Rất nên quan tâm tới… lưu manh
Nguyễn Quang Lập
Mình đọc bài Rất nên quan tâm tới… lưu manh của bác Vương Trí Nhàn thấy vui vui. Bác Nhàn viết bài này vì việc giải thích của họa sĩ Phan Cẩm Thượng (ông này cũng giỏi) về sự biến nghĩa hai chữ đểu cảng và lưu manh: “Ngày xưa đi buôn, thường phải thuê người gánh hàng, một người gánh hai thúng gọi là Đểu, hai người gánh chung một thúng hoặc một kiện hàng gọi là Cáng. Dân gánh thuê Đểu Cáng thi thoảng có trộm hàng của chủ buôn, nên chữ Đểu Cáng dần mang nghĩa xấu, cũng như chữ Lưu manh – người mù đi lang thang, đôi khi cũng trộm cắp, nên chữ này cũng mang nghĩa xấu”. Bác Nhàn nói lại với PCT về chữ lưu manh, manh không phải là mù, mà là “mắt không có con ngươi, tối tăm”. Hi hi thì cũng như nhau chắc, dân mình gọi mấy kẻ mắt không có tròng đều là mù tuốt.
Nhưng có vẻ như bác Nhàn thiên về nghĩa bóng cái sự “mắt không có tròng” thì phải, bác tán chữ lưu manh từ câu thơ của Nguyễn Trãi: “Yết can vi kỳ, manh lệ chi đồ tứ tập”- (Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp) rồi bảo chữ manh là ở nghĩa ấy, hạng lưu manh “ban đầu chỉ dân lang thang vô nghề nghiệp, sau chỉ kẻ “bất vụ chính nghĩa, vị phi tác đãi’, tức là kẻ không biết chính nghĩa là gì, dám làm mọi việc phi pháp xấu xa”.
Bác viết:
“Lưu manh du đãng… ở ta đóng vai trò lớn trong các cuộc chiến tranh kể cả nội chiến lẫn chống ngoại xâm. Nhiều bộ sách cũ tôi đọc được có ghi những người theo Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận là du đãng, mà sau này Quang Trung mạnh cũng là nhờ tập hợp và phát huy sức mạnh đám người này.
Trong lịch sử Trung quốc, những Lưu Bang Hán Cao Tổ, Chu Nguyên Chương Minh Thái Tổ cũng mang đậm trong mình chất vô lại, du đãng, lưu manh. Đã có câu tổng kết trí thức chỉ làm đến tể tướng chỉ có lưu manh mới có thể làm vua.
Nhận xét ấy trong thời hiện đại được chứng nghiệm qua bộ đôi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai”.
Chết chết chết, bác phạm thượng quá, hi hi. Rồi đây thế nào cũng có người cãi bác chết thôi.
Nhưng điều này sẽ không ai cãi bác vì nó đúng, không những đúng mà quá đúng: “Trong khi các tầng lớp nhà buôn và quan lại dùng tri thức tổ chức lại đời sống thì tầng lớp lưu manh cũng xuất hiện, thâm nhập vào các tầng lớp khác. Trong xã hội hiện đại, xu thế này chi phối sự hình thành nhân cách từ người lao động đến người có học, làm họ cũng trở nên lười biếng tầm thường tàn ác vô cảm… tức là lưu manh hóa họ. Mặc dù nhiều khi mượn áo trí thức để làm dáng nhưng trong thực tế bản chất của lưu manh là thâm thù căm ghét trí thức chân chính. Và họ căm thù trí tuệ nói chung. Ở tầng lớp lưu manh khoác áo trí thức, cái lõi là vô học, bao nhiêu cái có học bên ngoài chỉ là đắp điếm thêm”.
Đấy là điều bác Nhàn cảnh báo “rất nên quan tâm đến lưu manh”. Nếu cứ chủ quan khinh địch, cao ngạo coi thường, khinh nhờn chúng nó thì thế nào cũng có ngày bị chúng nó làm cho khốc hại. Đối với trí thức, không có gì nguy hiểm bằng lưu manh. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, trí thức ít ai chết vì hòn đạn mũi tên, toàn chết vì bọn lưu manh này thôi.
Hu hu cảm ơn bác Vương Trí Nhàn đã nhắc nhở.
N. Q. L.
Nguồn: Quê choa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét