Tổng
thuật thói hư tật xấu người Việt (Phần 2)
Trần Văn Chánh
Nhìn sang nước “đồng văn”: người Trung Quốc
xét tật mình
Các cụ ngày
xưa thường gọi lân bang Trung Quốc là nước “đồng văn”, không chỉ vì Trung Quốc
với Việt Nam đều cùng nằm trong khu vực Đông Á, mà còn có một số điểm tương
đồng về mặt chủng tộc, văn hóa và tâm lý nữa.
Trong thời
hiện đại, cả hai nước lại tiếp tục tương tự nhau về thể chế chính trị, nên thực
tế mà nói, trong việc “xét tật mình”, Việt Nam cũng nên chịu khó tìm hiểu cách
làm của Trung Quốc, để từ đó tham khảo, soi rọi lại mình.
Tương tự tình
hình ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, các nhà Nho tiến bộ và trí thức tân học của
Trung Quốc (như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Đàm Tự Đồng, Hồ Thích, Lỗ Tấn…)
cũng đã từng làm cái việc cấp thiết ấy rồi, nhưng trong thời hiện đại thì chúng
tôi chỉ muốn nhắc đến cuốn sách tiêu biểu Người Trung Quốc xấu xí (Xú lậu đích
Trung Quốc nhân) của Bá Dương một thời gây xôn xao dư luận, đã có bản dịch
tiếng Việt của Nguyễn Hồi Thủ ở Paris năm 1998. Bản dịch ra tiếng Nhật cũng rất
được người Nhật quan tâm theo dõi. Sách gồm 3 phần: 1) Những bài nói chuyện; 2)
Những bài viết; 3) Những bài phê bình (của người khác) về hai phần đầu. Tác giả
sinh năm 1920 ở Trung Quốc, sang định cư Đài Loan từ năm 1949, từng bị Đài Loan
cho ngồi tù 10 năm vì tội “phạm thượng”. Ông được nhiều người biết đến như một
nhà thơ, nhà văn, nhà báo, và nhất là nhà viết lịch sử thông tục. Quyển sách
nêu trên của Bá Dương là tập hợp bản thảo những bài diễn giảng trong một số
trường hợp công khai khác nhau, từ năm 1977, nhưng những bài viết và diễn giảng
của ông phát biểu ở hải ngoại thì đều chú trọng nói huỵch toẹt ra những mặt xấu
xí cũng như căn tính kém cỏi của người Trung Quốc.
醜陋的中國人- Xú lậu
đích Trung quốc Nhân (Người Trung Quốc xấu xi, bìa nguyên bản phat hành lần đầu
năm 1985.) Nguồn: Wikpedia.
Trong sách
này, Bá Dương tiếp cận vấn đề từ cái gốc văn hóa để giải thích nguyên nhân mọi
hiện tượng lệch lạc trì trệ kéo dài của xã hội Trung Quốc. Theo Bá Dương, cả
đời ông (cũng như những người Hoa khác) sống gian nan thì đó không phải vấn đề
cá nhân hay chính trị, nhưng thuộc vấn đề văn hóa:
“Đây không phải là gian nan một cá nhân
đã trải qua, cũng không phải hoạn nạn của riêng thế hệ cá nhân tôi. Nếu chúng
ta không thấu hiểu được cái hoạn nạn này, không hiểu được những nhân tố độc hại
của văn hóa Trung Quốc thì vĩnh viễn chúng ta không thể ngăn ngừa được sự tái
sinh của nó.”
“Kiếp
người trên đời này giống như một cục sỏi trong một máy nhào xi măng, sau khi bị
nhào trộn, thân chẳng tự chủ được. Điều ấy khiến tôi cảm thấy đó không phải là
một vấn đề của riêng một cá nhân nào, nhưng là một vấn đề xã hội, văn hóa.”
“Tôi nghĩ người Trung Quốc chúng ta có phẩm
chất cao quý. Nhưng tại sao cả trăm năm rồi, cái phẩm chất ấy thủy chung vẫn
không làm cho người Trung Quốc thoát khỏi khổ nạn? Nguyên do vì sao? Tôi muốn
mạo muội đề xuất một câu trả lời có tính cách tổng hợp: Đó là vì văn hóa truyền
thống Trung Quốc có một loại siêu vi trùng, truyền nhiễm, làm cho con cháu
chúng ta từ đời này sang đời nọ không khỏi được bệnh.”
Ở bài nói
“Người Trung Quốc và cái vại tương”, ông đã so sánh văn hóa Trung Quốc chẳng
khác một vại tương/ hũ tương (“tương cang”), mà tương chứa trong vại là một thứ
“chất đặc không chảy được, không giống
nước sông Hoàng Hà từ trên trời chảy xuống một tý nào… Nó là một thứ nước ao
tù, lại được để cho bốc hơi, cho lắng đọng nên nồng độ càng ngày càng đông đặc.
Cái văn hóa của chúng ta, cái tiền oan nghiệp chướng như đã nói cũng là như thế
” (bản tiếng Việt của Nguyễn Hồi Thủ).
Nhưng cái chất
chứa trong vại tương đó là gì? Bá Dương giải thích:
“Trong văn hóa Trung Quốc, cái có thể
gọi là điển hình nhất cho cái đặc sắc này là chế độ ‘quan trường’. Thời xưa mục
đích học hành của các phần tử trí thức là làm quan. Cái chữ ‘trường’ nhìn không
thấy, sờ không đụng này được hình thành qua chế độ khoa cử. Một khi người đọc
sách đã lọt vào được chốn quan trường liền ở vào trạng thái đối nghịch với
người thường, với nhân gian. Dưới chế độ đó người đi học cốt chỉ được làm quan,
vì có câu nói rằng trong sách có nhà vàng, có nhan sắc như ngọc. Đọc sách để có
thể làm quan, làm quan ắt có mỹ nữ, kim tiền (…). Xã hội phong kiến đặt cái lợi
ích của những người làm quan lên trên hết, và vì nó đã khống chế Trung Quốc quá
lâu, nên tạo thành một lực lượng và một ảnh hưởng vô cùng lớn.
Về mặt kinh tế không có gì thay đổi đáng
kể, nhưng về mặt chính trị nó đã kìm hãm chúng ta lâu dài trong cái hũ tương
văn hóa đó. Một trong những cái đặc trưng của nó là đặt tiêu chuẩn của giới
quan lại thành một cái chuẩn cho xã hội, biến lợi ích các quan thành cái lợi
chung. Vì vậy nó đẻ ra một thứ ngày nay gọi là “Chính trị thống soái” theo kiểu
nói của Mao, làm cho cái hũ tương văn hóa của chúng ta càng thêm sâu đậm, càng
thêm nồng nặc.
Chìm đắm lâu dài trong cái hũ tương đó,
người Trung Quốc trở thành ích kỷ, nghi kị”. Nghĩa là luôn bị trói chặt bởi
những thói xấu mà chẳng khá lên được.
Ở một đoạn khác, ông viết: “Người Trung
Quốc sống trường kỳ trong cái hũ tương, lâu ngày quá tự nhiên sinh ra một tâm
lý cẩu thả. Một mặt tự đại khoe khoang, còn mặt khác tự ti, ích kỷ.”
Hoặc: “Trung
Quốc là một nước lớn, nhưng người Trung Quốc thật nhỏ mọn và hẹp hòi.” Ông
Bá Dương tái khẳng định:
“Mòn mỏi dưới chế độ xã hội phong kiến
chuyên chế tự bao đời, đắm chìm ngụp lặn trong cái hũ tương đó, óc phán đoán
cùng tầm nhìn của người Trung Quốc đã bị tương làm ô nhiễm nặng, không vượt ra
nổi cái phạm vi ảnh hưởng của nó.”
Rồi đi tới kết
luận:
“Một xã hội có trình độ thưởng thức tức
biết cái hay cái dở, tức không hồ đồ trước bất cứ một sự việc gì; chứ mọi người
cứ ù ù cạc cạc như ở trong hũ tương, bẩn sạch, cao thấp cũng không phân biệt
thì làm sao tiến bộ và phát triển được?”
Bo Yang (Bá
Dương) là bút danh của Guo Yidong [Quách Y Đõng](1920–2008)
Mượn văn hóa
hũ tương (đặc sệt) để hình dung văn hóa Trung Quốc, ông Bá Dương cho rằng “Cái xấu xí của chúng ta là ở chỗ chúng ta
không biết mình xấu xí”. Đây là trung tâm điểm bàn luận về văn hóa Trung
Quốc nhằm mục đích kêu gọi dân tộc Trung Quốc phải tự mình phản tỉnh, vì phản
tỉnh là bước khởi đầu để hướng đến sự tiến bộ.
Khi nói huỵch
toẹt ra các sự thật, ông Bá Dương hoàn toàn không muốn bêu xấu dân tộc mình,
như đã bị một số người chỉ trích. Trái lại, có lẽ vì ông quá yêu nước yêu dân
tộc mình, theo cách nghĩ riêng của ông, tha thiết muốn đất nước tiến bộ, nên đã
không ngần ngại nói thẳng sự thật, chẳng giống một số người Trung Quốc khác, vì
yêu nước (thật hoặc giả) mà cứ cố lảng tránh sự thật khi nói về dân tộc mình
theo hướng chỉ muốn nêu lên những mặt ưu điểm.
Tổng quát, Bá
Dương cho rằng trí khôn/ trí thông minh (linh tính) là một loại phản ứng được
kích phát lên từ sự thiện lương, hòa bình, khoan thứ, nhưng xã hội Trung Quốc
không biết gì tới phải trái mà chỉ kể chuyện lợi hại, không chỉ con người văn
hóa là như thế mà hạng chính khách lại còn tệ hơn thế nữa.
Người Trung
Quốc hiện đang bị ngạt thở vì tiền và quyền, khiến mắt không còn thấy, tai
không còn nghe, đầu óc chỉ biết truyền những tin tức liên quan đến tiền và
quyền, còn lại bất kỳ tin tức gì khác về trí thông minh thì đều bị ngăn trở hết
cả.
Ông cũng cho
rằng, người Trung Quốc là một dân tộc bị thương tổn rất sâu dưới nhiều loại sức
ép, nên chẳng nuôi dưỡng ra được khả năng khen ngợi và đánh giá cao người khác,
trái lại còn phát triển ra hai thứ ngôn ngữ lưỡng cực hóa là nói xấu và nịnh
hót người khác. Muốn người Trung Quốc bồi dưỡng ra được thứ ngôn ngữ lành mạnh,
cần bắt tay từ sự lành mạnh của tâm linh, và như vậy “e rằng cần phải trải qua
một quá trình giáo dục rất lâu dài”.
Tuy có nhiều
lời phê bình chỉ trích nặng nề đối với người Trung Quốc, nhưng căn bản Bá Dương
cho rằng tình trạng vẫn còn có thể cứu vãn được, chưa hết thuốc chữa. Để làm hết
sức mình, Bá Dương cùng bạn bè ông đang tích cực phổ biến rộng rãi tư tưởng
nhân quyền vốn chưa từng có trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, với hy vọng
nhân quyền sẽ có thể trở thành mối quan tâm cuối cùng và lý tưởng cuối cùng của
người Trung Quốc, giúp Trung Quốc thay xương đổi thịt, giống như những nước văn
minh khác, để trở thành một dân tộc có tôn nghiêm và lại biết coi trọng sự tôn
nghiêm của người khác.
Quyển sách,
vốn tập hợp từ những bài nói chuyện và tranh luận, đã ra đời một cách khá vất vả
vì bị ngăn trở đủ thứ. Đầu tiên, năm 1985, nó đã được Lâm Bạch xuất bản xã xuất
bản tại Đài Loan, sang năm sau (1986) mới xuất bản ở Trung Quốc đại lục (do Hồ
Nam văn nghệ xuất bản xã), nhưng do có phong trào học sinh Trung Quốc bùng nổ
năm 1987, toàn bộ sách của Bá Dương đều bị cấm bán, phải đợi đến năm 2004 mới
được cho phép phát hành trở lại.
Được biết, ở
Trung Quốc đại lục có đến 6 ấn bản khác nhau, trong đó bản của Bắc Kinh thời sự
xuất bản xã có nội dung không giống với bản đầy đủ hơn của Hồ Nam văn nghệ xuất bản xã 1986. Về
sau, cuốn Người Trung Quốc xấu xí in ở đại lục năm 2004 (do Cổ Ngô Hiên xuất
bản xã) đã bị cắt bớt một phần nội dung, chủ yếu những đoạn liên quan đến một
số sự kiện lịch sử về Đảng Cộng sản Trung Quốc và cuộc Đại cách mạng văn hóa.
Năm 2008, sách lại được cả hai nhà xuất bản khác tái bản (Nhân dân văn học xuất
bản xã và Viễn Lưu xuất bản sự nghiệp công ty).
Nguyễn Hồi
Thủ(San Jose,
2006). Nguồn: http://www.erct.com/
Đọc Bá Dương,
mặc dù chỉ cần thông qua bản tiếng Việt tài năng và đầy tâm huyết của Nguyễn
Hồi Thủ (chưa được xuất bản chính thức ở Việt Nam), người đọc sẽ thấy ông là
người nói năng cương trực, huỵch toẹt, nhưng lý luận vững chắc, với kiến thức
quảng bác, lời văn hùng hồn, bút lực thâm hậu, khi dẫn chuyện để trình bày vấn
đề gì thì luôn duyên dáng, hấp dẫn, đầy sức thuyết phục, chứng tỏ ông đã suy
nghĩ nát nước về dân tộc Trung Hoa mà ông rất mến yêu. Có lẽ cũng vì vậy mà sau
khi sách xuất bản, bên cạnh số đông người trẻ ủng hộ, so sánh Bá Dương như Lỗ
Tấn với AQ chính truyện , ông đã bị
không ít mũi dùi dư luận chĩa vào. Đáng kể nhất có lẽ là cuốn Nghiên cứu Người Trung Quốc xấu xí (Xú lậu đích
Trung Quốc nhân nghiên cứu) của Lý Ngao, công kích kịch liệt tác phẩm của Bá
Dương.
Họ Lý cho
rằng, cái gọi “Người Trung Quốc xấu xí”
chẳng qua chỉ là một loại ấn tượng cứng nhắc (“khắc bản ấn tượng”), Bá Dương đã
đem cái xấu xí của một bộ phận người Trung Quốc gán ghép úp chụp lên hết thảy
mọi người Trung Quốc, đó là hành vi của một kẻ hèn yếu/ nhu nhược bất tài. Họ
Lý còn bảo chính Bá Dương, kẻ bề tôi hầu hạ cho nền văn học Quốc Dân Đảng mới
là thứ người Trung Quốc xấu xí thứ thiệt!
Ông Bá Dương
đã “kể xấu” gì người Trung Quốc mà bị công kích dữ dội? Nói chung không tiện
liệt kê ra hết, nhưng nếu chỉ dựa theo bài “Người Trung Quốc xấu xí” (diễn văn
đọc tại Đại học Iowa
ngày 24/9/1984) nêu ở đầu sách, thì thấy ông có nói mấy điểm, mà điểm nào cũng
phân tích, chứng minh rất rạch ròi. Từ đây xin trích gọn một số mặt xấu xí do
tác giả nêu ra để làm luận cứ chứng minh cho cái văn hóa vại tương Trung Quốc
của mình:
Một trong
những đặc tính rõ nhất là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào (…). Cho nên có thể nói, mỗi
người Trung Hoa đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên
thì chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở bên dưới thì tài trị quốc bình
thiên hạ có dư. Người Trung Hoa ở một vị trí đơn độc như trong phòng nghiên
cứu, trong trường thi – nơi không cần quan hệ với người khác – thì có thể phát
triển tốt. Nhưng nếu ba người Trung Hoa hợp lại với nhau, ba con rồng này lại
biến thành một con heo, một con giòi, hoặc thậm chí không bằng một con giòi
nữa. Bởi vì người Trung Hoa có biệt tài đấu đá lẫn nhau.
Chỗ nào có
người Trung Hoa là có đấu đá, người Trung Hoa vĩnh viễn không đoàn kết được
(…). Đường đường là một nước lớn, thế mà thay vì có một tấm lòng bao la, người
Trung Quốc lại có một tâm địa thật hẹp hòi… đưa đến một đằng tuyệt đối tự ti,
một đằng tuyệt đối tự kiêu. Lúc tự ti thì thành ra tôi tớ, nghĩ mình không bằng
đống phân chó. Lúc tự kiêu thì thành ông chủ, xem mọi người đều là cứt chó hết
(…) Viết được dăm ba bài văn là đã thành văn hào.
Đóng được hai
bộ phim đã là ngôi sao sáng của nền điện ảnh. Hai năm có được ít chức quyền
nghiễm nhiên có thể cho mình là cứu tinh của nhân dân. Qua Mỹ học được hai năm
đã trở thành một học giả chuyên gia (…). Người Trung Quốc ưa làm quan, phong
kiến, khi phán xét, suy luận, không dùng lý trí mà nặng về cảm tính; xã hội dựa
trên tiêu chuẩn chính trị đạo đức thời phong kiến hủ nho, đặt lợi ích của người
làm quan lên trên. Lâu ngày, những thói tục xấu xa ăn sâu vào “nhiễm thể”, kết
quả là “quả báo nhãn tiền”. Cuộc chiến tranh nha phiến là một thí dụ (…). Dân
vi quý, quân vi khinh (dân là quý, vua là thường), đấy chỉ là một thứ lý tưởng
mà Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện. Người Trung Quốc xưa nay có bao giờ biết
dân chủ, tự do, pháp trị là gì. Tuy có người bảo chúng ta cũng có tự do, có thể
chửi cả Hoàng đế, song thật ra quyền tự do của chúng ta rất có hạn, bị kẻ thống
trị khống chế trong phạm vi cho phép (…) Phạm vi của tự do rất hẹp hòi. Đương
nhiên có thể có cái tự do suy nghĩ vớ vẩn chứ các khái niệm dân chủ, pháp trị
thì hoàn toàn chẳng có (…) Trong bài “Đời sống, văn học và lịch sử” (diễn văn
đọc ở trường đại học Stanford, San Francisco, 1981), Bá Dương liệt kê năm
khuyết điểm:
1) Vì nhân
quyền, nhân tính, phẩm giá con người bị chế độ và xã hội phong kiến chà đạp
trong suốt 5.000 năm, khiến dân không còn lòng tự trọng; cái tự trọng còn lại
chẳng qua cũng chỉ là cái tinh thần tự dối mình như AQ trong truyện của Lỗ Tấn
(…);
2) Sau 4.000
năm chiến tranh liên miên chỉ vì bần cùng, giết chóc, đố kỵ một cách lâu dài
thành ra lòng dạ chúng ta thành hẹp hòi;
3) Chế độ khoa
cử, quan trường, tạo ra một tầng lớp quan liêu chẳng trung thành với quốc gia
lãnh tụ gì cả, chỉ tận tâm tận lực với kẻ cất nhắc nó lên làm quan (…) Cái xã
hội ăn chơi, phù hoa là nơi các quan ra oai, tự nhiên hình thành một hệ thống
tương hỗ bao che giữa các quan với nhau – một quan hệ vô cùng phức tạp (…) đến
độ một người lành mạnh không thể nào chịu nổi;
4) Tinh thần
Nho giáo bảo thủ, khiến xã hội mất hết sức sáng tạo, mất tập quán tự tìm hiểu,
tự phê phán;
5) Trung Quốc
quá đông, nghèo khổ quá lớn, quan trường quá mạnh, cạnh tranh quá khắc nghiệt,
những lý do này sinh ra nơi người Trung Quốc cái hiện tượng bẩn, loạn, ồn, xâu
xé lẫn nhau (…) Tôi cho Trung Quốc là một nước tuyệt đối không trọng lễ nghĩa.
Người Trung Quốc thật thô lỗ… Người Trung Quốc thông minh (…) đến độ khi bị đem
đến lò sát sinh, còn cố cò kè về giá cả của mình, nếu kiếm thêm được vài đồng
thì chết rất hả hê. Cái kiểu thông minh quá cỡ này nhất định sẽ thành kiểu ích
kỷ quá cỡ (…) Người nào mà không suy nghĩ một cách ích kỷ, cư xử một cách ích
kỷ đều bị chế diễu là ngu ngốc (…) Ở những đoạn cuối sách, Bá Dương tiếp tục tố
cáo: Con người là một loại động vật biết cười. Nhưng những cô y tá, những cô
bán vé xe người Trung Quốc lại là một ngoại lệ (…) Trừ phi vứt tiền vào mặt họ,
thì ngay cả ông trời cũng chẳng có thể cậy mồm họ ra cho họ cười được…
So sánh với
nước Mỹ, dân Mỹ, Bá Dương chê dân mình trong chuyện tiếp xúc, giao tế, không
trọng khách hàng, thiếu lễ nghĩa, không biết nói cám ơn, xin lỗi, không biết
xếp hàng trật tự (…) “Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người Trung
Quốc ra cái câu ‘cám ơn ông’ e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của
ông bạn Trư Bát Giới của chúng ta thì không thể được.”
Bằng chứng của
ông về một đất nước thiếu lễ nghĩa, là những nhận xét về cung cách ứng xử của người
Trung Quốc trong các buổi đình đám vui chơi hay tang ma:
Hôn lễ không ra hôn lễ mà biến thành một
loại phường chèo (…) trở nên một thứ miếu đền ồn ào náo nhiệt (…) Và cũng vậy,
tang lễ (…) trở thành một bản sao của cái loại ‘đám cưới văn minh’ đã nói trên
(…). Sự thực, ngay ở nơi quàn xác chết hiển nhiên cũng đã thành chỗ kết bè kết
đảng, lại đương nhiên thành chỗ “xa nhà gặp người quen” thì nét mặt phải tươi
cười rạng rỡ (…)
Nói về các phố
Tàu (trên thế giới Tây phương), ông hạ lời cay độc: Các phố Tàu đã trở thành
những động quỷ nuốt tươi người Trung Quốc, thành nơi chứa chấp vô số người ở
chui không giấy tờ. Ở đó trẻ con hoặc các bà già nhiều khi không có cách nào
khác hơn cách làm việc trong các xưởng quần áo lậu với đồng lương không đủ húp
cháo cầm hơi, chẳng khác gì những nô lệ da đen thuở nào (…)
Than ôi! Trong thế giới này chỉ có cái
thiên tính nhu nhược của người Trung Quốc mới không dám căn cứ trên lý lẽ để
đấu tranh. Nếu có vài người dám làm như vậy thì những con giòi trong hũ tương cho
rằng đấy là những phần tử cực đoan không an phận. Mọi người đều sống theo cái
kiểu “Thôi! Bỏ qua! Bỏ qua đi!”. Cái gì nó qua thì để cho nó qua, quá khứ thì
hãy để cho nó là quá khứ (…)
Về giải pháp,
theo Bá Dương, có thể tóm tắt:
Muốn thay đổi, phải học của người khác
những điều hay tốt ở các nước tiên tiến (…). Nếu như cứ một mực kiêu ngạo hão…,
thì không tránh khỏi sẽ đi vào cái ngõ của sự diệt vong (…)
Nếu chúng ta muốn người Trung Quốc có thể
mở rộng cái tấm lòng nhỏ hẹp ra, chúng ta phải học tập của người phương Tây sự
vui vẻ phóng khoáng, tấm lòng thích giúp người (…). Đứng trước người Tây phương
lễ độ, lịch sự, có thật là chúng ta không cảm thấy thẹn vì mình thấp hèn không?
(…)
Đọc xong cuốn
sách, nhiều người sẽ có thể thấy được, ông Nguyễn Hồi Thủ, tuy chỉ là dịch giả,
chắc cũng có một tấm lòng gần như tác giả Bá Dương khi nghĩ về dân tộc mình,
mới bỏ công ra dịch. Có người còn cho rằng, nếu thử thay tên nước Trung Quốc
bằng Việt Nam (và thay Đài Loan, Đài Bắc bằng Sài Gòn, Hà Nội…), thì người đọc
rất có thể tưởng cuốn sách đang viết về nước Việt Nam, vì sự mô tả, phân tích
có nhiều điểm rất trùng hợp với hoàn cảnh Việt Nam, hay nói khác hơn có quá
nhiều bóng dáng người Việt trong đó, với những nét “xấu xí” phảng phất Trung
Quốc, mà người Việt có thể qua đó tham khảo để tự soi rọi lại mình.
(Còn tiếp)
Nguồn: Tạp chí
Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học và Công Nghệ Thừa Thiên, Huế, Số 3-4
(110-111). 2014. http://skhcn.hue.gov.vn/.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét