Nhãn

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Trái tim chó (tiếp theo)



Mikhail Bulgacov

Trái tim chó


Chương 3

Cá hồi thái thành từng miếng mỏng, cá chình ướp gia vị đựng trong những chiếc đĩa rộng vành mầu đen in hoa rất đẹp.  Một mẩu pho mát ứa nhựa đặt trên tấm thớt nặng, còn trong chiếc thùng bạc lót tuyết là trứng cá. Một bộ ly mỏng tang và ba bình pha lê đựng vốtka nhiều mầu đứng giữa mấy chiếc đĩa. Tất cả những đồ vật đó bày trên một mặt bàn sứ nhỏ nằm ấm cúng cạnh chiếc tủ buýp phê khổng lồ bằng gỗ sồi chạm trổ hắt ra từng chùm ánh sáng bạc và trong suốt. Giữa phòng là chiếc bàn lớn phủ vải  trắng tinh, trên bàn bày hai bộ đồ ăn, khăn ăn gấp hình mũ giáo hoàng, và ba chai mầu đen thẫm.
Dina mang vào một xoong bạc nắp đậy kín, bên trong có cái  gì đó sôi lèo xèo. Mùi từ trong xoong toả ra khiến miệng chó ngay  lập tức ứa đầy nước miếng đặc sệt. "Vườn treo Semiramiđa?"(*)  nónghĩ và đập đuôi xuống sàn như đập chiếc gậy.
- Đưa lại đây, - Philip Philippovieh háo hức ra lệnh.

- Bác sĩ Bormental, tôi van anh hãy để yên món trứng cá đấy đã. Và nếu  như anh muốn nghe theo một lời khuyên tốt đẹp, thì đừng róc  rượu Anh, mà hãy rót rượu vốtka Nga bình thường ra.
Viên bác sĩ điển trai bị chó đớp - bây giờ anh ta đã bỏ áo choàng, mặc bộ com lê đen lịch sự - khẽ nhún cặp vai rộng, mỉm  cười nhã nhặn và rót thứ nước trong suốt ra.
- Loại đời mới Xô Viết đây à?
- anh ta hỏi.
- Chúa bỏ qua cho anh, anh bạn ạ, - vị chủ nhân đáp. - Đây  là cồn. Đaria Pet rovna tự tay cất vốtka tuyệt vời.
- Không phải đâu, bác Philip Philippovich, mọi người đều nói rằng nó rất vừa phải, ba mươi độ.
- Nhưng vốtka thì phải bốn mươi độ, chứ không phải ba mươi, đó là một, - Philip Philippovich cắt ngang bằng một  giọng giảng giải, - còn thứ hai là, có trời mới biết họ đổ gì vào đó. Anh có  thể nói là họ nghĩ ra những trò gì không?
- Đủ mọi thứ trên đời?
- anh chàng bị đớp quả quyết đáp.
- Và tôi cũng có ý kiến như vậy,
- Philip Philippovich nói  thêm, rồi bằng một cử động của tay hất toàn bộ số chất lỏng đựng  trong ly vào cổ họng mình, - khà - à... Bác sĩ Bormental, xin mời anh, ngay tức khắc cái món này, và nếu như anh nói rằng đây là... tôi sẽ là kẻ thù không đội trời chung của anh suốt đời. "Từ Seviha  đếnGrenanđa... ".
Vừa nói những lời đó, ông vừa dùng chiếc dĩa bạc răng nhọn  chọc lên một miếng gì đấy giống như lát bánh mì mỏng đen thẫm. Người bị chó cắn cũng noi theo gương ông. Đôi mắt của Philip Philippovich ánh lên lấp lánh.
- Cái này tồi lắm hả?
- Vừa nhai, Philip Philippovich vừa hỏi.  - Tồi hả? Anh trả lời đi, hỡi bác sĩ thân mến.
- Cái này vô cùng tuyệt vời,
- người bị đớp chân thành đáp.
- Còn phải nói... Ivan Arnolđovich, anh nên biết là chỉ có đám địa chủ chưa bị những người Bolsevich cứa cổ mới nhắm rượu bằng các món nguội và xúp. Một kẻ ít nhiều biết kính trọng mình nhất  thiết sử dụng các món nhắm nóng. Mà trong số các món nhắm nóng của Moskva thì đây là số một. Trước kia chúng được chế biến  rất tuyệt vời ở chợ Slave. Này, phần nhà ngươi.
- Bác cho chó ăn trong phòng ăn, - một giọng phụ nữ vang  lên, - rồisau đừng có hòng mà đuổi được nó ra.
- Không sao. Con vật tội nghiệp đã đói quá rồi.
Philip Philippovich chìa cho con chó một mẩu thức ăn cắm  vàođầu dĩa, nó đớp gọn khéo léo như làm xiếc, và chiếc dĩa được ném vào chậu sắt tây dùng để rứa bát đĩa.
Tiếp đó, từ các đĩa bốc lên một luồng hơi nước thoảng mùi tôm biển; chó ngồi dưới bóng chiếc khăn trải bàn với dáng vẻ của một người lính gác cạnh kho thuốc súng. Còn Philip Philippovich, nhét góc tấm khăn vào trong cổ áo, tiếp tục giảng giải:
- Việc ăn uống, Ivan Arnolđovich ạ, là hết sức phức tạp. Ăn  phải biết cách, thế mà anh có hình dung nổi không, phần lớn nhân  loại lại không biết cách ăn. Không phải chỉ biết ăn cái gì, mà còn phải biết ăn vào lúc nào và ăn như thế nào. (Philip Philippovich  giơ chiếc thìa lên lắc lắc đầu ý nghĩa). Và nói cái gì khi ăn. Đúng thế. Nếu như anh quan tâm đến sự tiêu hoá của mình, thì đây là lời khuyên tốt lành của tôi: trong bữa ăn đừng nói về chủ nghĩa Bôlsêvích và về y học. Và - cầu Chúa phù hộ cho anh - trước bữa ăn không đọc các báo chí Xô Viết.
- Chà... nhưng các loại báo khác không có.
- Thế thì đừng đọc báo nào hết. Anh biết không, tôi đã quan  sát ba mươi trường hợp trong bệnh viện của tôi, và anh nghĩ sao?
Những bệnh nhân không đọc báo thì cảm thấy thể trạng tuyệt vời.
Còn những ai bị tôi bắt buộc đọc báo chí thì sút cân.
- Chà... - mặt hồng lên vì rượu và đĩa súp, người bị đớp thốt lên thú vị.
- Chưa hết. Phản xạ đầu gối bị giảm, ăn kém, tâm trạng nặngnề.
- Quái thật...
- Đúng thế. Mà tôi nói gì thế này? Tự mình lại khơi chuyện về y học. Tốt nhất là ăn đi.
Philip Philippovich ngả người, ấn chuông, và Dina hiện ra giữa tấm màn cửa mầu anh đào. Chó được một miếng cá chiên lớn, nhưng nó không thích, và tiếp đó là một miếng thịt bò rán tái.  Nuốt miếng thịt bò xong, chó bỗng cảm thấy buồn ngủ và không thể nhìn thấy thêm một thứ thức ăn gì nữa.
"Một tam giác kỳ lạ, - chó nghĩ, sập đôi mí mắt  trĩu nặng  xuống.- mắt mình không muốn trông thấy bất kỳ thứ thức ăn nào nữa. Còn hút thuốc sau bữa ăn là một việc ngu ngốc”
Căn phòng ăn dần dần dày đặc một thứ khói màu xanh khó  chịu. Chó đặt đầu lên hai
chân trước rồi thiếp đi.
- "Saint - Julien" là một thứ rượu vang rất khá, - chó nghe  qua cơn mơ màng, - nhưng bây giờ thì không kiếm đâu ra nữa.
Có tiếng hát đồng ca, bị trần nhà và các tấm thảm làm giảm âm đi, từ đâu đó phía trên và phía bên vẳng lại.
Philip Philippovich bấm chuông, và Dina bước vào.
- Dinuska, cái gì thế?
-- Người ta lại triệu tập cuộc họp toàn thể, bác Philip Philippovich ạ, - Dina đáp.
- Lại họp toàn thể!
- Philip philipovich khổ sở kêu thốt lên. - Thế nghĩa là bây giờ đã bắt đầu, nhà Kalabukhov thế là đi đứt. Buộc phải rời khỏi đây, nhưng thử hỏi đi đâu? Tất cả rồi sẽ cứ thế tiếp diễn. Lúc đầu là tối nào cũng hát, rồi sau đó là ống dẫn nước  trong các phòng vệ sinh đóng băng lại, tiếp sau nữa là nồi hơi trong lò sưởi hơi sẽ nổ tung, và vân vân. Nhà Khalabukhov hết đời nhà ma.
- Bác Philip Philippovich, bác quá phiền muộn đấy.
- Dina mỉm cười nhận xét và mang một chồng đĩa đi ra.
- Nhưng làm sao lại không phiền muộn được!
Philip Philippovich hét to. - Các người có hiểu đó là một ngôi nhà như thế nào
 không?
Bác nhìn sự vật quá đen tối. Bác Philip Philippovich ạ, - anh chàng điển trai bị chó đớp lên tiếng phản đối,  - bây giờ tất cả đều thay đổi rất nhiều.
- Anh bạn ạ, anh biết tôi dấy chứ? Có đúng thế không? Tôi là  một con người sự kiện, con người quan sát. Tôi là kẻ thù của các  giả thuyết thiếu cơ sở. Và điều đó không chỉ ở nước Nga, mà cả  khắp châu Âu đều biết. Nếu như tôi nói một điều gì, thì nghĩa là  đã có một sự kiện nào đấy làm cơ sở, từ đó mà tôi rút ra kết luận.
Và đây là sự kiện: cái mắc áo và cái giá để ủng cao su trong nhà chúng ta.
- Chuyện này thật thú vị...
"ủng cao su là chuyện vớ vẩn. Hạnh phúc đâu phải ở chỗ ủng  cao su, - chó nghĩ. -- nhưng ông ta là một nhân vật xuất chúng".
- Cứ lấy cái giá để ủng cao su làm thí dụ. Tôi sống ở nhà này  từnăm 1903. Và đấy, trong suốt thời gian đó cho đến tháng Tư  năm 1917, không có lấy một trường hợp nào - tôi gạch đít bằng bút chì đỏ để nhấn mạnh không có lấy một trường hợp nào
- ở cổng  chính phía dưới, mặc dù cửa không đóng, lại mất đi dù chỉ là một  đôi ung cao su. Anh nên nhớ là ở đây có mười hai căn hộ, tôi lại  thường xuyên tiếp khách. Tháng Tư năm 1917, vào một ngày đẹp trời, đã biến mất tất cả các đôi ủng cao su, trong đó có hai đôi của  tôi, cùng ba cây can, một áo bành tô và một ấm samôva của ông gáccửa. Và từ đó cái giá để ủng cao su đã chấm dứt sự tồn tại của mình. Anh bạn thân mến ạ. Đấy là tôi chưa nói về lò sưởi bằng hơi nước. Tôi chưa nói. Cứ để đấy đã. Làm như một khi đã có cách  mạng xã hội thì không cần đốt lò sưởi nữa! Mặc dù đến một lúc  nào đó, khi nào rảnh rỗi, tôi sẽ tiến hành nghiên cứu não và sẽ chứng minh rằng toàn bộ các náo loạn xã hội này đơn giản chỉ là  một cơn hoang tưởng bệnh hoạn...(*) Vậy tôi hỏi: tại sao từ khi diễn ranhững chuyện này thì tất cả mọi người đều bắt đầu dẫm những đôi giày, đôi ủng bẩn thỉu luôn lên các bậc cầu thang bằng đá  hoa? Tại sao cho đến tận bây giờ vẫn phải đặt các đôi ủng cao su  trong tủ có khoá? lại còn phải đặt thêm lính gác để không bị một  kẻ nào đó cuỗm đi? Tại sao lại lột các tấm thảm ở cầu thang cổng  chính? Chẳng lẽ Karl Marx lại cấm trải thảm ở cầu thang? Chẳng lẽ Karl Marx lại có nói ở đâu đó rằng cần phải lấy gỗ bịt kín cổng  thứ hai của ngôi nhà Kalabukhov ở Pretristenka để đi vòng qua sân sau? Điều đó cần thiết cho ai? Cho những người da đen bị áp bức? Hay là cho giai cấp công nhân Bồ Đào Nha? Tại sao người vô sản lại không thể để ủng cao su lại phía dưới, mà cứ làm bẩn sàn đá hoa cương?
- Nhưng bởi vì, bác Philip Philippovich ạ, nói chung họ không có ủng cao su. -anh chàng bị đớp rụt rè cất tiếng.
- Đâu có vậy? - Philip Philippovich đáp lại bằng giọng vang  rền như sấm và rót đầy cốc rượu vang.
- Hừm... tôi không chấp  nhận cácloại rượu mùi sau bữa ăn: chúng quá nặng và ảnh hưởng không tốt đến gan... Đâu có vậy? Bây giờ họ đã có ủng cao su, và  đó là ủng... của tôi! Đấy chính là những đôi ủng cao su đã biến mất vào tháng Tư năm 1917. Thử hỏi ai đã lấy cắp nó? Tôi à? Không  thể cóchuyện đó? Tay tư sản Sablin à? (Philip Philippovich chọc ngón tay lên trần nhà). Nói đến chuyện đó đã buồn cười. Chủ nhà  máyđường Polozop à? (Philip Philippovich trỏ ngón tay sang phía tường lên). Tuyệt đối không? Chính những tay ca sĩ đang hò hét kia làm điều đó? Đúng thế!Nhưng ít ra họ cũng nên cởi ủng ra khi  đi lên cầu thang chứ! (Philip Philippovich bắt đầu đỏ bừng mặt).  Họ dỡ bỏ hết hoa ở các bãi đầu cầu thang để làm quái quỷ gì hả?
Tại sao điện, lạy Chúa cho tôi không nhầm, trong suốt hai mươi  năm chỉ tắt hai lần, bây giờ cứ đều đặn mỗi tháng mất một lần?
- Bác sĩ Bormental ạ, thống kê là một sự vật thật khủng khiếp. Là người đã đọc công trình cuối cùng của tôi, anh phải biết điều đó hơn ai hết chứ!
- Kinh tế đổ nát: bác Philip Philippovich ạ.
- Không phải, -- Philip Philippovich bác bỏ một cách dứt khoát, - không phải thế. Van Arnoldovich thân mến ạ, anh là ngườiđầu tiên nên tránh dùng chính cái từ này. Đó là ảo ảnh, là  hoả mù, là sự hư tạo
- Philip Philippovich xoè những ngón tay ngắnngủn, làm cho trên tấm khăn trải bàn hiện ra hai bóng đen giống như hai con rùa ngọ nguậy- Sự đồ nát kinh tế của anh là cái  gì? Một bà già chống gậy? Một mụ phù thuỷ đi đập phá tất cả các  cửa kính, tắt hết đèn? Nói chung nó đâu có tồn tại!
- Anh muốn nói cái gì dưới cái từ đó?
- Philip Philippovich giận dữ hỏi con vịt khốn khổ bằng bìa các tông treo lộn đầu xuống dưới cạnh tủ thức ăn, và tự mình trả lời thay: - Sự thể nó là thế này: nếu như tôi, thay vào việc tiến hành phẫu thuật hàng ngày lại bắt đầu hát tập thể ở  trong căn hộ, thì tôi sẽ có ngay sự đổ nát kinh tế. Nếu như tôi đi  vào phòng vệ sinh, xin lỗi về cách diễn đạt, đái bừa ra ngoài bồn,  và Dina cùng Danh Pet rovna cũng làm như vậy, thì trong phòng vệsinh cũng sẽ có ngay sự đổ nát. Như vậy nghĩa là sự đổ nát không phải ở trong bồn vệ sinh mà ở trong đầu người. Nghĩa là khi những ca sĩ baritôn kia kêu gào "Hãy tiêu diệt sự đổ nát!" - thì tôi chỉ cười. (Mặt Philip Philippovich méo xệch đi khiến viên bác sĩ bị đớp há hốc miệng ra). Xin thề với anh là tôi cảm thấy thật buồn  cười?  Điều đó có nghĩa là mỗi người trong bọn họ cần phải tự nện  vào gáy mình? Và đấy, đến khi nào họ nên bật khỏi đầu tất cả mọi thứ ảo tưởng và bắt tay vào dọn nhà kho - là cái công việc trực tiếp của họ - thì sự đổ nát kinh tế sẽ tự nhiên biến mất. Không thể bắt cá hai tay, thờ phụng hai chúa được! Không thể trong cùng một lúc vừa quét dọn đường xe điện, vừa lo sắp xếp số phận của những người Tây Ban Nha đói rách nào đấy! Sẽ không ai làm được điều  đó hết, bác sĩ ạ, nhất lại là những người nói chung đã tụt hậu so  với châu âu khoảng hai trăm năm và cho đến nay cài cúc quần của chính mình cũng còn chưa thật hoàn toàn tự tin?
Philip Philippovich đã nổi cơn hăng. Hai lỗ mũi diều hâu của  ông thở phập phồng. Tích tụ được sức lực sau bữa ăn no, ông hét  vang rền hệtnhư một nhà ngôn sứ thời cổ đại, mái đầu của ông  lấp lánh ánh bạc.
Những lời của ông  vẳng đến tai chó nửa thức nửa ngủ như  một chuỗi tiếng động ì ầm từ sâu dưới lòng đất. Khi thì con cú với  đôi mắt vàng khè đần độn nhảy chập chờn trong cơn mơ màng, khi thì bộ mặt tởm lợm của lão đầu bếp đội mũ vải không vành cáu  bẩn, khi thì hàng ria ngang tàng của Philip Philippovich được bóng điện dưới thiếc chao đèn chiếu sáng, khi thì những cỗ xe trượt tuyết ngái ngủ nghiến ken két rồi biến mất; còn trong bao tử chó, miếng thịt bò tái bị nhai nát đang trôi nổi trong đám dịch vị và tiêu hoá dần.
“Ông ấy có thể kiếm tiền được trên các buổi mít tinh, - chó  chậpchờn nghĩ, - một tay hùng biện hạng nhất. Mà thực ra, có vẻ như tiền ông ta thế này cũng đã không để đâu cho hết".
- Cảnh sát! - Philip Philippovich hét, - Cảnh sát!! - Có những quả bong bóng nào đó nổ bục trong não chó "u-hu- hu"... - Cảnh  sát! Cần có cái đó và chỉ có cái đó mà thôi. Và hoàn toàn không quan trọng là anh ta mang thẻ hiệu hay đội mũ băng đỏ. Đặt cảnh sát bên cạnh mỗi con người và bắt anh ta phải trấn an những cơn hứng ca hát của các công dân của chúng ta. Anh nói là kinh tế đổ  nát?Tôi nói với anh, bác sĩ ạ, là sẽ không có gì thay đổi theo chiều hướng tốt hơn trong ngôi nhà của chúng ta - mà trong bất cứ ngôi nhà nào cũng vậy thôi - nếu như chưa dẹp được những tay ca sĩ  này!Chỉ có khi nào họ chấm dứt những buổi liên hoan ca nhạc kia thì mọi sự sẽ tự khắc trở nên tốt đẹp hơn.
- Bác nói toàn những chuyện phản cách mạng đấy, bác Philip Philippovich ạ, - anh chàng bị chó đớp đùa, - lạy trời đừng để ai  nghe thấy bác?
- Không có gì nguy hiểm cả.
- Philip Philippovich nóng nảy phản đối. - Không có phản cách mạng nào ở đây hết. Mà nhân thể, đấy lại là một từ mà tôi hoàn toàn không thể chịu nổi. Tuyệt đối không tài nào hiểu được là cái gì ẩn giấu đằng sau nó! Hoạ ma quỷ  mới biết! Và tôi nói thế đấy: trong những lời của tôi không hề có  phản cách mạng với phản cách miết nào hết. Trong những lời đó  chỉ có lẽ phải và kinh nghiệm sống mà thôi.
Nói xong, Philip Philippovich rút góc tấm khăn ăn đã  nhầu nát từtrong cổ áo ra vò thành cục, đặt xuống cạnh cốc rượu vang  uống dở.Anh chàng bị đớp cũng lập tức đứng dậy và cám ơn: "Merci”.
- Đợi cho một phút, bác sĩ
- Philip Philippovich dừng anh lại,  rút từtrong túi quần ra một chiếc ví. Ông nheo mắt, đếm mấy tờ giấy bạc trắng và chìa cho người bị chó cắn, nói:
- Hôm nay của anh, Van Arnolđovich, bốn mươi rút. Xin gửi  anh.
Người bị đớp lịch sự cám ơn, đỏ mặt, nhét tiền vào túi áo vét.
- Tối nay cháu có cần làm gì không ạ, bác Philip Philippovich?- anh hỏi.
- Không, cảm ơn anh bạn. Tối nay chúng ta sẽ không làm gì cả. Thứ nhất, con thỏ thí nghiệm đã chết mất, còn thứ hai, hôm nay ở Nhà Hát Lớn diễn vở "Aiđa". Tôi đã lâu không xem. Tôi thích... Anh còn nhớ không? Khúc song tấu... Tari... ra-rim.
- Làm sao bác có thể kịp làm được mọi chuyện như vậy, bác Phiìip Philippovich?- viên bác sĩ hỏi với vẻ thán phục.
- Người nào không vội vàng đi đâu cả thì làm gì cũng kịp, -chủ nhà lên giọng răn dạy.
- Tất nhiên, nếu như tôi bắt đầu la cà  hết cuộc họp này đến cuộc họp khác và hát hỏng suốt ngày như  hoạ mi thay vào chỗ phải làm công việc trực tiếp của mình, thì chắc tôi cũng chẳng kịp đi tới đâu cả,
dưới ngón tay của Philip Philippovieh, répéter(*) trong túi áo điểm giờ ngân nga.-
 Đã hơn tám giờ... Tôi sẽ đến xem màn hai. Tôi là người ủng hộ việc phân công lao động. ở Nhà Hát Lớn họ cứ việc hát, còn tôi sẽ làm phẫu  thuật của tôi. Như thế mới là tốt. Và không có đổ nát nào hết...  Còn việc này nữa, Van Arnodovich ạ, anh hãy theo dõi thật sát sao nhé: hễ có trường hợp tử vong nào thích hợp là lập tức từ bàn mổ  đưa vào dịch nuôi và đến tôi ngay!
- Bác đừng lo, bác Philip Philippovich ạ, cái bác si giải phẫu bệnh lý đã hứa với cháu rồi.
- Rất tốt.
 Còn bây giờ chúng ta sẽ theo dõi cái tay lang thang suy nhược thần kinh này. Cứ để cho cậu ta lành sườn đi đã.
"ông ấy quan tâm đến mình, - chó nghĩ, - một con người tốt bụng. Mình biết ông ấy là ai rồi. Là một phù thuỷ, là pháp sư, là  tiên ông trong các câu chuyện cổ tích của loài chó... Bởi vì không  thể tất cả những chuyện này do mình ngủ mơ thấy. Hay biết đâu lại là mơ thật? (chó rùng mình trong mơ). Bây giờ mình sẽ tỉnh dậy... Và sẽ không có gì cả. Không cả ngọn đèn bọc tán lụa, không  cả hơi ấm, không cả cái cảm giác no nê. Lại bắt đầu vòm cổng nọ,  lại cái rét đến phát điên phát rồ, mặt đường băng giá, đói khát:  những con người độc ác... Nhà ăn, tuyết... Lạy Chúa, tất cả những cái đó mới khủng khiếp làm sao...”(*)
Nhưng những cái đó đã không xảy ra. Mà ngược lại, vòm cổng nọ đã tan biến đi như một giấc mơ tồi tệ và không bao giờ trở  lạinữa.
Có vẻ như sự đổ nát kinh tế không đến nỗi đáng sợ cho lắm.  Bất kể nó, mỗi ngày hai lần những ống dẫn mầu xám của lò sưởi dưới bệ cửa sổ lại được thay nước nóng, và hơi ấm vẫn  toả lan thành từng đợt sóng ra khắp cả căn hộ.
Một điều hết sức rõ  ràng là: Sarik đã rút trúng được số độc  đắc của loài chó. Bây giờ không ít hơn hai lần một ngày đôi mắt của nó trào đầy thứ nước mắt biết ơn đối với con người thông thái  phố Pretnstenka. Ngoài ra, tất cả những tấm gương đứng giữa những chiếc tủ trong phòng khách và phòng tiếp bệnh nhân đều in bóng một chàng chó đực đẹp mã may mắn.
"Ta là một trang tuấn nhã. Có thể là một hoàng tử chó ẩn  danh, - chó ngẫm nghĩ, không rời mắt khỏi hình con chó đực lông  xù mầu cà phê với bộ mõm mãn nguyện lượn lờ trong cái khoảng  không vô đáy sau những tấm gương.
- Rất có thể là bà nội ta đã dan díu với một chàng thợ lặn nào đó. Vì vậy nên trên mõm ta mới  có một vệt trắng như thế này. Nếu không thì thử hỏi nó từ đâu ra? Philip Philippovich là người rất tinh đời, ông ấy không nhặt bậy  mộtcon chó hoang vớ vẩn nào đâu.
Trong vòng một tuần lễ, chó ta  đã dành chén một khối lượng  thức ăn bằng cả tháng rưỡi chịu đói trước đó ở ngoài phố. Nhưng  tất nhiên đấy chỉ là khối lượng. Về chất lượng bữa ăn ở nhà Philip Philippovich thì khỏi phải nói. Thậm chí không tính tới chuyện hàng ngày Daria Pet rovna mua hàng đống thịt vụn ở chợ Smolen với giá mười tám kôpếch, chỉ cần nhắc đến bữa chiều vào bảy giờ  tối ở phòng ăn mà chó được tham dự - mặc cho Dina kiều diễm hết sức phản đối - cũng đã quá đủ. Trong những bữa ăn đó Philip Philippovich đã vĩnh viễn được tôn xưng là một vị thánh. Chó đứng lên bằng hai chân sau và day day liếm vạt áo vét của ông,  chó nghiên cứu tiếng chuông gọi cửa của Philip Philippovich - hai nhịp chuông mạnh mẽ ngắt quãng đầy quyền uy, - để vừa sủa vừa phóng như tên bắn ra đón ông ở phòng ngoài. Ông chủ bước vào  trong chiếc áo lông cáo bạc với hàng triệu hạt tuyết óng ánh, người  toảra mùi xì gà, cam, chanh, dầu xăng, nước hoa, vải dạ, và giọng  ông như ống lệnh
vang rền khắp căn hộ.
- Con lợn kia, tại sao nhà ngươi lại cắn xé con cú của ta? Nó quấy rầy nhà ngươi à? Ta hỏi, nó quấy rầy nhà ngươi à? Tại sao lại làm vỡ chân dung giáo sư Mechnikov?(*)
- Bác Philip Philippovich ạ, cần phải cho nó ăn roi ít ra là  mộttrận, - Dina phẫn nộ nói. - không thì loạn lên cả mất thôi. Bác  xem kìa, nó đã làm gì với những đôi giày cao su của bác.
- Không được đánh roi ai cả, - Philip Philippovich nghiêm khắc nói. - Hãy vĩnh viễn ghi nhớ lấy điều đó. Với con người cũng  như với động vật chỉ có thể tác động bằng lời khuyên bảo mà thôi.  Đã cho nó ăn thịt hôm nay chưa?
- Lạy Chúa, nó vét sạch cả nhà rồi ấy chứ, bác lại còn hỏi, bác Philip Philippovich. Cháu không hiểu là làm sao nó không vỡ bụng ra đấy.
- Cứ để cho nó ăn... Con cú quậy phiền gì nhà ngươi, hở đồ du côn?
- Ư ư? - Con chó xu nịnh tru lên và  quỳ bốn chân, bò lết bụng trên sàn.
Mọi người hò hét túm lấy cổ nó lôi qua phòng tiếp khách vào phòng làm việc. Chó rên rỉ, tru tréo, bám lấy thảm, trượt mông như trong rạp xiếc. Giữa phòng làm việc, con cú mắt thuỷ tinh nằmtrên thảm, bụng bị xé rách toang để lộ ra những miếng giẻ đỏ nồng nặc mùi băng phiến. Bức chân dung lồng kính vỡ vụn nằm  trên bàn.
- Cháu cố ý không dọn để bác thấy,  - Dina ấm ức báo cáo.
-Nó dám nhảy lên bàn, cái đồ mất dậy này! Và đớp lấy đuôi con cú! Cháu chưa kịp làm gì thì nó đã cắn nát ra rồi. bác Philip Philippovich ạ, Hãy dúi mõm nó vào con cú  để cho nó biết đi phá hại đồ vật lànhư thế nào.
Và bắt đầu cuộc vật lộn. Chó bị lôi đến  đũi mõm vào bụng cú, và nó vừa trụ chân xuống thảm, vừa nhỏ những giọt nước mắt cay  đắngvà nghĩ: "Các người cứ đánh đi, nhưng xin đừng đuổi ta ra khỏi nhà".
-Gửi con cú đến thợ nhồi thú  ngay ngày hôm nay. Ngoài ra, đến  gặp ông Miur mua cho nó một vòng cổ chắc chắn và dây xích.
Ngày hôm sau người ta đeo lên cổ chó một vòng cổ rộng sáng  loáng.Trong giây phút đầu tiên, nhìn hình mình trong gương, nó rất buồn, cụp đuôi lại và lủi vào buồng
 tắm, nghĩ cách ghè vòng cổ  vào rương hay một chiếc hòm nào đó. Nhưng rất nhanh chóng chó  hiểu ra rằng nó là một đứa ngu. Dina cầm dây xích dẫn Sarik đi  dạo trên đại lộ Obukhov. Chó bước đi như một kẻ bị bắt, người  nóng ran lên vì xấu hổ; nhưng khi đi hết phố Pretristenka đến nhà thờ Đấng Cứu Thế, nó đã hiểu ra một cánh tuyệt vời rằng thế nào  là cái vòng cổ ở trên cõi đời này. Trong mắt của tất cả nhưng con  chó nó gặp trên đường đều hiện lên sự ghen ghét điên cuồng ; còn ở
Ngõ Chết, một con chó cụt đuôi người dài ngoằng gâu gâu lên rủa  nó là "đồ theo đuôi quý tộc", "đồ đầy tớ mạt kiếp". Khi Dina dẫn nó bướcqua đường ray tàu điện, một viên cảnh sát nhìn chiếc vòng cổ với vẻ hài lòng và kính trọng; còn khi về đến nhà thì đã xảy ra  điều kỳ lạ chưa từng thấy trong đời: lão gác cửa Pheđor đích thân
ra mở cánh cửa thánh cho Sarik vào, và cũng trong lúc đó lão nói  vớiDina: - Chà, ông Philip Philippovich nhà ta kiếm được cậu xù đẹpthật. Mà béo quá nữa.
- Còn phải nói. Nó ăn bằng cả sáu con cộng lại.
- Dina hồng  hào và xinh đẹp vì mới ở ngoài trời lạnh vào, giải thích.
"Cái vòng cổ cũng chẳng  khác gì cặp giấy trí thức", - chó thầmnghĩ, rồi vừa ngúng nguẩy mông vừa bước theo cầu thang lên tầng hai hệt như một ông chủ.
Sau khi nhận thức được đúng giá  trị của vòng cổ chó liền làm chuyến viếng thăm đầu tiên vào cái  khu vực chính yếu nhất của thiên đường, nơi từ trước đến này nó bị cấm ngặt - tức là vào  vương quốc của chị nấu bếp Daria Pet rovna. Toàn bộ căn hộ cộng  lạikhông đáng giá một góc của vương quốc Daria. Ngày nào cũng  vậy:ngọn lửa réo gào, nổ lách tách trong bếp lò lát gạch men đen  bóng ở trên mặt. Lò sấy cũng nổ lách tách. Khuôn mặt của Daria Pet rovna cháy bừng nỗi đau khổ nóng bỏng không dứt và lòng say mê dục tình chưa thoả, nhờn mỡ bóng lên. Trên mái đầu chải ra  hai bên với lọn tóc mầu bạch kim sau gáy lấp lánh hai mươi hai  viên kim cương giả. Nhưng chiếc chảo vàng treo trên móc khắp các mặt tường; gian bếp toả mùi thơm ngào ngạt, sôi sùng sục, réo ầm  ầm như cháy nhà, còn trên  chảorán thì sủi bong bóng, kêu xèo xèo, trong các xoong nồi, bình lọ đậy kín Trong lò, lửa réo rần rật...
- Cút! - Danh Pet rovna la lên. - Cút khỏi đây ngay, đồ móc túi vô chủ. ở đây chỉ còn thiếu mày nữa thôi? Tao cho que cời lò bây giờ!
"Sao lại thế? Gì mà bà chị sủa lên như vậy? - Chó quị luỵ hấp háy cặp mắt. - Tôi mà là đồ móc túi sao? Chẳng lẽ bà chị không trông thấy vòng cổ đây à?" và chó nghiêng người bò vào cửa,  chõ mõmqua khe mở. nhẩy tâng tâng. Tấm cửa  lò bắn tung ra, để lộ một địa ngục khủng khiếp, nơi ngọn lửa cháy rừng rực sáng chói.
Sarik quả là có bí quyết chinh phục trái tim người. Hai ngày sau nó đã nằm ngay cạnh giỏ cá kình nhìn Daria Pet rovna làm việc. Bằng con dao sắc hẹp bản, chị ta chặt đầu và chân những con gà thông yếu đuối, rồi như một tay đao phủ nổi cơn điên, lôi hết  lòng ruộtra, róc thịt nạc khỏi xương, bỏ vào  máy xay thịt. Trong  lúc đó Sarik nằm nhá đầu gà thông. Daria Pet rovna lấy những ổ bánh mì trắng ngâm nhão trong bát sữa ra nhào trên thớt với chỗ thịt vừa được xay nhỏ, đổ kem, rắc muối vào trộn và bắt đầu nặn  nhữngviên chả.
Buổi tối, vòm miệng lò đá tắt lặng, phía trên tấm màn trắng che một nửa cửa sổ phòng bếp là màn đêm dày đặc và trang trọng  củaphố Pretristenka với một ngôi sao cô đơn. Trong bếp, mặt sàn  bốc hơi ẩm, xoong chảo phát ra những tia sáng đục
bí ẩn, một  chiếc mũ cứu hoả đặt trên bàn. Sarik nằm cạnh lò bếp ấm như sư tử nằm cạnh cổng, vểnh một tai lên tò mò nhìn người đàn ông ria đen mang thắt lưng da rộng bản vẻ kích động đang ôm ghì lấy Daria Pet rovna sau cánh cửa khép hờ trong phòng của Dina và Danh Pet rovna. Toàn bộ khuôn mặt chị ta, ngoài chiếc mũi trát phấn trắng bạch, cháy bừng nỗi đau khổ và niềm khao khát dục tình. Dải ánh sáng lọt qua khe cửa nằm vắt trên mặt người đàn  ông ria đen, một bông hoa hồng của ngày lễ giáng sinh dắt trên  ngực áo của anh ta.
- Cứ quấn lấy như con quỷ ấy, - Daria Pet rovna lầu bầu trong phòng tối mờ.
- Thôi đi nào! Dina sắp về bây giờ đấy. Anh sao thế, cũng được người ta làm cho trẻ  hoá lại rồi à?
- Cái đó thì chúng ta chẳng cần để làm gì, - người ria đenkìm  mình một cách vất vả và trả lời khàn khàn.
- Em đúng là như lửa ấy!
Vào các buổi tối, ngôi sao phố Pretnstenka bị che khuất sau tấm màn cửa dày nặng, và nếu như ở Nhà Hát Lớn không trình  diễn"Aiđa" và không có các cuộc họp của "Hội Phẫu thuật toàn  Nga" thì vị thánh của chó an toạ trong chiếc ghế bành sâu ở phòng làm việc của mình. Đèn trần không bật lên, chỉ có một ngọn điện  mầu xanh lục cháy sáng trên bàn. Sarik nằm trên thảm trong bóng tối và nhìn không rời mắt những việc làm kinh dị. Những bộ óc người nằm ngập trong dung dịch đục nhờ, hăng hắc buồn nôn đựng trong các bình thuỷ tinh. Hai tay của vị thánh xắn cao đến tận khuỷu, đi găng cao su nâu và những ngón tay ngắn trơn bóng hí hoáy lách trong các nếp của bộ não. Chốc chốc vị thánh lại sử  dụng cây kéo nhỏ sáng loáng lặng lẽ cắt những lớp vỏ não vàng mềm mại.
- “Đến đôi bờ sông Nin thần thánh", - vị thánh khe khẽ hát  và cắn môi nhớ lại cảnh bài trí bên trong vàng choé của Nhà Hát lớn.
Các ống dẫn lò sưởi trong giờ này được đốt nóng đến cực độ.  Hơi ấm bốc lên trần nhà, từ đó lan toả ra khắp căn hộ; và con rận cuối cùng, còn chưa bị chính bàn tay của Philip Philippovich thải bắt, sống lại trong bộ lông chó, nhưng dù sao số phận của nó cũng  đã đượcđịnh đoạt. Rồi từ xa vẳng đến tiếng cánh cửa chính mở ra đóng Những tấm thảm làm giảm đi mọi âm thanh lại.
"Dina đi xem xinê, - chó nghĩ thầm trong bụng, khi cô ta về chắc là sẽ bắt đầu ăn tối. Hôm nay hình như là có thịt bê dần".

* * *
Vào cái ngày khủng khiếp đó ngay từ sớm Sarik đã nhói lên  một linh cảm. Vì thế nó bỗng cảm thấy buồn và ăn bữa sáng, - nửa  bát cháo kiều mạch và khúc xương cừu từ hôm qua để lại - không thấy ngon miệng tí nào. Nó ủ rũ lang thang vào phòng tiếp bệnh nhân và ở đó khẽ tru lên với bóng hình mình trong gương. Nhưng đến trưa, sau khi Dina dắt nó ra dạo chơi ngoài đại lộ có hàng cây ở giữa, thì ngày lại trôi đi bình thường. Hôm nay không có khánh vì như thường lệ thứ hai không phải là ngày khám, và vị thánh ngồi trong phòng làm việc, mở rộng trên mặt bàn những cuốn sách  vớitranh vẽ nhiều mầu. Mọi người chờ đến bữa trưa. Chó hơi tươi tỉnh lại bởi ý nghĩ rằng món chính hôm nay sẽ có gà tây như nó đã biết được chính xác dưới bếp. Khi đi qua hành lang, chó bỗng nghe thấy trong phòng làm việc của Philip Philippovich tiếng chuông điện thoại vang lên đột ngột và gay gắt. Philip Philippovich cầm  lấyống nói, lắng nghe một lát rồi bỗng trở nên xúc động.
- Tốt lắm, - giọng nói ông vang lên, - hãy đưa đến đây ngay, ngay bây giờ!
Ông hối hả gọi chuông và ra lệnh cho Dina vừa bước vào cấp  tốc bày bàn.
- Ăn trưa ngay! Ăn trưa! Ăn trưa ngay!
Trong phòng ăn lập tức nghe tiếng đĩa  va vào nhau lách cách,Dina rối rít chạy đi chạy lại, từ trong bếp Daria Pet rovna  làu bàu là món gà tây còn chưa xong. Chó lại cảm thấy bồn chồn.
"Mình không thích sự hỗn loạn trong căn hộ", - nó ngẫm nghĩ... và nó vừa mới nghĩ được như vậy thì cảnh hỗn loạn lại càng  khó chịu hơn. Trước hết là do sự xuất hiện của viên bác sĩ Bormental trước đây từng bị chó đớp. Anh mang đến một va li bốc  mùitồi tệ và cứ để nguyên cả áo ngoài xách nó đi qua hành lang  vào thẳng phòng khám. Philip Philippovich quẳng chén cà phê uống dở xuống bàn, điều trước đó chưa bao giờ xảy ra với ông, và chạy bổ ra đón Bormental - đây cũng là điều chưa xảy ra với ông  bao giờ trước đó.
- Chết khi nào?
- ông hét lên hỏi.
- Ba giờ trước đây, - Bormental. không cởi bỏ phiếu mũ lông  bám đầy tuyết, đáp và mở va li ra.
"Ai chết? - chó cáu kỉnh, không hài lòng nghĩ thầm và rúc vào dưới chân chủ, - mình không chịu nổi khi mọi người cứ cuống quít cả lên”
- Đừng có quẩn dưới chân! Nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên!  - Philip Philippovich quát toáng lên về mọi hướng và bắt đầu, như chó nghĩ, ấn vào tất cả các nút chuông.
Dina chạy đến.
- Dina! Bảo Daria Pet rovna đến trực điện thoại, ghi lại: không tiếp ai hết! Cô cần ở đây. Bác sĩ Bormental, tôi van anh, nhanh lên, nhanh lên, nhanh lên!
"Mình không thích, ôi mình không thích". - Chó giận dỗi tự ái và lang thang đi lại trong căn hộ, còn toàn bộ sự tất bật thì tập  trung vào ở phòng khám.
Dina bất ngờ hiện ra trong tấm áo choàng trắng giống như vải liệm và chạy từ phòng khám vào bếp và ngược lại.
"Hay là ta đi ăn cái gì? Thôi cứ mặc kệ họ",
- chó nghĩ và
bỗng nhận được quyết định bất ngờ.
- Không cho Sarik ăn gì hết, - mệnh lệnh từ trong phòng khám ném ra.
- Có mà giữ được nó.
- Nhốt lại.
Và Sarik bị lùa vào phòng tắm
 nhốt lại.
"Thật đểu cáng, - ngồi trong phòng tắm tối mờ mờ, Sarik nghĩ, - đúng là một trò ngốc..."
Gần mười lăm phút chó ngồi trong buồng tắm với tâm trạng  kỳ lạ - khi thì giận dữ, khi thì chán nản cực độ. Mọi chuyện đều ngán ngẩm, không rõ ràng.
"Được rồi, ngày mai ngài sẽ có giày cao su mới, thưa ngài  Philip Philippovich vô cùng kính mến,- chó nghĩ bụng, - ngài đã mua hai đôi rồi và sẽ phải mua thêm một đôi nữa. Để chừa thói  nhốt chó lại".
Nhưng cái ý nghĩ cuồng nộ đó của nó bỗng bị cắt ngang. Không hiểu vì sao chó bất ngờ và rõ ràng nhớ lại một mẩu thời  niên thiếu của mình -- khoảng sân mênh mông tràn trề ánh nắng ở cửa ô Preobrajenskaia, những mảnh mặt trời trong các vỏ chai  rỗng,một hòn gạch vỡ, những con chó hoang.
"Không, giờ còn đi đâu được nữa, ta sẽ chẳng rời khỏi đây để đến với bất cứ thứ tự do nào đâu, nói dối mà làm gì, - chó khụt khịt mũi và buồn bã nghĩ, ta quen mất rồi. Ta là một con chó quý tộc,  mộtsinh vật trí thức, đã được nếm mùi cuộc sống tốt đẹp nhất. Mà  tự do là cái gì kia chứ? Chỉ là hoả mù, ảo tưởng, là sự hư tạo... Sự
mê sảng của mấy lão dân chủ hẩm hiu...i .
Rồi bóng tối trong phòng tắm trở nên đáng sợ, chó tru dài,  nhảy chồm lên cửa, cào xé.
- Ư-ư-ư! - tiếng tru như hướng vào thùng rỗng vang khắp căn  hộ.
"Ta lại sẽ xé xác con cú ra",
- chó nghĩ trong cơn điên khùng nhưng bất lực. Rồi nó kiệt sức, nằm xẹp xuống một lúc, còn khi đứngdậy, lông trên người bỗng dựng đứng cả lên, vì nó cảm thấy  như trong phòng tắm chập chờn những con mắt sói khủng khiếp.
Đúng vào lúc cơn kinh hoàng lên đến cao độ, cánh cửa chợt  mở ra.Chó rũ mình, bước ra và cau có định đi về phía bếp, nhưng Dina lại túm lấy vòng cổ kiên quyết kéo nó vào phòng khám. Chó  cảmthấy lạnh buốt trong ngực chỗ dưới tim.
"Mình cần đến đấy để làm gì?
- chó hoang mang nghĩ, - bên sườn đã lành rồi, mình chẳng hiểu gì cả.
Và nó trượt bốn chân trên mặt sàn gỗ trơn bóng, cứ thế bị lôi  đi vào phòng khám. Chó lập tức sững sờ trước độ sáng chưa từng  thấytrong phòng. Quả cầu trắng trên trần phát sáng đến nhức  mắt.Một vị thánh đứng trong vầng hào quang rực rỡ và khe khẽ  hátvề đôi bờ thần thánh của con sông Nin. Chỉ qua cái mùi mơ hồ thoang thoảng mới có thể đoán ra đó là Philip Philippovich. Mái  tóc bạccắt ngắn của ông khuất gọn dưới chiếc mũ vải không vành giống như mũ trùm của đại giáo chủ, toàn bộ thân hình vị thánh  đều bận đồ trắng, và phía ngoài bộ đồ trắng đó còn khoác thêm  tấm tạp dề hẹp bằng cao su, hệt như giải khăn choàng của thầy tế. Hai bàn tay của ông đeo găng đen.
Cả viên bác sĩ bị đớp trước kia cũng đội mũ trùm. Mặt bàn  xếpđược kéo dài ra, và áp sát vào bên cạnh là chiếc bàn nhỏ đứng trên một chân sáng loáng. ở đây chó căm ghét nhất là cái người đã từng bị nó đớp, và trước hết là vì cặp mắt ngày hôm nay của anh  ta. Vốn thường ngày nhìn thẳng và táo bạo, lần này cặp mắt đó  lảngcặp mắt chó nhìn đi chỗ khác. Cái nhìn của anh ta căng thẳng,giả dối, và trong đáy sâu ẩn giấu một cái gì đó tồi tệ, xấu  xa, nếu không phải là cả một tội ác. Chó ném cho anh ta một cái  nhìn ảm đạm và nặng nề rồi đi vào trong góc xa.
- Cởi vòng cổ, Dina,
- Philip Philippovich nói khẽ, - nhưng đừnglàm nó sợ.
Cặp mắt Dina cũng lập tức trở nên đểu giả  hệt như cặp mắt  củatay bị đớp. Cô ta bước đến bên chó và vuốt ve nó một cách hết  sức giả dối. Chó nhìn cô ta với vẻ ngao ngán, khinh bỉ.
"Biết làm sao được, các người có những ba. Xin cứ việc, nếu như các người muốn. Chỉ có điều thật đáng xấu hổ... giá như ta  đượcbiết các người sẽ làm gì với ta... "
Dina mở khoá vòng cổ; chó lúc lắc đầu, thở phì phì. Tay bác  sĩ bị đớp vụt đến đứng chắn trước mặt chó, và một mùi nôn nao  khó chịutoả ra từ người anh ta.
"Hừ, tởm quá... Tại sao mình lại choáng váng và hốt hoảng  thế này... " - chó nghĩ và bước lùi xa tay bị đớp.
- Nhanh lên, bác sĩ, - Philip Philippovich nóng nảy giục.
Trong không khí chợt có mùi gì đó  ngòn ngọt và gay gắt. Tay  bị đớp, không rời cặp mắt đểu giả cảnh giác khỏi người chó, vụt  đưa cánh tay phải từ sau lưng ra chụp nắm bông ướt vào mõm chó.
Sarik đờ người ra, trong đầu mụ đi, nhưng nó còn kịp lùi lại. Tay  bị đớp nhảy vụt theo và đột ngột chụp nắm bông vào bịt kín mõm  chó.Ngay lập tức hơi thở bị tắc nghẹn lại, nhưng chó vẫn còn kịp giằng thoát ra một lần nữa. "Quân độc ác..."
- một ý nghĩ thoáng  qua trong đầu chó. - " Vì tội gì?" Rồi nó lại bị bịt mũi. Và bất ngờ  ngay giữa phòng khám chợt hiện lên một mặt hồ, còn trên các con  thuyềngiữa hồ là những con chó vui vẻ, lông mầu hồng chưa bao giờ thấy của thế giới âm phủ. Chân nó như bị rút xương và nó  khuỵu gục xuống.
- Đưa lên bàn mổ! - những lời của Philip Philippovich nổ ra  đâu đó bằng giọng vui vẻ và tan đi trong những tia sáng mầu da  cam.
Nỗi kinh hoàng đã biến mất, thay vào đó là niềm vui sướng. Chừng khoảng hai giây, con chó đang lịm đi cảm thấy yêu mến viên bác sĩ bị đớp. Tiếp đó toàn bộ thế giới đảo lộn trên xuống dưới,  và chó còn kịp cảm thấy trên bụng mình một bàn tay lạnh giá nhưng dễ chịu. Rồi không còn gì nữa hết.

(Xem tiếp kỳ sau)
Nguồn: vnthuquan.net/truyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét