Ký ức làng Cùa
Tiểu thuyết của Đặng Văn Sinh
Chương hai
3
Năm Giáp Tuất, tức là năm rưỡi sau ngày cưới, Khúc Thị Hài đẻ sinh đôi hai thằng con trai. Anh là Lê Văn Khải, em là Lê Văn Nghiên, thằng nào cũng có nước da ngăm ngăm giống bố. Thị Hài nằm ổ, mọi việc đều đến tay Vận. Mỗi khi làm đồng về nhìn thấy cái tay khoèo của vợ Vận lại chép miệng thở dài nghĩ đến đôi tay mát dịu, mềm mại ôm riết cổ mình hôm nào dưới thuyền. Nhiều đêm nằm cạnh vợ mà tâm trạng chàng ngư phủ cứ như để trên mây, trằn trọc mãi không ngủ được. Có lần đã quá canh tư, hắn lẳng lặng tụt khỏi giường, ra ngoài sân ngẩng mặt nhìn trời sao, thỉnh thoảng lại liếc về phía cửa sổ căn buồng ngôi nhà hai tầng nơi bà Ba đang ngon giấc. Cái sân gạch Bát Tràng rộng thênh thang. Đêm thượng huyền mờ mờ sương giăng. Quầng sáng nhợt nhạt của vành trăng lưỡi liềm bị sương pha loãng, làm mọi vật bị nhoè đi, hình dạng trở nên mờ ảo. Đám chậu cảnh sắp hàng trước cửa từ đường thẳng tắp. Trước hiên dãy nhà ngang bên phải vài chùm phong lan đong đưa. Những cánh lan Phi Điệp đen thẫm, ve vẩy như múa. Đầu tường, cây bưởi đào đang độ nở hoa lặng lẽ thả từng cánh trắng muốt xuống mặt sân. Hương bưởi nồng nàn, khêu gợi nỗi đam mê trong tiềm thức giống những lời đường mật của con rắn đã từng xui Êva ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng.
Cũng vào thời điểm ấy bà Ba không ngủ. Nằm cạnh con nhưng người đàn bà đa tình này lại nhớ đến Lê Văn Vận theo một kiểu hoàn toàn thực dụng. Thị Lánh đã ngán đến mức hoàn toàn lãnh cảm mỗi khi phải chiều chuộng lão dê già. Chánh Đàm tuy chưa quá bốn mươi nhăm nhưng sức lực hầu như đã cạn kiệt sau những cuộc ăn chơi trác táng hồi còn là lính tẩy. Vậy mà cái nhu cầu đàn bà của lão không hề suy giảm. Có điều, lực bất tòng tâm, khả năng thực tế không đáp ứng được lòng ham muốn. Lão nằm trên bụng bà Ba hàng nửa giờ hoàn toàn bất lực, còn bà vợ trơ như một khúc gỗ, lạnh như đá, không hề có cử chỉ buốt ve, âu yếm. Mỗi lần bị mất mặt như thế, chánh Đàm lại chửi:
- Đúng là dòng giống lái trâu. Đồ nặc nô !
Bà Ba cũng không kém cạnh, giẩu môi cạnh khoé:
- Đã thế sao còn ngủ với con gái phường lái trâu? Ông đã lấy mất tuổi xuân của tôi giờ lại cả thèm chóng chán phải không?
Chánh Đàm bị hạ nhục mà chẳng biết nói thế nào. Xét cho cùng, mọi sự đều tại bản thân. Lão không thể biết và không bao giờ biết, trước khi về làm dâu họ Khúc, bà Ba đã mất trinh. Chính điều ấy làm lão yên tâm về Khúc Luận - đứa con trai mà lão quý như vàng. Tức thì chửi, vì lão là chánh tổng của cai quản một hạt rộng có đến mười ba làng vùng hữu ngạn sông Lăng, nhưng thực tình lão vẫn sợ bà Ba, mà điều sợ hơn cả là bà Ba chứ không phải ai khác đã đẻ cho lão một thằng con trai nối dõi tông đường. Thằng bé càng lớn, bà vợ càng nở ra, trẻ đẹp và hiển nhiên là vô vùng quyến rũ. Khúc Đàm tự an ủi mình theo lý sự của mấy tay trọc phú tiểu nhân đắc chí: "Cho dù ta đã già, sức khoẻ giảm sút thì cô ta vẫn phải giữ trọn đạo làm vợ, không thằng phàm phu tục tử nào được phép nhìn ngắm chứ chưa dám nói thả lời ong bướm cợt nhả". Họ Khúc quản lý vợ như thế nên bà Ba, trừ một tối vào giã gạo chung với Lê Văn Vận còn tuyệt nhiên không có cơ hội gần gũi người tình. Nhớ Lê Văn Vận da diết, mặc dù hai người thường ngày vẫn gặp nhau, nhiều hôm Thị Lánh thẫn thờ như ốm lửng. Cô ta mà ốm thì chẳng những Khúc Đàm mà cả bà Huê, bà Thoả đều lo lắng, chạy ngược chạy xuôi đón thày lang bốc thuốc rồi nấu cháo đem lên tận giường nằm.
Thằng Khúc Luận đầy năm. Dáng vóc nó vậm vạp, hay ăn chóng lớn. Nó chỉ giống bố ở vóc người còn nét mặt giống mẹ. Điều ấy làm cho bà Ba hoàn toàn yên tâm. Thỉnh thoảng Lê Văn Vận cũng bế thằng bé. Nó bập bẹ gọi Vận là "anh Vậng". Bà Ba ý tứ liếc mắt cho người tình khẽ mỉm cười. Cơ hội đến với hai người vào dịp cụ chưởng bạ Khang bố đẻ bà cả Huê qua đời. Cả nhà phải sang phục vụ đám ma, trừ Lê Văn Vận và bà Ba. Bà Ba lấy cớ đau bụng, còn Lê Văn Vận phải đi cày bừa đồng Vạn để kịp gieo mạ chiêm. Đầu canh hai, sau khi lừa thằng Luận ngủ, bà Ba đóng cổng, cài then rồi xuống nhà ngang. Lê Văn Vận đã chờ sẵn. Vừa thấy Thị Lánh, Vận đã bế xốc cô ta đặt lên giường, chẳng nói chẳng rằng, tốc ngược váy lên cổ rồi trườn ngay lên bụng. Bà Ba cấu vào sườn hắn bảo:
- Làm gì mà hùng hục như trâu húc bờ thế ? Vướng lắm, để em cởi váy đã. Lê Văn Vận ghì chặt người tình bằng hai cánh tay hộ pháp, miệng thở như kéo bễ:
- Phải tranh thủ ... Nhỡ lão Chánh về bất chợt.
Thị Lánh ưỡn người, cặp mắt lim dim, rên khe khẽ:
- Đừng làm em nghẹt thở…
Từ lâu Vận hoàn toàn vô cảm với cô vợ tật nguyền, giờ được dịp gần gũi nhân ngãi hắn rạo rực đến mức bệnh hoạn, vần vò cô ta suốt đêm không ngủ, chỉ đến khi thằng Luận đái dầm tỉnh dậy khóc toáng lên hai người mới rời nhau. Lúc ấy đã gần sáng. Bà Hai Thoả đảo về nhà thì Vận đã vác cày, đánh trâu ra đồng. Hắn vừa đi vừa ngủ gật thỉnh thoảng lại vấp một cái. Đồng Vạn là nơi giáp ranh làng Bạch Đa. Ruộng này xa nhưng là loại thượng đẳng, lại gần nước vốn của nhà Cả Sang, ông Sang thua xóc đĩa phải bán tháo cho chánh Đàm lấy tiền trả nợ. Từ đấy lão chánh dùng làm xướng mạ. Lúc này đồng vắng tanh không một bóng người vì còn quá sớm. Vận hạ cày, thả trâu lên gò đống Cao cho nó gặm cỏ rồi nằm co trên bờ ruộng đánh một giấc.
Có thể nói, đây là giấc ngủ ngắn nhưng sâu nhất trong đời chàng ngư phủ. Trong mơ, Vận thấy mình cùng Thị Lánh quắp chặt lấy nhau bay lên bằng cặp cánh mỏng như cánh chuồn chuồn vừa mọc ra từ hai bên nách. Hắn chỉ đóng mỗi chiếc khố sồi còn bà Ba gần như trần truồng, cặp vú trắng như tuyết dài lòng thòng xuống tận đầu gối. Đang bồng bềnh giữa đám mây ngũ sắc nhẹ và xốp như bông, Vận cảm thấy có cái gì vương vướng phía sau kéo hai người trở lại trần gian. Hắn quài tay và bất chợt chạm phải cái đuôi đang dài dần với những đốt xương xù xì mọc dầy lông cứng như lông lợn. Cái đuôi của bà Ba thì nhỏ hơn một chút nhưng dài hơn cứ ngoe nguẩy như đuôi con rắn sọc dưa đến kỳ động cỡn. Những chiếc đuôi phát triển hết cỡ thì cặp cánh biến mất, cặp tình nhân rơi xuống một khe nước. Hai người thay hình đổi dạng đến mức đáng ngờ. Họ biến thành loài bò sát, đầu người, đuôi rắn. Nhìn thấy thân hình quái dị của bà Ba,Vận vô cùng khiếp đảm, thét lên một tiếng như tiếng thét của loài vượn đen khi đứa con vẫn bám vào bụng nó bị rơi xuống vực sâu. Tiếng thét làm Vận toát mồ hôi tỉnh dậy. Hắn uể oải vươn vai, rít mồi thuốc lào, sau đó bắc ách vào cổ trâu, bắt đầu cày.
Giống như con ngựa bất kham xổng chuồng, từ đêm mò xuống giường Lê Văn Vận, trong lòng bà Ba không lúc nào yên, luôn tìm mọi cơ hội gần gũi người tình. Trò xiếc không qua được mắt và cả Huê. Bà này chưa bao giờ xem Thị Lánh là người đàn bà đoan chính. Thỉnh thoảng có dịp là nói gần nói xa với chồng, nhưng chánh Đàm vốn tự cao tự đại không coi thiên hạ ra gì, luôn nghĩ rằng, bà Ba là sở hữu riêng, chẳng thằng lực điền nào ở làng Cùa dám vuốt râu cọp. Hơn nữa, thường ngày lão lại bị cô vợ trẻ mê hoặc bằng những lời đường mật, nên trước sau cũng chỉ nghĩ, lời cảnh báo ấy chẳng qua xuất phát từ lòng ghen tuông tầm thường của người đàn bà đã hết thời xuân sắc. Bà cả Huê là con gái cụ chưởng bạ Khang. Cụ Khang đã từng là ân nhân của Khúc Tuệ, bố đẻ Khúc Đàm hồi còn làm nghề ăn cướp. Không có cụ chưởng bạ thì Khúc Tuệ đã rũ tù sau một đợt quan phủ Đông Giàng cho người về khám xét bắt được tang vật là chiếc đỉnh đồng của nhà bang Thạch ở làng Vẽ. Ông Tuệ cảm nghĩa cử của chưởng bạ Khang xin kết làm thông gia. Vốn là người quân tử trước sau như một, đã nói là làm, vì thế sau này ngay cả khi Khúc Tuệ bị cai Thìn sát hại, cụ Khang vẫn giữ lời hứa cho Khúc Đàm và con gái thành hôn bất chấp sự ngăn cản của gia đình và dòng họ Đặng nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt thành danh. Bà cả Huê trước cũng vào hàng xinh đẹp ở làng Cùa, tuy sắc sảo, riết róng nhưng bụng dạ không hiểm độc. Ăn ở với Khúc Đàm được sáu năm mà chưa có con, buồn lắm, nghĩ tại mình bạc phận làm mất hương hoả nhà họ Khúc, vì vậy bà ta sang làng Nội tìm vợ bé cho chồng. Bà Hai thời trẻ cũng là một cô gái đa tình nhưng kém nhan sắc, con ông khán Đản bên làng Nội. Ông Khán là thầy phù thuỷ nổi tiếng trong tổng về tài tróc ma, trừ yêu quái nhưng cũng không có con trai. Nghe nói cách đây hơn chục năm, những lúc ông đi cúng, bà vợ bé ở nhà túng tấng với gã trương tuần ở xóm Rào. Biết chuyện khán Đản chẳng nói chẳng rằng, chỉ vẽ một đạo bùa, cuộn lại rồi đem chôn ở cổng bên cạnh con chó đá. Mấy hôm sau, đôi gian phu dâm phụ kia tự nhiên phát điên rồi kéo nhau ra sông Lăng trẫm mình. Về nhà Khúc Đàm được gần ba năm thì bà Hai sinh ra Khúc Thị Hài. Do thể trạng yếu, dặt dẹo từ bé, lại bị khoèo tay mãi đến năm mười ba tuổi Khúc Thị Hài mới hết sài đẹn. Bà cả Huê, trước đây vẫn quản lý công việc gia đình. Từ khi Thị Lánh về đoạt quyền tay hòm chìa khoá, đảo lộn gia phong bà phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chánh Đàm mê bà Ba quá, hơn nữa cô ta dựa vào cái bùa hộ mệnh là đứa con trai nên tha hồ lộng hành, nói sao lão Chánh cũng phải nghe.
Những mánh khoé dù tinh vi đến đâu của cặp tình nhân, cuối cùng vẫn có chỗ sơ hở. Bà cả Huê kiên nhẫn chờ thời cơ, rốt cuộc thời cơ ấy cũng đến. Vụ mùa năm Giáp Tuất, lúa chín rộ, tá điền gặt không xuể, bà Ba huy động cả nhà ra đồng trừ chánh Đàm và thằng con trai. Hôm ấy là buổi gặt ở đồng Quan. Đã có chủ ý từ trước, Thị Lánh lấy cớ phải trông nom người làm, ở lại đồng sau khi bà Cả, bà Hai và hơn chục tá điền gánh lúa về. Lúc này nắng đã dịu. Cánh đồng sực nức hương lúa. Những thửa ruộng mới gặt rạ còn tươi, cọng xanh như lá niễng xếp thành từng đống. Lũ châu chấu ma bay xập xoè từ mô này sang mô khác, thỉnh thoảng lại nghiến răng kèn kẹt. Bọ muỗm béo núc, thân hình thon thon như chiếc thoi dệt, xoè cặp cánh mỏng như lụa, lao vun vút lên trời, liệng một vòng rồi lại sà xuống đậu vào một đám ruộng nào đó. Loài chim cút lẩn nhanh như có phép tàng hình. Chúng thường xuất hiện ở những chân ruộng tám thơm hoặc dự hương chớm đỏ đuôi. Dự hương thấp cây, hạt nhỏ toả mùi thơm nồng nàn trong gió heo may. Trên trời, một con diều hâu cứ lượn đi lượn lại như cố tình khoe cặp cánh dài màu xám bạc. Sự kiên nhẫn của chàng sát thủ này không một loài chim ăn thịt nào bì kịp. Vào lúc bất ngờ nhất, nó cụp cánh, thả mình rơi tự do như một mũi tên quắp con dẽ gà rồi lao vút lên với một tốc độ đáng nể. Lúc này đồng không mông quạnh, chỉ còn Lê Văn Vận và bà Ba là những người cuối cùng xếp lúa vào quang. Hai gánh lúa xếp đầy đến cổ là những tấm bình phong tuyệt vời. Thời gian lúc này là vàng. Chẳng cần màn dạo đầu tán tỉnh vô bổ của những cặp trai gái mới chập chững bước vào trường tình, Lê Văn Vận dằn ngửa bà Ba xuống tấm nệm rạ, tốc ngược váy lên ...
Giữa lúc chàng ngư phủ đang ngây ngất trên bụng người thiếu phụ, thỉnh thoảng lại nhổm dậy, quỳ xuống lớp rạ tươi vuốt ve cặp đùi trắng hồng, mập mạp đầy nhục cảm đang dạng ra một cánh rất vô liêm sỉ thì bà cả Huê bất ngờ xuất hiện như là từ trên trời rơi xuống. Đôi tình nhân hết hồn, vẫn còn trần truồng, vội rời nhau quỳ sụp xuống lạy như tế sao:
- Em trót dại mong chị thể tình tha cho ...
- Con lạy mẹ cả ! Chuyện này mà bố biết thì ông ấy giết chết cả hai…
- Các người to gan thật ! - Bà cả Huê hắng giọng - Thì ra ta đoán không sai. Từ xưa đến nay, loạn luân vẫn là tội tày đình, không thể tha được.
Thị Lánh kéo váy xuống nhanh đến mức bà cả Huê cũng phải thán phục. Chàng rể Vận, mặt tái như gà cắt tiết, xỏ cả hai chân vào một ống quần, lúng túng mãi mới đứng dậy được. Tình thế lúc này chẳng khác gì màn bi hài kịch. Hai nhân vật chính thủ vai hết sức vụng về trong bộ dạng như nhà có đám, đang cố tìm những lời bi thương nhất tác động vào lòng từ bi của người đàn bà từ lâu đã bị Thị Lánh cho ra rìa.
- Chị xưa nay vẫn có lòng nhân hậu, cùng đàn bà với nhau, thương em chút nào em được nhờ chừng ấy.
Bà cả Huê cười nhạt bảo:
- Từ khi về nhà họ Khúc đến nay chưa bào giờ tôi thấy dì khéo mồm thế. Tôi có thể báo việc gian dâm này với ông Chánh ngay chiều nay để làng xử phạt, nhẹ ra cũng thả bè trôi sông, nhưng nghĩ "anh chị" còn trẻ trót lầm lỡ nên hãy tạm gác tội đấy nếu cô Lánh thuận theo những điều kiện sau...
- Xin chị cứ dạy, chỉ cần chị tha tính mạng, trăm điều em cũng xin theo.
- Thứ nhất . - Bà Cả Huê hắng giọng một lúc rồi mới ra tối hậu thư - Ngay từ tối nay, cô phải nói với ông Chánh, bằng cách nào thì tuỳ, trao lại việc quản lý gia đình cho tôi.
Thị Lánh ngây mặt ra nhưng thoáng nghĩ đến cài bè chuối bập bềnh trên sông Lăng đành phải chấp nhận :
- Xin theo ý chị.
- Thứ hai - Bà cả Huê liếc nhìn một thoáng - Mỗi tháng cô phải để ông Chánh sang buồng tôi ba đêm.
- Chuyện ấy thì dễ, chị cứ tin ở em.
- Điều thứ ba là, từ nay "anh chị" phải thôi làm chuyện đốn mạt ấy đi, nếu ngựa quen đường cũ, đừng trách tôi không có lượng bao dung. Bây giờ cho hai người gánh lúa về. Tôi ở lại trông đồng, ngày mai sẽ nói chuyện với anh Vận.
Hoá ra bà Cả cũng không đến nỗi nào. Thị Lánh thầm nghĩ trên đường. Thật hú vía. Xuýt nữa thì khốn nạn. Lê Văn Vận sợ quá toát mồ hôi lạnh. Hắn lầm lũi bước. Bà Ba hỏi gì cũng không nói. May mà đường làng vắng người qua lại, nếu không hẳn là có kẻ nghi ngờ cách nói năng nhấm nhẳng của bà Ba cũng như thái độ lạnh lùng, vô cảm như thằng câm của chàng ngư phủ.
Bà Cả không phải là kẻ sắt đá, vô tình nên luôn nhìn Mạc Thị Lánh và Lê Văn Vận bằng cặp mắt soi mói của loài mèo rình chuột. Vốn là cô gái con nhà tử tế, về nhà chồng từ năm mười bảy, vì không sinh con nên bị Khúc Đàm hắt hủi đến mức, muốn yên thân, phải mang trầu cau sang sông hỏi vợ hai cho chồng. Trước đây bà nghĩ mình phận mỏng trời không thương, đày xuống trần gian chịu phận cô quả, sau này mới biết, sự việc không hoàn toàn như thế, nhất là từ khi chánh Đàm cưới vợ hai. Mới ba mươi tám, lòng bà Cả chưa tắt ngọn lửa xuân tình. Bà phải làm ra vẻ đạo đức, trước hết, bởi chánh Đàm có mới nới cũ từ lâu lạnh nhạt với vợ cả. Thứ nữa, là người cai quản mọi việc trong nhà, bà cần nêu tấm gương đoan chính để giữ gìn gia đạo. Tư gia họ Khúc nội bất xuất, ngoại bất nhập, suốt ngày mấy người đàn bà chỉ quẩn quanh với công việc nhàm chán. Rất nhiều đêm nhất là những đêm đông dài dằng dặc nằm trong chăn đệm mà trái tim bà lạnh giá, lòng thổn thức những hoài niệm vu vơ, những khát vọng đầy hoang tưởng. Bà nghĩ đến số kiếp con người cô đơn, buồn tủi và khốn khổ trong cõi nhân gian. "Giờ thì khác rồi. Mình cũng là một người đàn bà như ai, phải có quyền được hưởng niềm vui làm vợ, làm mẹ thực sự". Bà Cả Huê thoáng nghĩ đến chàng ngư phủ. Ta tha cho lần này là muốn anh phải biết điều. Hãy rời con quỷ cái kia ra. Nó chính là hiện thân của loài hồ ly tinh sẵn sàng nuốt chửng anh lúc đói.
Mấy hôm sau, một đêm tối trời, khoảng canh ba, một bóng đen băng qua sân gạch lên nhà trên, vào buồng bà Cả. Bóng đen vừa lẻn vào, cửa lập tức chốt lại. Bà Cả Huê trên người không một mảnh vải ôm ghì lấy Lê Văn Vận vật ngay ra giường rồi cầm tay hắn đặt lên ngực thì thào:
- Cẩn thận không cái Hài nó biết .
- Nó ngủ say như chết, với lại hôm nay tôi nằm chõng, ngoài hiên, biết làm sao được.
- Nào, nhanh lên ! Sao lúng túng thế ?
- Cứ từ từ, - Vận giỏng tai nghe động tĩnh bên ngoài, giọng nhát gừng nhưng rất
khẽ, - còn từ giờ đến cuối canh tư cơ mà.
Bà Cả vòng hai tay ôm cổ chàng ngư phủ y hệt cái cách bà Ba đã từng làm với hắn. Lần đầu tiên trong đời, bà Cả Huê biết thế nào là một cuộc phiêu lưu trong thế giới mây mưa với một người đàn ông thực sự. ít phút sau, trong trạng thái đê mê của sự đụng chạm xác thịt, bà ta vít đầu Vận rỉ tai:
- Thế nào ? Tôi chiều cậu có bằng cô Lánh không ?
- Thì ra chị ghê gớm hơn là tôi nghĩ . - Vận áp cái đầu tóc rễ tre bù xù vào giữa hai bầu vú mát lạnh vẫn còn rất mẩy của người đàn bà nạ dòng - Vì sao lúc ngoài đồng chị không làm ầm lên mà lại tha chúng tôi ?
- Không biết vì sao à ? - Bà Cả bấu nhẹ vào sườn chàng ngư phủ làm hắn buồn giật nảy người - Cậu ngốc lắm. Tôi cần một đứa con trai như dì Ba.
- Có nghĩa là... chị đã biết ?
- Vải thưa che làm sao được mắt thánh. - Bà Cả lửng lơ - Nhưng cậu giờ hồn đấy, thỉnh thoảng không lên với tôi thì đừng có trách.
- Thế còn ông Chánh ?
- Cái lão già vô tích sự ấy kể làm gì. Tôi đã có cách miễn là cậu giữ lời hứa.
Đã quá nửa trống canh nhưng bà Cả Huê vẫn chưa chịu cho Vận xuống nhà ngang. Hắn vừa tuột khỏi giường thì bà ta bật khóc. Tiếng khóc thầm bị dồn nén từ non nửa cuộc đời giờ mới thoát ra được nghe thật tội nghiệp.
Về phần mình, chánh Đàm tuy rất đa nghi nhưng tuyệt nhiên không biết màn bi kịch của gia đình họ Khúc đã bắt đầu. Lão suốt ngày lên phủ xuống huyện, ra tổng, có những dịp thường xuyên vắng nhà. Đấy là cơ hội tuyệt vời cho bà Cả, bà Ba và gã chàng rể quý chơi trò mèo mỡ. Họ dùng đủ mọi mưu ma chước quỷ đánh lừa mẹ con bà Hai. Chánh Đàm cưng chiều thằng con trai hết mức, vì vậy vai trò của bà Ba trong gia đình họ Khúc càng trở nên quan trọng. Có lần lão còn cho thằng bé mới hơn hai tuổi cùng cưỡi con ngựa bạch bờm nâu. Hai bố con rong ruổi từ đầu làng đến cuối làng, nhạc ngựa kêu long coong, cu cậu thích lắm cứ túm lấy bờm hét toáng lên. Hai đứa trẻ nhà Lê Văn Vận cũng đầy năm. Chúng không giống nhau lắm nhưng đều phổng người, hay ăn chóng lớn. Bà Hai thật không ngờ, một đứa con gái khoèo tay như Khúc Thị Hài mà có có phúc lấy được thằng chồng khoẻ mạnh, tháo vát được cả nhà quý. Quả thật, trong thâm tâm cũng có lúc bà thoáng nghi ngờ khi bắt gặp cái nhìn khác thường của bà Ba với Lê Văn Vận. Nhưng anh chàng này khôn, những lúc có người khác bên cạnh đều không biểu hiện thái độ gì vượt quá khuôn phép của con cái đối với cha mẹ. Bà Hai chỉ có thể nghĩ, Thị Lánh là cô gái không đoan chính chứ tuyệt nhiên không thể coi chàng rể hư hỏng. Đây là kỷ cương gia pháp. Huống hồ, ông Chánh là người đứng đầu cả tổng, danh tiếng họ Khúc ở huyện này ai mà không biết.
4
Thời gian ấy, chánh Đàm hay vắng nhà. Thực ra lão chẳng bận lắm với công việc "quốc gia đại sự" mà cái chính là đang vướng phải lưới tình. Nhân tình của họ Khúc là một người đàn bà có cặp mông vĩ đại, to như cái giành ủ thóc giống và đôi mắt ươn ướt nép dưới hàng mi lưa thưa trông giống mắt loài dê núi đang thời kỳ cho con bú. Trên đường công cán, Khúc Đàm gặp cô ta khoác cái bị cói đi chợ về. Lão dẻo mỏ đến mức lôi được cô ta lên ngựa cho ngồi phía trước. Chiếc bị treo lủng lẳng vào móc yên. Đường về làng Buộm không xa nhưng lão cố tình cho ngựa chạy vòng lối kẻ Sung để có thêm thời gian cọ sát cặp mông người đẹp. Cô nàng là vợ một thầy quyền khố xanh. Anh lính này nghe nói đồn trú ở mãi Hà Quảng Cao Bằng. Gái một con, vắng chồng lâu ngày, ngứa ngáy không chịu được. Cô ta đã từng tiếp đón hết lượt các thầy cai, thầy ký, thầy đề trong huyện, nổi tiếng là người đàn bà có thuật mê hoặc lũ mày râu dại gái. ả vợ lính đa tình rút ruột Khúc Đàm không biết bao nhiêu mà kể. Có lần bí quá, lão phải lấy tạm ít tiền thuế để làm dịu bớt con đồng bóng của nhân ngãi.
Bà cả Huê thấy mức thu hàng năm của gia đình mỗi ngày một tăng mà tiền lại mỗi ngày một giảm, đâm nghi chánh Đàm mang đi cho gái liền bàn với bà Ba cử người thân tín theo dõi. Người được giao việc này là hai Doạc, cháu gọi bà Huê bằng cô. Hai Doạc máu rượu, lúc nào cũng nhẵn túi, ngẫm nghĩ: "Thế ông Chánh đang mạnh, dại gì vuốt râu cọp. Chi bằng ta cứ ngầm thăm dò, nếu thấy tổ con chuồn chuồn thì doạ mấy câu kiếm vài đồng uống rượu còn hơn là phục vụ không công cho bà cô". Mấy hôm sau, hắn cải dạng thành thằng bắt rắn với bộ đồ nghề trên vai, hễ thấy chánh Đàm cưỡi ngựa ra khỏi nhà là đi theo. Họ Khúc có thói quen cho ngựa đi bước một, ngồi thẳng đuỗn trên yên, mắt mơ màng, thả tâm hồn ngắm trời ngắm đất. Đấy là lão bắt trước phong thái ung dung tự tại của lãng tử Lý Bạch tiên sinh mỗi khi tìm cảm hứng thi ca. Điều ấy có lẽ chỉ là phỏng đoán, chắc không đúng, vì cả đời có bao giờ họ Khúc đọc nổi một câu thơ Đường, mà cái chính là lão tìm cách kéo dài thời gian, bằng cách cho con tuấn mã dẫn diệu, sao cho khi vào đến xóm Bồng Bồng làng buộm thì trời vừa chạng vạng. Xóm Bồng Bồng gần huyện nhưng là một trại mới lập, xa làng, chỉ lưa thưa mấy chục nóc nhà, trời lại sắp tối, mấy ai để ý đến khách vãng lai. Thế là sau vài lần rình mò, tay thám tử đã biết rõ nơi nghỉ qua đêm của ngài chánh tổng. Chập tối hôm thứ ba, cũng theo quy luật ấy, chánh Đàm vừa vào nhà nhân tình một lúc thì hai Doạc lập tức xuất hiện. Họ Khúc đang lúng túng chưa biết xử trí thế nào, gã bợm rượu đã nhanh nhảu bảo:
- Tôi ở bên kia sông đi bắt rắn, trời lại sắp tối nên vào đây xin chị mồi lửa.
Chánh Đàm đưa mắt ra hiệu nhưng hai Doạc lờ đi coi như không biết. Hắn châm lửa vào bùi nhùi, uống một bát nước vối rồi xách thuổng bước ra.
- Cậu mới học được nghề bắn rắn ban đêm à ?
Hai Doạc cười rất tươi:
- Dạo này túng quá, nhà hết sạch thóc, chẳng còn gì cho các cháu ăn nên phải liều ông ạ.
Hai Doạc vừa bước chân khỏi cổng chánh Đàm cũng theo ra, chộp vai hắn, quát khẽ:
- Bà Cả sai mày... phải không ?
- Dạ thưa ông Chánh, con đi bắt rắn thật mà.
- Rắn cái con khỉ ! - Chánh Đàm văng tục - Mày giờ hồn đấy !
- Bẩm ông, con không dám.
- Từ rày mày mà còn rình mò thì ông róc xương. - Khúc Đàm vừa thò tay vào túi móc mấy tờ bạc ấn vào tay hai Doạc vừa lầu bầu - Cút ra ngoài bãi tha ma mà bắt rắn mòng. Cấm được bép xép, nhớ chưa ?
- Bẩm, con nhớ rồi.
Thế là âm mưu của bà cả Huê và bà ba Lánh thất bại thảm hại. Thằng cháu giời đánh hễ gặp cô lại lẩn như chạch. Hai Doạc là thằng không có lập trường, mạnh ai theo người ấy. Sau này, thời Nhật chiếm đóng, hắn theo lũ giặc làm bồi ngựa cho tên quan hai hirôsi. Một lần Doạc dắt ngựa ra sông tắm, con ngựa thụt chân xuống kè đá bị trẹo khớp. Tên trung uý rút kiếm chém một nhát ngang cổ, đầu hắn rơi xuống một lúc, máu mới từ cổ phọt ra.
Cuối cùng thì sau hai mươi mốt năm lấy chồng bà cả Huê cũng mang thai, tin này như một quả bom làm chấn động làng Cùa, thậm chí cả tổng Kim Đôi, nhưng trong nhà họ Khúc mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh của mình tiếp đón nó với thái độ khác nhau. Chánh Đàm tất nhiên là vô cùng phấn khởi. Người đầu tiên lão nghĩ cần phải trả ơn là ông lang Toét làng Suộm. Ông này năm ngoái đã bán cho lão bình rượu ngâm cá ngựa lẫn với ba con tắc kè hoa đầu bạc. Thứ thuốc tráng dương lập tức có ngay tác dụng khiến lúc nào họ Khúc cũng dậm dật như phát cuồng, đến nỗi có đêm chẳng biết vô tình hay hữu ý, lão mò vào giường cô cháu gái bà Cả từ kẻ Suốt sang chơi khiến cô ta kêu toáng lên. Trong thâm tâm, chánh Đàm hy vọng bà Cả sẽ sinh một thằng con trai. Bà ta mà có con trai thì hiển nhiên là Thị Lánh hết làm mình làm mẩy. Lão sẽ trị dần dần rồi đưa vào khuôn phép, không thể để lăng loàn như trước. Trong tương lai, nhà thêm một suất đinh, thế của họ Khúc ngày càng được củng cố, như vậy mỗi khi ra chốn đình trung, lão mới đoàng hoàng ngẩng mặt nhìn thiên hạ. Bà cả Huê thì vừa lo vừa mừng. Lo vì tuổi đã cứng chẳng biết chuyến này vượt cạn có dễ dàng, nên thường xuyên thắp hương trước bàn thờ Quan Âm mong ngài phù hộ cho mẹ tròn con vuông. Thứ nữa liệu đứa bé sinh ra giống ai? Tốt nhất là không nên giống bất kỳ người đàn ông nào trong nhà này trừ Khúc Đàm. Mừng vì nếu một thằng con trai ra đời, Thị Lánh sẽ không còn giữ địa bị độc tôn. Bà sẽ lấy lại thế thượng phong, điều hành toàn bộ hoạt động của gia đình họ Khúc, đến khi lão dê già chầu trời, sẽ tìm cách tống khứ con yêu tinh ấy về với lão lái trâu bên kia sông. Thỉnh thoảng bà cả Huê lại đóng cửa buồng, tuột váy đến ngang hông, vuốt vuốt cái bụng đã hơi căng nổi chằng chịt gân xanh lẫn với những mạch máu li ti rồi nhoẻn miệng cười. Làn da bụng màu vàng nhạt, đôi chỗ xam xám điểm vài vết sần nho nhỏ, thỉnh thoảng khẽ chuyển động nghe như đưa trẻ đang cựa quậy.
Lê Văn Vận vẫn thậm thụt đi lại với Mạc Thị Lánh mặc dù bà Cả đã cấm. Hắn không muốn làm phật lòng bà Huê nhưng cũng khó mà đoạn tuyệt với người tình. ở vào cái thế chạch bỏ giỏ cua, Vận đành phải chấp nhận phương án tình thế, san sẻ tình cảm cho cả hai thậm chí ba người đàn bà để giữ an toàn tính mạng. Những lúc gặp chuyện khó xử Vận lại ra sông Lăng đánh cá. Chiếc thuyền câu cũ, trước khi về làm rể chánh Đàm hắn đã cho tay Quýnh trong vạn chài. Gần đây ông bố vợ thuê đóng một cái mới để hắn kiếm cá tươi, nhất là loại cá chép râu đỏ về nhắm rượu. Một lần hứng lên, họ Khúc còn đem bà Ba cùng thằng con trai xuống thuyền, bắt Lê Văn Vận chèo xuôi dòng xuống đến ngã ba Môi ngắm cảnh. Sông Lăng mùa này nước chảy lờ đờ. Cá chày mắt đỏ, cá chép vàng và cá lăng ngược dòng tìm nơi đẻ trứng, bơi từng đàn như những đám rong đuôi chó phát sáng. Cồn Vành choài ra như một miếng vá hình bán nguyệt nhấp nhô lau lách. Từ trong đám sậy, thỉnh thoảng một con vịt hoang hoặc một cặp le le vút lên vỗ cánh phành phạch, làm lũ cào cào tím, đầu nhọn giật mình bay loạn xạ. Mòng nước thì bất chấp sự đời miễn là no bụng. Chúng rủ nhau vài ba con một, dàn hàng ngang dùng cái mỏ vừa dài vừa nhọn, khoắng xuống mặt ruộng tìm lũ cá lác ngờ nghệch . Bọn cá mương háu ăn lao loạn xạ trên mặt ruộng nước đục ngầu như thoi dệt cửi. Chúng cứ chờn vờn theo một vũ điệu nhố nhăng chẳng theo quy luật nào nên rất khó bắt trừ giăng lưới ba bề bốn bên rồi dùng mõ giậm lùa dần. Trên cao, một con bói cá mỏ dài hơn cả thân người, trông như một đốm sáng xanh biếc biết bay. Thoắt một cái, nó thả mình lao xuống theo chiều thẳng đứng, trong chớp mắt, giữa cái mỏ cứng như gọng kìm đã ngậm chú cá trôi bằng ngón tay lấp lánh như bạc.
Khúc Đàm nhấm nháp từng ngụm rượu cá ngựa ngâm thuốc bắc với cá chép nướng than hoa chấm muối tiêu và mấy lát gừng. Thằng con trai thích thú nhìn những cánh buồm nâu trên các con thuyền chở đá ngược dòng về bến Tràng. Thuyền nào phần mũi cũng cong vút lên sơn màu nâu thẫm, bên dưới vẽ hai con mắt tròn, đồng tử trắng, viền vàng trông như mắt quỷ. Nhìn thấy đôi mắt quái dị, thằng bé chẳng những không sợ mà còn lấy tay vẫy vẫy. Cánh chân sào ném sang thuyền mấy bắp ngô luộc còn nóng. Lão Chánh giơ tay ra hiệu cảm ơn rồi nhặt món quà của những người phu thuyền đưa cho con. Ngắm cảnh trời nước mênh mông tâm trạng thư thái, họ Khúc bảo với bà Ba:
- Cảnh đẹp như thế này chả trách trước đây anh Vận không muốn bỏ nghề hạ bạc.
Lê Văn Vận làm như không nghe thấy, lẳng lặng chèo. Bà Ba khẽ mỉm cười. Thuyền cập bến, trời cũng vừa xế bóng, Bà cả Huê và Khúc Thị Hài đứng trên đê chờ. Nhìn thấy vợ cả, chánh Đàm nhăn mặt:
- Bà đang bụng mang dạ chửa ra đây làm gì, nhỡ xảy chân thì khốn.
Bà Huê mắt long sòng sọc lườm Thị Lánh nhưng giọng lại ngọt nhạt:
- Ông Lái bên nhà sang chơi, thầy nó với dì về ngay đi.
Đợi cho mọi người vào làng, dưới bến chỉ còn lại Lê Văn Vận đang lúi húi cuốn tay lưới, bà cả Huê làm mặt giận:
- Tôi đã cấm chỉ thế mà chứng nào vẫn tật ấy.
Chàng ngư phủ đánh trống lảng:
- Đâu có, bà Cả chỉ hay đa nghi.
- Nửa đêm hôm kia đứa nào lẻn xuống nhà ngang bấu vào người anh rồi kéo nhau ra vườn chuối. Anh tưởng tôi mù chắc ?
- Tôi xin thề ...
- Từ xưa đến nay lời thề mà linh nghiệm thì lũ đàn ông các người tuyệt giống rồi.
Thực tình, Lê Văn Vận dù có muốn, bà Ba cũng không để cho anh ta thoát khỏi cuộc tình vụng trộm mà chính cô ta là người giăng bẫy. Bà Cả đang thời kỳ mang thai, nhìn lũ chúng thậm thụt với nhau, bất chấp lệnh "giới nghiêm" lấy làm ngứa mắt. "Ta đã cảnh cáo nhiều lần, nếu không biết điều thì đừng bảo là thiếu lượng bao dung". Bà Huê nghĩ vậy và lặng lẽ chờ cơ hội.
Về phần mình, sắc sảo đến thế mà Thị Lánh vẫn bị bà cả Huê xỏ mũi. Chuyện tư thông giữa bà cả và Lê Văn Vận cô ta không hề hay biết. Nó được bí mật cho đến khi cái bụng bắt đầu phình ra. Tới lúc này bà Ba mới đặt dấu hỏi: "Chả lẽ món rượu hổ lốn cá ngựa, tắc kè với thuốc bắc lại có tác dụng nhanh đến thế ? Mình không tin. Thế thì sự thật kẻ nào là chủ của cái bào thai quá muộn mằn ấy ?" Cô ta không bao giờ nghĩ đến Lê Văn Vận mà dứt khoát cho rằng, con mẹ cáo già kia đã thậm thụt với một gã trương tuần nào đó rồi lập lờ đánh lận con đen, nhằm giành lại quyền bà chủ nếu may ra đẻ được thằng con trai. Nghĩ đến đấy, nỗi bực dọc dâng lên tận cổ làm cô ta gần như nghẹt thở. Bằng mọi cách, phải tìm ra sự thật, nếu không, cơ ngơi này trước sau cũng rơi vào tay con mụ già.
Chính vào lúc bà Ba đang ngày đêm trù tính kế hoạch cho tương lai thì bà cả Huê cao tay hơn đã nhanh chóng ra đòn trước.
Từ lâu, bà Huê đã bóng gió cho chồng biết những hành vi thiếu đoan chính của Thị Lánh. Tất nhiên chánh Đàm không tin, nhưng đấy là thứ đòn gió, hư hư thực thực nhằm chuẩn bị tinh thần cho lão nếu sau này có chuyện xảy ra. Bà đã tha cho một lần, không thể tha tiếp lần nữa để ả xỏ chân lỗ mũi. Chuyện xảy ra vào một đêm tháng tư, chánh Đàm phải ra đình họp với Hội đồng kỳ mục, chuẩn bị cho lễ rước sắc phong Thành hoàng. Làng Cùa đón gánh chèo của ông trùm Lộng ở kẻ Sui về diễn tích Lưu Bình Dương Lễ. Chiều hôm ấy bà cả Huê đến nhà hai Doạc. Bị tóm bất ngờ, hắn không lẩn được đành nhe răng cười trừ. Bà Huê móc hầu bao đưa cho gã bợm rượu ít tiền rồi ghé tai thì thầm mấy câu. Trước lúc ra về bà nẹt hắn:
- Lần này mà làm hỏng việc nữa thì tao bảo ông Chánh tống mày đi lính.
Hai Doạc nhăn nhở cười lấy lòng:
- Cô yên tâm, nhất định lần này cháu lập công chuộc tội.
Bà Cả dự đoán không sai. Chừng giữa canh ba, khi cả làng đang chăm chú theo dõi tích chèo ở sân đình thì Lê Văn Vận lẻn ra ngoài. Một lúc sau bà Ba cũng tìm cách rời khỏi cuộc vui. Hai Doạc lập tức bám theo họ. Khi hai người vào nhà cài then cổng, gã bắt rắn lập tức quay lại đình vào gặp Khúc Đàm. Ông Chánh ra hiệu cho thằng cháu vợ đợi một lúc rồi cả hai mới trèo tường vào nhà bằng lối vườn chuối. Đàn chó nhận ra mùi của ông chủ, không hề sủa một tiếng, chỉ đến khi chánh Đàm quát to thị oai, đôi gian phu dâm phụ mới hết hồn, lục sục mãi chưa rút được chốt cửa. Một bóng đen nửa trần truồng bất ngờ lao ra húc vào Khúc Đàm rồi nhảy xuống sân. Hai Doạc thuận tay phang một gậy vào bắp chân gã gian tế. Hắn bị đau, ngã xoài xuống nền gạch Bát Tràng nhưng lại đứng dậy ngay. Chánh Đàm lồm cồm bò dậy, sờ nắn mạng sườn một lúc rồi bảo hai Doạc đánh lửa châm nến. Bà Ba đầu tóc bù xù ngồi ủ rủ góc giường. Chánh Đàm mặt hầm hầm quát:
- Đứa nào vừa ở đây ra ?
Thị Lánh sợ lắm, đang tìm kế hoãn binh nên không nói gì, chỉ ti tỉ khóc.
- Câm mồm ! Tao hỏi: Đứa nào vừa ở đây ra ?
- Kìa mình ! Không phải tại em. Em khổ lắm - Thị Lánh khóc nghe thật ai oán.
- Gái đĩ già mồm ! - Chánh Đàm nghiến răng kèn kẹt - Hỏi vậy thôi chứ tao đã biết thừa nó là thằng Vận. Cứ thử xem có chạy được mãi không.
Chánh Đàm lấy dây thừng trói hai tay bà Ba vào cột nhà rồi khoá cửa lại, nhét chùm chìa khoá vào túi sau đó bảo hai Doạc:
- Chuyện này không được nói với ai. Mấy hôm nữa chú sẽ cắt cho ba sào ruộng đồng Đấu. Mày mà bép xép tao trình quan cho đi hiệu lực ở Tuyên Quang chết mất xác nhớ chưa ?
- Thưa chú, cháu nhớ, nhưng ...
- Lại vòi tiến uống rượu chứ gì ? Đây, cầm lấy.
Sáng hôm sau, Khúc Đàm tự tay trói bà Ba vào cột chuồng trâu rồi dùng roi mây quật ngang lưng. Tiếng roi vun vút nghe thật ghê rợn nhưng người đàn bà vẫn cắn răng chịu không hề kêu một tiếng. Đánh chán, lão quẳng roi lên nhà uống rượu. Tấm lưng thon thả trắng nõn nà của Thị Lánh đầy những vết thâm tím hằn thành vệt chẳng khác gì mụn vá vụng về bằng các loại vải khác nhau. Bà Ba chịu đòn ánh mắt đầy lửa hận thù. Với bản chất phóng túng như con ngựa hoang tung hoành trên thảo nguyên, không thích các loại yên cương, hàm thiếc ràng buộc, cô ta hoàn toàn mất tự do trong một gia đình hào mục với những quy tắc giáo điều nghiệt ngã do Khúc Đàm làm chủ. Hành vi của bà Ba và thằng con rể là một cái tát vào niềm kiêu hãnh của Khúc Đàm vốn vẫn dương dương tự đắc cậy mình là bề trên của cả vùng Ba Tổng. Lão đau đến tận xương tuỷ nhưng là nỗi đau không thế nói ra, bởi nếu thiên hạ biết chuyện này thì không còn mặt mũi nào nhìn cánh chức sắc hàng tổng nhất là phó tổng Lê Bang. Ông ta có gã em vợ làm phán lục lộ trên tỉnh, nhà giầu nhất nhì làng Cùa, luôn nhăm nhe lật đổ lão để giữ triện đồng. Việc này phải xử lý sao cho trong ấm ngoài êm mới giữ được thể diện vốn là yếu tố quan trọng nhất của hàng sắc mục. Việc đầu tiên là chánh Đàm bảo Khúc Thị Hài đem thằng Luận về quê bà Hai chơi mấy ngày cùng với hai đứa con trai sinh đôi. Tiếp sau, lão sai mấy tá điền là tay chân thân tín bí mật thủ tiêu Lê Văn Vận, xong việc sẽ thưởng hậu. Lệ làng Cùa rất khắt khe. Từ xưa đến nay những người đàn bà thất tiết bị bắt quả tang hoặc hoang thai đều bị gọt tóc bôi vôi thả bè trôi sông. Lão không muốn bà Ba chịu hình phạt này nhưng cũng không thể để cô ta cứ nhởn nhơ cắm sừng lên đầu mình. Lão có cách giải quyết vụ bê bối này êm hơn, gọn hơn. Từ chiều hôm qua, nghĩa là sang ngày thứ hai từ khi bà Ba bị trói, họ Khúc đã chuẩn bị một ít thuốc độc loại không có mùi vị do lang Toét bào chế làm bả chó bán cho bọn đào tường khoét ngạch. Chỉ cần pha một liều vào nước cho cô ta uống là xong. Những việc còn lại đối với một chánh tổng đương chức không có gì là khó. Cứ nói bà chánh Ba bị cảm thương hàn chết đột ngột thế là xong. Không một ai trong làng Cùa dám ngờ chánh tổng giết vợ. Còn thằng Vận, sau khi hắn chết sẽ phao tin thủ phạm là tay chân của Cửu Nghi, một tên trùm cướp, nổi tiếng giết người không ghê tay mới dạt từ Thạch Nham về vùng Ba Tổng hoành hành.
Đêm ấy Lê Văn Vận hốt quá, sau khi húc vào sườn làm bố vợ ngã, hắn băng qua sân, nhảy phứa lên tường mặc cho mảnh sành cào vào tay và bụng nhoe nhoét máu chạy tháo thân. Cứ thuận đường, hắn chạy mãi đến khi nghe tiếng sóng vỗ óc ách mới biết đã đến sông Lăng. Hắn xuống bến tìm nơi buộc thuyền, định xuôi dòng xuống ngã ba Môi. Đêm càng khuya sóng vỗ vào kè đá càng mạnh. Gió đông nam chạy dọc triền sông, xô những con sóng gối vào nhau nghe rào rào như là tiếng đập cánh đồng loạt của bầy nhạn nước mỗi khi cất mình bay lên khỏi đầm Ma. Phía bên kia cồn Vành, vài đốm lân tinh chập chờn, lúc ẩn lúc hiện như ma trơi. Những con vạc ăn đêm cần mẫn dùng chân sục sạo, lùa lũ tép gạo dưới khu ruộng trũng cạnh đầm vào cái mỏ vừa nhọn vừa dài như kìm thợ rèn. Lũ bìm bịp lặn ngụp kiếm ăn dưới đầm thỉnh thoảng lại ngoi lên kêu những tiếng rời rạc gọi bạn. Một con mèo hoang đuôi trắng gào lên như hoá rồ bằng thứ âm thanh khàn khàn giống hệt tiếng rên rỉ của người già nghiện thuốc lào lúc hấp hối. Con mèo cứ quẩn quanh bên sườn đê, thỉnh thoảng lại ngước cặp mắt lóng lánh như mắt ma nhìn chàng ngư phủ như là nhìn kẻ thù. Vận ngứa mắt, cúi xuống quờ một hòn đất ném. Con vật cúp cái đuôi trắng như đuôi cáo Bắc cực biến vào đám dứa dại. Từ điếm canh không đèn đóm hình như có tiếng khóc thút thít. Chẳng lẽ lại là ma. Hắn đi vòng từ dưới chân đê lên, dõi mắt quan sát. Không phải ma là một cặp trai gái đang ngồi bên nhau. Gã con trai đang thì thầm tán tỉnh điều gì đó còn cô gái cứ ngúng nguẩy thỉnh thoảng lại hất tay anh chàng ra khỏi ngực. Vận chợt nhớ đến bà Ba. Không được. Bỏ cô ta lúc này là mình có tội. Lão chánh tổng đánh cô ta chết mất. Nhưng không thể về ngay. Phải xem động tĩnh thế nào đã. Bây giờ nơi ẩn mình tốt nhất là rừng Hóp. Cánh rừng này từ xưa tới nay vốn bí hiểm lan truyền toàn những chuyện ma quỷ hiện hình, ít người dám vào trừ bọn đạo tặc. Hắn dự định tá túc ở đấy vài ngày, đến đêm vào làng tìm cách cứu Thị Lánh. Việc vào rừng đối với Vận không khó. Hắn là thổ công vùng này. Trong rừng nhiều chim cò trú ngụ, hắn có thể bắt cò nướng hoặc luộc trứng chim nếu không kiếm được món nào khác.
Hai Doạc là một trong ba gã trai làng được chánh Đàm sai đi giết Lê Văn Vận, xong việc mỗi đứa sẽ được ba mươi đồng. Số tiền ấy chúng nằm mơ cả đời cũng không có được. Hai Doạc chơi thân với Thường Rỗ. Trong lúc chếnh choáng hơi men, hắn đã nửa kín nửa hở cho ông bạn bắt ếch biết tin này. Nghe xong Thường rỗ sợ quá bèn tìm cách báo cho Lê Văn Vận. Vận đã có ơn cứu mạng với hắn nên hắn không thể làm ngơ khi ân nhân mình bị chánh Đàm sát hại. Nhưng biết anh ta trốn ở đâu ? Vốn là dân thuyền chài, thạo nghề sông nước, có khi hắn đã giong thuyền xuống ngã ba Môi, chu du ngoài sông Cái thì có mà giời tìm. Thường Rỗ vội ra sông Lăng thấy con thuyền vẫn neo ở bến, biết chắc là Vận không đi theo đường thuỷ. Tự nhiên hắn nghĩ đến rừng Hóp. Chiều hôm ấy, Thường Rỗ giả làm người đánh chim vác lưới và lồng men theo bờ đầm Ma vào rừng. Hắn vốn là tay gan lỳ không bao giờ tin vào chuyện ma quỷ. Có lần hắn vác chiếu ra ngủ ngoài bãi tha ma ngay cạnh ngôi mả mới của lão trương Khoái bị sét đánh ba đêm liền trong một vụ cá cược ăn tiền mà chẳng thấy các âm hồn hiện hình về bắt. Xong việc, tay Chút thọt phải giữ lời giao kèo trả hắn một đồng hai.
Thường Rỗ treo đồ nghề lên một cành Hóp, tay cầm gậy vừa dò dẫm vừa khua ra phía trước. Hắn đã bị rắn cạp nia cắn một lần gần chết, bây giờ đi đâu cũng mang gậy theo kể cả ra đình làng. Tháng tư trời oi nồng nhưng trong rừng gần như không có ánh nắng. Ngoài những bụi tre hóp mọc chen chúc từ bao đời, cánh rừng còn khá nhiều cây cổ thụ vươn cao xoè tán rợp cả một vùng không gian rộng lớn. Những cây thấp hơn bị dây leo quấn chằng chịt tạo thành những cái vòm lý tưởng là nơi cư ngụ tuyệt vời của lũ cò lửa hoặc vạc sành sau một đêm thức trắng kiếm ăn bên cồn Vành hoặc đầm Ma. Một con sóc đuôi xù lên như chùm bông lau, cặp mắt giống hai hòn bi ve nhỏ xíu láo liêng nhìn cây gậy của Thường Rỗ. Hình như nó không thích có kẻ đột nhập vào lãnh địa của mình nên cứ ngúc ngoắc đầu kêu chin chít như chuột cắn nhau rồi lao vút lên cây kiền kiền có những cành đâm ngang giống hệt cành bứa. Trên chạc ba cây vàng canh, một con đa đa trống có bộ lông sặc sỡ như chim thiên đường cứ vươn cổ hót mãi một điệu "bắt cô trói cột" nghe ai oán như gã thất tình. Thứ giọng rền rĩ ấy lan truyền khắp rừng, ghé xuống cả đầm Ma, làm lũ liếu điếu, chào mào, sáo sậu đang kiếm sâu bọ cũng nghển đầu hoạ theo bằng đủ mọi cung bậc chẳng khác gì một dàn đại hợp xướng. Thường Rỗ vốn thích bẫy chim, nghe bản hoà tấu ầm ĩ của chúng, nhất là thứ giọng kim lĩnh xướng của chú bồ các mỏ dài lông đen tuyền như lông quạ đậu trên cành hóp, người hắn như bị thôi miên, quên mất việc đi tìm Lê Văn Vận. Chính vào lúc ấy, chàng rể họ Khúc xuất hiện sau khi đã nhìn thấy gã bắt ếch từ xa. Vận hỏi:
- Làm sao biết được tôi ở đây ?
Thường Rỗ bảo:
- Tôi ra sông thấy cái thuyền vẫn còn nên đoán là cậu vào rừng. Cô ấy bị ông Chánh trói ở chuồng trâu đã hai ngày nay.
- Liệu Lánh có làm sao không ?
- Vì thể diện, chánh Đàm sẽ không đưa cô ấy ra cho làng xử phạt, nhưng nếu ông ấy cứ để như thế thêm vài ngày thì chết mất.
- Anh bảo tôi phải làm thế nào bây giờ ?
- Chánh Đàm đã sai bọn hai Doạc thủ tiêu cậu. - Thường Rỗ ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo - Tầm này chúng đang ở Ba Kèo. Đêm nay cậu nên về nhà đưa cô ấy ra. Tôi sẽ thăm dò hành tung của ông Chánh. Xong việc phải xuống thuyền đi ngay kẻo cả hai cùng mất mạng.
Đêm hôm ấy không trăng. Trời lất phất mưa. Làng Cùa râm ran tiếng chó. Lũ chó sủa gần như phản ứng dây chuyền theo lệnh của con Đốm già có cái mõm dài như mõm cáo nằm ở thềm sau nhà chánh hội Hạp. Con này trụi sạch lông đuôi, đầu bạc phếch, bốn chân khẳng khiu như que củi nhưng khôn vào bậc nhất. Tuy nhiên, danh tiếng của nó hoàn toàn không phải vì tuổi tác. Nó là một "lão khuyển lạc mao"[1] thậm chí mắt đã hơi mờ khó có thể nhận biết những vật ở xa. Sức mạnh của con Đốm là ở tiếng sủa. Giữa đêm thanh vắng, đánh hơi thấy mùi lạ, nó bất ngờ tru lên giống tiếng sư tử gầm làm chính đồng loại của nó cũng sởn gai ốc. Có lần, một gã trộm vặt, chừng canh tư mò vào định khoắng mấy con gà nhép, vừa nghe con Đốm sủa đã thọt dái lên cổ, chạy quáng quàng bổ xuống ao, bị chủ nhà tóm sống. Muốn vào nhà họ Khúc hướng này phải vòng qua cổng chánh hội Hạp. Con Đốm nằm án ngữ trên cao khó có thể qua mặt nó. Thường Rỗ đã có kinh nghiệm vô hiệu hoá những tên lính gác thuộc loại này, bởi trước đây đã có thời hắn theo cả Đĩnh làm nghề ăn sương[2]. Thường không muốn hạ thủ con chó già nên chỉ lấy miếng thịt tẩm thuốc mê quăng vào chái nhà. Mùi thịt nướng thơm phức khiến chú ta khịt khịt mũi quên mất nhiệm vụ cảnh giới. Chỉ ít phút sau nó nằm phục hai chân trước, miệng sàu bọt. Thuốc đã ngấm.
Lê Văn Vận lên tường, men theo rệ ao, lẻn vào chuồng trâu. Lũ chó đánh hơi chủ vẫy đuôi mừng rối rít. Hắn ném cho chúng mấy miếng thịt để phòng bất trắc rồi mở gióng chuồng trâu tìm bà Ba. Thị Lánh bị trói vòng hai tay vào cột, người mềm nhũn như đã chết. Chàng ngư phủ dùng răng tháo dây thừng rồi ghé lưng xốc người tình chạy ra cổng. Hắn đang loay hoay mở chốt thì bất ngờ Khúc Đàm xuất hiện với ngọn mác lăm lăm trong tay. Lão cười gằn:
- Tao đoán không sai, thế nào rồi mày cũng mò về đây.
Vận biết thế nguy, sợ lắm. Hắn xoay người che cho bà Ba, lợi dụng bóng đêm định luồn qua phía bờ ao. Chánh Đàm quát khẽ:
- Bỏ con đĩ xuống, nếu không cả hai đứa đều chết !
Lê Văn Vận lấm lét nhìn trước nhìn sau tìm lối thoát nhưng lúc này họ Khúc đã cảnh giác đứng chắn ngang cổng. Hai bên gầm ghè nhìn nhau như loài thú dữ rình mồi. Lão Chánh không muốn đánh thức cả nhà vì chuyện nhục nhã này còn tay con rể muốn đưa Thị Lánh khỏi làng càng ít người biết càng tốt. Cuối cùng hắn chủ động bảo:
- Ông Chánh .. . để cho chúng tôi đi.
- Câm mồm ! - Chánh Đàm gằn giọng - Muốn sống mày phải bỏ con Lánh xuống.
- Không bao giờ ! - Vận rít lên - Ông trói người ta thế này chỉ từ giờ đến mai là
chết. Tôi xin ông...
- Gớm nhỉ ! Quân phản chủ. Tao sẽ cho chúng mày được toại nguyện.
Khúc Đàm nói chưa hết câu đã phóng ngọn mác vào ngực Lê Văn Vận. Hắn né mình. Cũng may, trời tối, mũi mác chỉ chạm vào cánh tay làm toạc một mảnh da. Hắn lùi vào gốc cây bưởi đặt bà Ba đang còn ngất xỉu xuống đất rồi quờ tay vớ được đoạn tre làm cán cuốc vung lên đỡ ngọn mác. Lúc này chánh Đàm nổi cơn điên. Lão cầm chắc vũ khí bằng tay phải định kết thúc số phận người đàn bà trước rồi sẽ tính sổ với thằng con rể láo lếu. Mũi mác chưa kịp chạm vào Thị Lánh, Khúc Đàm đã bị cây gậy tre đực choảng một nhát vào đầu. Thân hình cao lớn hơi gù của lão đổ xuống như cây chuối bị phạt ngang gốc. Nhờ Thường Rỗ giúp, Vận đưa được bà Ba ra khỏi nhà chánh tổng. Dàn đồng ca của các loại chó trong làng vẫn vang lên bất tận. Nhưng đấy là những tiếng sủa cầm canh báo sự bình yên đã thành thói quen ru giấc ngủ của dân làng Cùa, chẳng ai nghĩ có chuyện khác thường. Ra đến bờ sông, khi hai người đã dìu bà Ba xuống thuyền, Thường Rỗ bảo:
- Thôi chúc cậu ra đi chân cứng đá mềm.
Vận lưu luyến nắm tay chàng bắt ếch:
- Thật không biết lấy gì cảm ơn anh.
Thường Rỗ giục:
- Có thể ông Chánh đã chết. Chuyện án mạng này lớn đấy. Đừng bao giờ về làng nếu thời thế chưa thay đổi.
Vận buông mái chèo khoát nước. Con thuyền nhỏ bé lẫn vào bóng đêm. bà Ba nằm trong khoang vẫn bất tỉnh. Từ một xóm nào đó ven sông có tiếng gà gáy. Đêm đã chuyển canh. Trời bỗng đổ mưa. Màn đêm tối đen. Thỉnh thoảng một con chim lợn bay ngang sông. Tiếng kêu của nó bao giờ cũng báo điềm chẳng lành nghe rợn người. Trên những bụi chuối hoang ven sông, lũ côn trùng rỉ rả ca mãi một điệp khúc buồn thảm lúc nhặt lúc khoan bằng thứ giọng ngái ngủ. Lũ giang chân dài như cà kheo lội bì bõm ngoài bãi sục cá. Xa hơn một chút lũ cò vạc nháo nhác tranh mồi. Chúng cãi nhau bằng thứ thổ ngữ quen thuộc vùng đồng chiêm trũng, nghe gần giống tiếng đàn tranh bị chùng dây hoặc tiếng khen bè của người Mèo có vài ba ống bị dập. ầm ĩ hơn cả là lũ ếch nhái, ễnh ương, chẳng chuộc. Chúng đều ngắn cổ nhưng to họng. Con nào cũng ngoác cái miệng rộng đến mang tai thi nhau gào lên hợp thành bản đồng ca ộp oạp bất tận. Con thuyền của chàng ngư phủ lầm lũi trôi đi trong màn mưa mỗi lúc một dày.
(Xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét