Nhãn

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Kịch Độc



Kịch Độc

Truyện ngắn của Lương Văn Chi

Chiếc gường cót két như tiếng kêu rên quá tải, không át nổi bản nhạc chuông, báo có cuộc gọi đến của chiếc máy di động để ở đầu giường. Buông cả hai tay đang ôm vai người đàn ông nằm trên, một tay với máy di động, tay còn lại, Thuần đặt dọc ngón trỏ vào giữa đôi môi ông ta, ý ra hiệu im lặng để cô đàm thoại, kịp chặn đứng một câu lầu bầu vì bị mất hứng, suýt văng ra từ miệng ông khách.
- Chịu khó chờ em một tý- Thuần khẩn khoản- Ai mà lại vô duyên thế nhỉ, gọi đúng vào cái lúc…!
Tuy không bật loa ngoài, nhưng tiếng nói của người đàn ông trong máy khá rõ, làm cho ông khách nẩy sinh tò mò rồi nằm im.

Như sợ tốn tiền, người đàn ông phía đầu dây bên kia nói gấp gáp:
- Thuần đấy à, bố đây! Tối nay con về nhà ngay nhé! Chú Định đòi bồi thường vết thương đủ 20 triệu mới rút đơn kiện! Chú không thèm nói chuyện với ai trong nhà mình,  kể cả bố, mà chỉ khăng khăng đòi gặp con! Thế nhé, về ngay con nhé!
Ở đầu kia, bố Thuần cúp máy, không để Thuần nói lại lời nào. Thuần thẫn thờ, vất chiếc máy di động xuống giường.
Ông khách, một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, đủ kinh nghiệm cảm nhận được Thuần đang bị “ choáng ”. Thân thể Thuần lúc này khác gì một cục thịt thiu. Chính bản thân ông ta cũng bị phản cảm. Có cố kỉnh vận động trở lại , thì cuộc vui đơn phương ấy cũng chỉ làm ông thêm mệt. Ông trườn khỏi bụng Thuần, nằm vật ra bên cạnh, cáu kỉnh :
- Sao em không tắt máy?
Câu nói khó chịu của ông khách buộc Thuần phải trở lại công việc. Thuần lật người, áp môi vào má và quàng tay qua ngực ông khách thủ thỉ:
- Em xin lỗi! Chuyện buồn gia đình ấy mà! Cố lên, em chiều…!
- Thôi, mất hứng rồi!- Ông khách ấm ức.
Đối với Thuần, đây không phải lần đầu  tiếng chuông di động vang lên làm gián đoạn cuộc bán mua. Biết vậy, nhưng cô không thể tắt máy, dù điều đó dễ làm khách bực mình. Thường thì, tiếng chuông vang lên có lợi cho Thuần, bởi nó là tín hiệu mà bà chủ quy ước, nhắc cô bằng kinh nghiệm trong nghề, vô hiệu hoá ý đồ kéo dài cuộc chơi của khách, tranh thủ thời gian để tiếp nhận ngay một “ca” mới: một ông khách mới đến đang nôn nao, nhấp nhổm ở quầy bar chờ đến lượt, hoặc chạy sô sang quán bên cạnh, khi bà chủ bên kia điện sang mượn người vì thiếu tiếp viên.
Ông khách đã ngồi dậy, rời khỏi gường và mặc quần áo. Biết ông này là người hiền lành, mất hứng cũng không quát tháo nhặng xị,  Thuần ngồi dậy theo, ần cần cài giúp ông mấy khuy áo, kéo lại cái thắt lưng da để khuy cài nằm đúng giữa bụng, rồi an ủi:
- Thiệt cho anh quá! Lần sau đến, em bù!
Thực ra, Thuần rất thích những ông khách trung niên, tầm tuổi cỡ bố cô trở lên. Giữa cuộc chơi,  khi khoái cảm đã lên đến đỉnh, họ cũng không ngấu nghiến,  ghì xiết như muốn bóp bẹp cô ra một cách thô bạo như lũ trai trẻ. Thậm chí có người còn cao hứng, “bo” thêm cho Thuần cả một phong bì còn dán kín, vốn là xuất của họ trong những cuộc họp thường xuyên nào đó, mặc dù cô không xin.
Ông khách vuốt lại mái tóc, ngắm nghía cân chỉnh tác phong của mình trước gương rồi giơ tay với chiếc cặp da để trên mặt tủ đầu giường. Thuần vội mở cửa phòng, đặt thêm lên má ông ta một cái hôn, nói vuốt đuôi:
- Nhớ nhé, lần sau đến , em khuyến mãi!
Còn lại một mình, Thuần ngồi tựa lưng vào thành giường, hai bàn tay đan vào nhau ôm lấy hai đầu gối, tập trung ý nghĩ để phán đoán, đặt ra những tình huống mà cô sẽ phải đối mặt với ông chú ruột qua thông tin từ cuộc điện thoại của bố. Không muốn lên quầy bar để nhận tiền “bo”, mặc chăn gối rơi toé loe dưới nền nhà.
Cái việc thằng Tâm em trai Thuần dùng dao rựa chém chú Định hai hôm trước tưởng giải quyết đã ổn. Chính Thuần, khi nhận được tin dữ đã cầm ngay một triệu, vốn là số tiền đi khách gom góp từ đầu tháng đến thẳng bệnh viện chi trả tiền chiếu chụp, khâu vá, bông băng. Thậm chí cả xe tắc xi chở chú Định đi về. Những việc còn lại, như bố Thuần nói, thằng Tâm còn dại, chú cũng như cha, việc trong nhà, chắc chú Định không chấp. Yên tâm, Thuần trở ra phố kiếm tiền.
Ai ngờ bây giờ chú doạ kiện cáo, lại còn ra giá hai mươi triệu bồi thường mới chịu rút đơn. Mà chú thừa biết nhà Thuần, một dạng dân quê kém cỏi, đào đâu ra hai mười triệu để đền cho chú.
Thuần thoáng giật mình. Đã bốn năm, bố mẹ và người làng chỉ biết Thuần ra phố làm công nhân giầy da, một công việc khá hấp dẫn với những gái quê như Thuần. Liệu có phải tháng trước cô cho tiền bố mẹ láng lại cái sân đất lầy lội, mốc meo bằng xi măng cát, thay nền nhà bằng đá hoa Trung quốc và lắp một máy điện thoại cố định. Những chi tiêu đó của Thuần phải chăng đã mách bảo cho mọi người biết rằng: cô làm ra nhiều tiền. Dân quê hay soi mói, mới vài năm đi làm cho một công ty ẩm ương, vài trăm nghìn đồng lương tháng, lại nhỡ việc luôn luôn, Thuần lấy đâu ngần ấy tiền cho bố mẹ làm được ngần ấy việc trong một lúc? Không khéo chú Định đã biết cô ra tỉnh làm điếm, quyết ra tay điểm huyệt, mượn cớ ăn vạ, khăng khăng bắt bố gọi cô về, để cô bịt miệng chú bằng hai mươi triệu. Nếu đúng vầy thì Thuần sẽ tính chuyện với chú sao đây?
*
Chẳng biết may mắn hay vô duyên, chỉ cách thành phố chưa đầy 15 km, làng quê Thuần vẫn giữ được sự yên ả, kiểu làng quê Việt Nam mấy chục năm về trước. Cho dù đất nước mở cửa đã lâu, chẳng có một công ty liên doanh liên kết nào tìm về đất này toạ lạc. Mỗi lần về quê, đến gần cổng làng, Thuần thường đạp xe chậm lại. Cô muốn nhìn thật lâu biểu ngữ “Làng văn hoá” chữ vàng nền đỏ căng ngang cổng chào. Chỗ ấy, thời niên thiếu, Thuần cùng đoàn học sinh váy xanh, áo trắng, cổ tung bay khăn quàng đỏ, bước đều trong tiếng trống ếch nhịp ba,  giưa rừng cờ hoa cùng cả làng ra đón biểu tượng cao quý này. Niềm tự hào về quê hương mình còn mãi trong lòng Thuần, nghĩ đến là tim cô đập nhanh hơn, người râm tan như kiến đốt. Chả thế mà mỗi khi  “thấy tháng”, không đi khách được, Thuần thường về quê, tránh được mấy ngày nhộn nhạo của thành phố, giúp đỡ bố mẹ vài việc đồng áng, tích luỹ sức lực, chuẩn bị cho những cuộc vật lộn hai mấy ngày sau.
Thuần dự định, khi kiếm được một số vốn, con người cô đã rạc dài, Thuần sẽ bỏ nghề về quê sinh sống. Dưới luỹ tre xanh làngThuần là một vùng đất thanh bình, tàng ẩn trong đó là một lớp thợ cày có học, được tôi luyện trong thời kỳ hợp tác hoá, cơ mưu và bản lĩnh.
Ngày Thuần đang học lớp 5, nhân lúc thím Định đi vắng, một bà buôn sắt vụn đi qua. Chú Định gọi vào, chỉ góc vườn khuất sau nhà nói: dưới đất có chôn vỏ nửa quả bom, vốn là cái kẻng thời hợp tác xã quê Thuần còn đang hùng mạnh vào loại bậc nhất tỉnh nhà, chú ăn cắp và chôn tại đó. Chú quơ cành chè rào vạch trên mặt đất một hình chữ nhật rộng cỡ cái chiếu đơn, đánh dấu vị trí. Tưởng thật, bà sắt vụn cầm cuốc bổ cật lực. Khi đào rộng bằng lỗ huyệt và sâu cỡ hai gang tay, bà chè chai thấm mệt, chống cuốc đứng thở. Bất ngờ, chú Định từ đằng sau xông tới, vật ngửa bà ta nằm gọn trong lỗ vừa đào, một tay lột quần. Cũng may, bà chè chai khá khoẻ, mặc dù nằm dưới bà ta vùng vấy bổ ngược cái cuốc vào mông chú, miệng la làng kêu cứu. Vài  người xúm đến, bà ta được giải thoát. Việc này sau trở thành giai thoại. Bất cứ bờ tre, gốc đa người làng ngồi túm năm tụm ba, thầm thì to nhỏ  với nhau, thỉnh thoảng lại đồng thanh phá ra cười rũ rượi. Chuyện này lan sang các làng lân cận, trở thành nỗi sỉ nhục của họ tộc nhà Thuần, đến nỗi, mỗi khi đến trường, mấy đứa bạn cùng lớp ồ lên: “ Đi buôn sắt vụn nào” Thuần đã thấy chạm nọc, liền tìm cớ lủi biệt.
Một thời gian sau, vào lúc nhá nhem tối, chú Định đi ngang qua  bờ râm bụt của nhà hàng xóm bỗng nghe thấy tiếng nước dội ào ào. Chú vạch bụi dâm bụt nhìn vào: cái nhà tắm được quây tạm bợ bằng cót, thủng một lỗ như cái rá, phơi ra toàn bộ phần kín đáo nhất của thân thể bà hàng xóm. Người rạo rực như phát sốt, hai đầu gối như bị rút gân quỵ xuống, chú lách bụi dâm bụt bò vào. Không may cho chú, con chó lai Nga ngửi thấy hơi người lạ, từ trong nhà phi thẳng ra bụi dâm bụt sủa ngậu lên. Chú Định lồm cồm lùi dần, rồi chạy. Con chó phóng theo đớp một miếng chí mạng vào bắp chân chú, kéo xoạc một mảng quần. Ngày hôm sau, nhìn chú tập tễnh vác cày ra đồng, bà hàng xóm nổi đoá, chõ thẳng vào mặt chú, cứ “Định dê” mà chửi, rồi cho chú ăn no nê, thoải mái, những thứ mà đàn bà, con gái một tháng mới “chiết xuất” ra được một lần. Cái tên “Định dê” bắt đầu từ đó.
Lại một thời gian nữa, cái con điên đầu tóc bù xù dính cả lá bánh, cọng rơm, giấy gói kẹo, quần áo cũn cỡn, rách tua rua như bị cá rô đớp, phơi ra cái rốn lồi, đen nhoẻn như lõ loa, ngày ngày xin ăn ở chợ làng, tối về thì chui vào miếu thổ thần để ngủ, bỗng mang thai. Nhiều người phát hiện dạo này chú “Định dê” lại sắm đèn soi ếch., đêm đêm thường đi về hướng miếu, cả những đêm không mưa. Người làng lại túm năm tụm ba, bàn tán xôn xao tác giả bào thai đích thị là chú Định của cô.
Cái  máu chơi gái kiểu “ma bùn” của chú Định có đất dụng võ, khi cái thị trấn cách làng Thuần hơn cây số mọc lên  mấy quán karaoke và thư giãn đấm lưng, thực chất là những nhà chứa trá hình nhằm phục vụ cho con em nông dân các làng lân cận. Để phỉ chí tang bồng, chú Định bỏ ruộng lên thị trấn thuê nhà, bên ngoài bán nước, bán đề,  bên trong mở mấy chiếu bạc cho các cụ trong Hội người cao tuổi thị trấn có nơi kín đáo mà sát phạt nhau sau những cuộc hội họp để thu hồ. Có tiền, chú thả sức ăn chơi. Mấy chục ả ca-ve của những quán quanh đó chú đã “xài” hết. Thèm “hàng” mới, một tuần đôi ba lần chú phóng xe ra thành phố, vô tình mò cả đến quán Mỹ Duyên, nơi Thuần làm gái từ ngày ở quê ra.
Một lần, sau khi đi khách xong, cô cầm tiền bo định đi lên quầy bar thanh toán với bà chủ, bỗng Thuần khựng lại bởi tiếng nói ngàn ngạt của người bị bệnh hen mãn tính nơi phòng chính. Qua cửa sổ, Thuần thấy chú Định đang ngắm nghía, bẹo má mấy chị em cùng làm. Mặt Thuần hết máu, trắng bệch, thân thể nhũn ra như cây mùng héo. Cô nín thở, lùi vội vào cái buồng bỏ không, nơi chứa mấy cái gường gãy và mấy bộ đệm rách. Chờ cho chú Định đưa gái vào phòng, Thuần mới lẻn ra, nói dối bà chủ quán là có việc gấp, rồi dắt xe phóng thẳng về nhà trọ, nghỉ hẳn, không dám bén mảng đến quán Mỹ Duyên cả ngày hôm đó.
Rất may cho Thuần, mấy ngày sau đó, sới bạc chú Định bị công an phục kích bắt quả tang. Ngoài nợ nần chồng chất, chú phải chịu cái án phạt tù một năm rưỡi. Con đường ăn chơi trác táng của chú Định tạm thời khựng lại.
Ra tù, chú Định đi thẳng về nhà mình, ngủ đẫy một đêm. Sáng hôm sau chú lấy ở góc bếp một con dao rựa đã han rỉ. Chú mang ra bờ ao, nơi có cái thớt trên của cái cối xay bộ bị vỡ vẫn dùng làm đá mài, hùng hục mài suốt một buổi sáng, cho đến lúc sáng loáng mới thôi. Chú xách dao đi thẳng sang nhà Thuần, đứng sững giữa cửa, trong lúc bố Thuần đang ngồi bên bàn nước, tuyên bố một câu xanh rờn:
- Việc chia đất của các cụ ngày xưa là bất hợp lý. Không lẽ nào vì cái chuyện anh chui ra trước tôi, đã được ở phía ngoài lại còn được thêm 20  mét bờ tre chạy dọc đường làng. Tôi lấy lại năm mét để mở cái quán kiếm ăn.
Chẳng đợi bố Thuần đồng ý, chú Định đi thẳng ra bờ tre, xắn tay áo vung dao như múa. Cành tre, lá tre bay tơi tả như gặp gió to.
Dù hiền lành, bố Thuần cũng không thể nào chấp nhận được sự sấc xược vô lối của thằng em trai. Ông nhào ra bờ tre, đứng chặn trước mặt chú Định, quát lên :
- Dừng tay!
Không đếm xỉa đến lời ông anh, con dao trong tay chú Định vẫn vung lên, hạ xuống liên tục, ánh nắng lấp loá phản chiếu từ con dao như nhảy múa, như trêu ngươi bố Thuần.
Biết tiếng quát của mình không đủ uy lực chặn tay thằng em ngang ngược, bố Thuần lựa thế nhảy vào, dùng cả hai tay nắm chặt cổ tay cầm dao của chú. Hai bên giằng co xô đẩy nhau, cuối cùng con dao rơi đánh “keng” xuống đường làng bê tông, vừa lúc thằng Tâm đạp xe về.
Nhìn bờ tre bị chặt nham nhở, nhìn cái ngõ ngổn ngang những tay tre, nó hiểu chuyện gì đã xảy ra.  Hất xe đạp vào bờ tre, nó nhảy tới,  trong lúc chú Định  đã gỡ tay cầm dao của mình khỏi tay ông anh.  Một tay túm chặt cổ áo bố Thuần, tay kia co lại, dùng miếng võ điêu luyện chú học được trong tù,  thoi một quả đấm chí mạng vào mặt ông anh.  Máu mũi, máu mồm bố Thuần ộc ra.
Thằng Tâm chụp con dao dưới đất, nhảy đến chỗ hai người, vung lên, quát:
- Buông bố tôi ra !
Đang say máu, chú Định co tay, định bồi tiếp cho ông anh một đấm nữa. Không may, bắp tay phải của chú lúc thu về bén đúng lưỡi dao mà thằng Tâm vừa dứ. Một mảng áo rách toạc, một mảng thịt bắp tay bị lật, máu đỏ túa ra.
*
Thuần về đến nhà lúc trời sập tối. Cô cẩn thận dắt xe đạp vào góc nhà rồi ngồi xuống mé gường kê bên cửa sổ, vốn là chỗ ngồi thân quen từ ngày còn thơ ấu. Cô thường ghé môi qua song cửa trêu chòng chú Định, mỗi khi chú ra ao rửa rau.
Thấy Thuần về, khuôn mặt dúm dó của bố Thuần như nở ra, lấp lánh nét vui mừng vì đã có cứu tinh. Nhìn đôi vai gày trong lần áo mỏng của con gái cứ dướn lên sau mỗi lần thở gấp, ông không vội nói ngay, mà chỉ ngồi bên bàn lẳng lặng nhìn Thuần. Chiếc điếu cày dựng nghiêng trong cái thùng sơn cũ xoay đi xoay lại bởi mấy đầu ngón tay ông. Cuối cùng ông vo viên một điếu, ấn vào nõ rồi bật lửa. Khói thuốc còn vẩn trước mặt, ông húng hắng ho vài tiếng, ề à:
- Con Lan xóm trên, bạn học với mày, đẻ đứa thứ hai rồi đấy! Lại con trai !
Câu nói của bố có hàm ý nhắc nhở đến duyên phận của Thuần không đạt hiệu quả mong muốn và làm rối thêm những suy nghĩ trong lòng cô. Thuần bực mình cấm cảu:
- Bố nói chuyện ấy ra lúc này làm gì!
Bố Thuần ớ ra, mặt tóp lại. Cái yết hầu như củ ấu trên cần cổ nhăn nhúm chạy lên tụt xuống rối loạn trước phản ứng của con gái. Biết mình lỡ lời, cô đưa mắt lấm lét  nhìn bố đang dùng bàn tay đen đúa, lúng túng đưa lên xoa cằm, cô bỗng chạnh lòng. Đã không biết bao nhiêu lần, Thuần dùng bàn tay nhỏ nhắn của mình giữ chặt bàn tay của những ông khách, không cho họ tiến sâu hơn nữa  trong lúc họ đang cuồng dại. Những bàn tay cầm bút nên mịn màng và mềm dẻo biết bao, khác hẳn bàn tay chai sần của bố cô. Cũng là đàn ông, nhưng so với họ, bố cô cả đời chỉ biết lội ruộng, ngoài mẹ Thuần, không biết đến người đàn bà nào khác. Thuần  muốn chạy đến ôm lấy bố mà gào lên một tiếng thật to : “ Bố ơi !”.
Thuần sẽ sàng hỏi bố như chuộc lỗi:
-    Chú Định đòi con sang hả bố!
-    Ừ! Chú ấy không thèm nhìn mặt bố mày, không thèm nhìn mặt ai trong nhà này. Đào đâu ra hai mươi triệu bây giờ hả con!- Bố Thuần rên rỉ.
Thuần băn khoăn:
-    Sao lại phải là con? Việc này là việc của cha chú cơ mà!
-    Bố cũng không hiểu!- Ông ngập ngừng- Hay chú biết mày làm công nhân giày da lắm tiền…!
Thuần cười khẩy, đưa mắt nhìn ra mảnh sân tối thui, rồi lặng lẽ quay vào, ngước mắt nhìn lên bàn thờ gia tiên. Một lá trầu héo quắt rũ xuống, quặp vào miệng đĩa đựng hoa quả. Thuần len lén đi đến, cô dùng khăn lau mặt ban thờ, rồi kính cẩn thắp ba nén hương. Khi các đầu hương đã cháy đỏ, cô quay lại hỏi bố, giọng thăm dò:
-    Thím Định và hai em Linh, Huyền không có ý kiến gì sao?
Bố Thuần chép miệng:
-    Thì mày cũng biết rồi đấy! Chú ấy đã làm gì, vợ con đố dám ho he. Ngay như việc bỏ ruộng lên thị trấn thuê nhà dạo trước…
Lặng đi một lúc như dành thời gian cho Thuần định liệu, bố Thuần ngần ngừ:
-    Tối nay thím và hai em lại về ngoại có giỗ…
Thuần ngẩng đầu nhìn bố một lần nữa rồi dứt khoát:
-    Thôi được, con sang!
Thuần quầy qủa đi thẳng ra ngõ. Đến cổng nhà chú Định, cô ngập ngừng dừng lại, ngửa mặt nhìn lên nền trời quê tối đen như bùn, lẳng lặng hít một hơi thật sâu, rồi kiên quyết đẩy cổng bước vào.
Chú Định đứng sững giữa nhà, không để Thuần kịp chào hỏi, chú gầm lên:
-    Mày được lắm! Đã thế thì tao nói thẳng. Giữa tao với gia đình nhà mày từ bây giờ không còn anh em, chú cháu,  máu mủ ruột rà gì hết! Nó chém tao gần lìa cánh tay ra thế này - chú Định giơ cánh tay băng bó vào mặt Thuần, rồi ông ta cúi xuống gầm bàn, cầm lên một vật dài bọc ngoài bằng một tấm giẻ rách bẩn thỉu. Ông ta bỏ tấm giẻ, cầm con dao rựa dí thẳng vào mặt Thuần:
- Tang chứng đây! Muốn cứu nó khỏi tù thì “nôn” hai chục triệu ra!
Bị đòn phủ đầu, mặt Thuần tái dại, đôi môi hồng đổi sắc nhợt nhạt, mấp máy định phân trần vài câu thì người chú giơ cánh tay còn lành xua lia lịa:
- Khỏi trình bày! Tao thừa biết mày có tiền, nhiều tiền là khác! Cả nhà mày, cả làng này chỉ biết mày làm công nhân giày da, nhưng tao biết mày ra tỉnh làm điếm. Mỗi ngày tiếp hàng chục khách, kiếm mấy trăm nghìn…Có thế mày mới có tiền sửa nhà, lắp điện thoại cho bố mày chứ!
Thế là đã rõ. Cái điều mà Thuần nơm nớp lo sợ bấy lâu đã được nói ra từ miệng chú cô. Hẳn rằng những lần đến chơi gái ở quán Mỹ Duyên, dù cô đã trốn và đã thay tên đổi họ ngay từ lúc vào nghề, vẫn không sao thoát khỏi sự tinh ma và bề dày kinh nghiệm ăn chơi của chú mình. Nó như một đòn chí mạng, đập tan hy vọng của Thuần hòng bám víu vào tình chú cháu, máu mủ mà giải cứu cho thằng Tâm khỏi tù và cô khỏi mất tiền. Chú đã biết Thuần làm gái, vậy mà chú còn nhẫn tâm và đểu cáng cướp lại những đồng tiền nhơ nhớp ấy của cô. Thuần lảo đảo quỵ xuống. Phản xạ tự nhiên như những ngày đầu đi khách còn xấu hổ, cô giơ cả hai bàn tay lên che mặt, gào lên, khản đặc:
-    Chú ơi!…
Chú Định cong người, giơ cánh tay lành giật phăng hai tay đang ôm mặt của Thuần, chỉ vào mặt cô xỉa xói:
- Mày vừa sướng, vừa được tiền, thì mày phải biết tiêu tiền đúng miếng- Chú Định dằn giọng, tiếng nói rít qua kẽ răng- Mày chi ra, không thiệt đâu! Ngoài việc cứu em mày khỏi tù, tao thề sẽ giữa kín, không hé răng để một người nào làng này biết mày ra tỉnh làm phò! Sướng chưa, nhất chi lưỡng việc. còn gì!
Thuần bị điểm huyệt. Cô ệp xuống, dúm dó như một con gà nhép dưới bóng tối của đôi cánh con diều hâu từ trên cao chớp xuống. Cái điều cấm kị, tuyệt đối cấm kỵ, hòng giữ thể diện cho bố mẹ và dòng họ mà cô ém nhẹm trong dối trá mấy năm nay, không khéo bị ông chú ruột lật tẩy, phô bày ra giữa làng nước. Trong cái mười phương của đời làm đĩ, cái phương duy nhất còn để lấy chồng,  có nguy cơ bị người chú vô lương tâm đóng lại. Thuần đang trở thành vật hy sinh cho một chuỗi sai trái mà những người ruột thịt với cô gây ra,  và đích thân chú ruột tống tiền Thuần, những đồng tiền mà ông chú quý hoá của cô cho là từ sướng mà ra.
Ôi, chú của cháu ơi! Đâu rồi cái ngày cháu học vỡ lòng, chú hớn hở khoác lên người cháu cái áo phin hoa cổ cánh sen, mua bằng tiền bán lứa rau đầu tiên trong vườn nhà, rồi bồng cháu lên vai, đi nhông nhông trước con mắt ước ao, thèm muốn của những đứa trẻ cùng lớp…
Cô ngẩng đầu nhìn thẳng vào mặt người chú như tìm lại gương mặt ngày xưa. Dưới ánh đèn vàng quạch, khuôn mặt chú Định xù xì, nham nhở với mớ tóc dựng đứng, tựa gốc cây bị bật bên đường.
Lo sợ đến đắng họng làm cô như tắc thở. Thuần trợn trừng nhìn chú Định đang lồng lộn như một con sói mà nước mắt cứ tràn ra trên má. Trời ơi, lẽ nào như thế! Đành rằng là người, Thuần phải kiếm tiền, nhưng chỉ bằng cách của mình thôi, không làm hại ai khác. Còn đây: người chú đáng phải kính trọng của cô lại kiếm tiền bằng cách đánh trúng điểm yếu của người thân, của con cháu. Vì tiền mà chà đạp cả tình cả nghĩa, thậm chí đến vô nhân như thế này!
Không ! Không thể nào như thế! Chút hy vọng yếu ớt ngọ nguậy trong lòng Thuần, làm sáng rõ một dự định trắc nghiệm về sự còn mất của tình ruột thịt trong con người chú Định, mà cô manh nha từ lúc ngồi một mình trong cái phòng của quán Mỹ Duyên. Thuần cũng linh cảm được kế hoạch mà cô vạch ra để đối phó với chú Định là cực kỳ nguy hiểm, bởi con người bạo dục và thành tích bất hảo của chú. Nhưng mặc,  cứ phải hành động đã! Nếu chú Định thực sự súc vật, cô sẽ tự giải cứu mình, không bao giờ để việc ấy xảy ra. Hất thẳng mớ tóc rũ rượi bết nước mắt ra sau gáy, Thuần vụt đứng dậy, sấn đến trước mặt ông chú. Là phụ nữ, nếu buộc phải đánh trả sự vô nhân, thì nên dùng biện pháp vô loài!
Cách người chú cỡ bước chân, Thuần dừng lại, đầu cúi xuống, hai bàn tay chắp trước ngực, cô thẽ thọt:
-    Chú ơi!  Cha cháu nghèo hèn, chúng cháu bé dại tội nghiệp, cầu xin chú nghĩ lại…
Không để cô nói hết, chú Định trừng mắt:
- Im đi, khỏi nhiều lời! Tao nói rồi! “ Nôn” hai mươi triệu ra đây!
Thuần rên rỉ:
- Nhưng chú biết rõ mà, những đồng tiền của cháu…
- Mặc mẹ mày, tao không cần biết! Tiền nào cũng là tiền. Có chịu “nôn”  ra hay không thì bảo!
Biết có cầu xin thêm nữa cũng vô ích, nỗi cay đắng đầy đến mức không còn chỗ chứa, Thuần đảo mắt quét một cái nhìn lên thân thể chú Định, cái nhìn nghề nghiệp, dùng mắt sờ nắn và đoán định chính xác độ cứng mềm của người khách lạ lần đầu tiên vào phòng với cô, trước khi họ trút bỏ quần áo. Việc ấy với Thuần quen rồi, cô chưa hề ngán bất cứ một loại đàn ông nào, từ những ông trọng lượng cơ thể nặng ngót một tạ, toàn thân thơm phức mùi rượu Tây hảo hạng, đến những thằng nghiện còm nhom, hôi hám, cả lưng, bụng, chân, tay xăm trổ vằn vện đầy những hình rắn, rết, chồn, cáo, hổ, báo, đại bàng. Thuần đổi giọng, nói rành rọt:
- Được, ông nói thế, rõ rồi! Nhưng tôi vẫn chưa tin là ông đã tuyệt tình!
Không để chú Định kịp phản ứng, Thuần bồi tiếp,  như cảnh báo với chú, đối thủ của ông ta là ai:
- Tôi làm điếm là đã tuyên thệ với mình, chấp nhận đàn ông toàn thế giới. Già, trẻ, lớn, bé, da đen, da trắng, da đỏ, da vàng. Sẵn sàng xuyên lục địa bán thân! Còn ông, đẹp tốt nỗi gì! Từ ngày đất nước mở cửa, ông sa đoạ trác táng, không từ một loại đàn bà nào, thậm chí con điên ở chợ ông cũng không tha, trở thành một loại đĩ đực, chơi gái thành thần!
Phóng những tia mắt rực lửa như muốn thiêu cháy ông chú đang loạng quạng, chao đảo,  quờ tay ra sau tìm cây cột để dựa lưng, Thuần đưa tay luồn vào áo ngực, rút ra quyển sổ tiết kiệm, quẳng lên bàn, chỗ sáng nhất:
- Đây là  hai mươi triệu! Cộng với lãi suất sáu tháng của ngân hàng!
Chú Định chộp vội quyển sổ, đưa lên sát mắt kiểm tra.
- Để có nó- Thuần gào lên- Ông có biết tôi phải vần trên bụng bao nhiêu thằng không? – Thuần vung tay xoè cả năm ngón trước mặt người chú- Năm trăm thằng! Ông biết đếm chứ , năm trăm thằng! Gấp đôi đàn ông cái làng này!
Không để người chú cảm nhận hết tầm con số, Thuần hạ giọng, dõng dạc:
- Tôi sẽ viết giấy uỷ quyền! Nó là của ông với điều kiện: ông chứng minh được chúng ta là người dưng!
Bằng một động tác thuần thục, trong tích tắc, toàn bộ quần áo trên người Thuần tuột xuống đất, loã lồ thân thể trẻ trung với bộ ngực đầy đặn của cô. Chỉ một bước, Thuần lên giường, nằm ngửa,  khép hờ đôi mắt u buồn bên sống mũi thẳng và cao như mũi Đức Mẹ, rồi duỗi thẳng cặp giò trắng như ngó cần ngay cạnh người chú đang đứng chết trân, hất hàm:
- “Của lạ” đấy! Chứng minh đi!
Chú Định ngây ra, không hiểu đứa cháu gái định giở trò gì. Sau hiểu ra mới biết mình đã lâm vào một tình huống khốn nạn. Mọi kế hoạch vạch ra để tống tiền bị Thuần bẻ sang hướng khác, đặt ông ta vào một tình thế trớ trêu. Toàn thân ớn lạnh, chú Định luống cuống lùi lại, suýt ngã ngửa, may có cái bàn chặn lại phía sau. Nhiều lần đứng trước những người đàn bà khoả thân do mua được, hay “chim” được, khi họ đã nằm trên giường, ông ta bình tĩnh và lọc lõi thoả mãn nhục dục của mình, không chút do dự. Còn bây giờ, cái thân thể trắng trẻo đầy ma lực kia là cháu ông.  Liệu có nên không khi mười tám tháng trong tù, ông ta luôn phải thủ dâm? Hai mu mắt sụp xuống, chú Định vuốt một cái nhìn trộm lên thân thể Thuần: Đây có phải là “bữa tiệc”  mà ông trời đền bù cho hơn năm trăm ngày “thiếu đói” của ông ta hay không?
Như đọc được ý nghĩ trong đầu ông chú, Thuần nheo một bên mắt, khẽ nhéch môi kiểu nửa miệng, nét mặt hết sức khinh nhờn:
- Sao, không dám bước qua ngưỡng à!  Bản lĩnh người hùng của một thời soi ếch đâu rồi!
Chú Định đảo mắt nhìn vội ra sân. Thuần giục:
- Làm đi, được hai thứ đấy! Nhất chơi lưỡng lợi. Đại lộc còn gì!
Câu nói đểu cáng mang đậm tính chuyên nghiệp kiểu đĩ điếm thị thành, sặc mùi thách đố, cá cược  của đứa cháu gái như mũi dao sắc lạnh đâm suốt vào trái tim tự tôn bề trên vẫn còn trong tiềm thức của người chú. Mặt ông nóng bừng, hai má co giật, toàn thân ông run lên, đôi môi dày mím chặt, mắt long lên trắng dã, hai tròng mắt trồi ra như hai viên đạn sắp bay ra khỏi nòng súng. Cái con nhãi ranh trời đánh thánh vật không chết,  nằm thưỡn trên giường kia, mới có mấy năm ra tỉnh, lăn lộn,  vật vã giữa trường đời, đã kịp trang bị trong mình một loại vũ khí là một chất kịch độc.”Mượn gió bẻ măng”. Ông những tưởng âm mưu của mình đã thâm độc, nhưng so với nó,  chất độc của ông ta chỉ như nọc của con ong so với chất độc của con bọ cạp!
Vứt “bẹt”  quyển sổ tiết kiệm vào mặt Thuần, chú Định cúi xuống, bốc nắm quần áo ném thẳng vào người cô.Tiện tay ông vớ cái điếu cày dưới chân bàn, vung ngược lên trước mặt Thuần, nước điếu òng ọc đổ xuống nền nhà, hôi khai nồng nặc.
- Cút! Cút ngay. Cút khỏi nhà tao! Đồ con…
Nắm chặt trong tay quyển sổ tiết kiệm, Thuần ấp vội mớ quần áo lên ngực, xộc xệch vọt ra khỏi giường. Đến bụi tre cô còn nghe tiếng  chiếc điếu cày nhảy côông côông trên nền sân gạch. Ngấm độc, chú Định gào lên, tiếng gào đau đớn, ê chề,  vang vọng trong đêm tối giữa làng quê thanh bình.
*
Sáu giờ sáng bố Thuần mới lay cô dậy. Tối qua khi thấy con gái thất thần chạy như ma đuổi từ bên chú Định về nhà, leo lên giường trùm kín chăn khóc dấm dức, dù gạn hỏi thế nào cũng không nói, ông đành bấm bụng  chờ đến sáng nay. Biết Thuần còn ngái ngủ, ông không hỏi ngay. Cả hai cứ ngồi trên giường nhìn qua cửa sổ quan sát nhà chú Định. Có tiếng kẹt cửa, chú Định từ trong nhà đi ra bờ ao, cánh tay lành xách con dao rựa sáng trắng. Bố con Thuần nghẹt thở. Họ không hiểu chú Định sẽ giở trò gì nữa. Đến bờ ao, nơi có hòn đã đá mài vốn là nửa thớt trên của cái cối xay bột bị vỡ, ngày xưa vẫn dùng xay bột cho đám trẻ của hai nhà, chú dừng lại rồi lẳng lặng phi con dao ra giữa ao. Một tiếng “chút”, con dao cắm xuống nước  theo cạnh dọc. Mặt nước loang ra vô số vòng tròn rồi yên tĩnh trở lại.
Chú Định lẹp kẹp lê dép quay vào nhà. Bố Thuần thở một hơi dài rồi quay sang cô thầm thì:
- Hôm qua con thưa chuyện với chú thế nào mà bố thấy như việc đã xong. Con cứ đi làm kẻo muộn, người ta lại đuổi việc! Thời buổi này, ở ngoài phố, có được việc làm như vị trí của con là quý lắm đấy!
Trại sáng tác Đại Lải
Tháng 8 – 2007
L.V.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét