Ký ức làng Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh
Chương ba
1
Sang ngày thứ hai thuyền đến ngã ba Tam Giang. Vận sợ có người truy đuổi cứ mải miết chèo, không dám ghé bờ. Đêm hôm ấy hắn dạt vào một cánh bãi bẻ trộm ngô non cho bà Ba luộc. Thị Lánh lúc này đã đi lại được nhưng vẫn còn yếu bởi những vết đòn thâm tím khắp người. ánh lửa yếu ớt hắt ra từ khoang thuyền, nhìn từ xa nhập nhoè như ma trơi. Từ đây đến kẻ Lủ chỉ già nửa ngày đường. Về kẻ Lủ rồi sẽ tính chuyện làm ăn. Hắn đem ý định của mình bàn với bà Ba. Cô ta vừa nghe đã giãy nảy:
- Không được đâu. Dân Ba Tổng có nhiều người đi chợ kẻ Lủ. Họ mà bắt gặp thì nguy. Theo tôi, ta nên theo sông Cổ Cháy lên mạn Bắc kiếm kế sinh nhai có khi lại hơn.
Bắt đầu từ hôm ấy, Vận chèo thuyền ngược sông Cổ Cháy. Vừa đi vừa thả lưới kiếm cá. Gần nửa tháng hai người mới lên được trại Bồ Nông. Trại Bồ Nông nằm trên một mỏm núi cách bến Phù Lao không xa. Từ dưới sông có thể thấy mỏm núi giống cái đầu con chó đá cụt tai mọc toàn giống trám trắng cao ngất nghểu với những cành ngang thẳng đuột đâm tua tủa ra tứ phía. Tầng dưới thấp hơn, chen chúc đủ loại đinh chi, vàng tâm, thị mực bị dây leo quấn chằng chịt vận thành những bó lớn như những cuộn chão khổng lồ. Trên sườn dốc chênh vênh, lũ dê đen râu xồm sừng cong thong thả gặm cỏ. Mấy chú dê non ngứa sừng nghênh đầu húc nhau phớt lờ những tiếng be be như là tín hiệu cảnh báo của mẹ. Một cặp sơn tước màu xám đá nhảy tanh tách trên cành cây hoàng đàn. Chúng song ca một điệp khúc nghe khá lạ tai, thỉnh thoảng lặng di một lúc rồi bất chợt vút lên cao, véo von như tiếng sáo trúc. Từ đâu đó mãi tận dãy Ngân Sơn xa mờ bàng bạc khói sương, đàn cò ruồi như những chấm đen lao về hướng mặt trời. Qua đỉnh Chó Sói chúng hạ dần độ cao, lần lượt bay ngang sông theo hình mũi tên. Cặp cánh của chúng mềm mại, nhịp nhàng vờn trên mặt nước như đôi tay vũ nữ múa điệu "Tản hoa" rồi hạ xuống đồng vàn ngập nước mọc toàn cỏ ba cạnh giống như cây cói trổ hoa vàng, bắt đầu một ngày kiếm ăn. Nhìn những cánh cò chao lượn trên bầu trời tự do, Vận bất giác nghĩ đến cảnh ngộ của mình. Hắn bảo bà Ba:
- Hay là ta cắm thuyền lên cái trại kia kiếm ít gạo nấu cơm ?
Bà Ba gật đầu. Hai người lần theo từng bậc đá thoai thoải, vừa đi vừa nghỉ vì bà Ba còn mệt. Chừng nửa giờ thì gặp ngôi nhà đầu tiên. Chủ nhà là một lão già râu xồm, thọt chân, tập tễnh trên đôi nạng gỗ. Vừa nhìn thấy vị khách không mời thập thò trước cổng, lão đã nâng khẩu súng nòng dài ngoẵng trông như một đoạn ống sắt gỉ chĩa vào hắn đuổi như đuổi tà:
- Cút ngay ! Nhà anh mà tiến thêm bước nữa là ta bắn.
Vận hoảng, lấm lét nhìn chủ nhà xua tay:
- Kìa bác ! Chúng tôi là dân chài muốn lên mua gạo.
- Quân trộm cướp chết tiệt ! - Lão già vẫn án ngữ trước cửa, dựa lưng vào cây cột hiên, mắt long sòng sọc như mắt chó dại, giọng kèn kẹt chẳng khác gì bản lề cửa lâu ngày không tra dầu - Chính chúng mày đã vu cho con tao là Cộng sản rồi ném nó xuống thác Bời Lời. Con ơi là con !
- Thưa bác !
- Đồ mặt dày ! Tao thì ...
Những tiếng cuối cùng chưa thoát ra khỏi cổ họng thì lão già khuỵu xuống chẳng hiểu vì cái chân thọt hay là mới có nửa chiều đã bị thần Lưu Linh nhập vào lục phủ ngũ tạng. Mà cũng có thể do cả hai. Khẩu súng cổ lỗ sĩ lăn lông lốc xuống sườn núi. Lê Văn Vận đỡ lão đứng dậy dìu lên dốc. Bà Ba đi sau cầm khẩu súng chống xuống đất như một cây gậy. Lão già vẫn làu bàu chửi, nhưng lần này đối tượng là một tên quan châu nào đó. Tiếng chửi giống như người điên khóc nghe vừa ai oán vừa buồn cười. Chẳng mấy chốc ba người lên đến cái nơi mà dân hai bên mom sông gọi là trại Bồ Nông. Trại Bồ Nông là nơi cư trú của vài chục gia đình làm nghề khai thác gỗ và cốn bè thuê từ mấy chục năm nay. Cư dân ở đây là người tứ chiếng từ khắp các xứ đông đoài, thậm chí còn có cả bọn tội đồ bị lưu đày hoặc tù cấm cố vượt ngục nên thành phần rất phức tạp. Phần lớn trong số họ là những kẻ có bản lĩnh giỏi quyền thuật, trọng nghĩa khinh tài, giữa đường thấy sự bất bình là ra tay cứu giúp người lương thiện, trừng trị kẻ ác.
Lão già họ Lương, gốc gác tại phủ Thiên Trường, Nam Định, lưu lạc từ nhỏ, đến năm ba mươi hai tuổi thì gia nhập phường Sơn Tràng. Dân sơn tràng, nửa năm trên rừng, ba tháng lênh đênh sông nước, cuộc sống phóng khoáng như chim trời, thích tự do và liều lĩnh vào bậc nhất trong giới giang hồ. Những đêm trăng thượng huyền, cánh phu bè nằm trên sạp nứa ngắm bầu trời sao lung linh lẫn giữa những đám mây hình vẩy cá lang thang. Chúng di chuyển rất chậm, gần như trôi song song cùng chiếc bè gỗ. Mặt sông loang loáng ánh trăng xanh, tươi rói, mơ màng. Trăng lẫn vào sóng nước lăn tăn, bị pha loãng trở thành thứ màu bàng bạc, lạnh lẽo trông giống một lớp bọt xốp nổi lềnh bềnh. Rồi bất chợt từ đâu đó, những ngọn gió đẫm hơi sương vượt qua triền đê mơn man trên mặt nước sóng sánh. Gió nhẹ đến mức chỉ đủ dậy lên những tiếng lao xao nhưng dư âm của nó lại đi rất xa, rất vang. Những khoảnh khắc như thế chiếc bè là một thế giới riêng. Dường như nó không còn hiện diện như một thực thể hữu hình. Nó là ảo ảnh, là ý niệm, là sự hoang tưởng trong cõi hư vô mà tất cả những thứ ta nhìn thấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Cánh phu bè - một nửa cư dân trại Bồ Nông- dọc ngang khắp các triền sông cùng với những chiếc bè gỗ vượt qua không biết bao nhiêu ghềnh thác. Có nhưng năm động trời, cứ qua một thác dữ, phường Sơn tràng lại mất một nhân mạng. Những kẻ xấu số phải vài ngày mới tìm thấy. Nghề chống bè là nghề mạt hạng nhất trong các nghề hạ đẳng bị người đời coi rẻ. Cùng cực lắm người ta mới phải làm nhưng đã làm rồi thì không thể bỏ được, phần nhiều đeo đẳng đến lúc thân tàn ma dại như lão Lương Đoàn kia.
Lương Đoàn được ông trùm phường thu nhận sau trận kịch chiến với một gã phu bè ở bến Đoan. Tay này đã từng học trường quyền với thầy họ Nhữ Đặng Xá. Hôm ấy Lương Đoàn bẫy cò ở mấy cánh ruộng ngoài bãi sông. Chiếc bè của ông Cả Tuân đã neo ở đấy từ hai hôm trước đợi con nước ròng. Trần Lượng tắt qua cánh bãi lên chợ Bía mua gạo, gặp mấy con cò dính bẫy, hắn gỡ sợi dây thòng lọng ở chân ra rồi thả cho nó tự do. Lúc ấy, Lương Đoàn đang ẩn trong chiếc lều vịt của lão Nhạnh mãi cuối rộc nước, nhìn thấy, chẳng nói chẳng rằng, chạy phăm phăm đón đầu tên phá đám, nện luôn. Cuộc ẩu đả xảy ra được một lúc mọi người mới báo cho ông chủ bè. Tuy võ nghệ không đến nỗi nào nhưng Trần Lượng vẫn bị Lương Đoàn dùng mấy đường quyền của lò Vịnh Xuân nện cho một trận nhớ đời. Khi anh em lôi Trần Lượng từ dưới đầm lên, người hắn lấm bê bết, đầu tóc ướt sũng còn mặt mũi thâm tím như quả bồ quân. Thấy đồng bọn bị nạn cánh phu bè ức lắm định xông vào chàng bẫy cò ra đòn hội chợ nhưng ông trùm giơ tay ngăn lại.
- Anh Lượng vô cớ thả cò của người ta bị đánh là đáng lắm. Các người ỷ thế đông định để lại tiếng xấu cho phường hạ bạc à ?
- Thưa ông trùm ! - Trần Lượng vẫn còn ấm ức, nói ,- nhưng mà thằng này nó đánh toàn đòn hiểm.
- Vậy hả ? - Ông trùm gật gật đầu - Quỳ xuống xin lỗi người ta ngay nếu không ta sẽ đưa anh ra khỏi phường.
Sau trận đụng độ ấy, Cả Tuân thu nhận Lương Đoàn. Từ đấy hắn bỏ nghề chim cò, xuống bè theo phường Sơn Tràng. ít lâu sau, ông trùm phường gả con gái cho Lương Đoàn. Chẳng mấy chốc hắn trở thành phụ tá đắc lực cho ông bố vợ vốn là một đại ca khét tiếng của giới giang hồ. Sau khi nhạc phụ qua đời, lương Đoàn nối nghiệp cai quản mấy chục anh em trong phường. Lương Đoàn có một con trai là Lương Doanh. Doanh cũng theo nghề sơn tràng rồi gia nhập một tổ chức bí mật chống Pháp do ông Phan Phi là đảng viên Cộng sản làm thủ lĩnh. Tổ chức này dần dần lan rộng ra nhiều nơi. Họ vận động nông dân chống sưu cao thuế nặng. Thợ thuyền đòi tăng lương, giảm giờ làm thông qua những cuộc biểu tình, bãi công, bãi thị làm cho Nhà nước bảo hộ và chính phủ Nam triều khá đau đầu. Nhóm cách mạng của Lương Doanh hoạt động được hai năm thì bọn chỉ điểm của viên tuần phủ phát hiện. Bị truy đuổi, Lương Doanh rút lực lượng về bến Đoan. Một trung đội Âu Phi dưới sự chỉ huy của viên quan hai người Pháp ngược sông Ba Gia bằng chiếc tàu chiến Đuy mông xanh có cả súng liên thanh mục đích tiêu diệt bằng được những kẻ phiến loạn. Một đêm Lương Doanh cùng mấy thanh niên quần áo rách rưới, đầu tóc bù xù như tổ bồ các, da tái nhợt như người sốt rét rừng mò về trại Bồ Nông. Lương Đoàn từ lâu đã bất đồng ý kiến với con về chủ trương đánh Pháp nên ông ta dứt khoát không cho ở lại.
- ở đây không có chỗ tuyên truyền Cách mạng. Mày định đem tính mạng của mấy chục gia đình đổi lấy chút hư vinh phải không ? Muốn lên trại Bồ Nông trước hết phải bước qua xác tao.
Lương Doanh thế cùng lực kiệt đành đem các chiến hữu xuống thuyền độc mộc ngược thác Bời Lời định tìm đường về Mai Châu. Chẳng ngờ, lão tuần phủ cho hai cơ lính khố xanh đón lõng ở dốc Mật Sơn. Lương Doanh bị cai cơ Trương Phổng bắt giải về châu lỵ Hoà Bình. Ba hôm sau, tri châu Vi Văn Sầm sai người trói anh ta lại thả xuống thác Bời Lời. Thác Bời Lời cao hơn trăm thước lao thẳng xuống qua những ghềnh đá lởm chởm nhảy chồm chồm như ngựa vía, chẻ dòng nước thành hàng triệu sợi nhỏ li ti lấp loá giống hệt thứ pha lê trắng được phủ lớp sương mù. Cái xác bị biến dạng đến mức, nếu không biết chắc cuộc hành hình thì chẳng một ai có thể nhận ra nạn nhân là con trai ông trùm phường sơn tràng. Lương Doanh chết rồi Lương Đoàn vô cùng ân hận. Ông ta gần như phát điên, bỏ trại Bồ Nông đi mảng ngược sông đến thác Bồi Lời tìm con. Một lần Lương Đoàn sảy chân ngã xuống vực bị gãy xương đùi từ đó lúc nào cũng ngây ngây dại dại như kẻ mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ngày ngày ông ta uống rượu say khướt rồi xách khẩu súng han gỉ đứng chắn lưng chừng dốc, gặp người lạ là giương súng doạ dù rằng đó là thứ hoả khí vô tích sự, thậm chí cái khoá nòng cũng đã mất từ lâu mà không biết.
Trại Bồ Nông ái ngại cho tình cảnh của Lương Đoàn, họ cử một ông già người Khách quê Vân Nam làm trùm trưởng. Trùm trưởng Lục Kiến cũng là một tay cự phách trong làng võ thuật. Trước khi đến trại Bồ Nông, Lục Kiến giống như một hiệp khách giang hồ, không vợ con với ngón độc chiêu là bảy thế võ truyền đời rất hiểm. Đó là một thứ nhu đạo vô cùng lợi hại có nguồn gốc từ Nhật Bản mà tổ phụ của ông ta học được của một khách thương Tân Gia Ba. Biết được hoàn cảnh của Lê Văn Vận, Lục Kiến chấp nhận cho hai người ở lại trại Bồ Nông. Từ đó, chàng ngư phủ gia nhập phường Sơn tràng. Nhìn tướng mạo Lê Văn Vận, Lục Kiến bảo:
- Số anh sau này tất làm nên nhưng yểu mệnh, phải chú ý giữ gìn thì may mới qua được tuổi tứ tuần.
Trại Bồ Nông từ dịp tháng sáu tháng bẩy cho đến giáp tết Nguyên đán còn lại toàn đàn bà trẻ con. Mùa khô các ngọn nguồn sông suối đều cạn nước, tre gỗ xếp đống không mang ra được, chủ hàng lo thắt ruột nhưng dân chống bè vẫn bình chân như vại. Họ không mất vốn mà chỉ mất công. Một chiếc bè dài hàng trăm thước, toàn gỗ quý, qua hành trình dài dằng dặc lên thác xuống ghềnh không có tay chèo lão luyện, thông thạo luồng lạch thì mất sạch cơ nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Có điều phu bè là một tập hợp bát nháo, vô học và cả vô giáo dục, luôn ứng xử với nhau bằng cơ bắp nên những kẻ yếu thường bị lép vế. Vận biết rõ điều ấy nên hắn ra sức khổ luyện các thế nhu đạo mà Lục Kiến thỉnh thoảng dạy cho. Chuyến lên rừng đầu tiên bà Ba đòi đi theo. Ông trùm người Vân Nam bảo:
- ở đây thỉnh thoảng cũng có tàn pà làm nghề sơn tràng nhưng vất vả tấy .
Bà Ba thích lắm hỏi:
- Cháu có thể học võ được không ?
Lục Kiến lắc đầu:
- Cái nghề tấm tá không phải là của phụ nữ, từng pao giờ hỏi ngộ việc ấy.
Phường Sơn Tràng khăn gói trên vai bắt đầu chặng hành trình đầy khổ ải. Cuộc lên ngàn của đám người tha hương trong màn mưa ngâu dai dẳng có cái gì bi tráng như là cảnh những chinh phu ngày xưa lên vùng biên ải trấn thủ lưu đồn. Họ vạch lá, cắt rừng, tìm đường mòn. Người đã quen với nghề rừng đi tiên phong dùng dao quắm phạt cành cây. Một lối mòn hiện ra lờ mờ. Những bàn chân trần nối nhau bước lép nhép. Thỉnh thoảng một người trượt chân ngã, áo quần dính bê bết thứ bùn dẻo quánh ngai ngái mùi lá mục. Những con vắt nâu ngóc cổ lên như hàng tiêu binh, thẳng tắp, chỉ cái đầu bé xíu là khẽ ngó ngoáy. Khi bàn chân đầu tiên xuất hiện, dường như có một thứ hiệu lệnh bí mật nào đó, lũ khát máu người này nhất loạt phóng tới cắm cái vòi mềm nhũn vào lớp da đã bợt bạt vì bùn nước của khổ chủ mà hút lấy hút để. Chúng cắn êm không hề gây cảm giác đau đớn cho đến khi no nê, bụng phình bằng ngón tay mới rời ra. Nhưng kinh nhất vẫn là thứ vắt xanh cư ngụ trên cành cây. Lũ này có khả năng uốn mình búng xa vài thước nếu ngửi thấy mồ hôi người. Chúng cắn nhói một cái, rất đau nên bị phát hiện ngay, vết thương lâu cầm máu nếu không có thứ lá pạc nhì giống lá cây móc rừng dán vào. Sang đến ngày thứ hai ,Thị Lánh đã mệt lắm, hai bắp chân mỏi nhừ, bàn chân bị vắt chích, chỗ nào cũng rỉ máu. Máu trộn lẫn với bùn nâu nhão nhoét tạo thành một thứ màu đỏ sẫm giống như nước quết trầu. Một con vắt nâu vẫn còn đói bám lủng lẳng nơi khoeo chân. Bà Ba vừa thò tay dứt được con vật gớm ghiếc ấy ra bỗng rú lên ngã ngồi xệp xuống, một bàn chân gập lại bị trẹo. Lê Văn Vận vội đỡ dậy nhưng cô ta vẫn rên khe khẽ, người giật nảy như là lên cơn động kinh. Thì ra một con vắt chui vào bẹn qua lỗ thủng ống quần. Trong hoàn cảnh dở khóc dở cười này, chàng ngư phủ chẳng biết làm thế nào, đành luồn tay ngược từ phía dưới lên háng người thiếu phụ. Con vắt quái ác bám nhằng nhẵng vào chỗ nhạy cảm nhất trong cơ thể bà Ba. Tất nhiên không thể để tình trạng bi hài này kéo dài, Vận khó khăn lắm mới gỡ được con vật mềm nhũn , dai như đỉa, giải thoát cho người tình. Tiện tay hắn bóp nhẹ giữa bụng con vắt, một tia máu phọt ra, chẳng khác gì thứ tiết gà ốm mà người ta cắt vội.
Sau cú ngã của bà Ba, Lê Văn Vận phải quàng hai tay nải, dìu cô ta thập thững theo anh em trong phường. Một gã rậm râu mặt như khỉ, cặp tai rất to, trông giống loại ốc biển vẫn dùng làm tù và nửa đùa nửa thật:
- Nếu đằng ấy cho mượn một tối tớ sẽ tình nguyện cõng người đẹp đến tận Phiềng Soi.
Thấy Vận im lặng, Quản Thực, một tay đầu trộm đuôi cướp đã từng hành nghề mấy năm ở kẻ Sòng, nhăn nhở cười:
- Bằng lòng đi, có mất gì đâu, cuối cùng cô ấy vẫn là vợ cậu mà lại được lợi.
Lúc ấy Vận từ tốn bảo:
- Tôi gặp đường cùng, may ông trùm cho nhập phường kiếm miếng cơm, nếu các bác không có lượng bao dung chúng tôi đành đi nơi khác vậy.
Nói rồi hắn dìu bà Ba quay lại. Có người báo với Lục Kiến. Ông ta lập tức túm ngực Quản Thực cho hai cái bạt tai, xỉa bàn tay cứng như thép vào sườn tên rậm râu:
- Ngộ cấm các người dở trò trêu ghẹo chị em trong phường à! Piết chưa ?
Rừng ướt sũng nước. Đường mòn vắt qua sườn dốc chênh vênh hẹp đến nỗi chỉ sẩy nửa bàn chân là rơi xuống vực. Ba bề bốn bên là đại ngàn mênh mông cao chót vót. Những cây cổ thụ tán lá rậm rạp chen lấn với các loại lim, lát hoa, sao dầu, gụ ... vốn là thảm thực vật nguyên sinh tầng tầng lớp lớp nối nhau thành hình khối dày đặc, mông lung, bí hiểm. Mưa tháng bảy làm cho rừng nhợt nhạt, nặng nề và buồn chán. Mấy chú chích choè lông dính bết lại lười nhác đậu trên cành cây sao, nhìn thấy đám lữ hành nhếch nhác luồn phía dưới với những bước uể oải, nặng nề liền cất giọng ai oán hót những tiếng buồn thảm như là phần vĩ thanh của một khúc nhạc tang. Thấp hơn một chút là lũ vượn đen ngồi vắt vẻo trên ngọn cây gió xanh. Bọn này đang khốn khổ vì trời ẩm ướt nên hễ có thì giờ rảnh rỗi không phải kiếm ăn là chải lông bắt bọ chét cho nhau. Một con vượn đực có vẻ là đầu đàn đang nhằn quả chuối chín vàng. Quả chuối toàn là hạt làm nó bực mình vừa ăn vừa nhổ phì phì vào lũ vượn cái. Ngay dưới thung lũng là rừng chuối trải dài, xanh đến vô cùng. Chính những cây chuối cao đến vài chục thước ấy, hàng năm đã sinh ra ngàn vạn quả mập mạp, vàng ươm, thơm phức nhưng vô tích sự bởi toàn hạt là hạt, đến mức khỉ vượn còn nhăn mặt mỗi khi nếm thử. Những hạt mưa li ti bị gió đẩy nhẹ, rơi xiên trông chẳng khác gì những sợi tơ mỏng manh như tơ nhện dệt ngang dọc tạo thành tấm màn nước xanh khổng lồ treo lơ lửng giữa bầu trời u ám.
Đêm đầu tiên đoàn lữ hành nghỉ tạm trong một ngôi nhà sàn còn sót lại của bản người Mường. Chủ nhân có lẽ đã làm cuộc thiên di đến vùng đất mới từ lâu nên quang cảnh rất tiêu điều. Sàn nhà bằng tre bương đập dập mục nát, gẫy từng đoạn. Sau một ngày mệt mỏi, ăn xong, mọi người lăn ra ngủ mê mệt. Vận nằm cạnh bà Ba chắn giữa những người khác. Chừng quá nửa đêm, bà Ba vừa chợp mắt được một lúc vì chân vẫn còn đau tự nhiên có cảm giác buồn buồn trên bụng. Cô ta định trở mình quay mặt về phía Vận nhưng không được bởi một thân hình nặng nề đang trườn lên người trong khi chiếc quần đi rừng đã bị kéo xuống tận bẹn lúc nào không biết. Phải khó khăn lắm Thị Lánh mới kêu lên được một tiếng. Cùng lúc Vận tỉnh giấc biết ngay chuyện gì xảy ra. Hắn ngồi dậy dùng thế võ mới học được của Lục Kiến thoi một quả khá mạnh vào hướng mà hắn nghi là gã rậm râu đang giở trò đểu cáng. Cú ra đòn khá lợi hại. Chỉ nghe đến hự một cái, tên ma cô bật khỏi sàn rơi xuống đất kèm theo những tiếng răng rắc của đoạn tre gẫy. Phía bên kia Lục Kiến thức giấc làu bàu:
- Tứa nào mê ngủ ngã xuống gầm sàn à ?
Không có tiếng trả lời. Gần như tức thời ông trùm phường lại ngáy pho pho. Cánh sơn tràng sau một ngày ngược dốc mệt nhọc, ngủ như chết chẳng cần biết chuyện gì đã xảy ra. Gã râu rậm rón rén bò lên cầu thang chen vào nằm cạnh Quản Thực. Từ lúc ấy, Vận cảnh giác lúc nào cũng ôm lưng bà Ba, luồn tay vào ngực giữ chặt hai bầu vú nóng hổi. Nhưng cũng chính vì thế hắn không ngủ được. Hắn thấy hối hận vì đã mang người tình tới một nơi xa lạ hoàn toàn không có gì đảm bảo cho tương lai dù là tương lai gần. Rằng cái lũ người mà hắn đi theo chỉ là một bọn táp nham sống ngoài vòng pháp luật. Chúng sẵn sàng nhảy vào cắn xé nhau có khi chỉ vì những nguyên nhân rất vớ vẩn. Một ý nghĩ thoáng qua: "Hay là cùng với Lánh bỏ quách nơi này quay lại trại Bồ Nông trước khi trời sáng ?". Nhưng rồi chàng ngư phủ lại tự nhủ : "Quay lại thì sống như thế nào, làm gì khi bản thân mang án giết người đang bị quan nha truy nã ? Thôi, chót đâm lao thì phải theo lao. Đành vậy."
Trời vẫn mưa như rây bột. Hành trình của ngày hôm sau còn khổ hơn nhiều. Bởi vì họ còn phải xuyên qua rừng Tủa Chang bạt ngàn là nứa. Những vệt đường mòn lầy lội còn hằn rõ dấu chân thú kiếm ăn đêm. Thỉnh thoảng có tiếng sột soạt từ bụi cây nào đó. Một con gà sặc sỡ, lông đuôi vổng lên như đuôi công bay từ cây vân sam xuống gò đất mọc thứ hoa mẫu đơn dại đỏ tím như mào của nó. Dưới chân gò, mấy con mái tơ lông xám bạc đang cục cục tìm mồi. Trần Phí, một gã trai người Tày có khuôn mặt ốm đói, đi trước dùng dao phát rừng mở đường. Do bất cẩn anh ta bị cật nứa cứa vào tay, sâu đến tận xương, máu toé ra thấm ướt đẫm chiếc khăn bông xơ. Trần Phí đau quá, mặt tái mét, tay phải bóp chặt vết thương rên rỉ. Lê Văn Vận vội vạch lối rẽ cây tìm vào một khe nước. ít phút sau, hắn nhai dập mấy thứ lá hái được với vài hạt muối đắp vào ngón tay anh chàng ốm đói. Vết đứt toang hoác, chạy dài trông lạnh cả gáy. Chừng mấy phút, máu ngừng chảy nhưng Trần Phí thì bắt đầu lên cơn sốt.
Phải đến ngày thứ bẩy, phường Bồ Nông mới đến được ngọn nguồn Phiềng Soi là điểm khai thác gỗ của những người sơn tràng. Đối với phường Bồ Nông, nghề sơn tràng và nghề chống bè không khác nhau là mấy, cho dù từ xưa đến nay thiên hạ vẫn coi đó là hai lĩnh vực hoàn toàn độc lập. Cũng như những chú Khách đồng hương vùng Đại Lý khác, Lục Kiến chưa bao giờ để cho cái đầu hói của mình bị chi phối bởi khái niệm "chuyên môn hoá" của mấy gã Pháp Lan Tây mắt xanh mũi lõ. Đã không ít lần ông trùm phường nhận bao thầu trọn gói từ các chủ hàng có máu mặt, chẳng phải chỉ chặt gỗ cốn bè mà còn làm luôn cả công đoạn vận chuyển về xuôi qua những hành trình vượt thác mà nếu chỉ sơ sẩy chút ít là vỡ bè, chết người.
Rừng Phiềng Soi nằm cạnh con đường mòn chạy song song với suối Đá Đen. ở khoảng giữa con đường và thung lũng Nậm Cắn là bản Tả Pay của người Thái thuộc tổng Bình An. Dải rừng nguyên sinh bắt đầu từ ngã ba suối Đá Đen kéo dài đến chân đèo Váng bạt ngàn là lim xanh hai ba người ôm. Những cây lát hoa cổ thụ vỏ nâu sẫm, xù xì nằm chênh vênh bên sườn dốc. Loại gỗ tứ thiết gần nguồn nước như thế phần lớn đã có chủ.
Phường Sơn Tràng hoặc dân cốn bè trước sau cũng chỉ là những kẻ làm thuê. Người thuê họ ở mãi Kẻ Chợ hoặc các quan lại trong chính phủ Nam triều cậy thế lắm bạc nhiều tiền, đứng trên cả pháp luật, coi thường sinh mạng của đám dân đen. Có những bận, bọn Tây kiểm lâm lên rừng đón lõng ở Bãi Sang, thế là cả thầy lẫn tớ phải cuốn gói, bỏ của chạy lấy người và nếu không nhanh chân còn bị tống vào nhà lao kèm theo khoản phạt vạ không dưới hai trăm đồng Đông Dương.
Dịp ấy, sau khi cánh thợ hạ xong hàng chục cây gỗ lim to như cột tam quan trên dải rừng Mụ Bà, Lục Kiến cho anh em nghỉ một ngày săn bắn. Lão Cầu thọt và bà Ba vừa trông lán vừa nấu cơm. Quản Thực bị sốt rét nằm rên hừ hừ. Phường Sơn Tràng có hai khẩu Mút, ba khẩu Anhđôsinoa và mấy khẩu súng kíp bắn đạn ghém mua được của dân bản. Ngoài ra mỗi người còn được trang bị một ngọn mác hoặc dao quắm để phòng bất trắc. Lần này họ vào thung lũng Pò Mày tìm lợn rừng. Cách đây mấy hôm Trần Phí phát hiện một đàn chừng bẩy tám con, cứ tầm mặt trời gác ngọn Chiềng Băng lại rủ nhau lội qua suối đá Đen, sang phá nương sắn của bản Tả Pay. Rừng Phiềng Soi sau tháng mưa ngâu xanh biếc lộc non, ríu ran tiếng hót của đủ các loại chim. Trên vòm cao như chiếc lọng khổng lồ của cây đinh hương, một con khướu bạc má chỉ bằng nắm tay mà giọng oang oang như tiếng kèn xắc xô phôn được hệ thống tăng âm khuyếch đại. Mấy chú khỉ mặt choắt, lông sẫm, cặp mắt đen láy và linh động như hai hòn bi ve, nhìn thấy người chẳng biết sợ là gì, vẫn mải miết chơi trò đánh đu, thỉnh thoảng lại trêu nhau kêu khèng khẹc. Đi săn mà gặp phải buổi rừng ồn ào như cái chợ thế này thì thợ săn về tay không là cái chắc. Lục Kiến lẩm bẩm rồi cúi xuống nhặt hòn đá ném con khướu lắm mồm. Phía bên này, gã rậm râu có cái tên rất chướng tai là Ngô Nghệ Toánh, thường gọi Toánh xồm và cu Sún, con trai Lâm Quang Tào, chết mất xác trong chuyến vỡ bè ở thác Khôn năm Mão, đang lần theo dấu chân đàn lợn. Vết chân còn mới nhưng ra đến bờ suối lại mất hút. Hắn ngồi bệt xuống tảng đá sát mép nước vừa càu nhàu vừa gỡ những con vắt bám ở bắp chân:
- Lũ lợn chết tiệt, chẳng lẽ chúng có phép tàng hình mà biến sạch không để lại dấu vết.
Cu Sún giục:
- Hay là ta về. Trời cũng sắp tối rồi bác ạ.
- Về là thế nào. - Toánh hậm hực bảo - Bọn này thường kiếm ăn từ lúc nhập nhoạng. Mày bảo các ông ấy chịu khó ở lại, đêm nay thế nào cũng tóm được một con.
- Nhưng cháu đói lắm rồi.
- Từ chiều đến giờ tao cũng đã ăn gì đâu. - Toánh gườm gườm nhìn thằng bé - Cố chịu một lúc nữa nếu không thấy động tĩnh gì thì ta về. Chả biết hôm nay là ngày gì mà xúi quẩy thế.
Lê Văn Vận xách khẩu súng kíp nòng dài dáng vẻ vừa đói vừa uể oải bước đến. Toánh xồm đánh mắt liếc hắn một thoáng rồi hỏi:
- Có thấy gì không ?
- Không. Tôi nghĩ anh Phí nhầm.
- Không thể có chuyện nhầm lẫn ở đây được. - Nghệ Toánh khẳng định - Trần Phí là người Tày rất có kinh nghiệm trong việc phân biệt dấu chân các loại thú rừng.
- Vậy thì cho thằng Sún về trước. Tôi thấy nó có vẻ mệt quá rồi.
- Cũng được nhưng bảo nó rẽ qua chỗ Trần Phí bảo hắn không đón lõng ở khe Bầu mà về đây ngay.
Trời lắc rắc vài hạt mưa. Gió lặng và rừng đột nhiên trở lại yên ắng. Cu Sún vừa quay đi được vài bước thì nó xuất hiện. Đó là một con lợn độc cao lớn đen trùi trũi với hai chiếc nanh dài trắng nhởn thò ra khỏi mồm từ trên sườn dốc lao xuống làm đám cây mỏ vẹt và những cành gai ba tiêu đổ rào rào như bị lở đất. Lập tức ba người tản ra dựa vào các gốc cây hướng nòng súng dõi theo con thú. Chưa bao giờ họ nhìn thấy con lợn to và dữ dằn như thế. Trong bụng anh nào cũng hoảng, nhất là Lê Văn Vận. Dưới ánh trăng non, chốc chốc lại bị những cồn mây xám với đủ mọi hình thù kỳ dị, lười nhác trôi ngang, thành ra đêm thượng tuần đáng lẽ lung linh huyền ảo thì lại tối mò như chốn âm cung. Con thú bước hùng hục, cái mũi khịt khịt đánh hơi rồi lần ra bờ suối. Nó vừa dợm chân định nhảy ào xuống nước thì Nghệ Toánh nổ súng. Con lợn khựng lại mấy giây rồi bất ngờ đổi hướng. Nó quay ngoắt lại phóng về phía gã râu xồm với tốc độ không thể ngờ. Nghệ Toánh vừa kịp thay đạn khẩu súng mút, chạy ngang sang gò mối đã bị cái nanh khủng khiếp của con thú dữ cắm vào mạng sườn. Cú ra đòn của nó mạnh đến nỗi khẩu súng văng xa hàng chục thước. Tuy vô cùng khiếp đảm nhưng đúng vào lúc ấy Lê Văn Vận và thằng Sún cũng kịp thời nổ súng. Hai phát đạn cách nhau chừng một giây. Con lợn bị thương lại càng kích động. Nó rống lên một tiếng rồi lao thẳng vào đám khói khét lẹt mùi diêm sinh mà khẩu súng kíp của Lê Văn Vận vừa nhả đạn. Biết là khó thoát, hắn hốt hoảng nhìn trước nhìn sau, chợt thấy cây dẻ cổ thụ ngay phía bên phải liền đánh đu vào một cành ngang trước mặt rồi leo lên. Thật may cây dẻ có một chạc ba cách mặt đất chừng bốn năm thước. Lê Văn Vận chọn tư thế ngồi thật vững rồi xoay nòng súng về phía con lợn đang gầm gừ chạy vòng phía dưới. Hắn gọi cu Sún:
- Mày dìu bác Toánh về lán ngay đi, tao giữ chân con lợn. Nhớ vòng lối suối. Nhanh lên. Nó mà phát hiện ra thì nguy.
Nói xong, Lê Văn Vận nhằm con lợn bắn phát nữa. Có lẽ viên đạn chệch hướng. Con thú hộc lên một tiếng rồi xáp vào gốc cây dẻ dùng cặp nanh to bằng cổ tay nhọn hoắt moi đất. Tiếng đào rễ cây lục cục nghe gai cả người. Tuy gốc cây rất lớn, con vật khó có thể quật đổ, nhưng với sức mạnh ma quỷ, nó hất đất đá rào rào vẫn làm chàng ngư phủ run bần bật. Hắn thầm nghĩ: "Giờ mà rơi xuống thì khốn nạn". Trong lúc tâm thần bất định chưa kịp bắn phát thứ ba thì chẳng may khẩu súng rơi xuống đất. Con lợn độc khịt khịt mấy tiếng thăm dò rồi điên cuồng dùng hai chân sau dẫm nát thứ vũ khí chết người vừa mới trước đây mấy phút còn khạc lửa vào nó. "Phen này chắc toi mạng thật" . - Vận vừa ôm chặt cành cây vừa nghĩ . Hắn sợ đến mức nhắm tịt hai mắt, không dám nhìn xuống dưới nữa. Trong khi ấy, con mãnh trư vẫn chạy loang loáng quanh gốc cây, vừa thở hồng hộc và cày xới đất đá với tất cả lòng hận thù man dại.
Đến gần sáng con lợn mới bỏ đi mang trên mình mấy vết thương. Dưới gốc cây dẻ thực sự là một bãi chiến trường. Những chiếc rễ cỡ bắp đùi bị moi hết đất trơ ra cùng với lớp vỏ cây bị vạc nham nhở như người ta dùng rìu đẽo. Đất đá bị cái mõm vừa dài vừa cứng của con thú cày lên tụ thành đống như tổ mối, đôi chỗ dính những vệt máu đã ngả màu nâu xỉn. Không còn một thứ thảo mộc nào đứng vững quanh cây dẻ trong vòng hai chục bước chân. Tất cả đã trở thành một khối hỗn độn mang tính huỷ diệt vượt xa khả năng tưởng tượng của con người.
2
Biết cánh sơn tràng đang ở Phiềng Soi, tri châu Vi Văn Sầm cho viên đội khố xanh lên bảo Lục Kiến:
- Quan lớn xây nhà cần một ít ván làm sàn. Cây gỗ đã được đánh dấu ngay cạnh khúc ngoặt suối Đá Đen. Các anh hạ xuống, xẻ thành tấm, xong việc quan sẽ cho bạc trắng và được chặt đủ số lim lát đóng bè về xuôi.
Lục Kiến ngẫm nghĩ thấy công việc bước đầu thuận lợi nhưng cũng phải ra điều kiện rõ ràng với lão thổ quan người Thái trắng vốn nổi tiếng nghiện thuốc phiện và mê gái để sau này ông ta không thể lật mặt :
- Được, nhưng ông về trình quan chuyến này giảm thuế cho chúng tôi.
Viên đội gật đầu và đưa cho ông trùm phường một cái gói giấy đỏ:
- Đây là tiền ứng trước, làm tốt quan sẽ miễn hẳn thuế.
Cây chò chỉ cao khoảng bốn mươi thước, vòng chu vi ba thước tám, nằm trên một mỏm núi nhô hẳn ra suối. Dân trong vùng sợ rừng Phiềng Soi có ma. Ngoại trừ bọn thầy mo, thầy phù thuỷ còn người bản xứ ít ai dám bén mảng. Từ lâu quan tri châu muốn xẻ bằng được cây gỗ quý, bất chấp mọi lời khuyên, đặt trước một trăm đồng bạc cho cánh sơn tràng nhưng phường nào cũng lắc đầu vì cây gỗ ở vào cái thế chênh vênh rất khó hạ, hạ được lại rất khó xẻ, chết người như bỡn. Sau hôm nhận giao kèo, Lục Kiến cho anh em san đất tạo thành mặt bằng khá rộng chung quanh cây chò, tiếp đó cử Quản Thực, Trần Phí và ba tay thợ có kinh nghiệm dùng rìu chặt phía dưới. Lê Văn Vận, cu Sún, Triệu Đán và Nông Viết Nhân chặt phần trên. Nghệ Toánh vẫn còn đau ở mạng sườn được nghỉ phụ bếp cho ông già Cầu. Gỗ chò xanh cứng như sắt, rìu bổ chan chát chỉ bật ra vài mảnh dăm vụn. Cả phường thay nhau phạt đúng bẩy ngày mới hạ được. Cây gỗ đổ kéo theo một chuỗi âm thanh ào ào như tiếng hút gió của chiếc vòi rồng khổng lồ cách xa vài ba dặm vẫn thấy rợn người. Chim chóc hoảng hốt bay tán loạn. Một con bồ các đen thui từ bụi cây mắt rồng vụt lên như bị đồng ốp. Cái mỏ ngắn nhưng to bè bè của nó liên tục phát ra những tiếng quang quác như tiếng gà mái mẹ nhìn thấy lũ con bị diều hâu quắp. Mặt đất rùng rùng chuyển động như đang xẩy ra một cơn địa chấn dữ dội.
Xong công việc chặt cành, Lục Kiến bố trí từng cặp dùng loại cưa dài do tri châu cho người mang lên cắt gỗ thành từng đoạn theo kích thước. Công đoạn này ít ra cũng phải non nửa tháng, đó là chưa kể các thao tác kê kích, nâng bẩy từng súc sau khi cắt rời vào đúng vị trí cố định kể bắc cầu xẻ.
Mọi việc đang trôi chảy, phường Sơn Tràng lại xảy ra chuyện đau lòng. Cu Sún bị hổ vồ. Rừng Phiềng Soi từ lâu không thấy cọp về. Dân bản bảo cách đây vài ba năm ở Khe Tre có một con hổ vằn nhưng đã bị phường săn bản Nậm Cắn bắn hạ lấy xương nộp quan tri châu nấu cao. Tấm da vẫn để ở nhà trưởng bản Hà Văn Tòng. Ông trưởng bản bảo Lục Kiến:
- Nai, hoẵng, lợn rừng không thiếu nhưng hổ báo bị đuổi sang Lũng Vài rồi.
Hôm ấy là ngày rằm, trời mù sương nên trăng không sáng lắm. Mọi người ngồi quanh bếp lửa nướng săn, cu Sún đứng dậy bảo:
- Tôi ra thăm mấy cái bẫy gà.
- Mày đặt ở chỗ nào ?- Quản Thực hỏi. - Hay là thôi, để sáng mai. Trời tối thế này nhỡ rắn rết nó đớp cho một phát thì toi đời.
Thằng bé vớ con dao quắm nhìn Lê Văn Vận và lão Cầu thọt, nhe hàm răng đen xỉn trông rất tức cười:
- Rắn rết đã có con dao này. Lúc chiều tôi gài cạnh suối có khi giờ này bọn chúng dính bẫy rồi.
Thằng Sún đi chừng nửa giờ không thấy về. Lục Kiến đâm lo bảo Trần Phí và Lê Văn Vận:
Vận cũng bồn chồn không yên vì linh tính báo cho hắn có chuyện chẳng lành:
- Bác để tôi với anh Phí ra xem sao.
Họ hú tìm cả giờ không thấy cu Sún. Lúc ấy cả phường mới nháo lên chia nhau đi tìm tất cả các hướng. Gần sáng Lê Văn Vận nhìn thấy mấy vệt máu trên vạt cỏ mỡ cách lán ở khá xa. Trần Phí là người vùng sơn cước rất có kinh nghiệm về các loại thú rừng, phát hiện được dấu chân cọp xéo nát cả bụi cỏ vòi voi trước khi tha nạn nhân qua khe suối cạn. Mấy người nhìn nhau thở dài. Một lát sau Trần Phí quả quyết bảo Lê Văn Vận:
- Anh về lán gọi thêm người sang bên kia suối tìm cho kỹ. Tôi nghi nó đi hướng này.
- Hay là tôi đi cùng với anh ?
Trần Phí lưỡng lự giây lát rồi gật đầu.
- Tôi thù con cọp này. Từ giờ đến mai dứt khoát phải hạ được nó.
Trần Phí vốn là dân giang hồ đã từng giết lão thầy mo nên không dám về bản Huổi Tắng, chấp nhận cuộc sống lang thang, lúc đầu ở với phường săn bản Tấu, rồi dân sơn tràng Chiềng Khoa, cuối cùng được Lục Kiến nhận vào trại Bồ Nông.
Năm Trần Phí mười chín tuổi phải lòng con gái nhà họ Lục ở bản Háy. Ông Lục Tông máu rượu, thích đi săn, được con mồi là bắt cánh trai bản kiếm củi đốt lửa quay nhắm rượu tại chỗ. Lục Tông rất hay hát nhất là lúc chếch choáng hơi men, lão lè nhè ca những bài học được từ thời đi lính cho quan châu, thỉnh thoảng lại chêm vài câu tiếng Pháp bồi nghe rất buồn cười. Ngoài rượu, Lục Tông còn là tay cờ bạc nổi tiếng khắp vùng Yên Mai, chợ Đuộm. Một năm nọ, lão đem con gái là Lục Nga, mười sáu tuổi, gán nợ cho Hoàng Bí vì thua bạc. Hoàng Bí vừa là thầy mo vừa là một tay gá bạc giầu kinh nghiệm. Người ta bảo nhà thày mo có ma xó. Con ma này, lúc sinh thời cũng thuộc hàng đệ tử của thần đổ bác[3], bị lừa mất cả cơ nghiệp, liền treo cổ lên cây mộc hương ở chợ Đuộm tự tử. Hoàng Bí đem cái xác vô thừa nhận ấy về làm ma long trọng như lễ an táng bố mình. Cái hồn của tay cờ bạc chuyên nghiệp kia cảm động lắm, thường bí mật phù phép cho gia chủ thắng những canh bạc lớn. Trong nhà, lão thầy mo đã có đến ba bà vợ. Bả Cả già sọm, mặt mũi nhàu nát, suốt ngày ngồi xó buồng, miệng lầm rầm khấn thần rừng. Bà Hai và bà Ba cũng là vật thế chấp của những ông chồng có máu đỏ đen. Hai bà này, mỗi ngày không chửi nhau một trận là ăn không ngon ngủ không yên. Thỉnh thoảng họ lại túm tóc vật nhau, nếu ông chồng không kịp thời can thiệp thì đã xảy ra án mạng. Nghe tin Hoàng Bí sắp cưới cô vợ tư, trẻ đẹp hơn mình, máu sư tử Hà Đông nổi lên đùng đùng, các bà bèn tạm thời liên kết với nhau phá đám. Trần Phí biết chuyện người yêu bị gán nợ, ức lắm, chạy đến bảo Lục Tông:
- Ông không được bán con gái vào chỗ ấy. Lão Hoàng Bí là một con quỷ.
Lão già đang chẻ nan đan cái lồng lợn con "hứ" một tiếng rồi thản nhiên nói:
- Mày mang một đàn trâu trả nợ thầy mo tao cho cưới con Lục Nga.
- Ông là bố mà nhẫn tâm.
- Mày nói cái gì ? - Lục Tông hằm hằm chĩa cặp mắt đỏ ngầu vì rượu men lá vào tận mặt chàng trai giọng sừng sộ - Tao đẻ ra nó. Mẹ nó chết rồi, bây giờ không có rượu uống, tao bán nó đấy, mày làm gì được nào ?
Đêm hôm ấy, Trần Phí chờ mãi không thấy, nghĩ bụng, chắc Lục Nga đã bị bố nhốt trong buồng. Lưỡng lự giây lát, chàng ta liền chui rào mò vào gầm sàn rồi trèo lên buồng người yêu. Trần Phí con đang mon men ở cửa thì bất chợt một tiếng "phập" sắc ngọt đập vào cây cột sau gáy. Anh hoảng hồn vội thả người nhảy ào xuống đống lá cọ dưới sàn rồi co cẳng chạy. Con chó vện vốn đã quen hơi, chẳng biết từ đâu xô ra, trở mặt ngoặp một nhát vào bắp chân xé rách tươm ống quần. Khiếp thật, tại sao Lục Tông lại đoán ra ý định của mình nhỉ ? Chỉ chút xíu nữa thì toi mạng với con dao quắm lưỡi sáng loáng trên tay lão ta.
Biết Trần Phí yêu Lục Nga say đắm nhưng vì nhà nghèo không có tiền cưới, bà Thoóng vợ ba Hoàng Bí bảo:
- Sao chúng mày không đem nhau trốn lên vùng người Phù Lá mà làm ăn ? Con Lục Nga đẹp như tiên giáng trần thế mà để lão thầy mo hôi như cóc chết sờ vào bụng thì phí cả một đời con gái.
Trần Phí biết tâm trạng của các mụ vợ Hoàng Bí. Thừa dịp lão thầy mo đi cúng ở bản Háy anh lẻn đến nhà gặp bà Ba:
- Sắp đến ngày cưới rồi, ông Lục Tông canh giữ con gái suốt ngày đêm. Mấy hôm trước xuýt nữa tôi bị chém.
Ngẫm nghĩ một lúc, bà Thoóng ghé tai Trần Phí nói nhỏ:
- Hôm ấy … cứ làm như thế … ta sẽ giúp.
Ngày Hoàng Bí đón dâu, khách khứa ra vào rất đông. Ngoài những người trong bản vay nợ lãi của lão còn toàn dân cờ bạc chuyên nghiệp quanh vùng. Họ đến đấy uống rượu ăn thịt, hút thuốc phiện và sát phạt nhau từ chiều hôm trước. Hoàng Bí súng sính trong bộ đồ thầy cúng loè loẹt, miệng chào khách nhưng cặp mắt lươn màu chuột khói đảo loang loáng khắp lượt, trong bụng ước tính số bạc trắng sẽ chui vào chiếc hòm bằng gỗ gụ sơn đen để trong buồng. Lục Nga gần như bị áp tải đến nhà trai với khuôn mặt mệt mỏi, đau đớn như vừa có đại tang. Cô được dẫn vào buồng bà Cả, bà Hai rồi bà Ba trình diện để cái ma nhận mặt người nhà. Trong lúc mọi người ăn uống tấp nập, không ai để ý một phụ nữ mặc bộ quần áo chàm , trùm khăn đen từ buồng bà Ba xuống cầu thang rồi lẩn vào vườn mía. Vườn mía cách bìa rừng một tầm tên bắn. Trần Phí đã đợi ở đây từ sáng sớm. Vừa nhìn thấy Lục Nga anh vội bế xốc lên ngựa ra roi cho nó phi nước đại dọc con đường mòn sang bản Cốc Dì. Mất cô dâu, Hoàng Bí lập tức cử bọn tay chân toả ra khắp các hướng truy tìm. Lão đã quá tuổi sáu mươi, răng rụng bốn chiếc, người lép kẹp như con cá mát ướp muối, vậy mà không hiểu lấy đâu ra sức lực nhảy lên con ngựa bạch bờm hung phi như hoá rồ lên dốc Đá Mài. Tuy nhiên Hoàng Bí là kẻ tinh ranh. Lão phán đoán cặp trai gái kia chỉ có thể trốn theo lối bản Cốc Dì, vượt suối Leng Kheng, sau đó ra chợ Phiềng Sa, nếu không đuổi gấp chúng sẽ thoát. Mà chúng thoát thì họ Hoàng nhục như con chó vì lão phải mua Lục Nga bằng cả một đàn trâu. Con ngựa trắng của Hoàng Bí vốn nòi Mường Bi có thể phi một mạch hàng trăm dặm không nghỉ, tốc độ hơn hẳn ngựa Trần Phí. Quả nhiên , chưa đến nửa giờ, lão thày mo đã nhìn thấy bóng con ngựa hồng thấp thoáng khúc quanh sườn núi. Do phải chở hai người, con ngựa chạy khá chậm mặc dù Trần Phí liên tiếp ra roi và thúc chân vào sườn nó.
- Dừng lại … ! Trả vợ cho t...a... o..! - Hoàng Bí rướn người lên bàn đạp đầu chúi về phía trước gào to.
Chỉ có tiếng gió ù ù và vó ngựa khua rầm rập làm mặt đường mòn bốc lên những đám bụi hung hung đỏ như khói đốt nương sau khi cây rừng đã nỏ.
- Thằng Phí ! Trả vợ cho tao …. Chạy nữa là tao bắn...
Khoảng cách giữa hai người mỗi lúc một gần, Trần Phí càng cố thúc mạnh vào sườn con ngựa đang đuối sức. Sắp đến rừng Huổi Trăn, Hoàng Bí chợt giật mình: "Chúng mà vào được cái rừng đầu nguồn kia thì pháp thuật nổi tiếng như thày mo Lầu Phềnh cũng đành bó tay. Thằng Phí, mày cướp vợ tao là cướp cả một đàn trâu mấy chục con, mày phải chết". Lão ghì cương cho ngựa chạy chậm lại rồi nâng khẩu súng kíp lên vai nhằm vào con ngựa hồng kéo cò. Một tiếng nổ đanh kèm theo đám khói trắng đục đầu nòng. Con ngựa đang phi nước đại chợt chồm lên hất đôi trai gái xuống. Lục Nga ngồi phía sau chết ngay vì lưng cô hứng cả một nắm đạn ghém. Đó là thứ đạn săn thú rừng sát thương rất mạnh của lão thày mo. Trần Phí bị thương vào cánh tay trái nhưng anh vẫn bình tĩnh, biết mình đang ở thế nguy liền nằm sấp cạnh con ngựa giả vờ chết. Hoàng Bí rượt tới. Lão xuống ngựa nâng Lục Nga lên. Vào đúng lúc ấy, Trần Phí bật dậy thọc con dao vào cái hõm nơi cổ họng lão già đang phập phồng vì cố sức phi ngựa trên chặng đường dốc.
Thanh toán xong lão thầy mo, Trần Phí trốn vào rừng Huổi Trăn. ít lâu sau anh lang thang đến vùng Chiềng Oi của người Thái Đen, ở đấy gặp phường săn bản Tấu...
Trần Phí và Lê Văn Vận leo lên dốc rồi mỗi người đi về một hướng. Trần Phí men theo một khe suối nhỏ cát trắng óng ánh như thuỷ tinh rồi đến một thung lũng toàn chuối. Anh ngắm nghía một lúc thấy sườn quả đồi tranh trước mặt có những chỗ bị rạp xuống. Bằng con mắt của một thợ săn, Trần Phí phán đoán, con hổ đã chạy về phía này. Vào sâu một đoạn, anh ngửi thấy mùi gây gây đặc trưng của loài chúa sơn lâm rất khó chịu. Quả nhiên không phải tìm lâu. Dưới tán cây xạ hương, một con hổ vằn khá lớn nằm nửa thức nửa ngủ, hai chân trước choãi ra, cái miệng rộng thỉnh thoảng lại ngáp một cái ra vẻ thoả mãn sau bữa chén no nê. Tuy Trần Phí bò ngược hướng gió rất thận trọng nhưng con mãnh thú không hoàn toàn bị động. Nó nhanh hơn tay thợ sơn tràng, vội thu chân lại, cong người nhún mình, cái đuôi ngoe nguẩy trong tư thế chuẩn bị vồ. Con cọp to lớn quá sức tưởng tượng làm Trần Phí run bắn người, lúng túng mãi mới kéo được cò khẩu Anh đô si noa. Đạn không nổ. Con cọp đập đuôi, uốn một đường vòng cung loang loáng giống như tia chớp chồm lên Trần Phí. Chỉ một tầm tay nữa là chàng trai người Tày toi mạng. Anh kẹp súng vào hai đùi lăn một đoạn tránh cú táp của con thú rồi bật dậy chạy tạt ngang vào một gốc cây gần đấy giật khoá nòng, đẩy viên đạn thối. Sau cú vồ hụt, con hổ gầm lên một tiếng dữ dội. Cặp mắt đỏ ngầu của nó chĩa vào Trần Phí như hai mũi dùi nung đỏ khoan vào cân não làm anh đờ ra gần như mất hết phản ứng tự vệ. Chỉ chờ có thế vị chúa sơn lâm hung hăng đập chiếc đuôi dài cứng như sắt xuống đất, nhún hai chân sau lấy đà chuẩn bị ra đòn quyết định. Đúng vào lúc ấy, một tiếng nổ bất ngờ làm Trần Phí thoát khỏi cơn hoảng loạn. Phát súng kíp của Lê Văn Vận nện trúng sườn trái làm con hổ rống lên thảm thiết nhưng nó vẫn liều mạng quay lại lao như hoá rồ vào chỗ có đám khói. Bây giờ Trần Phí đã có đủ thời gian lắp đạn vào khẩu quân dụng của mình. Viên đạn phá vỡ quai hàm và một phần tai phải ông ba mươi. Nó nhảy dựng lên hai chân sau bằng cả chiều dài rồi đổ vật xuống, miệng sùi ra một đống bọt lẫn với máu . Hai người tìm quanh quất một lúc lâu mới thấy những phần còn lại của cu Sún. Trần Phí cởi áo bọc lại mang về chôn trên gò Ma. Đêm ấy bà Ba cứ khóc mãi. Tiếng khóc của người thiếu phụ vừa tức tưởi vừa ai oán lại vừa rờn rợn ở chốn hoang vu giữa đại ngàn như là thứ tín hiệu báo điềm chẳng lành.
3
Sau hai tháng đánh vật với cây chò, phường Sơn Tràng đã xẻ đủ số ván gỗ cho quan tri châu. Vi Văn Sầm giữ lời hứa, ngoài tiền công khá hậu hĩnh, ông ta còn thưởng thêm cho phường một trăm đồng bạc trắng. Bấy giờ mọi người mới tập trung đốn gỗ, chặt bương cốn bè. Cạnh suối Đá Đen còn một cây sao dầu cỡ hai vòng tay. Cây này rất khó hạ vì bị sườn đá án ngữ. Những tay thợ lão luyện phải mất đứt năm ngày mới chặt được, nhưng thật oái oăm, thay vì đổ xuống suối, ngọn cây lại ngả về phía sườn đá. Lê Văn Vận, Quản Thực và Trần Phí dùng chạc leo lên chặt cành. Lục Kiến cứ chắp tay đi đi lại lại nghĩ cách bẩy cây gỗ ra khỏi gờ đá. Buổi chiều khi đã chặt cành xong, ông trùm quyết định dùng dây thừng buộc vào ngọn kéo, phía bên kia cử bốn người hợp sức bẩy bằng xà beng. Cây gỗ nằm chếch về hướng nam, gốc tì trên con lăn trượt đi một cách khó nhọc từng phân một. Bỗng nhiên, trên sườn dốc, nơi đầu cây gỗ tựa vào có hiện tượng chuyển động. Do sự va chạm mạnh lúc cây đổ phá vỡ thế cân bằng, một khối đất đá khá lớn tách ra lăn xuống rào rào. Lúc ấy, Lục Kiến cùng mấy tay thợ đứng dưới bờ suối đang cố sức ghì sợi chão buộc trên ngọn cây, bị hòn đá tảng văng trúng người, hất xuống vực. Anh em thợ hốt hoảng bỏ cây gỗ nhảy theo, đến khi đưa được Lục Kiến lên thì ông trùm phường chỉ còn thoi thóp. Vết thương ở đầu quá nặng. Hòn đá đập nát phần gáy, óc phọt ra dính lầy nhầy một bên tai.
Phường Sơn tràng làm lễ chôn cất ông trùm trên gò Ma, cạnh mộ cu Sún. Trần Phí được anh em cử tạm thời thay Lục Kiến trông coi công việc của phường. Những ngày này lương thực lại sắp hết. Một số người chán cảnh ma thiêng nước độc có ý định bỏ về xuôi. Trần Phí cử Lê Văn Vận và lão Cầu xuống các bản dưới chân núi tìm mua gạo. Vận khoác khẩu súng Anhđôsinoa tay cầm dao phát rừng mở đường. Lão Cầu khoác tay nải vừa đi vừa khậm khoạc ho. Lão vốn nghiện thuốc lào, gần nửa tháng hết đành nhịn sinh chứng ho khan. Đi được nửa dốc Vận chợt thấy nóng ruột. Hắn không yên tâm để bà Ba ở lại một mình giữa đám đàn ông mà phần lớn đều có thành tích bất hảo, nhất là Nghệ Toánh và Quản Thực. Hai gã này hễ có dịp là hau háu nhìn vào ngực người thiếu phụ một cách thèm thuồng chẳng cần giấu giếm. May mà có Lục Kiến, một đầu lĩnh rất giỏi võ nghệ che chở, nên hai người mới tạm thời yên ổn. Giờ ông trùm mất rồi, bọn chúng chẳng còn phải sợ bóng sợ gió, tha hồ thả lỏng thú tính, đến lúc ấy thì có mà trời biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nơi rừng xanh núi đỏ này đầy lam sơn chướng khí , tai
hoạ luôn rình rập, không thể là chốn nương thân. Phải xuống núi quay về thôi. Nếu cùng cực quá thì dắt nhau đi ăn mày còn hơn là gửi xác nơi đây. Nghĩ vậy Vận vảo lão Cầu :
- Bác xuống bản Phóng tìm mua ngô hoặc được gạo càng tốt rồi đợi tôi ở nhà Quàng Văn Hếnh. Tôi có chút việc phải quay về lán, chiều sẽ xuống.
Nói xong chẳng đợi lão Cầu đồng ý hay không, Vận hối hả ngược dốc.
Trong khi ấy Trần Phí chia số anh em còn lại thành từng nhóm vào sâu trong rừng chặt bương kéo xuống suối để kết mặt bè. ở lán chỉ còn bà Ba nấu cơm. Tầm gần trưa, cơm đã nấu xong, bà Ba mang quần áo ra suối tìm một chỗ khuất tranh thủ tắm trước khi cánh đàn ông về. Đó là một nhánh của con suối Đá Đen cách nơi ở chừng hai ba trăm thước, có một chỗ hõm xuống giống như chiếc bồn tắm tự nhiên bằng đá xanh. Nước suối trong vắt, lũ cá mạy tròn như những đồng xu, óng ánh kim nhũ, bơi lượn lờ chẳng khác gì cá cảnh đang du ngoạn trong bể kính. Bà Ba nhìn trước nhìn sau theo thói quen của phái yếu rồi cởi váy áo lội xuống suối thong thả vớt từng vốc nước mát lạnh tưới lên tấm thân thon thả trắng nõn nà . Ra đến bồn nước, cô ta hơi ưỡn người hai bầu vú thây lẩy như hai trái dừa khẽ lắc lư. Cặp đùi mập mạp khép hờ trông rõ vết sẹo phía trên đầu gối do ngọn roi chánh Đàm quật vào. Khi người thiếu phụ ngồi hẳn vào bồn, cặp tuyết lê lúc này ngập hẳn trong làn nước xanh ngọc bích cứ bập bềnh lúc nổi lúc chìm theo nhịp thở. Có điều nét hấp dẫn của người phụ nữ khoả thân này không chỉ rừng lại ở khuôn ngực hoặc cặp đùi đầy khêu gợi mà ở những đường cong nơi eo lưng xuôi xuống hai bên hông. Đó là những đường cong mềm mại hoàn mỹ đến mức bí ẩn. Nó uốn lượn theo những quy luật phức tạp nhưng lại hiện diện dưới dạng thức hoàn toàn đơn giản như là không hề có sự gia công của bàn tay tạo hoá.
Vùng vẫy chán, bà Ba ra khỏi làn nước lắc người, đang định lên bờ thì Nghệ Toánh bất chợt từ một hòn đá bước tới. Phía sau là Quản Thực đang hau háu nhìn vào tấm thân trắng ngồn ngộn của Thị Lánh. Cô ta vội chạy lại chỗ để quần áo nhưng gã râu rậm đã nhanh chân lao ra chắn đường, bế xốc lấy leo lên lèn đá. Hắn đưa mắt cho Quản Thực:
- Đứng đấy canh chừng có đứa nào ra thì báo, chốc nữa đến lượt mày …
Bà Ba vừa giẫy vừa kêu vừa cắn vào tay Nghệ Toánh. Hắn khoá chặt hai tay người thiếu phụ, nhét chiếc khăn hôi hám vào miệng rồi dằn ngửa cô ta xuống khoảng đất hẹp bên cạnh bụi vừng dại. Khi sức chống cự của bà Ba đã yếu đi, gã rậm râu trườn tấm thân hộ pháp lên bụng cô ta, hai cánh tay vòng xuống nách ghì thật chặt rồi mới làm động tác cuối cùng. Đứng cảnh giới cách đấy không xa, Quản Thực nhìn thấy cái mông của Nghệ Toánh cứ nhấp nhổm trên hai đùi bà Ba thì vô cùng sốt ruột. Mồm nuốt nước bọt còn tay hắn thỉnh thoảng lại thò vào trong quần. Cặp mắt lác trắng dã lúc ấy ánh lên những tia man rợ như mắt chó dại. Cơn hoan lạc thú vật đã qua nhưng gã rậm râu vẫn còn trần truồng trên bụng người đàn bà làm Quản Thực không thể chịu nổi. "Hắn quát khẽ Có người".Nghệ Toánh giật nảy mình vơ vội chiếc quần chạy vào rừng. Quản Thực chỉ đợi có thế và chỉ với vài bước nhảy của loài linh dương hắn đã chồm lên người đàn bà. Bà Ba hầu như đã hết sạch khả năng chống cự, người mềm nhũn, mệt nhoài, để mặc cho gã sơn tràng làm cái việc mà thằng bạn hắn trước đã làm. Niềm khoái lạc của Quản Thực sắp được đẩy tới tận cùng thì bất chợt một lưỡi dao sáng loáng cắm phập vào sống lưng bằng tất cả lòng thù hận làm hắn chỉ kêu được "ức ức" mấy tiếng rồi gục xuống ngực người đàn bà, chết ngay. Cũng vào lúc ấy, Nghệ Toánh vòng lối suối đi lên. Gã này biết mình vừa bị Quản Thực lừa định quay lại tiếp tục công việc đang dở dang thì chạm ngay Lê Văn Vận. Nghệ Toánh sững người, nhớm chân định lùi lại chàng ngư phủ đã nâng súng lên vai quát:
- Đứng lại !
Tên râu rậm bắt đầu chạy mỗi lúc một nhanh, hy vọng vào được được lèn đá là thoát. Nhưng khẩu Anhđôsinoa đã nổ. Viên đạn đáng lẽ nhằm vào lưng thì lại chếch lên gáy. Hắn chết mà chưa kịp cài khuy chiếc áo chàm ngắn tay. Chiếc áo này Nghệ Toánh đã lừa đổi của một ông già người La Hủ chỉ bằng mấy điếu thuốc lào.
Hạ xong gã râu rậm, Lê Văn Vận quay lại rút con dao trên người Quản Thực. Vết đâm quá sâu,chạm đến cả bụng bà Ba, hắn phải dùng chân đạp lên lưng gã sơn tràng mới lấy ra được. Máu ở bụng thị Lánh chảy như xối từ vết thương toang toác dưới phần mỏ ác. Vận hoảng quá, đạp cái xác Quản Thực ra một bên, ôm lấy bà Ba mà khóc. Được một lúc hắn chợt nhận ra, người tình vẫn trần truồng liền chạy xuống bờ suối lấy váy áo mặc vào cho cô ta. Hắn xé áo Quản Thực buộc ngang bụng nhưng máu vẫn chảy, chỉ một thoáng là ướt sũng như nhúng nước. Chợt nhớ đến môn thuốc cầm máu lúc còn ở vạn chài, Vận vội luồn vào rừng. Hắn đi được vài bước thì Trần Phí cùng mấy anh em trong phường tìm đến. Nghe tiếng súng họ đoán có chuyện chẳng lành vì không thấy bà Ba ở lán. Một người đi trước phát hiện ba cái xác nằm cạnh suối cách nhau không xa, cả phường hốt hoảng toả đi các hướng tìm thủ phạm. Chiều hôm sau khi thấy một mình lão Cầu lếch thếch gánh hai tay nải gạo ngược dốc về lán phường Sơn Tràng mới biết kẻ gây ra vụ thảm sát chính là Lê Văn Vận. Nhưng lúc này hắn đã cách rừng Phiềng Soi khá xa sau khi ẩn trong hang đá một đêm. Sang đến ngày thứ ba, Lê Văn Vận đói quá. Hắn chẳng còn đủ sức để bắt những con vắt nâu bám lủng lẳng nơi bắp chân nữa. Lại một trận mưa ngàn. Hắn thất thểu bước như kẻ mộng du, chốc chốc lại ngồi bệt xuống bẻ một ngọn măng giang, tước vỏ bỏ vào mồm nhai trệu trạo. Hắn đã bị lạc rừng. Thoát khỏi cuộc truy đuổi của anh em trong phường nhưng chắc gì đã thoát chết một khi chẳng có thứ gì ăn sống người ngoài khẩu Anhđôsinoa mà lúc này hắn dùng để chống như một chiếc gậy. Chỉ còn hai viên đạn. Không có lửa. Nếu gặp may mà hạ được thú rừng thì cũng chỉ có cách là ăn sống. Hắn đã thoát chết bởi con lợn độc tuy phải qua một đêm kinh hoàng ngồi trên chạc cây, nhưng còn bây giờ giữa đại ngàn hoang vu xung quanh biết bao nhiêu hiểm hoạ rình rập. Sợ nhất là hổ báo. Loài mãnh thú này không hề biết sợ. Chúng sẵn sàng tấn công trực diện con mồi nếu đã lâu không kiếm được thứ gì cho vào bụng. Rồi con rắn rết, bọ cạp và nhất là trăn gió. Bọn này thường chạy ào ào trên ngọn cây. Ngửi thấy hơi người là chúng quăng mình cuộn chặt bằng những vòng cứng như gọng kìm thép làm xương cốt gãy răng rắc, thịt mềm nhũn, bấy giờ mới há cái miệng đỏ lòm, ngoác ra đến tận mang tai từ từ nuốt. Vận không thể ngờ nhát dao bổ vào lưng Quản Thực lại mạnh đến thế. Thằng chó đẻ ấy chết là đáng kiếp, nhưng tại sao hắn lại giết cả bà Ba ? Lúc về đến lán, không thấy cô ta Vận đã nghi. Hắn biết chỗ hõm suối hằng ngày vẫn đưa cô ta đi tắm liền lặng lẽ tìm ra. Nhưng đã quá chậm. Lúc ấy Quản Thực đang nằm trên bụng Thị Lánh. Mà cô ta lại nằm trong tư thế như là một sự đồng loã đầy cảm hứng khoái lạc. Chỉ đến khi nhìn thấy khuôn mặt gã rậm râu đầy những vết cào cấu, chàng ngư phủ mới biết, do lòng ghen tuông bột phát, đã nghi oan lòng chung thuỷ của người thiếu phụ. Phát súng hạ gục gã râu rậm là phát súng định mệnh có vẻ như Thượng Đế đã mượn tay hắn trừng phạt cái ác, thực hiện lẽ công bằng.
Đêm hôm ấy Vận trèo lên một chạc cây to, dùng dây rừng quấn vào người rồi dựa vào cành thiu thiu ngủ. Hắn mệt quá thiếp đi chẳng biết trời đất gì nữa. Trời sáng bạch hắn mới thức dậy, thấy người gây gấy sốt liền tụt xuống đất, tìm nước uống. Đầu nhức như búa bổ. Dòng suối ngay gần đấy, nước chảy ràn rạt nhưng Vận có cảm giác nó gầm réo dữ dội bên tai tựa như tiếng rùng rùng của hàng ngàn chiến mã đang tung vó trên thảo nguyên mênh mông. Lê được đến bờ suối, chưa kịp uống ngụm nước, cơn sốt đã làm hắn ngất đi. Trong cơn mê sảng chàng ngư phủ mơ màng nghĩ đến người đàn bà đã cùng mình lưu lạc sau những biến cố bất ngờ của gia đình họ Khúc. Những hồi ức ngọt ngào lẫn với đắng cay lần lượt hiện về. Kỷ niệm đậm nét nhất là hắn cùng bà Ba nhún cây đu cao chót vót, cao đến tận trời. Vòng đu cuối cùng Vận nắm tay Thị Lánh, bước vào khoảng không rồi bay lên giống hệt cánh chim tự do. Tóc bà Ba mềm như lụa nâng lên hạ xuống nhịp nhàng chẳng khác gì tiên nga múa điệu nghê thường. Lên đến tầng thứ ba đột nhiên trời trở gió. Gió mỗi lúc một mạnh. Mà đôi cánh mỏng manh của cặp tình nhân không thể chống lại những trận cuồng phong. Hai người bị đẩy ngược trở lại trần gian với tốc độ rơi tự do làm Vận hoảng hồn. Hắn vội cụp cánh, vòng tay ôm lấy bà Ba rồi nhắm mắt chờ quỷ sứ đến đưa linh hồn hai người về địa phủ. Một cú va đập dữ dội làm chàng ngư phủ choáng váng…
Trước mắt Vận là một gã đàn ông không thể đoán được tuổi tác vì hắn để râu tóc xồm xoàm như người rừng. Mặt hắn gầy choắt, da bủng, mắt vàng giống hệt dân nghiện kinh niên vừa đói cơm vừa đói thuốc. Nhìn thấy bộ dạng ông khách quái dị như vậy, Vận sợ lắm hỏi:
- Ông …là … ?
Người mặt choắt nheo mắt mỉm cười qua bộ râu hung hung như râu ngô điểm vài sợi trắng như cước không trả lời hắn mà bảo:
- Anh bị lên cơn sốt chỉ một chút nữa là đâm đầu xuống suối, may mà tôi đến kịp.
- Vậy là ông đã cứu tôi ?
- Anh làm gì mà lang thang trong rừng ?
- Tôi là thợ sơn tràng.
- Khai thác gỗ ở khu nào ?
- Cách đây xa lắm - Vận không dám nói thật vì sợ quan quân cho lính truy lùng - còn ông là ai mà cứ hỏi tôi như là hỏi cung thế ?
- Hoàn cảnh của anh thế nào cứ nói thật đi. Tôi không phải là mật thám.
Vận thở dài:
- Trước mồ côi cha mẹ, phiêu bạt khắp nơi, giờ còn khốn nạn hơn nữa là không mảnh đất dung thân.
- Vậy thì tạm thời đi với tôi cho có bạn - Người đàn ông mặt choắt bất ngờ đề nghị.
- Nhưng mà đi đâu ? - Vận ngước cặp mắt âu sầu nhìn trời hỏi bâng quơ - Mà tôi đang đói lắm, ông có cái gì ăn được không ?
Người khách lấy trong bọc ra mấy bắp ngô luộc đưa cho Vận. Hắn nhìn ông ta một thoáng rồi vồ lấy bắp ngô gặm lấy gặm để. Đợi chàng ngư phủ ăn xong, ông ta lấy trong túi chiếc ống nhôm nhỏ dài như ngón tay dốc ra hai viên thuốc màu trắng bảo Lê Văn Vận:
- Uống ngay đi. Thuốc sốt rét anh em chuẩn bị cho tôi đấy.
Chiều hôm ấy Vận theo người đàn ông lạ mặt ra khỏi rừng dang. Họ ngủ trong chiếc lều canh ngô của dân bản Cốc. Đêm ấy chàng ngư phủ kể cho ông khách mặt choắt về cuộc đời mình. Nghe xong ông ta cảm động lắm. Sáng ra, lúc sắp lên đường đi tiếp ông khách hỏi:
- Từ hôm qua đến nay anh vẫn chưa biết tôi là ai phải không ?
Vận gật đầu:
- Phải. Tôi trông ông không phải là phường thổ phỉ cũng không phải dân buôn lậu thuốc phiện. Ông ăn nói chững chạc, cử chỉ đàng hoàng, hay là …
- Tôi là tù chính trị vừa vượt ngục Sơn La.
- Thế ra ông là chính trị phạm ?
Ông khách khẽ gật đầu:
- Bây giờ còn dám đi với tôi nữa không ?
Vận ngần ngừ một lúc rồi hỏi lại cái câu mà hắn đã hỏi nhiều lần:
- Nhưng mà đi đâu hả ông ? Tôi cùng đường rồi.
- Cùng đường nhưng không có nghĩa là tuyệt mệnh - Người tù vượt ngục thong thả bảo - ở dưới bản Chiềng Om tôi có một người quen. Ta xuống đấy nghỉ mấy ngày rồi sẽ tính.
- Tôi sợ lắm. Đi theo ông nhỡ dọc đường gặp lính quan châu đi tuần thì chết.
Ông khách mặt choắt nghiêm giọng nhìn thẳng vào Lê Văn Vận :
- Đi hay không là tuỳ anh bởi chính tôi cũng đang bị nhà cầm quyền truy đuổi. Có điều đã sinh ra làm đấng nam nhi trên đời cần phải làm một cái gì có ích đừng quá nghĩ đến những chuyện vụn vặt.
(Xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét