Nhãn

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Đọc tập Thơ Việt ở Đức



     Đọc tập Thơ Việt ở Đức
 (NXB Vipen-CHLB Đức)

                                                     Phương An Nguyễn Thụy Kha

Nhân về nước đón tết Giáp Ngọ 2014, nhà thơ Thế Dũng hiện sống ở Đức đã tặng tôi tập “Thơ Việt ở Đức” khá dày dạn gần 500 trang. Cầm tập thơ, tôi nóng lòng muốn đọc ngay xem tâm sự của những tác giả xa xứ xem sao. Đọc một mạch, nhận thấy chảy mạnh mẽ trong toàn tập thơ là những vần thơ ngăn ngắt nỗi ly hương.
Hơn 70 tác giả, hơn 70 giọng thơ khác nhau, nhưng vẫn chung nhau một nỗi nức nở thương nhớ quê hương. Có người chân chất dãi bày, có người điêu luyện bút pháp, song tựu chung, len lỏi giữa những chữ nghĩa vẫn róc rách một ẩm ướt đầy vơi. Đó là một đêm chia tay ở Hòn Gai: “Đêm chia tay mưa bay/ Nước mắt từ mái nhà rơi xuống” (“Chưa trở về phố xưa nơi dốc đứng” của Đặng Ngọc Thanh). Đó là một “Ký ức xuân quê” của Đặng Khắc Thìn: “Trái tim nhảy nhót rộn ràng/ Gõ vào ký ức lòng càng đê mê”. Đó là một âm hưởng kiểu “Thượng thanh khí” của Hàn Mặc Tử: “Linh cảm trời Nam hồn theo mây gió/ Cứ đêm đêm lại mải miết quay về” (“Mộng du” của Đặng Thị Hương). Đó là “Tình phụ tử” của Đào Hùng Vương: “Mẹ im lặng ngước nhìn con không nói/ Nước mắt rơi chảy ngược ở trong lòng”. Đó là niềm ân hận không nguôi: “Con trót thành người xa xứ/ Quay về đò đã sang sông” (“Con trót thành người xa xứ” của Đinh Vũ Long). Và nỗi day dứt chiến tranh cũng của tác giả này: “Hôm nay chẳng thấy bạn đâu/ Chỉ một trận đánh ngàn sau không còn” (“Nhiều khi ta tự hỏi”). Vẫn ký ức rồi lại ký ức của Hoàng Khoa Toán: “Không phải như mơ mà như đang thức/ Ký ức xưa mãi mãi trong hồn” (“Ký ức xưa mãi mãi trong hồn”). Rồi thổn thức một nỗi nhớ Hà Nội: “Hà Nội của tôi những đêm cuối tuần hò hẹn/ Người yêu thương xa như con thuyền rời bến/ Chỉ khát khao mong ước trở về” (“Hà Nội ơi ta mãi mến yêu người” của Hoàng Long). Hay cách vân vi về nỗi buồn kiểu Thi Hoàng “có những buổi chiều chẳng biết cất vào đâu”: “Có những nỗi buồn chẳng biết bỏ vào đâu/ Nên cứ chạy bên em suốt chiều dài năm tháng” (“Có những nỗi buồn chẳng biết bỏ vào đâu” của Hoàng Yến Anh).
Đọc “Thơ Việt ở Đức”, thấy thêm nhiều chia sẻ với những tâm hồn góc bể, chân trời. Vừa đồng cảm với Lê Hoài Phương trong “Ước nguyện ngày đông”: “Co ro từng bước trong đời tuyết/ Bỗng thấy lòng mình sao chơi vơi”, lại thoắt rung động cùng Lê Lương Cẩn trong “Giao thừa”: “Phòng yên lặng nhưng ngoài trời nổi gió/ Phòng ấm hơi nhưng lạnh lẽo ghê người”. Những câu thơ như thế này ở 70 tác giả, tác giả nào cũng có. Nhưng giữa đội ngũ đông đảo ấy, vẫn nhận ra những tác giả có giọng thơ đáng chú ý. Rất đáng trân trọng những thi ảnh của Huy Thắng:
    Tôi về muộn quá rồi ư?
Trời xanh trong vắt cứ như không trời
 (“Lỗi hẹn mùa thu”)

    Môi nồng nàn tự tim nhau quấn chặt
Giọt mật thơ ngọt thấu cả cuộc đời
 (“Hà Nội ơi! Xa rồi mới nhớ”)
Cũng lại nhận ra Thế Sáng rất ngang ngửa kiểu Trịnh Thanh Sơn “Anh ngồi rót biển vào chai”:
Anh rót nốt mùa xuân vào chén
Em kề bên ngả theo cơn gió chiều
 (“Điều chưa kịp nói”)
Về quê anh đường cát mịn phù sa
Những buồn vui … giấu trong từng lỗ đáo
 (“Về quê anh”)
Với Sa Huỳnh – nhà thơ có trách nhiệm tuyển chọn tập thơ này, ta nhận ra giọng điệu rất Sài Gòn qua “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ”, “ Quà tặng Sài Gòn”, “Theo em vào vũ điệu tango”, “Anh thương binh và bài vọng cổ” … Hẳn tác giả phải là một tay khiêu vũ điêu luyện thì mới có thể tả một cách hết sức cuốn hút những giây phút quay cuồng trong vũ điệu tango. Cuốn hút và bất ngờ:
Khi dìu em, người ngả, dáng nghiêng nghiêng
Ấy là lúc toàn thân anh rung đổ
Nhạc tango đã đi vào cuồng nộ
Tai anh ầm, hơi thở của em chăng?
thật thích thú cách ví von về cô bạn nhảy:
Em thoăn thoắt nhịp nhàng như trận đánh
Hiện sau lưng, rồi vụt biến, như tiên!
Sa Huỳnh đã tìm ra được lối đi của riêng mình lách giữa Tô Thùy Yên và Nguyễn Bắc Sơn.
Tôi xin dành một phần của bài viết này viết về nhà thơ Thế Dũng – Giám đốc NXB Vipen. Thế Dũng quê ở Hải Dương, vốn là lính lái xe của Đoàn 559 phục vụ nhiều chiến dịch nóng bỏng từ Quảng Trị mùa hè 1972 cho đến ngày giải phóng Sài Gòn. Anh ra quân và về học khoa Văn Đại học Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, anh về dạy học ở quê hương, sau đó lên làm biên tập tạp chí của Hội Văn nghệ Hải Dương (lúc đó là Hải Hưng). Năm 1989, anh xin đi xuất khẩu lao động ở Đức và ở đó từ bấy đến giờ. Ngay từ khi trong nước, anh đã được dư luận chú ý với bài thơ “Đến bây giờ ta vẫn ở bên nhau” với những câu thơ ấn tượng: “Cây ghita còn mỗi một dây thương/ Năm dây nhớ lên ghềnh tìm chẳng thấy/ Chúi mũi gảy bập bùng hồn nhiên vậy/ Hát bâng quơ thương nhớ bỗng lên mầm …”. Sang Đức, Thế Dũng vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn khá quyết liệt. Anh đã có nhiều tác phẩm bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Đức. Anh đã trở thành Hội viên Hội Văn Bút CHLB Đức (Pen Club). Để có thể cống hiến nhiều cho văn học của cộng đồng Việt Nam ở Đức, Thế Dũng đã lập ra NXB Vipen và tập thơ này đã được NXB của anh ấn hành. Xuất hiện hết sức khiêm nhường như các tác giả khác trong tập thơ, nhưng dù khiêm nhường đến mấy thì bút lực thơ anh vẫn cùng các bạn như Sa Huỳnh, Thế Sáng, Huy Thắng vẫn là những cột chống vững chắc cho toàn tập thơ. Bài thơ “Viết ở cổng thành Brandenburg” là bài thơ đậm đặc thi pháp kiểu Thế Dũng. Vừa sử thi, vừa bi tráng. Vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng. Những câu thơ như găm vào người đọc: “Người như là sông suối chảy về nhau”, “Những mảnh đời vỡ vụn cũng ngân nga”, “Những nỗi buồn sặc sỡ của cô đơn”, “Chân phiêu lãng chợt buồn trên xứ lạ”, “Tôi rong chơi như trẻ nhỏ la đà” …
Gấp lại tập thơ dày dạn của bạn bè nơi xa xứ, càng thấy dù thời đại hôm nay có tân kỳ đến mấy, có ồn ào pop-rock đến mấy, thì thơ, với vũ khí truyền thống của nhịp điệu và câu chữ vẫn rất cần dinh dưỡng tâm hồn người, nhất là những người ly hương như các bạn. Sẽ còn mãi ngăn ngắt, sẽ còn mãi băn khoăn, sẽ còn mãi day dứt hỡi những mảnh đời vật vã trong số phận:
Vé trở về em gửi lá mùa thu
Khói thuốc di cư mịt mù đêm giã biệt
Gió phi trường lạnh ngắt rượu tha hương
Mặt hộ chiếu buồn cười nhạt những biên cương
 (“Những bông hồn chiều nay” của Thế Dũng)
                     Phương An Nguyễn Thụy Kha
                                     Tác phẩm & Dư luận
             Lao Động Cuối tuần Số 16 ra ngafy18.04.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét