Hoan nghênh Báo Quân Đội Nhân Dân
lên tiếng phê phán bộ phim: Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long.
"HƯ CẤU” HAY “BÓP MÉO” ?
QĐND - Hư cấu là phương pháp sáng tạo của người làm nghệ thuật. Bản chất của hư cấu trong nghệ thuật là không giới hạn nhưng trong trường hợp những tác phẩm nghệ thuật như văn học, sân khấu, điện ảnh… lấy lịch sử làm đề tài thì sự hư cấu lại cần phải có giới hạn, đó là ranh giới giữa sự thực và hư cấu khi thể hiện nhân vật, sự kiện lịch sử. Tài năng của người làm nghệ thuật chính là chọn được cách ứng xử hợp lý khi hòa hợp được hai yếu tố này để tạo nên một thế giới nhân vật sống động, mới lạ.
Vấn đề trên, tưởng chừng như đã được thống nhất từ lâu trong điện ảnh nước ta nhưng mấy ngày nay bỗng trở thành đề tài được tranh luận rộng rãi, quyết liệt, không chỉ giới hạn trong bộ phận những người làm nghệ thuật mà là mối quan tâm của công chúng cả nước. Đó là khi người ta bàn về số phận bộ phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”. Những người làm phim này từng mong muốn nó trở thành bộ phim chào mừng sự kiện Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhưng sau đó đã không được Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua với lý do đạo diễn, bối cảnh, trang phục, đạo cụ, ngôn ngữ… trong phim không “thuần Việt”. Một số chuyên gia thậm chí còn gọi đây là bộ phim nước ngoài “nói tiếng Việt”. Bẵng đi hơn nửa năm, bộ phim tưởng đã rơi vào quên lãng thì dư luận lại tiếp tục “nổi sóng” khi nó dự kiến được đưa vào lịch phát sóng. Sau những ồn ào của dư luận và ngay cả khi “nhà Đài” đã chính thức xác nhận tạm dừng kế hoạch phát sóng, thì những ý kiến không đồng tình trong công chúng vẫn không dừng lại...
Cảnh trong phim "Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long". Nguồn: vnexpress.net |
Lần này, các ý kiến phản đối không chỉ về chuyện trang phục, đạo cụ… không “thuần Việt” nữa mà còn mạnh mẽ hơn khi nhiều nhà sử học, phê bình điện ảnh cho rằng bộ phim đã “bóp méo lịch sử”, phỉ báng tinh thần tự tôn dân tộc. Tập trung rõ nhất là hình ảnh người anh hùng dân tộc Lê Hoàn bị xây dựng thành nhân vật ham ăn chơi, hưởng lạc, nhu nhược, yếu hèn, không nghe lời can gián của trung thần; còn hình ảnh Thái hậu Dương Vân Nga, một người được lịch sử ghi nhận là thông tuệ, sắc sảo, biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi vương tộc thì lại xây dựng thành nhân vật ủy mị, ướt át.
Chính vì những hư cấu đối nghịch hoàn toàn với những nhân vật có thật trong lịch sử nên nhiều người đã kịch liệt phản đối và cho rằng, hư cấu là quyền của nhà làm phim, đạo diễn có thể “bịa” ra những nhân vật phụ, “bịa” ra những câu chuyện không có thật để làm rõ tính cách nhân vật cũng như sự hấp dẫn của bộ phim, nhưng với những nhân vật lịch sử, đặc biệt là những người anh hùng có công với nước thì không được phép “biến” người tốt thành kẻ xấu, anh hùng thành kẻ tiểu nhân.
Đạo diễn sân khấu Nguyễn Đình Nghi, một người rất thành công trong xây dựng nhiều vở kịch lịch sử nổi tiếng như "Rừng trúc", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" đã từng nói: “Đụng vào lịch sử, không thể khinh suất. Đề tài lịch sử đòi hỏi một sự tiếp cận có văn hóa, có suy nghĩ, có hiểu biết. Chỉ có thể tạo ra những tác phẩm sân khấu đề tài lịch sử có giá trị trên nền tảng sự hiểu biết sâu sắc không chỉ riêng về lịch sử mà cả về hiện tại”. Nhà văn người Pháp Alexandre Dumas, người viết 1.200 cuốn sách, chủ yếu là tiểu thuyết lịch sử đã quan niệm “Lịch sử là cái đinh để tôi treo những bức tranh của mình”.
Ở nước ta, đã có rất nhiều quan điểm về hư cấu nhân vật lịch sử được đưa ra như: “Lịch sử là bức tranh, hư cấu là phiên bản”, “Lịch sử là mặt đất, hư cấu là cánh diều”… Như vậy, dù quan điểm có khác nhau về tỷ lệ, giới hạn hư cấu cho phép nhưng về tinh thần thì vẫn thống nhất là hư cấu phải trên cơ sở sự thực lịch sử. Gần đây nhất, bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” được công chiếu trên truyền hình, được xây dựng từ một nguyên mẫu có thật nhưng không ít tình tiết là hư cấu mà công chúng vẫn đón nhận, hoan nghênh nồng nhiệt vì sự hư cấu của đạo diễn không làm thay đổi tính cách, công lao của nhân vật lịch sử. Giả sử, nếu nhân vật chính trong “Bí thư tỉnh ủy” mà “được” xây dựng thành một người lãnh đạo có trình độ thấp, cố chấp, thiếu ý thức kỷ luật, coi thường cấp trên… thì số phận bộ phim sẽ đi đến đâu?
Chính vì thế, nếu đạo cụ, trang phục, ngôn ngữ… trong phim “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” mà chưa “thuần Việt” thì có thể cắt gọt, chỉnh sửa và… tạm chấp nhận, nhưng nếu những nhân vật lịch sử như Lê Hoàn, Dương Vân Nga… bị bóp méo thì bộ phim không thể được phép lưu hành.
Nhiều người nói, sở dĩ cơ quan chức năng cố gắng tìm cách cho bộ phim được công chiếu là bởi kinh phí làm phim rất lớn, lại là dòng phim lịch sử vốn là lĩnh vực vừa thiếu, vừa yếu của nước ta hiện nay. Nhưng chúng ta cần kiên quyết, coi đó như học phí phải trả cho quá trình phát triển của dòng phim về đề tài lịch sử Việt Nam.
Hồng Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét