamazov kể cho em trai Aliosha Karamazov, có đoạn là sự đối thoại của hai nhân vật này xưng với nhau bằng “tôi” với “chú”như sau :
 “Chuyện tôi kể diễn ra ở thành Xevin Tây Ban Nha, vào thời pháp đình tôn giáo ghê rợn nhất, khi mà để làm sáng danh Chúa Trời, hàng ngày những giàn lửa thiêu rực cháy trong nước:
Quân tà đạo không còn thoát được.
Giàn lửa thiêu ngùn ngụt căm hờn…
…Vốn lòng lành vô cùng, một lần nữa Chúa đi qua giữa dân chúng, hình dạng Chúa vẫn như mười lăm thế kỷ trước khi Ngài sống giữa mọi người trong ba năm ròng. Ngài giáng lâm đến "các phố phường rực lửa" của đô thành phía Nam ấy. Ở đó chỉ mới hôm trước, trong "giàn lửa huy hoàng", trước mặt đức vua, triều thần, các hiệp sĩ, các giáo chủ và các mệnh phụ kiều diễm nhất trong triều, trước đông đảo dân chúng thành Xevin, theo lệnh của giáo chủ Đại Pháp quan, người ta đã thiêu luôn một lúc ngót trăm kẻ di giáo. Chúa xuất hiện một cách lặng lẽ, không để ai nhận thấy, nhưng kỳ lạ thay, mọi người đều nhận ra Chúa. Đấy có thể là một trong những đoạn hay nhất của bản trường ca, nói về việc tại sao người ta nhận ra Chúa. Một sức mạnh không thể cưỡng lại được khiến dân chúng ùa đến với Chúa, vây quanh Chúa mỗi lúc một đông thêm, đi theo Chúa. Chúa im lặng đi qua giữa họ, miệng mỉm cười hiền từ, thương cảm vô hạn….Dân chúng khóc và hôn mặt đất nơi Chúa bước chân lên. Trẻ em tung hoa trước mặt Chúa, hát và reo hò: 'Hoxama!"(5).… "Đấy là Ngài, chính là Ngài, một người nhắc đi nhắc lại, - hẳn phải là Ngài, chỉ có thể là Ngài". Chúa dừng lại trên sân nhà thờ Xevin giữa lúc người ta khóc lóc khiêng vào đó một cỗ quan tài trẻ em màu trắng mở nắp: nằm trong quan tài là một bé gái bảy tuổi, con gái duy nhất của một người quyền quý ở tha phương. Xác đứa bé phủ đầy hoa. "Ngài sẽ làm con bà sống lại" đám đông reo lên với bà mẹ đang khóc lóc. Một linh mục của nhà thờ đang đi về phía cỗ quan tài cau mày nhìn, dáng vẻ băn khoăn. Nhưng bà mẹ của đứa bé đã khóc gào lên. Bà sụp xuống chân Chúa: "Nếu Ngài là Chúa thì xin hãy làm cho con tôi sống lại!" - bà ta giang hai tay cầu Chúa, kêu lên. Đám đưa tang dừng lại, đặt cỗ quan tài dưới chân Chúa. Chúa nhìn đầy vẻ thương xót, và một lần nữa Chúa khẽ thốt lên: "Ta-lia kumi!" - "bé em hãy trở dậy" - Cô bé ngồi dậy trong quan tài, mỉm cười, mắt mở to ngạc nhiên nhìn xung quanh. Hai tay em cầm bó hoa hồng mà em vẫn ôm ở trong quan tài. Dân chúng nhốn nháo, la hò, nức nở, đúng lúc ấy giáo chủ Đại Pháp quan đột nhiên đi qua quảng trường trước nhà thờ. Đấy là một ông già ngót chín mươi tuổi, thân hình cao, lưng thẳng, mặt khô quắt, mắt hõm sâu nhưng vẫn sáng quắc. Ồ, ông không mặc bộ đạo phục giáo chủ lộng lẫy mà hôm qua ông còn mặc khi ra trước dân chúng trong cuộc hoả thiêu những kẻ thù của đạo La Mã, không, lúc ấy ông chỉ mặc chiếc áo thụng cũ thô kệch của mình. Theo sau ông, cách một khoảng khá xa, là những người giúp việc mặt mày cau có những nô lệ và đội "thánh binh". Ông dừng lại trước đám đông và quan sát từ xa. Ông nhìn thấy hết. Ông nhìn thấy cỗ quan tài được đặt dưới chân Ngài, rồi con bé sống lại, và mặt ông sa sầm. Ông cau đôi lông mày sâu róm trắng bạc, ánh mắt ông lóe lên hung tợn. Ông trỏ ngón tay ra lệnh cho bọn vệ binh bắt Ngài. Uy quyền của ông rất lớn, dân chúng đã quen thần phục, ngoan ngoãn và run sợ tuân lệnh ông, đám đông lập tức dãn ra trước bọn vệ binh, và bọn này, trong bầu không khí im ắng như trong nhà mồ, túm lấy Ngài giải đi. Tức khắc, nghìn người như một, đám đông nhất loạt rập đầu sát đất trước vị Đại Pháp quan, ông ta lẳng lặng ban phước cho dân chúng và đi ngang qua chỗ họ. Vệ binh giải phạm nhân vào một ngục thất chật hẹp, tối tăm, có vòm cuốn trong toà nhà cổ của Pháp đình thánh tín và nhốt ở đó. Một ngày qua đi, rồi đêm đến, một đêm nóng bức ngột ngạt của Xevin. Không khí nồng "hương nguyệt quế và hương chanh". Trong bóng tối sâu thăm thẳm, cửa sắt nhà ngục bỗng mở ra, và đích thân lão Đại Pháp quan cầm cây đèn chậm rãi đi vào. Ông ta đến một mình, cửa tức thời đóng lại sau lưng ông ta. Ông ta dừng lại một lúc lâu, chừng một vài phút, nhìn chằm chằm vào mặt Ngài. Cuối cùng ông ta nhẹ nhàng đến gần, đặt cây đèn xuống bàn, nói với Ngài: "Ông đấy ư? Ông ư?" - Nhưng không đợi trả lời, ông ta nói thêm luôn, - Đừng trả lời, cứ im lặng. Với lại, ông có thể nói gì được kia chứ? Tôi thừa biết ông sẽ nói gì. Ông không có quyền thêm một lời nào vào những gì ông đã nói trước kia. Tại sao ông xuống đây làm phiền chúng tôi? Ông đến là phiền cho chúng tôi, điều đó thì chính ông cũng biết. Nhưng ông có biết ngày mai sẽ thế nào không? Tôi không biết ông là ai và không muốn biết có phải ông thật không hay chỉ là cái vẻ bên ngoài giống như ông, nhưng ngày mai tôi sẽ kết án ông và thiêu ông trên giàn lửa như một kẻ tà giáo độc ác nhất, và dân chúng hôm nay hôn chân ông thì ngày mai tôi chỉ vẫy tay một cái là họ đổ xô đến hất thêm than vào giàn lửa thiêu ông, ông có biết thế không? Ờ, có lẽ ông biết" - ông ta trầm ngâm nói thêm, măt không lúc nào rời khỏi người bị bắt giam…”
….
“…Chúng tôi làm như thế có phải lẽ không, Chúa nói đi. Lẽ nào chúng tôi không yêu nhân loại khi chúng tôi khiêm nhường nhận ra chỗ yếu kém của họ, trìu mến giảm nhẹ gánh nặng cho họ và cho phép bản chất yếu đuối của họ phạm tội, miễn là được chúng tôi cho phép? Vậy bây giờ Chúa đến gây phiền toái cho chúng tôi làm gì? Sao Chúa lẳng lặng nhìn tôi một cách thấm thía bằng cặp mắt hiền từ như vậy? Cứ nổi giận đi, tôi không mong muốn tình yêu của Chúa, vì chính tôi không yêu Chúa. Cần gì tôi phải giấu giếm Chúa? Hay tôi không biết tôi đang nói với ai? Những gì tôi muốn nói với Chúa, Chúa biết hết rồi, tôi đọc thấy trong mắt Chúa. Tôi phải giấu Chúa điều bí nhiệm của chúng tôi chăng? Có lẽ Chúa muốn nghe điều đó từ miệng tôi nói ra chăng, vậy thì hãy nghe đây: chúng tôi không theo Chúa, mà theo hắn ( tức qủy), đó là điều bí nhiệm của chúng tôi! Đã từ lâu chúng tôi không theo Chúa, mà theo hắn, đã tám thế kỷ nay.
Đúng tám thế kỷ trước, chúng tôi đã nhận lấy của hắn cái mà Chúa đã phẫn nộ gạt bỏ, món quà cuối cùng mà hắn đã dâng Chúa khi trỏ cho Chúa tất cả các vương quốc trần gian: chúng tôi đã nhận của hắn La Mã và thanh gươm của Xezar …Tôi nắm giữ điều bí mật và vì hạnh phúc của họ, chúng tôi sẽ cám dỗ họ bằng phần thưởng vĩnh cửu trên trời. Chỉ vì nếu có cái gì ở thế giới bên kia thì tất nhiên không phải là dành cho những người như họ…
….
…Nên biết rằng tôi không sợ Chúa đâu. Nên biết rằng tôi đã từng ở trong sa mạc, tôi đã từng sống bằng châu chấu và rễ cây, tôi đã từng cảm tạ cái tự do mà Chúa đã xuống ơn cho loài người: tôi sẵn sàng xung vào số người được Chúa lựa chọn, những người đầy uy quyền và mạnh mẽ, vì nóng lòng muốn "bổ sung cho đủ số" Nhưng tôi đã tỉnh ngộ và không muốn phục vụ một công việc điên rồ. Tôi đã quay trở lại và nhập với những người đã sửa chữa sự nghiệp của Chúa. Tôi lìa bỏ những người kiêu hãnh và trở lại với những người khiêm nhường vì hạnh phúc, của những người khiêm nhường ấy. Điều tôi nói với Chúa bây giờ sẽ thành sự thật, vương quốc của chúng tôi sẽ được dựng nên. Tôi nhắc lại, ngày mai Chúa sẽ thấy chúng tôi chỉ vẫy tay một cái là đàn cừu ngoan ngoan ấy sẽ đâm bổ đến hất thêm than hồng vào đống lửa thiêu Chúa, tôi sẽ thiêu Chúa vì Chúa đã đến gây phiền rầy cho chúng tôi. Bởi vì nếu có người nào đáng lên giàn hoả thiêu hơn ai hết thì đó là Chúa. Ngày mai tôi sẽ thiêu Chúa…
.- Viên pháp quan của anh không tin Chúa Trời, tất cả bí mật của ông ta chỉ có thế thôi!
- Cho dù là thế đi nữa! Rốt cuộc chú đã đoán ra…
- Tôi muốn kết thúc nó như sau: viên pháp quan tôn giáo im tiếng một lát, chờ xem kẻ bị giam trả lời ra sao. Sự im lặng của Chúa thật nặng nề đối với ông ta. Ông ta thấy người này vẫn lắng lặng nghe ông ta với vẻ hết sức thấm thía, và xem ra không muốn bác bỏ gì hết. Ông già muốn Chúa nói với ông ta điều gì, dù là cay đắng, đáng sợ. Nhưng Chúa bỗng lẳng lặng đến gần ông già và dịu dàng hôn lên cặp môi tái nhợt của ông lão chín mươi. Đấy là tất cả câu trả lời. Ông già rùng mình. Khóe môi ông rung động. Ông ta mở cửa, nói với Chúa: "Chúa đi đi và đừng đến nữa… đừng bao giờ đến nữa… đừng bao giờ, đừng bao giờ". Ông ta thả cho Chúa đi vào "những phố phường tăm tối của đô thành". Người bị giam ra đi…”
 ( lược trích chương 5  “ Anh em nhà Karamazov” do Phạm Mạnh Hùng dịch)
Hơn 120 năm từ khi “ Anh em nhà Karamazov” ra đời, có hàng trăm học giả viết hàng trăm bài luận văn bình phẩm đoạn “ Viên đại pháp quan tôn giáo” về ý nghĩa thần học, triết học, văn học, sử học, chính trị học, luật học, mỹ học…, tranh luận ác liệt về các ý nghĩa tương phản trong hình tượng văn học bất hủ và vĩ đại này. Đến nỗi, S. Freud đã gọi đoạn trường ca “ Viên đại pháp quan tôn giáo” trên là áng văn hay nhất thế giới từ xưa đến nay. Có lẽ, chính hứng khởi từ trường ca này, A. Einstein đã ca tụng Dostoyevski hết lời, rằng : “ Dos đã cho tôi nhiều hơn bất cứ nhà tư tưởng nào của nhân loại”. Có lẽ, chính vì hứng khởi từ trường ca này, F. Nietzsche đã viết như sau trong đoạn “Người điên” trích trong kiệt tác văn học-triết học của ông  : “ Zarathustra đã nói như thế” rằng :
 “Chúa đã chết. Chúa vẫn chết. Và chúng ta đã giết Ngài. Làm thế nào để tự an ủi chính chúng ta, những kẻ sát nhân của tất cả những kẻ sát nhân? Kẻ linh thiêng và hùng cường nhất mà thế giới hãy còn công nhận đã chảy máu đến chết dưới những lưỡi dao của chúng ta: ai sẽ lau đi vết máu này đây? Có thứ nước nào để ta tẩy rửa chính mình không? Chúng ta còn có thể bày ra lễ hội sám hối nào, những trò chơi linh thánh nào nữa đây? Liệu sự vĩ đại của hành động này có quá vĩ đại đối với chúng ta chăng? Liệu chúng ta có nên không trở thành chúa chỉ để tỏ ra xứng đáng với việc đó?”
Nietzsche từng coi kiệt tác “ Anh em nhà Karamazov” là cuốn sách gối đầu giường, là kinh thánh mới của ông, nên ông đã thấm nhuần tư tưởng Dos trong lời nói nổi tiếng trên của mình, khiến nhiều người hiểu nhầm rằng ông nguyền rủa Thượng đế. Không, cả Dos và Nietzsche đều tôn vinh Thượng Đế bằng cách làm ra vẻ báng bổ Ngài, theo kiểu Huệ Năng tôn vinh Đức Phật.
Trong lời tựa cho tác phẩm “ Anh em nhà Karamazov”, dịch giả, nhà văn Phạm Mạnh Hùng, có đoạn viết : “Trong bản trường ca “ Viên đại pháp quan”, Dostoyevski lên án gay gắt đạo Thiên Chúa mà ông căm ghét và đả kích quan niệm chủ nghĩa xã hội trại lính ( Dostoyevski coi quan niệm này là chung cho mọi học thuyết về xã hội chủ nghĩa)”
Người ta cần phải học phương pháp bóc vỏ hành trong khi đọc sách Dos. Cái vỏ bên ngoài hình như đoạn văn trên Dos lên án giáo hội Thiên Chúa giáo lợi dụng Chúa Jesus để mê hoặc giáo dân, để làm chiêu bài nô lệ hóa con chiên ? Nhưng càng đọc, càng tiếp nhận Dos ở nhiều chiều kích khác nhau, mới thấy “nói vậy không phải là vậy”, rằng thực ra đây là đoạn Dos ca ngợi Chúa Jesus nhất.
Viên đại pháp quan tôn giáo ngồi ra lệnh thiêu sống hàng nghìn con người ngoại đạo hay báng đạo, vẫn nhân danh Chúa, nhân danh điều răn cấm giết người của Chúa để giết người không gớm tay, chính là ông ta ( quan giáo hội) đang gián tiếp muốn giết Chúa, hỏa thiêu Chúa một lần nữa. Ki-tô chính là Cái Đẹp, là Chân Thiện Mỹ, là mục đích cao cả của Thiên Chúa Giáo, là Chân Lý bỗng biến thành phương tiện cai trị, thàng công cụ hóa tước đoạt tự do các tín hữu. Viên đại pháp quan tôn giáo kia chỉ là một biểu tượng cho mọi kẻ thống trị trong các thời đại của loài người.
Bọn thống trị ấy hầu như đều nhân danh một mục đích cao cả nào đó, ví như mục đích giải phóng, mục đích mang lại tự do, hạnh phúc, mang lại thế giới đại đồng cho con người để lừa đảo con người, để làm bình phong, làm phương cách nô dịch hóa con người, bầy đàn hóa con người. Chúng, bọn thống trị mang tinh thần Viên đại pháp quan kia nhân danh Chúa để giết Chúa, nhân danh Cái Đẹp để xóa bỏ chân thiện mỹ, nhân danh tự do để cầm tù con người, nhân danh Chân lý để diệt Chân lý là thông điệp Dostoyevski cảnh báo dân tộc Nga và thế giới không chỉ trong “Anh em nhà Karamazov” mà trong hầu hết trong các tác phẩm khác của ông.
Trong đoạn văn trên còn câu chuyện Viên đại pháp quan nói với Chúa rằng, Chúa đã sai lầm khi không đổi tự do tuyệt đối của mình lấy phép thuật của qủy Sa-tăng khi quỷ muốn đổi tự do của Chúa lấy bí mật phép lạ biến đá thành bánh mì, vì dân chúng chỉ cần bánh mì, không cần tự do. Ấy là việc Kinh Thánh chép khi Jesus vào hoang mạc, ăn chay 40 ngày đêm, qủy hiện ra thứ thách Ngài ba điều : nếu là Chúa thật sao ông không biến đá thành bánh mỳ ăn cho đỡ đói ? Nếu là Chúa thật sao ông không nhảy từ đền thờ xuống cho các thiên thần đỡ lấy ? Nếu ông quỳ lạy ta, ta sẽ ban cả thế gian này cho ông cai trị ? Viên đại pháp quan chê chúa dại dột, không hành động theo lời qủy xúi. Rằng vì cái lợi, vì bánh mì, vì quyền lực, con người khác Chúa sẵn sàng đổi tự do tuyệt đối để lấy các thứ lợi lộc do qủy  đề xuất kia. Rằng Viên đại pháp quan thích theo qủy sướng hơn theo Chúa để có quyền lực trên thế gian, hơn là sự bất tử trên nước trời. Mục đích tối thượng của Viên đại pháp quan và kẻ thống trị các xã hội trần gian cần là bánh mỳ, là quyền lực chứ không phải chân lý. Chân lý, cái đẹp chỉ là bánh vẽ bọn thống trị đưa ra để dụ dỗ con người; rằng ta hứa cho nhân dân tự do, thì ngược lại, nhất định các người sẽ nhận được nhà tù; rằng ta hứa cho các người thiên đường đại đồng trên trái đất, nhất định nhân dân chỉ có thể nhận được từ tay kẻ thống trị xảo ngôn địa ngục mà thôi…
Không chỉ dịch giả Phạm Mạnh Hùng nhận thấy Dos căm ghét đạo Thiên Chúa giáo mà rất nhiều người đọc Dos theo kiểu mặt phẳng cũng có quan điểm trên; trong khi từng trang sách của Dos chỉ mượn mặt phẳng giấy để trưng ra không gian muôn chiều các ý nghĩa sâu sắc tột cùng của một triết gia dùng xúc cảm trái tim gửi thông điệp tới nhân loại: “ Cái đẹp ( theo ý nghĩa rốt ráo là Chúa Jesus) sẽ cứu vớt thế giới”.
Hãy xem, Dos viết gì về tín ngưỡng Ki-tô giáo của mình : “Tôi tin rằng không có gì đẹp hơn, sâu sắc hơn, đáng mến hơn, thông minh hơn, dũng cảm hơn và toàn bích hơn Đức Chúa Ki-tô…Giả sử có ai chứng minh được cho tôi rằng Ki-tô ở ngoài chân lý và quả thực chân lý ở ngoài Ki-tô, thì tôi vẫn muốn ở lại với Ki-tô, chứ không với chân lý”. Dos còn tuyên bố nhiều lần xác tín niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa của ông. Những năm tháng bị tù, bị biệt giam trong hầm tù tử hình, bị đi đày, bị làm lính thú tại Xibia, Dos luôn mang theo vật bất li thân là cuốn Kinh Thánh Tân Ước.Trước ngày chết ba tháng, Dos còn viết những dòng này trong nhật ký : “ Bọn vô lại chế diễu tôi tin một cách cổ hủ và vô học vào Thượng Đế…”. Lúc lâm chung, Dos nhờ người vợ tuyệt vời của ông là  Anna Grigorievna Snitkina đọc cho ông đoạn Kinh Thánh ngẫu hứng nào bà mở ra. Đoạn, Dos trút hơi thở cuối cùng trong lời Kinh Thánh.
Niềm tin vào Chúa Ki-tô của Dos và các nhân vật của ông là một hành trình thương khó, khổ ải vô bờ, tự mình đóng đanh tâm hồn mình lên cây thánh giá của hoài nghi, của suy tư triết học, của sự cật vấn, truy nguyên rất khó chịu của bộ óc còn nguyên vẹn sự tò mò con trẻ trước các tín điều về Chúa Ba Ngôi, về việc hiến tế thân mình cho Cái Đẹp tuyệt đối, tha thứ tuyệt đối, hi sinh tuyệt đối của Jesus lấy máu mình làm chứng sự vĩnh hằng…
Trước Ki-tô, cũng như loài người, Dos và các nhân vật của ông hầu như đều được sinh ra và lớn lên trong tội lỗi, trong vô minh, trong dục vọng thấp hèn, trong sự giãy giụa muốn thoát khỏi Thượng Đế để tha hồ làm ác nơi thế giới này đang bị quỷ ám.
Trước khi giác ngộ về CÁI ĐẸP của Chúa sẽ cứu vãn thế giới, Dostoyevski từng đã có thời trai trẻ sống thác loạn trong cờ bạc, rượu chè, trai giái, từng hoài nghi về Thiên Chúa, từng khát vọng làm cách mạng thay đổi thế giới bằng bạo lực. Sau tác phẩm đầu tay thành công : “Những kẻ bần hàn” được Belinski tiên đoán Dos sẽ là nhà văn Nga vĩ đại nhất. Nhưng rồi Dos rời bỏ nhóm Belinski vì bất đồng nghệ thuật . Dos tham gia nhóm Petrashevsky theo trường phái  xã hội chủ nghĩa không tưởng của nhà triết học Pháp Fourier ( 1772-1837), dùng bạo lực để lật đổ chế độ Nga hoàng.
Nhóm cách mạng này của Dos chủ trương, sau khi lật đổ chế độ quân chủ, sẽ xây dựng một xã hội chủ nghĩa không còn sở hữu cá nhân, chỉ có sở hữu nhà nước, nhân dân sẽ ở chung, ăn chung, làm chung, tiến đến xã hội làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, đưa con người trở lại thời kỳ cộng sản nguyên thủy khi chưa xuất hiện văn minh tư hữu. Nhóm này theo học thuyết của Fourier ( cùng với Saint Simon, Robert Owen) chủ trương thành lập các công xã cho sản xuất nông nghiệp & công nghiệp ( phalansteries), xóa bỏ văn minh tư hữu, xây dựng văn minh công hữu, xóa bỏ sở hữu cá nhân; rằng mọi tai họa của xã hội đều do chế độ tư hữu gây ra, chỉ cần xóa bỏ nó là có một thế giới tự do, bác ái, công bằng, đại đồng, thiên đường trên mặt đất sẽ được thiết lập trên toàn thế giới trong vòng ba mươi năm đến năm mươi năm theo tính toán của Fuorier, Leroux, Cabet…Sau này, K. Marx, F.Engels coi Fuorier và các đồng chí của ông là thủy tổ của chủ nghĩa cộng sản, đặt cơ sở lý luận cho học thuyết của Marx & Engels.
Năm 1847, Dos tham gia tổ chức bí mật xã hội chủ nghĩa này, chủ trương dùng vũ lực lật đổ Nga hoàng, sau đó mới xây dựng chế độ công xã toàn Nga và toàn thế giới. Nhưng năm 1849, nhóm cách mạng Petrashevsky chưa kịp manh động thì bị bắt. Mười sáu người trong nhóm bị kết án tử hình, bị giam trong hầm tối của pháo đài Petropavlovskaya suốt 09 tháng. Ngày 16-11-1849 Dostoyevski và 15 người trong nhóm bị tử hình trên trường bắn của pháo đài. Trước khi 16 nhà cách mạng bị bắn, linh mục Chính thống giáo đến đọc kinh cầu hồn cho họ, cho phép họ được làm dấu thánh và đọc kinh cầu Chúa lần cuối cùng.
Khi những viên đạn súng trường Nga nổ vang trường bắn, Dos kêu tên Chúa lần cuối cùng, theo phản xạ, ông gục xuống nhận lãnh cái chết vì tội dùng vũ lực toan lật đổ chính quyền. Nhưng phép lạ đã xảy ra, sau loạt đạn giết chết các tử tù, kỳ lạ thay, ông thấy mình không chết, không đau đớn gì cả và ông nghi rằng mình đã chết hẳn về thân xác, chỉ còn linh hồn mình phục sinh giúp mình nhận thức về sự sống vĩnh hằng của linh hồn đang đến nước Chúa. Nhưng không, Dos nhận ra không phải ông đang tồn tại trong cõi linh hồn, mà thân xác ông chưa chết, không chết. Hay là ông đã phục sinh sau khi chết để đến tòa Phán xét chung. Cũng chính lúc ấy, tiếng loa của trường bắn ra lệnh của Nga hoàng ân xá tội chết cho 16 tử tù, giảm án xuống thành tù khổ sai 10 năm. Khi được cởi trói và tháo bỏ băng bịt mặt, Dos mới biết Nga hoàng chỉ thử thách 16 nhà cách mạng mà thôi, bằng cách tổ chức một cuộc tử hình giả. Chỉ sau khi gần như được sống lại trong sự ân xá nhân đạo của Nga hoàng, Dos đã nhận ra bạo lực cách mạng không thể nào giải quyết được những mâu thuẫn trong thế giới này. Chỉ có bằng tình thương yêu của Thiên Chúa mới cải tạo được thế giới và con người mà thôi.
Suốt những năm tháng bị giam cầm trong nhà hầm chờ án tử hình, bị đày tại Xibia trong nhà tù Omsk suốt bốn năm trời, bị trưng dụng làm lính thú ở Kazakhstan…Dos luôn mang cuốn Kinh Thánh bên mình. Ra tù, thoát đời lính thú, năm 1860 Dos về lại kinh đô Sankt Peterburg, làm người tự do, không hề bị quản thúc hay theo dõi, được hoàn toàn tự do sáng tác, được tự do sang du lịch châu Âu, được cùng với người anh trai thành lập tờ báo tư để thông báo về sự nhận thức lại của Dos, từ bỏ bạo lực cách mạng manh động, từ bỏ chủ thuyết xã hội chủ nghĩa hoang tưởng rất ấu trĩ và phản khoa học của Fuorier, lấy chủ nghĩa nhân văn Thiên Chúa giáo Chính thống để mang lại tự do, bác ái, công bằng cho tất cả mọi người làm thiên hướng cho ngòi bút.
Năm 1864, Dos công bố tiểu thuyết “Bút ký từ nhà hầm” nhằm phê phán quyết liệt trào lưu hư vô chủ nghĩa và trào lưu xã hội chủ nghĩa đang thịnh hành ở Nga và châu Âu. Dos chế diễu xã hội công xã của Fuorier bằng cách đưa ra ba cấu túc xã hội theo kiểu “ tổ kiền”, theo kiểu “ chuồng gà” , theo kiểu “ lâu  đài pha lê”…Một xã hội bị tước đoạt sở hữu cá nhân cũng là một xã hội tước đoạt tự do của con người. Chúa Ki-tô chịu xuống thế và tử nạn trên cây thánh giá nhằm giải phóng con người khỏi chế độ nô lệ, mang lại tự do, hạnh phúc cho con người. Mô hình xã hội công xã “ tổ kiến”, “chuồng gà”, “ nhà pha lê” là mô hình cầm tù hóa, nhà hầm hóa con người, tước đoạt tự do và mọi cái riêng tư của con người, đưa con người trở thành chế độ bầy đàn của loài thú là tội ác không thể tha thứ.
 “Bút ký từ nhà hầm” là tiểu thuyết chính luận của Dostoyevski nhằm tranh luận với nhà văn, nhà cách mạng dân túy, cách mạng xã hội chủ nghĩa Chernyshevski ( 1828-1889). Chernyshevski kêu gọi nông dân Nga dùng rìu để chặt đổ chế độ Nga hoàng rồi toàn dân tiến lên xã hội công xã nhân dân : ăn chung, ở chung, làm chung, hưởng hạnh phúc chung. Tiểu thuyết “Làm gì ?” của Chernyshevski gửi từ trong tù ra in và phát hành rộng rãi, như một quả bom cách mạng khuynh tả kích động dân Nga nổi dậy “ đấu tranh giai cấp” , mặc dù năm 1861, chế độ nông nô ở Nga đã bị hủy bỏ ( mới hay chế độ tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do ngôn luận của chế độ Nga hoàng quá tuyệt vời). Karl Marx từng hết lời ca ngợi Chernyshevski : “ Ông là một học giả Nga vĩ đại, một nhà phê bình bậc thầy đã triệt để phê phán sự phá sản của kinh tế học tư sản”.  Tiểu thuyết “ Làm gì” của Chernyshevski xây dựng hàng loạt nhân vật và hình ảnh về xã hội tương lai của Nga, một xã hội xã hội chủ nghĩa tuyệt vời hoàn hảo, không còn giai cấp, mọi người tự nhiên trở nên thánh thiện vì không còn hình thức tư hữu, cả xã hội như lâu đài pha lê trong suốt, mọi người đều nhìn nhìn thấy nhau cười nói múa hát vui tươi phấn khởi như hoa mùa xuân.
V. Lenin đã nhiệt liệt hoan nghênh cuốn “ Làm gì”, gọi Chernyshevski là người thầy của cách mạng Nga. Đến nỗi Lenin đã mượn tiêu đề của Chernyshevski viết một luận cương cách mạng vô sản nổi tiếng “ Làm gì ?”
 “Bút ký từ nhà hầm” của Dostoyevski viết nhằm mục đích phản bác, chế diễu quan điểm xã hội chủ nghĩa ảo tưởng và phản nhân tính của Chernyshevski, có ý ví “ lâu đài pha lê- xã hội chủ nghĩa” của Chernyshevski là ngôi nhà hầm, tức một nhà tù thực sự . Dos gọi mô hình xã hội chủ nghĩa công xã kia là “ còn đáng ghét, khủng khiếp hơn nhà tù khổ sai”. Qua tiểu thuyết này, chúng ta thấy thiên tài của Dos đã tiên tri rất chính xác, đã báo trước về cái nhà tù khổ sai có tên xã hội lâu đài pha lê, xã hội chủ nghĩa trại lính, xã hội chủ nghĩa bầy đàn man rợ đã tước đoạt tự do của con người sẽ xảy ra sau này ở nước Nga suốt 74 năm sau ngày Dos chết ( 1917-1991)
Hầu hết các nhân vật trong nhiều cuốn tiểu thuyết của Dostoyevski theo “ ý thức hệ ác”, theo thuyết duy ác đều là những nhà trí thức, những con người muốn nhảy ra cứu đời, cứu thế, trang bị cho mình một hệ tư tưởng thiên tả, thiên ác, coi cái ác là phương cách duy nhất cải tạo thế giới, đưa con người đến thế giới đại đồng. Thậm chí, những nhân vật này đôi lúc cũng lên “cơn động kinh yêu thương con người”, dùng thuyết siêu nhân để biện hộ cho mình : rằng mục đích tốt đẹp cho phép ta dùng bất kể phương pháp, dù giết hàng trăm triệu người để xã hội tiến tới đại đồng thì vẫn cứ là tốt đẹp, là cao cả. Quan niệm nguy hiểm nhất của các phả hệ ác, các hệ tư tưởng của các nhân vật theo thuyết siêu nhân, dùng “ Cái ác sẽ cứu vãn thế giới” nơi các tiểu thuyết của Dostoyevski là chúng núp dưới bóng đen của thuyết vô thần; rằng khi không có Thượng đế, khi Thượng đế đã cút khỏi thế giới thì ta muốn làm gì thì làm, muốn giết ai thì giết, chẳng lo bị trừng phạt. Rằng, không có thượng đế, các đồng chí vô thần chúng ta hoàn toàn tự do, tuyệt đối tự do làm ác,nhưng phát ngôn thì mới thánh thiện làm sao. Các nhân vật duy ác của Dos phải nói là đông như quân Nguyên, chúng vứt bỏ ám ảnh thượng đế để tìm tự do tuyệt đối mà thực thi học thuyết duy ác vô luân của chúng.
Những nhân vật bị Dostoyevski lôi ra từ “dưới nhà hầm” tội ác, trưng ra cho thế giới thấy nhân diện của chúng muốn dùng “ cái ác cứu thế giới” kinh tởm xiết bao, đốn mạt và vô luân xiết bao. Những nhà ác học này muốn dùng phương pháp địa ngục để xây dựng một thiên đường đường dưới thế. Đấy mới chính là thông điệp sâu sắc nhất, nhân văn nhất, Ki-tô nhất của Dostoyevski . Thiên tài tiểu thuyết này đã thông báo trước hàng ba, bốn chục năm với thế giới về đại họa của nhân loại mà thực tế lịch sử bi thảm của thế kỷ XX đã chứng minh những lời tiên tri, những hồi chuông báo động của Dos là hoàn toàn chính xác. Rằng các qủy vương của “lâu đài pha lê” đã đến để địa ngục hóa thế giới bằng thứ thiên đường phi cá nhân, phi sở hữu nồng nặc mùi thú dữ.
 “ Lũ người qủy ám” của Dostoyevski ( tiêu đề này lấy từ Kinh thánh) là một tiểu thuyết tôn vinh cái đẹp, tôn vinh tự do, tôn vinh công bằng bác ái, phản bác lại học thuyết duy ác của những kẻ siêu nhân cho mình có quyền giải phóng con người bằng cách giết người, xóa bỏ các tầng lớp người khác không cùng với con người trong quan niệm của học thuyết duy ác. Dostoyevski, một tín đồ trung thành theo chân Chúa, dùng học thuyết Duy -Thiện để đáp lại học thuyết duy ác của các tín đồ Fuorier, Chernyshevski… Các nhân vật siêu nhân, những nhà cách mạng hoành tráng trong “ Lũ người qủy ám” như Piotr Verkhovenski và Sihigaliov từng tuyên bố : “Xuất phát từ tự do vô giới hạn, chúng tôi chủ trương đi đến một nền độc tài vô giới hạn”. Nhân vật trong “ Lũ người qủy ám” diễn thuyết về cái đẹp đồng nhất với cái cao cả, đồng nhất với chân lý Ki-tô trước một đám người hầu như đã bị qủy ám, thờ ơ, vô cảm đang lừ lừ trôi theo dòng cuồng lưu ngầm của cái ác, như sau : “Không có người Anh nhân loại vẫn sống được, không có người Đức cũng thế, không có người Nga sống được quá đi chứ, không có khoa học cũng được, không có bánh mỳ cũng được, chỉ không có CÁI ĐẸP là không sống được, bởi vì sẽ không còn gì trên đời để làm nữa. Toàn bộ bí mật là ở đây, toàn bộ lịch sử ở đây”…” Toàn bộ quy luật của sự tồn tại nhân loại chỉ là để sao cho con người luôn luôn có một cái gì lớn lao vô hạn để tôn thờ. Nếu bị tước đoạt cái lớn lao vô hạn này, con người sẽ không còn muốn sống và sẽ chết trong tuyệt vọng”…
Thông qua bề mặt của đề tái tội ác, qua cái thế giới bị qủy thôi miên làm xã hội con người đánh mất nhân tính, đánh mất tình thương yêu, Dostoyevski muốn phục sinh lại tự do cho con người, với một thông điệp luôn luôn mới, luôn luôn cần thiết cho mọi thời đại : tự do quý hơn bánh mỳ, tự do quý hơn hạnh phúc, tự do đồng nhất với nhân tính. Tiểu thuyết “ Chàng ngốc” của Dostoyevski viết về con người trí thức theo chủ thuyết duy thiện Mưskhin vốn được Chúa tạo nên từ bùn đất của cái đẹp, như Sa mạc trong Kinh Thánh xứ Canaan sinh ra những chùm nho ngon ngọt đến nỗi hai người khiêng nặng. Mưskhin hiện thân của cái đẹp, của sự ngây thơ trong trắng. Mưskhin cả tin, thương người hơn bản thân mình, muốn thế giới hoàn mỹ bằng tình yêu mến. Anh dù học hành nhiều, tri thức hơn người nhưng anh ngốc, anh khờ trước một thế giới dối trá, lừa đảo. Anh đi một mình và rủ người tình Natasia Philippovna theo con đường của Chúa đến Golgotha làm cuốc cách mạng dễ thương của cái đẹp. Nhưng khát vọng đẹp, khát vọng cao cả, khát vọng chân lý của đôi trai tài giái sắc này bị cái ác trần thế vùi dập. “Chàng ngốc “ chính là thông điệp của Dostoyevski về việc cái đẹp đã , đang và sẽ còn bị cái ác đánh bại, cái đẹp đã bị đóng đinh trên câu rút như Ki-tô xưa. Làm sao, làm gì để phục sinh cái đẹp, như Chúa đã phục sinh  ?
Nhân vật Raskolnikov nơi kiệt tác “ Tội ác và trừng phạt” của Dostoyevski dường như dùng để nhà văn trả lời thao thức ấy. Dos đưa ra một lý giải thiên khải : khi nào kẻ ác còn khả năng sám hối, Cái Đẹp nhất định sẽ phục sinh. Raskolnikov là một nhân vật trí thức, đọc rất nhiều sách, muốn nhảy ra lập lại trật tự cho thế giới lộn tùng phèo này bằng học thuyết siêu nhân. Anh ta đi đến một kết luận mang đầy vẻ triết học : muốn cứu thế giới phải giết người. Anh ta cũng đưa ra một triết thuyết khác làm cơ sở cho thuyết duy ác sẽ cứu thế giới của mình là cần phải xua đuổi kẻ rách việc, kẻ rình mò tâm hồn anh ta suốt ngày đêm, kẻ canh giữ thế giới như cú vọ canh tổ ra khỏi tâm hồn anh ta và tâm hồn nhân loại là Chúa Jesus. Bởi anh ta biết mang Jesus trong mình, có Jesus bên cạnh, anh ta không được tự do tuyệt đối, không được tự do giết hết kẻ nghèo hèn trên đời để có một nhân loại khác hung ác hơn vì cái ác chính là cái mạnh. Raskolnikov đã giết người một cách có ý thức, giết người một cách triết học, giết người có định hướng xã hội chủ nghĩa. Bằng hệ tư tưởng ác, Raskolnikov đã trở thành một nhà ác học nổi tiếng nhất trong toàn bộ các nhân vật ác của văn học thế giới, một cái ác có chủ nghĩa, chủ thuyết, một cái ác mà nếu đem qủy Satăng so với anh ta, qủy vương kia mới chỉ là hội viên hội từ thiện mà thôi.
Nhưng Dostoyevski là một nhà văn nhân đạo chủ nghĩa lớn nhất thế giời đã không để tên Cain mới này xuống địa ngục của cái ác, khi hắn đã đi hết chặng đường của chủ nghĩa ác và phải vào tù. Chúa Trời, hay chính là tinh thần nhân đạo cao cả của Dostoyevski đã sai một nhân vật nữ thánh thiện xuống tận đáy của vũng lầy tội ác mà gieo vào linh hồn rắn độc Raskolnikov một tia sáng của hi vọng phục sinh : ấy là sự tự sám hối. Nhân vật nữ thánh thiện ấy có tên là Sonia Manmeladova đã đến, bằng tình yêu cải tử hoàn sinh cho tâm hồn Raskolnikov, khiến hắn còn cơ hội làm người và tự sám hối ăn năn suốt cả cuộc đời mình. Chính Kaskolnikov đã bị cái ác dày vò cả đời, đấy chính là đòn trừng phạt ghê gớm hơn lửa địa ngục mà hắn phải nhận lấy để rửa hết tội lỗi trần gian.
Thông điệp vĩ đại của Dostoyevski nằm ở đây : hỡi cái ác, hởi kẻ ác, hỡi chủ nghĩa ác, hỡi chế độ ác, hỡi xã hội ác, các người sẽ vẫn còn có cơ hội hoàn lương nếu các người còn biết sám hối, biết ăn năn tội lỗi mà quay đầu trở lại với chân thiện mỹ. Đấy phải chăng là tinh thần nhân đạo cao cả nhất của Chúa Ki-tô thổi vào ngòi bút thiên sứ Dostoyevski ?
Sau thành công vang dội thế giới của kiệt tác “ Tội ác và trừng phạt”, Dostoyevski đã được Chúa ban cho một nàng thánh nữ khác, không phải là thánh nữ Sonia hư cấu đến cứu linh hồn Raskolnikov, mà là một thánh nữ trần gian rất thật tên là Anna Grigorievna Snitkina mới vừa 20 tuổi. Trong cơn bĩ cực nhất của cuộc đời, Dostoyevski vào những năm 1865, 1866, 1867 hầu như đã bị con quái vật cờ bạc nuốt sống. Cùng vời đam mê cờ bạc đến gần như mất trí, là đam mê trác táng rượu chè, trai giái sa đọa, làm Dos khánh kiệt đến nỗi có thể chết đói.
Nhưng Chúa đã phái nữ thiên thần Anna Skitkina đến cứu ông trong một cuộc kiếm tìm người thư ký đánh máy. Sau này, Anna thành vợ hiền của Dostoyevski, vừa làm vợ vừa làm người giúp việc, người quản lý tác phẩm và tiền mạc, người sinh cho ông mấy đứa con dễ thương, người đóng vai trò bảo mẫu cho chú bé con của Chúa Trời là Dostoyevski với bộ râu dài của các thầy tu Chính thống giáo, lúc nào cũng đăm chiêu trong bộ áo choàng thùng thình như đang cùng ba môn đệ chờ Chúa Jesus cầu nguyện toát mồ hôi máu vì sợ hãi quân dữ sẽ tới bắt bằng nụ hôn Juda trong vườn Gietsimani xưa.
Trước người vợ cuối cùng Anna - một người vợ vĩ đại - Dos đã từng kết hôn với với người đàn bà đã từng có một đời chồng và có con riêng là Maria Dmitrieva Isaeva do ông quen từ nơi đi đầy tại vùng tây Xiberi. Trong đêm tân hôn với người đàn bà tuy đẹp mà hơi bị rỗ hoa này, trong phút động phòng hoa chúc, Dostoyevski đã xúc động đến nỗi lên cơn động kinh, miệng xùi bọt mép như bong bóng xà phòng, giãy đành đạch như con trạch trong rổ, khiến vị hôn thê kinh hãi khóc như mưa gió than rằng : Chúa ơi, sao Ngài lại chơi xỏ con đến thế, Chúa lại ban cho con một con cua râu dài này làm chồng, khiến nó xùi bọt mép ra như dân Do Thái xưa ăn phải bả của Pharaông. Lạy Chúa tôi, sau một tuần lấy nhầm phải con cua xùi bọt mép vì động kinh làm chồng, con mới biết mình may mắn lấy được một chàng trai còn tân, một chàng trai chưa từng biết mùi đàn bà…Maria dù sao cũng phải tạ ơn Chúa đã ban cho nàng một thày tu trinh tiết làm chồng đang nằm kia run lẩy bẩy sau phút hoan lạc ái ân. Nhưng đời sống vợ chồng của Dostoyevski không hạnh phúc vì vợ hay ghen, vì ông không có nhiều tiền khiến hai người phải vay nợ để khỏi chết đói.
Sau khi người vợ chết vì bệnh lao phổi, Dostoyevski tự do theo qủy dâm dục chui vào giải phóng các nhà thổ sau những cơn rượu chè cờ bạc be bét. Ông cặp bồ với một cô gái có học, chịu chơi, có thể gây ba bốn trận bão trên giường trong một ngày, đẹp một cách lõa thể, có cặp bồng đảo khiếu khích cả thày tu tên là Apollinari Suslova. Cuộc tình ăn chơi hưởng lạc xảy ra sau những canh bạc này của Dos không bền, cô gái phóng đãng kia cuối cùng đã chia tay ông, đẩy nhà văn xuống các trang giấy trắng mà đem sức tàn dùng ngòi bút đào huyệt giấy để chôn mình : “ Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần” ( thơ TMH)
Chính người vợ do Chúa sai đến là Anna Snitkina kém Dos 25 tuổi đã cứu ông thoát chết khỏi các huyệt giấy đêm đêm ông mòn mỏi đào kiếm chữ để lấy tiền trả nợ món vay trước từ các ông chủ xuất  bản ki bo như sâu đo kia. Cũng chính nhờ sự phục vụ chồng vô điều kiện của bà, mà Dos có thời gian, có hứng khởi thực hiện thiên mệnh cao cả nhất đời mình là viết nên đại kiệt tác như một nước Nga thu nhỏ, một thế giới thu nhỏ có tên là “ Anh em nhà Karamazov”
Dos có ngẫu hứng sáng tác rất đặc biệt là hát lên, đọc lên, diễn lên các lời mới của cuốn tiểu thuyết để bà vợ Anna ghi chép lại. Ông có một giọng nói rất truyền cảm, rất Nga, âm vang ấm áp như giọng các thánh tu rừng xưa đứng một mình trên núi giảng lời Chúa cho chim muông suối rừng nghe . Có lần Dostoyevski đọc bài thơ “ Nhà tiên tri” của đại thi hào Puskin khiến cho một bà qúy tộc sướng quá, xúc động quá mà ngất đi, tí chết.
Dos mặc bộ áo choàng thày tu thùng thình, lưng thắt dây gai, đeo tượng thánh giá Chúa trễ xuống ngực toòng teng, có khi tay cầm cuốn Kinh Thánh bé, có khi không, rồi ông đi lại nhập đồng đọc to từng lời cho bà vợ thư ký đi theo ghi từng con chữ, hòa tan bản thân mình mà đóng vở kịch độc diễn, lúc là  Fiodor Karamazov cha, lúc là người con trưởng Dmitri Karamazov, lúc Dos lại là người con thứ Ivan Karamazov, lúc Dos hóa thành người con rơi, nửa kẻ hầu nửa con trong nhà là Smerdiakov, lúc Dos hóa thành người con thiên sứ trong nhà Aliosa…Bằng hình thức viết văn diễn kịch nhập đồng, một mình Dos đóng vai cả thế giới, đóng vai thiện vai ác, rồi trộn thiện vào ác, trộn qủy sứ vào thiên thần thành món cocktail của Chúa, với những nhân vật bi kịch  muôn mặt con người, với vô vàn chiều kích đôi khi trái ngược nhau. Nhiều khi sự độc diễn của ông nhanh kinh khủng, khiến bà vợ thư ký chép mỏi tay, chữ trên giấy dù chạy như ngựa không đuổi kịp cái thế giới tiểu thuyết đang diễn ra với tốc độ thiên sứ của kịch sĩ thiên tài diễn kịch trên mặt phẳng giấy là Dostoyevski.
Mỗi lần viết xong một trường đoạn của “ Anh em nhà Karamazov” Dos ngã vật xuống giường, đôi khi co giật động kinh, đôi khi phờ người như xác chết, lại đôi khi mắt sáng rỡ, hân hoan như vừa được thánh Pier rước lên thiên đường…Đôi khi như bị qủy ám, ông làm dấu đọc kinh rất lâu, rồi suy niệm nhờ Chúa dẫn đát ông hoàn tất con đường thương khó của các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng. Hình như Chúa bảo ông : hôm nay ngươi nên tha tôi tớ gái của ta là Anna để nó cho con bú, để nó dọn dẹp căn nhà như đống rác của nguơi, để nó nấu món bò hầm Nga la tư cho ngươi khỏi chết đói, mà đi hết con đường vác đỡ thánh giá cho ta. Thế là Dos lại ngồi một mình, cắm mặt xuống trang giấy, thả cho ngòi bút phi nước đại, tứa ra một thứ máu xanh gọi là chữ, trước bình mực tổ bố như pháo đài từng cầm tù ông thu nhỏ, để những sợi râu dài Chính thống giáo quét lên trang giấy, như bọn râu dê này muốn trói nghiến lấy từng chữ ông vừa viết, quyết không cho chúng bỏ chạy như người Nga bỏ chạy khi quân Thổ xông đến…
Sau huyền thoại Cain giết em trai mình trong kinh Cựu ước mà dân gian có thành ngữ “Anh em nhà Cain”, đến lượt mình, Dostoyevski đã cống hiến cho nhân loại một huyền thoại khác :” Anh em nhà Karamzov”, nâng cao hơn tội ác mà Cain con ông Adam & Eva đã giết em trai ruột mình, bằng tội ác con giết cha.
Chính là đứa con rơi Smerdiakov đã ra tay giết cha ruột của mình, theo cái triết lý của người anh trí thức, nhà tư tưởng Ivan Karamazov : Chúa đi vắng rồi, Chúa trốn khỏi trần gian rồi, không có Chúa mày mới có tự do tuyệt đối, mày muốn làm gì thì làm, giết người ư, vô tư, cứ giết đi, nếu mày thích. Mấy anh em nhà Karamazov, trừ vị con của Chúa đi lạc vào gia đình Karamazov là Aliosa Karamazov, tất cả đều gốc có đạo, đều chịu phép rửa tội ở nhà thờ; nhưng tất cả, cả Fiodor cha và ba người con kia, đều muốn tìm một góc khuất vô thần của thế giới để cư trú, để che mắt Chúa và để tự do tuyệt đối muốn hãm hiếp, muốn giết người xin tùy thích.
Fiodor Karamazov cha, do cơn dục vọng của qủy sứ mà sinh ra, sợ Chúa hơn sợ cọp, nhưng liên tục tìm những căn hầm trú ẩn đào sâu như hang chuột, như huyệt mộ trong tâm hồn tội lỗi của mình để trú ngụ, hòng thoát khỏi sự canh chừng của Chúa để dâm ô trụy lạc thỏa thích, để hãm hiếp cả một cô gái tật nguyền mà sinh ra quái thai nửa người nửa ngợm Smerdiakov. Và quỷ vương đã đến làm mối cho hai cha con Fiodor và Dmitri chơi chung một con qủy cái đánh son môi với bộ ngực to ngang núi Sọ, vừa liếc mắt đưa tình vừa  phun mật ngọt dâm dục lên nhà Karamazov như rồng phun mưa. Sự loạn luân thống trị gia đình Karamzov, như từng thống trị thành Sodome bị Chúa hủy diệt vì loạn luân, vì tội lỗi ngút trời xưa trong Kinh Thánh.
Triết gia vô thần, nhà tư tưởng Ivan Karamazov đã nổi loạn chống lại trật tự an bài của Chúa đã cung cấp cho Smerdiacov vũ khí để biện minh, châm mồi lửa anh hùng rơm khao khát sự trả thù, tiêm chất ma túy tham lam để hắn giết chết cha mình mà cướp của.  Sau cái chết của người cha Feodor dâm ô trụy lạc, tham lam bủn xỉn, nghiệp ngập bê tha, kẻ nô lệ của dục vọng thấp hèn, kẻ trốn Chúa để hành lạc với tình nhân của con trai Dmitri Karamazov, khiến Dmitri bị đi tù oan…
Hình như sau cái chết của người cha, Dostoyevski đã cho cái ác tận cùng trong gia đình này cơ hội tỉnh ngộ là chút lương tâm còn sót lại lên tiếng sám hối.Dmitri biết mình bị bắt vì oan, bị vu cho tội giết cha mà y vẫn cúi đầu nhận thay cho các em mình. Đầy là dấu hiệu của cái ác thức tỉnh. Dos đã thay mặt Chúa Ki-tô mà cứu gia đình Karamazov bằng cách cho tên giết cha Smerdiacov hối hận quá mức, dày vò quá mức mà thắt cổ chết theo đường của Juda bán Chúa. Cả Ivan, cả Dmitri, cả Aliosa con út dù là thiên thần đức hạnh bay nhảy trong khu vườn đầy rắn rết nhà Kamarazov, cũng đều bị dày vò, đều hối hận vì tất cả cùng là can phạm giết cha.
Và lạ thay, người đọc kiệt tác này dường như cũng biến thành một nhân vật của cuốn sách, cũng hối hận vì cảm thấy mình đã góp phần gián tiếp gây ra vụ giết cha của anh em nhà Karamazov. Nhân loại sau Dos tuồng như dân tộc nào, nước nào, chế độ nào cũng là xã hội của những gia đình anh em nhà Karamazov. Thông điệp của Cái đẹp sẽ cứu thế giới ở chỗ nơi tột cùng của cái ác, nơi đáy hỏa ngục của nhà Karamazov, Dos đã để ngỏ một tia hi vọng là sự sám hối giúp con người có cơ quay lại với chân thiện mỹ, với đức tin vào tự do công bằng bác ác mà Ki-tô đã dùng dùng máu của mình để ký khế ước mới với nhân loại ( Tân Ước).
Buồn thay cho những anh em nhà Karamazov của dân tộc Việt Nam ta hôm nay, nơi cái ác, cái xấu, cái dối trá đang thống trị mà kẻ cai trị hình như không còn khả năng sám hối, không còn khả năng xấu hổ, không còn khả năng hướng thiện trong hội chứng nói dối muôn năm, muôn năm nói dối. Dostoyevski, đức thánh nhân của chủ nghĩa hiện thực nhân đạo ơi, Ngài hãy giúp nền văn học của chúng tôi, nền chính trị của nước chúng tôi một que diêm hi vọng mang tên khả năng sám hối nơi bóng đêm trường cửu đang bao phủ trái tim kẻ vô thần, từng ra tay đập phá đình chùa, nhà thờ, miếu mạo …còn có cơ hội tỉnh ngộ.
Nhân mùa giáng sinh, đọc lại  kiệt tác “ Anh em nhà Karamazov” của ngòi bút thiên sứ Dostoyevski, người mà chính ra phải được giáo hội Chính Thống giáo Nga phong thánh, nghe đâu đây lời thiên thần hát mừng Chúa ra đời bằng tiếng nói thầm vang vang trong gió : hỡi con người, hãy nhận lấy tự do và mặc vào mình như áo giáp của cái đẹp mà mang công bằng bác ái đến cho anh em các người. Hỡi người, người lấy quyền gì để đàn áp anh em ngươi, để tước quyền tự do dân chủ của dân chúng đất nước người, để bắt người yêu nước vào tù, để cướp đất nhà Chúa…? Hỡi tự do, hãy thổi lên cơn gió của Chúa Trời để giải thoát anh em ta khỏi mọi sự áp bức, thoát khỏi mọi nhà tù trá hình đang núp trong những xảo ngôn mật ngọt rắn rết.
Ơn Chúa, gấp kiệt tác của thiên tài Dostoyevski, người từng bị cấm nhắc đến, bị đốt sách suốt 74 năm trên đất nước của Ngài, vang vang đâu đây lời văn hào Nga từng được giải Nobel  Alexander Solzhenitsyn đọc trong buổi nhận giải thưởng Templeton vì những đóng góp của ông cho sự thăng tiến tôn giáo trên toàn thế giới năm 1983, rằng : “ Chính con người quên lãng Thượng Đế nên đại thảm kịch nước Nga đã xảy ra” .,.
Sài Gòn ngày 17-12-2011
T.M.H.

Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp cho bản trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét