Nhãn

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Hội viên - Ôi hội viên!

Hội viên - Ôi hội viên!

Đỗ Ngọc Yên

 
          Bạn đọc thân mến! Trong danh sách 41 hội viên mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, có những tác giả lâu nay thấy lạ hoắc với văn chương mà không hiểu sao Hội đồng thơ lại bỏ phiếu(!?). Điển hình như nhân vật xếp thứ 10 trong danh sách Hội viên thơ. Nay vì tò mò, tôi đã thử tìm trên trang tìm kiếm google.com.vn, tôi đọc được bài viết này của tác giả Đỗ Ngọc Yên, mới hiểu thơ của hội viên “mới cóng” . Nay Bùi Văn Bồng xin mời bạn đọc cùng  tham khảo để nhận rõ chất lượng kết nạp hội viên:
Tư Suối Zứa đọc trên trang Web Lê Thiếu Nhơn- có thấy gì khác ơ quê tớ đâu.
  LỤC BÁT, ÔI LỤC BÁT!
   ĐỖ NGỌC YÊN

T
rước đây tôi cứ tưởng rằng chỉ có những người quanh năm ngồi bóc lịch trong tù mới khổ. Nhưng có một lần bỗng nhiên anh bạn bảo rằng chính ông mới là người khổ nhất vì suốt ngày toàn thấy ông hết đọc lại bình thơ. Tôi ngơ ngác và sờ tay lên gáy thấy rơm rớm mồ hôi. Tuy vậy, tôi vẫn tặc lưỡi cho qua và tự mình an ủi rằng âu đấy cũng là nghiệp chướng. Đến khi đồng nghiệp dúi vào tôi tập thơ lục bát “Hát với dòng sông” của Trần Huy Tản, thì tôi cảm thấy cái nghiệp chướng sao mà nó ghê gớm đến như vậy. Cũng may mà “Hát với dòng sông” làm cho cả nhà tôi được một bữa cười no nê, đến mức ai cũng chảy nước mắt sống giàn giụa.

In cẩn thận, tốn kém và đẹp mắt là cảm nhận đầu tiên khi tôi cầm tập thơ trên tay. Về hình thức, đây là một tập sách xịn. Nếu người ta đọc thơ không cần đến nội dung và hình thức nghệ thuật của các tác phẩm thơ thì đây đích thực là một tập sách có thể làm no mắt người ngắm. Về nhạc có hai đại lão gia trong làng âm nhạc Thuận Yến và Huy Thục, lại còn có cả người từ trên trời rơi xuống nhạc sĩ Thuý Nga. Về thơ có cả chàng thợ mạ lục bát bậc 9/7 Đồng Đức Bốn viết lời giới thiệu. Anh có thể mạ vàng, bạc, đồng và cả đất sét nữa. Còn Đặng Vương Hưng, trong tập sách này anh muốn tái xuất giang hồ như một phê bình gia thứ thiệt (!?). Đặng Vương Hưng đã tỏ ra có lý khi cho rằng Hát với dòng sông như một... nồi lẩu thập cẩm! Nhưng có lẽ anh đã nhầm về nhận xét ngay sau đó: với rất nhiều thịt, cá và những món ăn ngon. Vì với người sành ăn thì một bữa ăn ngon chưa hẳn đã cần nhiều thịt cá, mà cơ bản là khâu chế biến, ở tay nghề của người đầu bếp. Thế nhưng “Hát với dòng sông”, ngoài sự tốt bụng đến mức như có thể mở hết gan ruột mình ra, thì cái nồi lẩu của Trần Huy Tản, về cơ bản vẫn là những món luộc và món chém to kho mặn ăn dè theo kiểu cỗ quê ngày xưa, rồi cho vào một nồi nước có váng nhờ nhờ mỡ và màu vàng của bột dành dành khiến người chưa có kinh nghiệm tưởng đấy là lẩu, chứ thực chất đấy vẫn là một món ăn quen thuộc thô vụng của nền kinh tế thuần nông, khiến người không thích cũng chẳng mấy ai nỡ chê, người yêu cũng không thể nào mà khen được, như bác thợ mạ bậc 9/7 kia.
Riêng điều này tôi không đồng ý với anh Đặng Vương Hưng khi anh cho rằng nhà thơ Trần Huy Tản là đệ tử trung thành nhất của hai cụ Nguyễn Bính và Bút Tre. Với cụ Nguyễn Tiên sinh, thì Trần Huy Tản là một đệ tử bậc nhất, vừa kính trọng nhất về đạo đức, lại vừa bất kính nhất về mặt nghệ thuật thi ca, luôn muốn đem theo cái mộc mạc, thôn dã còn vương vất mùi bùn đất đồng quê và cả rác rưởi nữa, nhăm nhe ngồi xổm lên chiếu thượng của các bậc thi thánh, chí ít cũng là ở hình thức thể loại trên sáu dưới tám. Còn với cụ Bút Tre, nếu số trời còn cho cụ bách niên giai lão đến hôm nay chắc cụ phải dâng lễ lên mà rằng: Trần Huy Tản con, tuy là hậu sinh, nhưng ta hãy xin con nhận cho ta ba lạy để tỏ lòng cảm phục của ta đối với các bậc hậu sinh vậy! Ta thật sự bất ngờ khi thấy con buông bút:
Tết này mẹ tôi gãy tay;
Vì con gà nhỏ nó bay qua rào...
hay
Vợ tôi không trẻ không già;
Nhưng tôi vẫn bảo vợ là nữ thôi...
rồi
Con tôi bốn đứa đàn bà
Đứa cao đứa thấp nhưng là con tôi...
Phố phường từ sáng tới chiều
Nỗi đau bày giữa rất nhiều ngã tư...
Có thể nói Trần Huy Tản viết ra những câu làm tôi thật sự ngạc nhiên, đến mức tôi tự hỏi không biết anh ta có phải là một người có vấn đề về tâm lý thần kinh hay không, nên tôi không thể có bất cứ một lời bình nào. Và nếu những câu vừa dẫn ra trên đây đích thực là thơ thì quả thật nền thơ ca Việt Nam cần phải xem lại chính mình. Phải chăng thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung không nhất thiết phải khám phá sáng tạo ra, mà chủ yếu là diễn nôm một ý tưởng nào đó hoặc giả là bê nguyên xi cái sự thật hiển nhiên, trần trụi đặt cạnh nhau sao cho có vần, êm tai, với một tấm lòng chân thật đến ngu ngơ, thì đích thị Hát với dòng sông là tập thơ khả ái nhất và Trần Huy Tản là nhà thơ sành điệu nhất vì anh làm được tất cả điều ấy ở mức hoàn hảo./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét