Nhãn

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

Vương triều Lý dưới góc nhìn của tiểu thuyết gia Hoàng Quốc Hải

 Vương triều Lý dưới góc nhìn
 của tiểu thuyết gia Hoàng Quốc Hải

                                                                  Đặng Văn Sinh

Sau khi bộ tiểu thuyết lịch sử "Bão táp triều Trần" được xuất bản trọn bộ vào năm 2003 làm xôn xao dư luận văn đàn Việt Nam, thì đến cuối năm 2010, nhà văn Hoàng Quốc Hải lại tiếp tục trình làng bộ trường thiên sử thi " Tám triều vua Lý"* không kém phần hoành tráng. Đây là bộ tiểu thuyết mà ông đã thai nghén trong vòng hai mươi năm, được xem như một tập đại thành về vương triều nhà Lý từ lúc khởi nghiệp đến khi suy vong.
"Tám triều vua Lý" gồm bốn tập ("Thiền sư dựng nước", "Con ngựa nhà Phật", "Bình bắc dẹp nam", "Con đường định mệnh"), được tác giả phân định theo các mốc thời gian quy ước của khoa nghiên cứu lịch sử. Tổng cộng 3509 trang, khổ 14,5 X 20,5, chỉ xét về dộ dày cũng đã là một kỷ lục đáng nể.

Với tư cách là tiểu thuyết, "Tám triều vua Lý" bao quát cả một giai đoạn lịch sử dài 216 năm, tương ứng với khoảng thời gian từ năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế và kết thúc vào năm Ất Dậu (1225) khi Lý Chiêu Hoàng bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho Trần Cảnh. Thời gian của bộ tiểu thuyết là tuyến tính, phù hợp với các đặc trưng thi pháp của loại hình tự sự truyền thống nhưng lại không lạnh lùng, vô cảm như những dòng nhật lịch của các sử gia quan phương, mà ở đây, nó được phát triển trên cái nền cảm hứng vô tận của lòng yêu nước, niềm kính ngưỡng các bậc anh hùng hào kiệt đã mở ra cho dân tộc Việt một thời đại huy hoàng, rất đáng tự hào.
Dưới ngòi bút của Hoàng Quốc Hải, vương triều nhà Lý, sau khi được chuyển giao một cách êm thấm từ cái chết của hôn quân Lê Long Đĩnh, Lý Công Uẩn đã kiến lập được một mô hình xã hội khá tiến bộ với chủ trương dung nạp cả ba tôn giáo Phật, Nho, Lão với phương châm hòa đồng "xã hội nho, tâm linh Phật, thiên nhiên Đạo". Chính sự kết hợp hài hòa những phần tinh túy nhất của ba hình thái tôn giáo này là động lực thúc đẩy xã hội phát triển cả về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, để lại một dấu ấn quan trọng trong lịch sử trung đại Việt Nam.
Là loại hình tiểu thuyết lịch sử, "Tám triều vua Lý" hiển nhiên cũng phải chịu sự chi phối của đặc trưng thi pháp truyền thống, đó là hư cấu. Vì vậy, không có gì là khó hiểu khi chúng ta nhận thấy, tỷ lệ hư cấu của tác phẩm khá cao, tạo ra sự cuốn hút, bắt người đọc, đọc đến tận cùng, nhưng lại tuyệt đối đảm bảo tính chân thực, không phá vỡ logic lịch sử, mà làm phong phú thêm lịch sử. Sự ghi nhận thành công đầu tiên của Hoàng Quốc Hải là, ông đã dám mạo hiểm xông vào một địa hạt vô cùng trống vắng tư liệu. Nếu chỉ căn cứ vào các bộ sử chính thống của nhà nước phong kiến thì, như tác giả từng nói, chỉ có thể viết được nhiều nhất là 200 trang. Chính vì thế, ông đã bỏ ra đến hai mươi năm để sưu tầm tài liệu với sự kiên nhẫn đáng khâm phục. Ngoài việc lục tìm tư liệu trong các thư viện lớn, kể cả kho tư liệu đồ sộ của Viễn Đông bác cổ do người Pháp để lại, Hoàng Quốc Hải còn tiếp cận Tống sử, Minh sử bằng nhiều nguồn khác nhau (mà bằng con đường chính thống, ở Việt Nam không có hoặc rất hiếm). Đây là nguồn tư liệu không kém phần quan trọng, vì nó là biên niên sử, do chính các sử quan Trung Quốc ghi chép từ cả ngàn năm trước, đảm bảo độ tin cậy. Cảm thấy vẫn chưa đủ, tác giả còn thường xuyên điền dã, tìm về những địa chỉ trước đây vốn là bãi chiến trường ở vùng biên ải, tham vấn các thiền sư, nghiên cứu kinh Phật, tìm hiểu bia cổ, câu đối, hoành phi, khảo cứu dã sử, sưu tầm đồng dao, ca dao, tục ngữ, để có được ý niệm đầy đủ về diện mạo xã hội thời Lý.
Cái tài của người viết ở đây là có sự điều hòa một cách hợp lý giữa chính sử, dã sử và hư cấu, tạo nên những hình tượng văn học giầu cá tính, đủ sức thuyết phục ngay cả những bạn đọc khó tính. Có thể thấy, thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Đa Bảo, Định Hương trưởng lão, Lý Thái Tông, thiền sư Viên Chiếu, Khu mật sứ Mai Mạnh Minh, Thái sư Lý Đạo Thành, Thái úy Lý Thường Kiệt, Nhiếp chính Ỷ Lan... phần lớn đều là những nhân vật lịch sử nhưng lại được miêu tả dưới góc độ văn chương với những suy nghĩ, hành động và cách ứng xử như những cá thể sinh động thậm chí phức tạp, phản ảnh được tinh thần thời đại.
Hư cấu nhưng không vo tròn, bóp méo lịch sử, đó là quan điểm thẩm mỹ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Hoàng Quốc Hải. Vì thế, những ấn tượng về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong tư tưởng tình cảm của người đọc không bị phá vỡ, gây ra cơn sốc tâm lý, kiểu như là "giải thiêng thần tượng", mà ngược lại, càng củng cố thêm  sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn với các bậc tiền nhân. Nói cách khác, cái gọi là hư cấu trong thi pháp tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải là tạo ra một trạng thái tâm hồn dưới dạng thức suy tư của những nhân vật lịch sử từng được định hình trong tâm thức dân tộc. Tuy nhiên cũng cần phải phân định rạch ròi giữa tôn trọng lịch sử và mô phỏng lịch sử để tránh tình trạng lạm dụng. Một tiểu thuyết lịch sử, nếu chỉ dừng ở mức mô phỏng, cho dù cách viết có gợi cảm đến mấy cũng khó chinh phục người đọc bởi tác giả đã bỏ qua một đặc trưng vô cùng quan trọng của nghệ thuật văn chương là sáng tạo. Trong mấy chục năm qua, nền văn học Việt Nam đã quá thừa thãi những cuốn sách thuộc đẳng cấp này. Đó chính là nguyên nhân vì sao, mảng đề tài lịch sử ít hấp dẫn độc giả. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến Hoàng Quốc Hải, có lần bàn về tiểu thuyết lịch sử ở trại sáng tác Tam Đảo, ông đưa ra một nhận xét ngắn gọn, nhưng thực chất lại là vấn đề lớn với người cầm bút: "Muốn phổ cập hóa lịch sử thì không gì bằng văn chương hóa lịch sử". Những trang văn tài hoa, đầy trách nhiệm công dân và cảm hứng sáng tạo về vương triều Lý của tác giả dường như luôn quán triệt phương châm trên.
Sử dụng lối hư cấu trạng thái tâm lý trong cái vỏ nhân vật lịch sử có thật, chính là một dạng "biện chứng pháp tâm hồn" mà Lev Tolstoi đã sử dụng rất thành công trong "Chiến tranh và hòa bình". Theo trình tự của quy luật tư duy, từ suy nghĩ đến hành động, các nhân vật lịch sử được tác giả nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau, tương tác lẫn nhau qua các mối quan hệ vua tôi, cha con, thầy trò, vợ chồng, chủ tớ... tạo nên một hệ thống mang tính cộng đồng hết sức uyển chuyển. Các yếu tố thời đại, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán và nhất là chiến tranh thường được xem như những hằng số lịch sử. Đó chính là nguồn năng lượng kỳ diệu không bao giờ cạn làm nảy sinh minh triết Việt tộc, tâm hồn Việt tộc mà tác giả dường như đã hóa thân, nhập vào dòng chảy tâm linh ấy qua những Công án Thiền.
Trong lịch sử văn học Việt Nam chưa bao giờ có một tác phẩm dưới dạng tiểu thuyết lịch sử mà lại thấm nhuần tinh thần tôn giáo sâu sắc như "Tám triều vua Lý". Dưới ánh sáng của tư tưởng Thiền, các vị hoàng đế Lý triều cai trị đất nước bằng tấm lòng bác ái, từ bi hỷ xả, mọi chúng sinh đều bình đẳng trước Phật tổ, nhưng không bài bác các tôn giáo khác mà đề xuất một chủ trương tiến bộ là "tam giáo đồng nguyên". Đó là triều đại thực sự lấy dân làm gốc, coi dân như con, dạy dân sống chân thật, ghét thói điêu trá, khác hẳn thứ quỷ kế đa đoan của những triều đại độc tài, tàn bạo sau này, coi dân như nô lệ nhưng lại được che đậy bằng nhiều thứ ngôn từ hoa mỹ.
Hệ thống nhân vật trong "Tám triều vua Lý" rất phong phú, đa dạng với đủ các đối tượng từ các vị hoàng đế ở ngôi "cửu ngũ chi tôn" đến tầng lớp thứ dân được Hoàng Quốc Hải miêu tả ở những cấp độ khác nhau. Họ xuất hiện như là điều kiện tất yếu cấu thành các giai tầng xã hội , một mặt chi phối hoàn cảnh lịch sử đương thời, mặt khác tạo nên sự tương hỗ về đặc điểm tâm lý, đặc thù văn hóa và hơn hết là sự manh nha cho một tư tưởng thời đại tương đối cởi mở đang dần dần hiển lộ. Để có được những nhân vật thiền sư đạo cao đức trọng, quán thông thiên địa, được các vua Lý kính trọng tôn làm quốc sư, tác giả đã phải đầu tư khá nhiều thời gian vàoThiền học, am hiểu đến mức độ nhất định những chỉ yếu nằm trong "nội điển". Các bộ kinh "Thủ Lăng nghiêm", "Đại Bi tâm kinh", "Bát Nhã tâm kinh", "A Di Đà", "Hồi Hướng cực lạc"...đều được ông tham chiếu, nên mỗi trang viết của ông đều thấm nhuần tinh thần Thiền. Hình tượng các thiền sư được miêu tả như là những người đã thoát tục, vượt ra ngoài vòng sinh diệt. Các thiền sư Vạn Hạnh, Định Hương, Viên Chiếu với hành trạng có phần bí hiểm, cùng những bài kệ như lời sấm của bậc thần linh, dự phóng đến cả tương lai, khiến người đọc dễ dàng hình dung ra diện mạo xã hội triều Lý trong khoảng một trăm năm đầu được xem như thời đại hoàng kim của lịch sử Đại Việt. Đó chính là thời kỳ "Quốc tộ như đằng lạc", vận mệnh dân tộc được Phật Đà phù hộ độ trì. Có vẻ như, các ngài thương xót con dân Hồng Lạc bao năm rên xiết dưới ách cai trị tàn bạo của bạo chúa Lê Ngọa Triều, (cho dù thân phụ ông ta có công  phạt Tống, bình Chiêm, được bách tính suy tôn là bậc anh hùng dân tộc), nên đã phái các thiền sư xuống phàm trần, hoằng dương đạo pháp, giáo hóa trăm họ, truyền bá tư tưởng từ bi bác ái. Chính vì lẽ đó, các thiền sư, sau khi phổ độ chúng sinh khỏi bể trầm luân, họ không tham quyền cố vị, ở lại triều đình hưởng vinh hoa phú quý, mà nhất quyết rời kinh đô Thăng Long, tìm đến những nơi sơn cùng thủy tận trụ trì, hoặc hành cước, vân du tiêu dao với mây ngàn gió núi.
Tư tưởng Thiền quán xuyến đạo trị nước ít nhất bốn triều vua Lý bắt đầu từ Lý Công Uẩn. Tâm linh Phật đã chuyển hóa vào máu thịt các bậc quân vương. Từ Lý Thái Tổ đến Lý Nhân Tông, ngoài tài trị nước làm cho quốc thái dân an, về mặt Phật giáo, các vị còn được xem như những bậc thiền sư. Tư tưởng bình đẳng, bác ái, thân dân luôn là kim chỉ nam hướng dẫn đạo trị nước. Chúng ta có thể thấy, trong mười tám năm chấp chính, Lý Công Uẩn miễn thuế cho dân đến ba lần. Lý Thái Tông cùng Mai hoàng hậu khuyến khích cung nữ lập ấp trồng dâu nuôi tằm, trực tiếp dạy họ dệt gấm, tự nhà vua mặc triều phục bằng hàng nội làm gương cho quần thần, chỉ được ghi vài dòng trong Toàn thư, nhưng Hoàng Quốc Hải lại dùng đến ba chương (XVI,XVII,XVIII) và 15 trang của chương XIX của quyển 2, tổng cộng đến 63 trang  để viết rất cụ thể, chi tiết và sinh động về sự việc này.
Bằng kiến văn vừa rộng vừa sâu, lại được tham bác những nguồn sử liệu đáng tin cậy, mọi "tự sự" trong "Tám triều vua Lý" đều diễn ra trong tầm kiểm soát với mức độ hư cấu hợp lý nên mạch văn thông thoáng, đảm bảo tính chân thực lịch sử. Trận đánh tan đạo quân của hai viên tướng Man Tống Đoàn Kính Chí và Dương Trường Huệ của thái úy Lý Trưng Hiền vào năm Giáp Dần (1014), trận tập kích lãnh thổ nhà Tống, hạ liên tiếp mười một thành trì, giết hơn ba ngàn tướng sĩ Bắc quốc của đạo quân Nùng Trí Cao, hay chiến dịch công phạt thành Ung Châu, Khâm Châu của quân đội nhà Lý dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt làm cho vua tôi nhà Tống kinh hồn bạt vía là những ví dụ điển hình.
Khi kể về các trận giao tranh, nhất là với quân đội Bắc quốc, ngoài vốn hiểu biết khá tường tận về lịch sử, địa lý, phong tục tập quán vùng biên giới Lưỡng Quảng, ngòi bút Hoàng Quốc Hải còn rất cẩn trọng khi đề cập đến nghệ thuật chiến tranh thời trung đại qua tài cầm quân của các vị tướng Đại Việt. Khác với hàng loạt truyện lịch sử, tác giả tuyệt đối không sử dụng kiểu viết dễ dãi "ta thắng địch thua", làm biến dạng lịch sử nhưng lại phù hợp với hệ ý thức đương đại, mà ông có cách làm của riêng mình. Diễn tiến các trận đánh, trong đó có không ít những trận quyết chiến sinh tử, được Hoàng Quốc Hải nghiên cứu, tham khảo khá kỹ lưỡng các nguồn tư liệu khác nhau, đặc biệt là Tống sử. Chính vì đã loại trừ được yếu tố chủ quan, phiến diện, các chiến dịch chinh phạt hay đề kháng, dù diễn ra ở quy mô nào cũng khách quan, trung thực nhưng không kém phần sinh động. Mặt khác, chiến tranh không phải là những cuộc dạo chơi lãng mạn theo kiểu "đường ra trận mùa này đẹp lắm", mà là "Cổ bề thanh động tràng thành nguyệt"**, là ngựa hý, gươm khua, và nhất là những cái chết bi tráng của chiến sĩ trên sa trường. Vấn đề là, những cái chết ấy có ý nghĩa như thế nào đối với những người còn sống? Điển hình cho khả năng "điều binh khiển tướng" của Hoàng Quốc Hải là hai trận thư hùng được sử sách ghi lại là trận công  phạt thành Ung Châu và trận chiến trên phòng tuyến sông Như Nguyệt.
Với tư cách quốc chủ khai cơ, Lý Thái Tổ là vị hoàng đế văn võ song toàn, trị nước bằng tinh thần Phật giáo trên cơ sở một nền tảng nho học sơ khai với những cải cách khá mạnh dạn, đã xây dựng được một mô hình xã hội với nhiều mặt tích cực. Qua những trang văn đầy tinh thần trách nhiệm với lịch sử, người đọc còn nhận thấy, chí ít có đến bốn trong tám vị vua Lý được Hoàng Quốc Hải miêu tả như là những bậc hoàng đế có tính cách mạnh mẽ, tự làm chủ triều đình và thường đưa ra những kế sách trị nước sáng suốt ở tầm vĩ mô. Với những quốc vương có tài kinh bang tế thế như Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, lũ nịnh thần, bọn hoạn quan cùng phe cánh rất ít có cơ hội thao túng triều chính. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu để nhà Lý được lòng dân, kéo dài thời gian thịnh trị trên một trăm năm.
Sở dĩ  vương triều Lý có được sự ổn định tương đối dài, xã hội ít có những biến động, còn do một nguyên nhân vô cùng quan trọng nữa, mà theo Hoàng Quốc Hải, đó là bởi Tâm Linh Phật. Chủ trương từ bi bác ái, mọi chúng sinh đều bình đẳng, chính là chìa khóa mở ra một xã hội nông nghiệp thịnh trị, trong đó mỗi cá thể đều có được phật tính trong người. Về lĩnh vực này, tác giả đã có những trang phân tích, bình luận vô cùng thấu đáo qua một số cuộc đàm đạo giữa các thiền sư với các vị vua Lý. Mỗi cuộc đàm luận về mối liên hệ mật thiết giữa tư tưởng Phật với đạo trị bình đều được xem như một công án Thiền. Người đọc ngộ ra một điều đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với lịch sử nhân loại. Ấy là tôn giáo dứt khoát không phải là thuốc phiện ru ngủ, làm tê liệt ý chí đấu tranh của nhân dân như những ai đó từng rao giảng, mà là một niềm tin thiêng liêng, một điểm tựa tinh thần để hướng con người đến cái thiện, tạo nên một cộng đồng có lương tri, lương năng và, hơn thế nữa, luôn biết sợ.... Lịch sử để lại không ít bằng chứng về những vương triều nhanh chóng suy tàn, bởi vua quan là những kẻ vô thần, trên không sợ trời, dưới không sợ đất, giữa không sợ dân, chỉ sợ mất mũ ô sa, trước sau cũng trở thành tập đoàn tham nhũng, bên trong thì đè đầu cưỡi cổ, bóc lột cùng dân, bên ngoài thì quỳ gối khom lưng trước ngoại bang, cắt đất hương hỏa của cha ông dâng cho chúng, cam chịu thân phận thần tử để duy trì chiếc ngai vàng quyền lực, tuy lúc khai cơ lại rất hào hùng. Thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Đa Bảo, thiền sư Định Hương, và trước đó, cả Khuông Việt đại sư đã góp phần không nhỏ vào việc khai tâm dưỡng tính cho các bậc chủ tể tương lai bằng tinh thần vị tha bất vị ngã của triết lý Thiền. Chẳng những thế, sau khi khuông phò quốc gia một cách toàn tâm toàn ý, trước khi viên tịch, các ngài còn để lại lời kệ như là phương châm xử thế của những bậc thánh nhân quán thông thiên địa, tri túc tam thế giới bằng nhãn quan thấu thị. Đạo và đời được chuyển hóa lẫn nhau trong mối tương quan hai chiều được các bậc thiền sư lý giải như là quy luật tự nhiên, trong vòng tuần hoàn tạo hóa tương sinh tương diệt.
Đặc điểm nhân vật trong "Tám triều vua Lý" là không mô phỏng một cách hời hợt, triệt để loại bỏ kiểu trần thuật dễ dãi mà những nhân vật chính được xây dựng đạt đến trình độ chuẩn của tính cách văn học. Đương nhiên yếu tố hư cấu đóng vai trò chủ đạo, thiếu nó, tiểu thuyết chỉ còn là cái xác không hồn. Trên thực tế, Hoàng Quốc Hải  chăm sóc nhân vật của mình rất công phu, khiến người đọc không thể phân biệt rạch ròi đâu là hiện thực lịch sử, đâu là hiện thực tưởng tượng. Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Mai Mạnh Minh, Mai Minh Nguyệt, Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt được xem là những nhân vật có tần số xuất hiện cao trong tiểu thuyết, được xây dựng khá công phu với những trang miêu tả về diễn biến tâm trạng phức tạp, hấp dẫn và ít nhiều đã đạt đến mức điển hình. Lý Thái Tổ là người sáng lập ra vương triều Lý, nhưng chính sử ghi chép về nguồn gốc xuất thân của ông khá mù mờ, thậm chí nhiều sử gia còn phải dùng huyền thoại để khỏa lấp những nghi vấn về thân phụ, thân mẫu của ông. Đây là nhân vật có tầm cỡ trong lịch sử Đại Việt, tưởng dễ mà lại khó viết nếu muốn xây dựng thành hình tượng văn học. Hoàng Quốc Hải chọn phương án trung dung điều hòa hợp lý giữa chính sử, dã sử và hư cấu để chuyển hóa Lý Công Uẩn từ một nhân vật lịch sử thành hình tượng văn học mang biểu tượng lịch sử.
Thật ra, xét về mặt văn chương, yếu tố dã sử, huyền thoại vẫn là đối tượng luôn hấp dẫn người đọc, nhưng nếu quá lạm dụng sẽ biến nhân vật thành thần thánh hoặc ma quỷ. Chính vì hiểu rất rõ điều đó, nên tác giả chỉ sử dụng một liều lượng vừa phải  huyền tích "người đàn bà làm thuê nằm mơ giao cấu với thần", "ngôi mộ kết do trời táng", hay "những câu thơ thần ngâm sang sảng quanh ngôi mộ người cha trong đêm", nhằm tạo một thông điệp về sự dị thường của chú tiểu chùa Lục Tổ, chuẩn bị cho việc họ Lý lên ngôi hoàng đế sau này. Hòn đá thiêng (Lý gia linh thạch) cũng là chi tiết rất có giá trị về mặt tâm linh, nhưng tất cả những nét dị thường đó cũng chỉ là thứ yếu. Điểm nhấn trong tính cách nhân vật Lý Công Uẩn là ông đã được giáo dưỡng trong môi trường Thiền ngay từ tấm bé. Theo dõi cho đến hết quyển 1, chúng ta sẽ thấy tác giả tận dụng đặc điểm này để xây dựng Lý Công Uẩn thành một Hoàng Đế - Thiền Sư, chỉ với mười tám năm tại vị, đã biến Đại Việt từ một quốc gia đói nghèo, loạn lạc triền miên, lòng dân ly tán thành một cường quốc thịnh vượng vào bậc nhất vùng Đông Nam Á.
Viết về Lý Thái Tổ, Hoàng Quốc Hải có những trang văn thật đẹp. Chuyến du ngoạn hồ Dâm Đàm vào mùa xuân năm Đinh Mão cùng thái tử Lý Phật Mã trước khi băng hà là một chương viết sinh động, trong đó, dường như tác giả ngầm gửi đến người đọc những ý tưởng nằm ngoài văn bản. Cảnh hồ Dâm Đàm trong tiết trời se lạnh, chiếc lâu thuyền lướt trên mặt hồ mịt mờ sương khói khiến nhà vua bâng khuâng nhớ đến những lời tiên tri của Vạn Hạnh thiền sư về thế đất Thăng Long "long bàn hổ cứ" (rồng cuộn hổ ngồi) bên dòng sông Cái như lưỡi kiếm sắc đỏ lựng uốn cong án ngữ mạn đông bắc kinh thành. Vốn cũng là một thiền sư tri thiên mệnh, Lý Công Uẩn không lạ gì chuyện "Tạo hóa bày trò sinh diệt chơi" (Trần Mạnh Hảo), nên nhân chuyện vãn cảnh hồ, ông đã truyền lại cho con trai những bí quyết trong phép trị bình làm cho quốc thái dân an mà tinh thần của nó là Thân Dân. Chủ trương tha thuế khoan sức dân, khuyến khích khai hoang lập ấp, cấp ruộng cho người cô quả và "ngụ binh ư nông" đã trở thành quốc sách cho các hoàng đế kế vị sau này.
Dựng nên đại cảnh du ngoạn Dâm Đàm, Hoàng Quốc Hải đã khôn khéo dẫn dắt người đọc đến với vai trò không thể thiếu của đạo Phật đối với sự ra đời của triều Lý mà Thiền sư Vạn Hạnh là một biểu tượng tinh thần. Chính vị cao tăng đã nhận xét về địa thế Thăng Long :"Đây mới chính là đất của đế vương muôn đời. Ta chỉ tiếc nhà Lê nhãn giới thiển cận, cứ thủ hiểm kinh đô nơi hang động khiến thế nước không thoát ra được, không hanh thông được" (trang 616, quyển 1). Và đây là lời Thái Tổ dặn thái tử Phật Mã :"Này con, ta sở dĩ được nước, công lao chủ yếu từ các bậc đại thiền sư, bản thân ta cũng được sinh ra và được giáo dưỡng nơi cửa Phật. Cho nên trách nhiệm của con sau này vừa phải giữ nước, vừa phải giữ đạo. Giữ sao cho đạo hòa được với đời, nhưng không được đời quá, không được thế tục quá. Thế tục quá thì đạo suy. Nhưng cũng đừng siêu việt quá. Siêu viết quá thì đạo nhạt, vì dân không theo được".(trang 625, quyển 1).Với tầm nhìn của bậc đế vương, Lý Thái Tổ khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của hồ Dâm Đàm với địa mạch Thăng Long. Ông cảnh báo con trai nhưng cũng là lời cảnh báo cho các thế hệ sau, bởi Dâm Đàm chẳng những là cảnh quan hùng vĩ thiên nhiên ban tặng mà còn là nguồn mạch linh thiêng của tương lai Đại Việt :" Chính cái hồ Dâm Đàm này là một đại huyệt của nước Nam. Đây là vùng tụ khí của cả miền linh địa, hồ này chính là não thủy của Thăng Long, vậy nên phải giữ để cho nước hồ không bao giờ cạn kiệt, không được san lấp mặt hồ... Con phải nhớ nằm lòng lời ta dặn đây: Dâm Đàm tuyệt, Thăng Long diệt". (trang 618, quyển 1).
Chỉ với vài trang phác thảo, Hoàng Quốc Hải dường như đã dựng lại được chân dung tinh thần vị hoàng đế thủy tổ nhà Lý thật sinh động. Ông là bậc vĩ nhân của muôn đời nhưng cũng lại là con người vô cùng bình dị của một thời.
  Trong văn chương có một quy luật nghiệt ngã. Nhân vật chính mà tác giả kỳ vọng chưa chắc đã ghi được dấu ấn thẩm mỹ, ngược lại cái gọi là nhân vật phụ, đôi khi chỉ thấp thoáng  vài dòng lại làm người đọc không thể nào quên. Có thể  xem các thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Định Hương, thiền sư Viên Chiếu, Lý Đạo Thành, Lý Thường Kiệt, Ả Nùng, Hoàng Sư Mật, Ỷ Lan, Đàm thái hậu, Đỗ Anh Vũ là những hình tượng văn học đúng với nghĩa của nó.
Hãy lấy nhân vật Lý Thái Tông làm ví dụ. Không thể phủ nhận Thái Tông là một minh quân. Khi còn là Đông cung thái tử, ông  từng được thầy Định Hương truyền dạy Phật pháp, hiểu sâu sắc triết lý Thiền, sau khi tức vị thì lấy tư tưởng thân dân làm phương châm trị nước, khoan hình phạt, giảm tô thuế, lại trực tiếp dạy nghề dệt gấm cho cung nữ, mùa xuân năm nào cũng cày ruộng tịch điền. Nhưng mặt khác, nhà vua lại có một bầy mỹ nữ đông đúc nơi hậu cung, thường xuyên phát động các cuộc chiến tranh chinh phạt, chẳng những làm tổn hao quốc khố mà còn gây ra cái chết của hàng vạn sinh linh. Tư tưởng sô vanh kỳ thị chủng tộc do chịu ảnh hưởng nặng nề của nho giáo làm  ông say máu chiến thắng mà quên mất lời răn của Phật về lòng từ bi bác ái. Lại nữa, vì chiều theo thói ích kỷ của Lý Càn Đức, muốn độc chiếm Ngô Tuấn làm của riêng, Thái Tông đã ép vị tướng trẻ phải cung hình, đẩy viên sủng thần vào cảnh cửa nát nhà tan.
Lý Đạo Thành thuộc hàng thân vương, là một trong những trọng thần kiến văn quảng bác, có tài kinh bang tế thế, giữ ngôi tể tướng, bị cuốn vào cơn lốc tranh giành quyền bính, bỗng chốc bị đẩy khỏi triều đình, đi trấn thủ Nghệ An sau khi Thánh Tông qua đời. Dưới ngòi bút Hoàng Quốc Hải, người ta nhận ra một điều, Lý Đạo Thành là một nhân cách lớn,  yêu nước, thương dân đến tận tâm can, nhưng lại là nhà nho am hiểu cặn kẽ chữ "thời" trong Kinh Dịch, luôn tự làm cho mình bé nhỏ đi trước đám đồng liêu nhằm giữ mạng sống gia đình được vẹn toàn. Đó cũng là nỗi đau của kẻ sĩ không phải chỉ ở riêng triều Lý.
Thiền sư Vạn Hạnh  được miêu tả như là một vị bồ tát quán thế. Ông chẳng những có tầm nhìn xa trông rộng mà còn thông hiểu cả Nho, Phật, Lão, có tài tiên tri chỉ qua một vài điềm triệu. Ở trang 50- 51, quyển 1, Vạn Hạnh tiết lộ với thiền sư Khánh Văn về chủ tiểu Lý Công Uẩn :"Ta nói điều này sư đệ phải giữ kín, lộ ra có kẻ biết, nó sẽ sát hại thằng bé mất. Ban nãy ta nói thằng bé có kỳ tướng là ta còn giảm đi mấy bậc đấy. Thực ra nó có tướng đế vương. Đây đích thị là bậc minh vương thánh đế  trời ban cho nước ta, ban cho đạo ta, để gỡ cho thế nước đang lâm vào trì bế, nát rối. Sư đệ phải bảo trọng tài sản cho nước". Chỉ có Vạn Hạnh mới dám chỉ trích Lê Long Đĩnh đa sát; bấm huyệt, phát công lực chữa bệnh cho ông ta rồi giảng giải về ý nghĩa của những câu đồng dao bằng thái độ của kẻ bề trên mà nhà vua không dám nổi cơn thịnh nộ. Thiền sư còn dự đoán được ngày  giờ chết của Lê Ngọa Triều:"Nhà vua đi vào giờ Dậu ngày Tân Hợi" (trang 57, quyển 1), đồng thời cũng chính ông, bí mật vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế mà không xẩy ra giao tranh đổ máu. Khi Lý Thái Tổ vừa đăng cơ, xa giá về thăm hương Dịch Bảng, Vạn Hạnh còn dự phóng cả chuyện nửa đêm, nhà vua như một kẻ mộng du, một mình đến chùa Tiêu Sơn thăm thầy. Sau này, khi được Lý Công Uẩn tham vấn kế sách, thiền sư còn khuyến cáo nhà vua nhanh chóng thiên đô, tiến hành lập đạo tràng, khai trí cho dân. Cũng chính ông, trước đó, đã mấy lần giúp Lê Hoàn kế sách phạt Tống, bình Chiêm thành công: "Chỉ trong bảy tám ngày là nhà vua phá xong giặc" (trang 74, quyển 1), :"Thời cơ đang thuận, tiến binh gấp thì thắng, để lâu ắt bất lợi" (trang 74, quyển 1).
Tuy nhiên, với tư cách là một tiểu thuyết gia, trong quá trình xây dựng nhân vật điển hình, Hoàng Quốc Hải luôn quan tâm đến hiệu ứng văn chương hơn là hiệu ứng lịch sử. Có khá nhiều nhân vật trong tác phẩm không trùng khớp với những hành trạng mà các sử gia đã ghi chép trong biên niên. Vì vậy, không hiếm trường trường hợp, ông đã công khai phê phán các sử gia bởi đã tìm được đủ chứng cớ, đòi trả lại sự công bằng cho những nhân vật lịch sử. Lý Thường Kiệt và Ỷ Lan là hai trường hợp điển hình.
Lý Thường Kiệt là nhân vật mang tâm trạng phức tạp với nỗi niềm u uẩn cho dù đường công danh được xem là hanh thông. Võ công của ông trong suốt mấy chục năm với tư cách là người chỉ huy quân đội, rồi lĩnh chức thái sư tể tướng nhưng hoàn cảnh gia đình lại là một bi kịch lớn. Thành công của chiến dịch Bắc phạt Ung Châu, Khâm Châu và trận chiến trên phòng tuyến bờ nam sông Như Nguyệt đã đưa tên tuổi Lý Thường Kiệt lên đỉnh cao vinh quang, thì việc ông bị ép phải tự yêm đến nỗi Tạ Thuần Khanh phẫn chí bỏ nhà ra đi, con trai lưu lạc không nhận cha là nỗi đau thiên cổ, dày vò tâm can cho đến lúc qua đời. Ngòi bút Hoàng Quốc Hải đã lách vào được chỗ nhạy cảm nhất trong tâm hồn vị thống soái quân đội nhà Lý, làm người đọc vừa phẫn nộ vừa bâng khuâng thương cảm. Khác với chính sử, tác giả không lý tưởng hóa nhân vật được xem như huyền thoại này mà đã chỉ ra được những chỗ đáng chê trách khi ông về hùa với Ỷ Lan thao túng triều cương, sử dụng gã hoạn quan đô thái giám Đỗ Khánh Thập, vu cáo rồi sát hại thái hậu Thượng Dương cùng bảy mươi hai cung nữ, vô hiệu hóa thái sư Lý Đạo Thành, chỉ chút nữa là đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng chính trị. Với nhân vật Ỷ Lan, tuy cũng bị các sử gia phê phán về hành vi khuất tất trong hậu cung dẫn đến vụ huyết án thái hậu Thượng Dương, nhưng về đại thể, âm hưởng chung vẫn là ca ngợi tài nhiếp chính của bà dưới triều Lý Nhân Tông. Từ những minh định có phần thiên lệch như vậy đã khiến hậu thế ngộ nhận, coi bà là bậc nữ lưu phi thường, một Linh Nhân hoàng thái hậu tài đức vẹn toàn, xứng đáng làm tấm gương cho giới quần thoa, mà bộ ba vở chèo "Bài ca giữ nước" của nhà biên kịch Tào Mạt là một ví dụ.
Bằng vào một số những cứ liệu đáng tin cậy, Hoàng Quốc Hải mạnh dạn chỉ rõ, thực chất việc Ỷ Lan gây ra vụ thảm sát hậu cung có một không hai trong lịch sử là bởi nguyên nhân tranh đoạt quyền lực chứ không chỉ là yếu tố ghen tuông. Thanh toán được phe cánh thái hậu Thượng Dương, ngôi vị nhiếp chính của Ỷ Lan sẽ vững vàng, bà mới dễ bề thao túng chính sự khi mà Lý Nhân Tông vẫn còn là một đứa trẻ. Hành vi của Linh Nhân hoàng thái hậu đánh dấu thời kỳ bắt đầu suy thoái của đạo Phật. Các thiền sư dần dần rời bỏ triều đình tìm đến những vùng thâm sơn cùng cốc tu hành. Cái gọi là "tâm linh Phật" lặng lẽ tách khỏi tình cảm cộng đồng, mà thay vào đó bằng xã hội nho giáo với chủ trương phân chia đẳng cấp xã hội, đặt ra những thiết chế phức tạp cứng nhắc như Tam cương, Ngũ thường, quân tử là quý, tiểu nhân là tiện, một mặt, nó hoàn thiện cơ cấu quyền lực của vương triều, nhưng mặt khác lại là nguyên nhân đẩy nhà Lý đến suy thoái, cuối cùng chính quyền rơi vào tay nhà Trần.
Tính sử thi của "Tám triều vua Lý" không chỉ giới hạn ở những đặc trưng lý thuyết như hệ thống nhân vật, không gian, thời gian nghệ thuật, tính liên thông giữa các sự kiện và khuynh hướng tư tưởng, mà nó còn được bao hàm cả không gian văn hóa và các sinh hoạt tôn giáo. Nói cách khác, có thể xem Phật giáo là cơ sở của đạo trị bình triều Lý. Vẻ đẹp của Thiền là vẻ đẹp tự nhiên, vô cùng cao cả nhưng lại rất gần gũi với chúng sinh. Phật giáo trong "Tám triều vua Lý", xét cho cùng, chính là thứ tôn giáo  nhân đạo hóa con người. Qua cuộc đàm luận giữa thiền sư Định Hương, thiền sư Viên Chiếu, Lý Thái Tông và Mai Mạnh Minh (chương XIII, quyển 2), chúng ta sẽ thấy, cuộc hội ngộ "thiên tải nhất thì" ấy đã làm nảy sinh một công án thiền mà sự khởi đầu phải kể đến tiếng chuông chiều của sư Đạo Quang :"Tiếng chuông trong trẻo thả vào không gian u tịch sự tĩnh lặng sâu xa, khiến người nghe như vừa được khai ngộ. Cứ từng tiếng, từng tiếng nhè nhẹ, dư âm sắp tắt hẳn mới lại tiếp nối tiếng sau. Tiếng chuông như là một trợ niệm vãng sinh, khiến quỷ thần nghe được tiếng chuông này cũng phải chắp tay kính lễ. Ngay cả kẻ tội đồ sa địa ngục cũng phải đem lòng tỉnh ngộ.
Rõ ràng người đánh chuông đã phát khởi cái tâm chí thành, tâm đại bi, nên kẻ hạ căn mà nghe được chuông này, ắt ba nghiệp được gột rửa sạch trong. Và một khi tiếng chuông được thỉnh từ một người có tâm tuệ thì cả âm dương đều được quan triêm lợi lạc" ( trang 232, chương XIII, quyển 2). Tiếng chuông như có thần lực của nhà sư trẻ tạo nên không khí linh thiêng cho cuộc luận Thiền.
Phong cách ẩm trà của các vị khách trong cái rét ngọt của tháng trọng đông , những lời bàn của Định Hương trưởng lão về "tam giáo đồng nguyên" cùng những ý kiến tham vấn của Viên Chiếu, Thái Tông, Mạnh Minh, cho thấy, Hoàng Quốc Hải rất có kinh nghiệm dàn dựng những tiểu cảnh trong đại cảnh của bố cục tiểu thuyết sử thi. Chẳng những thế, trong cuộc Thiền đàm, tác giả còn đưa được vào bài kệ nổi tiếng của Lục tổ Tuệ Năng sau khi được nghe những kiến giải về biểu tượng "bồ đề" của đạo hữu Thần Tú :
 Bồ đề bản vô thụ
 Minh kính diệc phi đài
 Bản lai vô nhất vật
 Hà xứ nhạ trần ai.
(Bồ đề không phải cây
Gương sáng chẳng phải đài
Tự tính không một vật
Bụi bặm bám vào đâu).
Đây là cách nhận thức của bậc thiền sư đốn ngộ, dường như đã thoát khỏi vòng sinh diệt, từ cõi Niết Bàn nhìn xuống "trần ai".
Chỉ những thiền sư chân tu, đạt đến cảnh giới nào đó mới có được cách nhìn cuộc sống luôn trong trạng thái vận động như Định Hương trưởng lão :"Sao họ u mê vậy. Làm gì có chuyện trường sinh bất tử. Chẳng thấy Phật dạy: Sinh lão bệnh tử là một vòng sinh hóa của muôn loài, muôn vật đó ư. Cái gì đã có sinh ra là có hoại diệt. Ta đang sống đây, cũng có nghĩa rằng ta đang chết đây" (trang 260, chương XIII, quyển 2).
Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin nhắc lại, hiện tượng sinh lão bệnh tử vốn nằm trong quy luật của Tạo Hóa. Điều Định Hương trưởng lão kiến giải với chúng đệ tử cũng chính là tinh thần của Vạn Hạnh thiền sư trong bài kệ nổi tiếng mà Hoàng Quốc Hải đã lấy làm đề từ cho bộ tiểu thuyết trường thiên:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hải
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông)
Quy luật nghiệt ngã ấy bao quát vạn vật trong trời đất, không trừ một ngoại lệ nào. Vương triều Lý khởi đầu vốn hào sảng với bao công tích lẫy lừng như thế, vậy mà, cuối cùng, Lý Chiêu Hoàng phải gạt lệ đem cơ đồ hai trăm mười sáu năm dâng cho họ Trần. Kết cục ấy do lòng trời không còn tựa Lý gia hay bởi lòng người đã chán ghét một vương triều suy thoái? Hoàng Quốc Hải đã lý giải điều này khá thuyết phục ở quyển 4 có tựa đề thật ấn tượng "Con đường định mệnh".
                                       

                                        Chí Linh, năm Con Mèo, tháng  cuối hè, ngày lành                        
                                                         (13 / 6 / 2011)

                                                               Đ.V.S

   


* "Tám triều vua Lý" của Hoàng Quốc Hải,  NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2010
** "Trống trường thành lung lay bóng nguyệt" ("Chinh phụ ngâm khúc", bản dịch của Đoàn Thị Điểm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét