Nhãn

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Cuộc chiến ngôn ngữ

 Cuộc chiến ngôn ngữ

Nguyễn Vũ
Thứ Năm,  22/5/2014, 17:28 (GMT+7)
Phóng to
Thu nhỏ
Add to Favorites
In bài
Gửi cho bạn bè

(TBKTSG Online) - Sáng sớm đã nhận những thư không vui. Thư của một nhà khoa học từ miền Tây (vì chưa xin phép nên chưa tiện nêu tên):
“Tôi mới ở Úc về, bên đó thấy mấy đài CNN, BBC đều chiếu cảnh công nhân Trung Quốc nằm trên băng ca được đưa từ máy bay xuống… mà không thấy cảnh tàu Trung Quốc hung hãn xịt vòi rồng vào các con tàu nhỏ của mình ngoài biển Việt Nam. Anh coi làm thế nào để các đài CNN, BBC có băng hình để họ đưa tin khách quan hơn. Công tác tuyên truyền của ta yếu quá!”.

Một thư khác, lần này là từ một nhà ngoại giao đã về hưu người Mỹ. Đầu thư ông kể vừa đọc một bài dạng ý kiến đăng trên tờ Jakarta Post trong đó một viên chức ngoại giao Trung Quốc đang đóng tại Indonesia viết bài sai sự thật về Việt Nam. Lời lẽ của bài báo rất nguy hiểm với người thiếu thông tin kiểu như, “khi bạn đang đọc bài này thì làn sóng bạo lực gần đây ở Việt Nam chưa dịu xuống. Hầu như mọi doanh nhân Trung Quốc ở phía Nam Việt Nam đã là nạn nhân bị đánh đập, cướp phá…”
Nhà cựu ngoại giao nhận xét: “Trong cuộc chiến tuyên truyền, các phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc hơn hẳn phía Việt Nam. Dù họ có xấu hổ vì chiến thuật của Trung Quốc hay hồ nghi về các đòi hỏi [chủ quyền], họ cũng không để lộ ra bên ngoài. Ngược lại Việt Nam có những sự thật hơn hẳn nhưng khả năng tuyên truyền rất yếu; những phát ngôn phải cân bằng giữa con đường lên án xâm lược nhưng phải duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.
Có thể những nhận xét này không tính đến, không biết đến những nỗ lực bên trong của giới có thẩm quyền. Có thể có những cuộc họp thâu đêm suốt sáng để tìm giải pháp tốt nhất cho bối cảnh hiện nay. Nhưng đó là những cảm nhận của người dân trong nước và bạn bè nước ngoài mà giới làm truyền thông nhà nước không thể bỏ qua.
Khi đài CNN phỏng vấn đại sứ Trung Quốc ở Mỹ và ông này đưa ra toàn những thông tin sai sự thật, chúng ta không thể trách cứ CNN vì sao không phản biện, chất vấn lại. Trước hết, phải tự trách mình vì sao không dùng tất cả nguồn lực trong và ngoài nước cho cuộc chiến thông tin này. Nếu chúng ta chủ động đưa hình ảnh công nhân Trung Quốc được chăm sóc như thế nào, nếu các quan chức ngoại giao của chúng ta ở các nước chủ động viết cho báo ở nước sở tại, nói rõ sự thật gì đang diễn ra trên Biển Đông, mặt trận thông tin đã không bỏ trống cho Trung Quốc bóp méo sự thật như hiện nay.
Điều đáng nói là các người bạn thật sự của Việt Nam, mặc dù ngày trước họ có thể hay viết bài mang tính phản biện đối với các chính sách của Việt Nam nhưng hiện nay chính họ đang ra sức truyền đi những thông tin chính xác, nói rõ cho thế giới biết các bước đi rất bài bản của Trung Quốc trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Thế mới biết, gian nan mới thử lòng người; những vị trước đây ồn ào cổ võ cho Việt Nam giờ biến đâu mất hết. Ngược lại những người thật lòng vì Việt Nam trước sau như một dù có phê phán gì cũng đều vì tấm lòng muốn Việt Nam vươn lên, vượt qua khó khăn. Phải hiểu điều đó để đừng bị những lời khen ngợi đãi bôi làm lóa mắt và nghi kỵ những lời góp ý chân thành.
Có lẽ đã đến lúc phải nhìn lại chiến lược truyền thông một cách cặn kẽ hơn. Một thời gian dài những gì mà cơ quan quản lý báo chí thường nhắc nhở các báo là nếu dùng bản đồ Việt Nam nhớ vẽ cho đầy đủ các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc này hoàn toàn đúng đắn. Nhưng chỉ dừng ngang đó hay bị ám ảnh bởi chuyện đó đến nỗi săm soi các lô gô hình bản đồ nhỏ bằng con tem để coi có chấm chấm các đảo không thì quá hình thức và máy móc.
Trong khi đó đến khi hữu sự mới thấy mọi người còn đang rất mơ hồ, ngay cả những khái niệm rất sơ đẳng như lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế. Nhiều diễn đàn cho thấy việc sử dụng từ ngữ chính xác, nhất là bằng tiếng Anh để phục vụ cho việc đối ngoại chưa được xem trọng. Các lập luận và hiểu biết về luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền chưa được luyện tập kỹ lưỡng vì có nhiều thời kỳ chúng trở thành đề tài “kính nhi viễn chi”.
Cũng vì thái độ “kính nhi viễn chi” đó mà chúng ta còn thiếu nhiều nghiên cứu sâu hay toàn diện về nhiều đề tài, nhất là trong mối quan hệ mọi mặt với Trung Quốc. Đến khi hữu sự mới thấy nếu có thông tin nhanh về mọi chuyện, kể cả tin tức về chuyện những kẻ giả dạng công nhân đập phá doanh nghiệp thì ắt đã sớm có giải pháp hơn so với những gì đã diễn ra.
Phải thừa nhận chúng ta đã thua một bước trong cuộc chiến thông tin. Nhưng muộn còn hơn không. Phải bắt tay ngay vào xây dựng một chiến lược cụ thể, trong đó tâm điểm là cung cấp thông tin rộng rãi cho báo chí trong và ngoài nước, kể cả đưa thông tin đúng đắn lên các nguồn phi chính thống như các mạng xã hội.
Quan trọng hơn là xây dựng tinh thần chịu trách nhiệm trong phạm vi mà mình đã được giao phó. Nếu chấm dứt cảnh người này chờ người kia, cấp này chờ cấp nọ, không ai dám tự quyết điều gì mặc dù điều đó về nguyên tắc đã được phân công cụ thể thì chúng ta đã tiến được một bước dài rồi đó.

 Nguồn: thesaigontimes.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét